intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thiên long bát bộ (bản mới)

Chia sẻ: Dongthao_1 Dongthao_1 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:1941

280
lượt xem
90
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Truyện Thiên long bát bộ (bản mới) là một truyện khá đặc sắc được gửi đến bạn đọc trên trang TaiLieu.VN, một câu chuyện đầy màu sắc võ hiệp nhưng lại bao trùm trong không gian khá lạ lẫm và đầy huyền ảo. Truyện là một truyện kiếm hiệp khiến độc giả không thể không bị chìm vào tùng chương, từng chương truyện. Mời các bạn cùng đón đọc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thiên long bát bộ (bản mới)

  1. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Tác giả: Kim Dung Thể loại: Truyện Kiếm Hiệp Dịch giả: Nguyễn Duy Chính Website: http://motsach.info Date: 07-December-2012 Trang 1/1.941 http://motsach.info
  2. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Lời Nói Đầu - Sau khi hỏi ý kiến độc giả, một số đông đã đề nghị chúng tôi dịch bộ truyện Thiên Long Bát Bộ. Bộ truyện này cùng với Lộc Đỉnh Ký là hai bộ truyện dài nhất của Kim Dung. Bản chúng tôi dịch là bản đã được sửa chữa, tái bản lần thứ hai do Viễn Ảnh công ti tại Đài Bắc ấn hành tháng 8 năm 1981 bao gồm 5 quyển, 50 chương, 2124 trang. Người ta vẫn bảo rằng Thiên Long Bát Bộ là truyện nhiều tình tiết nhất, đông nhân vật, mỗi vai có một đặc tính riêng không người nào giống người nào và có đến năm sáu người có thể coi như vai chính. Tuy thế, trong khi còn đăng tải trên mặt báo, Thiên Long Bát Bộ cũng đã gây ra nhiều mâu thuẫn, đặt ra nhiều câu hỏi cho độc giả và nhiều đoạn không có câu trả lời. Do đó, bộ truyện này đã được Kim Dung sửa đổi nhiều chi tiết, mặc dầu nội dung không khác nhưng đã tạo nên những nét chấm phá mới khiến cho nó được xếp vào một trong những kỳ thư của nhà văn Hương Cảng. Theo Trần Thế Tương, một học giả quá cố Trung Hoa mà Kim Dung rất kính trọng, Thiên Long Bát Bộ là một bộ truyện phải đọc đi đọc lại từ đầu chí cuối nhiều lần mới thấy hết được cái hay của nó. Những lời phê bình của học giả này đã được Kim Dung coi như là nói lên được tâm sự của ông và chính vì thế, Thiên Long Bát Bộ có thể nói là một bộ truyện mà Kim Dung rất tâm đắc. Trần tiên sinh là người duy nhất được Kim Dung đề tặng trong bản mới lần in thứ hai này, một biệt lệ cho bất cứ tiểu thuyết nào của Trung Hoa. Cũng như Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung đã dụng công để đặt đề tựa cho mỗi chương thành một câu trong một bài thơ. Bộ Thiên Long Bát Bộ bao gồm năm bài thơ, mỗi bài mười câu nhưng Ỷ Thiên Đồ Long Ký theo lối ca trù (Bá Lương Đài thể) còn Thiên Long Bát Bộ thì là năm bài, mỗi quyển một bài theo lối từ. Kim Dung tiên sinh tự nhận rằng mình rất kém về văn chương thi ca, việc làm của ông là một nỗ lực hết sức gắng gượng – và chúng tôi cũng vậy, rất e ngại khi phải dịch những phần thi từ đó ra tiếng Việt nên thường lần lữa không hoàn tất. Nếu có dịch thì chỉ để cho khỏi bị thiếu sót nhưng chắc chắn có rất nhiều lủng củng, xin độc giả cũng lượng tình cho. Rút kinh nghiệm của thời gian qua, chúng tôi mong độc giả góp ý để tiếp tục sửa chữa thường xuyên và thêm bớt những gì cần phải bổ túc. Rất đông thân hữu đã hiệu đính giùm một số sai lầm trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nhân dịp này chúng tôi cũng xin cảm tạ chung các vị đó. Một số bạn bè giúp dịch một vài đoạn thơ văn, có người đề nghị sửa lại một vài chữ khó hiểu, và nhất là bạn DPLT đã chịu khó tìm tòi, tra cứu sách vở chữ Hoa để giúp người dịch những phần thi từ còn bỏ dở. Như đã thưa từ trước – đây chỉ là một việc làm cá nhân trong những thì giờ eo hẹp của đời sống hết sức bận rộn – sau tất cả những nỗ lực phải dành cho công việc và gia đình, việc dịch sách là một cái thú tiêu khiển nên sẽ rất... thư thả theo chương trình hai tuần một chương như năm qua. Nếu đúng theo lịch trình đó, bộ truyện này sẽ có thể hoàn tất vào cuối năm 2003 hay đầu năm 2004. Một số biên khảo cũng sẽ được tiến hành vì có thể nói, Thiên Long Bát Bộ là một chuyến du hành khắp nước Trung Hoa trong thời Tống, một giai đoạn mà nhiều nước sống bên cạnh nhau, vẫn bang giao nhưng cũng đầy xung đột. Cứ theo những nhà chuyên khảo về Kim Trang 2/1.941 http://motsach.info
  3. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Dung đây là bộ truyện mà Kim Dung dụng công hơn cả, chẳng khác gì một bức tranh trải dài hàng dặm với tất cả những chi tiết ly kỳ khiến cho người đọc phải say mê không sao dứt ra được. Thời Bắc Tống là một giai đoạn hết sức thành tựu về mặt văn chương, nghệ thuật của Trung Hoa mặc dầu có nhiều suy sụp về chính trị và quân sự. Nước Tàu lúc đó được chia cắt thành nhiều quốc gia luôn luôn biến động lúc thì liên kết đồng minh, lúc lại nhòm ngó, thôn tính lẫn nhau. Phía Bắc là nước Liêu của người Khiết Đan đóng đô ở Lâm Hoàng (Thượng Kinh). Phía Tây Bắc là Tây Hạ đóng đô ở Linh Châu. Nhà Tống ở phía Đông Nam, kinh đô là Khai Phong. Chính Tây là Thổ Phồn tức miền Ba Thục bây giờ. Tây Nam là Đại Lý và chính Nam là nước ta. Qui mô đó khiến chúng ta được làm một cuộc du ngoạn theo cả thời gian và không gian để đi ngang qua Đại Lý, Tống, Liêu, Tây Hạ, Thổ Phồn với tất cả những đặc trưng về văn hóa của thời đại và sắc thái địa phương. Nhiều nhân vật chính liên tiếp mà tuyệt nhiên không có một nhân vật nào hoàn toàn nổi bật và chi phối toàn cục khiến chúng ta có cảm tưởng đây là nhiều truyện được nối lại với nhau. Cách dựng truyện đó đã tạo nên một nét đặc thù và đưa Kim Dung lên một tầm vóc riêng mà không phải ai cũng có được. Mặc dù trên tổng quát bộ truyện không khác khi còn đăng trên mặt báo bao nhiêu nhưng nếu đi vào chi tiết thì quí độc giả sẽ thấy Kim Dung đã thay đổi rất nhiều. Những chi tiết rườm rà và không liên tục đều bị cắt bỏ, trong đó có khoảng 40,000 chữ do Nghê Khuông viết thay Kim Dung khi ông đi xa cũng bị loại đi và nhiều đoạn mới được thêm vào. Những tên nhân vật cũng nhiều thay đổi và chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về việc đó. Tuy nhiên, một cách thường tình thì bản cuối cùng bao giờ cũng là bản mà tác giả vừa ý nhất. Bộ này được viết lần đầu năm 1963, đăng liên tục trên Minh Báo ở Hongkong và Nam Dương thương báo ở Singapore, tổng cộng bốn năm mới hoàn thành. Bản tu đính – tức bản đã được Kim Dung sửa lại hoàn tất tháng 10 