Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010
lượt xem 29
download
Mục đích của "Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010" nhằm làm sáng tỏ nhận thức khoa học về chính sách dân tộc của Đảng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh vùng Đông Bắc của Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010;... Mời các bạn cùng tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010
- HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HOÀNG THU THỦY Qu¸ tr×nh thùc hiÖn chÝnh s¸ch d©n téc cña §¶ng ë mét sè tØnh miÒn nói §«ng B¾c ViÖt Nam tõ n¨m 1996 ®Õn n¨m 2010 Chuyên ngành: LÞch sö §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam Mã số : 62 22 56 01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2014
- Công trình được hoàn thành tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS, TS Nguyễn Bình Ban 2. TS Nguyễn Danh Tiên Phản biện 1:......................................................... ......................................................... Phản biện 2:......................................................... ......................................................... Phản biện 3:......................................................... ......................................................... Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Vào hồi...... giờ....... ngày...... tháng...... năm 2014 Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia và Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam là quốc gia đa tộc người, với 54 thành phần dân tộc, trong đó miền núi - vùng dân tộc thiểu số Việt Nam chiếm hơn 3/4 lãnh thổ, có hơn 1/3 số dân với hơn 23 triệu người. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, các dân tộc thiểu số đã gắn bó, đoàn kết, hòa nhập cùng dân tộc Kinh thành một kết cấu thống nhất về mặt lãnh thổ, về mặt thể chế - hành chính, về mặt ý thức hệ quốc gia - dân tộc, trong sự đa dạng về văn hóa tộc người. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc hoạch định đường lối, chủ trương và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc. Nhờ vậy, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp đông đảo các tầng lớp, giai cấp tham gia vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tạo nên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Không chỉ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo ra những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua hơn 25 năm đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội ở những địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống đã phát triển tương đối nhanh. Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng”. Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Vùng Đông Bắc Việt Nam là một khu vực lịch sử - dân tộc học; gồm cả hệ sinh thái rẻo cao, rẻo giữa và rẻo thấp; có nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng; giàu bản sắc văn hoá, trong đó đóng vai trò chủ thể vùng là nhóm cư dân Tày - Nùng. Thổ nhưỡng phục vụ cho phát triển nông - lâm nghiệp: rừng làm nguyên liệu cho công nghiệp, là tấm lá chắn bảo vệ, che chở và nuôi dưỡng cho môi trường bền vững. Thảm thực vật đa dạng phục vụ cho nghiên cứu và an ninh sinh kế tộc người. Sông ngòi và tài nguyên nước phục vụ cho thuỷ điện; khoáng sản phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp v.v... Do vậy, việc phát huy các thế mạnh của vùng không chỉ có ý nghĩa kinh tế lớn, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tuy nhiên, những tiềm năng ấy chưa được khai thác hiệu quả, thiếu tính bền vững. Bên cạnh
- 2 đó, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng được đẩy tới thì các dân tộc thiểu số sống ở khu vực này càng bị thua thiệt về cơ hội phát triển, họ ít có khả năng tham gia vào quá trình đó. Vùng Đông Bắc là địa bàn cư trú của hàng chục dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Mông…). Phần lớn các dân tộc thiểu số ở đây lại có quan hệ đồng tộc về mặt lịch sử và văn hoá với các tộc người của quốc gia láng giềng. Chính vì vậy, các dân tộc trong vùng và các dân tộc bên kia biên giới bên cạnh sự “sơn thuỷ tương liên” còn có mối quan hệ “văn hoá tương đồng”, thậm chí cả quan hệ huyết thống. Các quan hệ đồng tộc xuyên biên giới (hôn nhân xuyên biên giới, thăm thân xuyên biên giới, di chuyển lao động xuyên biên giới...) rất phổ biến. Thậm chí, các học giả phương Tây gọi hiện tượng này là chủ nghĩa bản địa xuyên quốc gia. Đông Bắc còn là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, chính trị, quốc phòng và quan hệ lân bang - khi vùng Đông Bắc có đường biên giới dài hàng nghìn ki-lô-mét giáp với Trung Quốc cả trên đất liền, trên biển, trên không và dưới lòng đất. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc biên giới là cơ sở đảm bảo giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý và phát triển đối với vùng biên giới, đa tộc người trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc bên cạnh xu hướng tích cực (như: thúc đẩy giao thương kinh tế, giao lưu văn hoá, tăng cường đối ngoại nhân dân, hình thành các khu kinh tế cửa khẩu...) thì cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống phức tạp như: di dân xuyên biên giới, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu hàng hoá, ứng phó với hiểm họa dịch bệnh lây lan nhanh (người, động vật, thực vật), thảm họa thủy điện và tranh chấp nguồn nước, các tổ chức ngoài nhà nước hoạt động xuyên biên giới... Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam. Nhờ vậy, đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng và chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Các tỉnh miền núi Đông Bắc vẫn là vùng chậm phát triển; trình độ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội còn một khoảng cách lớn so với các khu vực khác trong cả nước. Sau một quá trình thực hiện thành công các chương trình, dự án giảm nghèo cho vùng miền núi và dân tộc thiểu số nói chung, đã đến lúc Đảng, Nhà nước phải có một hệ thống chính sách mới phù hợp với xu thế và trình độ phát triển khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng của nước thu nhập trung bình thấp. Mặt khác, thực tiễn đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết như: vấn đề quan hệ dân tộc - quốc gia, dân tộc - tộc người, di dân tự do, vấn đề đói nghèo, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tộc người… đòi hỏi chính sách dân tộc phải được xây dựng và vận hành nhằm mang lại quyền bình đẳng thực sự cho các dân tộc. Muốn xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách
- 3 dân tộc, cần có một nghiên cứu quy mô và toàn diện về vùng dân tộc thiểu số nói chung cũng như ở vùng miền núi Đông Bắc nói riêng. Qua đó, tổng kết, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng; đồng thời, nhận diện những ưu điểm, hạn chế và đúc kết kinh nghiệm nhằm hoàn thiện chính sách dân tộc nói chung cũng như các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chính sách dân tộc ở khu vực các tỉnh miền núi Đông Bắc nước ta nói riêng. Do đó, việc thực hiện đề tài “Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010” là vấn đề khoa học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. 2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án 2.1. Mục đích Làm sáng tỏ nhận thức khoa học về chính sách dân tộc của Đảng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh vùng Đông Bắc của Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010; Đánh giá những thành tựu, hạn chế của quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010; Tổng kết một số kinh nghiệm chủ yếu về tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh vùng Đông Bắc từ năm 1996 đến năm 2010 - gợi ý cho tổng kết thực tiễn - lý luận 30 năm đổi mới. 2.2. Nhiệm vụ Để đạt được những mục đích trên, luận án có các nhiệm vụ sau: - Phân tích các công trình nghiên cứu trước đây để xác định những cơ sở phương pháp luận cần vận dụng trong thực hiện luận án, những vấn đề đã được giải quyết có thể kế thừa và phát triển, những khoảng trống cần phải bổ khuyết. - Khái quát những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình dân tộc và dân cư ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam với ý nghĩa tạo nên đặc tính vùng. - Nghiên cứu, hệ thống hoá quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về chính sách dân tộc ở vùng miền núi Đông Bắc từ năm 1996 đến năm 2010 nhằm góp phần làm rõ sự phát triển về nhận thức và sự chỉ đạo thực tiễn của Đảng về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở địa bàn này. - Phân tích quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam trong những năm 1996 - 2010. - Đánh giá thành tựu và hạn chế của Đảng trong lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc tại một số tỉnh vùng Đông Bắc nước ta từ năm 1996 đến năm 2010. - Đúc kết một số kinh nghiệm cơ bản trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2010. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Các quan điểm, chủ trương, định hướng hợp thành chính sách dân tộc (theo nghĩa rộng) của Đảng; sự thể chế hóa về mặt nhà nước ở cấp vĩ mô, cấp vùng và
- 4 cấp địa phương; các biện pháp, hành động thực thi chính sách dân tộc ở một số tỉnh vùng Đông Bắc từ năm 1996 đến năm 2010. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về thời gian: Luận án nghiên cứu giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2010 - Về không gian - địa bàn: Trong phạm vi luận án này, vùng Đông Bắc được xác định là không gian địa lý - tộc người, lấy Thủ đô Hà Nội làm điểm nhìn để xác định tọa độ cho phương vị "đông bắc", lấy phạm vi các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang làm không gian chung cho nghiên cứu cảnh quan cấp vùng, chọn các tỉnh biên giới Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh làm địa bàn khảo sát thực địa chủ yếu của luận án. - Về nội dung: + Chính sách dân tộc có nội dung rất rộng, thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh,... Tuy nhiên, luận án chỉ giới hạn ở năm nhóm chính sách chủ yếu: chính sách kinh tế (xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế); chính sách chăm lo phát triển trí lực và thể lực (giáo dục - đào tạo, y tế, nâng cao đời sống vật chất); chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; chính sách cán bộ dân tộc thiểu số; Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. + Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng gồm cả cấp trung ương, địa phương (tỉnh, huyện, xã), cộng đồng (làng/bản), hộ gia đình và cá nhân; cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; luận án chỉ tập trung vào khâu trọng tâm là sự thể chế hóa về mặt nhà nước; các biện pháp lớn trong triển khai các chương trình, dự án trọng điểm; các phong trào và mô hình điển hình kết hợp giữa ý đảng với lòng dân. 4. Cơ sở lý luận, nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc và chính sách dân tộc. Đặc biệt, luận án bám sát đến các quan điểm biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể để triển khai các ý tưởng nghiên cứu. 4.2. Nguồn tư liệu - Tư liệu sơ cấp: Các số liệu, thông tin do tác giả thu thập thông qua các phương pháp điều tra xã hội học, điền dã dân tộc học tại một số tỉnh miền núi Đông Bắc. - Tư liệu thứ cấp: Những số liệu, tài liệu, công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo đã công bố của các nhà nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, kể cả các luận văn, luận án. - Tư liệu cấp ba: Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X, XI và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương từ khoá VIII đến khoá XI; các văn bản pháp quy của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; các báo
