Thằng Mới
lượt xem 4
download
Tôi biết cu Mới năm 1996, khi nó đã tròn mười tuổi, tập tễnh tập đi. “Cu Mới phát triển chậm do não không bình thường” – mẹ nó thường kể như vậy. Tôi trọ ở một căn gác gỗ nằm sâu trong xóm lao động ở gần chợ Bình Tây, hàng ngày đạp xe đi dạy kèm Toán - Lý - Hóa cho mấy đứa nhỏ ở quận 5, quận 6. Mẹ cu Mới là chị Mến bán quán cóc ở đầu hẻm. Thỉnh thoảng tôi ghé quán chị Mến uống cà phê, mua gói thuốc nên quen nhau....
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Thằng Mới
- Thằng Mới TRUYỆN NGẮN CỦA LẠI VĂN LONG Tôi biết cu Mới năm 1996, khi nó đã tròn mười tuổi, tập tễnh tập đi. “Cu Mới phát triển chậm do não không bình thường” – mẹ nó thường kể như vậy. Tôi trọ ở một căn gác gỗ nằm sâu trong xóm lao động ở gần chợ Bình Tây, hàng ngày đạp xe đi dạy kèm Toán - Lý - Hóa cho mấy đứa nhỏ ở quận 5, quận 6. Mẹ cu Mới là chị Mến bán quán cóc ở đầu hẻm. Thỉnh thoảng tôi ghé quán chị Mến uống cà phê, mua gói thuốc nên quen nhau. Cùng là dân ở quê lên Sài Gòn vất vả kiếm sống nên chúng tôi dễ thân nhau. Có lần chị thở dài nói với tôi: - Phải chi cu Mới học được, chị cũng nhờ cậu kèm cho cháu! Tôi vui vẻ trả lời: - Dạy cho thằng Mới em không lấy tiền, cứ cà phê thuốc lá trừ dần cũng được! Tôi thường dậy sớm đi bộ thể dục. Năm giờ ra đầu hẻm là đã gặp chị Mến tất bật dọn hàng. Dưới ánh đèn đường vàng khè, hay khi mưa lâm thâm, chị cần mẫn quét sạch đoạn vỉa hè, tát cạn mấy vũng nước nhỏ rồi lụi cụi nhóm bếp dầu nấu nước pha cà phê, sắp xếp mấy bộ bàn ghế nhựa móp méo ra hè phố. Thằng Mới cũng được mẹ lôi ra hiện trường vì để ở nhà không ai quản. Nó đã cao gần bằng mẹ, đi khá vững, hở ra là phá phách. Lúc bận bịu với công việc, chị cho nó ngồi vào cái ghế nhựa rồi lấy dây vải cột hai cổ tay nó vào hai tay vịn của ghế. Mới ngọ nguậy trên ghế với cái đầu tóc trụi lũi, hai chân khẳng khiu thò ra ống quần đùi cứ khua khua lên trời. Mới bị câm nhưng không điếc, thỉnh thoảng chị Mến lại nhắc nhở nó ngồi im, Mới trả lời bằng cách hướng mắt về phía mẹ rồi hú lên một hồi dài…
- Tập thể dục xong tôi quay về thì trời đã sáng bảnh, thấy chị Mến đã dọn hàng xong, đang cho con ăn sáng. Chị thường đút cơm tấm, bánh canh, bún, phở… cho nó. Vừa đút chị vừa quát tháo bắt nó nuốt. Thằng Mới cũng phồng mang trợn mắt phản ứng, tay bị trói trên ghế cứ vặn vẹo đầu để tránh cái muỗng của mẹ ép đưa vào mồm nó. Nước mắt nó chảy ràng rụa vì cứ phun thức ăn ra bị mẹ đánh. Có hôm chị Mến vừa thương, vừa giận con nên cũng khóc theo. Tiếng khóc của chị rấm rức, tiếng khóc của đứa con tật nguyền nghe như tiếng tru u uất. Nước mắt của mẹ, nước mắt của con cùng rơi lã chã vào dĩa cơm, tô bún… Bữa ăn hóa thành cuộc tra tấn đau đớn! Tôi tốt nghiệp cử nhân toán đại học Tổng hợp, ra trường đã mấy năm vẫn thất nghiệp vì không có hộ khẩu thành phố chẳng cơ quan nào nhận. Thậm chí xin dạy toán cấp hai cũng bị từ chối với lý do không được đào tạo sư phạm. Tôi đành sống lây lắt với công việc dạy kèm tương lai mờ mịt. Có những chiều mưa, tôi ngồi bó gối trên căn gác xập xệ, chật chội, buồn rũ rượi. Có đêm mất ngủ thao thức đếm thời gian trôi qua như đếm ước mơ và tuổi xuân đang cạn dần của mình. Có trưa hè oi bức cởi trần nằm phơi thân còm dưới mái tole hầm hập, thấy đời chán khủng khiếp. Có lúc nhớ tới những đứa bạn học hành lười biếng dốt nát, nhờ chạy chọt, thân thế, giờ vênh vang chức