năm 1978 và ấn bản lần đầu vào năm 1979. Cũng như mọi bộ truyện khác, mỗi chương có một tấm hình nhưng trong Thiên Long Bát Bộ lại vẽ theo lối thủy mặc thành thử người dịch không thể dùng dạng bitmap (bmp) để scan cho nhỏ mà phải dùng dạng jpg nên thường phải từ 500K trở lên. Việc đưa vào mỗi chương sẽ biến file theo dạng Microsoft Word rất lớn khiến việc gửi đi trở nên khó khăn, nhất là những bằng hữu ở VN phải download rất bất tiện và tốn kém. Do đó chúng tôi sẽ chỉ gửi tấm hình đó theo yêu cầu và sẽ thiết lập một danh sách riêng cho những người nào muốn sưu tầm cho đủ bộ. Hoặc giả chúng tôi cũng có thể gửi theo dạng pdf (phải dùng Acrobat Reader dể mở) nhưng dĩ nhiên format sẽ cố định và người đọc muốn in ra sẽ không thể sử dụng khổ giấy khác khổ 8.5 x 11 là khổ mà người dịch dùng để setup tại Hoa Kỳ. Mỗi câu chuyện xoay quanh một chủ đề, Ỷ Thiên Đồ Long Ký là câu chuyện của kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long còn Thiên Long Bát Bộ thì nói lên cái phức tạp và đa dạng của con người. Trước đây khi dịch ra tiếng Việt người ta đã chia ra thành nhiều bộ nhỏ hơn (có lẽ vì mục tiêu thương mại) như Lục Mạch Thần Kiếm, Thiên Long Bát Bộ, Nhất Dương Chỉ... nhưng nguyên tác của Kim Dung chỉ có một Thiên Long Bát Bộ mà thôi. Kim Dung đã giải thích cái tên này như sau: Thiên Long Bát Bộ là chữ lấy từ kinh Phật. Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các bồ tát, tì khưu thường có tám loại động vật đến nghe. Kinh Pháp Hoa, trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép: Trang 3/1.941 http://motsach.info
  4. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật. (Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật) Phi nhân là nói về những giống trông thì hình dáng như người nhưng lại không phải người. Tám hạng đó đều là “phi nhân” là những hạng thần vật mà Thiên và Long đứng đầu nên được gọi là Thiên Long Bát Bộ. Tám loại đó gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia ø. - Thiên là thiên thần (Deva), trong Phật giáo không phải là cao hơn hết nhưng chỉ được hưởng phúc báu lâu dài, to lớn hơn người mà thôi. Thiên thần vẫn còn trong cõi sinh tử, có sống có chết. Trước khi chết thiên thần sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu héo hon, thân thể ô uế, nách chảy mồ hôi, đứng ngồi không yên là thời kỳ đau buồn nhất của các thiên thần. Có mười hai thiên thần quan trọng nhất tượng trưng cho tám hướng và bốn tinh thể của vũ trụ mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất. Đế Thích là lãnh tụ của mọi thiên thần. - Long là long thần (Naga), nhưng rồng trong kinh Phật không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn. Quan niệm về rồng và về Long Vương của Trung Hoa chính là vay mượn từ trong kinh Phật mà ra. Người Ấn Độ ngày xưa rất sùng bái Long Vương, cho rằng rồng là chúa tể các loài trong nước nên người Trung Hoa thường dùng chữ long để chỉ những gì cao quí và đức hạnh. Trong kinh có chép là một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão và nhiều con rắn thần khác thường giả dạng người đến để nghe Thế Tôn thuyết pháp. - Dạ Xoa là một loại quỉ thần (nguyên nghĩa dạ xoa là thần ăn được quỉ), rất mẫn tiệp, nhẹ nhàng, chia làm ba giống ở trên đất, trên chốn không hư và trên trời. Ngày nay nói đến dạ xoa chỉ hàm một nghĩa ác quỉ (chắc tại ảnh hưởng của truyện Tây Du Ký) nhưng trong kinh Phật thì có nhiều dạ xoa rất tốt. Dạ Xoa Bát Đại Tướng có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh. - Càn Thát Bà (Apsaras) là một giống không ăn thịt, không uống rượu chỉ sống bằng mùi hương là một trong những nhạc thần phục thị Đế Thích, thân thể có mùi thơm. Theo nghĩa Phạn văn, Càn Thát Bà có nghĩa là biến ảo khôn lường vì mùi hương và âm nhạc đều mênh mang không sao cân đo được. - A Tu La (Ashura) là một loại thần đặc biệt, đàn ông thì thật xấu xa còn đàn bà thì thật xinh đẹp. A Tu La Vương thường đánh nhau với Đế Thích vì một bên có đồ ăn, một bên có mỹ nữ nên thường muốn chiếm đoạt của nhau. A Tu La tính tình đố kỵ thích tranh giành là một trong những ẩn dụ của nhà Phật để nói về tính xấu xa của con người. - Ca Lâu La (Garuda) là một giống chim lớn, đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu. Loài chim này tiếng kêu bi thảm, trong thần thoại Trung Hoa gọi là Đại Bàng Kim Sí Điểu (chim đại bàng cánh vàng) mà danh tướng Nhạc Phi là hóa thân đầu thai. Giống chim này thích ăn rồng, mỗi ngày phải bắt được một long vương hay 500 con rồng con để ăn thịt. Vì nó ăn thịt rồng (độc xà) nhiều quá nên khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc. Hình của chim này thầy nhiều ở các đền thờ tại Cam Bốt. - Khẩn Na La giống người mà không phải là người, đầu có sừng, giỏi múa hát cũng là nhạc thần của Đế Thích. - Ma Hầu La Gia là một vị thần rắn cực lớn, thân hình là người nhưng đầu là đầu rắn. Trang 4/1.941 http://motsach.info
  5. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Những con vật huyền thoại này có lẽ là do ảnh hưởng của những vị thần của Ấn Độ giáo (Hindu) và thường xen lẫn trong những truyện thần thoại của nhiều dân tộc ở Nam và Tây Á không hoàn toàn là của Phật Giáo. Trong những tranh vẽ, điêu tượng của Đông Á chúng ta ít thấy những hình tướng của thiên long bát bộ ngoại trừ một số bích họa từ đời Đường trở về trước ở Tân Cương. Người Việt chúng ta có thể nói hoàn toàn xa lạ với những hình ảnh này, ngay cả trong giới tu sĩ cũng ít người nghiên cứu đến. Thiên Long Bát Bộ lấy địa bàn là nước Đại Lý đời Bắc Tống (vào khoảng đời Tiền Lê và đời Lý bên mình). Nước Đại Lý nằm ở phía Tây Trung Hoa, Tây Bắc nước ta địa bàn tỉnh Vân Nam bây giờ, nổi tiếng với nhiều loại kỳ hoa dị thảo, đặc biệt là trà gồm cả trà uống (tea) và cây hoa trà (camelia). Theo sử sách, khoảng năm 937 Đoàn Tư Bình sau khi chiếm được nước Nam Chiếu lập nên nước Đại Lý. Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya), từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư. Truyền thống đó ảnh hưởng đến nước ta và đời Lý đời Trần nhiều người cũng nhường ngôi rồi đi tu, làm Thái Thượng Hoàng. Nước Đại Lý kéo dài 316 năm, 22 đời vua trong đó có mười người bỏ ngôi đi tu, hai người được đề cập trong Thiên Long Bát Bộ là Bảo Định Đoàn Chính Minh và Trung Tông Đoàn Chính Thuần. Một người khác cũng được Kim Dung nói đến là Cảnh Tông Đoàn Chính Hưng (Kim Dung lại viết là Đoàn Trí Hưng) hay Đoàn Hoàng Gia Nam Đế trong Anh Hùng Xạ Điêu. Ông này cũng là con cháu họ Đoàn trong Thiên Long Bát Bộ. Người Đại Lý thuộc giống người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du Bắc Việt. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, người Thổ, người Nùng. Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn lánh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía Nam và Tây Nam và là thủy tổ của người Thái Lan ngày nay. Thiên Long Bát Bộ được đặt trong bối cảnh Bắc Tống, đời vua Triết Tông Nguyên Tá, niên hiệu Thiệu Thánh khoảng cuối thế kỷ thứ 11. Kim Dung dùng cái tên Thiên Long Bát Bộ là để chỉ những biến hóa phức tạp của câu chuyện, ly kỳ chẳng khác gì những chuyện cổ tích của Ấn Độ mà Phật Giáo mượn làm ẩn dụ. Mật tông được truyền vào Trung Hoa do ba nhà sư Thiên Trúc là Thiện Vô Úy (Subhnakarasimha), Kim Cương Trí (Vajrabodhi) và Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) vào khoảng đầu thế kỷ thứ 8 chú trọng đến niệm kinh, bắt ấn, sử dụng Mạn đà la và quán đỉnh. Giáo pháp được thầy truyền qua trò bằng lời nên không được phổ biến rộng rãi. Phật giáo Mật Tông pha trộn đủ màu sắc, nặng phần nghi thức, đôi khi mê tín mặc dầu những khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa chuyên chở khá nhiều tính nghệ thuật, điển hình là những điêu tượng và tranh vẽ mà người ta phát hiện ở Vân Nam, Tân Cương, nhất là tại Đôn Hoàng. Chính vì màu sắc nhiều thần bí của thời sơ khai, các tôn giáo bản địa nhất là Nho giáo đã có những xung khắc đáng kể với Phật giáo. Đời Đường, Hàn Dũ (768 - 824) đã dâng sớ xin ngăn cấm đạo Phật dẫn tới việc phá hủy 5000 chùa lớn và 40,000 am nhỏ. Mấy trăm ngàn tăng sĩ và nữ ni bị bắt buộc phải hoàn tục. Điều đó cũng không phải là không hay vì chính từ đó Thiền tông Trung Hoa có cơ hội nảy nở, xây dựng những cơ sở triết học thanh thoát hơn và tạo ra hẳn một trường phái mới, tổng hợp được nhiều ưu điểm, nhấn mạnh vào việc “kiến tính thành Phật” và xa rời việc thờ cúng thần tượng và nghi lễ. Tuy nhiên, Kim Dung lại khai thác được những hình thái thần bí của tôn giáo làm chất liệu khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Quan Âm bồ tát đã được thế tục hóa qua một vương phi tự Trang 5/1.941 http://motsach.info
  6. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung hiến thân cho một người ăn mày để sinh ra một đứa con hoang giải quyết hầu như toàn bộ những khúc mắc triền miên từ đầu đến cuối. Lẽ dĩ nhiên, chi tiết tưởng tượng kia khiến cho câu chuyện thêm li lỳ, tuyệt nhiên không phải là một cách giải thích những căn bản giáo lý. Ngoài Phật giáo Mật Tông đã đóng một vai trò khá quan trọng làm nền tảng cho nhiều tình tiết của câu chuyện, hai đề tài khác chúng ta cũng cần biết thêm, mỗi đề tài đều bao quát đáng trở thành một nghiên cứu riêng. Trong phần giới thiệu này chúng tôi chỉ đề cập đến một cách khái quát. Thứ nhất là ngoài môn Nhất Dương Chỉ, họ Đoàn Đại Lý còn một tuyệt kỹ khác là Lục Mạch Thần Kiếm, một loại kiếm khí dùng sáu kinh mạch của hai bàn tay để sử dụng. - Thủ thái âm phế kinh bắt đầu ở trung tiêu, đi vòng xuống ruột già rồi chạy lên ngực, yết hầu đi ra cánh tay và chấm dứt ở đầu ngón tay cái. - Thủ dương minh đại trường kinh bắt đầu từ đầu ngón tay trỏ chạy lên vai rồi chia thành hai nhánh, một nhánh xuống ruột già, một nhánh lên đầu chấm dứt ở cạnh mũi. - Thủ thiếu âm tâm kinh bắt đầu từ tim chia ra ba nhánh, một nhánh qua hoành cách mạc xuống ruột non, một nhánh theo thực quản lên mắt, và một nhánh đi qua phổi, sang tay tới ngón tay út. - Thủ thái dương tiểu trường kinh bắt đầu từ ngoài ngón tay út chạy theo tay lên vai gặp đốc mạch ở huyệt đại truy chi thành hai nhánh, một nhánh đi xuống ruột non, một nhánh chạy lên mặt đi vào tai. - Thủ quyết âm bao tâm kinh bắt đầu từ ngực nối liền tam tiêu rồi chạy ra cánh tay tới ngón tay giữa. - Thủ thiếu dương tam tiêu kinh khởi đầu từ ngón tay đeo nhẫn chạy theo tay lên vai chia thành hai nhánh một nhánh nối liền tam tiêu, một nhánh chạy lên cổ vòng qua tai rồi ngừng lại tại mắt. Thủ thái âm PHẾ kinh, thủ quyết âm TÂM BAO kinh và thủ thiếu âm TÂM kinh là ba đường kinh ÂM nằm ở bên trong cánh tay, gọi là THỦ TAM ÂM thuộc lý (bên trong) dẫn chân khí từ ngực chạy vào tay. Thủ dương minh ĐẠI TRƯỜNG kinh, thủ thiếu dương TAM TIÊU kinh, và thủ thái dương TIỂU TRƯỜNG kinh nằm ở mặt ngoài cánh tay gọi là THỦ TAM DƯƠNG, thuộc biểu (bên ngoài) từ tay chạy lên đầu. Thứ hai một đặc sản của nước Đại Lý là hoa trà cũng được nhắc tới khá nhiều. Khi đề cập tới vùng Vân Nam, người Trung Hoa vẫn thường tự hào là ở đây có tám loại danh chủng nổi tiếng trên thế giới gồm có sơn trà (camelia), đỗ quyên (azalea), mộc lan (magnolia obovata), báo xuân, bách hợp (lily), phương lan (cymbidium), long đảm (gentian), lục nhung hao. Sơn trà của Đại Lý đã biến câu chuyện trở nên thơ mộng và thú vị khi chúng ta nghe Đoàn Dự luận về hoa trà với Vương phu nhân sau đây: Vương phu nhân vẻ mặt đắc ý, nói: Trang 6/1.941 http://motsach.info
  7. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung - Đoàn công tử, nước Đại Lý của cậu hoa trà rất nhiều, nhưng nếu so sánh với của ta chắc không thể bì kịp. Đoàn Dự gật đầu: - Những hoa trà loại này dân Đại Lý chúng tôi chẳng ai trồng cả. Vương phu nhân cười khanh khách: - Thật ư? Đoàn Dự nói: - Những người dân quê mùa tầm thường ở Đại Lý cũng biết các loại hoa này phẩm chất kém cỏi, trồng chẳng cao sang gì. Vương phu nhân mặt biến sắc, giận dữ nói: - Ngươi nói sao? Ngươi bảo hoa trà ta trồng là loại tục phẩm ư? Nói như thế chẳng hóa, chẳng hóa.... khinh người quá lắm. Đoàn Dự nói: - Phu nhân tin hay không tin cũng tùy ở người. Chàng vừa nói vừa chỉ một cây hoa trà ngũ sắc trước lầu: - Giá thử như cây này, bà tưởng nó quí lắm ư. Hứ, đẹp thật, cái lan can này thật là đẹp, thật là đẹp. Chàng tấm tắc khen cái lan can đẹp mà hoa thì chẳng nhắc đến một câu khác nào người xem chữ viết, không nhắc đến chữ mà chỉ khen lấy khen để mực đen và giấy tốt. Cây hoa trà đó vừa trắng vừa đỏ, vừa tía vừa vàng, sắc hoa thật là rực rỡ, từ trước tới nay Vương phu nhân vẫn coi là trân phẩm. Nay thấy Đoàn Dự có vẻ xem thường nên lông mày bà nhướng lên, mắt lộ sát ý. Đoàn Dự nói: - Xin hỏi phu nhân, giống hoa này ở Giang Nam gọi tên là gì? Vương phu nhân hậm hực đáp: - Chúng tôi chẳng gọi tên gì đặc biệt, chỉ gọi là hoa trà Ngũ Sắc. Đoàn Dự mỉm cười: - Đại Lý chúng tôi có đặt cho nó một cái tên, gọi là Lạc Đệ Tú Tài (thư sinh thi hỏng). Vương phu nhân hừ một tiếng: - Cái tên sao khó nghe làm vậy, chắc ngươi tiện mồm đặt ra chứ gì. Cây hoa đẹp đẽ như thế, sao lại giống gã thư sinh thi hỏng? - Phu nhân thử nhìn lại xem, cây hoa này cả thảy tất cả mấy màu. Trang 7/1.941 http://motsach.info
