intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:28

8
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án "Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945" được hoàn thành với mục tiêu nhằm nghiên cứu bối cảnh ra đời, tình hình giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945, rút ra một số đặc điểm, ảnh hưởng của nó trên hai phương diện tích cực và tiêu cực đến Trung Kỳ trong thời thuộc địa và ở giai đoạn sau

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH -----------*----------- DƯƠNG THỊ KIM OANH GIÁO DỤC PHÁP - VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ NĂM 1906 ĐẾN NĂM 1945 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 9229013 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ NGHỆ AN - 2024
  2. Công trình được hoàn thành tại: TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Trần Thị Phương Hoa 2. PGS. TS. Trần Vũ Tài Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án cấp trường họp tại Trường Đại học Vinh vào lúc Ngày tháng 8 năm 2024. Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Nguyễn Thúc Hào - Trường Đại học Vinh.
  3. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Tại lễ khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh, trong đó nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1993) đã xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục tạo ra những công dân tốt để xây dựng quốc gia vững mạnh. Chính bởi vậy, mọi quốc gia đều coi trọng phát triển giáo dục. Lịch sử giáo dục Việt Nam đã trải nghiệm nhiều mô hình giáo dục khác nhau, chịu ảnh hưởng của giáo dục Trung Hoa, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Anh..., trong đó giáo dục thời thuộc địa có ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều thế hệ trí thức Việt Nam và tác động tới giáo dục Việt Nam hiện đại. Nghiên cứu giáo dục thời thuộc địa, hiểu được những đặc điểm, từ đó rút ra được những tác động tích cực và tiêu cực tới giáo dục Việt Nam là nhằm góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trong hệ thống giáo dục thời thuộc địa, giáo dục Pháp - Việt đóng vai trò quan trọng nhất về số lượng trường lớp, giáo viên, học sinh và có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trí thức Việt Nam. Lập ra thiết chế giáo dục Pháp - Việt, giới chức Pháp và các nhà giáo dục thực dân đã sử dụng nó làm phương tiện để thực thi những tham vọng chính trị, duy trì sự đô hộ. Nghiên cứu đề tài sẽ góp phần làm rõ hơn bản chất của một nền giáo dục thực dân thông qua âm mưu, thủ đoạn của Pháp trong công cuộc xâm lược, cai trị và khai thác ở Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Trong quá trình thực dân Pháp triển khai các chính sách giáo dục đã diễn ra sự va chạm giữa văn hoá Việt Nam với văn hoá phương Tây. Xung đột mạnh mẽ nhất đã diễn ra ở mắt xích “yếu” nhất là giáo dục kiểu mới. Hệ quả là tạo ra một diện mạo mới, tính chất mới cho giáo dục Trung Kỳ. Vậy, bước chuyển của giáo dục Trung Kỳ từ truyền thống sang hiện đại diễn ra như thế nào trong thời kỳ thuộc địa? Chính quyền Nam triều thể hiện vai trò ra sao khi ở vị thế bị kiểm soát? Trong bối cảnh bị đô hộ, lại chịu tác động của khuynh hướng duy tân đến từ các nước Đông Á và cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đến từ phương Tây, diện mạo nền giáo dục mới này đến từ người Pháp hay người Việt? Đây là những vấn đề cần được làm sáng rõ nhằm lí giải cách hành xử, phản ứng của người dân Trung Kỳ trước những yếu tố văn hoá mới, đặc biệt là yếu tố giáo dục mới. 1.2. Chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ được xác lập sau khi triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Patenôtre ngày 06/6/1884. Đặc điểm chế độ bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ (An Nam) thể hiện qua việc vua Nguyễn vẫn được tồn tại trên danh nghĩa, các quan chức triều đình tiếp tục nắm quyền cai trị. Pháp cử một Công sứ toàn quyền (sau gọi là Khâm sứ) đặt ở nội thành Huế, phụ trách điều hành công việc của bộ máy bảo hộ. Đây 1
  4. là một thể thức tồn tại hai chính quyền song song: Chính quyền bảo hộ do Pháp đặt ra và bộ máy quan lại người Việt do triều đình quản lý vẫn giữ nguyên, mặc dù chỉ có quyền lực tượng trưng. So với Bắc Kỳ, sự quản lý của Pháp ở Trung Kỳ lỏng lẻo hơn trong nhiều lĩnh vực, và chính quyền Pháp cũng can thiệp vào giáo dục ở xứ này muộn nhất. Ngoài sự quản lý của người Pháp, nền giáo dục Trung Kỳ còn có sự tham gia điều hành trực tiếp của chính quyền quân chủ Nguyễn. Vì vậy, những gì đã diễn ra với giáo dục ở nơi có diện tích 147.600 km², dân số 4.927.175 người (năm 1906), phân bố trên 17 tỉnh từ năm 1906 đến năm 1945 là điều mà chúng tôi mong muốn được làm rõ trong nghiên cứu này. 1.3. Từ nguồn tài liệu lưu trữ khá phong phú liên quan đến giáo dục thời kỳ thuộc địa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thư viện ở các tỉnh miền Trung, nguồn báo chí trước năm 1945, nguồn tư liệu số hoá trên Thư viện quốc gia Pháp cho thấy tính khả thi cao của đề tài. Do đó, kết quả của nghiên cứu không chỉ tập hợp các tư liệu về giáo dục ở Trung Kỳ, mà còn là nguồn tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học về giáo dục cho các tỉnh miền Trung. Mặc dù đây là nền giáo dục thực dân, vận hành theo chủ ý cai trị của người Pháp, nhưng không phải là không có yếu tố tích cực. Do đó, nghiên cứu đề tài cho phép chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm về xây dựng, triển khai, quản lý, phát triển giáo dục để định hướng cho quá trình đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Những kinh nghiệm về giá trị con người, giá trị dân tộc cao cả từ các thế hệ trí thức sẽ là những bài học quý báu giúp giáo dục Việt Nam tiếp tục kiến tạo, tự tin, bản lĩnh bước vào hội nhập quốc tế. Từ những lí do trên, nghiên cứu sinh đã chọn “Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của mình. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là “Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945”, gồm: luật giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, các loại hình trường học (trường công, trường tư, trường nghề,…) và những thành tố của nó (chương trình, giáo viên (GV), học sinh (HS), thi cử, bằng cấp, ngân sách,…). Từ đó luận án rút ra một số đặc điểm, ảnh hưởng hai mặt của giáo dục Pháp - Việt đối với Trung Kỳ. 2.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi không gian: xứ Trung Kỳ với diện tích 147.600 km², được giới hạn ở phía Bắc từ tỉnh Thanh Hóa đến hết tỉnh Bình Thuận ở phía Nam, bao gồm cả vùng Tây Nguyên, thủ phủ là Huế. - Phạm vi thời gian: từ năm 1906 đến năm 1945. Năm 1906 thành lập cơ quan quản lý giáo dục là Sở Học chính Trung Kỳ. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công lật đổ ách thống trị của Pháp - Nhật. - Phạm vi nội dung: Bối cảnh lịch sử, chính sách giáo dục, cơ quan quản lý giáo 2