phận, thấy bất công vây bủa. Lúc nghĩ đến những nhọc nhằn, buồn bã trong nghề gia sư, lại càng muốn… tự tử! Tóm lại tôi là kẻ từng học như điên để rồi khổ như điên, khổ triền miên, nặng trĩu ưu phiền…! Thế nhưng cứ mỗi sớm mai thức dậy đi ra ngõ, nghe tiếng chổi tre quét vỉa hè của chị Mến, thấy cu Mới ngọ nguậy như muốn bứt phá khỏi số phận tật nguyền… tôi lại hãnh diện, sung sướng vô cùng với thân thể tuy ốm nhưng khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và nghề gia sư vừa nhàn nhã, vừa oai hơn đời trà đá, cà phê cóc của chị Mến. Tôi chợt nhận ra mẹ con chị Mến cần thiết cho tôi, cho những người như tôi, cho cuộc đời này biết mấy! Nếu không có thảm cảnh của họ, tôi đâu biết mình hạnh phúc, đâu thấy mình may mắn và cuộc đời này chỉ còn lại toàn những tủi thân, ai oán vì tham lam, ghen tỵ, so đo… Chị Mến ước mơ con trai được lành lặn tâm trí để học tôi, còn tôi lại âm thầm được nó dạy
- cho câu kinh điển của ông bà xưa: “Nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình!” * * * Mười ba, mười bốn tuổi; Mới háu ăn, lớn nhanh như thổi, dung mạo cũng đẹp dần lên. Mười chín tuổi, nó cao gần mét chín, nặng hơn tạ. Nhìn nó tôi lại tủi thân với cơ thể mét sáu, năm mươi hai ký lô của mình. Bây giờ không chiếc ghế nhựa nào nhốt được thân hình to lớn của nó. Chị Mến phải mua một sợi dây dù to như ngón tay cái, một đầu cột ngang bụng nó, đầu kia cột vào trụ điện ngay chỗ bán hàng của chị. Dây dài ba mét, Mới quanh quẩn trong bán kính đó, đi chán thì ngồi phệt xuống tấm chiếu mẹ trải trên vỉa hè. Nó ngồi xếp bằng, to lớn dềnh dàng, đầu cũng trọc lóc như ông phật di lặc sống. Tôi nhâm nhi ly cà phê, ngắm nó, nghĩ ra đủ chuyện. Nếu trí óc phát triển tương xứng với cơ thể, Mới đã là một sinh viên nổi bật giữa trường đại học với thân thể cao to, đẹp trai, bao nhiêu cô gái phải mơ ước. Mới cũng có thể là tuyển thủ bóng rổ, bóng chuyền hay nhân tài thể thao, làm vẻ vang đất nước. Nếu Mới sinh trước vài trăm năm, không chừng đã thành một dũng tướng “hộ quốc an dân” đi vào sử sách và con đường đông đúc xe cộ mà nó suốt ngày chà lết trên vỉa hè này đã được đặt tên nó. Nếu Mới sinh chậm một trăm năm, biết đâu nó là người Việt Nam đầu tiên được cử lái phi thuyền bay lên một hành tinh có sự sống để đàm phán với đại diện nền văn minh xa lạ nào đó. Nói chung là rất nhiều viễn cảnh tươi sáng cho một siêu nhân. Nhưng Mới chỉ có cái thân bồ tượng ngày càng to lớn thêm nữa, ngày càng để mẹ phải vất vả nuôi nấng hơn nữa trong lúc “bộ chỉ huy” vẫn như lúc mới chào đời. Nó cứ muốn giải thoát khỏi trụ điện bằng cách dùng sức vóc lôi kéo cho đứt sợi dây trói buộc mà không thể biết điều đơn giản là dùng mấy ngón tay tháo nút buộc rất nhẹ nhàng. Nhìn Mới hậm hực, gầm gừ muốn níu cho đứt sợi dây, tôi ước nó có một chút xíu trí tuệ. Nhưng ước điều đó ở Mới còn hơn đòi hỏi có một cái thang leo lên tận trời xanh! Có hôm phần dây cột vào trụ điện bị Mới co kéo mãi, mòn dần rồi đứt phựt. Mới cầm cọng dây cười khoái trá. Nhìn bộ dạng và ánh mắt hí hửng đó, tôi biết Mới đang muốn
