intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thoảng trong hương ổi

Chia sẻ: G G | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

63
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tiếng chập chũm giỡn nước trên mấy khúc chuối của tụi con nít vang vọng phía xa xa làm cho tôi và con Hường phải ngoái đầu chăm chú nhìn. Thằng Út với thằng Chuột, thằng Quắt con bác Tám Cân trần truồng như nhộng, để lộ ra đôi bắp chân khẳng khiu với làn da nâu săn chắc. Tụi nó thay phiên nhau leo đến giữa cây cầu khỉ rồi phóng xuống lòng sông trong vẻ hớn hở và khoan khoái, bơi thật nhanh vào bờ như con nhái bén chạy tháo thân trước anh chàng rắn nước háo...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thoảng trong hương ổi

  1. Thoảng trong hương ổi Tiếng chập chũm giỡn nước trên mấy khúc chuối của tụi con nít vang vọng phía xa xa làm cho tôi và con Hường phải ngoái đầu chăm chú nhìn. Thằng Út với thằng Chuột, thằng Quắt con bác Tám Cân trần truồng như nhộng, để lộ ra đôi bắp chân khẳng khiu với làn da nâu săn chắc. Tụi nó thay phiên nhau leo đến giữa cây cầu khỉ rồi phóng xuống lòng sông trong vẻ hớn hở và khoan khoái, bơi thật nhanh vào bờ như con nhái bén chạy tháo thân trước anh chàng rắn nước háo mồi. Chắc là nhờ mỗi mùa khi đợt thủy triều thay đổi, khúc sông quê khoác lên mình chiếc áo phù sa giống như được pha lẫn chất rắn rỏi đậm đặc có sẵn từ thiên nhiên, làm cho tụi con nít xóm này một khi đã trầm mình vào đó thì đứa nào đứa nấy cũng đều khỏe mạnh. Thằng Út cười híp mắt vì vớt được trái ổi chín cây bị rụng trôi ở giữa dòng mang vào đưa cho con Hường. Con Hường nhường tôi cắn trước. Tôi cầm trái ổi chín bói còn nặng trình trịch trên tay, da nó căng tròn bóng mẩy. Mấy hôm rồi, tôi đã trông thấy lũ chim chào mào kéo về bay dọc triền sông từng bầy đông nghịt, rúc rích trong những khu vườn xum xuê để tìm trái chín. Hương ổi thơm nồng ở vườn nhà cô Năm Đành phía bờ sông bên kia còn thoảng trong gió chiều đưa qua đây, làm cho lòng tôi nao nao khó tả. “Thôi, chị để dành trái ổi này cúng má, đợi lát ba về mới được ăn nghen hai đứa, mà hình như ba cũng sắp về rồi”. Thằng Út cũng tiếc nuối nhìn hoài trái ổi thơm ngon, lỗ mũi của nó cứ phập phồng liên hồi, rồi nó nuốt trong cuống họng cái ực, bắt trớn nhảy ùm, bơi theo tụi bạn đang hò hét inh ỏi làm xao động cả mặt sông dềnh dàng con nước lớn. Thường thì mặt trời tắt nắng ba mới về đến nhà. Đêm trước ông Tư Nhẫn có qua nhà nhờ ba tôi đắp lại giùm cái đập bị sạt lở đất, làm cho mấy công mạ vụ hè thu của ông vừa mới cấy xong đã bị nước tràn vào lênh láng. Sáng sớm tinh sương, ba lùa vội vài hột cơm nguội lót dạ rồi khoác lên người chiếc áo còn ướt, bởi ba chỉ kịp giũ sơ qua nước từ chiều hôm qua cho bớt sình bùn rồi vắt tạm ở bờ rào. Ba xuống bến mở sợi dây lòi tói nghe rổn rảng trong hơi gió se lạnh, xô chiếc ghe tam bản ra xa bờ rồi bơi miết vào ruộng. Trước khi đi ba dặn dò chị em tôi đừng có đợi cơm chiều, vì ba còn phải dọn hết đám cỏ xước trong vườn bà Sáu ở xóm trên nên chắc khoảng chạng vạng ba mới về. Trời nhập nhoạng tối, mấy chị em xoay tròn bên ngọn đèn dầu leo lét nhìn đĩa thịt chuột chiên với tô canh rau dền nguội lạnh dần. “Ba về chưa chị Hai? Có nguyên một bầy kiến chạy trong bụng em rồi nè!”.
