intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực tiễn đào tạo và sử dụng trí thức nho học ở nước ta thời Trần (Thế kỉ XIII-XIV)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

22
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực tiễn đào tạo và sử dụng trí thức nho học ở nước ta thời Trần (Thế kỉ XIII-XIV)" giới thiệu những trí thức Nho học có tài năng, đức độ được triều đình hậu đãi, trọng dụng đã trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng nền văn hiến Đại Việt thêm rực rỡ. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực tiễn đào tạo và sử dụng trí thức nho học ở nước ta thời Trần (Thế kỉ XIII-XIV)

  1. THỰC TIỄN ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG TRÍ THỨC NHO HỌC Ở NƯỚC TA THỜI TRẦN (THẾ KỈ XIII-XIV) PGS.TS.Trần Thị Thái Hà* 1 Tóm tắt: Giáo dục và khoa cử Nho học ở nước ta bắt đầu từ thời Lý nhưng phải sang đến thời Trần mới thực sự đóng góp đáng kể vào việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài. Thông qua giáo dục và khoa cử Nho học, nhiều tài năng của đất nước thời kì này đã xuất hiện như Đặng Ma La, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nguyên Đán, Chu Văn An... Những trí thức Nho học có tài năng, đức độ được triều đình hậu đãi, trọng dụng đã trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng nền văn hiến Đại Việt thêm rực rỡ. Từ khoá: Giáo dục, khoa cử, Nho học, Trạng nguyên, Tiến sĩ, Thái học sinh, Nho sinh. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong lịch sử dân tộc, vương triều Trần có thời gian trị vì không phải là dài nhất, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hoá... Đặc biệt, trong thế kỉ XIII, dưới sự lãnh đạo của các vị vua Trần, quân và dân Đại Việt đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất của thời đại lúc bấy giờ là giặc Mông – Nguyên, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đi tìm lời giải đáp cho sự hưng thịnh và vẻ vang mà vương triều Trần đã đạt được trong 175 năm trị vì là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu và lí giải từ các góc độ khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mong muốn sẽ góp thêm một nhận thức về nguyên nhân sự thịnh trị của quốc gia Đại Việt trong các thế kỉ XIII - XIV từ việc phân tích, làm rõ thực tiễn đào tạo và sử dụng nhân tài bằng con đường học hành, khoa cử Nho học của nhà Trần. Qua đó, hi vọng những bài học kinh nghiệm từ quá khứ vẫn ít nhiều có giá trị với công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cũng như việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. NỘI DUNG 1. Khát quát về tình hình giáo dục và khoa cử Nho học dưới thời Trần Từ thời Lý (1009 - 1226), trong điều kiện độc lập, tự chủ, nhà Lý đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng đội ngũ nhân sự có học thức vào công cuộc Trường Đại học Sài Gòn. *
  2. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 317 quản lí, điều hành và xây dựng đất nước. Nho giáo, với bề dày tri thức chính trị - xã hội hàng ngàn năm, được thể hiện bằng những thành tựu rực rỡ ở Trung Hoa đã được vua Lý lựa chọn là một nội dung chính trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đất nước [Phạm Hồng Tung, 2005, tr. 60-61]. Thời kì trị vì của Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông đã đánh dấu những dấu mốc đầu tiên trong việc nhà Lý chủ động tiếp nhận Nho giáo, coi Nho giáo là một phương tiện để phát triển văn hoá và xây dựng đất nước. Vì thế, từ thế kỉ XI, nền giáo dục và khoa cử Nho học bắt đầu hình thành ở nước ta. Nhà Trần sau khi lên ngôi, ổn định trật tự xã hội, giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng cuối Lý đã nhanh chóng củng cố và kiện toàn bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặt luật lệ làm khuôn phép. Sử cũ còn chép lại những sự kiện quan trọng liên quan đến vấn đề này ở ngay những năm đầu thời Trần. Chỉ riêng trong năm 1230, có thể thấy hàng loạt các công việc được triển khai như: - Mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển. - Sửa đổi quan chức các phủ, lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ. - Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 13-14] Để giải quyết các công việc quan trọng của quốc gia một cách hiệu quả, triều đình nhà Trần không thể không tính đến vấn đề nhân sự và giải quyết bài toán về tuyển lựa những người có thực tài để bổ dụng vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Thời kì đầu, nhà Trần duy trì khá nghiêm ngặt chế độ tôn thất. Tất cả các chức vị quan trọng trong bộ máy nhà nước đều do tôn thất họ Trần nắm giữ. Các vương hầu nhà Trần, ngoài việc nắm giữ chức vụ trọng yếu ở triều đình, còn được cử đi trấn trị ở những nơi trọng yếu, có quyền lực lớn ở vùng mình trấn trị. Sau này, trong quá trình xây dựng chính quyền quý tộc quân chủ, bên cạnh những đặc quyền dành cho quý tộc tôn thất, nhà Trần còn coi trọng đến việc đào tạo ra đội ngũ trí thức - quan lại cung cấp cho bộ máy nhà nước. Nhà Trần được xây dựng chủ yếu trên hai tầng lớp xã hội là quý tộc và Nho sĩ, trong đó, quý tộc giữ vị trí hạt nhân. Tầng lớp Nho sĩ là sản phẩm của nền giáo dục Nho học được nhà Trần tiếp nối từ nền tảng ban đầu và những thành tựu mà nhà Lý đã khởi tạo từ hơn một thế kỉ trước đó. Có thể thấy rằng, đến thời Trần, Nho học đã có nhiều điều kiện để phát triển hơn thời Lý. Cũng giống như khi triều Lý trị vì, đạo Phật sang thời Trần vẫn còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của đất nước, từ vua quan đến thứ dân
  3. 318 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP đều sùng Phật. Mặc dù vậy, chắc hẳn các vua Trần đã sớm nhận ra muốn trị nước, củng cố nhà nước quân chủ thì không thể không dựa vào Nho giáo. Giáo dục Nho học vì vậy mà được nhà Trần quan tâm mở mang, phát triển. Ở thời Trần, trường lớp được dựng lên khá nhiều, nằm rải rác ở kinh đô Thăng Long, phủ Thiên Trường và các địa phương trong cả nước; trong đó Thăng Long và phủ Thiên Trường là hai trung tâm chính trị và đồng thời là hai trung tâm giáo dục quan trọng, lớn nhất của đất nước, nơi tập trung số lượng nho sĩ trí thức đông đảo. Hệ thống trường công do nhà nước quản lí dưới thời Trần đều tập trung ở Thăng Long và Thiên Trường. Năm 1243, tại Thăng Long, nhà Trần cho trùng tu Quốc Tử giám [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 22] và đến năm 1253 lập Quốc học viện. Sử cũ chép: “Tháng 6, lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 29]. Tháng 9 năm đó, “xuống chiếu cho các Nho sĩ trong nước đến Viện Quốc học nghe giảng Tứ thư, Ngũ kinh” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 29]. Cũng năm 1253, lập thêm kí túc xá và thư viện. Không những con em quan lại ở kinh đô theo học mà sau này, trường đã mở rộng đối tượng, người ở các lộ, trấn, xa kinh đô cũng được học tập. Quốc học viện thời Trần vừa là cơ sở đào tạo, đồng thời là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ, thuyết giảng các đề tài trên nền tảng của Nho giáo với đối tượng được mở rộng hơn. Trong cơ sở đào tạo quốc gia với tên gọi Quốc học viện, vua Trần quan tâm chọn người tài giỏi, những người thầy giỏi có tiếng trong cả nước, đạo đức trong sáng, mô phạm để giao cho giữ chức Tế tửu và Tư nghiệp. Sử chép: “Năm 1272, Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử giám1” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 48]. Chu Văn An được cử làm Tư nghiệp năm 1328, Nguyễn Phi Khanh làm Tư nghiệp năm 1400. Nhà học ở phủ Thiên Trường cũng là một cơ sở giáo dục của nhà nước dưới thời Trần được thành lập năm 1281. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Lập Nhà học ở phủ Thiên Trường, cấm người hương Thiên Thuộc không được học vì sợ khí lực kém đi [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 57]. Bên cạnh hệ thống trường công của nhà nước như Quốc học viện, Nhà học thì còn có hàng loạt những ngôi trường tư do các Nho sĩ trí thức mở ra nằm rải rác ở Thăng Long và các địa phương trong nước. Mặc dù phải cho tới năm 1397, vua Trần mới ban chiếu về việc học ở các lộ, đặt học quan và học điền2 nhưng từ rất sớm, đã có một số 1 Tư nghiệp: tương đương chức Hiệu phó ngày nay; Tế tửu: Hiệu trưởng. 2 Năm 1397, vua Trần xuống chiếu rằng: “Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường là để tỏ rõ giáo hoá, giữ gìn phong tục, ý trẫm rất chuộng như vậy. Nay quy chế ở kinh đô đã đầy đủ, nhưng
  4. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 319 trường dân lập xuất hiện dưới thời Trần ở ngay tại Thăng Long và các vùng lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, cho tới tận Thanh Hoá, Nghệ An đều có trường lớp và chắc chắn có nhiều học trò đi học, tham gia thi cử từ các trường lớp này. Một trong những ngôi trường như vậy là của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, con trai thứ 5 của vua Trần Thái Tông. Ông mở trường học ở ngay trong phủ đệ, tập hợp các Nho sĩ bốn phương, cấp cho ăn mặc, dạy bảo học tập kinh truyện. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã từng được theo học ở ngôi trường này. Một trường tư nổi tiếng nữa dưới thời Trần là trường của Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung, huyện Thanh Đàm ngay cạnh kinh đô (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội). Nội dung dạy học của Chu Văn An ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn ông đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng - Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn. Như vậy, ở thời Trần, đã tồn tại các trường học của nhà nước và của tư nhân. Các loại trường này đều song song tồn tại và có vị trí trong đời sống xã hội của đất nước. Trong dân gian vẫn có nhiều hình thức, nhiều cơ sở truyền đạt tri thức Nho, Phật, Đạo: Các ngôi chùa vẫn là cơ sở quan trọng rèn tập chữ Hán và tri thức Phật, Đạo, Nho cho tầng lớp bình dân. Bên cạnh đó, những nhà quyền quý còn mời thầy giỏi về tận tư gia để dạy dỗ cho con em mình. Song song với đào tạo là khoa cử. Khoa cử với tư cách là phương thức tuyển lựa nhân tài được bắt đầu ở nước ta từ năm 1075 với khoa thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường đầu tiên được tổ chức. Sự kiện này đã đánh dấu mốc khởi đầu của một phương thức đào tạo nhân tài và tuyển dụng quan lại của nhà nước quân chủ Đại Việt. Tuy nhiên phải đến triều Trần thì khoa cử mới thực sự đóng góp đáng kể vào việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài. Trong thời gian tồn tại, nhà Trần tổ chức được 13 kì thi Nho học, với 273 người đỗ Thái học sinh [Viện Sử học, 2005, Tr. 290]. Với mong muốn tăng nhanh trình độ học vấn của quan chức, ngay từ năm 1232, nhà Trần đã mở khoa thi đầu tiên của triều đại mình. Năm 11247, nhà Trần đặt lệ lấy tam khôi (3 người đỗ đầu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám Hoa) và quy định cứ 7 năm mở 1 khoa thi. ở châu, huyện còn thiếu thì làm thế nào để mở mang được đạo dạy dân? Vậy hạ lệnh cho các châu, phủ thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương đều đặt một viên quan giáo thụ giữ việc học, cấp cho ruộng công tuỳ theo thứ bậc: phủ, châu lớn được 15 mẫu; vừa được 12 mẫu; nhỏ được 10 mẫu để sung vào học tập. Quan ở lộ phải đôn đốc học quan dạy dỗ học trò khiến cho thành tài nghệ. Cứ đến cuối năm thì chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi chọn và cất nhắc”. [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 240-241].
  5. 320 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Dưới thời Trần, việc tổ chức các kì thi đã thành định lệ, nội dung thi cử cũng được quy định và điều chỉnh với nhu cầu về năng lực của đội ngũ trí thức Nho học. Năm 1304, quy định rõ nội dung thi 4 trường: Trường 1: Thi ám tả cổ văn Trường 2: Thi kinh nghi, kinh nghĩa, thơ, phú Trường 3: Thi chế, chiếu, biểu Trường 4: Thi đối sách. Sau đó, mở kì thi Đình để phân hạng cao thấp các Thái học sinh. Năm 1396, nội dung thi 4 trường được quy định lại: Trường 1: Thi kinh nghĩa Trường 2: Thi thơ phú Trường 3: Thi chế, chiếu, biểu Trường 4: Thi văn sách. Kì thi Hương ở địa phương cũng bắt đầu được tổ chức. Các sách học chính cũng được quy định cụ thể: Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử... Như vậy, cho đến cuối thế kỉ XIV, thể chế cách thức thi cử thời Trần đã dần được hoàn chỉnh. Trong Khoa mục chí, Phan Huy Chú có dẫn lại lời của Ngô Sĩ Liên như một lời nhận xét về chế độ thi cử thời Trần: “Sử thần họ Ngô nói: Phép khoa cử thời Trần đến đây mới đủ văn tự bốn trường, đến nay còn theo, không thay đổi được. Chọn nhân tài bằng văn học, không gì hơn phép này. Xem những người đỗ về các khoa cuối thời Trần thì Nguyễn Ức Trai là nhất, văn chương mưu trí của ông đã giúp cho triều Lê buổi đầu dựng nước. Sau nữa như Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Phan Phu Tiên, Nguyễn Thiên Túng đều là văn chương cự phách một thời. Thế mới biết từ Tam đại (nhà Hạ, Thương, Chu) về sau chọn người giỏi bằng khoa cử thì văn nghệ không thiếu được” [Phan Huy Chú, 2006, tr.12]. 2. CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ VÀ SỬ DỤNG TRÍ THỨC NHO HỌC Vào đầu thời Trần, chỉ có một số ít người ngoài có cơ hội tham chính như trường hợp Phùng Tá Chu. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng một triều đình quý tộc của hoàng tộc mang tính khép kín như vậy không thể đáp ứng được nhu cầu quản lí xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước đang được đặt ra một cách trực tiếp. Do đó, nhà Trần buộc phải nới lỏng nguyên tắc tuyển lựa nhân tài, mở rộng quan trường cho những người thuộc tầng lớp xã hội khác (thổ hào, nho sĩ...). Các kì thi được tổ chức thường xuyên mới có đủ văn quan cho đi cai trị các địa phương. Sử cũ ghi lại: “Năm 1242, chia nước làm 12
  6. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 321 lộ, đặt chức An phủ, Trấn phủ, có hai viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 21]. “Năm 1244, sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm ở các địa phương” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr. 23]. Như vậy, chỉ tính riêng ở các địa phương, nhà Trần cần một số lượng lớn quan văn để giữ các chức vụ từ cấp hành chính nhỏ nhất là xã cho đến cấp lộ. Ở cấp trung ương cũng liên tục cần có đội ngũ Nho sĩ trí thức có thực tài để làm việc trong các sảnh, viện. Có thể thấy được đợt tuyển dụng rất lớn của nhà Trần vào năm 1267. Sử chép: “mùa hạ, tháng 4, dùng Nho sinh hay chữ sung vào quán, các, sảnh, viện. Bấy giờ Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học. Theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan) thì không được làm Hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới được giữ quyền bính”. [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.44]. Tầng lớp đỗ đạt ngày càng quan liêu hoá, dần trở thành một bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền quân chủ nhà Trần. Trong việc khảo xét luật lệ các đời, làm ra Quốc triều thông chế, sửa đổi hình luật, lễ nghi, tham bác chế độ các đời phương Bắc, định ra chế độ, nhà Trần không thể không dùng người thông thạo kinh sử. Chế độ khoa cử càng ngày thêm khẳng định vai trò của mình trong việc tuyển chọn nhân tài cho nhà nước phong kiến dựa trên việc tổ chức các kì thi theo định lệ. Có thể thấy rằng, cùng với các kì thi lấy đỗ Thái học sinh thì nhà Trần còn tổ chức hàng loạt các kì thi Lại viên, thi làm toán, viết chữ để tuyển chọn người vào làm trong các sảnh, cục, viện. Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi lại: Tháng 9 năm 1228, thi Lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh, viện [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.12]. Năm 1261, thi Lại viên bằng viết chữ và làm tính. Người đỗ sung làm Duyên lại Nội lệnh sử. Các ty Thái y, Thái chúc, khoa thi những người tinh thông nghề mình để bổ các chức [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.38]. Năm 1304, thi các Thủ phân (quan lại nắm việc hình pháp) hỏi phép đối án. Năm 1373, thi Lại viên bổ làm Nội lệnh sử duyệt lại. Mùa hạ, tháng 4 thi Lại viên [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.232] Như vậy, đến thời Trần, phương thức thi cử được mở rộng, áp dụng cả trong việc tuyển chọn đội ngũ nhân sự/ giúp việc cho quan liêu quý tộc làm việc trong các cơ quan của triều đình. Hình thức tuyển lựa quan lại các cấp qua thi cử đã thực sự khẳng định ưu thế vượt trội trong so sánh với hình thức tập ấm, tiến cử về tính lành mạnh, công minh và hiệu quả chọn lựa người thực tài.
  7. 322 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Hàng loạt các Nho sĩ đỗ đạt từ các khoa thi Nho học đã được tuyển dụng và bổ sung vào các chức vụ khác nhau trong bộ máy nhà nước như Trương Hanh, Lưu Diễm, Đặng Diễn, Trịnh Phẩm (khoa thi năm 1232); Lưu Miễn, Vương Giác, Ngô Khắc, Vương Thế Lộc (khoa thi năm 1239); Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu, Đặng Ma La (khoa thi năm 1247); Mạc Đĩnh Chi, Bùi Mộ, Trương Phóng, Nguyễn Trung Ngạn (khoa thi năm 1304)... Khi nhà Trần đẩy mạnh giáo dục và khoa cử Nho học, nhất là từ đầu thế kỉ XIV, trong triều đình xuất hiện ngày một nhiều quan chức cao cấp thuộc về tầng lớp Nho sĩ quan liêu ngoài tôn thất. Ở cả 3 hệ thống cơ quan thuộc triều đình trung ương Bộ phận trung khu, Văn thư phòng và các cơ quan chuyên môn đều có các Nho sĩ tham gia đảm trách các chức vụ quan trọng như Ngự sử đài Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn, Hàn lâm viện Phụng chỉ Đinh Củng Viên; Ngự sử trung tán, tri Khu mật viện sự Hành khiển Đoàn Nhữ Hài; Ngự sử trung thừa Phạm Mại; Trung thư Thị lang, tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc; Nội thư gia Nguyễn Chương; Tả bộc xạ Lưu Cương Giới; Nội thị học sĩ, Thiên Chương các học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, Hình bộ Lang trung Phí Trực; Nhập nội hành khiển Hữu ty Lang trung Mạc Đĩnh Chi; Tham tri chính sự đồng tri Thượng thư Tả ty sự Phạm Ngộ... Thư tịch cổ cho thấy nhà Trần là vương triều đầu tiên thực hiện việc khen thưởng người tài giỏi, đỗ đầu trong các kì thi bằng các hình thức như cho những người đỗ đầu vào chầu nhà vua, đi thăm thú kinh thành trong 3 ngày, hoặc ban cho mũ, áo, yến tiệc; cất nhắc bổ nhiệm họ vào các chức vụ trong triều đình,... Sử còn ghi lại các sự kiện: “chọn các nho sinh thi đỗ vào chầu, sau làm định lệ” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.17]. “Năm 1374, tổ chức thi đình cho các tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám hoa, bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Tất cả đều được ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc khác nhau. Dẫn 3 vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.197]... Ở thời