- khoe khoang thành tích, đang rất tự hào với chiến công vô nghĩa của mình! Lúc đó chị Mến đang bưng nước cho khách hàng ở xa nên chưa về kịp. Tôi cũng không đủ can đảm để xáp vào cột Mới trở lại. Thế là cu cậu kéo sợi dây lòng thòng, cắm đầu lao chạy vào con đường nườm nượp xe cộ. Tôi biết như thế là rất nguy hiểm cho Mới nên quíu lên la lô bà con xung quanh giúp đỡ, giữ nó lại. Nhưng chẳng ai dám tới gần nói gì đến việc ôm tay ôm chân nó. Tôi lẽo đẽo chạy theo với hy vọng Mới nhận ra tôi để giảm bớt phá phách. Mới lững thững đến trước một cửa hàng bán đồ thờ bằng gốm sứ. Trong tủ kính lớn, đèn rực rỡ là những bức tượng Đức mẹ Maria, Đức chúa Jesu, Quan âm bồ tát, Đức phật, Thánh Quan Công… nhập từ Trung Quốc về, rất sang trọng, đẹp đẽ. Mới nhìn chăm chú, cười hề hề rồi chộp một bát nhang ném vào tủ. Cái bát nhang bằng sứ dày cui, nặng trịch được sức vóc khổng lồ của Mới ném vào gây tiếng va đập khủng khiếp với mặt kiếng làm cả cái tủ lộng lẫy, sáng choang trong chớp mắt chỉ còn là đống đổ nát. Phật, Chúa cùng các Đức thánh đều bị bạo lực vô thần của Mới làm cho ngã nghiêng, biến dạng, mất vị thế... Người trong cửa hàng tròn mắt, rú lên thất thanh rồi xách gậy ra vây đánh Mới. Mới mặt quần đùi, cởi trần bị mấy người đàn ông vụt gậy vào người. Nó ôm vết thương nhăn nhó rồi bỗng hóa hung dữ gạt, đập, đá túi bụi. Đối thủ của Mới lớp té lăn quay, lớp xịt máu mũi, sưng đầu, gãy tay… người đi đường xúm vào coi đông như kiến. Tôi chen vào đám đánh nhau la thật to: - Nó bị điên, đừng đánh nó tội nghiệp! Ông chủ tiệm mập ú nắm cổ áo tôi: - Con của ông phải không? Đền cho tôi đi… mỗi bức tượng ba triệu đồng, bể mấy tượng đền mấy tượng! Thằng Mới đứng gần đó bất ngờ hú lên rồi lao đến xách cổ ông mập giật ra khỏi tôi. Nó khỏe quá nên ông mập bị quăng theo tay nó văng xa, va đập vào đám người tò mò đứng thành vòng tròn. Ông mập nằm luôn, được mọi người đỡ lên, ông lại rũ xuống… Tôi nhìn cu Mới bằng ánh mắt biết ơn. Chị Mến cũng vừa hớt hải chạy đến. Chị la lên:
- - Mới! Quỳ xuống… Mới đang hung hăng là thế bỗng lật đật quỳ xuống, khoanh tay trước ngực, cúi đầu ngoan ngoãn. Đám đông vỗ tay hoan hô cứ như họ đang ở trong rạp xiếc tán thưởng cho nghệ sỹ nhỏ bé khuất phục được thớt voi hung dữ! Công an phường cùng với dân phòng rầm rập đến. Biết thủ phạm bị tâm thần, vị thiếu tá chỉ huy khuyên ông chủ tiệm vừa hồi tỉnh : - Nên nuôi vài con chó berger, bọn điên không sợ người, chỉ sợ chó! * * * Đối diện với chỗ chị Mến “giam cầm” thằng Mới có một cây si rễ phủ lòa xòa như ông râu dài khốn khổ. Thằng Mới cứ chỉ tay vào cây ú ớ, ú ớ… Chuyện đó chẳng ai quan tâm. Cho đến một ngày, có bà đồng cốt xiêm y diêm dúa, mồm nhai trầu chóp chép dẫn theo mấy người nhận là Việt kiều ở Mỹ về. Bà đồng cầm nắm hương chỉ vào sát gốc si, mấy “cửu vạn” đi theo gia đình Việt kiều lao tới vung cuốc xẻng đào bới. Họ nhặt vài cái cúc áo bằng nhựa xanh, tấm thẻ bài bằng inox vẫn nguyên vẹn, cùng với một ít đất mùn đen được đưa vào tiểu sành… Gia đình Việt kiều thắp hương quanh hố đào rồi lớn nhỏ quỳ khóc. Tôi đang uống cà phê quán chị Mến, tò mò băng qua đường đứng xem cùng nhiều người khác, nhìn cái tiểu sành bọc trong vải đỏ thấy ngậm ngùi. Đại diện chính quyền địa phương cũng có mặt. Dân tộc này còn giữ được nhân tính khi ông ấy không gây khó dễ, chỉ khuyên gia đình làm nhanh rồi hoàn thổ. Có mấy anh nhà báo sốt sắng đến cùng máy quay, máy ảnh. Đến rồi tiu nghỉu ra về vì đây là cuộc tìm mộ tử sĩ của “phía bên kia”, không đưa tin được như tìm mộ liệt sỹ “của ta”! Quay trở lại với ly cà phê đang uống dở, tôi nói với chị Mến: - Thằng Mới giúp cho cây đa đó có ma! Chị Mến cãi lại: - Ma có sẵn, Mới chỉ giúp cho người ta biết ở đó có ma!