  2. Thằng Út vừa xoa bụng vừa nhăn nhó cái mặt. “Ráng đợi thêm chút nữa, ba sắp về rồi. Ừ, hồi chiều chị có lùi tro một củ khoai lang bự chảng đó, cưng lấy ăn đỡ đi!”. Con Hường vỗ ngọt. Bỗng con mực hực hực mấy tiếng rồi vẫy đuôi chạy xuống bến mừng ba. Nó ngửi được mùi mồ hôi còn ướt sũng trên tấm áo vá bạc màu đã bao mùa ba chưa lần thay đổi. Mâm cơm chiều nay thật tươm tất khi ba mang về thêm một con cá lóc được nướng sẵn ở ngoài đồng, vẫn còn dậy lên mùi thơm phức. Gương mặt ba thoáng qua nét mệt mỏi rã rời nhưng cũng cố gắng ăn hết chén cơm tôi bới đầy. Thằng Út chỉ mong cơm nước xong là nó nhanh nhẹn với tay lấy trái ổi trên bàn thờ má mang đến cho ba rồi hí hửng kể về thành quả của mình trong chiều nay. Ba lấy dao xẻ trái ổi ra làm tư, mỗi người đều có phần để cùng nhau thưởng thức hương vị của trái ổi đầu mùa. Buổi sáng càng rộn ràng hơn với tiếng chim chào mào, trao trảo tranh nhau tha hột khi khu vườn bên kia sông bước vào mùa ổi chín. Lúc ấy cũng là lúc cô Năm Đành cắp chiếc rổ bên hông, dạo bước ra từng gốc ổi, hái những trái vừa ươm ướp chín và vẫn còn thấm đẫm hơi sương. Kịp khi nắng lên, cô sẽ bơi xuồng ra chợ bán. Cô bơi xuồng qua sông biếu cho mấy cha con tôi chục ổi là chuyện rất thường. “Ổi vừa chín tới là tui hái liền, cơm dày thịt mềm, tui mang qua gửi anh Hai với mấy đứa nhỏ ăn lấy thảo”. Nụ cười cô long lanh như làn nắng mùa thu của năm nào còn rơi rớt lại bên thềm. Ba chìa tay ra nhận ổi rồi nói tiếng cảm ơn trong lạnh lùng mà ánh mắt rưng rưng. Chị em tôi chỉ muốn được trả ơn bằng cách xin phép ba cho tụi tôi vào vườn để giúp cô hái ổi. Cô chỉ bảo tôi từng tên những gốc ổi trong khu vườn rộng thênh thang này, để dễ dàng phân loại hơn khi hái và bán cho người ta. Cây ổi đào có vỏ xanh mà ruột đỏ hồng, cắn một miếng là hương thơm lan tỏa ra khắp vòm họng, nuốt vào rồi mà môi còn sường sượng vì thịt trái như có cát vậy. Ổi găng thì giòn và ngọt hơn một chút, há miệng rồi cắn mà nhai ngấu nghiến vì da trái cứ rôm rốp giòn tan. Tôi chỉ mê nhất là mấy gốc ổi với từng nhánh trơn tru nhẵn thín được cô trồng ở bờ bên này, cạnh nơi con mương nhỏ có thể cung cấp đủ nước cho trái tròn căng bóng hết cỡ, thịt trái mềm và có vị ngọt thanh. “Loại ổi này ruột trắng như mỡ và mềm mịn nên ông bà mình cũng đặt tên cho nó là ổi mỡ” - cô phân trần. “Vậy thì chắc chắn cây ổi này cô đã lấy giống từ Trung Quốc mang về rồi, vì tên của nó là ổi Tàu” - tôi trỏ tay vào gốc ổi lạ có thân cong uốn éo. "Ừ! Cô cũng không rõ vì gốc ấy đã có từ lâu rồi, cây thấp lè tè mà da trái thì thô, xù xì như da cóc. Trái ăn được cũng lớn bằng nắm tay mà da nó vẫn xanh
