intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và giải pháp truyền nghề trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm - riêng chà pây và chế tác mô hình mặt nạ, nhạc cụ Khmer

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực trạng và giải pháp truyền nghề trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm - riêng chà pây và chế tác mô hình mặt nạ, nhạc cụ Khmer" hướng đến việc phân tích thực trạng về vấn đề truyền nghề trong sân khấu Dù Kê, Chòm riêng – chà pây và loại hình nhạc cụ, mặt nạ dân gian. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hướng đến việc bảo tồn và phát triển các loại hình này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và giải pháp truyền nghề trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm - riêng chà pây và chế tác mô hình mặt nạ, nhạc cụ Khmer

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRUYỀN NGHỀ TRONG NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ, CHÒM – RIÊNG CHÀ PÂY VÀ CHẾ TÁC MÔ HÌNH MẶT NẠ, NHẠC CỤ KHMER ThS. Thạch Thị Thanh Loan150, TS. Huỳnh Công Tín151 Tóm tắt Từ xa xưa, người Khmer ở Nam Bộ có một nền văn hoá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật trong số đó là các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhạc cụ Khmer. Tất cả đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các loại hình giải trí sôi động, hiện đại, các giá trị văn hoá truyền thống dần dần bị mai một và rơi vào quên lãng trong đó có thể kể đến nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm riêng – chà pây Khmer và các loại hình nhạc cụ, mặt nạ dân gian. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, bài viết này, chúng tôi hướng đến việc phân tích thực trạng về vấn đề truyền nghề trong sân khấu Dù Kê, Chòm riêng – chà pây và loại hình nhạc cụ, mặt nạ dân gian. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hướng đến việc bảo tồn và phát triển các loại hình này. Từ khoá: Truyền nghề, Dù kê, nhạc cụ Khmer, mặt nạ, Chòm - riêng chà pây Abstract: Since ancient times, the Khmer people in the South of Viet Nam have had a unique culture, imbued with national identity. Salient among those are theatrical art forms and Khmer musical instruments. These types have created a strong attraction, having a profound impact on people's lives. However, facing with the recent explosion of information technologies and the vibrant, modern forms of entertainment, traditional cultural values are gradually fading and falling into oblivion, including Du ke stage, Chom rieng cha pay, the types of folk musical instruments and masks. This situation has required us to have practical solutions to preserve the good values of the nation. Therefore, in this article, we aim to analyze the current situation of the vocational transmission in Du Ke stage, Chom rieng cha pay, the types of folk musical instruments and masks. From there, we propose some solutions towards preserving and developing these types. Keywords: Vocational transmission, Du ke, Khmer musical instruments, masks, Chom rieng cha pay 150 Trường Đại học Trà Vinh 151 Trường Đại học Tây Đô 402
  2. I. Mở đầu Người Khmer là một dân tộc thiểu số, có dân số khá đông sinh sống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họ sống chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu…Người Khmer có lịch sử lâu đời cùng đời sống văn hoá tinh thần phong phú thể hiện trong nhiều lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc. Món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Khmer xưa là nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm riêng – Chà pây Khmer. Bàn về âm nhạc, ai trong số người Khmer xưa cũng đều quen thuộc với các điệu múa lâm liêu, saravan, rom vong, ….chỉ khi tiếng nhạc vang lên là họ không thể đứng yên mà nhanh chóng hoà mình vào điệu nhạc ấy, tạo nên không khí rộn ràng. Để làm nên những âm điệu du dương ấy không thể không kể đến vai trò của nhạc cụ Khmer. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, giới trẻ Khmer không còn mặn nồng với nhạc cụ dân gian, không phải ai cũng đam mê và yêu thích sân khấu Dù kê và nhạc cụ truyền thống Khmer thay vào đó là các điệu nhạc sôi động, hiện đại phương Tây đã dần dần thay thế các làn điệu truyền thống. Xuất phát từ thực tế đó, những hình thức truyền nghề và giữ lửa để lưu giữ và phát triển những nét đẹp truyền thống, khiến chúng không bị mai một theo thời gian là thực sự cần thiết. II. Nội dung 1. Thực trạng truyền nghề trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm – riêng chà pây Khmer Nam Bộ Sân khấu Dù kê Nam Bộ đã tồn tại và phát triển từ hơn 100 năm qua và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL, ngày 25/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có NTSK Dù Kê. Để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tổ chức Hội thảo Nghệ thuật sân khấu Dù kê: 100 năm hình thành và phát triển (1920 – 2020). Theo tác giả Phạm Tiết Khánh, “Sân khấu Dù kê là loại hình nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của riêng đồng bào Khmer Nam Bộ. Xuất hiện từ những thập niên đầu của thế kỉ XX tại tinh Sóc Trăng và Trà Vinh, trên cơ sở tiếp biến nghệ thuật sân khấu truyền thống Rô băm cùng loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ của người Kinh và Hý kịch của người Hoa, Dù kê Nam Bộ nhanh chóng trở thành hiện tượng nghệ thuật độc đáo, thu hút sự quan tâm không những của cộng đồng Khmer Nam Bộ mà cả người dân nước bạn Campuchia” [3, tr 2]. Đây là một hoạt động nhằm đánh dấu kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê và cũng là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sỹ, các nhà văn, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thảo luận về sân khấu Dù kê. Tuy nhiên, hội thảo chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến Dù kê nhưng vẫn chưa chú trọng đến việc mở các lớp để truyền nghề, mở rộng các loại hình sân khấu Dù kê trong quần chúng xuất phát từ nhiều lý do khách quan như ngân sách, đối tượng người học, giáo viên, cơ sở vật chất… 403
  3. (Nguồn:https://www.tvu.edu.vn/wpcontent/uploads/2020/10/z2142938478270_b6947 4d660583b9757c915311d2857fb-scaled.jpg) Nói về thực trạng của nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà - Thạch Thị Hà (Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh – Trà Vinh) còn trăn trở về nghệ thuật biểu diễn sân khấu Dù Kê ngày càng bị mai một. Những người đi xem các vở Dù kê là những người già, còn người trẻ không ai thích xem. Nguyên nhân, trong xã hội hiện đại, thế hệ trẻ người Khmer không còn mặn mà với nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống mà thị hiếu của họ hướng về những loại hình nghệ thuật hiện đại như khiêu vũ, phim điện ảnh, mạng xã hội… Bên cạnh đó, theo nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà: “Người diễn viên Dù Kê phải có tính kiên trì vì quá trình tập luyện biểu diễn vở Dù kê vô cùng khó khăn. Hồi xưa, kịch bản được viết xong rồi phân vai cho diễn viên, những diễn viên chuyên nghiệp thì luyện tập một đến hai tháng, diễn viên không chuyên muốn tập thành thục phải mất thời gian một đến hai năm. Trước đây, đạo diễn là người Kinh, sau này mới có người Khmer, đạo diễn rất nghiêm khắc, nếu diễn viên diễn tập mà diễn sai nhiều lần hay chán nản, thì đạo diễn vẫn bắt buộc diễn viên không được bỏ vai mà phải cố gắng bằng mọi cách để diễn cho được vai đó. Dù diễn viên rất ấm ức, nhưng có như vậy thì sau này mới thành công. Ngày nay, ngược lại, đạo diễn luôn cố gắng tạo điều kiện cho diễn viên trẻ, khi tập luyện, diễn viên trẻ tập lời ca, vũ điệu nếu thấy không phù hợp thì xin đạo diễn cho thay đổi kịch bản những lời ca, vũ điệu cho phù hợp với diễn viên và đạo diễn chấp nhận” [2]. Chính vì vậy, ngày nay cách biểu diễn của nghệ sĩ trẻ và nội dung những tác phẩm Dù kê không còn sâu sắc như ngày xưa. Bởi thế, nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà khi giảng dạy cho các diễn viên trẻ mới vào Đoàn, bà luôn nhắc nhở họ: “Người theo nghề biểu diễn Dù Kê phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình, phải kiên trì luyện tập và diễn hết mình trên sân khấu” [2]. Từ những vấn đề trên có thể nhận định rằng mặc dù những năm gần đây, sân khấu Dù kê đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và có bước khởi sắc hơn trước nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực trạng là thị hiếu của giới trẻ hiện nay với sân khấu Dù kê không còn mặn nồng. Vấn đề đào tạo để truyền dạy sân khấu Dù kê vẫn chưa được chú trọng và chưa 404
  4. phổ biến rộng rãi trong quần chúng mà chủ yếu chỉ diễn ra ở các đoàn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp như Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đoàn Nghệ thuật Khmer Bạc Liêu, Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng nên chưa theo kịp được tốc độ phát triển đương đại của các loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Hơn nữa, đội ngũ sáng tác cho sân khấu Dù kê hiện nay cũng không còn nhiều. Một số nghệ sỹ, nghệ nhân Dù kê không trụ được với nghề do không có nhiều suất biểu diễn. Họ chỉ diễn vào một số dịp lễ lớn như Chôl-Chnăm-Thmây, Sen đôn-ta, Ok-om-bok,…Vì vậy, một số nghệ nhân đã giải nghệ và một số khác nếu còn gắn bó với nghề thì cũng làm thêm nhiều nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Bên cạnh sân khấu Dù kê, nghệ thuật Chòm-riêng chà pây cũng đang trên bờ vực bị lãng quên, hiện tại loại hình nghệ thuật này hầu như khá xa lạ với giới trẻ. Chòm-riêng chà pây dường như vắng bóng trong các buổi biểu diễn vì không có khán giả thưởng thức. Nếu như sân khấu Dù kê vẫn còn được công chiếu, biểu diễn vào các ngày lễ hội lớn tại các chùa và các chương trình truyền hình địa phương có người Khmer sinh sống, thỉnh thoảng đâu đó vẫn có người dân thưởng thức mặc dù không quá mặn mòi thì Chòm-riêng chà pây hầu như chỉ còn lại trong các phim tư liệu. Cây đàn chà-pây dường như chỉ xuất hiện trong các viện bảo tàng, các khu triển lãm nhạc cụ Khmer. Hơn nữa, các nghệ nhân, nghệ sỹ truyền nhân dạy về Chòm-riêng chà pây cũng ngày càng ít dần và ít có truyền nhân thế hệ sau, nếu có cũng chỉ có các cụ lão niên luôn cố gắng lưu giữ lại những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Ngày 24.4.2013, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận “Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây” của đồng bào Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhận thức được nguy cơ mai một của Chòm-riêng chà pây Khmer, Trường Đại học Trà Vinh đã mở các lớp truyền dạy về loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, lớp học chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn trong khuôn khổ dự án và để duy trì được lớp học này không phải là điều dễ dàng. Thực tế cho thấy, lớp học về nghệ thuật Chòm-riêng chà pây chỉ mở được trong thời gian ngắn do nằm trong khuôn khổ đề tài với sự tài trợ kinh phí từ nước ngoài rồi sau đó không còn được tiếp tục. Theo bà Thạch Thị Út Linh (Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ cộng đồng – Trường Đại học Trà Vinh) là người đã trực tiếp tổ chức mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật chòm riêng chà pây chia sẻ: Việc mở lớp Chòm-riêng chà pây nói riêng và các lớp dạy nghề truyền thống Khmer nói chung chưa được duy trì thực hiện liên tục. Hầu như nó chỉ được thực hiện trong giai đoạn làm đề tài, dự án. Khi đề tài, dự án kết thúc thì rất khó mở lớp vì thiếu kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất…Các nguồn kinh phí dự án để mở lớp chủ yếu đến từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Do đó, việc tìm kiếm các dự án để duy trì kinh phí mở lớp là một vấn đề không dễ dàng [1]. Ngoài ra, việc tìm kiếm nghệ nhân trẻ để nối nghiệp, thực sự yêu thích về nghệ thuật chòm riêng chà pây cũng ít và hạn chế. Các địa điểm giảng dạy cũng không đầy đủ cơ sở vật chất, nơi dạy nghề chủ yếu là nhà dân, quy mô thực hiện còn nhỏ lẻ. 2. Thực trạng truyền nghề trong chế tác mô hình nhạc cụ, mặt nạ Bên cạnh sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây, nhạc cụ Khmer là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Âm thanh của dàn nhạc Ngũ âm, trống chay-dam, đờn gáo,… luôn hiện diện trong các dịp lễ lớn như Chôl-Chnăm- 405
  5. Thmây, Sen đôn-ta, Ok-om-bok và các dịp trọng đại khác của người Khmer. Nhạc cụ dân gian cùng gắn bó với người dân Khmer theo những thăng trầm của cuộc sống. Nó hiện diện mọi lúc, mọi nơi từ gia đình đến chùa chiền, đám hỏi, đám cưới, tang lễ. Tất cả đã tạo nên một nét đẹp tinh thần không thể thiếu của người Khmer. Hiểu được tầm quan trọng đó, trường Đại học Trà Vinh hằng năm đều tổ chức chiêu sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống và ngành Âm nhạc học để tạo nguồn lực và bồi dưỡng đội ngũ trẻ am hiểu về âm nhạc và nhạc cụ Khmer. Sinh viên theo học các ngành này sẽ được miễn học phí toàn khoá học đồng thời được hưởng một số chế độ khác đặc thù mà các ngành tuyển sinh khác không có. Điều đó cũng là một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trẻ trong việc giữ gìn loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, về tình hình nhạc cụ ở địa phương theo kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, đa số các nhạc cụ dân tộc đều thiếu hoặc bị hư hỏng nhiều. Việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhạc cụ, khó tìm được nghệ nhân truyền dạy, cơ sở vật chất, kinh phí cũng là vấn đề nan giải. Tại Trà Vinh, vấn đề truyền dạy về chế tác mô hình nhạc cụ được thực hiện do nhóm cán bộ giảng viên Trường Đại học Trà Vinh phối hợp thực hiện tại ấp Ba Se A, xã Lương Hoà, tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, tương tự như Chòm-riêng chà pây và Dù kê, các lớp này cũng chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn và không được duy trì vì các lý do tương tự như hai loại hình nghệ thuật trên. Ngoài ra, theo bà Thạch Thị Út Linh (Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ cộng đồng – Trường Đại học Trà Vinh) cũng chia sẻ, vấn đề đầu ra cho sản phẩm, giá thành sản phẩm được bán ra thị trường cũng là một vấn đề cần xem xét và tìm giải pháp để giải quyết. Có như thế, các nghệ nhân và học viên mới có thể duy trì được hoạt động và tiếp tục duy trì nghề như các ngành kinh doanh khác. Lớp chế tác mô hình nhạc cụ tại ấp Ba Se A, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Thạch Thị Út Linh) Bên cạnh nhạc cụ Khmer, mặt nạ là một trong những đạo cụ không thể thiếu trong các buổi biểu diễn của người Khmer. Không chỉ trong sân khấu Dù kê, La khôn Ba sắc mà mặt nạ còn được dùng nhiều trong các điệu múa Chay-dăm, múa chằn,…Tuy nhiên thực tế, không 406
  6. phải ai cũng biết chế tác loại mặt nạ này. Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chế tác mặt nạ vì vậy Vụ Văn hóa Dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Khóa Tập huấn Truyền dạy về chế tác mão, mặt nạ truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Lớp truyền nghề này được tổ chức trong 02 ngày từ ngày 9 đến 10 tháng 12 năm 2023. Lớp học đã thu hút 54 học viên và được tổ chức tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh và Chùa Hang (huyện Châu Thành). Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn nghệ thuật độc đáo và đào tạo được thế hệ tiếp nối kế thừa nghề trong tương lai. Tuy nhiên, cùng thực trạng với 3 sân khấu Dù kê và Chòm-riêng chà pây, lớp học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn chưa phát huy được hiệu quả. Vấn đề kinh phí, cơ sở vật chất, đầu ra sản phẩm để duy trì lớp học liên tục và dài lâu vẫn còn là vấn đề đáng suy ngẫm. Lớp chế tác mũ mặt nạ (nguồn: Sơn Cao Thắng) Lớp chế tác mũ mặt nạ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ưu tú Thạch Sang (nguồn: Sơn Cao Thắng) 407
  7. 3. Một số đề xuất, giải pháp trong việc phát triển hoạt động truyền nghề 3.1. Sân khấu Dù kê, Chòm riêng chà-pây, các nghề về chế tác mô hình nhạc cụ, mặt nạ đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, các cơ quan hữu quan nên quan tâm hơn nữa trong việc tạo nguồn nhân lực mới thông qua hoạt động đào tạo, truyền nghề, sưu tầm. Song song đó, cần chú trọng đến việc tạo thêm nguồn kinh phí để mở rộng quy mô đào tạo, cung cấp cơ sở vật chất đầy đủ để lớp học được diễn ra xuyên suốt và thuận lợi, đảm bảo tính liên tục, lâu dài. Tiếp đến, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho các hoạt động truyền nghề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Khmer. Đồng thời tăng cường công tác truyền bá, phổ biến các loại hình nghệ thuật này trong quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng, đẩy mạnh hơn công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá, văn nghệ đi đôi với việc marketing tạo đầu ra cho sản phẩm. Điều đó không những duy trì được sự liên tục của các lớp truyền nghề mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho đối tượng lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế. 3.2. Công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật Khmer cần phải đặt trong mối tương quan phát huy và phát triển sân khấu Dù kê, chòm-riêng chà pây, chế tác nhạc cụ và mũ mặt nạ, mới mong có điều kiện và cơ hội vực dậy được hoạt động nghệ thuật truyền thống này. - Các kênh thông tin, truyền thông chương trình tiếng Khmer: báo, đài cần có chuyên mục phát về nghệ thuật Khmer. - Cần đào tạo những kỹ năng sân khấu Khmer, Chòm-riêng chà pây bằng cách kết hợp với phòng giáo dục, nhà trường phân loại những em người dân tộc và cả những em người Kinh có sở thích loại hình nghệ thuật này để đào tạo phù hợp. - Đầu tư cơ sở vật chất phù hợp cho sinh hoạt văn nghệ Khmer địa phương. - Cung cấp các nguồn tài liệu sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây, nghề chế tác nhạc cụ và mũ mặt nạ để những người đam mê và các học sinh sinh viên đến tham khảo, nghiên cứu. - Tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo từ người chưa biết đến người đã biết, kỹ năng đờn, hát; chú trọng tính chất văn chương, văn hóa trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm- riêng chà pây, nghề chế tác nhạc cụ và mũ mặt nạ. - Phát huy rộng rãi nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây, chế tác nhạc cụ và mũ mặt nạ. Tổ chức các cuộc thi, sinh hoạt sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây và nghề chế tác nhạc cụ, mũ mặt nạ phong phú về loại hình và thị hiếu. Về phía đài phát thanh - truyền hình tỉnh Trà Vinh và các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống và các cơ quan báo đài trực thuộc các cấp, cần xây dựng chương trình phát sóng, phát hình, đăng tin nhằm phổ biến những sáng tác tuồng tích sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây có giá trị văn hóa xưa và nay trên khung thời gian thích hợp, có kế hoạch lập lại định kỳ, nhằm phổ biến, tuyên truyền và giới thiệu kiến thức nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm- riêng chà pây và nghề chế tác nhạc cụ, mũ mặt nạ nói chung, để nâng cao nhận thức và tình 408
  8. cảm trong công chúng, nhằm giúp duy trì và tăng cường tinh thần mến mộ di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer; đặc biệt là thu hút thêm thế hệ trẻ hiểu biết, yêu mến và tham gia tích cực hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây nói chung, trong đó bao hàm cả nghệ thuật nghề chế tác nhạc cụ dân tộc và mũ mặt nạ. Về phía Sở giáo dục đào tạo và nhà trường các cấp nằm trên địa bàn tỉnh, kết hợp với đoàn Thanh niên các cấp, phối hợp với gia đình người Khmer trong việc xây dựng chương trình nâng cao kiến thức nghệ thuật sân khấu sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây và nghề chế tác nhạc cụ, mũ mặt nạ nhằm tạo cho các em có hiểu biết cơ bản về di sản văn hóa nghệ thuật âm nhạc Khmer, để các em thêm lòng mến mộ bộ môn nghệ thuật này và có thêm điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn; đồng thời, có tác dụng định hướng sở thích hoài bão của các em cho việc khuyến khích chọn theo ngành nghệ thuật sân khấu Khmer nhằm tạo nguồn lực mới, nguồn lực trẻ để thực hiện bảo tồn và phát huy tích cực, hiệu quả những giá trị di sản văn hóa của bộ môn nghệ thuật sân khấu sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây, chế tác nhạc cụ bởi nó là điểm đến của mọi nghệ nhân, nghệ sĩ Khmer theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và sân khấu Khmer. Về phía ngành tài chính và du lịch, cần giúp trang bị cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị ban đầu, cùng những điều kiện để tổ chức hoạt động ngành nghề nghệ thuật có kinh doanh. Điều đó sẽ giúp các tổ chức nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm-riêng chà pây và nghề chế tác nhạc cụ, mũ mặt nạ được hoạt động nghệ thuật theo hướng tự nuôi sống mình, dần sẽ thoát khỏi tình trạng bao cấp, cơ chế xin - cho như bao ngành kinh doanh khác trong thời kỳ bao cấp đã được tạo điều kiện ban đầu để tự lực trong thực tiễn vừa qua. Kết luận Nhìn chung, vấn đề truyền nghề trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Chòm – riêng chà pây, chế tác nhạc cụ, mặt nạ trong thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và quy mô nhỏ, gián đoạn. Để tránh nguy cơ mai một, nó cần được quan tâm sâu sắc hơn nữa từ Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu quan trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là tạo nguồn kinh phí và tạo ra các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, marketing cho sản phẩm. Có như vậy, chúng ta mới có thể “giải cứu” được các giá trị văn hoá độc đáo đang trên bờ vực bị lãng quên. Tài liệu tham khảo Thạch Thị Thanh Loan, Phỏng vấn Thạch Thị Út Linh, Tư liệu điền dã ngày 5/4/2024. Lâm Thị Thu Hiền, Phỏng vấn Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Hà, Tư liệu điền dã ngày 21/8/2020. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, Trường Đại học Trà vinh (2020), Kỷ yếu Hội thảo Nghệ thuật sân khấu Dù kê: 100 năm hình thành và phát triển (1920- 2020), Trà Vinh. https://slaska.tvu.edu.vn/index.php/thong-tin-hoat-dong/tin-tuc-su-kien/405-khoi-day- tinh-yeu-nghe-thuat-cho-lop-tre-ve-che-tac-mao-mat-na-truyen-thong-khmer# (truy cập ngày 01/4/2024 409
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0