- Tôi không muốn tranh luận với chị, chỉ ngẫm nghĩ trong đầu: “Thằng Mới thấy “ức phách” của bên này mà không thấy “oan hồn” của bên kia. Cùng máu đỏ, da vàng cả; đào lên chỉ nước mắt với khói hương. Tất cả đã là dĩ vãng, bên trọng bên khinh để làm gì?” Tôi tiếp tục nhâm nhi ly cà phê đắng chát, bỗng chị Mến rú lên hãi hùng. Tôi nhìn vào thằng Mới thấy cái bụng phơi trần của nó máu đang phụt ra thành vòi. Tôi vội đứng lên, hất đổ cả cái bàn với ly cà phê. Trên tay Mới đang cầm một mảnh sắt rỉ sét, nó vừa cứa vừa đâm thứ đó vào chính mình cho đổ máu. Chị Mến la lên: “Vất đi!”, “Vất đi!”… thằng Mới để rơi mảnh sắt đẫm máu xuống đất. Tôi nhặt lên ngắm nghía, thấy đó là phần
- mũi của cây mác, lưỡi lê, dao găm hay lưỡi kiếm gì đó. Mới đã đào bới chỗ nó ngồi và nhặt thứ đáng sợ ấy lên để cắt vào da thịt mình. Chị Mến la toáng: - Cậu giúp chị đưa nó vào nhà thương! Tôi lấy cái xe máy Tàu mới tậu được chở hai mẹ con. Vừa lái xe vừa rùng mình khi nghĩ thằng Mới ở sát sau lưng có thể giở chứng. Cũng may Mới ngồi im như đang tận hưởng cảm giác đau đớn! Mới được nhập viện, chị Mến nhờ tôi trông chừng nó để chị về dọn quán, lấy quần áo và mấy thứ thiết yếu cho nó. Thằng Mới được bác sỹ tiêm thuốc đang ngủ say sưa. Tôi đứng bên cạnh giường bệnh với hai tay đầy máu, sau lưng cũng ướt nhẹp vì máu nó. Tôi nhớ đến mảnh sắt gây ra chuyện kinh hoàng này. Có thể đây là phần lưỡi kiếm của phát xít Nhật, thực dân Pháp; có thể là dao găm, lưỡi lê của quân Mỹ, hay của những sư đoàn Đại Hàn, Úc, Thái Lan, phi luật Tân, Tân Tây Lan… mang vào chống cộng sản. Nó cũng có thể là lưỡi mác từ thời Nam Bộ kháng chiến hoặc là “ân tình” từ Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari… viện trợ để đánh đế quốc Mỹ. Ai thiết kế ra nó giỏi quá, có cả răng bén để cứa, mũi nhọn để đâm và rảnh xẻ dọc để máu phun ra cho nhiều…! Thằng Mới bỗng cục cựa, mở choàng hai mắt rồi chống tay ngồi nhổm dậy. Tôi ra hiệu bảo nó nằm xuống, nó nhe răng cười. Bất ngờ nó hất tấm chăn đắp rớt xuống giường, dùng mấy ngón tay xé băng trên bụng, banh vết thương, cười hả hê đắc chí. Tôi rùng mình… Muốn thét lên “Trời ơi!”… Muốn khóc nức nở… Muốn khụy xuống cắn môi xót xa… Thằng Mới đã đào bới nhặt lại “tàn tích lịch sử” để gây thương tích cho chính mình; rồi lại lần một, lần hai, lần n… n+1 banh vết thương tóe máu, đau xót, nặng nề ấy ra để tự thỏa mãn!
- Nó điên trong giấc mộng muốn làm điều phi thường! Nó sướng trong nỗi sợ hãi của người chứng kiến! Nó cứng rắn đến mức tàn nhẫn! Nó hoang sơ đến bất nhân tính! Tôi quỳ xuống chấp tay lạy nó, van xin nó dừng lại trò chơi hãi hùng… - Cậu làm gì bò ra sàn nhà vậy? Chị Mến vừa đẩy cửa vào, tôi luống cuống vờ vịt: - Em rớt đồng bạc cắc, nhưng tìm được rồi… Thấy vết thương trên bụng thằng Mới đang chảy máu, chị la toáng lên: - Bác sỹ băng bó cho mau lành, sao lại xé băng ra hử? Mới lấm lét nhìn mẹ rồi ngoan ngoãn nằm xuống giường… * * * Chị Mến đổi cách quản lý thằng Mới. Chị dẹp quán cóc, nhận làm “cửu vạn” chuyển hàng cho các sạp trong chợ. Mỗi khi có xe tải chở hàng đến, chị chỉ cho thằng Mới cách đưa hàng trên xe tải xuống xếp vào xe hai bánh kéo tay. Thằng Mới nghe lời mẹ răm rắp, làm tốt công việc. Sau đó nó được mẹ chỉ cho cách nắm hai càng sắt của xe, kéo đi. Chị Mến cột sợi dây dù ngay bụng Mới, dắt nó đi theo các lối nhỏ hẹp, vòng vèo trong chợ. Gặp chị, tôi nói đùa: - Giống hệt cảnh người dắt con bò kéo xe! Chị quệt mồ hôi cười méo xệch: - Nó khỏe lắm, nhưng buông dây là đi lạc ngay. Phải chi nó tự đi một mình được, chị lại quay về với quán cóc! Tôi tiếp tục đùa:
- - Làm thế tiền để đâu cho hết? Chị lắc đầu chán chường: - Hôm bữa chị sơ ý không giữ chặt dây, nó kéo cái xe bang luôn vào sạp hàng bán gia vị, đổ bể tùm lum; đền hết hơn hai triệu đồng, bằng công kéo xe của mẹ con cả tuần. Nhưng thôi kệ, còn hơn phải nhìn cảnh nó bị cột vào trụ điện rồi tự rạch bụng mình! * * * Từ nhà trọ của tôi đến nơi mẹ con chị Mến thuê ở không quá trăm bước chân, quen nhau mười lăm năm, chị mới mời tôi thăm nhà. Căn phòng nhỏ xíu, mỗi bề chưa đến hai sải tay nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Tôi tháo saldals để ngoài cửa, gọi to: - Chị Mến ăn cơm tối chưa? - Chị ăn rồi, mới gội đầu xong, vào đi cậu! Chị đang ngồi trên chiếu trải dưới đất,mở quạt vù vù để hong tóc, tôi cũng ngồi xuống đối diện, hỏi: - Thằng Mới đâu? - Ăn tối xong nó ngủ rồi… Bây giờ tôi mới nghe tiếng gáy rền rền của Mới vọng từ trên gác xuống. Chị Mến dừng sấy tóc, vào bếp lấy ra dĩa dưa cải, xâu nem với dĩa khô mực nướng sẵn, bỏ trên mâm bưng ra đặt xuống chiếu. Chị đẩy chai rượu đế với hai chén hạt mít về phía tôi: - Cậu rót rượu đi! - Chị uống được mấy ly? - Đủ để theo cậu… - Nay là dịp gì mà chị rủ nhậu vậy? - Mừng thằng Mới tròn hai lăm tuổi… nó mà bình thường thì lấy vợ được rồi!
