THỰC TIỄN TRIỂN KHAI<br />
CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN<br />
CỦA SINH VIÊN TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH<br />
TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Đại học Quốc gia TP.HCM<br />
<br />
<br />
Hiện nay, việc tổng kết, đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo được triển khai<br />
theo hệ thống tín chỉ thường được tập trung chú ý nhiều cho các nội dung liên quan đến<br />
quản lý đào tạo chuyên môn. Trong khi đó, các nội dung liên quan đến quản lý sinh viên,<br />
đặc biệt là các mặt rèn luyện của sinh viên, ít được đề cập, nghiên cứu kỹ, mặc dù đây cũng<br />
là một mục tiêu quan trọng của quá trình đào tạo.<br />
Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức;<br />
có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng<br />
khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo<br />
và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân<br />
dân. Nói cách khác, mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo con người đáp ứng đủ kiến<br />
thức, kỹ năng, thái độ. Đây là việc làm không đơn giản, đặc biệt là kỹ năng và thái độ. Việc<br />
đánh giá chuẩn kiến thức được thực hiện theo quy chế đào tạo, do phòng đào tạo quản lý.<br />
Việc đánh giá chuẩn kỹ năng, thái độ thông qua quy chế công tác sinh viên, do phòng công<br />
tác chính trị sinh viên phụ trách, được thể hiện thông qua kết quả rèn luyện của sinh viên.<br />
Bài viết này nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc đo lường, đánh giá kỹ năng, thái<br />
độ của người học trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại các trường thành viên Đại học Quốc<br />
gia Tp. Hồ Chí Minh, trong đó có vận dụng các kinh nghiệm tổ chức các hoạt động rèn<br />
luyện cho sinh viên và các công cụ hỗ trợ cho chấm điểm, quản lý kết quả rèn luyện của<br />
sinh viên.<br />
1. Quan điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM về việc đánh giá kết quả rèn luyện<br />
của sinh viên<br />
Đánh giá kết quả rèn luyện (ĐGKQRL) là một trong những nội dung quan trọng trong<br />
công tác sinh viên của Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM). Điểm rèn luyện (ĐRL)<br />
của sinh viên, bên cạnh việc quy chuẩn hóa các mục tiêu giáo dục của Đảng, Nhà nước về đào<br />
tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề<br />
nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ở góc độ ĐHQG TP.HCM,<br />
còn là công cụ để xây dựng mẫu hình sinh viên ĐHQG TP.HCM: năng động, sáng tạo, bản<br />
lĩnh, hội nhập và sẵn sàng phục vụ cộng đồng; đảm bảo đạt tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu của<br />
ĐHQG TP.HCM và cơ sở đào tạo thành viên, trực thuộc.<br />
Với mô hình tổ chức là một hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG TP.HCM<br />
có lợi thế về liên thông trong hệ thống. Bên cạnh liên thông trong đào tạo, liên thông trong<br />
công tác sinh viên và hoạt động sinh viên giúp gắn kết, phát huy sức mạnh và nguồn lực hệ<br />
thống trong việc chăm lo cho sinh viên, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên có nhiều lựa chọn<br />
trong việc tham gia các hoạt động rèn luyện.<br />
Trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ, việc công nhận rèn luyện của sinh viên<br />
được thực hiện cởi mở. Sinh viên được phép chọn tham gia các hoạt động, phù hợp với thời<br />
gian biểu học tập chuyên môn của mình. ĐHQG TP.HCM và các cơ sở đào tạo thành viên trực<br />
thuộc đa dạng hóa các cấp độ tổ chức và hình thức tổ chức hoạt động rèn luyện, công khai vào<br />
đầu năm học để sinh viên đăng ký; đồng thời công nhận kết quả rèn luyện của sinh viên chung<br />
trong và ngoài hệ thống.<br />
2. Các văn bản pháp lý<br />
Việc triển khai Đánh giá kết quả rèn luyện (ĐGKQRL) của sinh viên được ĐHQG<br />
TP.HCM căn cứ trên các văn bản pháp quy: Quy chế HSSV của Bộ GDĐT (ban hành kèm<br />
theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và<br />
Đào tạo) và Quy chế ĐGKQRL của Bộ GDĐT (ban hành kèm theo Quyết định số<br />
60/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), trên cơ<br />
sở này ĐHQG TP.HCM ban hành Quy chế HSSV của ĐHQG TP.HCM - Quy chế 786 (ban<br />
hành kèm theo Quyết định số 786/QĐ-ĐHQG-CTSV ngày 24/8/2011 của Giám đốc<br />
ĐHQG TP.HCM). Trong đó, Quy chế 786 là nền tảng, cơ sở để các đơn vị đào tạo thành<br />
viên và trực thuộc ĐHQG TP.HCM ban hành quy chế về thực hiện ĐGKQRL tại đơn vị.<br />
Quy chế 786 dành một chương để quy định về Đánh giá rèn luyện của sinh viên,<br />
gồm 5 điều: Nội dung đáng giá, Phân loại kết quả rèn luyện, Thời gian và phương thức<br />
tính điểm rèn luyện, Sử dụng kết quả rèn luyện, Quyền khiếu nại về đánh giá kết quả rèn<br />
luyện. Chương này là sự cụ thể hóa mang tính mở Quy chế ĐGKQRL của Bộ GD&ĐT<br />
trên cơ sở, điều kiện của ĐHQG TP.HCM.<br />
Thực tế, các cơ sở đào tạo tại ĐHQG TP.HCM bắt đầu thực hiện việc đánh giá kết quả<br />
rèn luyện của sinh viên từ những năm 2003. Khi Quy chế 786 ra đời, Ban Giám hiệu các cơ<br />
sở đào tạo dựa trên thực tế hoạt động của đơn vị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định,<br />
quy trình ĐGKQRLSV cụ thể của đơn vị. Quy định, quy trình này từng bước được sửa chữa,<br />
bổ sung, rút kinh nghiệm, hoàn thiện và đến nay đã được ban hành ở toàn bộ các đơn vị, được<br />
thông báo rộng rãi đến sinh viên.<br />
Qua ý kiến của các đoàn đánh giá ngoài cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN, các<br />
hoạt động cũng được quy đổi thành số tín chỉ tương đương.<br />
3. Thực trạng việc thực hiện ĐGKQRL trong đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
Quy chế học chế tín chỉ (Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT) ban hành ngày 15/8/<br />
2007, hai tháng sau, Quy chế ĐGKQRL (Quyết định số 60/2007/QĐ-BGDĐT) ra đời ngày<br />
16/10/2007.<br />
Tuy ban hành sau nhưng Quy chế ĐGKQRL chưa tính đến các khó khăn của việc<br />
áp dụng ĐGKQRL với việc thực hiện học chế tín chỉ mặc dù cả hai quy chế đều tính đến<br />
việc đánh giá ĐRL và việc tổ chức đào tạo theo “khóa học” , “năm học” và “học kỳ”, trong<br />
đó khái niệm “lớp học” được quy chuẩn thời gian và khối lượng tín chỉ như sau: “Lớp học<br />
được tổ chức theo từng học phần dựa vào đăng ký khối lượng học tập của sinh viên ở từng<br />
học kỳ”. Bộ đã quy chuẩn “lớp học” theo “học kỳ” và “từng học phần”. Việc quy chuẩn<br />
lớp học này của Bộ khác một cách cơ bản với cơ cấu tổ chức lớp học thiên về cơ cấu quản<br />
lý nhân sự theo giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp và thời gian toàn khóa theo kiểu học<br />
chế niên khóa. Trong khi đó, Quy chế ĐGKQRL quy định: Điều 4: “Đánh giá về ý thức và<br />
kết quả tham gia công tác phụ trách lớp”; Điều 11: “Tổ chức họp lớp có giáo viên chủ<br />
nhiệm tham gia, tiến hành xem xét và thông qua mức điểm của từng học sinh, sinh viên<br />
trên cơ sở phải được quá nửa ý kiến đồng ý của tập thể đơn vị lớp và phải có biên bản kèm<br />
theo”; Điều 12: “Căn cứ đề nghị của tập thể đơn vị lớp học sinh, sinh viên giúp Trưởng<br />
khoa đánh giá chính xác, công bằng, công khai và dân chủ kết quả rèn luyện của từng học<br />
sinh, sinh viên trong khoa”. Chính sự không hòa hợp giữa hai khái niệm “lớp học” này,<br />
một bên căn cứ theo học phần, một bên căn cứ trên con người (GVCN, cán bộ lớp, sinh<br />
viên) trên cở sở thời gian niên khóa, gây khó khăn cho việc triển khai ĐGKQRL của sinh<br />
viên.<br />
Để giải quyết khó khăn này, các cơ sở đào tạo bám vào đặc điểm, tính chất các môn<br />
cơ sở và các môn chuyên ngành để tổ chức cơ cấu lớp học. Những năm đầu, sinh viên, lớp<br />
học sinh viên với GVCN, Ban CS lớp, Đoàn TN-Hội SV thuận lợi trong triển khai các hoạt<br />
động và ĐGKQRL. Càng về sau, mô hình quản lý lớp học thiên về con người càng mờ<br />
nhạt, chuyển sang hướng đến một mô hình liên kết lớp học theo chuyên môn – chuyên<br />
ngành đào tạo, thì lúc đó, việc đánh giá ĐRL càng khó khăn. Bởi vì, bản chất của việc đánh<br />
giá ĐRL là việc được thừa nhận – công nhận kết quả hoạt động từ phía những người khác,<br />
từ phía cộng đồng tập thể gắn bó hữu cơ.<br />
Như đã trình bày ở trên, khi đặt mục tiêu hướng đến một nền giáo dục, một phong<br />
cách học thuật chú trọng việc rèn luyện bản lĩnh, hình thành nhân cách, phát huy tài năng<br />
đa diện của sinh viên, các đơn vị đào tạo đều phải tạo được thế cân bằng giữa việc triển<br />
khai học chế tín chỉ với ĐGKQRL của sinh viên, đặt chương trình đào tạo ngang hàng với<br />
những nhiệm vụ khác của quá trình đào tạo. Các hoạt động sinh viên phải bám sát chương<br />
trình đào tạo và phải điền khuyết vào những khoảng trống trong thời khóa biểu học tập của<br />
sinh viên. Để triển khai quy chế ĐGKQRL của sinh viên đạt hiệu quả, ĐHQG TP.HCM đã<br />
thực hiện những biện pháp cơ bản sau:<br />
- Chuẩn hóa chương trình đào tạo, trong đó xác định rõ các chuẩn về kiến thức, kỹ<br />
năng, thái độ.<br />
- Thống nhất danh mục các hoạt động được công nhận tương đương trong toàn<br />
ĐHQG TP.HCM (hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện, hoạt động giao lưu quốc tế…).<br />
- Thống nhất số tín chỉ kỹ năng cơ bản và triển khai Đề án đào tạo kỹ năng trong<br />
toàn ĐHQG TP.HCM.<br />
- Thay đổi nhận thức về việc triển khai đánh giá rèn luyện của SV: chuyển từ việc<br />
xem đây là một nhiệm vụ được quy định của nhà trường trở thành “nhận thức tự thân” của<br />
sinh viên. Thử thách qua rèn luyện phải được coi như một giá trị tự thân của sinh viên và<br />
điểm rèn luyện phải được sinh viên coi như là sự đánh giá của nhà trường cho nỗ lực học<br />
tập, rèn luyện đó. Khi mà mỗi sinh viên tự xem việc rèn luyện như một nhu cầu, động lực<br />
thiết yếu của cả quá trình học tập, đào tạo trên ghế nhà trường thì khi ấy quy chế ĐGĐRLSV<br />
mới đạt được hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, điểm rèn luyện phải là một trong những điều<br />
kiện để xét tốt nghiệp cho sinh viên.<br />
- Xác định mô hình hoạt động, vai trò của các đơn vị làm công tác sinh viên như:<br />
Phòng CTCT-SV, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên; Ký túc xá; Phòng Hỗ trợ Sinh viên<br />
và Quan hệ doanh nghiệp,... kể cả Phòng đào tạo, trong việc tổ chức các hoạt động triển<br />
khai Quy chế ĐGKQRL của sinh viên, trong đó bộ phận CTSV là đầu mối phối hợp và<br />
thiết kế hệ thống các văn bản pháp lý triển khai, công nhận ĐGKQRL; Đoàn Thanh niên –<br />
Hội sinh viên là lực lượng nòng cốt triển khai các hoạt động sinh viên; Ký túc xá tạo môi<br />
trường rèn luyện nội trú, sinh hoạt của sinh viên.<br />
- Khảo sát nhận định của các nhà tuyển dụng về Điểm rèn luyện của sinh viên thông<br />
qua các ngày hội tuyển dụng, ngày hội việc làm… Trong xu thế cạnh tranh về nhân lực<br />
hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng không chỉ là điểm số học tập của sinh<br />
viên mà còn là quá trình rèn luyện qua các hoạt động cộng đồng, các kỹ năng làm việc.<br />
Khảo sát này sẽ là bằng chứng thiết thực cho việc đánh giá vai trò tác động của điểm rèn<br />
luyện trong toàn bộ quá trình đào tạo của nhà trường.<br />
4. Đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại các cơ sở đào tạo thành viên<br />
4.1. Thực tế triển khai<br />
- Tại trường ĐH Bách khoa, việc đánh giá rèn luyện của sinh viên được thực hiện<br />
từ năm học 2004-2005, được quy định trong Quy chế sinh viên của trường. Bắt đầu từ năm<br />
học 2007-2008, kết quả rèn luyện của sinh viên được ghi vào Sổ theo dõi kết quả học tập,<br />
rèn luyện của sinh viên, để theo dõi toàn bộ quá trình rèn luyện của sinh viên toàn khoá<br />
học.<br />
- Trường ĐH KH Tự nhiên tổ chức đánh giá ĐRL từ năm 2003. Trải qua gần 10<br />
năm thực hiện, nội dung, quy trình đánh giá được điều chỉnh, thống nhất thực hiện theo<br />
Công văn số 521/KHTN-CTSV ngày 11/6/2012 của Hiệu trưởng trường ĐH KH Tự nhiên<br />
hướng dẫn thực hiện Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của SV. Trường ĐH KH Tự nhiên<br />
xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các chương trình rèn luyện, các hoạt động được quy đổi<br />
chung và theo dõi việc rèn luyện của sinh viên thông qua hệ thống dữ liệu này. Kết quả rèn<br />
luyện được in kèm theo bảng điểm học tập của sinh viên theo từng học kỳ và in trong bảng<br />
điểm toàn khoá học. Bảng in các hoạt động rèn luyện cụ thể của sinh viên chỉ được trích<br />
xuất cung cấp khi sinh viên có yêu cầu.<br />
- Đánh giá Điểm rèn luyện sinh viên được trường ĐH KHXH&NV thực hiện thống<br />
nhất từ năm học 2008-2009 với sự ra đời của Sổ theo dõi kết quả rèn luyện của sinh viên<br />
với hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình tính và xét công nhận điểm rèn luyện.<br />
- Trường ĐH Công nghệ Thông tin ban hành hướng dẫn ĐGKQRLSV, lập danh<br />
sách SV tham gia các hoạt động được tính ĐRL và cập nhật vào Chương trình chấm điểm<br />
tự động để tính điểm, sau đó thông báo nội dung, thời gian – cách thức họp xét đánh giá<br />
lên website để sinh viên biết và tham gia đánh giá.<br />
- Quy chế rèn luyện của trường ĐH Quốc tế được ban hành theo Quyết định số<br />
866/QĐ-ĐHQT-CTSV ngày 17/11/2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế. ĐRL<br />
được lưu hồ sơ và cho ghi vào Bảng điểm rèn luyện cuối khoá, có kèm nhận xét, phân loại.<br />
Việc chấm ĐRL được thông báo hướng dẫn vào Tuần SHCD đầu năm học và in trong Cẩm<br />
nang Sinh viên của trường.<br />
- Trường ĐH Kinh tế-Luật thực hiện ĐGĐRLSV từ những năm 2003. Hàng năm,<br />
đơn vị đều có hướng dẫn ĐGĐRL đăng tải trên website. Kết quả ĐGĐRL được lưu trữ<br />
trong hệ thống, được in kèm với điểm học tập theo học kỳ, năm học và toàn khoá học.<br />
- Nhìn chung, quy trình đánh giá ĐRL của các đơn vị cơ bản là khác nhau, tuy nhiên<br />
sự đa dạng, khác nhau này vẫn đảm bảo tính rõ ràng, công khai, minh bạch, bình đẳng,<br />
chính xác và dân chủ, phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của từng đơn vị. Việc<br />
đánh giá ĐRL có sự tham dự của sinh viên, GVCN, các đơn vị phòng, ban, khoa, các tổ<br />
chức Đoàn – Hội và thống nhất được xét duyệt, công nhận ở cấp cao nhất là Hội đồng đánh<br />
giá ĐRL của đơn vị. Trong quá trình xét công nhận ĐRL, sinh viên có thời gian và quyền<br />
được khiếu nại kết quả. Việc trả lời, phúc đáp khiếu nại của sinh viên cũng được quy định<br />