- 5 cáo tổng kết của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, niên giám thống kê của Trung ương và địa phương, các tác phẩm kinh điển liên quan đến luận án. 4.3. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp lịch sử và phương pháp logíc là hai phương pháp chính được vận dụng, kết hợp để nghiên cứu tổng thể luận án cũng như triển khai các nội dung cụ thể ở từng chương, tiết. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số phương pháp khác như: phương pháp tổng kết thực tiễn; phương pháp thống kê; phương pháp so sánh; phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, tài liệu cấp ba; phương pháp tổng hợp;… 5. Đóng góp mới của luận án - Về mặt tư liệu: Hệ thống hóa, phát hiện và giải mã một số tư liệu mới về dân tộc và quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc nước ta. - Về mặt nhận thức: Phân tích khoa học về một số chính sách dân tộc và thực thi chính sách dân tộc của Đảng áp dụng ở cấp độ vùng, mang đặc điểm vùng và địa phương do chế định của yếu tố địa lý, bản sắc tộc người, quan hệ Việt - Trung trong điều kiện hội nhập; Rút ra một số nhận xét, kết luận dựa trên tư liệu mới và thông tin mới được phân tích, luận giải khoa học, đặc biệt là các nhận xét, kết luận về thực hiện chính sách dân tộc gắn với nhóm cư dân Tày - Nùng, Mông - Dao gắn với đặc thù các tỉnh biên giới; Tổng kết một số kinh nghiệm có ý nghĩa đóng góp vào tổng kết thực tiễn - luận 30 năm đổi mới trên vấn đề dân tộc được xem xét ở cấp độ vùng và địa phương các tỉnh Đông Bắc. - Về mặt thực tiễn: Những kinh nghiệm được đúc kết giai đoạn 1996 - 2010 có ý nghĩa tham chiếu cho quá trình tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc ở vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. Luận án có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy về chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam ở các trường đại học, cao đẳng. 6. Ý nghĩa của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời, khẳng định quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng tại vùng miền núi Đông Bắc Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết một số kinh nghiệm lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới trên vấn đề dân tộc được xem xét ở cấp độ vùng và địa phương. Luận án cung cấp thêm luận cứ khoa học và gợi mở một số suy nghĩ có thể vận dụng vào thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc ở vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, tổng quan tình hình nghiên cứu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được kết cấu gồm 3 chương, 6 tiết.
- 6 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án Nhóm 1: Các công trình nghiên cứu về dân tộc và chính sách dân tộc ở miền núi nói chung Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam của Đặng Nghiêm Vạn, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2003; Bảo đảm bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay của Hoàng Chí Bảo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009; Phan Hữu Dật với Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay (Sách tham khảo), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2001; Nguyễn Quốc Phẩm, Trịnh Quốc Tuấn với Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1999; Phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Sách chuyên khảo) của tác giả Nguyễn Đăng Thành, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, HN, 2012. Nhóm 2: Các công trình nghiên cứu về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta Vấn đề dân tộc và định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá (Viện nghiên cứu chính sách dân tộc và miền núi, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002); Những vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, HN, 2006 của Phan Xuân Sơn - Lưu Văn Quảng (Đồng chủ biên); Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở miền Trung, Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới của Trương Minh Dục (Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2009); Tác giả Đoàn Minh Huấn trong bài viết Những xu hướng tác động đến quản lý phát triển xã hội các vùng dân tộc thiểu số nước ta, Tạp chí Lý luận Chính trị số 8-2010; Luận án tiến sỹ Lịch sử của Nguyễn Thanh Thuỷ: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm 3: Các công trình, đề tài nghiên cứu về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Đàm Thị Uyên: Văn hoá dân tộc Nùng ở Cao Bằng (2011), Lô Quốc Toản (2010): Phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Phát triển bền vững văn hoá tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc do Vương Xuân Tình - Trần Hồng Hạnh (Đồng chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, HN, 2012; Di dân tự do của đồng bào Tày, Nùng, H’mông, Dao từ Cao Bằng, Lạng Sơn vào ĐắkLắk (1986 - 2000) của Nguyễn Bá Thuỷ (Nxb Lao động - Xã hội, HN, 2004) và Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay của Đậu Tuấn Nam (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013).