- - Em bốn mươi ba chưa lo, nó mới tí tuổi chị lo gì! Uống hết chén thứ ba, trời bỗng mưa gió dữ dội rồi mất điện. Tôi lấy “di động” ra soi đường cho chị tìm nến đốt. Cây nến nguyên vẹn cao ngồng cắm trên đít cái dĩa úp xuống mâm. Ánh nến lung linh làm căn phòng trở nên mộng mị với hai cái bóng vật vờ trong tiếng gió mưa đập vào mái tole rào rạc. Chị Mến dáng dỏng cao, mặc đồ bộ sát nách tím nhạt, mái tóc dài xõa xuống tận lưng, mặt hồng lên dưới ánh nến huyền ảo làm tôi buộc miệng: - Sao hôm nay chị đẹp quá vậy? Chị bụm chén rượu bé nhỏ trong hai bàn tay, thở dài: - Bốn mốt tuổi rồi còn đẹp nỗi gì! - Sao? - Sinh thằng Mới lúc mười sáu tuổi, nay nó hai lăm thì mình bốn mốt - Nhỏ hơn… tôi hai tuổi, vậy mà lâu nay bắt tôi gọi bằng chị? - Không có hạnh phúc thì người ta chỉ mong mau già, khai thêm tuổi để được già! - Sao Mến lấy chồng sớm vậy, ba thằng Mới đâu? - Mến chẳng có chồng mà Mới cũng chẳng có cha… Mến bật khóc, thả ly rượu xuống chiếu lăng lốc, bụm mặt khóc … “Nhà Mến ở vùng biên giới Tây Ninh, bên kia cánh đồng mênh mông là xóm làng Campuchia với những mái nhà lô nhô dưới tán lá thốt nốt. Ba má Mến ở chung với ngoại, trồng mía với thuốc lá. Một buổi trưa lúc Mến sáu tuổi, ngoại rủ: - Đem cơm cho ba má con… Ngoại xách cái giỏ đệm, đội nón lá; Mến cũng đội cái nón tai bèo lon ton chạy theo. Đi gần tới ruộng mía, Mến đạp phải gai nên hai bà cháu lủi vào một bụi chuối nương nhờ bóng mát để lể gai. Bà vừa dùng kim băng khều được gai ra, cháu còn nhăn nhó xuýt xoa
- thì đám mía phía trước mặt có tiếng la hét hãi hùng. Những bà con trong xóm đang làm cỏ mía chung với ba má Mến túa chạy hoảng loạn… la thất thanh: - Miên qua giết người bà con ơi!... Sau lưng họ là những gã đen sậm mặc quần đùi, cởi trần, quấn khăn rằn trên đầu đang cầm súng rượt đuổi. Những tiếng nổ kinh hoàng vang lên, những người đang chạy lần lượt ngã sấp, giãy giụa… Ngoại vất luôn giỏ cơm, ôm Mến bỏ chạy về làng, sau đó cùng đoàn người chạy giặc chạy luôn về thị trấn. Mấy ngày sau bộ đội đuổi hết bọn ponpot, đón bà con về lại làng cũ. Nhà của ngoại bị giặc đốt rụi chỉ còn cái nền đen thui; trong vườn toàn xác người sình lên với ruồi nhặng. Ngoài ruộng cũng toàn xác chết, ngoại được các chú bộ đội giúp tìm được xác của ba má Mến mang về chôn trong vườn… Sau cái ngày hãi hùng với cả ngàn người bị giặc giết bằng súng bắn nát cả thân, bằng cuốc bổ lên đầu… Chiến tranh không quay lại vùng biên này nữa. Trong căn nhà tranh lá dựng lại giờ chỉ còn hai bà cháu thui thủi sống với nhau. Mười một, mười hai tuổi Mến đã đi làm mướn kiếm cơm phụ ngoại. Lúc đi róc mía, lặt lá thuốc, lúc nhổ đậu phộng. Năm Mến mười bốn tuổi, ngoại đang vo gạo ngoài giếng trúng gió ngã lăn ra chết. Ngoại được chôn cạnh mộ ba má, Mến sống một mình. Rồi cái đêm hãi hùng đến, Mến đang ngủ một mình thì có hai bóng đen to lớn đến bịt mồm, cướp đời con gái… Mến nằm khóc suốt mấy ngày bỏ ăn, bỏ uống trong lúc các chị, các dì trong xóm đến rưng rưng chăm sóc cho Mến. Một hôm, Mến được mời lên công an huyện…” Mưa tạt, Mến dừng câu chuyện đi ra lấy đôi saldals của tôi vào để đóng cửa. Mến trở vào ngồi cạnh tôi, bất ngờ đặt bàn tay lên đùi tôi rồi ghé sát thì thầm vào tai tôi: “ - Mến có việc trọng đại muốn nhờ anh, chỉ mình anh giúp được…” Mùi thơm dịu dàng từ tóc, từ da mặt, từ hơi thở ấm nóng của Mến làm tôi nao nao mơ màng, cánh tay trần trắng nõn quàng qua trước bụng lôi tôi sát vào cặp mắt long lanh ươn ướt của Mến. Bao nhiêu năm nay tôi chỉ thấy Mến lầm lũi với cái khăn cột che tóc che cổ che tai, nón lá đậy nửa mặt và nhiều lớp quần áo lụng thụng, xấu xí, hai bàn tay luôn đeo găng đập nước đá, kéo xe… Không ngờ bên trong cái vẻ lam lũ, bương chải vất vả ấy là một nhan sắc quyến rũ, tinh
