intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TÌM HIỂU HÌNH TƯỢNG THẦN CIVA TRONG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ CHAMPA

Chia sẻ: Nguyễn Hồ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

211
lượt xem
33
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

1. Mở đầu: Ấn Độ giáo du nhập vào Champa từ lâu đời. Bia ký đầu tiên tìm thấy tại vùng đất Panturankar (Quảng Nam-Đà Nẳng) là bia Bvadravacmani (thế kỷ IV) xác định sự ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo Ấn Độ vào vùng đất này. Tuy nhiên quá trình tiếp thu văn hoá cũng chính là quá trình bản địa hoá (Champa hoá) các yếu tố văn hoá ngoại lai để hình thành nên văn hoá Chăm đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa. Đặc biệt Ấn Độ giáo khi vào Champa đã bị biến thành một...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TÌM HIỂU HÌNH TƯỢNG THẦN CIVA TRONG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ CHAMPA

  1. TÌM HIỂU HÌNH TƯỢNG THẦN CIVA TRONG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ CHAMPA 1. Mở đầu: Ấn Độ giáo du nhập vào Champa từ lâu đời. Bia ký đầu tiên tìm thấy tại vùng đất Panturankar (Quảng Nam-Đà Nẳng) là bia Bvadravacmani (thế kỷ IV) xác định sự ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo Ấn Độ vào vùng đất này. Tuy nhiên quá trình tiếp thu văn hoá cũng chính là quá trình bản địa hoá (Champa hoá) các yếu tố văn hoá ngoại lai để hình thành nên văn hoá Chăm đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa. Đặc biệt Ấn Độ giáo khi vào Champa đã bị biến thành một loại tôn giáo riêng theo quan niệm của người Chăm. Các vị thần cũng được gọi bằng những tên Chăm: thần Civa (thần Huỷ Diệt) được gọi là thần Pônintri, thần Vishnu (thần Bảo Tồn) – thần Pôpachơn, thần Brahma (thần Sáng Tạo) – thần Pôdêpadrơn. Trong đó thần Civa được người Chăm đề cao và được coi là vị thần linh tối cao. Vai trò của vị thần này được phản ánh đậm nét trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Năm 1866, De la Grandière, toàn quyền Đông Dương cho thu thập những cổ vật của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Hội Nghiên cứu Đông Dương (Societe des Etudes Indochinoises, thành lập năm 1885) tập trung nhiều nhà nghiên cứu người Pháp quan tâm đến các vấn đề Đông Dương và Viễn Đông. Nhưng việc nghiên cứu điêu khắc đá Champa chỉ được bắt đầu từ năm 1889, khi mà hai nhà nghiên cứu người Pháp là A.Barth và Bergaine tiến hành khảo cứu và dịch các minh văn khắc
  2. trên các bia đá Champa. Nhiều năm sau đó, các học giả Pháp bắt đầu tập trung nghiên cứu Champa một cách toàn diện, không chỉ về văn hoá, nghệ thuật mà cả về lịch sử. Trong những thập niên cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng một đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu khá đồng bộ, đứng đầu là L.Finot (giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ) và H.Parmentier (kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học) cùng với các nhà nghiên cứu khác như E.M.Durand; A.Barth, A.Bergaigne; E.Aymonier; P.Pelliot; G.Maspéro v.v. với hàng loạt công trình đăng tải trên tạp san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de É cole Francaise d’Extrême Orient). Có thể kể một số công trình: L.Finot với La religion des Chams d’après le monuments (Tôn giáo của người Chàm sau những đền đài); Notes de’pigraphie (Những nét về minh văn); Une trouvaille arche’ologique au temple de Po Naga à Nha Trang (Một khám phá khảo cổ học tại đền Pô Naga ở Nha Trang). H.Parmentier với: Scultures Căme de Tourane (Điêu khắc Chàm ở Đà Nẵng) và Sculptures Căme conservee’ à Huế (Những điêu khắc Chàm được bảo quản ở Huế). Cadière với: Monument et souvenirs Chams du Quang Tri et du Thua Thien (Đền đài và những kỷ niệm Chàm ở Quảng Trị và Thừa Thiên), La statue et les autres sculptures Chàm de Giam Bieu,(Những tượng và điêu khắc Chàm ở Giám Biều), Sculptures Chames de Xuan HoaLa statuaire du Champa-recherches sur les cultes et iconographie(Tượng Champa nghiên cứu về thờ cúng và tiếu tượng học). (Điêu khắc Chàm ở Xuân Hoà). Đặc biệt phải kể đến công trình của Boisselier công bố năm 1963, Trước đây ở miền Nam Việt Nam cũng có một vài bài viết mang tính chất thông báo như: Tân Việt Điểu với bài viết Ảnh hưởng và di tích Chiêm Thành trong văn hoá Việt Nam; Đỗ Thuận: Sự tích vua Pô Klong Garai hay sự tích tháp Chàm; Nguyễn Văn Luận: Vua Pô Rômê trong lịch sử và tín ngưỡng của người Chăm. Sau năm 1975, văn hoá Chăm được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm. Trước tiên phải kể đến tác phẩm Khảo cổ học Champa- quá khứ và tương lai của Nguyễn Duy Hinh, Văn hoá Chăm Pa của Ngô Văn Doanh,Người Chăm ở Thuận
  3. Hải do Phan Xuân Biên chủ biên. Các công trình của Cao Xuân Phổ như Người Chàm và điêu khắc Chàm, Điêu khắc Chàm, của giáo sư Lương Ninh như Vài nét về văn hoá Chăm, Lịch sử Việt Nam tập 1,… Để viết bài này, chúng tôi đã phân tích nhiều tác phẩm điêu khắc Champa tại Bảo tàng LSVN, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẳng),… 2. Những đề tài tiêu biểu về thần Civa trong điêu khắc Champa 2.1. Civa được thể hiện dưới dạng nhân hình Trong điêu khắc đá Champa, Civa được thể hiện dưới dạng hình mạnh mẽ của một nam thần có con mắt thứ ba giữa trán, đầu đội mũ Jata-Mukuta đính nhiều đồ trang sức hoặc kiểu mũ Kirita-Mukuta chạm trổ cầu kỳ (những đầu tượng Civa tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Song cũng có trường hợp thể hiện thần có đeo một mặt trăng hình luỡi liềm trên búi tóc. Ba con mắt của thần tượng trưng: mặt trời (ban ngày), mặt trăng (ban đêm), con mắt thứ ba giữa trán tượng trưng cho thế gian. Thần có thể thấu thị quá khứ, hiện tại và tương lai. Những biểu hiện khác về tiếu tượng học (iconography), thần Civa cũng được thể hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, có khi thần được thể hiện có rất nhiều tay và cưỡi trên lưng con bò thần Nandin cầm vũ khí biểu trưng là cây đinh ba lửa hay tượng Civa tay cầm một chiếc rìu, có khi khoác trên người một tấm da hổ, từ động tác chân đến mái tóc của thần v.v. đều là những biểu trưng cho hành động và biểu hiện khác nhau của Civa. Có khi thần Civa còn được thể hiện dưới dạng một nhà tu khổ hạnh với bộ râu dài, tay cầm chuỗi tràng hạt, đang trong tư thế ngồi chân trái gác lên chân phải, lòng bàn chân để ngửa (kiểu ngồi này thường được các nhà nhiên cứu gọi là kiểu ngồi Ấn Độ- Yoga) như các tượng ở Mỹ Sơn, Khương Mỹ, Bình Định và nhiều nơi khác nhưng dưới dạng hình người biểu hiện toàn vẹn nhất của Civa được gọi với tên là Natraraja (vua Vũ đạo). Hình tượng này có thể thấy qua số bức phù điêu thể hiện nét mềm mại, uyển chuyển dị thường của thần Civa trong vũ điệu Tanvada (vũ điệu
  4. vận hành vũ trụ) như các phù điêu trên mi cửa đền Ponaga (Nha Trang), đền Poklong-Giarai (Phan Rang). Đây là hình thức biểu trưng cho quyền năng tuyệt đối của Civa và là biểu hiện hoàn hảo nhất về thần Civa. Những nét biểu hiện đặc trưng về thần Civa cũng cần kể đến là mái tóc rối bời của thần là tượng trưng cho dòng chảy của sông Hằng (thần thoại Ấn Độ cho rằng nguyên dòng sông Hằng vốn chảy ở trên trời nhưng nhờ Civa điều tiết cho chảy xuống trần gian để rửa sạch tội lỗi cho loài người); hình trăng lưỡi liềm trên búi tóc của Civa là biểu tượng của vật lấy từ trong cuộc “Khuấy Biển Sữa” giữa các thần và loài quỉ để tìm thuốc trường sinh. Chúng tôi cũng thấy một số pho tượng và phù điêu ở Bảo tàng Chàm – Đà Nẳng lại thể hiện vòng hoa bằng sọ người đeo trên cổ Civa hay treo trên đầu gậy mà thần Civa cầm. Con rắn được đeo choàng qua thân (sợi dây thiêng Bà La Môn); mặc áo choàng của thần có khi bằng da hổ; tay cầm rìu hoặc chân dẫm lên lưng người lùn (quỉ lùn)… Các hình tượng này có lẽ liên quan với những truyền thuyết về thần Civa trong các trận chiến chống lại phe tà giáo. Hình thức Civa múa trong vòng lửa với: tay cầm trống tượng trưng cho sự sáng tạo; bàn tay giơ thẳng tượng trưng cho sự bảo tồn; lửa là tượng trưng cho sức mạnh huỷ diệt để sáng tạo thế giới mới; cánh tay uốn vòng và chỉ vào cái chân đạp đất là chỗ dựa của tâm hồn mà tâm hồn ấy đang bị hệ lụy về tiền kiếp; cái vòng lửa mà Civa đang múa là chính trong đó Civa đã tập trung tất cả sức mạnh vật chất của tạo hoá, sức mạnh đó là cả một cuộc tuần hoàn vô tận. Civa đứng múa trong cái vòng lửa ấy, đầu, tay, chân chấm với vòng lửa hình cánh cung tạo nên một sự chan hoà giữa vật chất và tinh thần. Thần Civa (theo nghĩa tiếng Phạn là “tốt lành”) là một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo. Thần cũng là một trong ba ngôi tối linh (tam vị nhất linh). Từ quan điểm đó phát sinh ra những trường phái khác nhau, có phái thờ thần Civa, phái thờ thần Vishnu, phái thờ thần Brahma. Thần Civa được mệnh danh là thần Huỷ Diệt, theo quan điểm “thần luận”, chính sự huỷ diệt của Civa là sự huỷ diệt cái cũ để sáng
  5. tạo nên cái mới. Do vậy, người ta coi thần Civa như là thần Sáng Tạo, và có chức năng coi đầu sinh và đầu tử. Theo thần thoại nguyên thuỷ, hình thức khởi đầu của Civa là cột lửa hình Linga (dương vật). Hình tượng Civa được tôn thờ với nhiều hình thức khác nhau: dưới dạng nhân hoá (hình người) và dưới dạng biểu tượng Linga hoặc Mukhalinga (siêu nhân). Trong dòng thờ ba vị thần tối thượng của Ấn Độ giáo, có lẽ người Chăm cổ tôn sùng thần Civa hơn cả. Các văn bia cổ khắc chữ Phạn (Sanskrit) trong thung lũng Mỹ Sơn đã tôn Civa là “chúa tể của muôn loài”, “là cội rễ của nước Champa”. Thần Civa thường được thờ dưới ngẫu tượng sinh thực khí nam giới. Trong 128 bia ký quan trọng của Champa mà hiện nay được biết, thì có 92 thuộc Civa giáo, 5 nói về Brahma, 7 nói về Phật, 3 nói về Vishnu, 21 không rõ. Cho đến nay đã có hai đầu tượng Civa bằng vàng được tìm thấy tại Quảng Nam, nhưng vẫn chưa tìm thấy một tượng nào của các vị thần khác làm bằng chất liệu quí như vậy. G.D. Hall, tác giả quyển Lịch Sử Đông Nam Ácũng cho rằng thuỷ quân Java đã có lần đến cướp một pho tượng thần chủ (Civa) bằng vàng to hơn người thật ở đền Panduranga (Phan Rang). Ngoài ra các tác phẩm điêu khắc trong các tháp Chăm cũng tập trung thể hiện những đề tài liên quan đến thần Civa như: đỉnh tháp mô phỏng hình tượng Linga, tượng trưng cho cái “trục Vũ trụ” hay đỉnh Kalaisa – nơi ngự trị vĩnh cửu của thần Civa. Vị thần chủ được người Chăm thờ trong tháp là Civa, còn các đề tài khác liên quan đến Civa đều được thể hiện chi tiết bên ngoài bờ tường, trên các tầng tháp. Thần Brahma được thể hiện rất mờ nhạt trong điêu khắc và tôn giáo của người Chăm. Còn Vishnu thì chỉ được xem như thần Bảo Vệ (Dvapala) cho các đền tháp. Chính những yếu tố Civa khiến nhà nghiên cứu người Pháp là Maspéro đã gọi những tháp Chăm là những “Vạn Thần Miếu của Civa giáo”. Các quốc vương Champa thường tự đồng nhất mình với thần Civa. Thậm chí cả nữ thần Mẹ Pô Nagar cũng được thờ như một Sakti (âm lực) của thần Civa. Như vậy rõ ràng là
  6. hình tượng thần Civa có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hoá Chăm, chi phối đời sống tinh thần của người Chăm. Khi nói đến văn hoá Chăm người ta chủ yếu đề cặp đến hình tượng thần Civa như một chủ thể quyết định. Các đề tài về thần Civa luôn được thể hiện chủ đạo mọi lĩnh vực sáng tạo của văn hoá Chăm như: Civa trong nghệ thuật điêu khắc, trong bia ký, trong truyền thuyết, trong vũ đạo, hình tượng Civa còn được thể hiện qua thanh kiếm hình ngọn lửa (Krist) của người Chăm và các vị vua Chăm còn tự xem mình là hiện thân của thần Civa trên trần thế. 2. 2 Civa được thể hiện qua ngẫu tượng Linga và Yoni 2.2.1 Về loại hình Linga: Loại hình Linga ở Champa có nhiều loại hình và kiểu dáng khác nhau, trong đó bao gồm: Linga hình khối trụ tròn: Tiêu biểu là các Linga trên Yoni ở tháp Hoà Lai, Linga trên Yoni ở tháp Pô Naga (tháp giữa), Linga trên Yoni ở tháp B1 Mỹ Sơn, Linga Chánh Lộ, Linga ở Bằng An…. Loại hình khối, trang trí hình cánh sen: Linga ở Thủ Thiện: vòng quanh phía dưới Linga trang trí hình cánh sen cách điệu. Loại Linga chỉ là một khối bốn cạnh: Phần dưới nhỏ, phần trên teo dần và chụm lại, giống như hình búp sen (Linga ở phía Bắc tháp Pô Rômê, có người cho là tượng Kút). Loại Linga gồm có hai phần: Loại phần đầu là hình khối tròn, phần dưới là khối vuông, đó là Linga ở các tháp phía Tây của nhóm đền Pô Naga. Loại Linga gồm hai phần: phần trên là khối trụ tròn, phần dưới là khối bát giác (loại này có ý kiến cho rằng thực ra nó có ba phần, phần khối vuông dưới cùng đã ngập vào trong Yoni).
  7. Loại Linga có ba phần rõ rệt: Phần trên là khối hình trụ tròn, phần giữa là khối bát giác, phần cuối cùng gắn với Yoni là khối vuông. Loại này khá phổ biến ở Champa như Linga ở Bình Định, Linga ở Mỹ Sơn, ở Trà Kiệu, Linga ở Linh Thái. Nhưng trong điêu khắc đá Champa không thấy phổ biến loại Mu kha-Linga (dạng Linga có khôn mặt thần Civa), chỉ có hai trường hợp là Linga trên Yoni ở trong lòng tháp chính Pô klông Garai (Phan Rang) và tháp Pô Sanư (Phan Thiết). 2.2.2. Về loại hình Yoni Loại hình Yoni ở Champa, giống như Linga, cũng rất da dạng. Yoni hình chữ nhật hoặc gần hình vuông như Yoni ở đền Pô Nư Kần, tháp Pô Naga, thánh địa Mỹ Sơn, Trà kiệu, tháp Pô Dam, ở Phông Lệ…. Loại hình khối tròn trang trí hoa sen như Yoni ở tháp B1 Mỹ Sơn, ở Trà Kiệu, ở Linh Thái… Loại Yoni đặc biệt: loại này cũng có hình khối tròn, nhưng xung quanh lại trang trí hình vú phụ nữ như Yoni – tháp Mẫm, Yoni – Sơn Triều. Thường thường Linga và Yoni kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể gọi chung là Linga-Yoni. Thường trên mỗi bệ Yoni có thể hiện một Linga. Nhưng cũng có trường hợp một Yoni nhưng trên đó lại thể hiện nhiều Linga như Linga-Yoni ở Phông Lệ, Linga-Yoni ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Cũng có những Linga được thể hiện thành một dãy bảy cái trên một cái bệ hình khối chữ nhật như Linga ở tháp A1-Mỹ Sơn. Một trường hợp đặc biệt là thay vì Linga, người ta lại thay thế nó bằng một người hay thần ngồi trên đó như ở tháp Pô Naga hoặc như Yoni ở tháp Mỹ Sơn G1, thể hiện một vị thần ngồi trên bệ bằng những cuộn rắn Naga – trên đầu có năm rắn Naga làm tán che trên bệ Yoni.
  8. Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ các tộc người ở lưu vực sông Indus thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidian: “Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi âm vật của đàn bà là nguốn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần Mẹ còn có thần Nam, biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật” (Will Durant). Theo Ấn Độ giáo thì thần Civa xuất hiện đầu tiên dưới hình một cột lửa hình dương vật. Sau này người ta đã biểu tượng hoá Linga và Yoni để thờ thần Civa, coi Linga là biểu hiện của đặc tính dương, Yoni là biểu hiện âm tính của thần (Sakti), nghĩa là Civa được xem là thần lưỡng thể. Dạng Linga kết hợp với Yoni được xem là biểu hiện cho sự sáng tạo của thần Civa. Dưới hình thức này, Civa còn được xem là “Thần Giấc ngủ”. Linga và Yoni không chỉ được thờ ở Ấn Độ, mà còn được sùng bái ở nhiều quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn, trong đó có Champa. Nhưng Linga và Yoni ở Champa có những đặc điểm riêng và không có quốc gia nào mà Linga và Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa đạng và kích thước lớn như ở Champa. Loại Linga-Yoni ở Champa là sự biểu hiện mạnh mẽ nhất việc Champa hoá các yếu tố tôn giáo Ấn Độ. 3. Hình tượng Civa với các vị thần khác 3.1.Hình tượng Civa được thể hiện cùng với nữ thần Parvati (hay Uma) Nếu như trong điêu khắc đá Khmer và Ấn Độ, hình tượng thần Civa cùng với vợ là nữ thần Parvati (được sinh ra từ đầu gối của Civa) được thể hiện đang ngồi trên đỉnh núi Kalaisa, chỉ huy cuộc tuần hoàn bất tận của vũ trụ là hình tượng phổ biến tại các công trình kiến trúc đền tháp thì ở Champa, hình tượng này cực hiếm. Cho đến nay chỉ có một tác phẩm Chăm có đề tài như vậy hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nhưng ở đây cả Civa và Pavarti đều thể hiện trong tư thế đứng, cùng được điêu khắc từ một khối đá lớn.