  3. đậm, cắn vào thớ gân xanh ấy nhai nghe sần sật, có chát thật nhưng hậu ngòn ngọt". Thằng Út với lấy nhánh ổi sà ngang mặt ao định leo lên hái cho nhanh. “Ấy chết! Hái ổi thì không được trèo cây đâu mấy đứa vì như vậy cây bị rung, qua mùa sau trái sẽ chua lắm” - cô ôn tồn giải thích. Có nhiều lúc gần gũi, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô Năm vẫn mãi chăm chú nhìn chị em chúng tôi khi đang say sưa ăn trái. Đôi mắt ấy thật dịu dàng và cũng đã rất nhiều lần nhưng không nhớ rõ, trong lòng tôi vẫn trầm trồ và thầm khen rằng cô rất đẹp. Mỗi khi nhìn thấy cô cười, mấy chú xóm tôi thường ví như sự chờ đợi từng ngọn gió mát lành thổi dọc triền sông có ướp chút hương ổi thoảng đưa nhè nhẹ, làm xua tan cơn mệt mỏi cho bà con cô bác quê mình trên những cánh đồng dưới ánh nắng gắt gao. Còn đối với tôi, nụ cười ấy hiền hòa và trong suốt y hệt tiếng nhai ổi giòn rụm của thằng Út, của con Hường, thấy thân thương lạ! Những ngày mưa, nước dập dềnh ngập lên mấy gốc ổi. Từng trái chín rơi tõm xuống mặt ao như tiếng con cá lóc đớp mồi giữa đêm khuya. Tôi nằm nghe nội kể chuyện xa xưa. Thời niên thiếu, ba tôi rất siêng năng làm lụng để phụ lo cho gia đình với lũ em thơ đang trong độ tuổi ăn tuổi học. Anh lực điền hiền lành ấy phải lòng cô gái nết na bên kia sông đối diện trước cửa nhà. Mùa ổi chín, ngày nào anh cũng ngồi bên này sông trông mong được thấy cô cắp rổ đi ra vườn hái ổi. Họ hẹn mùa lúa năm sau sẽ cùng nhau cắt cỏ be bờ, và những đêm trăng tròn vành anh sẽ bơi xuồng đưa cô đi dọc trên nhánh sông quê lấp lánh dát ánh vàng như những ngày mới yêu nhau. Nhưng rồi song thân cô đành lòng mà buông ra lời miệt thị, câu “đũa mốc mà chòi mâm son” làm cho chàng trai ấy thắt nghẹn chết ở trong lòng. Cô Năm Đành bị ép về làm vợ cho anh công tử giàu có con ông chủ lò đường, cũng xem như là môn đăng hộ đối. Chẳng may, một lần chồng cô say xỉn nên bị tai nạn đột ngột từ giã cõi đời khi tuổi mới được hai mươi ba, để cô góa bụa trở về mảnh vườn xưa với người mẹ già mà răng bà chỉ còn cắn được trái ổi chín mềm như bà nội tôi bây giờ. Chập chờn trong giấc ngủ bằng lời kể êm như nhung của nội, trong giấc mơ tôi thấy mình hóa thành loài chim lạ nhỏ nhắn đang nhảy nhót trên cành ổi trĩu nặng những trái chín thơm lừng. Tôi lại trông thấy tà áo bà ba màu nâu đất thấp thoáng trong mỗi sớm mỗi chiều. Và ánh mắt của chàng trai năm xưa vẫn dõi theo dáng ai đang dần khuất sau nhành ổi. Ba tôi bị cảm sốt vì dầm phải mấy đám mưa ở ngoài đồng mà không chịu nghỉ ngơi, cứ tiếp tục làm quần quật dưới cái nắng hanh hao của tiết trời vào hạ. Nghe