- khôi, đài các. Tôi run bắn lên khi Mến áp vào môi và cặp sừng bò mềm mại dễ thương dịu dàng đẩy tôi vào trạng thái bồng bềnh, chơi vơi…. Tôi qúiu lên tìm kiếm… Tôi vùng vẫy thỏa thích với mênh mông tuyết trắng… Tôi lặn thật sâu vào đại dương ngờm ngợp sóng vỗ… Tôi buông thả theo những dìu dắt vô hình… Mưa vẫn quất rào rạc lên mái tole, tôi nhắm nghiền mắt thấy trên mặt mát rượi, bốn bề nước tràn ngập, hai chân rợn buốt hòa điệu với mưa… Mến lặng lẽ thắp lại ngọn nến, thầm thì hỏi tôi: - Anh có nhớ chuyện em nhờ vả không? Tôi vẫn chưa nguôi, vẫn mơn man trên cánh tay để trần đẹp như thỏi ngọc dưới ánh nến ấm áp. Mến chặn cơn mơ của tôi với câu hỏi lặp lại. Tôi đã tỉnh táo, âu yếm vuốt bàn tay Mến nửa đùa nửa thật: - Mến muốn giúp thằng Mới có thêm em cho vui? Mến lắc đầu, tôi lại ghẹo: - Mến đẹp lắm rồi đâu cần phải giúp… hồi xuân. Mến hất tóc qua vai, mím môi tỏ cương quyết: - Anh phải giúp thằng Mới được… một lần làm đàn ông! Tôi đang suy nghĩ cố hiểu, Mến thả từng lời mơ hồ: - Nhưng phải là chỗ sạch sẽ, an toàn và một cô gái trẻ đẹp biết tôn trọng nó, dù chỉ là ăn bánh trả tiền trong chốc lát! Tôi sững sờ… Mến tháo khâu vàng trên ngón tay đặt vào tay tôi:
- - Anh cứ dùng hết cho nó được thoải mái. Em không còn gì để tạ ơn anh ngoài chút tình mà anh vừa nhận. Ai cũng sợ thằng Mới, chỉ mình anh hiểu và thương nó nên em nhờ anh! Tôi bàng hoàng hụt hẫng, nãy giờ tôi cứ tưởng Mến yêu tôi, đã thầm cảm ơn Mến sắp đặt đêm tân hôn hơn cả thiên đường. Nào ngờ… Tôi ôm choàng lấy Mến nghẹn ngào: - Sao lại đối xử với anh như người xa lạ vậy, mình đã là vợ chồng rồi mà? Mến gục vào vai tôi khóc nức nở… * * * Tôi dắt xe máy ra cổng trường Chu Văn An - nơi đã ký hợp đồng cho tôi dạy toán khối lớp 9 hơn ba năm nay. Ông bảo vệ đưa cho tôi lá thư, tôi có linh tính kỳ lạ nên vội cất xe, cầm lá thư đến ghế đá sân trường ngồi đọc… “Anh yêu thương của em! Em không biết chữ nên phải ra dịch vụ bên hông bưu điện chợ Lớn thuê người ta viết thư này. Em biết anh rất thương mẹ con em, nhưng một người có học thức như anh không thể mãi mãi chịu khổ vì mẹ con em. Anh làm vậy là bất hiếu với công ơn của cha mẹ. Em trả nhà trọ, dẫn thằng Mới đi rồi, đi thật xa, anh đừng tìm làm gì! Hãy cưới một cô vợ học thức xứng với anh…” Tôi nghẹn đắng trên cổ, tay run rẩy không cầm nổi bức thư, mồ hôi túa khắp thân thể đang co giật vì xúc động dữ dội. Tôi há mồm cố nuốt thật nhiều dưỡng khí để bình tĩnh đọc tiếp… “Ba tháng sống với anh là hạnh phúc lớn nhất mà trời phật đã ban cho em. Anh là người đàn ông đầu tiên, duy nhất sau mất mát tuổi mười lăm của em. Mười lăm năm qua, ngày nào em cũng cầu nguyện cho anh ghé lại để em pha một ly đen thật ngon, để được nhìn thấy nụ cười hiền hậu của anh, để ngắm anh nhả khói thuốc lên trời. Vậy