thời gian cụ thể.<br />
4.2. Nhận xét<br />
Các tiêu chí, nội dung cụ thể của quy chế ĐGĐRLSV các đơn vị tuân thủ, đáp ứng các<br />
quy định, yêu cầu của Bộ GDĐT và ĐHQG TP.HCM, tuy nhiên, căn cứ trên thực tiễn, nội<br />
dung, tiêu chí được quy định được một số đơn vị có điều chỉnh, thay đổi như :<br />
- Công thức tính điểm rèn luyện trung bình toàn khóa được ĐHQG TP.HCM điều<br />
chỉnh cho phù hợp với đào tạo theo học chế tín chỉ, cụ thể như sau :<br />
N<br />
<br />
r i<br />
<br />
R i 1<br />
N<br />
Trong đó:<br />
R là điểm rèn luyện trung bình toàn khóa.<br />
ri là điểm rèn luyện của năm học thứ i.<br />
N là tổng số năm thực học có đánh giá kết quả rèn luyện.<br />
- Các hoạt động được chuyển đổi, liên thông giữa các đơn vị đào tạo trong ĐHQG<br />
TP.HCM.<br />
- Triển khai đánh giá theo năm học, bắt đầu thông báo vào đầu năm học và tiến hành<br />
đánh giá vào cuối năm.<br />
- Quy định thêm điểm thưởng cho các sinh viên có hoạt động xuất sắc được khen<br />
thưởng ở các cấp quốc gia, thành phố và ĐHQG TP.HCM – kể cả điểm thưởng, tổng điểm<br />
không vượt quá thang điểm 100.<br />
- Quy định quy đổi Xếp loại ĐRL từ hệ điểm số 100 sang hệ chữ A,B,C,D để đáp<br />
ứng yêu cầu đánh giá theo hệ thống thang điểm được các trường đại học quốc tế thừa nhận.<br />
- Điểm rèn luyện của sinh viên hầu hết được lưu trữ theo hệ thống lưu trữ điện tử<br />
của trường bên cạnh việc lưu trữ bằng Sổ theo dõi kết quả rèn luyện của từng sinh viên.<br />
- ĐRL của SV được ghi vào bảng điểm toàn khoá học cho sinh viên tốt nghiệp.<br />
Bảng điểm rèn luyện chi tiết toàn khoá học sẽ được trích xuất khi có yêu cầu của sinh viên,<br />
riêng tại trường ĐH Bách khoa còn triển khai có thêm phần ghi nhận toàn bộ quá trình hoạt<br />
động ngoại khoá của sinh viên suốt khoá học kèm theo bảng điểm đào tạo.<br />
- Việc sử dụng kết quả ĐGĐRLSV chủ yếu phục vụ công tác xét các loại học bổng,<br />
xét miễn giảm học phí, khen thưởng sinh viên.<br />
Một số điểm nổi bật của qui trình ĐGĐRLSV tại các đơn vị là đã xác định được thế<br />
mạnh, hiệu quả của các công cụ đánh giá, theo dõi, quản lý và lưu trữ kết quả rèn luyện<br />
sinh viên như: phần mềm hệ thống hơn 70.000 đầu mục hoạt động, chương trình được tính<br />
điểm rèn luyện và Bảng tin hoạt động ngoại khoá của trường ĐH Bách khoa; Phần mềm<br />
Chương trình chấm điểm rèn luyện tự động tại trường ĐH Công nghệ Thông tin; Sổ theo<br />
dõi kết quả rèn luyện của sinh viên của trường ĐH KHXH-NV.<br />
Việc thực hiện ĐGĐRLSV có tác động rất tích cực đến ý thức tham gia rèn luyện<br />
của sinh viên, giúp sinh viên tôi luyện bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, tham gia các hoạt<br />
động xã hội vì cộng đồng, thể hiện ý thức công dân – sinh viên. Việc thực hiện ĐGĐRLSV<br />
tại các đơn vị đảm bảo tính công khai và dân chủ của quá trình đánh giá. Tổ chức thông<br />
báo, hướng dẫn vào đầu năm học thông qua Tuần SHCD đầu năm học, thông báo dưới<br />
nhiều hình thức, như website, bản tin,… vào mỗi kỳ đánh giá. Việc đánh giá bình xét được<br />
tổ chức tại lớp học, có sự góp ý và thống nhất của GVCN, cán bộ lớp và toàn thể lớp học,<br />
sau đó được Khoa, các đơn vị Đoàn thể, phòng ban xét duyệt và trình Hội đồng xét duyệt<br />
cao nhất của trường quyết định. Nhìn chung, liên thông và tín chỉ hóa các hoạt động xã hội,<br />
các hoạt động tình nguyện,… có tác động tích cực quá trình đào tạo của sinh viên, giúp<br />
sinh viên tự kiểm soát chuẩn kỹ năng, thái độ so với yêu cầu của chương trình đào tạo.<br />