Trần cũng có nhiều trường hợp các nho sinh không qua thi cử mà vẫn được tuyển dụng vào làm quan. Sử cũ chép sự kiện năm 1267: “chọn lấy những nho sinh hay chữ bổ vào quán, sảnh, viện” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2009, tr.44]. Tiêu biểu như các trường hợp Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến... Họ không qua thi cử, chỉ bằng tài năng thực thụ và con đường văn chương, du thuyết mà vẫn tiến trên con đường sự nghiệp, được vua tin dùng và bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong triều đình. Việc đề bạt, tuyển dụng nhân tài kiểu Đoàn Nhữ Hài đã thể hiện chính sách dùng người, tuyển dụng quan lại của nhà Trần rất năng động, sáng tạo, đúng như Phan Huy Chú từng nhận xét: “Phái Nho học có người do văn chương học vấn lên đến chức cao, chỉ có tài là được cất đặt không câu nệ có qua thi cử hay không” [Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2002, tr.292].
  8. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 323 KẾT LUẬN Đào tạo và tuyển chọn các trí thức Nho học là một trong những phương thức quan trọng nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng của đội ngũ quan lại các cấp ở Việt Nam thời trung đại. Từ thời Trần, việc đào tạo và tổ chức khoa thi Nho học ở các cấp được Nhà nước quan tâm, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện về mọi mặt: hệ thống trường lớp, chế độ học tập, quy định về thi cử, hình thức khen thưởng, đãi ngộ... Nhờ vậy mà bên cạnh các hình thức đào tạo khác như đào tạo trong các ngôi chùa, đào tạo tại gia thì hình thức đào tạo chính thống là tại Quốc học viện do Nhà nước trực tiếp quản lí rất phát triển, với đối tượng học ngày càng được mở rộng. Nhà Trần quan tâm đến giáo dục, tổ chức khoa thi thường xuyên nhưng đồng thời cũng rất coi trọng người có thực tài, không câu nệ vào nguồn gốc xuất thân hay việc người đó có đỗ đạt qua các kì thi hay không. Đó có thể nói là cách dùng người rất linh hoạt của nhà Trần. Có lẽ chính nhờ vậy mà nhà Trần có một đội ngũ nhân tài nho học hùng hậu, gồm cả những người đỗ đại khoa lẫn những Nho sĩ chưa một lần thử sức ở trường thi, những người trong và ngoài họ Trần. Đây cũng là giai đoạn nở rộ nhân tài của lịch sử nước ta với nhiều gương mặt xuất sắc trên các lĩnh vực như văn học, sử học, nghệ thuật quân sự. Có thế thấy rằng, nhân tài được phát hiện, được đào tạo, được trọng dụng và chính họ là một trong các yếu tố then chốt, góp phần đem lại những thành tựu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong các thế kỉ XIII –XIV. Xu thế toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ hiện nay đang đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, bên cạnh việc cấp thiết hoạch định chiến lược phát triển về kinh tế, quan hệ đối ngoại, an ninh quốc phòng... sao phù hợp còn cần phải chú ý đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài dưới thời Trần như không phân biệt nguồn gốc xuất thân, không câu nệ vào bằng cấp, học vị mà coi trọng thực tài, chế độ trọng đãi người có tài năng xuất sắc, sự nghiêm minh trong chế độ thi cử... vẫn còn nguyên giá trị với công tác đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, NXB Giáo dục, Hà Nội. 2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2009), Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Phạm Hồng Tung (chủ biên) (2005), Khảo lược về kinh nghiệm phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài trong lịch sử Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học (2002), Lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XV, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
9=>0