  5. dục, ngân sách; Tình hình giáo dục Pháp - Việt trên các phương diện chương trình, sách giáo khoa, các loại trường, cấp học, bậc học, đội ngũ GV, HS, thi cử, bằng cấp từ năm 1906 đến năm 1945; Rút ra một số đặc điểm, ảnh hưởng hai mặt của giáo dục Pháp - Việt đến Trung Kỳ. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu bối cảnh ra đời, tình hình giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945, rút ra một số đặc điểm, ảnh hưởng của nó trên hai phương diện tích cực và tiêu cực đến Trung Kỳ trong thời thuộc địa và ở giai đoạn sau. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu + Làm rõ bối cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945; + Phân tích các chính sách giáo dục, cơ quan quản lý, ngân sách cho giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945; + Phục dựng hoạt động của hệ thống trường Pháp - Việt ở Trung Kỳ qua các phương diện chương trình, sách giáo khoa, các cấp học, bậc học, đội ngũ GV, HS, thi cử, bằng cấp qua hai giai đoạn: 1906 - 1917 và 1917 - 1945; + Rút ra đặc điểm, đánh giá ảnh hưởng của giáo dục Pháp - Việt đối với Trung Kỳ trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. 4. Nguồn tài liệu - Tài liệu lưu trữ: tài liệu bằng tiếng Pháp, chữ Hán, gồm các báo cáo, văn bản, nghị định (của Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ, các Công sứ tỉnh) và các đạo dụ của triều Nguyễn liên quan đến giáo dục. - Tài liệu chuyên khảo: tài liệu bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh được thể hiện đa dạng dưới các hình thức như sách, báo, bài nghiên cứu, luận án,…, hay các công trình về thông sử dân tộc, thông sử địa phương có nội dung liên quan đến giáo dục ở Trung Kỳ thời thuộc địa. - Tài liệu điền dã: khảo sát, thu thập thông tin các trường Pháp - Việt còn tồn tại đến ngày nay: trường Quốc học Huế, trường Đồng Khánh (nay là trường THPT Hai Bà Trưng), trường Thực hành Công nghiệp Huế (trường Cao đẳng Công nghiệp Huế), trường Quốc học Vinh (trường THPT Huỳnh Thúc Kháng),... 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở phương pháp luận: luận án được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội. - Phương pháp nghiên cứu: phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic là hai phương pháp được sử dụng chủ yếu. Ngoài ra luận án còn sử dụng một số phương pháp hỗ trợ như: thống kê, phân tích, so sánh, điền dã,... 6. Đóng góp của luận án - Phục dựng bối cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành nền giáo dục Pháp - Việt ở 3
  6. Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945; - Làm rõ tình hình giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ thời thuộc địa qua hai giai đoạn: 1906 - 1917 và 1917 - 1945 trên các phương diện như: chính sách giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, ngân sách, chương trình, sách giáo khoa, bậc học, trường lớp, đào tạo và tuyển dụng GV, HS, thi cử, bằng cấp. Qua đó rút ra một số nhận xét về đặc điểm, ảnh hưởng của giáo dục Trung Kỳ thời thuộc địa; - Góp thêm tư liệu cho nghiên cứu lịch sử giáo dục Việt Nam nói chung, Trung Kỳ nói riêng thời kỳ cận đại. Bổ sung tư liệu cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử địa phương ở các tỉnh ở miền Trung. 7. Bố cục luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án được bố cục thành 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Chương 2. Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ giai đoạn 1906 - 1917. Chương 3. Giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ giai đoạn 1917 - 1945. Chương 4. Đặc điểm, ảnh hưởng của giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những công trình nghiên cứu về giáo dục Việt Nam thời cận đại 1.1.1. Công trình nghiên cứu trong nước Nghiên cứu về giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc được chú ý từ rất sớm, từ năm 1958. Xuất phát từ những mục đích, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đưa đến ra hai khuynh hướng đánh giá: khuynh hướng đánh giá nền giáo dục Pháp - Việt chỉ có hạn chế và khuynh hướng đánh giá nền giáo dục Pháp - Việt vừa có tích cực vừa có hạn chế. Đánh giá nền giáo dục Pháp - Việt chỉ có hạn chế: Từ những bản báo cáo của chính quyền Pháp, các tác giả như Nguyễn Lân, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, Vũ Ngọc Khánh, Bùi Minh Hiền,… đã xác định thời gian, bối cảnh ra đời và các thành tố cấu thành nền giáo dục Pháp - Việt. Những thống kê về dân số học đường, số trường lớp, chương trình, GV,... đều đi đến kết luận loại hình trường học mới này chủ yếu là hạn chế: “Cả một dân tộc bị thất học”, “ngu dân, nô dịch, không có đóng góp gì cho sự phát triển”,… Đây không phải là tồn tại hay hạn chế trong các công trình bởi các tác giả không xem những mặt tích cực là nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Đánh giá nền giáo dục Pháp - Việt vừa có tích cực vừa có hạn chế: Thiên về cách nhìn đa chiều, Phan Trọng Báu, Nguyễn Đăng Tiến, Phan Ngọc Liên, Trần Thị Phương Hoa,... cho rằng nền giáo dục Pháp - Việt vừa có tích cực vừa có hạn chế. Trình bày sự hình thành và phát triển của giáo dục Pháp - Việt thông qua hai cuộc cải cách: 4
  7. lần thứ nhất (1906), lần thứ hai (1917), các tác giả đã nhận định giáo dục mang tích cực như: “thực nghiệm hiện đại”, “đầy đủ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”, “liên thông theo cấp bậc, chú trọng năng lực cá nhân”, “phụ nữ được đến trường như nam giới”,…, vừa mang tiêu cực: “chương trình mang rõ tính “nhồi sọ”, “ngu dân”, xa rời thực tiễn đất nước, đi ngược lại sự phát triển tự nhiên, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, gây hận thù với nhân dân các nước láng giềng”, “hơn 80% số trẻ đến tuổi đi học không được đến trường”, “hơn 90% dân số mù chữ”,… 1.1.2. Những công trình nghiên cứu ở nước ngoài Từ năm 1910 đã có các công trình chuyên khảo về giáo dục thuộc địa Đông Dương của Klobukowsky, Antoine Leon, Claude E. Maitre,… Đến những năm 60, 70, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ như Gail P. Kelly, William Duiker, David Marr, Lo Bianco Joseph, Pascale Bezancon,… đã sử dụng các nguồn tài liệu từ Việt Nam, từ Pháp để tìm hiểu sự hình thành nền giáo dục thuộc địa, sự phản ứng của người Việt trước công cuộc chinh phục “tinh thần” của thực dân Pháp trong thế kỷ XIX. Ngoài ra có một số luận án về giáo dục Việt Nam thời thuộc địa của Hoàng Thị Trợ (1965), Mã Thành Công (1973), Dương Đức Như (1978), Lê Xuân Phán (2018). Hai cuốn sách của Trịnh Văn Thảo xuất bản ở Pháp, được dịch sang tiếng Việt với tựa đề: “Ba thế hệ trí thức người Việt 1862 - 1954” và “Nhà trường Pháp ở Đông Dương” đã làm rõ quá trình du nhập giáo dục và văn hoá Pháp vào Việt Nam. Nền giáo dục này đã có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến đời sống văn hoá, xã hội Việt Nam, nhất là đối với tầng lớp trí thức. Các công trình đã giúp cho tác giả luận án hiểu rõ hơn về các chính sách giáo dục, sự phân bố trường học, cách thức đào tạo đội ngũ GV, tổ chức thi cử,… và cách đánh giá từ các góc nhìn khác nhau về giáo dục. 1.2. Những công trình nghiên cứu về giáo dục Trung Kỳ thời cận đại Cho đến nay, nghiên cứu đề tài về giáo dục Trung Kỳ thời Pháp thuộc khá ít. Năm 2014 Thái Thị Ngọc Dư và cộng sự đã công bố công trình “Trường học Pháp - Việt trong thời kỳ 1920 - 1945 và sự hình thành tầng lớp nữ trí thức qua hai trường nữ trung học Đồng Khánh và Áo Tím”. Tiếp đó là các công bố của Nguyễn Thị Thái Châu, Trương Công Huỳnh Kỳ, Nguyễn Văn Khánh, đặc biệt là những công bố của Trần Thị Phương Hoa. Nhìn chung các nghiên cứu đều nhận định giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ ra đời muộn hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ, số lượng trường được lập chủ yếu là ở cấp tiểu học, thấp hơn các xứ khác. Nghiên cứu của Trần Thị Phương Hoa ghi nhận vai trò quản lý giáo dục của chính quyền Nguyễn. 