- 7 Nhóm 4: Các nghiên cứu của người nước ngoài đề cập đến chính sách dân tộc của Việt Nam nói chung và chính sách dân tộc đối với vùng Đông Bắc nước ta nói riêng Luận án tiến sĩ của Moto F: Chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam (Luận án Tiến sĩ) (1989), Nhóm tác giả: Donovan D., Rambo T.A, Fox J., Lê Trọng Cúc, Trần Đức Viên với công trình ‘’Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam’’, Tập 1: Tổng quan và phân tích, Tập 2: Các nghiên cứu mẫu và bài học từ châu Á. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997; “Chính sách dân tộc của Việt Nam và ảnh hưởng của chính sách đó đến khu vực dân tộc biên giới Trung Quốc” của Chu Kiện - Lưu Đông Nhiệm (Theo tạp chí Nghiên cứu vấn đề dân tộc, số 1, 2005); “Nghiên cứu so sánh chính sách dân tộc của Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại” (2007) của Đằng Thành Đạt. Nghiên cứu của các tác giả ở trong và ngoài nước đã cung cấp một số tư liệu, thông tin, tri thức và cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Chúng là nguồn tư liệu quý giá được kế thừa khi triển khai nghiên cứu luận án này. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có công trình chuyên biệt nghiên cứu chính sách dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở vùng Đông Bắc. Mỗi công trình do xuất phát từ mục tiêu, phương pháp tiếp cận và giới hạn phạm vi của nó nên chỉ giải quyết những nội dung nhất định. 2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu Một là: Vẫn chưa có một tổng kết đầy đủ, toàn diện về các bước phát triển tư duy nhận thức của Đảng về thực hiện chính sách dân tộc ở cấp vùng, nhất là các tư tưởng về "cùng phát triển" hay phát triển không loại trừ giữa các tộc người,… Hai là: Các nghiên cứu chính sách dân tộc của Đảng dưới góc độ lịch đại còn rất ít, nếu có cũng chỉ rất khái lược, không đủ cắt nghĩa bối cảnh phát sinh, định hình, định dạng, phát triển và kết thúc chu trình của một chính sách... Ba là: Trong điều kiện một đảng cầm quyền thì các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng là một bộ phận cấu thành của chính sách công (theo nghĩa rộng) để nhà nước thể chế hóa thành chính sách can thiệp (chính sách công theo nghĩa hẹp). Điều đó dẫn tới phân tách một cách máy móc đường lối, chủ trương của Đảng với chính sách công của Nhà nước, không nhận diện được biến đổi về quan niệm chính sách công của Đảng trong tiến trình đổi mới, không làm rõ được vai trò, vị trí của Đảng trong các tiến trình chính sách cũng như không tìm được giải pháp nâng cao chất lượng hoạch định chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc từ phía bản thân đảng cầm quyền. Bốn là: Các nghiên cứu chính sách dân tộc của Đảng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở cấp vùng và cấp địa phương vẫn là điểm yếu căn bản. Vì
- 8 vậy, các nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chính sách ở cấp vùng và địa phương là vấn đề rất khó khăn đối với các nhà nghiên cứu, càng khó khăn hơn đối với các địa phương Đông Bắc. Năm là: Việc thực hiện luận án này nhằm góp phần khỏa lấp một số “khoảng trống” mà các nghiên cứu trước đây không hoặc chưa đề cập về tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở vùng miền núi Đông Bắc Việt Nam. Chương 1 QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG Ở MỘT SỐ TỈNH MIỀN NÚI ĐÔNG BẮC VIỆT NAM (TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2000) 1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và chính sách dân tộc của Đảng đối với vùng miền núi Đông Bắc Việt Nam 1.1.1. Một số khái niệm liên quan “Dân tộc” theo Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: 1. Dân tộc hay quốc gia dân tộc là một cộng đồng chính trị - xã hội được chỉ đạo bởi một nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, ban đầu được hình thành do sự tập hợp của nhiều bộ lạc hay liên minh bộ lạc, sau này của nhiều cộng đồng tộc người. 2. Dân tộc còn đồng nghĩa với cộng đồng mang tính tộc người. Cộng đồng này có thể là một bộ phận chủ thể hay thiểu số của một dân tộc sinh sống ở nhiều quốc gia dân tộc khác nhau được liên kết với nhau bằng những đặc điểm ngôn ngữ, văn hoá và ý thức tự giác tộc người. “Dân tộc thiểu số” nước ta là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vấn đề dân tộc là vấn đề nổi lên cần giải quyết trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội giữa các dân tộc nhằm thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chính sách dân tộc là hệ thống chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở căn cứ vào đường lối chính trị và tình hình thực tiễn của đất nước, tác động vào tất cả các lĩnh vực của các dân tộc thiểu số, các vùng dân tộc và có thể đối với từng tộc người nhằm thực hiện quyền bình bẳng giữa các dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hoá, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, làm cho các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; đảm bảo sự thống nhất của quốc gia và dân tộc; giao lưu, hội nhập quốc tế.