- mà khi gặp rồi lại cứ phải nghiêm nghị giả tạo, cứ phải xưng chị với anh, cứ phải làm cho mình già đi, xấu đi. Nhiều lúc muốn tỏ lòng, lại sợ anh cười chê… Đêm đó em định nhờ anh dắt thằng Mới “đi làm đàn ông” xong, ngày một ngày hai mẹ con em sẽ ra đi. Đi để xa anh, quên anh. Nhưng anh đã mang đến hạnh phúc quá sức tưởng tượng cho cuộc đời lớn lên từ trẻ mồ côi đầu đường xó chợ như em. Em ước suốt ngày đêm không xa anh, dù chỉ một phút. Muốn mãi mãi làm người vợ hiền chăm sóc cho anh. Nhưng phước phần của em chỉ đến đó. Sau chuyến anh về quê trở lại với những ưu phiền, em đã hiểu mình không thể mãi mãi bên nhau khi gia đình anh chê em không xứng. Mẹ con em ra đi để anh không mất gia đình, không mang tội bất hiếu. Anh sẽ không bao giờ tìm được em đâu, đừng tốn công vô ích! Em kể tiếp cho anh câu chuyện dở dang của đêm đó. Công an huyện đã cho em ngồi trong phòng kín, nhìn qua kẽ hở tấm màn để em nhận diện hai tên đã cưỡng hiếp em trong số hơn mười nghi can họ đưa về. Em không làm được việc đó vì chúng đến trong đêm tối và em hãi hùng nhắm mắt. Em nói với mấy chú công an: - Họ bịt miệng nhưng không bịt mũi cháu. Cháu nhớ mùi của họ. Công an bắt những người tình nghi úp hết mặt vào tường, rồi cho em đi sát sau lưng từng người. Em đã tìm ra chính xác hai tên đó nhờ cái mùi ác rất khác lạ của chúng. Chúng đã nhận tội nhưng em không dám nhìn mặt chúng. Mấy chú công an bảo đó là hai tên người nước ngoài… Em kể với anh câu chuyện cuối cùng để nhẹ lòng ra đi. Đồ đạc của anh vẫn còn nguyên trong nhà trọ; chỗ chúng mình cất tiền vẫn còn một ít để anh trả tiền trọ tháng này giúp em. Em mua thêm cho anh hai bộ đồ mới để anh đi dạy, một cây thuốc lá loại anh thích. Nhưng anh đừng hút nhiều hại cho sức khỏe…” Tôi gấp lá thư đút vào túi áo rồi phăm phăm bước vào phòng hiệu trưởng. Tôi xin nghỉ dạy vô thời hạn rồi tất bật về nhà thu xếp lên đường quyết tìm mẹ con Mến. Trời đất bao la, nhưng tôi tin ơn trên sẽ giúp tôi tìm được nàng - số phận chịu nhiều nghiệt ngã của chiến tranh và là mẹ đẻ của thằng Mới…
- 06.2.2012
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Hoàng thành Thăng Long Di sản văn hóa muôn đời
9 p | 382 | 96
-
Truyện ngắn Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương: Phần 2
341 p | 100 | 20
-
Bài giảng Hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Việt Nam: Phần 2
84 p | 38 | 19
-
Cách thí quân thủ thắng: Phần 1
82 p | 87 | 18
-
Giới thiệu về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Tập 2): Phần 1
50 p | 88 | 17
-
Tìm hiểu vẻ đẹp tiềm ẩn Việt Nam - 99 danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam: Phần 2
232 p | 46 | 7
-
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh tại di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
16 p | 19 | 6
-
99 danh thắng việt nam: phần 1
218 p | 59 | 6
-
Tháng Tư, mang anh đi cùng gió
5 p | 69 | 5
-
Nghiên cứu giá trị môi trường và giải pháp bảo vệ di sản ruộng bậc thang tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
9 p | 13 | 5
-
30 Ruộng bậc thang tuyệt đẹp
4 p | 88 | 4
-
Thằng Hiếu
5 p | 77 | 3
-
Ba Thằng Xích Lô
2 p | 99 | 3
-
Nhân tình tháng sáu
4 p | 65 | 3
-
Giáo trình Hệ thống di tích và danh thắng Việt Nam (Ngành: Quản trị lữ hành - Trình độ Trung cấp) - Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
37 p | 6 | 2
-
Đánh giá mối quan hệ giữa sức bền và chức năng thăng bằng tĩnh của nam học viên học môn Bơi ứng dụng vũ trang tại Học viện An ninh Nhân dân
3 p | 7 | 1
-
Du lịch di sản văn hóa ruộng bậc thang tại Đông Nam Á và bài học kinh nghiệm cho phát triển du lịch ở điểm đến ruộng bậc thang Mù Căng Chải
14 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn