intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất các giải pháp bảo vệ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

9
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tìm hiểu hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất các giải pháp bảo vệ sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng, và là cơ sở để đề xuất mô hình tổ chức quản lý hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững sao cho có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất các giải pháp bảo vệ

  1. TÌM HIỂU HIỆN TRẠNG HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN VƯỜN QUỐC GIA XUÂN THỦY, TỈNH NAM ĐỊNH VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ Bùi Thị Ngọc Bích 1 1. Khoa Khoa học quản lý, Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Cùng với quy hoạch phát triển không ngừng của các ngành trong xã hội, tình trạng khai thác gỗ trái phép ở nhiều tỉnh thành đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng. Đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của rừng. Trong bối cảnh suy thoái các vùng đất ngập mặn, việc sử dụng và bảo vệ rừng ngập mặn đang là định hướng chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam năm 1989 và là trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ năm 2005. Khu vực này có nhiều kiểu hệ sinh thái đặc trưng khác nhau, có nhiều quần xã sinh vật đặc hữu, là vùng đất nhập nước tiêu biểu của vùng. Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã và đang mang lại lợi ích kinh tế đối với cộng đồng dân cư địa phương,có giá trị đa dạng sinh học phong phú, do đó chính quyền địa phương cần đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ khu vực Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Từ khóa: các giải pháp, hệ sinh thái, rừng ngập mặn, Xuân Thủy. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Các nghiên cứu đã chứng minh rừng ngập mặn có ý nghĩa về sinh thái rất lớn và về kinh tế xã hội quan trọng đối với con người. Rừng ngập mặn là một trung tâm của biển nhiệt đới, có những hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học và di truyền nhất trên thế giới. Khoảng 90% sinh vật biển sống trong hệ sinh thái này và 80% số lượng thủy hải sản đánh bắt trên thế giới phụ thuộc vào rừng ngập mặn (Sandilyan, 2012). Tuy nhiên, rừng ngập mặn cũng là một khu vực rất dễ bị tổn thương do những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu. Từ những kết quả nghiên cứu cho thấy, với các yếu tố từ biến đổi khí hậu và các hoạt động của người dân và du khách, tài nguyên hệ sinh thái đất ngập nước của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đang phải chịu nhiều áp lực, gây ra những thách thức cho công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên không bền vững, và các hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên của cộng đồng dân cư vùng đệm đã và tác động lên hệ sinh thái đất ngập nước khá nghiêm trọng. Các vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Triệu Trọng Bảo, 2020). Với hệ thống dày đặc là rừng ngập mặn, nơi có tiềm năng lớn cho nghề khai thác thủy sản, nên vào mùa đánh bắt thủy sản, số lượng người dân ra vào VQG gia tăng đáng kể. Song việc đánh bắt ồ ạt trong những năm gần đây đã để lại hậu quả không nhỏ cho VQG Xuân Thủy (Nguyễn Thị Nhẹ, 2017). Bộ phận kiểm lâm VQG hiện nay mới chỉ có chức năng quản lý bảo vệ rừng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, do đó việc bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung ở Vườn quốc gia gặp nhiều khó khan và các chính sách chế tài, phạt các hoạt động trái phép còn nhiều vướng mắc. Tìm hiểu hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất các giải pháp bảo vệ sẽ góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng, và là cơ sở để đề xuất mô hình tổ chức quản 89
  2. lý hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững sao cho có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1 Phương pháp thu thập số liệu Bài viết thu thập các thông tin thứ cấp các dựa trên các bài báo khoa học, các luận văn thạc sĩ về tình hình kinh tế - xã hội, quản lý và khai thác rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy đã được công bố trên các tạp chí in và tạp chí điện tử trong và ngoài nước. 2.2 Phương pháp phân tích, tổng hợp Bài viết sử dụng biểu đồ xương cá để đánh giá các nhóm nguyên nhân gây suy giảm hiện trạng rừng tại khu vực nghiên cứu. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 Hiện trạng và thách thức của rừng ngập mặn ở Việt Nam Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, mặc dù các hệ sinh thái rừng ngập nước rất quan trọng nhưng chúng đã trở thành hệ sinh thái bị tàn phá nặng nề nhất trong quá trình phát triển của xã hội loài người trong những thập kỷ gần đây. Cụ thể, theo ước tính của Công ước Ramsar, các vùng đất ngập nước trên toàn cầu đã giảm 35% kể từ năm 1970 và quần thể động vật và thực vật trong rừng đất ngập mặn giảm đáng kể, với 1/4 trong số đó đang ở tình trạng nguy cấp. Tỷ lệ mất rừng ngập mặn nhanh hơn nhiều (3,7 lần) trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, với mức mất 64–71% diện tích (Davidson, 2014). Việt Nam có đường bờ biển rất dài xuyên qua 28 tỉnh thành, bắt đầu từ từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Càu Mau (khoảng 3260 km). Theo Phan Nguyên Hồng và các tác giả (1999), RNM Việt Nam gồm 4 khu vực và 12 tiểu khu. Trong đó, khu vực I từ ven biển Đông Bắc, từ mũi Ngọc đến mũi Đồ Sơn, khu vực II từ ven biển đồng bằng Bắc Bộ, từ mũi Đồ Sơn đến mũi Lạch Trường, khu vực III từ ven biển Trung bộ, từ mũi Lạch Trường đến mũi Vũng Tàu và khu vực IV từ ven biển Nam Bộ, từ mũi Vũng Tàu đến mũi Nải, Hà Tiên. Tổng diện tích rừng ngập mặn năm 2023 ở Việt Nam khoảng 200.000 ha. Với diện tích này, Việt Nam là một trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn nhiều nhất trên thế giới. Được sự tài trợ kinh phí từ các quỹ bảo vệ rừng, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, từ năm 1997, diện tích RNM ở hầu hết các tỉnh thành miền Bắc đã tăng lên nhiều so với thời gian trước. Số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2015 cho thấy, diện tích RNM của tỉnh Quảng Ninh là cao nhất với 369.880 ha, tỷ lệ che phủ là 53,6 %. Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình là các tỉnh có diện tích và tỷ lệ che phủ tương đối thấp. Chặc phá rừng bừa bãi, lấy đất rừng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch đã và đang thu hẹp diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam. Ngoài ra, những ảnh hưởng từ tự nhiên như bão, sóng biển, gió cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường góp phần ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học rừng ngập mặn. Trong 20 năm qua, cùng với kinh phí từ trong nước và các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư và ban hành các dự án, các chương trình để nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn. Hiệu quả của các chương trình bảo tồn và phát triển RNM đã thể hiện rõ khi diện tích rừng ngập mặn đã tăng từ 155.290 ha lên 164.701 ha từ 2000 đến 2017. Như vậy, diện tích rừng ngập mặn đã tăng trung bình khoảng 554 ha/năm trong giai đoạn này (Hà L. , 2022). Việt Nam nằm trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các khu vực vùng ven biển sẽ là nơi bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (IMHEN 90
  3. và UNDP, 2015). Mặc dù diện tích chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng của Việt Nam (14,4 triệu héc-ta), rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. 3.2 Thực trạng rừng ngập mặn VQG Xuân Thủy 3.2.1 Diện tích RNM VQG Xuân Thủy Rừng ngập mặn là khu vực có hệ sinh thái đa dạng cao, có nhiều quần xã sinh vật nhưng lại rất nhạy cảm với các hoạt động của con người và thiên nhiên. Sự giảm sút về chất lượng và số lượng rừng ngập mặn đang diễn ra trên thế giới. Các hiện tượng như mực nước biển dâng, bão nhiệt đới ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến RNM, mặc dù tỉ lệ bồi lấp trong RNM có thể đủ lớn để bù đắp cho mực nước biển dâng cao hiện nay. Ngoài ra, những hoạt động của con người như chuyển đổi trái phép RNM sang đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các khu resort, sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên RNM, ảnh hưởng còn lại của chiến tranh, dẫn đến thu hẹp đáng kể diện tích RNM trên toàn cầu. Bảng 1 thể hiện biến động về diện tích của rừng ngập mặn Xuân Thủy trong các năm 2005 – 2019. Bảng 1. Biến động diện tích RNM VQG Xuân Thủy giai đoạn 2005 – 2019 Diện tích (ha) TT Trạng thái 2005 2007 2009 2011 2013 2015 2017 2019 Tổng diện tích 8053,2 8053,2 8053,2 8053.2 8053,2 8053,2 8053,2 8053,2 I Diên tích đất có rừng 1.080,6 1.080,6 1.080,6 1.613,1 1.741,6 1.774,6 1.815,5 1.820,0 1 Rừng gỗ trồng ngập mặn 1.080,2 1.080,2 1.080,2 1.612,7 1.627,2 1.656,4 1.689,8 1.694,3 2 Rừng gỗ trồng đất cát 0,4 0,4 0,4 0,4 114,4 118,3 125,8 125,8 Diên tích rừng mới trồng nhưng II 18,0 554,6 670,0 156,8 30,5 58,7 18,6 18,6 chưa thành rừng Diên tích rừmg mới trồng trên 1 18,0 554,6 571,2 31,4 19,1 51,2 18,6 18,6 đất ngập mặn Diện tích rừng mới trồng trên bãi 2 - - 98,8 125,4 11,4 7,5 - - cát III Diên tích đất chưa có rừng 6.954,6 6.417.9 6.302,6 6.283.2 6.281.1 6.219,8 6.218,9 6.214,4 1 Đất có cây tái sinh ngập mặn 635,3 98,6 98,6 127,6 129,5 104,9 104,0 99,5 Đất trống ngập mặn 305,6 305,6 190,3 141,9 137,9 101,2 101,2 101,2 3 Bãi cát 456,0 456,0 456,0 456,0 456,0 456,0 456,0 456,0 4 Đất nông nghiệp 174,9 174,9 174,9 174,9 174,9 174,9 174,9 174,9 5 Mặt nước 5367,1 5367,1 5367,1 5367,1 5367,1 5367,1 5367,1 5367,1 6 Đất khác 15,7 15,7 15,7 15,7 15,7 15,7 15,7 15,7 (Trần Thị Mai Sen và ctv, 2021) 91
  4. Từ năm 2005 đến 2019, diện tích rừng tại VQG Xuân Thủy tăng từ 1.080,6 ha lên 1.820,0 ha . Trong đó diện tích RNM tăng hơn 600 ha ; diện tích rừng trồng Phi lao trên đất cát tăng hơn 125,4 ha. Diện tích RNM tăng lên mạnh mẽ vào năm 2011. RNM phát triển tốt và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê biển trong mùa mưa bão. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2019 diện tích RNM tăng không đáng kể và đạt ổn định tại năm 2019 với 1.694,3 ha. Trạng thái rừng mới trồng trên đất ngập mặn đạt diện tích lớn nhất tại giai đoạn từ 2007 - 2009. Tại năm 2009 diện tích rừng mới trồng ngập mặn đạt giá trị cao nhất (571,2 ha). Diện tích này giảm dần đến giai đoạn hiện tại do trạng thái rừng này đã chuyển thành rừng trồng. Trong đó hiện trạng rừng mới trồng trên bãi cát đạt giá trị lớn nhất tại năm 2011 (125,4 ha) và chỉ xuất hiện trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015 trước khi đủ tiêu chuẩn thành rừng. Hầu hết các khu vực trong VQG đều tăng về diện tích rừng hoặc giữ nguyên hiện trang qua từng năm, điều đó cho thấy các hoạt động bảo tồn, phát triển diện tích rừng đã hoạt động một cách hiệu quả. 3.2.2 Đa dạng sinh học ở vườn quốc gia * Hệ động vật Động vật nổi và động vật đáy khá đa dạng với trên 500 loài. Động vật đáy ở đây phần lớn là những loài rộng muối, có khả năng thích nghi cao với sự chênh lệch về nồng độ muối. Mật độ và sinh khối của các loài động vật đáy trong VQG khá đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế cao. Với hơn161 loài động vật đáy, nhóm Giáp xác là nhóm có số lượng loài nhiều nhất, thân mềm chân bụng và thân mềm hai mảnh vỏ có số lượng tương đương nhau. Nguồn thu lớn nhất và mang lại giá kinh tế cho cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy chính là nguồn động vật đáy. Các nghiên cứu đã thống kê có 113 loài thuộc Côn trùng, thuộc 50 họ của 10 bộ (Hà Quí Quỳnh, 2011). Theo Hà Quí Quỳnh (2011), VQG Xuân Thủy có khoảng 17 loài thuộc lớp thú, trong đó có các loài quý hiếm như: rái cá (Lutra lutra), cá voi (Balaenoptera edeni), cá Heo (Sousa chinensis) và cá đầu ông sư (Neophocaena phocaenoides), có khoảng 37 loài thuộc nhóm bò sát, lưỡng cư, gồm 13 loài lưỡng cư, thuộc 8 giống, 4 họ, 1 bộ và 24 loài bò sát thuộc 17 giống, 8 họ, 2 bộ; trong đó có nhiều loài quý hiếm như: rắn cạp nong (Bungarus fasciatus), rắn cạp nong nhiều sọc (Bungarus multicinctus), rắn sọc dưa (Elaphe radiate), rắn hổ mang (Naja naja). Các loài cá ở Vườn quốc gia Xuân Thủy khá đa dạng với 161 loài, 101 giống, 62 họ, 16 bộ cá; trong đó ưu thế là bộ cá Vược và bộ cá Trình. Việc khái thác những loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Vược, cá Sủ song, cá Bớp, cá Nhệch đã và đang góp phần tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư ở các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Điểm đặc biệt tại VQG Xuân Thuỷ chính là có một thảm rừng ngập mặn lớn với nhiều HST khác biệt. Sông Hồng cùng với các nhánh sông khác như Sông Trà, Sông Vọp bồi tụ phù sa VQG Xuân Thuỷ, và đã tại nên những HST độc đáo với mức độ đa dạng sinh học cao. VQG Xuân Thủy có trên 220 loài chim, trong đó có trên 150 loài di cư, 50 loài chim nước và có tới 9 loài nằm trong sách đỏ quốc tế. Đó là: Cò thìa (Platalea minor, P.leucorodia), Bồ nông chân xám (Penecanus philippensis), Cò trắng Trung quốc (Egretta eulophotes), Mòng bể mỏ ngắn (Larus saundersi), Choắt lớn mỏ vàng (Tringa guttifer), Rẽ mỏ thìa (Erynorhynchus pygmeus), Cò lạo Ấn độ (Mycteria leucocephala), Choắt mỏ cong hông nâu (Numenius madagascariensis), Đuôi cụt bụng đỏ (Pitta nympha). Ngoài ra, trên 500 loài động thực vật thuỷ sinh (bao gồm thực vật nổi, động vật nổi và động vật đáy), trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao đã được tìm thấy tại khu vực này. Các loài chim nước di cư đã chọn Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi dừng chân và trú đông của chúng. Một báo cáo năm 1988 và 1994 đã ghi nhận trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực này. Ví dụ như năm 1996, đã có khoảng trên 33.000 con chim biển qua lại Khu vực Vườn quốc gia. Nơi đây, 9 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe doạ ở mức độ đỏ thường xuyên xuất hiện như Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn. Đáng chú ý nhất ở Xuân Thủy có một quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam, trong một 92
  5. vài năm gần đây, số lượng lớn nhất được chính thức ghi nhận tại khu vực là 74 cá thể. Ngoài ra, Xuân Thủy là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như: Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt chân đỏ và Choắt mỏ cong lớn. Do tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Tổ chức bảo tồn chim quốc tế đã công nhận VQG Xuan Thủy là một vùng chim quan trọng (IBA) của Việt Nam (Hà Qúi Quỳnh, 2011). * Hệ thực vật Vườn quốc gia Xuân Thủy đã thống kê có 192 loài thuộc 145 chi của 60 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước, giúp tạo nên một hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha. RNM giữ lại phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái cho khu vực. Thực vật nổi có 111 loài thuộc 43 chi, 20 họ của 6 ngành tảo lớn, trong đó tảo Silic là ngành chiếm ưu thế. Đây là nguồn thức ăn sơ cấp, quyết định đến năng suất chung của thủy vực. Các loài rong thuộc hai ngành rong đỏ và rong xanh có giá trị kinh tế cao, đặc biệt loài Rong câu chỉ vàng (Gracilaria bodgettii) được dùng làm nguyên liệu để chế biến Aga. Các loài rong tảo là một mắc xích trong chuỗi thức ăn của tôm cá và các loài động vật thủy sinh khác (Hà Quí Quỳnh, 2011). 3.3. Giá trị kinh tế dịch vụ hệ sinh thái VQG Xuân Thủy 3.3.1. Lượng giá trị nguồn tài nguyên cây thuốc nam Các số liệu thống kê cho thấy VQG Xuân Thủy có khoảng 116 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 85 chi và 34 họ (Theo Quy hoạch Vườn quốc gia Xuân Thủy 2004-2020). Trong đó có khoảng 40 loài cây thuốc nam có nguồn gốc thực vật như: Sa Sâm (hay còn gọi là Sâm Nam), Sài Hồ, Dứa Dại, Cỏ Gấu, Sâm Dây (hay còn gọi là Sâm Đất), Quả Ké (hay còn gọi là Kim Ngân), Cây Rơi (hay còn gọi là cây Ô Rô), Vọng Đắng, Trinh Nữ, Muống Biển, Đinh Lăng. Trong những loài cây thuốc trên, có 4 loài được người dân địa phương khai thác và mang lại giá trị thương mại cao, chiếm tới trên 70% diện tích phân bổ các cây thuốc và 90% sản lượng khai thác hàng năm (Triệu Trọng Bảo, 2020). 3.3.2. Lượng giá trị tài nguyên hải sản Các nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của HST tại VQG Xuân cho thấy hoạt động vây vạng và nuôi tôm quảng canh ở đất Cồn Lu - Cồn Ngạn là khu vực mang lại nhiều giá trị kinh tế. - Thu nhập từ nuôi tôm: năng suất nuôi tôm đạt trung bình 280 kg/ha/năm vào năm 2010. Diện tích các đầm tôm là 1.956 ha. Thu nhập từ nuôi tôm một năm là 65.721 triệu đồng vào thời điểm đó. - Thu nhập từ nuôi vạng: Diện tích bãi vạng là 450 ha. Năng suất nuôi vạng đạt trung bình 30 tấn/ ha/ năm. Do đó tổng thu nhập từ nuôi vạng tại thời điểm đó là 148,5 tỷ VNĐ. (Triệu Trọng Bảo, 2020). Người dân trong vùng ngoài nuôi tôm và vạng (Ngao), họ nuôi cua và thả rau câu trong các đầm tôm. Năng suất cua là 120 kg/ha/năm, rau câu là 500 kg/ha/năm. Theo đó thu nhập hàng năm từ cua được tính toán đạt mức 23.472 triệu đồng, thu nhập từ rau câu đạt mức 3.912 triệu đồng (Bảo, 2020). Đánh bắt nguồn lợi thủy sản và các nguồn lợi tự nhiên của vùng triều cũng làm tăng thu nhập tương đối khá với mức thu nhập bình quân từ 50.000 - 200.000 đồng/người/ngày cho cộng đồng dân cư ven biển. 3.4. Đánh giá công tác quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy Nhìn chung, việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng RNM ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế. Nhận thức xã hội về sự quan trọng của RNM còn thấp, nguồn lực nghiên cứu khoa học cũng chưa tương xứng, quản lý tài nguyên từ cấp Trung ương tới địa phương chưa thống nhất. Vì vậy, nếu không gắn kết giữa hệ sinh thái RNM với việc phát triển bền vững, sẽ khó đạt được mục tiêu vừa bảo vệ, phát triển rừng vừa khai thác tài nguyên rừng hiệu quả. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các địa phương ven 93
  6. biển chưa quản lý hiệu quả trong công tác sử dụng và khai thác đất RNM. Trong những năm gần đây, các đầm tôm ở vùng ven biển đang bị bỏ hoang ngày càng tăng do dịch bệnh và do ô nhiễm môi trường. Nhưng các khu vực đó không thể cải tạo lại ví dụ như trồng lại RNM vì phần lớn các chủ đầm vẫn còn hợp đồng thuê đất dài hạn (Trương Đức Cảnh, 2017). Vì để trống như vậy nên vành đai rừng chắn sóng ven biển đã bị mất tại các khu vực đó, dẫn đến không thể chống chịu với các thiên tai như bão nhiệt đới, sóng biển và. Các vấn đề này cần phải được giải quyết sớm, nếu không sẽ là một trở ngại và là mối đe dọa lớn đối với cộng đồng ven biển. BQL VQG Xuân Thủy có số lượng khá ít (19 người) và chất lượng chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế (Trương Đức Cảnh, 2017). Nhân sự quá mỏng do đó phải dàn trải nhiệm vụ, nhân lực nên tính chuyên môn không cao, hiệu quả công việc thấp. Bên cạnh hạn chế về số lượng, năng lực đội ngũ cán bộ công chức của VQG Xuân Thuỷ và cán bộ các cấp ở địa phương còn nhiều hạn chế; thiếu các chuyên gia và nhân sự chuyên trách trong các lĩnh vực như bảo tồn thiên nhiên, phát triển cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái. Đội ngũ cán bộ địa phương chủ yếu lấy từ cán bộ kiểm lâm, cán bộ từ xã nên thiếu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững. Do đó, việc tìm các nguồn hỗ trợ,tìm tài trợ từ các quỹ bảo vệ quốc tế, tổ chức phi chính phủ sẽ gặp khó khăn, cũng như việc hợp tác với Ban quản lý VQG chưa đạt hiệu quả mong muốn. Hạt Kiểm lâm VQG thuộc Chi cục Kiểm lâm Nam Định chỉ có chức năng quản lý bảo vệ rừng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, vì vậy việc bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung ở VQG hết sức phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Kiểm lâm mỏng chỉ có 4 người, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm nên không có đủ thẩm quyền để xử lý các vi phạm xâm hại tài nguyên - môi trường ở khu vực. Theo số liệu thống kê từ BQL Vườn Quốc gia Xuân Thủy từ 2003 đến năm 2013 cho thấy tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực là 211,873 tỷ đồng nhưng nguồn vốn chi cho hoạt động bảo tồn chỉ chiếm chưa tới 10% (Hà Qúi Quỳnh, 2011). Phần lớn các nguồn kinh phí mà BQL được cấp là nguồn vốn xây dựng cơ bản để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường và mua sắm trang thiết bị. Mặc dù nguồn vốn chi cho hoạt động bảo tồn tăng qua các năm nhưng con số này nhỏ hơn rất nhiều so với tổng nguồn vốn mà đơn vị được đầu tư. Theo số liệu các xã và BQL VQG cung cấp ước số người khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự do ở vùng bãi bồi Cồn Ngạn – Cồn Lu vào ngày cao điểm (mùa hè) khoảng 1000-3000 người. Số liệu thống kê từ niên giám thống kê huyện Giao Thủy 2012 và UBND các xã vùng đệm 2013 cho thấy, tổng số người vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Thủy khai thác tài nguyên thường xuyên là 690 người (chiếm 8,75 % tổng số lao động trong vùng). Tổng số hộ có thu nhập trực tiếp từ nguồn lợi tự nhiên trong khu vực khoảng 3000 hộ (tương đương 1/3 số hộ hiện có ở vùng đệm) (Trần Thị Mai Sen, 2021). Điều đó cho thấy do số lượng dân cư tăng thì nhu cầu khai thác hải sản cũng tăng tương ứng gây tác động tới nguồn lợi sinh vật tự nhiên và đa dạng sinh học. Đây chính là áp lực lớn đối với công tác bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên tự nhiên RNM tại khu vực. Theo kết quả quan trắc của Dự án CORIN Asia và Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định (2010), dầu mỡ khoáng, tập trung chủ yếu ở sông Vọp và Sông Hồng đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực VQG Xuân Thuỷ. Kết quả phân tích hàm lượng dầu mỡ khoáng tại khu vực nuôi ngao ở Cồn Lu có nơi lên đến 0,06 mg/l, thậm chí 0,09 mg/l, nơi có nhiều hoạt động tàu máy chở cát và phun cát lên bãi nuôi, cũng như hoạt động của các máy xúc cải tạo bãi. Nồng độ dầu mỡ khoáng đo được tại khu vực VQG Xuân Thuỷ năm 2010 lên tới 0.045mg/l (Nguyễn Văn Vũ, 2014). Đây là dấu hiệu cho thấy BQL VQG Xuân Thủy chưa quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nuôi ngao ở bãi triều. 3.5. Một vài nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm tài nguyên rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Xuân Thủy 94
  7. Hình 1: Các nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái VQG Xuân Thủy Các nguyên nhân chủ yếu đến từ các hoạt động từ con người và công tác quản lý của một số cán bộ kiểm lâm trong vườn quốc gia Xuân Thủy. Hoạt động du lịch luôn luôn gắn liền với việc khai thác các tiềm năng tài nguyên môi trường tự nhiên và các giá trị văn hoá, nhân văn. Những hoạt động này có thể là tích cực song cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường rừng. Trong một số trường hợp, các hoạt động của du khách gây ảnh hưởng xấu đên hệ sinh thái rừng ngập mặn như săn bắt các thú hoang, phá hoại cây rừng, xả rác bừa bải, cắm trại ban đêm tại những khu rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân làm giảm sút cả số lượng lẫn chất lượng sinh vật trong phạm vi khu du lịch. Không những vậy, công tác quản lý rừng tại đây còn nhiều bất cập. Sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chủ rừng còn lỏng lẻo, chủ yếu thực hiện các hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn, xử lý đối với cộng đồng dân cư, chưa có cơ chế quản lý giám sát người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng, bảo vệ lợi ích riêng chính đáng của mình để họ tự giác, tự chủ bảo vệ rừng. Ngoài ra, nhu cầu và sự phụ thuộc của cộng đồng dân cư địa phương vào tài nguyên rừng là rất lớn, do đó cần trao nhiều quyền quản lý và khai thác, bảo vệ nhiều hơn cho cộng đồng địa phương (Trương Đức Cảnh, 2017). Trong khi đó các cấp quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tiếp cận chưa hiệu quả với nhau để giúp các các đề án, dự án phát huy mục đích giúp dân bảo vệ rừng, bảo vệ lợi ích kinh tế cụ thể và trực tiếp của chính mình. Vì vậy trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương chưa thực sự gắn kết hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường với việc quản lý, bảo vệ rừng. 4. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HST RNM TẠI VQG XUÂN THỦY  Tăng cường năng lực cho ban quản lý Ban quản lý VQG cần năng động trong việc thu hút các quỹ bảo vệ rừng ngập mặn cả ở trong nước và quốc tế để nâng cao năng lực kiến thức quản lý tài nguyên đào tạo, nâng cao trình độ và năng lực quản lý đội ngũ cán bộ về chuyên môn, trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước; đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cấp huyện xã về quản lý và bảo tồn đối với RNM. 95
  8. Tăng số lượng nhân sự cho BQL. Tăng cường đa dạng hoá các nguồn tài chính, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ quốc tế, vốn ODA. Đẩy mạnh áp dụng các cơ chế tài chính mới để hỗ trợ cho công tác bảo tồn như chi trả dịch vụ môi trường. Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học.  Nâng cao vai trò cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên RNM VQG Xuân Thủy Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững RNM phù hợp với từng đối tượng khác nhau (học sinh tiểu học, phổ thông, thanh niên,…) Nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương về việc bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lý hệ sinh thái RNM VQG Xuân Thủy thông qua các hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã và sử dụng bền vững tài nguyên. Phát triển các mô hình quản lý tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng là rất quan trọng. Nâng cao trách nhiệm và đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích của cộng đồng, chính quyền trong bảo tồn, sử dụng bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên RNM cho cộng đồng bằng các phương thức truyền thông, đặc biệt là các phương thức truyền thông mới, có hiệu quả cao.  Xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương VQG xây dựng các dự án vùng đệm để tạo cơ chế chính sách thích hợp, tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm. Từng bước tạo thu nhập thay thế cho cộng đồng tại chỗ, giảm dần áp lực về sinh kế của người dân. Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình và các hoạt động phát triển có thiên hướng thân thiện với môi trường nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở địa phương. Tạo thu nhập thay thế cho cộng đồng ven biển để họ không quá phụ thuộc vào một nguổn thu nhập chính là RNM Xuân Thủy sẽ giúp làm giảm sức ép về khai thác tài nguyên – môi trường của cộng đồng địa phương, vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân từ vùng đệm lên vùng lõi của VQG Xuân Thuỷ. Thúc đẩy các phương thức quản lý liên ngành, liên tỉnh, liên địa phương , tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các bên có liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng ngập mặn sẽ giúp quản lý, bảo tồn và phát triển hiệu quả hơn. 5. KẾT LUẬN Bảo vệ và khai thác tài nguyên hợp lý tại VQG Xuân Thủy là nhiệm vụ rất quan trọng đối với chính quyền địa phương. Do đó, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học HST RNM. Ban quản lý VQG nên cập nhật và hoàn thiện hệ thống các bản đồ theo các tỷ lệ phù hợp đảm bảo phục vụ công tác quản lý nhà nước bao gồm: bản đồ hiện trạng, bản đồ mức độ suy thoái tại các vùng ven biển, chia sẻ thông tin, dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái RNM để hỗ trợ công tác quản lý về đa dạng sinh học, tích 96
  9. hợp các hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường tại khu vực, đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái RNM. Ngoài ra, VQG Xuân Thủy nên kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học khảo sát định kỳ 5 năm hoặc 10 năm để xác định sự biến động của hệ sinh thái RNM tại khu vực để phân tích các nguyên nhân từ tự nhiên, từ các hoạt động kinh tế - xã hội gây suy thoái, tổn thương hệ sinh thái đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi trong điều kiện hiện nay. Hàng năm, VQG cũng cần thống kê đầy đủ số lượng, chất lượng, mức độ tăng trưởng...của các thành phần loài trong HST để dần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu nền phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, ngoài nguồn thu từ du lịch sinh thái và các quỹ bảo vệ rừng từ các tổ chức phi chính phủ, VQG Xuân Thủy cần huy động sự tham gia của các bên liên quan như cộng đồng dân cư địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu trong công tác bảo tồn, phục hồi và khai thác các giá trị tiềm năng của RNM theo hướng phát triển bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hà Quí Quỳnh (2011). Nghiên cứu sinh thái cảnh quan vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học. NXB Hà nội: Hà nội 2. Nguyễn Thị Nhẹ, (2017). Pháp luật về khu bảo tồn thiên nhiên nhìn từ thực trạng ứng dụng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định (Luận văn thạc sĩ). Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân. Thành phố Hồ Chí Minh 3. Nguyễn Văn Vũ (2014). Đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định (Luận văn thạc sĩ). Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội. 4. Trần Thị Mai Sen, Nguyễn Thị Kim Cúc, Phạm Minh Toại, Phạm Tiến Dũng (2021). Đánh giá biến động hiện trạng và chất lượng rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Xuân Thủy bằng ảnh vệ tinh landsat đa thời gian. Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 1, 138-145. 5. Triệu Trọng Bảo (2020). Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường hệ sinh thái đất ngập nước vườn Quốc gia Xuân Thủy (Khóa luận tốt nghiệp). Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội. 6. Trương Đức Cảnh (2017). Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường quản lý đất ngập nước khu Ramsar Xuân Thủy, Nam Định (Luận văn thạc sĩ). Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Hồ Chí Minh 7. Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng. (2006). Tóm tắt dự án“Tăng cường năng lực cộng đồng tham gia quản lý và phát triển Du lịch sinh thái theo nguyên tắc bình đẳng giới, tại Khu vực VQG Xuân Thuỷ, Nam Định” 2006 2007. Hà Nội: NXB Hà Nội. 8. Sandilyan, K. K. (2012). Mangrove conservation: a global perspective. Biodiversity and Conservation, 21(14), 3523–3542. 97
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2