- 9 1.1.2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội * Điều kiện địa lý tự nhiên Vị trí địa lý: Diện tích tự nhiên của vùng là 29.100,6 km², nằm ở vị trí địa lý khoảng từ 21º đến 23º24 vĩ Bắc; và 102º đến 108º kinh Đông. Là vùng có vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng, có vai trò xung yếu về an ninh - quốc phòng, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 970,8 km (gồm 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang). Về khí hậu, thủy văn: Miền núi Đông Bắc Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa; là vùng có nhiều sông, suối; thường có mưa nhiều vào mùa hè, lượng mưa trung bình trong năm từ 1200 đến 1800 mm. Về thổ nhưỡng: Đất feralit đỏ vàng chiếm tỷ lệ lớn về diện tích, thích hợp cho việc trồng rừng và cây công nghiệp. Về tài nguyên khoáng sản: Đông Bắc Việt Nam là vùng đa dạng về tài nguyên (mỏ than, mỏ thiếc, mỏ đồng, mỏ apatit...) với trữ lượng tương đối lớn. Về giao thông: Vùng Đông Bắc có hệ thống đường giao thông gồm: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ khá thuận tiện. * Đặc điểm và hiện trạng kinh tế Tình hình kinh tế - xã hội của vùng miền núi Đông Bắc đã có những bước phát triển và đạt được một số thành tựu quan trọng: kinh tế tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Tuy nhiên, trong các tỉnh miền núi Đông Bắc, vẫn còn tỉnh có tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn rất cao: Cao Bằng: 82%, Hà Giang: 83,9%. Xác định miền núi Đông Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, các tỉnh miền núi Đông Bắc, những năm 1991 - 1995, GDP tăng bình quân hàng năm từ 6 - 7% trở lên. Đời sống nhân dân trong vùng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng từ 173,8 nghìn đồng năm 1996 lên 210 nghìn đồng năm 1999 (tăng 6,3%). * Đặc điểm dân cư và hiện trạng xã hội Bốn tỉnh miền núi Đông Bắc có dân số 3.109.223 người, trong đó, dân tộc thiểu số là 1.847.838 người, chiếm 59,43% dân số toàn vùng. Đặc điểm về sự phân bố dân cư: Các dân tộc thiểu số ở đây cư trú theo hình thái xen cài, không phân khu thành lãnh thổ tộc người. Đặc điểm về ngôn ngữ dân tộc: Ngôn ngữ của tất cả các dân tộc ở vùng Đông Bắc thuộc về hai ngữ hệ Nam Á và Hán Tạng.
- 10 * Đặc điểm và hiện trạng văn hoá, giáo dục, y tế Trong 10 năm (1986 - 1996), sự nghiệp giáo dục đào tạo của vùng đã có nhiều tiến bộ; Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được quan tâm; Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. * Đặc điểm địa - chính trị - quốc phòng Tại vùng Đông Bắc, bốn tỉnh có đường biên giới giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa, gồm cả biên giới trên đất liền, biên giới trên không, biên giới trên biển và biên giới dưới lòng đất, đó là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Vì vậy, đảng bộ và chính quyền các địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao nhằm giữ vững trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. 1.1.3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc và chính sách đối với các dân tộc vùng Đông Bắc trong những năm đầu đổi mới Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), lần thứ VII (1991), Nghị quyết 22- NQ/TW của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Quyết định 72-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 13-3- 1990 về Một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế- xã hội miền núi, kinh tế, xã hội vùng dân tộc, miền núi Đông Bắc Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc; bộ mặt vùng dân tộc, miền núi có nhiều thay đổi; nền kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp từng bước chuyển sang nền kinh tế hàng hoá; đời sống văn hoá của đồng bào được nâng cao; các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; an ninh, chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. 1.1.4. Những chuyển biến tư duy nhận thức của Đảng về thực hiện chính sách dân tộc ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, về vấn đề dân tộc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) của Đảng khẳng định: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Đại hội đã phát triển thêm 3 vấn đề về phương diện lý luận, tạo cơ sở cho đổi mới nội dung và tiến trình chính sách. Trong phương hướng, nhiệm vụ của 5 năm (1996 - 2000) đã xác định rõ mục tiêu, biện pháp phát triển các vùng lãnh thổ, các chương trình trình kinh tế - xã hội. Điều đó giúp cho các vùng lãnh thổ đều có cơ hội phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng vùng và thúc đẩy hợp tác mang tính liên vùng trong quá trình liên hợp hóa lãnh thổ. Bên