  9. Đặc biệt Civa được thể hiện có 4 tay, một số cánh tay đã bị vỡ nên không xác định được vật cầm ở tay, chỉ còn lại tay phải phía sau cầm một xâu chuỗi, tay trái phía trước chống nạnh trên đùi trái. Thần đội mũ kiểu Jata-Mukuta, trang điểm nhiều bông hoa. Tai thần đeo đồ trang sức thả dài chấm vai. Cổ đeo chuỗi hạt. Y phục là lọai sampot ngắn nhưng có dải khăn nhiều nếp, vắt chéo từ hông phải xuống đùi trái và buộc thành múi ở sau mông trái, đầu của dải khăn thả chùng xuống chân. Nữ thần Pavarti được thể hiện đứng bên phải của thần Civa. Nữ thần cũng đội kiểu mũ Jata-Mukuta, trang điểm nhiều bông hoa, cổ đeo đồ trang sức, tay phải bị gãy, tay trái chống nạnh lên đùi trái. Phía sau khoác tấm dải với nhiều nếp xếp dọc, bên trong là loạii y phục rất lạ, có lẽ là khố hay sampot (?). Nhìn chung, tác phẩm này có lối thể hiện rất lạ, chỉ có một vài chi tiết cho thấy liên quan đến dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc Champa: Kiểu bông hoa trang trí trên mái tóc giống với nghệ thuật Đồng Dương. Xâu chuỗi đeo trên cổ thần Civa có hạt lớn nằm giữa ngực giống như phong cách Civa Trà Kiệu. Vầng hào quang phía sau đầu tượng Pavarti giống như một số tượng nữ thần ở Phù Ninh, nhưng cũng có nét giống với các tượng Quan Âm (Lokestvara) ở Long Đại và Đại Hữu – Quảng Bình. Rất có thể đây là tác phẩm điêu khắc đá Champa nhưng lại bị ảnh hưởng mạnh bởi nghệ thuật Ấn Độ. 3.2. Hình tượng Civa được thể hiện cùng với thần Brahma, Vishnu và các vị thần trong gia đình Civa Trong điêu khắc đá Chămpa, hình tượng Civa được thể hiện cùng với các vị thần khác là một đề tài tương đối hiếm, vì phần lớn tượng Civa đều được thể hiện độc lập. Vì vậy trong phần này chúng tôi chỉ tập trung phân tích bức phù điêu tìm thấy ở chùa Ưu Điềm, thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đấy là một bức phù điêu cực hiếm có diễn tả đầy đủ cả ba vị thần Ấn Độ giáo cùng với các vị thần thuộc gia đình Civa. Khảo sát bức phù điêu tại chùa Ưu Điềm, chúng tôi thấy thần Civa và vợ của mình là nữ thần Uma đang trong tư thế ngồi vương tọa trên lưng bò thần Nandin, được
  10. thể hiện ngay giữa bức phù điêu. Thần Civa đội kiểu mũ Jata-Mukuta là những lọn tóc quấn quanh thành búi, tai đeo đồ trang sức, miệng thần nở một nụ cười thoải mái. Tay trái chống hông, tay phải cầm một vòng lửa, ngực đeo một tấm trang sức hình thoi. Phần thân của thần để trần, y phục phía dưới là kiểu sampot ngắn thường được thể hiện trên các pho tượng nam thần Chăm. Nữ thần Uma được thể hiện ngồi phía sau lưng thần Civa, đầu mũ Jata-Mukuta, miệng hơi mỉm cười. Y phục là kiểu sarong dài quá gối. Tay trái của thần chống xuống lưng bò, tay phải để ngang bụng, bàn tay duỗi thẳng tự nhiên. Tay chân và ngực đeo nhiều đồ trang sức, động thái và khuôn mặt của nữ thần biểu lộ sự e thẹn. Phía trước con bò thần Nandin là một người “giám mã” với tư thế đứng rất oai vệ: tay trái chống lên đùi, tay phải cầm một thanh đao có cán dài và dựng lưỡi lên. Y phục là kiểu sampot có vạt chéo – vạt bên trái dài sát gót chân, vạt bên phải dài ngan đầu gối – đầu đội loại mũ Jata-Mukuta có chóp tròn. Phía trên “giám mã” là hình tượng thần Brahma ngồi trên toà sen có cuống mọc từ dưới lên (lấy tích Brahma đản sinh từ cuốn rốn của thần Bảo Tồn Vishnu). Thần Brahma được thể hiện có bốn đầu, mổi đầu đều đội loại mũ Jata-Mukuta có ba tầng, y phục của thần là loại sampot ngắn giống như thần Civa. Phía bên trái của bức phù điêu là đề tài thần Vishnu đang ngự trên lưng thần Ưng Garuda. Vishnu được thể hiện có bốn tay. Tay phải phía trên cầm cái đĩa (tượng trưng cho mặt trời), tay trái phía trên cầm cái tù và làm bằng con ốc gai (tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ), hai tay phía trước chắp trước ngực. Thần Ưng Garuda đang bay, hai tay ôm lấy hai cổ chân của thần Vishnu (Garuda được thể hiện đầu và thân thể người nhưng có cánh chim, một phong cách thường thấy trong điêu khắc tượng Khmer và Champa). Góc dưới – bên trái của bức phù điêu là thần Skanda, thần Chiến Tranh (con trai thứ hai của thần Civa, con trai thứ nhất của Civa là thần Hạnh Phúc, Ganesa) cưỡi trên lưng con công, chân phải và tay phải ôm lấy cổ công, tay trái cầm một loại vũ khí nhưng không rõ là loại gì.
  11. Qua nội dung thể hiện trên bức phù điêu này, chúng tôi thấy hình tượng các vị thần Ấn Độ giáo được thể hiện trung thành theo khuôn mẫu cổ điển của Ấn Độ như thần Civa và Uma (còn có tên khác là Parvati) cưỡi trên lưng bò thần Nandin. Thần Sáng Tạo, Brahma đản sinh trên đoá hoa sen mọc lên từ cuống rốn của thần Bảo Tồn Vishnu. Còn thần Vishnu thì được thể hiện đang cưỡi trên lưng con thần Ưng Garuda, thần Chiến Tranh – Skanda cưỡi trên lưng con công. Điều đặc biệt là bức phù điêu này lại thể hiện các vị thần cưỡi trực tiếp trên mình các con thú, tương tự như trong nghệ thuật Ấn Độ hay Khmer. Trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa các linh vật cưỡi chỉ được thể hiện ở phần bệ tượng như một biểu tượng để phân biệt danh tánh và chức năng của mỗi vị thần. Còn chim thần Garuda thường thể hiện trong bố cục là đang bắt rắn Naga. Hiếm thấy một tác phẩm điêu khắc nào lại thể hiện đề tài như bức phù điêu ở chùa Ưu Điềm. Vì thế có thể xem đây là một tuyệt tác về loại hình phù điêu của Champa hiểu theo cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện theo quan điểm của thần thoại Ấn Độ. 4. Phong cách và niên đại Việc xác định phong cách và niên đại cho các loại tượng tròn và phù điêu Ấn Độ giáo ở Champa nói chung và về Civa nói riêng là một vấn đề hết sức nan giải. Nguyên nhân chính là do thiếu tư liệu lịch sử. Các nhà nghiên cứu về Champa phải dựa vào sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc Champa, đồng thời đối chiếu với các nền nghệ thuật láng giềng (như Ấn Độ, Môn Khmer, Việt Nam, Java …) để xác định phong cách và định niên đại cho các pho tượng Chăm. Đã từng tồn tại nhiều cách sắp xếp, phân loại khác nhau, tuy nhiên hầu hết các học giả đều thống nhất khung niên đại giới hạn của nghệ thuật Champa là từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Sau đây là cách phân loại dựa trên các kết quả nghiên cứu mới nhất của các học giả Việt Nam. 4.1. Phong cách Trà Kiệu sớm (cuối thế kỷ VII) Là phong cách cổ nhất trong nghệ thuật Champa. Số lượng tượng thần Civa được tìm thấy khá phong phú, hầu hết toạ lạc tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên –
  12. Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng (thuộc địa bàn khu vực Amaravati xưa). Những pho tượng Civa thuộc phong cách này phần lớn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng và trong các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Đặc trưng: thần Civa có khuôn mặt tươi tắn, miệng mỉm cười, mắt hình “khuy áo” không có con ngươi, mũi thon, đầu đội Jata-Mukuta búi thành búi tròn rất to sau gáy. Đeo nhiều đồ trang sức. Dải thắt lưng dài bay phất phới. Phong cách Trà Kiệu sớm có nhiều ảnh hưởng sâu đậm của phong cách Amaravati (Nam Ấn). 4. 2.Phong cách An Mỹ (đầu thế kỷ VIII) Phong cách An Mỹ (Tam An-Tam Kỳ – Quảng Nam) mang những yếu tố bản địa rõ nét hơn phong cách Trà Kiệu sớm. Bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng bởi nghệ thuật Ấn Độ, nghệ thuật Môn-Dvaravati (miền Trung Thái Lan) là những yếu tố Chăm khá mạnh mẽ. Đặc trưng: thần Civa có mái tóc tết xoắn kiểu ốc, rủ xuống hai vai. Mắt thần mở to, mũi thẳng, hơi khoằm. Môi dày, khoé miệng cong lên. Hoa tai khá lớn hình tròn dẹt. 4.3. Phong cách Mỹ Sơn E 1 (thế kỷ VIII) Các tác phẩm điêu khắc về Civa thuộc phong cách này tìm thấy nhiều nơi, nhưng đặc biệt tập trung nhiều ở thánh địa Mỹ Sơn. Đặc trưng: Civa đội mũ Jata-Mukuta thon nhọn, tóc búi cao. Đặc điểm nhân chủng Chăm được thể hiện khá rõ nét với đôi mắt lớn, hơi xếch, mày rậm, mũi to, môi dày. Trang phục là kiểu sampot có vạt trước dài quá gối, xoà rộng, gấu loăn xoăn. Thắt lưng cao ngang ngực, nhọn đầu lên ở giữa. Đôi khi còn có cả khoá thắt lưng hình chữ nhật. Dải thắt lưng dài buông thành nhiều nếp, rủ loà xoà xuống bắp chân. Qua phong cách Mỹ Sơn E 1, chúng ta thấy ảnh hưởng Ấn Độ đang mờ dần, quan hệ với các nghệ thuật láng giềng (Môn, Khmer) đang tăng lên và tính bản địa ngày càng được khẳng định.
  13. 4. 4. Phong cách Đồng Dương (nửa cuối thế kỷ IX) Phong cách này được xác định dựa trên các tượng Civa tìm thấy tại Đồng Dương (Thăng Bình –Quảng Nam) và Mỹ Sơn. Đặc trưng: Tượng Civa mang đặc điểm nhân chủng Chăm nổi bật hơn bất cứ phong cách nào. Môi dày, có viền, ria mép dầy, rậm, nhiều khi liền vào với môi trên. Mũi tẹt, cánh mũi rộng. Lông mày nổi cao, nhưng dính liền với nhau thành một. Trên mũ hoặc ngay trên tóc bao giờ cũng có ba bông hoa. Đồ trang sức nặng nề. Hoa tai hình tròn có một đoá hoa lớn hoặc ba đầu rắn Naga ở giữa. Vạt Sampot dài (có khi tới mắt cá) chéo hình thanh đao hoặc thẳng đứng, gấp nếp chữ chi. Phong cách này đạt đến cực đỉnh trong sự phát triển những yếu tố điêu khắc bản địa. Tượng Civa trong giai đoạn này biểu lộ mạnh mẽ nội tâm con người. 4.5. Phong cách Khương Mỹ (đầu thế kỷ X) Tượng Civa Khương Mỹ (Tam Xuân – Núi Thành – Quảng Nam) và các di vật khác có cùng đặc điểm ở Mỹ Sơn, Đồng Dương… làm thành phong cách này. Đặc Trưng: thần Civa có khuôn mặt hơi nặng nề. Mắt mở lớn có con ngươi. Môi dày, ria mép ngắn. Đồ đội khá phức tạp hoặc đội Kirita – Mukuta ba tầng to nặng (kiểu tượng này hiện có ở bảo tàng LSVN.tp.HCM), hoặc đội Jata-Mukuta có búi tóc phía sau. Sampot có vạt trước hình chữ nhật buông dài xuống chân. Phong cách này thừa kế trực tiếp những đặc trưng phong cách trước đó đồng thời cũng ảnh hưởng của nghệ thuật Koh-Ker (Campuchia). Các tác phẩm Civa thuộc phong cách này được diễn tả bằng một bút pháp chân chất, mộc mạc, mang vẻ đẹp hiện thực. 4. 6. Phong cách tượng Civa Trà Kiệu muộn (cuối thế kỷ X) Chủ yếu gồm một số tượng tìm thấy ở Trà Kiệu và một số di tích khác ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, HàTrung (Gio Linh – Quảng Trị).
  14. Đặc trưng: mắt thần hình khuy áo, không con ngươi, lông mày vẫn được chạm nổi nhưng thanh hơn và tách rời nhau. Điệu bộ duyên dáng hiền hoà. Mũ đội là kiểu Kirita-Mukuta độc đáo có đính năm bông hoa nhỏ ở vành. Đôi khi có nhiều tầng hoa, trên cùng là một hình chóp nón có trang trí nhiều cung tròn đồng tâm. Đồ trang sức hạt nhỏ, thanh nhã có đính điểm xuyết vài bông hoa. Thắt lưng buông dài phía trước. Ngược lại với vẻ mãnh liệt dữ dằn của phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu hiền hoà, trang nhã và duyên dáng. Tiêu biểu nhất là các vũ nũ ở đài thờ Trà Kiệu. Cùng với phong cách Đồng Dương, phong cách này là đỉnh cao của nghệ thuật Champa. Nếu ở phong cách Đồng Dương mọi yếu tố ngoại lai đều bị gạt bỏ thì phong cách Trà Kiệu muộn lại tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật Java và Kampuchia. 4. 7. Phong cách Chánh Lộ (thế kỷ XI) Chánh Lộ là tên một khu phế tích, nơi đã tìm được một số một số các tác phẩm điêu khắc mang tính kế thừa và bảo lưu trực tiếp từ phong cách Trà Kiệu muộn. Đặc trưng: Vẫn bảo lưu hình tượng thần Civa với khuôn mặt tươi tắn. Mắt nhỏ không có con ngươi. Mũi thấp, môi hơi dày. Đầu đội mũ Kirita-Mukuta hai tầng, trang trí bởi những đoá hoa nhỏ hình mác chồng lên nhau. Đồ trang sức vẫn thanh nhỏ như những hạt chuỗi ngọc. 4. 8.Phong cách tháp Mẫm (thế kỷ XII-XIV) Các tác phẩm Civa thuộc phong cách này chủ yếu tìm được ở Quảng Ngãi và Bình Định (miền Vijaya). Đặc trưng: Civa không còn được thể hiện ở dạng tượng tròn nữa mà bao giờ cũng tựa lưng vào một cái bệ. Trang phục có một tấm lá tọa hình chiếc lá ở thắt lưng, trên nhỏ, xuống dưới nở rộng, uốn tròn. Là phong cách cuối cùng có nhiều tượng rất to. Phong cách nổi bật về tính hoành tráng và những đặc trưng thống nhất rất dễ nhận biết ở các tác phẩm. Ở đây người ta cũng có thể nhận ra những
  15. ảnh hưởng của nghệ thuật Bayon, Angko Wat (Kampuchia) và nghệ thuật Đại Việt (thời Lý- Trần ở phong cách này). 4. 9. Phong cách Yang Mun (cuối thế kỷ XIV) Pho tượng Civa tìm thấy ở Yang Mun (Gia Lai – Kon Tum) được tạo tác bằng bút pháp độc đáo, khá riêng biệt. Hợp với những tác phẩm ở Pô Klong Garai, Pô Rômê (Ninh Thuận) và một số khác tìm thấy trên vùng cao nguyên gần Campuchia, pho tượng ở Yang Mun hình thành một phong cách muộn của nghệ thuật Champa. Đặc trưng: đặc điểm nhân chủng tính khoẻ khoắn của hình tượng vẫn rõ nét. Đôi lông mày cong, vắt hình con dĩa, nhíu lại trước trán. Đường mi dưới mắt nằm ngang, thẳng khiến đôi mắt như hai nửa đường tròn. Môi mím, mép bạnh, hàng ria mép rủ cụp xuống. Chân giấu sau hai vạt sampot, gấp lại trong tư thế quì xổm, tạo thành một khối hình tam giác. Thân người chìm dần vào bệ đá sau lưng. Đây là phong cách cuối cùng của nghệ thuật Champa. Sau phong cách này nghệ thuật Champa suy tàn nhanh chóng và dần dần bị mai một. 5. KẾT LUẬN Hầu hết các pho tượng Civa trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa đều được tạo tác từ nguồn sa thạch hồng có kết cấu bền chắc nên việc thể hiện các đường nét hoa văn tinh xảo như kiểu tượng Khmer và Java là một điều khó khăn. Các pho tượng Civa Champa phần lớn có dáng gồ ghề, phần lớn các pho tượng được lưu giữ tại các bảo tàng ở Việt Nam chỉ tập trung thể hiện ở mặt trước, sau lưng còn nguyên cả khối đá với những nhát đục chưa hoàn thành. Có lẽ chúng dùng để gắn vào trong các bờ tường, góc tháp hay hành lang nên mặt sau không được chú trọng. Ở Champa, hình tượng thần Civa được thể hiện cùng với các thần trong “đại gia đình Civa” rất hiếm thấy, phần lớn các đề tài về Civa thường thể hiện độc lập. Đây cũng là một đặc trưng bản địa hoá trong văn hoá Chăm. Ở mỗi vùng đất, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đề tài Civa đều mang những phong cách riêng. Tuy nhiên, các pho tượng Civa có một đặc điểm chung là đầu đội
  16. kiểu mũ Kirita-Mukuta hoặc Jata-Mukuta đôi khi cách điệu, linh thú của Civa chỉ được thể hiện ở dưới phần bệ tượng, hình tượng Civa cưỡi trên mình bò thần Nandin như bức phù điêu ở chùa Ưu Điềm là một hình tượng tương đối hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Hình tượng Civa đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Có thể nói những tác phẩm về Civa đã từng đại diện cho một nền văn minh cổ nổi tiếng ở Đông Nam Á và chúng là nguồn tài liệu quí không những phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu văn hoá cổ nói chung, nghệ thuật và kỹ thuật tạc tượng nói riêng mà còn phục vụ cho việc tìm hiểu lịch sử văn hoá khu vực Đông Nam Á, nhằm tái hiện lại một khung cảnh chung trong mối quan hệ Đông Nam Á thời cổ đại.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2