  4. tin ba tôi bị bệnh, cô Năm hớt hãi mua đường với mấy hộp sữa bò rồi chống xuồng qua thăm. Cô chạy đi tìm hái nắm lá me nước, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt. Rồi cũng tự tay cô chặt trái dừa còn óc ách. “Nước dừa tươi trộn chung với nước lá me nước giảm sốt hiệu nghiệm lắm. Anh Hai uống nhanh đi”. Chị em tôi nhìn thấy cảnh đầm ấm như vậy mà muốn ứa nước mắt, nhưng không biết ba tôi có mủi lòng bởi sự chăm sóc tận tình của người phụ nữ dịu dàng ấy. Chỉ biết rằng những lúc tôi gặng hỏi ba thì ba nhìn mông lung xuống mặt sông. Ba nói con sông nào cũng có đôi bờ, một bên bồi một bên lở. Ba trỏ tay rồi nói bờ bên kia sông được dòng phù sa bồi đắp nên trù phú xanh tươi, còn ba ở bờ bên này luôn sạt lở quanh năm. Tôi cứ thắc mắc hỏi ba hoài: “Hai bờ sông quê mình đều cùng chung đón con nước lớn nước ròng, sao ba nỡ lòng nào lại phân biệt rạch ròi để chia lìa đôi bến bờ ra làm hai ngả?” Bà con cô bác cũng thường nói ra nói vào. Kẻ xấu miệng nặng nề nhắc mãi câu chuyện “mấy đời bánh đúc có xương”, người thì khuyên ba tôi nên bước thêm bước nữa. “Cảnh thằng Hai thân gà trống nuôi lũ con nheo nhóc, lầm lũi có một mình trên đồng không mông quạnh mà con Năm Đành nó nói với tao là nó thấy thương mầy đứt ruột. Con Năm là đứa tốt bụng lại thiệt tình, nó góa chồng gần mười lăm năm rồi chớ có ít gì đa!”. Ba quay sang nhìn lên bức di ảnh sờn cũ của má, rồi đưa cặp mắt âu yếm nhìn khắp cả thảy lũ chúng tôi đang thập thò vén bức rèm cửa ló đầu ra, tò mò nhìn người khách quen thuộc. Bà Sáu ngồi trên bộ vạc, miệng bỏm bẻm nhai trầu rồi lại tiếp lời. “Với lại hồi đó tụi bây cũng có ý với nhau, thôi thì cũng là duyên số. Mầy coi ngày lành tháng tốt rồi mang khay trầu với chung rượu qua thưa chuyện với gia đình, nó thương mầy lắm nên hổng có đòi hỏi gì đâu”. Ba tiễn bà Sáu ra cổng rồi trở vào nằm võng nghỉ trưa, tụi tôi mới rón rén đến bên ba. Ba kêu thằng Út nhổ tóc sâu, ba nói tóc ba đã bạc sắp hết rồi tụi con thấy hông? Hổng biết ba có sống được đến ngày gả con Hai Tâm, con Ba Hường đi lấy chồng, rồi còn nhìn thấy thằng Út cưới vợ nữa chớ! Ba lo… Kể từ hôm đó, ba không cho tụi tôi nhận bất cứ thứ quà nào từ cô Năm mang qua nữa. Ba nói tụi tui có làm gì cho cô nhờ đâu mà cô mang bánh trái qua cho cha con tui hoài. Cô giả lã: - Ờ thì tui thấy mấy đứa bồ côi bồ cút tui thương, mấy trái ổi có là bao nhiêu đâu, mà tình làng nghĩa xóm, tui quý là quý ở chỗ tình xưa nghĩa cũ, sao anh Hai lại…