1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra trong luận án 1.3.1. Nhận xét về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án (1) Các công trình nghiên cứu đều xem giáo dục Trung Kỳ thời Pháp đô hộ là một bộ phận hợp thành của nền giáo dục Việt Nam. (2) Phần lớn các công trình đều mô tả quá trình thực dân Pháp thiết lập và xây dựng hệ thống giáo dục kiểu mới ở Việt Nam theo tiến trình lịch sử dân tộc. Phạm vi nội 5
  8. dung được trình bày theo từng giai đoạn, thường là theo phân kỳ của lịch sử dân tộc. Phạm vi không gian nghiên cứu được chuyển dần từ tổng quát trên toàn Đông Dương, sang lãnh thổ Việt Nam, rồi từng khu vực nhất định như Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ. (3) Một số công trình nghiên cứu theo từng mảng cấu thành của nền giáo dục Pháp - Việt như: giáo dục ở làng xã, giáo dục nghề, giáo dục tư thục, giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học,... Đã có nghiên cứu xem tác động của giáo dục Pháp - Việt là đối tượng nghiên cứu. (4) Có sự chuyển đổi trong khuynh hướng đánh giá: từ thái độ phê phán gay gắt chuyển dần sang kết luận theo hai hướng “tích cực” - “tiêu cực”. Tích cực được đánh giá là góp phần vào hiện đại hóa giáo dục Việt Nam. Tiêu cực chủ yếu nhấn mạnh về hệ quả tuyệt đại đa số người dân mù chữ. (5) Tuy được nhắc đến trong nhiều công trình với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng cho đến nay giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ vẫn còn khá nhiều nội dung chưa được đề cập một cách đầy đủ và đánh giá toàn diện. Do đó, việc đi sâu tìm hiểu nền giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945 là việc làm cần thiết được đặt ra hiện nay. 1.3.2. Những vấn đề tiếp tục đặt ra trong luận án - Phân tích bối cảnh lịch sử dẫn đến sự thâm nhập, hình thành và phát triển của giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1945; - Phân tích tình hình của giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ qua hai cuộc cải cách (1906; 1917), các chính sách giáo dục cùng những điều chỉnh, ngân sách, cách thức hoạt động của hệ thống trường Pháp - Việt trên các phương diện như: chương trình, sách giáo khoa, các cấp học, bậc học, đội ngũ GV, HS, thi cử, bằng cấp qua hai giai đoạn: giai đoạn 1906 - 1917 và giai đoạn 1917 - 1945; - Từ kết quả nghiên cứu, luận án sẽ rút ra một số đặc điểm tiêu biểu của giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ thời kỳ thuộc địa từ năm 1906 đến năm 1945. Ảnh hưởng của giáo dục Pháp - Việt cũng sẽ được xem xét trên hai mặt tích cực và tiêu cực trong sự phát triển của giáo dục Trung Kỳ ở giai đoạn thuộc địa và đối với miền Trung ở những giai đoạn sau. Chương 2 GIÁO DỤC PHÁP - VIỆT Ở TRUNG KỲ GIAI ĐOẠN 1906 - 1917 Ở nội dung chương 2, chúng tôi làm rõ cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở Trung Kỳ dẫn đến cục diện hai thiết chế giáo dục song song tồn tại: giáo dục Pháp - Việt do Pháp chỉ đạo và điều hành thông qua Sở Học chính và giáo dục Nho học do chính quyền Nam triều quản lý thông qua Bộ Học. Giáo dục Pháp - Việt thực thi theo ba nghị định do Toàn quyền Broni ban hành. Giáo dục Nho học cũng được cải tổ theo tinh thần bản Quy chế giáo dục do vua Thành Thái ban dụ. Trong đó chúng tôi tập trung trình bày nguồn ngân sách cho giáo dục công; Hệ thống trường, lớp, đội ngũ HS trường phổ thông, trường nghề; Tổ chức thi cử; Đào tạo và tuyển dụng GV. Do chính quyền Pháp 6
  9. chưa thực sự quan tâm, lại vấp phải phản ứng của triều Nguyễn và người dân Trung Kỳ khiến nền giáo dục mới bắt rễ khó và còn mờ nhạt trong đời sống người dân. 2.1. Bối cảnh lịch sử và chính sách giáo dục 2.1.1. Bối cảnh lịch sử và tình hình giáo dục ở Trung Kỳ trước năm 1906 Hiệp ước Patenôtre được kí kết giữa triều đình Nguyễn với Pháp đã hoàn thành việc xác lập chế độ bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Cục diện hai chính quyền tồn tại song song: chính quyền bảo hộ do Pháp đặt ra và chính quyền Nguyễn vẫn được duy trì ở Trung Kỳ từ năm 1884 đến năm 1945. Triệt để thực hiện chính sách “chia để trị”, Pháp chia Trung Kỳ thành 4 khu vực: Bắc Trung Kỳ, Trung Trung Kỳ, Nam Trung Kỳ khu vực phía Tây. Hai cuộc đại khai thác thuộc địa làm kết cấu kinh tế, xã hội Trung Kỳ bị phá vỡ nghiêm trọng. Chính sách đầu tư giáo dục phục vụ mục tiêu khai thác của Pháp làm xuất hiện đông đảo tầng lớp trí thức, nhất là sinh viên, HS. Tư tưởng bài ngoại trong văn hóa dần bị phá vỡ khi luồng gió dân chủ tiến bộ từ phương Tây tràn vào Việt Nam làm xuất hiện mô hình trường học nghĩa thục trong phong trào Duy Tân (1906). Điều này gây lo lắng cho chính quyền Pháp cho việc cai trị xứ thuộc địa. Trước khi Pháp xâm lược, nền giáo dục Trung Kỳ là một nền giáo dục mang đậm tính Nho học đào tạo quan lại cho một số ít người. Trước bối cảnh bị xâm lược, giáo dục Nho học đã tỏ rõ sự bất lực trước nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Sau khi đưa Trung Kỳ vào “quỹ đạo” khai thác, chính quyền Pháp đã sử dụng giáo dục làm công cụ để thực thi chính sách “đồng hoá” và đào tạo đội ngũ nhân lực cho chính quyền. Khác với xứ Nam Kỳ thuộc địa, những yếu tố giáo dục phương Tây thâm nhập vào Trung Kỳ khá chậm chạp, thận trọng và nhỏ giọt. Đầu tiên là sự phối hợp giữa Pháp và triều Nguyễn thành lập trường Quốc học Huế năm 1896, cùng một số trường tiểu học Pháp - Việt ở các đô thị và một vài khoá học tiếng Pháp ngắn hạn. Sự thâm nhập của yếu tố giáo dục Pháp vào Trung Kỳ còn có sự góp sức rất lớn từ các giáo sĩ người Pháp. Cho đến đầu thế kỉ XX, mặc dù yếu tố giáo dục Pháp đã từng bước thâm nhập vào giáo dục Trung Kỳ nhưng nhỏ giọt, mang tính địa phương do chưa có sự chỉ đạo thống nhất. 2.1.2. Chính sách giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục Từ 1906 - 1917, giáo dục Nho học Trung Kỳ thực thi theo bản Quy chế giáo dục do vua Thành Thái ban dụ ngày 31/5/1906, Toàn quyền Broni phê chuẩn ngày 14/9/1906; giáo dục Pháp - Việt thực thi theo ba Nghị định 468, 469, 470 do Toàn quyền Broni ký ban hành ngày 30/10/1906. Bản Quy chế giáo dục tập trung cải tổ nền giáo dục Nho học theo hướng bổ sung một số yếu tố giáo dục mới nhằm chuẩn bị cho việc sát nhập vào giáo dục Pháp - Việt khi cần thiết. Để quản lý, giám sát việc thực thi Quy chế, tháng 10/1907, vua Duy Tân cho thành lập Bộ Học do Thượng thư Cao Xuân Dục đứng đầu. Các chức học quan Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học được tuyển để bổ sung cho các trường. Ba nghị định do Toàn quyền Broni ban hành vào được xem là dấu mốc mở đầu cho cuộc cải cách giáo dục Pháp - Việt lần thứ nhất ở Trung Kỳ: nghị định số 468 quy định về hệ thống 7
  10. trường, cấp học, bậc học và chương trình; nghị định số 469 đề cập về nhân sự trường học; nghị định số 470 quy định về các kì thi, những loại bằng cấp. Năm 1905, Tổng Nha học chính Đông Dương được thành lập có nhiệm vụ quản lý hệ thống trường Pháp - Việt thông qua Sở Học chính các kỳ. Năm 1906, Sở Học chính Trung Kỳ thành lập. Đứng đầu là một viên Chánh sở thuộc quản lý trực tiếp của Khâm sứ và Tổng Giám đốc Nha Học chính về chuyên môn. Cũng trong năm này, Ủy ban Hoàn thiện giáo dục bản xứ Trung Kỳ được thành lập. Sở Học chính Trung Kỳ có nhiệm vụ quản lý, giám sát Ủy ban Hoàn thiện giáo dục bản xứ và Bộ Học trong việc triển khai chương trình mới. 2.2. Ngân sách và nguồn đầu tư cho giáo dục công Theo quy định của tài chính của Đông Dương, giáo dục Trung Kỳ sẽ sử dụng nguồn ngân sách cấp xứ mà không được lấy từ nguồn ngân sách Liên bang như Nam Kỳ. Để có ngân sách chi cho giáo dục, chính quyền Trung Kỳ phải huy động nguồn tài chính từ ngân sách cấp xứ và ngân sách các tỉnh. Do ngân sách được phân bổ ít nên các giáo dục Pháp - Việt luôn ở thế khó khăn. Trong giai đoạn, này chính quyền Nam triều đều đặn hàng năm chi 80.000 đồng để phục vụ cho các môn học mới ở hệ thống trường Nho. Nếu ngân sách của triều đình không có sự thay đổi thì ngân sách của chính quyền bảo hộ vẫn tăng đều. Từ năm 1913 số ngân sách chi cho giáo dục tăng mạnh và không hề giảm trong suốt giai đoạn xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Tuy nhiên, nếu tính tỉ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách thì rất thấp, khoảng từ 2% - 3%/năm. Do ngân sách chỉ đủ trả lương cho nhân sự giáo dục nên nguồn tài chính sử dụng cho xây trường, lớp và tài liệu học tập còn lại rất ít. Năm 1910, giáo dục được cấp 59.785 đồng, được chi như sau: 48.985 đồng (82%) chi trả lương cho GV và nhân viên, 500 đồng (0,8%) chi cho xây dựng mới và tu sửa trường học, 10.280 đồng (17,2%) chi cho mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị dạy học thiếu thốn khiến việc lập trường cầm chừng, các hoạt động giáo dục tổ chức khó khăn, chương trình triển khai không đúng như kế hoạch đề ra. 2.3. Giáo dục phổ thông 2.3.1. Chương trình và sách giáo khoa Theo nghị định số 468, HS tiểu học sẽ phải học 17 môn. Đây là một chương trình khá nặng vì yêu cầu HS học bằng cả ba thứ ngôn ngữ là chữ Hán, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, trong đó chữ Pháp được xem là chủ đạo vì có tới 14 môn học bằng tiếng Pháp từ lớp Đồng ấu. Chương trình Cao đẳng tiểu học được tổ chức duy nhất ở trường Quốc học Huế trong 4 năm, giống ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đến tháng 12/1913, năm thứ tư của bậc Cao đẳng tiểu học chương trình sẽ chia thành bốn khoa: sư phạm, cai trị, cách trí, thương mại. Nội dung các môn học đều hướng sự tập trung về bổn phận của trẻ em với bản thân, gia đình và lòng biết ơn, sự trung thực đối với “mẫu quốc” Pháp. Các môn khái luận về lịch sử, địa lí Đông Dương, nước Pháp, khoa học, ứng dụng, thương mại, kĩ 8
  11. nghệ,… luôn nhấn mạnh tính ưu việt của văn minh phương Tây, đặc biệt ghi nhận nước Pháp là một quốc gia cầm ngọn “hải đăng”. Tiếng Pháp được quy định là ngôn ngữ chính trong trường học nhưng do thiếu sách giáo khoa và GV dạy tiếng Pháp nên trường học chủ yếu dạy các môn bằng chữ Quốc ngữ. Chương trình do nhà nước quy định, mang tính bắt buộc, nhưng sách giáo khoa có thể được biên tập bởi các nhà xuất bản tư nhân. Do bị kiểm soát gắt gao về nội dung nên sách giáo khoa được xuất bản rất ít. Tài liệu giảng dạy được GV lấy từ Công báo giáo dục (bằng tiếng Pháp) nhưng bị lọc bỏ những gì được cho là phá hoại, nguy hiểm. Kể từ năm 1914, trên Đông Dương tạp chí đặt thêm mục Sư phạm là các bài viết về luân lý, toán pháp, cách trí, luận Quốc ngữ,… nhằm cung cấp học liệu cho GV tham khảo để sử dụng cho dạy học. 2.3.2. Hệ thống trường, lớp, học sinh Giai đoạn từ 1906 - 1917, Trung Kỳ có hai cấp là tiểu học và trung học. Tuy nhiên, cấp trung học chỉ tới bậc Cao đẳng tiểu học. Cấp tiểu học Pháp - Việt gồm 4 lớp: lớp dự bị (lớp tư), lớp sơ đẳng (lớp ba), lớp nhì, lớp nhất. Trường nhận trẻ từ 8 - 14 tuổi giống như Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Chính quyền bảo hộ chu cấp toàn bộ kinh phí để duy trì hoạt động của trường tiểu học Pháp - Việt ở trung tâm các tỉnh. Ra đời muộn, lại gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ tầng lớp trí thức Nho sĩ và người dân nên số trường lớp cũng như dân số học đường rất ít, cao nhất là năm 1917 với 22 trường, 687 HS. Do đặc điểm dân cư, điều kiện kinh tế, địa hình khiến phân bố trường học ở các tỉnh Trung Kỳ không đồng đều. Trong số 17 tỉnh, chỉ có 14 tỉnh lập được trường, trong đó chỉ 6 tỉnh có sự hiện diện của cả trường nam và trường nữ (Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà). Đến năm 1917, ba tỉnh chưa có trường là Thừa Thiên, Tourane và Đồng Nai Thượng. Sự xuất hiện của trường nữ và số HS nữ gia tăng thể hiện sự thay đổi đáng kể trong quan niệm truyền thống của nhiều gia đình. Cấp trung học được tổ chức duy nhất tại trường Quốc học Huế và chỉ có tới bậc Cao đẳng tiểu học, chia thành 4 ban, học trong 4 năm. Chỉ tiêu tuyển HS hàng năm rất hạn chế. Biến động được ghi nhận vào năm 1916 khi số HS tăng gấp 4 lần so với năm 1906. Nhờ nguồn ngân sách ổn định, đội ngũ GV có trình độ đã giúp trường có điều kiện phát triển bền vững và thực thi hiệu quả vai trò đào tạo nhân lực cho chính quyền bảo hộ và triều đình. Từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Trung Kỳ cho đến năm 1919 giáo dục Nho học vẫn hoạt động sôi nổi. Từ năm 1906 các môn học mới như: chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, toán cơ bản được bổ sung thêm vào chương trình. Yếu tố giáo dục truyền thống được lược bỏ dần khi môn chữ Hán không còn bắt buộc ở bậc ấu học, những nội dung về kị huý, thơ, phú,... bị gạt bỏ. Từ năm 1917 dù số trường ấu học vẫn hiện diện ở mức cao nhưng số HS giảm dần do thông tin về đình bãi thi cử truyền thống được phổ biến. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các trường tiểu học và trung học. 9
  12. Giai đoạn 1906 - 1917, giáo dục Trung Kỳ tồn tại đa dạng các loại hình trường học. Bên cạnh hệ thống trường Pháp, trường Pháp - Việt học theo chương trình mới là hệ thống trường Nho được bổ sung thêm một vài yếu tố mới. Trước yêu cầu nhân lực cho cuộc khai thác và để ổn định xã hội, năm 1919, giáo dục Nho học được sát nhập vào giáo dục Pháp - Việt dưới sự điều hành duy nhất của chính quyền Pháp. 2.3.3. Tổ chức thi cử và bằng cấp Mặc dù Nghị định 30/10/1906 quy định hàng năm Trung Kỳ sẽ diễn ra ba kỳ thi để lấy bằng Sơ đẳng tiểu học, Tiểu học Pháp - Việt và Cao đẳng tiểu học, nhưng đã không thực hiện được. Hàng năm chính quyền chỉ tổ chức được hai kỳ thi để lấy bằng Tiểu học Pháp - Việt và bằng Cao đẳng tiểu học sau khi hoàn thành các khoá học dưới sự chỉ đạo của một hội đồng thi do Khâm sứ bổ nhiệm Kết quả các kỳ thi trước năm 1917 ít được thống kê, chỉ lẻ tẻ ở một số báo cáo. Quy chế ngặt nghèo, nội dung thi có nhiều điểm mới khiến số HS Trung Kỳ vượt qua và được nhận bằng không đáng kể. Năm 1909, trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, trường Pháp - Việt Đông Ba có 7 người đỗ và được trường Quốc học Huế tiếp nhận 6 người, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tên gọi là Nguyễn Sinh Côn. Cũng trong năm 1915 trường tiểu học Pháp - Việt Faifo (Quảng Nam) đã cấp bằng tiểu học cho 8 nam sinh. 2.3.4. Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên Để tuyển dụng GV ở Trung Kỳ dựa vào nghị định ngày 30/10/1906. Tuy nhiên, thực tế cho đến trước năm 1907 ở Trung Kỳ không có một GV bản xứ nào có được bằng tiểu học Pháp - Việt. Ứng phó với tình hình trên, chính quyền đã lựa chọn các HS trung học (hệ Nho học), hoặc các lớp trên của trường Quốc học Huế và đào tạo thêm khóa học sư phạm trong 6 tháng ở Phủ Diễn (Nghệ An), Huế, Quy Nhơn để làm GV. Thiếu GV nữ, nhà chức trách đã tuyển GV nữ dạy chữ Quốc ngữ từ Nam Kỳ. Môn chữ Hán sẽ thuê thầy giáo dạy chữ Hán của các trường Pháp - Việt. Từ năm 1907, sau khi nhà chức trách tổ chức thi lấy bằng tiểu học và Cao đẳng tiểu học thì việc tuyển GV sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 30/10/1906. Trong giai đoạn này, đội ngũ GV trường Pháp - Việt ở Trung Kỳ tương đối ít và chủ yếu là người Việt. Cho đến năm 1917, số GV người Pháp bậc tiểu học là 31 người, GV người Việt là 100. Chương trình học yêu cầu GV phải giảng dạy theo phương pháp mới. Tuy nhiên, sự thích ứng các phương pháp sư phạm được mô phỏng từ Pháp của đội ngũ GV còn hạn chế. Phương pháp “thầy đọc trò chép”, “học thuộc lòng” phổ biến. Đầu năm 1915, Sở Học chính tổ chức nhiều cuộc thanh tra ở phương pháp giảng dạy của GV ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Faifo (Quảng Nam), Tourane (Đà Nẵng). Kết quả là GV lạm dụng giao bài tập về nhà cho HS, ghi đầy sổ ghi chép, phần lớn phát âm và ngữ pháp tiếng Pháp sai, giảng dạy thiếu sinh động, thiếu hứng thú thi đua. Rõ ràng, việc không được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm nên chất lượng của đội ngũ GV ở Trung Kỳ còn thấp. 2.4. Giáo dục nghề 10
  13. Giáo dục nghề ở Trung Kỳ được chính quyền Pháp chú ý từ rất sớm. Loại hình đào tạo này chỉ dành riêng cho người bản xứ nhằm tạo ra một đội ngũ thợ chuyên môn hoặc đốc công đáp ứng nhu cầu khai thác thuộc địa. Ngày 26/10/1898 vua Thành Thái ra dụ thành lập trường Canh nông Huế, trực thuộc Nha Canh nông Trung Kỳ. Năm 1899, trường dạy nghề Bách Công Huế được lập ra, đào tạo các nghề truyền thống và hiện đại. Kinh phí hoạt động của các trường nghề đều do triều đình chi trả. Nhân sự nhà trường chủ yếu là GV người Việt, dù hiệu trưởng là người Pháp. Năm 1911, Hội đồng hoàn thiện trường nghề được thành lập đã từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo nghề. Khác với giáo dục phổ thông, chương trình học của trường nghề chỉ gồm các môn lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết có số học, hình học, vẽ đường thẳng và vẽ công nghiệp, các khái niệm về vật lý và điện, các bài học bác vật, cơ khí. Phần thực hành có các môn gỗ và nghề mộc, tạc tượng, sơn, chạm khắc kim loại, rèn, nguội và cơ khí, gò và thiếc, nặn và đúc. HS được chia làm 4 khoá, từ khoá 1 đến khoá 3 theo chương trình thông thường, khoá 4 là khoá đặc biệt dành cho HS có tay nghề cần đào tạo chuyên sâu. Về xuất xứ địa lý, HS đến từ các tỉnh Trung Kỳ không đồng đều do điều kiện địa hình đi lại khó khăn. Trong năm 1911 đã có 33 HS tốt nghiệp, trong đó 13 người được nhận tiếp vào năm thứ 4 học chuyên sâu. Một số HS sau khi học xong được giữ lại trường và được coi là thợ thực tập. Do HS các năm vẫn học và làm chung với nhau nên sĩ số của trường luôn ở mức trên 150. Thực tế mỗi năm trường chỉ tuyển gần 30 HS. Để thu hút HS học nghề, chính quyền có chính sách cấp học bổng. Theo báo cáo, năm 1915, trường có 91 HS được nhận học bổng gồm: 27 HS năm 1, 25 HS năm 2, 27 HS năm 3, 12 HS năm 4. Tuy nhiên, việc cấp học bổng đã không mấy hiệu quả vì đa phần là HS ở Huế, nơi chỉ có một số ít xưởng sửa chữa cơ khí. Do đó, khi tốt nghiệp không phải HS nào cũng được bố trí việc làm. Từ năm 1914, đã có HS từ rất nhiều tỉnh khác nhau đến theo học. Trường nghề không chỉ tồn tại như một cơ sở giáo dục mà còn chịu sự chi phối từ chính sách khai thác. Trên thực tế, HS Trung Kỳ không mấy mặn mà với loại hình giáo dục nghề do không hứng thú với các bài học lao động chân tay. Do mục tiêu chỉ đào tạo công chức, ít đào tạo đốc công hay thợ thuyền nên dấu ấn trong đào tạo nghề nghiệp ở Trung Kỳ khá mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Tiểu kết chương 2 Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất được thực thi ở Trung Kỳ từ năm 1906 đến năm 1917 đã đưa đến sự biến đổi lớn cho giáo dục Nho học lẫn giáo dục Pháp - Việt. Đối với nền giáo dục Nho học, hệ thống trường được tổ chức thành 3 bậc. Chương trình cắt bớt một phần dạy chữ Hán để bổ sung những nội dung mới nhất của khoa học hiện đại phương Tây. Đối với giáo dục Pháp - Việt gắn với 3 nghị định 468, 469, 470 do Toàn quyền Broni ban hành. Nếu giáo dục Nho học chịu sự quản lý từ Bộ Học, thì giáo dục Pháp - Việt lại chịu sự điều hành của Sở học chính Trung Kỳ. Hai nền giáo dục song song tồn tại là đặc trưng của giáo dục Trung Kỳ giai đoạn trước năm 1917. 11
  14. Những cải cách của giáo dục Nho học nhằm mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang giáo dục Pháp - Việt khi cần thiết. Mặc dù người Pháp có động thái thay đổi nền học chính theo hướng hiện đại, nhưng sự hiện diện ít ỏi của số trường Pháp - Việt cho thấy vai trò mờ nhạt của chính quyền trong giai đoạn này. Ngoài trường Quốc học Huế có đến bậc Cao đẳng tiểu học thì các trường tiểu học còn lại chỉ có đến lớp sơ đẳng, thậm chí mới chỉ có một đến hai lớp đầu cấp. Chương trình học nặng, thiếu ngân sách, cơ sở vật chất, GV khiến chất lượng giáo dục thấp. Sự thay đổi mục tiêu học tập, ngôn ngữ bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp vốn chưa quen thuộc với người dân khiến người học thờ ơ với nền học chính mới. Việc tồn tại song song hai hệ thống giáo dục đã gây khó khăn cho Pháp trong quá trình thực thi các mục tiêu kinh tế và tổ chức cai trị. Do đó, đến cuối năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut ban hành Bộ Học chính Tổng quy thống nhất giáo dục trên toàn Đông Dương, đồng thời gây sức ép với chính quyền Nam triều xoá bỏ học tập, thi cử kiểu cũ. Chương 3 GIÁO DỤC PHÁP - VIỆT Ở TRUNG KỲ GIAI ĐOẠN 1917 - 1945 Ở nội dung chương 3, chúng tôi làm rõ nội dung cải cách giáo dục lần 2 ở Trung Kỳ qua thực thi Học chính Tổng quy và một vài điều chỉnh dưới thời các viên Toàn quyền. Trong giai đoạn này, giáo dục Pháp - Việt trở thành chính yếu và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Ngoài giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, còn có sự phát triển của giáo dục tư thục và giáo dục ở vùng miền núi. Tập trung trình bày nguồn ngân sách cho giáo dục công; Hệ thống trường, lớp, đội ngũ HS trường phổ thông, trường nghề; Tổ chức thi cử; Đào tạo và tuyển dụng GV, luận án sẽ đưa ra những nhận xét, so sánh với giai đoạn trước năm 1917 và so với Bắc Kỳ, Nam Kỳ. 3.1. Bối cảnh lịch sử và chính sách giáo dục Để phục hồi nguồn lực trong nước và củng cố tầm ảnh hưởng của nước Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp cho thực thi cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương (1919 - 1929) với quy mô và tốc độ lớn. Giáo dục được đặt nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị nhân lực có trình độ chuyên môn cho cuộc đại khai thác và đẩy mạnh thực thi chính sách “đồng hoá”, “nô dịch” văn hoá thuộc địa. Ngày 21/12/1917, Toàn quyền Albert Sarraut cho ban hành Bộ Học chính Tổng quy, khởi động cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai trên toàn xứ Đông Dương. Quy chế tổng thể ngành học chính được thể hiện trong 558 điều, tập hợp trong 7 quyển, quy định về cơ quan quản lí giáo dục, hệ thống trường, chương trình, GV, đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường,... do người Pháp thiết kế về hình thức và nội dung. Giáo dục Đông Dương được chia thành hai bộ phận: giáo dục phổ thông và giáo dục nghề, với 3 loại trường: trường Pháp, trường Pháp - Việt và trường nghề. Trường Pháp - Việt được tổ chức thành 3 cấp học là Đệ nhất cấp (tiểu học), Đệ nhị cấp (trung học) và Đệ tam cấp (cao đẳng, đại học). Giáo dục nghề gồm 2 cấp: Đệ nhất cấp và Đệ 12
  15. nhị cấp. Quy định về trường tư thục cũng được đề cập. Học chính Tổng quy được ban hành từ cuối năm 1917, nhưng ở Trung Kỳ đến năm 1919 hai chính quyền mới kết hợp cho thực thi. Do luôn bị giằng xé giữa chính sách “đồng hoá” hay “hợp tác”, cùng những nóng vội để đạt được mục tiêu đã dẫn đến một vài điều chỉnh trong chính sách sau mỗi lần Đông Dương thay đổi Toàn quyền. 3.2. Ngân sách và nguồn đầu tư cho giáo dục công Để hoạt động, giáo dục Pháp - Việt phải dựa vào nguồn ngân sách. Nếu các trường cao đẳng tiểu học và tiểu học kiêm bị chi phí do ngân sách xứ, tỉnh chi trả, thì các trường Sơ học nhà nước, ngân quỹ Trung Kỳ dùng để chi trả lương cho GV, còn việc xây trường, mua sắm cơ sở vật chất và tài liệu học tập sẽ do dân tự đóng góp từ nguồn Quỹ học đường theo Thông tư ngày 30/7/1919. Đối với trường Sơ học làng xã, hoạt động dựa hoàn toàn vào nguồn đóng góp từ người dân. Với một vùng đất nghèo như Trung Kỳ, việc tìm nguồn tài chính để chi trả lương cho GV và xây dựng cơ sở vật chất trường học là một khó khăn lớn. Điều này đã gây áp lực cho Trung Kỳ khi triển khai các chính sách giáo dục, nhất là ở vùng nông thôn, vùng cao. Giai đoạn 1919 - 1945, ngân sách chi cho giáo dục luôn tăng. Trong 11 năm (1919 - 1930) chi phí cho giáo dục tăng gấp 3,8 lần, trong khi tổng ngân sách tăng chỉ 2 lần. Tỉ lệ ngân sách hàng năm chi cho giáo dục tăng trên 10%, cá biệt những năm 1931, 1932, 1935, 1936 tăng trên 19%. Những năm 40, dù nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh và khủng hoảng nhưng tỉ lệ ngân sách chi cho giáo dục vẫn ở mức 12-14%. Điều này được người Pháp xem là những nỗ lực lớn của chính quyền. Nổi cộm trong phân bổ ngân sách giáo dục là chi phí cho nhân sự luôn chiếm một tỉ lệ lớn, 70% - 80%, trong khi chi phí cho thiết bị, cơ sở vật chất chỉ 20% - 30%. Cá biệt có năm chi gần 90% cho nhân sự (1932, 1935). Điều đó đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không được thường xuyên tu sửa, mua sắm. Các trường Sơ học làng xã hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn quỹ đóng góp từ người dân nên luôn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tài chính. 3.3. Giáo dục phổ thông 3.3.1. Chương trình và sách giáo khoa Chương trình cấp tiểu học, lớp Đồng ấu học 11 môn, lớp Dự bị và Sơ đẳng học 12 môn (thêm môn Lịch sử), lớp trung đẳng, cao đẳng học 15 môn. Chương trình bậc Cao đẳng tiểu học gồm 14 môn, trong 4 năm. Mục tiêu của chính quyền là tạo ra những “sản phẩm giáo dục” có đầy đủ tính truyền thống và hiện đại nên tiếng Pháp là ngôn ngữ chính trong trường Pháp - Việt nhưng môn chữ Hán vẫn không bị loại khỏi chương trình. Mặc dù Học chính Tổng quy quy định trường Sơ học không bắt buộc dạy môn tiếng Pháp, nhưng đa số trường học ở các tỉnh Trung Kỳ đều tổ chức dạy môn tiếng Pháp từ bậc sơ học. Từ những năm 30, 40, tổng số trường Sơ học làng xã có môn tiếng Pháp trên toàn Trung Kỳ luôn đạt mức trên 1.000 trường. Không những vậy, số giờ học tiếng Pháp trong các trường học ở Trung Kỳ luôn cao hơn quy định của Nha học chính từ 1,5 giờ đến 4 giờ. 13
  16. Môn chữ Hán ở hầu hết các trường sơ học vẫn được duy trì dù Học chính Tổng quy không bắt buộc các lớp đồng ấu, dự bị, từ 80 - 99%, thậm chí có năm đạt 100% (năm 1935, 1936). Số giờ học chữ Hán luôn cao hơn quy định, 3 giờ/tuần, thậm chí là 5 giờ/tuần. Từ năm 1933, khi chính quyền Nam triều tiếp quản bậc sơ học và tiểu học, môn chữ Hán có thể tổ chức dạy ở bất kỳ buổi nào trong tuần. Từ năm học 1936 - 1937, môn chữ Hán bị loại bỏ khỏi chương trình bậc sơ học, nhưng được tổ chức lại khi Nhật cùng Pháp “cộng trị” Đông Dương những năm 1940. Sách giáo khoa được chính quyền Pháp kiểm soát chặt chẽ. Các sách được dịch thẳng từ sách giáo khoa Pháp sẽ lọc bỏ những nội dung được cho là phá hoại, nhất là về văn học, lịch sử, địa lý. Ngày 14/10/1924, Ủy ban soạn thảo sách giáo khoa được thành lập. Nhà in tư nhân được phép xuất bản các ấn phẩm dùng trong trường học nhưng phải qua thẩm định của Ủy ban nghiệm thu. Ba loại ấn phẩm là “Le Bulletin général de l’Instruction publique” (Tập san giáo dục công), Học báo (các tỉnh Bắc và Trung Trung Kỳ) và Sư phạm học khóa (các tỉnh Nam Trung Kỳ) được bổ sung thường xuyên đến thư viện các trường để phục vụ cho dạy học. Để kiểm tra, giám sát các trường sơ học và tiểu học trong việc thực hiện chương trình theo luật giáo dục, Sở Học chính đã chia Trung Kỳ thành 7 khu vực và đặt 7 cơ sở thanh tra tại 7 tỉnh thành. Hàng quý, các thanh tra cơ sở phải báo cáo tình hình nơi quản lý cho Giám đốc Sở Học chính. 3.3.2. Hệ thống trường, lớp, học sinh * Trường phổ thông Giai đoạn từ 1917 - 1945, giáo dục phổ thông ở Trung Kỳ tồn tại hai cấp học là tiểu học và trung học. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài cấp trung học chỉ có đến bậc Cao đẳng tiểu học. Đến năm 1936 trường Quốc học Huế được bổ sung thêm bậc tú tài. Từ đây, hệ thống trường phổ thông ở Trung Kỳ mới hoàn chỉnh. Cấp tiểu học tồn tại ba loại trường: trường Sơ học làng xã hay liên xã, trường Sơ học nhà nước và trường Tiểu học kiêm bị. Trường sơ học làng xã chỉ có từ 1-2 lớp, chiếm hơn 80% tổng số trường học Pháp - Việt. Trường Sơ học nhà nước là những trường có đầy đủ 3 lớp (đồng ấu, dự bị, sơ học) đặt ở các huyện lị, tỉnh. Trường tiểu học Kiêm bị gồm 5 lớp, đến năm 1927, cải cách của Varenne điều chỉnh lên thành 6 lớp. Ngoài ra còn có 5 trường trực thuộc ở Huế, Nghệ An, Thanh Hoá và Bình Định. Số trường tiểu học luôn gia tăng. Cao nhất vào năm 1944 là 3.133 với 163.926 HS. Tuy nhiên, số trường gia tăng đa số là trường Sơ học làng xã, hoạt động nhờ vào đóng góp của người dân. Trung Kỳ có 5 trường Cao đẳng tiểu học là Quốc học Huế, Đồng Khánh (Huế), Quốc học Vinh (Nghệ An), Quốc học Quy Nhơn (Bình Định), Cao đẳng tiểu học Thanh Hóa. Trong đó, trường Đồng Khánh đào tạo nữ. Duy nhất trường Quốc học Huế được bổ sung bậc Lycéec vào năm 1936. Năm 1944, HS tú tài của Trung Kỳ là 521 HS. Trong các trường Cao đẳng tiểu học có các khoá tiểu học, khoá sư phạm hoặc lớp sư phạm ngắn hạn. 14
  17. *Trường cho HS vùng cao, dân tộc thiểu số Trường học ở vùng cao của Trung Kỳ chỉ được chuyển biến rõ rệt sau những điều chỉnh chính sách giáo dục của Toàn quyền Merlin từ năm 1927. Chương trình bậc tiểu học gồm 10 môn. Do hầu hết các trường đều có đồng thời người Việt, người bản địa (dân tộc thiểu số), con lai giữa người Việt và người bản địa, nên ở những trường có người Việt sẽ lấy 1 giờ mỗi tuần của môn tiếng Pháp để dạy tiếng Việt cho HS. Tuyệt đại đa số trường học nơi đây là các trường sơ học có từ 1 đến 2 lớp đầu. Cho đến năm 1930, chính quyền Pháp chỉ mở vài trường tiểu học kiêm bị ở vùng Tây Nguyên, đặt ở trung tâm các thị trấn của các tỉnh Đắk Lắk, Plâycu, Kontum, Đồng Nai Thượng. Sĩ số HS các dân tộc thiểu số được đi học không đồng đều. HS người Thái, Mường và Ê-đê chiếm số đông hơn cả. Trong số 2.556 HS ở vùng cao năm 1930 có 1.337 HS là người dân tộc thiểu số, được phân bố như sau: 905 HS người Thái và Mường (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình); 64 HS người Gia-ra (Kontum, Pleiku); 26 HS người Ba-na, Sê đăng (Quảng Ngãi, Kontum); 176 HS người Chăm (Phan Rang, Bình Thuận); 206 HS người Ê-đê (Đắk Lắk). Năm 1936, tỉ lệ đồng bào thiểu số được đi học là 0,26% (2.157/816.000 người), trong khi tỉ lệ này ở vùng đồng bằng là 19%. * Trường tư thục Từ năm 1917, trường tư ở Trung Kỳ chịu sự kiểm soát của của Nha Học chính, Sở Học chính Trung Kỳ và Công sứ tỉnh. Sau loạt nghị định được ban hành năm 1924 về trường tư của Toàn quyền Merlin, Khâm sứ Trung Kỳ tiển khai bằng Nghị định ngày 11/2/1925; Thông tư ngày 11/7/1925; Nghị định 22/01/1930,… Một khung pháp lý quy định thành lập và hoạt động của trường tư thục ở Trung Kỳ. Trường tư ở Trung Kỳ gồm hai loại là trường tư tôn giáo và trường tư thế tục. Trường tư bậc sơ học, tiểu học kiêm bị do Khâm sứ ra quyết định thành lập. Trường tư bậc trung học do Toàn quyền Đông Dương kí quyết định. Ngôn ngữ tiếng Pháp sẽ được sử dụng chính trong các nhà trường. Chương trình, thi cử, các loại bằng cấp của trường tư giống với trường công. Từ 1927 - 1944, số trường tư ở Trung Kỳ tăng nhanh. Cao nhất năm 1944 với 1.038 trường, 35.934 HS. Số trường tư thục cao đẳng tiểu học và trung học trong năm học 1943 - 1944 cao gấp 4 lần số trường công cùng bậc. Các trường tư được cấp phép hoạt động phải chịu sự kiểm soát, thanh tra gắt gao từ chính quyền Pháp. Ngoài quy định về thủ tục lập trường, bằng cấp, trình độ nhân sự trường học, cơ sở vật chất, vệ sinh, diện tích lớp học, ánh sáng,…, thì quy định về độ tuổi được lập trường cũng gây cản trở cho sự phát triển của trường tư. Những hành vi được cho là “vi phạm đạo đức” hay con cái gia đình tham gia cách mạng sẽ không được cấp phép mở trường hoặc bổ dụng làm GV trường tư. Do đó, nhiều trường tư chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn đã bị chính quyền cho đóng cửa. 3.3.3. Tổ chức thi cử và bằng cấp Theo quy định của Học chính Tổng quy, trong một năm học, Trung Kỳ sẽ diễn ra hai kỳ thi tốt nghiệp để cấp bằng Tiểu học Pháp - Việt và bằng Trung học Pháp - 15
  18. Việt. Do cấp trung học chỉ có bậc Cao đẳng tiểu học nên trước năm 1924 Sở Học chính chỉ tổ chức kỳ thi lấy bằng Tiểu học cho cấp tiểu học và bằng Cao đẳng tiểu học cho bậc Cao đẳng tiểu học. Sau cải cách của Merlin, từ năm 1925 Trung Kỳ có thêm một kỳ thi cấp bằng Sơ học yếu lược cho HS học hết bậc sơ học. Đến đây cấp tiểu học có 2 kỳ thi trong một năm học. Đến năm 1936 trường Quốc học Huế có thêm bậc tú tài nên từ năm 1938 cấp trung học sẽ có 2 kỳ thi trong một năm học. Từ 1924 - 1944 số bằng được cấp ra luôn tăng, nhưng chủ yếu là bằng Sơ đẳng yếu lược, gần 90%. Trong các kỳ thi, chỉ có khoảng 40% số HS vượt qua và được cấp bằng. Năm 1925, trong kỳ thi lấy bằng tiểu học Pháp - Việt, Trung Kỳ có 2.225 thí sinh đăng kí thi, chỉ 967 HS được nhận bằng; có 14.218 thí sinh đăng kí thi lấy bằng Sơ đẳng tiểu học, chỉ 7.447 HS được nhận bằng. Năm 1938, Trung Kỳ tổ chức kỳ thi tú tài đầu tiên. Trong số 37 thí sinh dự thi, chỉ 12 người được cấp bằng. 3.3.4. Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên Từ năm 1919, đội ngũ nhân sự GV bậc tiểu học Pháp - Việt ở Trung Kỳ được chia thành ba hạng: 1) GV nam/nữ; 2) GV trợ giảng nam/nữ; 3) GV trợ giảng nam/nữ tạm thời. Hai hạng đầu do ngân sách cấp xứ chi trả lương, GV trợ giảng sự tạm thời do ngân sách làng xã chi trả từ nguồn Quỹ học đường. Đối với bậc trung học có Giáo sư chính, Giáo sư bậc 2 (EPS) và GV tập sự. Họ đều được nhận lương từ ngân sách xứ. Bước vào năm học 1919 - 1920, sau khi tiếp quản số lượng lớn GV từ các trường Nho bản xứ, chính quyền đã tổ chức các khóa học bồi dưỡng mở ở Phủ Diễn, Huế, Quy Nhơn giúp họ thích ứng với nền giáo dục mới. Họ được gọi là giáo sư hay tổng sư, bố trí dạy trong các trường Sơ học làng xã hoặc các trường Sơ học ở các tỉnh, huyện. GV có bằng tiểu học ở Trung Kỳ rất ít. Đông nhất là GV tạm thời không chính ngạch, chiếm hơn 50%, cá biệt có năm chiếm hơn 90% (1920). Họ được phân bổ ở các trường làng. Từ ngày 01/9/1927, ngoài quy định bằng cấp GV phải có thêm một chứng chỉ sư phạm mới đủ điều kiện để được tuyển dụng. Để giải quyết nhân sự GV cho các trường học ở vùng cao, trường sư phạm Hà Nội đã tổ chức riêng một “Ban sư phạm miền núi” đặt ở Thanh Hoá, Vinh, Huế để đào tạo GV cho khu vực Bắc Trung Kỳ và Tây Nguyên. Quy định tuyển dụng GV ở các trường tư thục giống với trường công. Ngoài tuân thủ những quy định về trình độ, chứng chỉ sư phạm theo nghị định ngày 14/5/1924, đội ngũ GV trường tư ở Trung Kỳ còn phải mang đầy đủ phẩm chất đạo đức được quy định trong Nghị định số 281-b và Nghị định số 330 của Khâm sứ Trung Kỳ. 3.4. Giáo dục nghề Theo khoản 5 của Nghị định ngày 09/11/1921, trường Bá công Huế sẽ được chính quyền Pháp tiếp nhận và đổi tên thành Trường Thực hành Công nghiệp. Địa điểm xây trường được dời sang bờ Nam sông Hương. Trong thập niên 1920, sĩ số HS của trường hầu như không biến động. Từ những năm 30, 40 đã có sự gia tăng, nhưng nhiều nhất cũng chỉ dừng lại ở con số 328 HS (1942). Sau khi tốt nghiệp, hầu hết HS trở lại địa phương đóng góp thiết thực theo đúng tinh thần thực nghiệp. Để tránh lãng 16