- 11 cạnh đó, Đại hội VIII còn xác định Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc. 1.2. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc 1.2.1. Phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất đồng bào các dân tộc thiểu số Phát triển kinh tế: cơ cấu kinh tế miền núi Đông Bắc có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước qua các chương trình dự án với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước tạo công trình, nhân dân đóng góp công sức và có việc làm, cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xây dựng tăng nhanh. 1.2.2. Phát triển văn hoá, giáo dục, y tế Về văn hoá: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Chỉ thị 39- CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm 1996-2000, công tác sưu tầm, bảo tồn, giới thiệu vốn văn hoá, nghệ thuật dân gian được các cấp, các ngành và nhân dân các tỉnh miền núi Đông Bắc quan tâm. Về giáo dục - đào tạo và công tác cán bộ: Tháng 12 năm 1996, tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Khoá VIII đã ra Nghị quyết về Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000. Thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục các địa phương khu vực miền núi Đông Bắc đã tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân: Trong những năm 1996 - 2000, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân các tỉnh miền núi Đông Bắc có bước tiến bộ nhất định. Các cơ sở khám chữa bệnh được củng cố một bước về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh. 1.2.3. Thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo Để hoàn thành mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các tỉnh miền núi Đông Bắc đã đề ra các giải pháp: hỗ trợ vốn trực tiếp cho hộ đói nghèo; lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội. Cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm 1996 - 2000, các tỉnh miền núi Đông Bắc đã nỗ lực trong công tác xoá đói, giảm nghèo và đạt được một số chuyển biến tích cực.
- 12 Song song với chương trình xoá đói giảm nghèo, cuộc vận động định canh định cư tại vùng miền núi Đông Bắc cũng được thực hiện có hiệu quả. 1.2.4. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh Ngày 23 tháng 9 năm 1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác của người Mông để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các Đảng bộ địa phương đã cụ thể hoá Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng góp phần thúc đẩy giải quyết tốt công tác ở vùng dân tộc Mông. Trước tình hình biên giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, đời sống mọi mặt của nhân dân biên giới thiếu thốn, cơ sở hạ tầng thấp kém, các cấp uỷ Đảng đã tăng cường chỉ đạo, chính quyền các địa phương đã phát huy được vai trò nòng cốt của bộ đội biên phòng, dân quân các xã biên giới, lực lượng dự bị động viên và phong trào của quần chúng nhân dân trong quản lý bảo vệ biên giới. Tiểu kết chương 1 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, diện mạo miền núi Đông Bắc nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về hoạch định chính sách dân tộc của Đảng với gắn kết giữa phát triển tộc người với phát triển vùng. Thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án kinh tế - xã hội miền núi, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên, kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây mới; văn hoá, giáo dục, y tế được quan tâm; an ninh quốc phòng được giữ vững. Những kết quả đạt được một mặt thể hiện bản chất của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng tại khu vực miền núi Đông Bắc vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như thực hiện các chính sách xoá đói giảm nghèo, thực hiện chính sách phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, việc giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo tại địa bàn. Đây là một thách thức đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc miền núi Đông Bắc, yêu cầu cần phải có một hệ thống các giải pháp cụ thể, sát hợp với khu vực và từng dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng.
- 13 Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG Ở MỘT SỐ TỈNH MIỀN NÚI ĐÔNG BẮC VIỆT NAM (TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010) 2.1. Chính sách dân tộc của Đảng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở vùng miền núi Đông Bắc 2.1.1. Cơ hội và thách thức đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở vùng miền núi Đông Bắc Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI * Cơ hội Hòa bình, hợp tác trở thành xu hướng lớn trong quan hệ khu vực và quốc tế tạo điều kiện cho các tỉnh biên giới có cơ hội thúc đẩy giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cách mạng khoa học và công nghệ và việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ đã góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng. Đất nước sau 15 năm đổi mới đã có bước phát triển vượt bậc, nhờ đó có điều kiện giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa thúc đẩy tăng cường kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó thực hiện chính sách dân tộc là một bộ phận cấu thành của mục tiêu phát triển. Vùng Đông Bắc sau 15 năm đổi mới, 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, 5 năm thực hiện đường lối đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực để vừa có thể hấp thu tốt hơn nguồn lực ưu tiên đầu tư của nhà nước, vừa có tích lũy từ nội bộ để tái đầu tư cho phát triển. * Thách thức Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn mang tính hai mặt, bên cạnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu, khu vực, thì cũng tạo ra những áp lực đối với các nước giáng liềng, đặc biệt các nước có điều kiện bất đối xứng về quyền lực, trong đó vùng biên giới luôn chịu áp lực trực tiếp. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, cổ vũ cho chủ nghĩa ly khai. Trong điều kiện kinh tế thị trường, khoảng cách phát triển giữa các vùng, các tộc người tiếp tục bị đẩy ra xa thêm, bất bình đẳng tộc người và bất công xã hội ngày càng hiện hữu rõ rệt.
