intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng, giải pháp về tự chủ học thuật trong giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực trạng, giải pháp về tự chủ học thuật trong giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam" nhằm tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng và có những giải pháp đặt ra trong tự chủ giáo dục đại học bối cảnh nước ta hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng, giải pháp về tự chủ học thuật trong giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam

  1. THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP VỀ TỰ CHỦ HỌC THUẬT TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN NAY Ở VIỆT NAM Nguyễn Văn Tráng1 Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu Abstract Academic autonomy is one of the important contents in university autonomy. Currently, in our country, a number of higher education institutions have actively promoted academic autonomy, contributing to promoting the development of university autonomy. However, many higher education institutions still have obstacles and difficulties in academic autonomy. Therefore, it is necessary to have a realistic view to come up with practical solutions. Keywords: University, academics, autonomy. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tuy tự chủ đại học (TCĐH) nhiều nước trên thế giới đã đặt ra và thực hiện từ lâu nhưng với Việt Nam, vấn đề TCĐH chỉ xuất hiện cách đây gần hai thập kỉ và là vấn đề thời sự nóng hổi hơn bao giờ hết trong tình hình hiện nay ở tất cả các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH). Bởi lẽ, tự chủ đại học được coi là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần và đủ để các trường đại học tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Ngoài những thành tựu đạt được, chúng ta cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có rất nhiều nội dung đặt ra trong TCĐH: tự chủ về chuyên môn và học thuật; tự chủ về tài chính, tài sản; tự chủ về tổ chức và nhân sự… Trong đó, thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật mở các cơ sở giáo dục đại học là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ, bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường đại học cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi… Vì vậy, tự chủ về học thuật cần được tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng và có những giải pháp đặt ra trong tự chủ GDĐH bối cảnh nước ta hiện nay. 2. NỘI DUNG 2.1. Vấn đề chung về TCĐH và sự cần thiết phải TCĐH trong các cơ sở GDĐH ở Việt Nam hiện nay TCĐH là khái niệm phản ánh mối tương quan giữa nhà nước và cơ sở đào tạo đại học theo hướng phát huy năng lực nội tại của các cơ sở đào tạo và giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan công quyền. Nghiên cứu về các mô hình quản trị đại học trên thế giới cho thấy mức độ tự chủ - thể hiện ở mức độ kiểm soát của nhà nước đối với cơ sở GDĐH - ở các quốc gia là khác nhau do chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị, kinh tế, xã hội không giống nhau. Thậm chí ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ của các cơ sở GDĐH cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng của các cơ sở GDĐH. Thể chế tự chủ cao hơn là yếu tố then chốt tạo ra sự thành công của các cuộc cải cách đại học. 1 trangcdspvt@yahoo.com.vn 662
  2. Nhìn chung, tự chủ đại học được nhìn nhận là sự thiết lập cơ chế độc lập tương đối của các ngoại tác nhân để trường đại học có thể chủ động trong công tác quản trị, tổ chức nội bộ, tạo lập, phân bổ các nguồn lực tài chính, tuyển dụng và bố trí nhân sự, xây dựng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho việc tổ chức giảng dạy, học tập, nghiên cứu…TCĐH ở nước ta được hiểu là các trường đại học được tự chủ theo quy định của pháp luật, gắn với tự chịu trách nhiệm và được thể chế hóa từng phần trong từng lĩnh vực hoạt động của các cơ sở GDĐH. Từ chỗ toàn thể hệ thống GDĐH như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước về mọi mặt thông qua cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đại học đã và đang dần được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thể hiện qua các văn bản pháp quy của nhà nước. Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự” [1, tr.2]. Luật Giáo dục năm 2005 đã đề cập đến việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Nghị quyết 14 của Chính phủ (14/2005/NQ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 2005) về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, chuyển các cơ sở GDĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở GDĐH công lập. Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ (07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV tháng 4 năm 2009) hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quyền tự chủ của đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; trong việc tổ chức bộ máy và biên chế trong đơn vị; trong việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết về đổi mới GDĐH giai đoạn 2010 - 2012 (số 05-NQ/BCSĐ) của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đánh giá thực trạng quản lý GDĐH và chỉ đạo tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và kiểm soát bên trong của trường đại học phù hợp với các quy định của nhà nước. Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục trong giai đoạn 2010-2012 (296/CT-TTg, ngày 27 tháng 2 năm 2010) cũng nêu rõ việc đổi mới quản lý GDĐH bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện GDĐH, để từ đó các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý Giáo dục và đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở Giáo dục và đào tạo” [2, tr.137]. 663
  3. Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015, 2018) đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự chủ của cơ sở GDĐH. Quyền TCĐH đã được thể hiện ở nhiều điều khoản của Luật về hội đồng trường, hiệu trưởng, tuyển sinh, chương trình đào tạo, văn bằng, tài chính… Khoản 11, Điều 4, Luật GDĐH quy định: “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở GDĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH” [3, tr.1]. Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương: “Đẩy mạnh tự chủ đại học”; “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công -tư”; “Tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; xếp hạng các trường đại học. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ”. [2, tr.137]. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm kịp thời đã tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt đã giao quyền chủ động cho các địa phương xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh, sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, quy định về chuẩn chương trình đào tạo, danh mục thống kê ngành đào tạo nhằm hoàn thiện khung khổ chính sách để nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học. Có thể khẳng định, tự chủ đại học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa thành quy định, hướng dẫn khá đầy đủ, nhận thức về tự chủ đại học ngày càng rõ ràng, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ. Hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học thực hiện quyền tự chủ, bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước. Việc thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập bước đầu có kết quả nhất định, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực ở một số cơ sở giáo dục đại học, đạt được những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam từng bước hội nhập tốt hơn với giáo dục đại học trên thế giới. 664
  4. 2.2. Vấn đề tự chủ về học thuật và thực trạng việc tự chủ về học thuật trong cơ sở GDĐH ở Việt Nam hiện nay Tự chủ về học thuật là quyền của cơ sở GDĐH (chứ không phải của từng cá nhân giáo chức và sinh viên) về đào tạo, khoa học, công nghệ và một số mặt liên quan về nhân sự, đảm bảo chất lượng. Hiện nay ở Việt Nam đã có khoảng 30 cơ sở GDĐH công lập thực hiện tự chủ. Các cơ sở GDĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định: vị thế của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được củng cố và có thêm động lực phát triển, ảnh hưởng tới xã hội sâu rộng, tạo nguồn thu linh hoạt hơn, thu nhập của đội ngũ cán bộ tăng lên, khả năng hội nhập dễ dàng hơn...Nhờ tự chủ nói chung và tự chủ về học thuật nói riêng mà một số cơ sở GDĐH đã áp dụng thành công cơ chế Hội đồng trường trong việc nâng cao số lượng, chất lượng hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế; được quốc tế công nhận và công bố trên toàn cầu. Mặt khác, tự chủ về học thuật đã giúp các cơ sở GDĐH đã tự thực hiện thành công việc phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trong nội bộ nhà trường theo một quy trình rất chặt chẽ và minh bạch. Tuy nhiên, những khó khăn trong tự chủ về học thuật mà các cơ sở GDĐH gặp phải là: Thứ nhất, mặc dù các cơ sở GDĐH được tự chủ về học thuật nhưng vẫn mắc phải một số quy định chưa linh hoạt từ cơ quan chủ quản. Số tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo cho mỗi năm học ở một số cơ sở GDĐH còn ít (khoảng từ 30 đến 40 tín chỉ một năm học; trong khi nhiều trường đại học quốc tế đưa ra 60 giờ tín chỉ cho một năm học); có cơ sở GDĐH còn tìm cách cắt giảm môn học trong chương trình đào