  19. phí nguồn nhân lực có trình độ, năm 1931, Sở Học chính Trung Kỳ đã kết hợp cùng Trường Thực hành Công nghiệp mở cuộc điều tra nắm bắt nhu cầu xã hội về nhu cầu lao động các ngành nghề. Ngoài ra trường còn kết hợp với “Ủy ban tập nghề” thành lập các trường tập nghề (xưởng nghề) ở vùng nông thôn các tỉnh Nghệ An (Vinh), Faifo, Kontum, Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, với một vùng đất nghèo tài nguyên khoáng sản, ít phát triển kĩ nghệ như Trung Kỳ thì nhu cầu nhân lực đào tạo từ trường nghề là không đáng kể. Tiểu kết chương 3 Từ 1917 - 1930 là thời gian giáo dục Trung Kỳ đổi mới, thích ứng của tất cả các loại hình trường học theo khuôn khổ Học chính Tổng quy. Ngoài hệ thống trường phổ thông, Trung Kỳ còn có loại hình trường dạy nghề, trường tư thục và trường cho HS vùng cao. Cho đến năm 1930, bậc học cao nhất của Trung Kỳ vẫn là bậc Cao đẳng tiểu học. Đến năm 1924 Trung Kỳ tổ chức ba kỳ thi để lấy bằng Sơ đẳng yếu lược, Tiểu học Pháp - Việt và bằng Cao đẳng tiểu học. Từ 1930 - 1945, chính sách giáo dục bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Để trường học không bị nhiễm tư tưởng cách mạng, chính quyền Pháp đã gắn trách nhiệm cho chính phủ Nam triều bằng việc trao quyền quản lý bậc sơ học, tiểu học và khích lệ hoạt động của Bộ Quốc gia giáo dục. Năm 1936 Trung Kỳ được bổ sung bậc tú tài. Bấy giờ, giáo dục phổ thông ở Trung Kỳ đã ngang bằng trình độ với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Trong khi Trung Kỳ chỉ có 4 trường Cao đẳng tiểu học và 1 trường trung học toàn cấp thì bậc tiểu học có tới 3.133 trường (1944). Đây là một nền giáo dục nhỏ bé, cơ cấu không cân đối, lệ thuộc vào mục tiêu cai trị của Pháp. Trường tư thục tuy được chính quyền cấp phép cho hoạt động, nhưng bị hạn chế bằng những quy định ngặt nghèo về điều kiện vệ sinh, ánh sáng, y tế,… nên đa số là các trường tư tôn giáo. Giáo dục nghề nhỏ bé, không xuất phát từ mục tiêu nội tại của địa phương mà bị quy định bởi mục đích khai thác nên phát triển chậm. Trường học cho đồng bào thiểu số giai đoạn này được quan tâm đầu tư nhiều hơn nhưng là để đào tạo người thừa hành sau khi Pháp mở rộng kiểm soát ra những vùng này. Năm 1945, khi chế độ thuộc địa sụp đổ, hệ thống giáo dục công được chuyển giao cho triều đình, trường Pháp và Nha Học chính Đông Dương bị xoá bỏ cũng là thời điểm chấm dứt vai trò chính thống của nền giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ. Mặc dù trường Pháp - Việt vẫn được duy trì ở một số vùng tạm chiếm của Pháp sau năm 1946, nhưng đây không phải là đối tượng nghiên cứu của luận án. Chương 4 ĐẶC ĐIỂM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC PHÁP - VIỆT Ở TRUNG KỲ TỪ NĂM 1906 ĐẾN NĂM 1945 Từ những trình bày về chính sách, cơ quan quản lý giáo dục và tình hình giáo dục Trung Kỳ, chúng tôi đã rút ra 5 đặc điểm của giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ từ 17
  20. 1906 - 1945. Những ảnh hưởng hai mặt của di sản giáo dục thuộc địa cũng được xem xét để hiểu rõ bản chất của nền giáo dục thuộc địa, rút ra bài học kinh nghiệm cho công cuộc cải cách giáo dục ở miền Trung giai đoạn sau và hiện nay. 4.1. Đặc điểm giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ 4.1.1. Hình thành muộn, cơ cấu các bậc học chưa hoàn thiện Do không thể chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong cùng một thời điểm mà kéo dài trong nhiều thập kỉ nên công cuộc xây dựng nền học chính của thực dân Pháp diễn ra không đồng nhất ở các xứ. Nếu Nam Kỳ là tuyến đầu của quá trình xây dựng nền giáo dục mới vì bị chiếm đóng sớm nhất, sau đó là ở Bắc Kỳ (năm 1904) thì đến năm 1906 Trung Kỳ mới được chính quyền Pháp chú ý. Sở dĩ giáo dục Pháp - Việt ở Trung Kỳ hình thành muộn vì đây là vùng đất do chính quyền Nam triều quản lý, dù trên danh nghĩa. Việc duy trì giáo dục Nho học và lối thi cử cũ cũng là tác nhân khiến nền giáo dục mới ở giai đoạn đầu khá mờ nhạt. Sự phản kháng mạnh mẽ của giới trí thức Nho sĩ và người dân Trung Kỳ khiến những yếu tố giáo dục mới bắt rễ khó khăn và khẳng định vị trí chậm. Trung Kỳ là xứ có ít tài nguyên khoáng sản, lại không phong phú nên công cuộc thực dân hóa diễn ra chậm, quy mô nhỏ. Giáo dục chỉ chú trọng phát triển bậc dưới, hướng tới đào tạo viên chức hành chính cấp thấp. Tuy vậy, do bị giằng xé bởi “sứ mệnh khai hóa” và áp lực bởi người dân thuộc địa, đặc biệt là nhờ những kiên trì tranh đấu của Viện dân biểu Trung Kỳ nên bậc trung học tú tài vẫn được triển khai, nhưng chậm chạp, thận trọng. Trong khi Bắc Kỳ có lycée từ năm 1925, Nam Kỳ từ 1928 thì đến năm 1936 Trung Kỳ mới hoàn thiện bậc phổ thông. 4.1.2. Có vai trò nhất định của chính quyền Nam triều trong quản lý Nếu ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, mọi quyết sách cải cách, điều chỉnh giáo dục đều được hoạch định, thực thi chủ yếu bởi chính quyền Pháp, thì ở Trung Kỳ người Pháp luôn tìm sự “tham vấn” từ chính phủ Nam triều. Các nghị định về giáo dục được chính quyền Pháp ban hành luôn thể hiện trong sự tham chiếu qua các đạo dụ của triều Nguyễn. Tận dụng những “chia sẻ” quyền giám sát trường học, chính quyền Nam triều đã nỗ lực đổi mới giáo dục của đất nước, mang lợi ích cho người Việt. Năm 1906, triều Nguyễn kết hợp với chính quyền Pháp cải cách nền giáo dục Nho học theo trào lưu tân học. Sự góp mặt đông đảo của các quan lại triều Nguyễn trong Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ, Bộ Học (từ năm 1906 - 1919), Bộ Quốc gia giáo dục (từ năm 1932 - 1945) và sự điều hành trực tiếp các học quan (Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học) thực thi những đổi mới trong học tập, thi cử đã thúc đẩy giáo dục Trung Kỳ từng bước hội nhập theo giáo dục Tây học hiện đại. Mặc dù còn nhiều khó khăn về tài chính, nhưng từ 1906 - 1919 chính quyền Nam triều vẫn hàng năm đều đặn chi một khoản ngân sách là 80.000 đồng để hỗ trợ việc dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các môn khoa học trong hệ thống trường Nho. Nhờ được chuẩn bị nên khi giáo dục Nho học chấm dứt vai trò và nhường chỗ cho giáo dục Pháp - Việt thì đa số HS được chuyển sang trường Pháp - Việt đã hoà nhập và thích 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2