  8. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Vương phu nhân nói: - Ta đã đếm qua, cũng phải có đến 15, 16 màu khác nhau. Đoàn Dự nói: - Cả thảy đúng ra là 17 màu. Đại Lý có một loại hoa quí giá nổi tiếng tên gọi Thập Bát Học Sĩ. Đó là thiên hạ cực phẩm, trên cây có đủ 18 đóa hoa, mỗi đóa một màu khác nhau, hồng thì toàn hồng, tía thì toàn tía, không một mảy lẫn lộn. Nhưng cả 18 đóa hoa mỗi đóa hình trạng khác nhau, mỗi đóa một vẻ, nở thì cùng nở, tàn thì cùng tàn, phu nhân đã thấy bao giờ chưa? Vương phu nhân nghe qua thẫn thờ, lắc đầu: - Trên đời này lại có loại hoa như thế sao? Đến nghe nói tới ta cũng chưa nghe bao giờ. Đoàn Dự nói: - So với Thập Bát Học Sĩ kém một mức là Thập Tam Thái Bảo là 13 đóa hoa khác nhau trên cùng một cây. Rồi đến Bát Tiên Quá Hải là 8 đóa khác nhau một cây. Thất Tiên Nữ là 7 đóa. Phong Trần Tam Hiệp là ba đóa. Nhị Kiều là một trắng một đỏ hai đóa. Nói đến hoa trà là phải thuần sắc, nếu như trong đỏ có lẫn trắng, trong trắng lẫn tía thì là hạ phẩm rồi. Vương phu nhân bỗng nhiên đờ đẫn, nhìn về xa xăm, nói một mình: - Sao y không nói cho ta biết nhỉ? Đoàn Dự nói tiếp: - Trong Bát Tiên Quá Hải có cả hoa màu tía sậm và màu hồng nhạt, đó là Lý Thiết Quài và Hà Tiên Cô, nếu thiếu hai màu đó, dù là tám màu khác nhau cũng không được gọi là Bát Tiên Quá Hải mà gọi là Bát Bảo Trang, tuy cũng là danh chủng nhưng so với Bát Tiên Quá Hải còn thua một bậc. Vương phu nhân nói: - Nguyên lai như thế. Đoàn Dự lại tiếp: - Trở lại Phong Trần Tam Hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất, đó là Cầu Nhiêm Khách, đóa màu trắng nhỏ hơn, đó là Lý Tịnh, đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất đó là Hồng Phất Nữ. Nếu như hoa màu hồng lại to hơn hoa màu tía, hoa màu trắng thì là phó phẩm, hai đằng một trời một vực. Người ta đã bảo quen thuộc như đồ trong nhà mình. Trong nhà Đoàn Dự có tất cả những loại này nên chàng nói ra vanh vách đâu ra đấy. Vương phu nhân nghe thật thích thú thở dài: - Đến phó phẩm ta cũng chưa được nhìn qua nói gì chính phẩm! Đoàn Dự chỉ vào cây hoa trà ngũ sắc nói: - Còn loại hoa trà này, nếu luận về sắc so với Thập Bát Học Sĩ còn kém một, lại không thuần, nở thì khi sớm khi muộn, hoa thì đóa nhỏ đóa to. Chẳng khác gì Đông Thi giả nhăn mặt, học Trang 8/1.941 http://motsach.info
  9. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung đòi làm Thập Bát Học Sĩ thì không xong. Vì thế chúng tôi đặt cho cái tên Lạc Đệ Tú Tài. Quả thật khi đọc xong đoạn này, chúng tôi cũng tò mò đi tìm tài liệu để xem những gì Kim Dung viết ra là có thực hay chỉ do óc tưởng tượng phong phú của ông nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như ý. Theo những sách vở chúng tôi có trong tay, đặc biệt là cuốn Vân Nam Phong Vật Chí (Dư Gia Hoa, Vân Nam Nhân Dân xb 1984) trong đó có những chương nghiên cứu khá công phu về hoa trà nhưng không thấy nói đến những chủng loại mà Kim Dung đã đề cập. Trên thế giới có chừng hơn tám mươi loại hoa trà (không kể những giống được lai tạo) thì Vân Nam đã có khoảng ba mươi lăm loại. Trong những loại hoa trà danh tiếng ở Vân Nam người ta thấy có đồng tử diện, tuyết sư, tùng tử lân, tử bào, kim đái, ngân đái, mẫu đơn trà, hận thiên cao, điệp sí, liễu diệp ngân hồng, tảo đào hồng, kim biên mẫu đơn, thông thảo phiến... mỗi loại có một đặc điểm. Hiện nay tại nhiều danh thắng, cổ tích tại hai tỉnh Vân – Quí còn nhiều cây trà cổ thụ, mỗi năm ra hàng vạn đóa hoa, chẳng hạn như tại chùa Ngọc Phong bên bờ sông Lệ chân núi Ngọc Long còn một cây trà kép dính liền hai loại với nhau nên màu sắc rất phong phú. Cây trà này trồng từ đời Minh Thành Hóa (thế kỷ thứ 15) tính ra đã hơn 500 năm được mệnh danh là “đệ nhất hoàn cầu”. Tần Nhân Xương, một thực vật gia Trung Hoa đã nói: - Vua các loài trà trên thế giới là ở Trung Hoa, vua các loài trà của Trung Hoa là ở Vân Nam, vua các loài trà của Vân Nam là hoa trà ở Lệ Giang. Quách Mạt Nhược, một thi sĩ nổi tiếng của Trung Hoa đầu thế kỷ 20 khi đến Vân Nam đã cảm tác một bài thơ như sau: Những tưởng trà kia ưa quí tộc, Ai ngờ dân dã cũng đầy sân. Mẫu đơn ai nấy đều ca tụng, Ta nghĩ hoa trà trội mẫu đơn. (Diễm thuyết trà hoa thị tỉnh hoa, Kim lai thủy kiến mãn thành hà. Nhân nhân đô đạo mẫu đơn hảo, Ngã đạo mẫu đơn bất cập trà) Khi làm một số nghiên cứu nho nhỏ về đất Vân Nam – Quí Châu, người dịch đôi khi cũng thấy bồi hồi khi đọc tới những chi tiết địa phương rất gần gũi với người Việt chúng ta, nhất là về một số sắc tộc thiểu số mà nhiều học giả cho rằng cùng giống với người mình. Chắc chắn nếu có những khảo sát qui mô, chúng ta có thể tìm được khá nhiều di tích văn hóa còn lưu lại ở miền nam Trung Hoa để có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử, truyền thống và nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Một người bạn tôi sau những chuyến du lịch ở Quảng Châu, đi vào những vùng xa xôi hẻo lánh để nghiên cứu về âm nhạc, đối chiếu với những điệu dân ca của mình đã phải ngạc nhiên về sự tương đồng khó hiểu giữa sinh hoạt của người Tàu ở Nam Trung Hoa và người miền Bắc nước ta. Biết đâu trong khi dịch Thiên Long Bát Bộ chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra được một Trang 9/1.941 http://motsach.info
  10. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung điểm nào mới mẻ chăng? Cũng như Ỷ Thiên Đồ Long Ký, chúng tôi mong mỏi được sự tiếp tay của quí bằng hữu trong mọi lãnh vực để cùng nhau chia xẻ niềm vui khi đọc Thiên Long Bát Bộ. Tháng 5/01 Trang 10/1.941 http://motsach.info
  11. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Hồi 1(a) - Thanh Sam Lỗi Lạc Hiểm Phong Hành Sểnh nhà cất bước đi ra, Áo xanh Tư Mã xông pha hiểm nghèo. * oOo Ánh sáng xanh lấp loáng, mũi kiếm thép nhắm ngay vào vai trái của hán tử trung niên đâm tới. Người thanh niên sử kiếm không đợi cho kiếm chiêu hoàn tất, cổ tay rung một cái kiếm mũi kiếm ngóc lên đâm xéo vào bên phải cổ đối phương. Người trung niên giơ kiếm gạt ra, nghe keng một tiếng, hai thanh kiếm chạm nhau tiếng ngân u u chưa dứt đã trao đổi được ba chiêu. Hán tử trung niên giơ kiếm nhắm giữa đỉnh đầu thanh niên chém xuống, thanh niên né qua bên phải, kiếm quyết bên tay trái lướt theo, thanh kiếm liền chúc xuống đâm vào đùi kẻ địch. Hai người kiếm pháp nhanh nhẹn, ra hết sức đấu với nhau. Trong luyện võ sảnh, phía bên đông có hai người ngồi. Ngồi trên là một đạo cô trung niên tuổi trạc trên dưới bốn mươi, mặt hầm hầm, môi mím chặt. Ngồi bên dưới là một ông già tuổi trên dưới năm mươi, giơ tay vuốt chòm râu dài, mặt mày thật đắc ý. Hai người ngồi cách nhau chừng hơn một trượng, đằng sau đứng phải đến trên hai chục đệ tử nam nữ. Phía tây là một hàng ghế ngồi chừng hơn chục tân khách, cả hai phía ai nấy chăm chú theo dõi cuộc giác đấu. Chỉ một thoáng chàng thanh niên và hán tử trung niên đã trao đổi đến hơn bảy chục chiêu, càng lúc càng gay go nhưng chưa có vẻ gì phân thắng bại. Đột nhiên người trung niên dùng sức đâm mạnh ra một kiếm, thân hình hơi lảo đảo, dường như muốn ngã. Một chàng trai trẻ tuổi mặc áo dài xanh trong số khách ngồi phía tây nhịn không nổi cười hộc lên một tiếng. Y lập tức biết mình thất thố, vội vàng giơ tay bịt miệng. Ngay lúc đó, nghe vù một tiếng thanh niên đã giơ tay trái nhắm ngay lưng hán tử nọ đánh ra. Người đàn ông liền tiến lên một bước tránh được, trường kiếm trong tay vòng lại, quát lên một tiếng: - Trúng! Đâm ngay vào đùi thanh niên, một chân y liền khuỵu xuống, trường kiếm chống xuống đất đứng lên toan đấu tiếp nhưng người trung niên đã tra kiếm vào vỏ, cười nói: - Cám ơn Chử sư đệ đã nhường nhịn, vết thương không nặng chứ? Thanh niên kia mặt tái đi, bậm môi nói: - Đa tạ Cung sư huynh đã nương tay. Ông già râu dài mặt mày dương dương, mỉm cười: Trang 11/1.941 http://motsach.info
  12. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung - Đông Tông đã thắng được ba trận rồi, xem chừng Kiếm Hồ Cung lại nhường Đông Tông ở thêm năm năm nữa. Tân sư muội, mình liệu có còn phải đấu thêm nữa chăng? Người đạo cô ngồi bên dưới cố nén lửa giận, nói: - Tả sư huynh quả thực huấn luyện được học trò giỏi thật. Thế nhưng không biết Tả sư huynh nghiên cứu Vô Lượng Ngọc Bích năm năm qua đã được gì chưa? Người râu dài trừng mắt nhìn bà ta, nghiêm mặt nói: - Sư muội không lẽ quên qui củ của bản phái rồi sao? Người đạo cô hừ một tiếng, không nói thêm tiếng nào nữa. Người đàn ông họ Tả, tên Tử Mục, là chưởng môn Đông Tông của Vô Lượng Kiếm. Đạo cô kia họ Tân, đạo hiệu là Song Thanh, là chưởng môn Tây Tông của Vô Lượng Kiếm. Vô Lượng Kiếm phái chia ra làm Đông, Tây, Bắc tam tông nhưng Bắc Tông mấy chục năm nay suy đồi, còn Đông Tây hai chi phái nhân tài đông đúc. Vô Lượng Kiếm kiến lập từ thời kỳ Ngũ Đại đời Hậu Đường, sáng phái ở núi Vô Lượng nước Nam Chiếu, người chưởng môn cư ngụ tại Kiếm Hồ Cung. Từ thời Nhân Tông nhà Tống, phái Vô Lượng chia ra làm ba tông, cứ năm năm một lần, môn hạ đệ tử của ba nhánh này lại gặp nhau ở Kiếm Hồ Cung tỉ võ đấu kiếm, bên nào thắng thì được ở Kiếm Hồ Cung trên núi Vô Lượng năm năm, đến năm thứ sáu thì lại tỉ thí. Đấu năm trận, bên nào thắng ba coi như thắng. Trong năm năm đó, phe thua dĩ nhiên hết sức tập luyện cốt sao kỳ tới sẽ rửa được cái nhục bại trận, nhưng bên thắng cũng không dám lơ là chút nào. Bắc Tông bốn mươi năm trước thắng trận được vào ở nơi Kiếm Hồ Cung, năm năm sau thua phải ra đi, người chưởng môn bực tức dẫn môn nhân đệ tử dọn qua Sơn Tây, từ đó không còn trở lại tỉ kiếm, cũng không liên lạc gì với hai phe Đông Tông, Tây Tông nữa. Trong hai mươi lăm năm qua, hai phe Đông Tây thắng qua thua lại, Đông Tông thắng bốn lần, còn Tây Tông cũng được hai lần. Gã trung niên hán tử họ Cung kia đấu với thanh niên họ Chử, là trận đấu thứ tư, họ Cung thắng rồi, Đông Tông bốn lần đấu ba lần thắng, lần thứ năm không cần đấu tiếp nữa. Bên phía tây những người ngồi trên ghế bành gấm là các nhân sĩ phái khác, một số là do chưởng môn hai tông mời đến làm chứng, còn lại là những người đến xem. Những người đó, ngoại trừ một hậu bối vô danh là người thanh niên mặc áo xanh ngồi hàng cuối đã cười khi gã họ Cung bị lỡ trớn, đều là người nổi tiếng trong võ lâm tỉnh Vân Nam. Thanh niên đó đi theo lão võ sư Mã Ngũ Đức ở Phổ Nhĩ đất Điền Nam đến đây. Mã Ngũ Đức là một nhà buôn trà nổi tiếng, đã giàu có lại hiếu khách, có cái phong vị Mạnh Thường, trên giang hồ nếu ai thất thế chạy đến nhờ vả ông ta đều hết sức tiếp đãi, thành thử quen biết nhiều mặc dầu võ công chỉ tầm thường mà thôi. Tả Tử Mục khi nghe Mã Ngũ Đức đưa tới giới thiệu thanh niên này họ Đoàn. Họ Đoàn là quốc tính của nước Đại Lý trong nước có đến hàng nghìn hàng vạn người nên khi nghe đến Tả Tử Mục không coi vào đâu, nghĩ bụng y hẳn là đệ tử của Mã Ngũ Đức, ngay lão họ Mã bản thân võ công cũng chỉ bình bình, dạy dỗ học trò chắc cũng chẳng đi đến đâu, thành thử ngay cả mấy tiếng khách sáo “Ngưỡng mộ đã lâu” y cũng chẳng thèm nói, chỉ chắp tay, mời vào ngồi mà thôi. Ngờ đâu gã trẻ tuổi này không biết trời cao đất dày là gì, gặp khi đệ tử đắc ý của Tả Tử Mục ra hư chiêu dụ địch lại dám mở miệng cười lên nhạo báng. Trang 12/1.941 http://motsach.info
  13. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Thành thử Tả Tử Mục cười nói: - Tân sư muội năm nay đưa ra bốn đệ tử, công phu kiếm thuật quả thật cao cường, trận thứ tư này bên chúng tôi thắng cũng chỉ nhờ may. Chử sư điệt tuổi trẻ như thế, vậy mà đã luyện được đến mức đó, tiền đồ thật không biết tới đâu, e rằng năm năm nữa hai bên đông tây chắc sẽ đổi chỗ mất, ha ha, ha ha! Nói xong y cười ha hả không thôi, đột nhiên đảo mắt nhìn sang thanh niên họ Đoàn nói: - Đứa học trò kém cỏi của mỗ khi thắng được nhờ sử hư chiêu Trật Phác Bộ, vị Đoàn thế huynh này xem chừng dường như không được vừa ý. Vậy xin Đoàn thế huynh bước ra chỉ điểm cho tiểu đồ một vài miếng có được chăng? Mã ngũ ca uy chấn Điền Nam, dưới tướng giỏi binh ắt không thường, tài nghệ Đoàn thế huynh hẳn là ghê gớm lắm. Mã Ngũ Đức mặt hơi đỏ lên vội nói: - Vị Đoàn huynh đệ này không phải đệ tử của ta đâu. Lão ca ca tài nghệ chỉ có vài miếng mèo quào, làm sư phụ được ai? Tả hiền đệ chớ có đem ngu huynh ra làm trò cười. Vị Đoàn huynh đệ đây đến tệ xá ở Phổ Nhĩ, nghe thấy ta sắp đi lên núi Vô Lượng nên cùng đi theo, nói là núi Vô Lượng sơn thủy thanh u nên muốn đến thưởng ngoạn phong cảnh. Tả Tử Mục nghĩ thầm: “Nếu như y là đệ tử của ngươi thì ta còn nể mặt không nỡ cạn tàu ráo máng, còn như nếu chỉ là một người khách tầm thường thì chẳng phải e dè gì nữa. Kẻ nào dám đến Kiếm Hồ Cung nhạo báng võ công của Đông Tông Vô Lượng Kiếm, nếu không dạy cho y một phen đến đầu đến đũa đuổi xuống núi thì họ Tả này còn mặt mũi nhìn ai?”. Y bèn cười khẩy một tiếng nói: - Thỉnh giáo đại hiệu của Đoàn huynh là gì, là môn hạ của vị cao nhân nào thế? Thanh niên họ Đoàn mỉm cười nói: - Tại hạ tên chỉ có một chữ Dự, trước nay chưa học qua võ nghệ bao giờ. Ta thấy người ta trượt chân, không cần biết ngã giả hay ngã thật đều nhịn không nổi nên cười đấy thôi. Tả Tử Mục nghe giọng y nói không có vẻ gì cung kính, trong bụng không khỏi bực bội nói: - Thế thì có gì mà phải cười? Đoàn Dự phe phẩy cái quạt cầm trong tay, nói tỉnh bơ như không: - Con người hoặc đứng hoặc ngồi, có gì là đáng cười đâu, có nằm trên giường thì cũng không ai cười cả nhưng nằm dưới đất, ha ha, thế thì đáng cười lắm chứ? Trừ khi là trẻ con lên ba thì mới không kể mà thôi. Tả Tử Mục nghe y nói càng lúc càng cuồng ngạo, giận muốn sôi lên, quay sang nói với Mã Ngũ Đức: - Mã ngũ ca, vị Đoàn huynh này có thân với ngũ ca chăng? Mã Ngũ Đức mới quen Đoàn Dự, hoàn toàn chẳng biết y là người thế nào. Ông ta tính tình vốn hòa nhã, thấy Đoàn Dự đòi đi theo đến núi Vô Lượng không tiện thoái thác nên cho y cùng đi, lúc này nghe giọng Tả Tử Mục có chiều giận dữ, ra tay ắt sẽ ác độc lắm, một thanh niên còn trẻ Trang 13/1.941 http://motsach.info
  14. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung thế này nỡ nào để cho y bị ăn đòn đau? Ông ta liền đáp: - Đoàn huynh đệ với ta tuy không thâm giao nhưng cũng đã cùng đến đây. Ta xem Đoàn huynh dáng dấp nho nhã, chắc không biết võ công gì đâu, chỉ vô ý mà buột miệng cười đấy thôi. Thôi bỏ qua đi, lão ca ca bụng đói lắm rồi, Tả hiền đệ mau làm cho một mâm rượu để bọn ta uống mừng hiền đệ ba chén. Hôm nay ngày lành tháng tốt, Tả hiền đệ chấp nhất hạng hậu bối trẻ người non dạ làm gì? Tả Tử Mục đáp: - Nếu Đoàn huynh không phải là hảo bằng hữu của Mã ngũ ca, nếu như huynh đệ có đắc tội thì cũng không làm bẽ mặt Mã ngũ ca. Quang Kiệt, hồi nãy người ta cười ngươi, vậy ngươi hạ trường thỉnh giáo xem nào. Gã trung niên Cung Quang Kiệt chỉ đợi sư phụ nói thế, lập tức rút phăng trường kiếm, bước ra đứng ngay bên ngoài, đảo ngược chuôi kiếm lại, chắp tay hướng về Đoàn Dự nói: - Xin mời Đoàn bằng hữu! Đoàn Dự nói: - Hay lắm, ngươi luyện đi cho ta coi nào. Y vẫn ngồi trên ghế không đứng lên. Cung Quang Kiệt mặt đỏ bừng, giận dữ nói: - Ngươi... ngươi nói sao? Đoàn Dự đáp: - Ngươi cầm thanh kiếm trong tay múa bên đông, chém bên tây, chắc là muốn luyện kiếm, vậy thì cứ làm đi. Ta xưa nay không thích xem ai động đao sử kiếm, nhưng đã đến đây thì cũng đành chịu ngồi xem vậy. Cung Quang Kiệt quát lên: - Sư phụ ta bảo ngươi ra đây cùng ta tỉ thí. Đoàn Dự phe phẩy cái quạt, lắc đầu nói: - Sư phụ ngươi là thầy của ngươi chứ sư phụ ngươi có phải là thầy của ta đâu. Sư phụ ngươi sai ngươi thì được, chứ sư phụ ngươi làm sao sai được ta? Sư phụ ngươi bảo ngươi đấu kiếm với người ta thì ngươi cứ việc đấu kiếm với người ta. Sư phụ ngươi bảo ta tỉ kiếm với ngươi, thứ nhất ta không biết đấu kiếm, thứ hai ta sợ thua, thứ ba ta sợ đau, thứ bốn ta sợ chết, thành thử ta không đấu. Ta nói không đấu là không đấu. Y nói một thôi một hồi sư phụ ngươi, sư phụ ta tưởng như líu lưỡi, trong võ sảnh mọi người nghe được, nhịn không nổi phải bật cười. Đám môn hạ Tây Tông Vô Lượng Kiếm của Song Thanh chiếm đến gần nửa, có mấy nữ đệ tử cười khúc khích. Luyện võ sảnh đang trang nghiêm lập tức biến thành một nơi hoạt náo. Cung Quang Kiệt hung hăng tiến tới, giơ kiếm chỉ ngay vào ngực Đoàn Dự, quát lớn: Trang 14/1.941 http://motsach.info
  15. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung - Ngươi có thực không biết võ, hay chỉ giả ngây giả dại? Đoàn Dự thấy mũi kiếm chỉ cách ngực mình chừng vài tấc nếu như đâm nhẹ một cái thì sẽ trúng ngay tim mình nhưng không tỏ vẻ gì kinh hoảng, nói: - Ta dĩ nhiên là không biết võ, giả ngây giả dại làm cái gì? Cung Quang Kiệt nói: - Ngươi đến Kiếm Hồ Cung núi Vô Lượng phá rối, chắc không muốn sống hay sao? Ngươi là môn hạ của ai? Ai sai ngươi đến? Nếu không nói thực đừng trách kiếm của đại gia vô tình. Đoàn Dự đáp: - Ngươi bảo ngươi là đại gia, sao lại hung ác thế? Ta bình sinh không thích xem đánh nhau. Quí phái có tên là Vô Lượng Kiếm, lại ở trong núi Vô Lượng. Trong kinh Phật có dạy rằng: “Có bốn điều vô lượng: một là vô lượng từ, hai là vô lượng bi, ba là vô lượng hỉ, bốn là vô lượng xả. Tứ vô lượng đó quí vị chắc ai cũng hiểu rõ rồi; lấy trong lòng vui là từ, dứt được điều khổ là bi, vui thích khi thấy chúng sinh hết khổ trở thành sung sướng là hỉ, mong chúng sinh bỏ được oán niệm mà thành bình đẳng là xả. Vô lượng thọ Phật chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật, A Di Đà Phật... Y thao thao giảng Phật pháp, niệm kinh, Cung Quang Kiệt thu kiếm về đột nhiên vung tay trái ra, nghe bốp một tiếng, tát cho chàng ta một cái thật đau. Đoàn Dự nghiêng đầu qua toan né tránh thì tay của đối phương đã đánh trúng rồi, khuôn mặt trắng trẻo đã sưng tếu lên, năm ngón tay hiện rõ mồn một. Mọi người ai nấy hết sức ngạc nhiên, thấy Đoàn Dự không coi địch thủ vào đâu, mồm miệng tuôn ra toàn điều nghe như đùa cợt, ai cũng tưởng chàng ắt mình mang tuyệt nghệ. Ngờ đâu Cung Quang Kiệt tiện tay đánh một chưởng, chàng không tránh được, xem ra quả thực không biết chút võ công nào. Cao thủ võ học cố ý làm như ngớ ngẩn để đùa cợt đối phương cũng là chuyện thường nhưng người không biết võ mà lại lớn mật cuồng ngạo như thế thì chưa hề có. Cung Quang Kiệt mới đánh một chưởng đã trúng cũng không khỏi ngẩn người ra, tiện tay liền chộp ngực Đoàn Dự, nhấc bổng lên, quát lớn: - Ta cứ tưởng ngươi là một nhân vật ghê gớm thế nào, có biết đâu chỉ là đồ bị thịt. Nói xong cầm chàng ném xuống đất một cái thật mạnh, Đoàn Dự ngã bịch một cái, đầu đụng ngay vào chân bàn. Mã Ngũ Đức thấy thế thương hại vội chạy tới đỡ lên nói: - Hóa ra lão đệ không biết võ công thật, vậy thì tới đây làm gì? Đoàn Dự xoa đầu nói: - Tôi vốn dĩ chỉ định du sơn ngoạn thủy có biết đâu họ lại tỉ kiếm đánh nhau? Cái trò người nọ giết người kia thì có gì đáng để coi đâu? Thà đi xem người ta đem khỉ ra làm trò còn hay hơn nhiều. Mã ngũ gia, chào ông nhé, thôi tôi đi đây. Một thanh niên đứng bên cạnh Tả Tử Mục liền nhảy ra, chặn ngay trước mặt Đoàn Dự nói: - Nếu ngươi không biết võ công, nếu cứ cúp đuôi mà chạy thì chẳng nói làm gì, sao lại dám bảo bọn ta đấu võ tỉ kiếm không bằng khỉ làm trò là sao? Nói thế chẳng khinh người lắm hay sao? Ta Trang 15/1.941 http://motsach.info
  16. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung cho ngươi chọn một trong hai con đường, hoặc là cùng ta tỉ thí một phen, để xem kiếm pháp không bằng trò khỉ của bọn ta thế nào; hoặc là khấu đầu lạy sư phụ ta tám lạy, tự miệng mình nói ra “Rắm rít” ba lần. Đoàn Dự cười đáp: - Ngươi đánh rắm chẳng thối lắm ư? Gã kia giận quá, giơ quyền đấm luôn vào mặt Đoàn Dự, nghe vù một tiếng, xem ra chàng thể nào cũng vỡ mặt sưng mày. Ngờ đâu quyền vừa đến giữa đường, đột nhiên từ trên không phóng xuống một vật, quấn lấy cổ tay thanh niên. Vật đó lạnh như băng, trơn tuồn tuột, vừa quấn được cổ tay liền ngo ngoe cử động. Thanh niên giật mình kinh hãi, vội vàng rụt tay về, thấy quấn ở tay mình là một con rắn hổ mang màu xanh có chấm đỏ dài chừng một thước, trông thật ghê sợ. Y hoảng hốt rú lên, vung vẩy mạnh nhưng con rắn vẫn quấn chặt lấy cổ tay, lắc thế nào cũng không tuột ra được. Cung Quang Kiệt đột nhiên kêu lớn: - Rắn! Rắn! Mặt y tái mét, giơ tay luồn vào cổ áo mình, mò sau lưng, nhưng nào thấy gì, chỉ đành nhảy tưng tưng, chân tay múa loạn xà ngầu cố cởi áo ra. Hai biến cố đó thật là quái đản, mọi người còn đang kinh ngạc, bỗng nghe trên đầu có tiếng cười khúc khích. Mọi người ngẩng đầu nhìn lên thấy một thiếu nữ ngồi trên xà nhà, hai tay cầm toàn những rắn là rắn. Cô gái đó độ chừng mười sáu, mười bảy tuổi, mặc áo xanh, mặt tươi như hoa, trong tay cầm chừng một chục con rắn nhỏ dài chừng một thước. Những con rắn đó, con thì xanh, con thì hoa, đầu hình tam giác, toàn là rắn độc. Thế nhưng thiếu nữ đó cầm trong tay chẳng khác gì đồ chơi không có vẻ gì sợ hãi. Mọi người vừa ngửng lên nhìn cô ta thì nghe Cung Quang Kiệt và gã sư đệ kêu oai oái, vội quay đầu nhìn sang hai người. Thế nhưng Đoàn Dự vẫn nhìn cô ta thấy thiếu nữ đó ngồi đong đưa hai chân, xem chừng ngồi trên xà nhà có vẻ thú vị lắm liền hỏi: - Cô nương, phải cô cứu tôi đó chăng? Cô gái đáp: - Tên ác nhân kia đánh ngươi, sao ngươi không trả đòn? Đoàn Dự lắc đầu: - Tôi không biết đánh trả... Bỗng nghe "A" một tiếng, mọi người cùng reo lên, Đoàn Dự nhìn xuống thấy Tả Tử Mục tay cầm trường kiếm, mũi kiếm có lấm tấm máu, một con rắn đã đứt đôi hiển nhiên đã bị y chém chết. Trong khi đó Cung Quang Kiệt đã cởi trần đang nhảy lung tung, một con rắn xanh nhỏ đang chạy trên lưng y, y vòng tay lại định chộp, nhưng mấy lần đều vói không tới. Tả Tử Mục quát lên: Trang 16/1.941 http://motsach.info
  17. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung - Quang Kiệt, đứng yên chớ động đậy. Cung Quang Kiệt sững người thấy một ánh trắng loáng lên, con rắn xanh đứt làm đôi. Tả Tử Mục vung kiếm nhanh như gió, không ai kịp nhìn y xuất thủ như thế nào giết con rắn mà lưng Cung Quang Kiệt không hề tổn thương mảy may. Mọi người liền lớn tiếng hoan hô. Thiếu nữ ngồi trên xà nhà kêu lên: - Ối ối! Lão già râu dài kia, sao lão lại giết chết hai con rắn của ta, ta không thèm nể nang lão nữa đâu. Tả Tử Mục giận dữ đáp: - Ngươi là con cái nhà ai, đến đây làm gì? Tuy thế y trong lòng hơi hoảng, không biết thiếu nữ đến ngồi trên xà nhà từ bao giờ, dẫu rằng ai nấy chăm chú coi hai bên Đông Tông, Tây Tông tỉ kiếm nhưng lẽ nào trên đầu có người mà mọi người lại không hề hay biết. Nếu việc này truyền ra ngoài giang hồ, Vô Lượng Kiếm quả thật bẽ mặt. Thiếu nữ vẫn ngồi đong đưa chân, chân mang một đôi giày màu xanh nhạt, chung quanh thêu mấy đóa hoa nhỏ màu vàng, rõ ràng là cách ăn mặc của một cô gái nhỏ. Tả Tử Mục nói tiếp: - Nhảy xuống mau! Đoàn Dự vội kêu lên: - Cao như thế nhảy xuống thì chết mất. Mau mau bảo ai mang thang đến mới được. Chàng nói thế lập tức có mấy người cười ồ lên. Mấy cô đệ tử của Tây Tông nghĩ thầm: “Trông anh chàng này mặt mũi cũng sáng sủa, ngờ đâu chỉ là một chàng ngốc. Cô bé này lên ngồi trên xà nhà mà thần không hay, quỉ chẳng biết, khinh công dĩ nhiên chẳng vừa, việc gì phải cần đến thang mới xuống được”. Cô gái nói tiếp: - Ông đền hai con rắn cho tôi trước, tôi sẽ xuống nói chuyện với ông sau. Tả Tử Mục nói: - Hai con rắn nhỏ thì có đáng gì, bắt ở đâu chẳng được. Lão ta thấy cô gái nghịch chơi mấy con rắn xem như không, cô ta tuổi còn nhỏ không có gì đáng ngại, có điều sư trưởng cha mẹ cô ta ở đằng sau e rằng là những nhân vật có tiếng tăm, thành thử lời ăn tiếng nói cũng dịu ngọt mấy phần. Cô gái cười nói: - Sao ông nói dễ nghe thế, ông thử đi bắt hai con cho tôi xem nào. Tả Tử Mục nói: - Mau nhảy xuống đi! Cô gái đáp: Trang 17/1.941 http://motsach.info
  18. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung - Tôi không xuống. Tả Tử Mục nói: - Ngươi không xuống ta sẽ lên lôi ngươi xuống. Thiếu nữ cười khanh khách: - Ông có giỏi thử lên bắt tôi xuống xem nào! Tả Tử Mục là tông sư một môn phái, ở trước mặt biết bao nhiêu hảo thủ võ lâm, môn hạ đệ tử, lẽ nào lại cùng một cô gái nhỏ đôi co nên quay sang nói với Song Thanh: - Tân sư muội, nhờ sư muội cho một nữ đệ tử lên bắt nó xuống dùm. Song Thanh đáp: - Trong môn hạ của Tây Tông chẳng có ai khinh công giỏi như thế cả. Tả Tử Mục sầm mặt xuống, đang định đáp lời bỗng nghe thiếu nữ nói: - Ông không chịu đền rắn cho tôi, để tôi cho ông biết tay. Cô ta mở chiếc túi da bên hông lôi ra một vật gì lông lá ném về phía Cung Quang Kiệt. Cung Quang Kiệt nghĩ rằng đó là một thứ ám khí ghê gớm nên không đám đưa tay bắt, vội vàng tránh sang một bên, không ngờ cái vật lông lá đó lại rất nhanh nhẹn, ở trên không chỉ uốn một cái đã phóng ngay lên lưng Cung Quang Kiệt. Mọi người bấy giờ mới nhìn rõ, thì ra đó là một con chồn nhỏ màu xám nhạt. Con chồn đó nhanh nhẹn dị thường, luồn qua luồn lại trên lưng, trên ngực, trên cổ, trên mặt Cung Quang Kiệt. Cung Quang Kiệt giơ hai tay chộp, thế nhưng tuy y ra tay đã nhanh, con chồn kia còn nhanh gấp mười, thành thử chộp luôn mấy lần đều hụt cả. Người chung quanh thấy y giơ chân múa tay, chộp hết lên lưng lại lên ngực, vỗ trên mặt lại đập lên cổ nhưng con chồn kia vẫn chạy thoăn thoắt không ngừng. Đoàn Dự cười nói: - Hay thật! Hay thật! Con chồn này giỏi quá! Con chồn đó dài chưa đầy một thước, mắt đỏ chót, bốn chân dường như móng sắc lắm nên chỉ giây lát, thân hình trần trùng trục của Cung Quang Kiệt đã đầy những vết xước. Bỗng nghe thiếu nữ chúm miệng huýt mấy tiếng còi, một bóng trắng thấp thoáng, con chồn kia liền chồm lên mặt Cung Quang Kiệt, cái đuôi rậm rì quật ngay vào mắt y. Cung Quang Kiệt vội đưa hai tay ra chộp nhưng con chồn đã luồn ra sau cổ, mấy ngón tay Cung Quang Kiệt liền chộp ngay vào mắt mình. Tả Tử Mục tiến lên hai bước, trường kiếm đâm ra nhưng lúc đó con chồn đã vọt lên mặt Cung Quang Kiệt, Tả Tử Mục liền vung kiếm đâm theo. Con chồn rụt người lại, chui ra sau cổ Cung Quang Kiệt, kiếm của Tả Tử Mục vừa chạm vào mí mắt Cung Quang Kiệt liền ngừng lại ngay. Tuy nhát kiếm đó đâm không trúng con chồn nhưng người đứng ngoài ai nấy đều thán phục, mũi kiếm nếu chỉ đâm thêm nửa tấc, bên mắt đó của Cung Quang Kiệt sẽ bị hủy ngay. Song Thanh nghĩ thầm: “Kiếm thuật Tả sư huynh ghê gớm thật, ta không thể nào bì kịp. Chỉ riêng chiêu Kim Châm Độ Kiếp đó ta chẳng tài nào cao siêu đến mức đó được”. Trang 18/1.941 http://motsach.info
  19. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Soẹt soẹt soẹt soẹt bốn tiếng, Tả Tử Mục đã đâm ra bốn nhát liền, kiếm chiêu tuy nhanh lạ thường nhưng con chồn kia vẫn nhanh hơn một bước. Cô gái kêu lên: - Này lão râu dài kia, kiếm pháp ông giỏi nhỉ. Cô ta lại huýt thêm hai tiếng nữa, con chồn đó liền nhảy xuống đất, thoắt một cái đã biến đi đâu mất. Tả Tử Mục còn đang ngơ ngẩn đã thấy Cung Quang Kiệt hai tay chộp loạn xạ lên đùi mình, thì ra con chồn đã luồn theo ống quần y chạy lên. Đoàn Dự cười sằng sặc, vỗ tay nói: - Hôm nay quả được mở mắt, thật vui hết sức. Cung Quang Kiệt hốt hoảng cởi luôn quần dài, lộ hai cái đùi mọc đầy lông đen. Thiếu nữ nói: - Ngươi là tên ác ôn chỉ giỏi ăn hiếp người khác, để cho ngươi lột trần như nhộng xem có biết xấu hổ không nào. Nàng lại toét toét huýt mấy tiếng còi, con chồn lập tức nghe lời, không bám vào đùi y nữa mà chui ngay vào quần lót. Trong luyện võ sảnh có rất đông phụ nữ, Cung Quang Kiệt không thể nào cởi luôn cả quần lót được, hai chân nhảy tưng tưng, hai tay đập liên tiếp lên bụng lên mông, hét lên một tiếng lếch thếch chạy vội ra ngoài. Y vừa chạy đến cửa sảnh bỗng đâu có một người từ ngoài chạy vào, nghe bình một tiếng, hai người đụng nhau một cái đích đáng. Một người chạy ra, một người chạy vào hai bên đều gấp, Cung Quang Kiệt bị bắn ngược về sau, còn người ở ngoài chạy vào kia cũng ngã lăn cù. Tả Tử Mục thất thanh kêu lên: - Dung sư đệ! Cung Quang Kiệt không lý gì đến con chồn đang chạy từ đùi bên trái sang đùi bên phải, rồi từ đùi bên phải chạy lên mông, lật đật chạy tới đỡ người kia dậy, con chồn lập tức nhảy tới cào vào ngay chỗ hiểm. Y kêu “A” lên một tiếng, hai tay chộp vào con chồn, người kia lại ngã lăn ra. Cô gái ngồi trên xà nhà cười khúc khích nói: - Cho ngươi đáng kiếp. Nàng huýt một tiếng dài, con chồn liền từ trong quần Cung Quang Kiệt chạy ra, theo tường thoăn thoắt trèo lên, chỉ thấy một bóng trắng thấp thoáng đã chui ngay vào lòng cô gái. Cô gái khen: - Chồn ngoan lắm. Nàng lấy hai ngón tay nhón đuôi một con rắn nhỏ, giơ lên nhứ nhứ trước mặt con chồn. Con vật liền giơ chân trước vồ lấy, há miệng ăn ngay, thì ra những con rắn nhỏ trong tay nàng là đồ ăn của con vật. Đoàn Dự từ trước tới nay chưa thấy bao giờ nên xem chừng thú vị lắm, thấy con chồn đã ăn xong con rắn nhỏ liền chui ngay vào trong cái túi da ở bên hông nàng. Cung Quang Kiệt lại đỡ người kia lên kinh hoảng kêu lên: - Dung sư thúc, sư thúc... sao thế này! Trang 19/1.941 http://motsach.info
  20. Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) Kim Dung Tả Tử Mục vội tiến lên thấy sư đệ Dung Tử Củ hai mắt trợn trừng đầy vẻ phẫn nộ nhưng đã tắt thở tự bao giờ. Tả Tử Mục kinh hãi vội vàng nắn bóp nhưng không làm sao cứu nổi. Tả Tử Mục biết võ công Dung Tử Củ tuy kém mình một chút nhưng so với Cung Quang Kiệt thì cao hơn nhiều, mới đụng một cái y đã không tránh được lại lăn ra chết thì ắt là trước khi bước vào cửa đã bị trọng thương nên vội vàng cởi áo ra xem thấy trên ngực có viết tám chữ: Thần Nông Bang tru diệt Vô Lượng Kiếm Mọi người không hẹn mà cùng kinh hoảng kêu lên. Tám chữ đó ăn sâu hẳn xuống, không phải viết bằng mực bình thường, cũng chẳng phải dùng vật nhọn khắc vào, mà viết bằng dược vật kịch độc, ăn loét vào trong da thịt. Tả Tử Mục hơi suy nghĩ không khỏi giận dữ, thanh kiếm trong tay rung một cái lên tiếng u u, quát lớn: - Để xem Thần Nông Bang tru diệt Vô Lượng Kiếm hay là Vô Lượng Kiếm tru diệt Thần Nông Bang. Thù này không trả, ta còn là người sao được! Y coi xét các nơi trên người Dung Tử Củ thấy không có vết thương nào khác bèn quát lên: - Quang Hào, Quang Kiệt ra ngoài xem sao. Can Quang Hào, Cung Quang Kiệt hai đại đệ tử liền cầm trường kiếm, lên tiếng đáp lời đi ra. Biến cố đó khiến cho đại sảnh nhốn nháo, vây quanh xác của Dung Tử Củ bàn tán, không còn ai để ý tới Đoàn Dự và cô gái đang ngồi trên xà nhà. Mã Ngũ Đức trầm ngâm nói: - Thần Nông Bang càng ngày càng loạn không còn ra gì nữa. Tả hiền đệ, chẳng hay bọn họ và quí phái vì sao mà kết mối oán thù? Tả Tử Mục thương xót sư đệ chết thảm, nghẹn ngào nói: - Ấy cũng là việc hái thuốc mà ra. Mùa thu năm ngoái, bốn tên hương chủ trong Thần Nông Bang đến Kiếm Hồ Cung xin gặp, muốn ra sau núi của chúng tôi hái mấy vị thuốc. Hái thuốc vốn dĩ chẳng có gì quan trọng, Thần Nông Bang vốn làm nghề hái thuốc, chế thuốc mưu sinh, Vô Lượng Kiếm tuy không có giao tình gì với họ nhưng cũng không thù không oán. Nhưng Mã ngũ ca cũng đã biết rồi, chúng tôi không thể để người ngoài vào sau núi được, không nói Thần Nông Bang chỉ đối với chúng tôi lai vãng sơ sài, mà dẫu các hảo bằng hữu như các vị trước nay cũng không được du ngoạn phía hậu sơn bao giờ. Đó là qui củ tổ truyền, bọn tiểu bối chúng tôi không thể vi phạm kỳ thực cũng chẳng có gì gọi là ghê gớm... Cô gái ngồi trên xà nhà đem mấy chục con rắn trong tay bỏ vào một cái giỏ nhỏ đan bằng tre rồi móc trong túi ra một nắm hạt dưa ngồi nhai, hai chân đong đưa, bỗng cầm một hạt dưa ném lên đầu Đoàn Dự, trúng ngay trán chàng, cười hỏi: - Này, có muốn ăn hạt dưa không? Lên đây! Đoàn Dự đáp: - Không có thang, tôi đâu có lên được. Cô gái nói: - Cũng dễ thôi! Trang 20/1.941 http://motsach.info
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2