  5. Nhưng ba tôi gạt phắt ngang lời nói còn bỏ lửng của cô. Cô Năm thẫn thờ xách giỏ ổi với nải chuối già hương xuống bến, mắt cô ầng ậc nước chỉ chực trào ra. Tôi biết trong dạ ba cũng đang bị cào cấu tơi bời, nhưng ba đã kiềm lại được nỗi lòng rạn nứt như con đập sắp vỡ òa trong mùa nước tràn đồng. Gió mơn man trở ngọn khi trời đất đã vào cuối xuân nồng, từng tràng bông ổi trắng muốt rắc xuống mặt sông sợi tơ lòng còn dang dở. Tôi đứng bên này, nhìn qua cánh cổng nhà đối diện có tết trái đủng đỉnh hai bên với mấy tàu lá dừa được xếp thành hình đôi trái tim trông ngồ ngộ quá chừng. Tụi trẻ được dịp tụ tập, bọn nó tranh nhau tước cọng dừa còn sót lại để thắt lồng đèn với mấy con cào cào có cánh xanh với cặp cẳng dài ngoằng. Ba cũng có mang qua hai cây chuối tươi ở vườn nhà để phụ gia đình cô trồng cái cổng vu quy. Mà con Hường có nói với tôi lúc sáng nó nghe thấy nhát dao vô tình sả xuống xàn xạt vào thân cây chuối mềm, từng dòng máu trong vắt tuôn ra rào rạt. Bến nước nhà cô Năm hôm nay tấp nập với mấy chiếc ghe thiệt lớn có kết hoa, treo đèn chuẩn bị rước cô về miền miệt thứ. Bà con cô bác lại rất đông để uống cùng nhau ly rượu mừng ngày cô Năm Đành bước thêm bước nữa. Ba tôi thay chiếc áo đi đồng quen thuộc để khoác vào chiếc sơmi trắng mà hiếm lắm mới thấy ba dòm tới nó một lần, bơi một mạch qua sông, ngồi vô bàn cụng ly rốp rẻng với mọi người để chúc cô Năm hạnh phúc cùng chồng đến răng long đầu bạc. Xong rồi ba chèo ngược gió chiếc ghe tam bản vô đồng xa như có ai hối thúc dữ lắm vậy, nên ba quên mang theo cây cuốc với cả cây dao chành phát cỏ để ở dưới bộ vạc, vậy mà tôi đợi suốt hai ngày cũng không thấy ba trở về để lấy nó mang đi. Có những đêm mùa hè, mặt sông nhấp nhô từng ngọn triều trải mênh mang theo tiếng thở dài thườn thượt của một cõi lòng hiu quạnh. Nhánh sông gầy như chất chứa không hết nỗi niềm riêng, thổn thức trong canh khuya cùng tiếng bìm bịp kêu cho con nước thêm ăm ắp vị bởi những giọt phù sa nồng hậu. Vườn ổi bên kia sông vẫn còn đó, chỉ có điều đã thay người chủ mới. Khu vườn giờ đây lại được che chắn cẩn thận quá, có hàng rào dây kẽm gai bao quanh để không cho người trộm ổi. Một lớp lưới dày phủ lên nóc vườn làm cho lũ chim bói trái cũng chán nản nên dần hiếm hoi tìm về. Mỗi khi nhớ đến hương ổi của năm nào, tôi xô xuồng dạt qua bờ bên ấy. Người chủ kêu sấp nhỏ lăng xăng chạy vào vườn hái ổi rồi mang bỏ lên bàn cân, chính xác, sòng phẳng đến lạnh lùng giữa kẻ bán người mua. Cô Năm ngày trước chỉ bán ổi chục, có khi chòm xóm láng giềng lại cho thêm mấy trái ăn chơi. Tôi trở về nhà trong tâm tư não nề mang theo mấy trái ổi cuối mùa. Cắn thịt ổi còn tươi vừa ươm ướp chín, hương ổi vẫn thơm ngào
  6. ngạt xông vào cánh mũi như thuở nào, vậy mà nó làm cho khóe mắt của ai đó cay sè. Tôi nhận ra mùi vị của nó đã phai nhạt đi ít nhiều kể từ ngày xa xôi ấy.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0