tạo (định ra môn học tự chọn cho người học, dẫn đến môn học có tên trong chương trình đào tạo nhưng không học bao giờ). Thành thử, việc áp dụng chương trình đào tạo theo tín chỉ đã lâu cho các cơ sở GDĐH nhưng thực tế vẫn lúng túng trong quá trình thực hiện. Thứ hai, vấn đề đào tạo và mở mã ngành đào tạo ở một số cơ sở GDĐH còn khó khăn, bất cập. Bởi lẽ, sự quy định của cơ quan chủ quản về tối thiểu số giáo sư, tiến sĩ để mở mã ngành đào tạo còn cao, trong khi không ít trường đại học không đủ khả năng đáp ứng. Thành thử, nhiều trường đại học kêu ca là trong quy trình triển khai đào tạo việc xin mở ngành đào tạo thường là khâu khó khăn và tốn kém nhất. Thứ ba, về phía các cơ sở GDĐH, không ít cán bộ quản lí học thuật còn thiếu chuyên nghiệp. Bởi lẽ, đội ngũ quản lí học thuật được đề bạt từ những giảng viên với công việc chuyên môn khác nhau; phần lớn đối tượng này không được đào tạo từ lĩnh vực quản lý GDĐH. Một số người cố gắng tự học hỏi để nâng cao trình độ qua thời gian quản lý thì lại bị thay thế bởi người thiếu kinh nghiệm hơn mỗi khi chuyển đổi nhiệm kỳ hiệu trưởng. Vì lẽ đó, việc tự chủ trong học thuật ở một số cơ sở GDĐH nước ta hiện nay vẫn tồn tại cơ chế “xin, cho”, rất khó khăn trong việc thực thi tự chủ. 2.3. Một số giải pháp thúc đẩy tự chủ về học thuật trong các cơ sở GDĐH ở nước ta hiện nay Từ thực trạng đã nêu ở trên, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tự chủ về học thuật trong các cơ sở GDĐH ở nước ta hiện nay như sau: 665
  5. - Hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số Bộ, ngành liên quan đến các cơ sở đào tạo đại học dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tại các cơ sở GDĐH vấn đề tự chủ nói chung và tự chủ học thuật nói riêng. Cho nên, để đảm bảo thực hiện được tự chủ về học thuật, ngoài chủ trương chung về trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, cần có hệ thống văn bản pháp quy rõ ràng và có tính khả thi, để cơ sở GDĐH có thể thực hiện được và các bộ phận quản lý nhà nước dễ dàng giám sát. - Thực tế vẫn đang giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tự chủ học thuật trong GDĐH nên vẫn tồn tại đâu đó tư duy quản trị, quản lý vẫn theo nếp cũ nên chưa phát huy hết nội lực, tận dụng hết vai trò của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, phát triển nhà trường. Cho nên, phía các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDĐH cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là quản lý về học thuật, đội ngũ này nên được đào tạo từ lĩnh vực quản lý GDĐH tương ứng và đã kinh qua hoạt động ở trường đại học. - Các cơ quan chủ quản cần sớm có quy định, hướng dẫn giải quyết các vấn đề về tài sản, tài chính và nhân sự cho tự chủ GDĐH nói chung và tự chủ về học thuật nói riêng để các trường đại học tự chủ vận hành thông suốt. 3. KẾT LUẬN Trong bối cảnh hội nhập, với xu hướng tự chủ đại học trên thế giới ngày càng mở rộng thì vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam phải có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học và việc quản trị đại học cần phải có những cải cách thực chất hơn nữa để các cơ sở giáo dục đại học trở thành một thực thể trưởng thành, tự kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm, giải phóng những năng lực, khả năng, tiềm năng từ nội tại, mở đường cho sự sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường. Cùng với xu hướng chung đó, tự chủ về học thuật trong các cơ sở GDĐH luôn gắn liền với toàn bộ quá trình TCĐH. Bởi lẽ, tự chủ học thuật là khâu quan trọng trong mắt xích của các khâu TCĐH. Cho nên, việc nhìn nhận thực trạng và đưa ra một số giải pháp về tự chủ học thuật như đã trình bày ở trên phần nào cho thấy vấn đề tự chủ đại học không đơn thuần chỉ là học thuật, mà còn nhiều yếu tố khác luôn là thách thức đặt ra trên bước đường TCĐH ở nước ta hiện nay. Nó đòi hỏi cơ quan quản lí nhà nước, các cơ sở GDĐH phải tìm tòi, tháo gỡ, hoàn thiện để việc TCĐH mang lại hiệu quả tốt nhất, góp phần xây dựng hệ thống GDĐH nước ta mang tầm hội nhập quốc tế. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg, ngày 10/12/2014 Ban hành Điều lệ trường đại học. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội. [3] Luật Giáo dục đại học (2019), Sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015, 2018, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. [4] Vũ Tiến Dũng (2021), Tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp, Nguồn: http://tapchimattran.vn. [5] Đỗ Đức Hồng Hà (31/10/2022), Về vấn đề tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam, Nguồn: https://hdll.vn. 666
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2