- 14 2.1.2. Chủ trương mới về chính sách dân tộc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) đã tổng kết 5 năm thực hiện đường lối Đại hội VIII, đồng thời bổ sung trên một số nhận thức mới về vấn đề dân tộc: Nếu như văn kiện Đảng trước đây thường nhấn mạnh đến yêu cầu rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi với miền xuôi, giữa dân tộc đa số với dân tộc thiểu số, thì Đại hội IX đã nhìn trên quan điểm biện chứng hơn khi đưa ra luận điểm "cùng phát triển"; Gắn phát triển tộc người với phát triển vùng (vùng miền núi, vùng căn cứ kháng chiến, vùng khó khăn, vùng biên giới) là một quan điểm mới; Xác định vấn đề con người - nguồn nhân lực là một trong những chính sách rất quan trọng đảm bảo cho phát triển bền vững, bao gồm cả nguồn nhân lực được đào tạo mới và phát huy "người tiêu biểu, có uy tín" trong các dân tộc; Nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng đúng đắn ý thức hệ dân tộc trên hai mặt: chống tư tưởng dân tộc lớn và chống dân tộc tự ti, hẹp hòi. Đại hội IX đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2006 đối với vùng miền núi phía Bắc, trong đó có vùng Đông Bắc. 2.1.3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX (2003) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) của Đảng về chính sách dân tộc Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX khẳng định: “Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo đều là những vấn đề chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta…”. Hội nghị đã chỉ ra 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo công tác dân tộc trong thời kỳ mới; đồng thời, đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ. Cụ thể hóa đường lối Đại hội IX của Đảng, ngày 01 tháng 07 năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37/NQ-TW Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2010. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006) tiếp tục khẳng định và phát triển những quan điểm, tư tưởng đã định hình về chính sách dân tộc; Đại hội X đã đề ra Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) chỉ rõ định hướng phát triển vùng miền núi phía Bắc. Các quan điểm, chủ trương về chính sách dân tộc trên đây là cơ sở để nhà nước thể chế hóa thành chính sách can thiệp cụ thể và hệ thống chính trị các địa phương tổ chức thực hiện.
- 15 2.2. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc 2.2.1. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc thành chương trình, dự án hỗ trợ và đầu tư phát triển vùng miền núi Đông Bắc Trong hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc được thể chế hoá trong Hiến pháp, các đạo luật, đặc biệt là nghị quyết, nghị định, quyết định của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là thể chế hóa thành các chương trình hỗ trợ phát triển hoặc đầu tư phát triển. Trọng điểm từ năm 2001 đến 2010 là các chương trình sau đây: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (còn gọi là Chương trình 135); Ngày 07-12-2001, Chính phủ ban hành Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg Về việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc, thời kỳ 2001- 2005; Ngày 05-02-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg Về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Ngày 27-12-2008, Chính phủ ra Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo v.v.. Các nỗ lực thể chế hóa trên đây của Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, là cơ sở để từng bước hiện thực hóa chính sách dân tộc của Đảng ở vùng Đông Bắc. 2.2.2. Phát triển kinh tế, cải thiện đời sống các dân tộc thiểu số * Phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa Thế mạnh của miền núi Đông Bắc là nông - lâm nghiệp và thương mại, dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu được quan tâm trong các chiến lược và chính sách phát triển. * Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại xã hội ở vùng Đông Bắc Đến năm 2010, kết thúc giai đoạn II của chương trình 135, với sự nỗ lực của các địa phương, khu vực miền núi Đông Bắc có 6 xã đã hoàn thành chương trình 135, đạt 1,92%. 2.2.3. Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm Để thực hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân về xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 02/1998/QĐ-TTg ngày 06-01-1998 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc giai
- 16 đoạn từ nay đến năm 2010; phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xoá đói giảm nghèo, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2010. Trên cơ sở mục tiêu chung, Đảng bộ các địa phương đã ra các Nghị quyết nhằm tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác xoá đói giảm nghèo. Cùng với sự phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội của các địa phương, chương trình, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2001 - 2010 được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Toàn vùng có 68,1% số hộ dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ dự án, chính sách giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn vùng đã giảm từ 28,5% năm 2002 xuống còn 19,03% năm 2010. Thực hiện các chính sách vay vốn ưu đãi, trợ giá, trợ cước và hỗ trợ trực tiếp cho người dân Trong giai đoạn 2006 - 2010, ngày 07-8-2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Đây là chính sách chuyển đổi từ trợ giá, trợ cước vận chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Ngày 05-03-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2007 - 2010, tổng số hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thuộc diện được thụ hưởng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất là 11.669 hộ với tổng số vốn 57.222 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (chương trình 134) Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, ngày 20-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2004 đến năm 2008, 2477 hộ dân được hỗ trợ đất ở, 38.391 hộ dân được hỗ trợ nhà ở, 20.136 hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất, 23.958 hộ dân được hỗ trợ xây bể nước hoặc mua téc nước, 862 công trình nước tập trung được xây dựng. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 12 năm 2008) Miền núi Đông Bắc có 2 tỉnh là Cao Bằng, Hà Giang với 11 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% được thụ hưởng Chương trình 30a.
- 17 Nghị quyết 30a ra đời, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện của các địa phương đã tập trung triển khai các bước tiến hành theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Tính đến năm 2011, còn 6 huyện có số hộ nghèo trên 50% là Mèo Vạc, Đồng Văn, Xí Mần (Hà Giang), Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông (Cao Bằng). Đẩy mạnh công tác quy hoạch, bố trí dân cư Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 24-8-2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 193/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015. Tiếp đó, ngày 05-03-2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010. Thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg, các địa phương đã tiến hành xây dựng các Dự án nhằm ổn định đời sống dân cư. 2.2.4. Nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chăm sóc sức khoẻ nhân dân Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí Số trường ở 4 tỉnh miền núi Đông Bắc tăng từ 1.598 trường phổ thông với 26.472 lớp năm 2006, đến năm 2010 đã tăng lên 1744 trường phổ thông với 25.309 lớp học; Cùng với hệ thống các trường công lập là hệ thống mạng lưới các trường dân tộc nội trú được phát triển. Bên cạnh đó, mô hình trường nội trú dân nuôi cũng được hình thành và phát triển ở các địa phương. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc thiểu số: Thực hiện Quyết định 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, các địa phương đã tiến hành cấp sổ khám, chữa bệnh và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng nghèo và người dân tộc thiểu số và nhân dân các xã 135. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi Đông Bắc Thực hiện các nghị quyết của Đảng, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong các lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Đông Bắc được đặt ra nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của các địa phương. Về phương diện ngôn ngữ dân tộc: bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo tồn, lưu giữ, phát triển ngôn ngữ dân tộc, các địa phương đã có các
- 18 biện pháp như: Dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc địa phương); đài phát thanh, truyền hình các tỉnh phát các chương trình bằng các thứ tiếng Tày, Nùng, Dao, Mông… Về chính sách hưởng thụ văn hoá: công tác văn hoá thông tin được tăng cường. Bên cạnh đó, thư viện được xây dựng và trang bị cơ sở vật chất để hoạt động. Đến năm 2010, trên toàn vùng miền núi Đông Bắc có 52 thư viện, với 747 nghìn đầu sách. 2.2.5. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số Sau khi Nghị quyết số 17-NQ/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ra đời, Đảng bộ, chính quyền các địa phương vùng Đông Bắc đã tổ chức các hội nghị để phổ biến nội dung nghị quyết. Vì vậy, hệ thống chính trị cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi từng bước được kiện toàn về tổ chức và bước đầu đạt hiệu quả trong hoạt động. Công tác cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa cũng luôn được Nhà nước quan tâm. Song song với công tác tạo nguồn cán bộ, các địa phương luôn tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. 2.2.6. Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Một trong những thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hoà bình” đó chính là truyền đạo trái phép bằng mọi con đường vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Trước tình hình đó, các địa phương đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện bám dân, bám địa bàn trọng điểm, nắm chắc tình hình cơ sở, thực hiện “ba cùng” với đồng bào. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và đấu tranh chống các hoạt động sai trái... Công tác phòng chống đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tích cực. Tiểu kết chương 2 Nhờ các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và địa phương cùng sự nỗ lực phấn đấu của bà con các dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay rõ nét.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: An ninh tài chính cho thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
25 p | 313 | 51
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Giáo dục học: Phát triển tư duy vật lý cho học sinh thông qua phương pháp mô hình với sự hỗ trợ của máy tính trong dạy học chương động lực học chất điểm vật lý lớp 10 trung học phổ thông
219 p | 291 | 35
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 191 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 280 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 273 | 16
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 156 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 225 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 188 | 9
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 151 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 64 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 215 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 185 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 137 | 5
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
28 p | 22 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 125 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu cơ sở khoa học và khả năng di chuyển của tôm càng xanh (M. rosenbergii) áp dụng cho đường di cư qua đập Phước Hòa
27 p | 10 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 29 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 175 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn