intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TPP và sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam nhìn từ góc độ kinh tế và địa chính trị

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

19
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này sau khi giới thiệu về TPP, là chia sẻ cùng bạn đọc những cái nhìn về TPP và sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam từ góc độ kinh tế và địa chính trị, dựa trên những phân tích và nhận định của các chính trị gia, các học giả và chuyên gia kinh tế - luật hàng đầu, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về hoạch định chính sách của Việt Nam trong bối cảnh TPP có hiệu lực.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TPP và sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam nhìn từ góc độ kinh tế và địa chính trị

  1. TPP VÀ SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP TPP CỦA VIỆT NAM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KINH TẾ VÀ ĐỊA CHÍNH TRỊ THE TPP AND NECESSITY OF JOINING IN THIS AGREEMENT OF VIETNAM FROM ECONOMIC AND GEOPOLITICAL VIEWPOINT TS. Nguyễn Xuân Hiệp - Trường Đại học Tài chính - Marketing PGS,TS Bùi Thị Thanh - Trường Đại học Kinh tế TP. HCM Tóm tắt Đến nay, mặc dù Hiệp định TPP đã được 12 quốc gia thành viên ký kết sau 21 vòng đàm phán chính thức, nhưng có không ít các chính trị gia, các học giả và các chuyên gia kinh tế - luật đưa ra những ý kiến bình luận khác nhau về các cơ hội và thách thức; về ai được, ai mất và hoài nghi về tương lai của Hiệp định này khi có hiệu lực. Đây là những động lực, nhưng có thể cũng là những rào cản đối với Quốc hội của 12 quốc gia thành viên trong quá trình chính thức phê chuẩn Hiệp định này. Nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên đây, bài viết này sau khi giới thiệu về TPP, là chia sẻ cùng bạn đọc những cái nhìn về TPP và sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam từ góc độ kinh tế và địa chính trị, dựa trên những phân tích và nhận định của các chính trị gia, các học giả và chuyên gia kinh tế - luật hàng đầu, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về hoạch định chính sách của Việt Nam trong bối cảnh TPP có hiệu lực. Từ khóa: TPP nhìn từ góc độ kinh tế và địa chính trị; sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam; TPP và RCEP. Abstract Nowadays, although TPP has been signed by 12 member countries after 21 rounds of formal negotiations, many politicians, academics and economic - law experts still argue about the opportunities and challenges, in which who gains and who loses as well as the doubt about the future of this Agreement. These can be the motivation, and also be the barrier to the 12 member nations’ Assembly in the process of formally ratifying this Agreement. In order to clarifying the above issues, this article after the introduction about TPP would share the glimpse of TPP and the necessity of Viet Nam joining TPP from economic and geopolitical views, which based on the analysis and judgment of politicians, academics and economic - law experts. From that fact, this article will provide some recommendations for Vietnamese policy making in the context of TPP being affected. Key words: the TPP from economic and geopolitical views; the need to join the TPP of Vietnam; TPP and RCEP. 1. TPP LÀ GÌ? TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương là hiệp định thương mại tự do đa phương, nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do chung giữa các nước thành viên khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP được khởi nguồn từ Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand và Singapore (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao 471
  2. APEC 2002 tổ chức tại Mexico. Tháng 4 năm 2005, Brunei xin gia nhập với tư cách là thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4. Sau đó, nhiều quốc gia khác lần lượt xin gia nhập và đến nay TPP có tổng số 12 quốc gia thành viên, gồm: Chile, New Zealand, Singapore, Brunei, Hoa Kỳ, Australia, Mexico, Việt Nam, Malaysia, Canada, Peru và Nhật Bản. Về bản chất TPP là hiệp định tự do thương mại (FTA) nhưng cao hơn hẳn FTA truyền thống cả về phạm vi và mức độ cam kết tự do hóa thương mại. Đó là, ngoài những cam kết có tính chất truyền thống là cắt giảm thuế quan và loại bỏ các biện pháp phi thuế quan đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, thì TPP được áp dụng đối với hầu hết các các loại hàng hóa, dịch vụ thương mại với mức độ cam kết sâu, đồng thời mở rộng cho cả một số lĩnh vực phi thương mại (như: lao động, công đoàn, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng vv..). Hơn nữa, TPP có “tính mở”, nghĩa là có cơ chế kết nạp thêm thành viên mới trong tương lai và các bên có thể tiếp tục đàm phán những vấn đề phát sinh sau khi Hiệp định có hiệu lực; đồng thời không chấp nhận sự phân biệt bằng cách dành một số ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển so với các quốc gia phát triển như WTO. Nói cách khác, TPP là Hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do ở mức độ cao hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi thuế quan; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, trong đó các quốc gia phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau nhằm tạo ra sự phát triển của nội khối và của từng thành viên trên cơ sở mở rộng quan hệ giữa các nước trong khối, nâng cao sức cạnh tranh và sự minh bạch chính sách của các quốc gia thành viên. Vì những lý do trên, TPP được gọi là FTA thế hệ mới (thế hệ thứ 3) và được kỳ vọng sẽ là một thương mại “toàn diện” và “tiêu chuẩn cao” của thế kỷ 21. 2. TPP NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KINH TẾ Với 12 thành viên hiện tại, TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với diện tích 31.426,03 nghìn km2 (chiếm 22,9% diện tích toàn cầu); 810,17 triệu dân (bằng 11,2% dân số toàn cầu năm 2014); tổng GDP là 28.031,21 tỉ USD (bằng 38,6% GDP toàn cầu năm 2014) và trên 1/3 thương mại xuất nhập khẩu của thế giới (bảng 1). Với phạm vi thỏa thuận thương mại sâu, rộng như đã đề cập trên đây so với FTA và WTO, cùng với việc thực hiện những cam kết và đặt ra một yêu cầu chung cho các nước tham gia có trình độ phát triển khác nhau, nên tầm ảnh hưởng của TPP là rất lớn đến sự phát triển của khối và các quốc gia thành viên. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2016), TPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 12 nước thành viên; tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Vì thế, TPP được kỳ vọng là tạo ra một nền tảng mới cho hội nhập kinh tế khu vực và tạo cơ hội cho các quốc gia khác trên vành đai châu Á - Thái Bình Dương tham gia. Đối với các quốc gia thành viên, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất (GDP 2014 là 17.419 tỉ USD, bằng 62,14% GDP của các quốc gia thành viên TPP), có trình độ phát triển cao nhất, đồng thời cũng là quốc gia giữ vai trò “cầm trịch” trong đàm phán TPP, vì thế không chỉ có ảnh hưởng lớn tới tiến trình, phạm vi, kết quả đàm phán mà cả tương lai của TPP. Và cũng do 472
  3. vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đương nhiên Mỹ cũng có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Bảng 1: Một số chỉ tiêu chủ yếu của các quốc gia thành viên TPP năm 2014 Diện Tích Dân số GDP Xuất Xuất nhập (1000 km2) (triệu người) (tỷ USD) khẩu/GDP khẩu (tỷ USD) (%) Hoa Kỳ 9.581,80 318,86 17.419,00 4.034 13 Nhật Bản 377,70 127,13 4.601,46 1.502 16 Canada 8.825,00 35,54 1.786,66 996 32 Singapore 0,70 5,47 307,87 776 188 Malaisia 326,93 29,90 326,93 443 80 Brunei 5,60 0,42 17,26 142 76 Australia 7.70,00 23,49 1.453,77 452 21 Newziland 281,30 4,51 188,38 84 29 Mehicô 1.960,00 125,39 1.282,72 798 32 Chile 765,20 17,76 258,06 80 34 Peru 1.270,80 30,97 202,90 147 22 Việt Nam 331,00 90,73 186,20 298 86 Tổng cộng 31.426,03 810,17 28.031,21 9.752 (Nguồn: USTR/WorldBank) Theo Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2014), thì Mỹ mong muốn thúc đẩy TPP vì các mục tiêu sau đây: - Gia tăng lợi ích của Mỹ trong chính sách kinh tế và đối ngoại với Đông Nam Á, xây dựng tiền đề cho hội nhập kinh tế của Mỹ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. - Mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu của Mỹ, gắn với việc thực hiện sáng kiến tăng cường xuất khẩu (với mục tiêu tham vọng là tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm từ năm 2012 - 2016). - Khắc phục tình trạng Mỹ bị đứng ngoài một khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới do việc gia tăng các Hiệp định thương mại tự do trong khu vực này mà không có sự tham gia của Mỹ. - Chống lại những ảnh hưởng ngày càng gia tăng về thương mại của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. - Tiếp tục mục tiêu tự do hóa thương mại kiểu Mỹ thông qua việc ký kết và thực thi các FTA (đặc biệt trong hoàn cảnh tiến trình tự do hóa thương mại đa biên thông qua vòng đàm phán Doha không đạt được tiến triển đáng kể). Theo bà Phạm Chi Lan1 (dẫn từ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2014), Mỹ quan tâm đến tham gia TPP trước hết vì lợi ích thương mại toàn cầu của họ, trong đó có việc muốn tăng cường lợi ích thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và hội nhập rất nhanh chóng, cùng vai trò của hai nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng lớn trong khu vực. Nghĩa là, Mỹ có lợi ích thực sự trong TPP, đặc biệt khi TPP có thể xem là thỏa thuận thương mại lớn duy nhất mà hiện nay Mỹ đang đàm phán, 1 Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chính phủ Việt Nam.  473
  4. vì vậy có thể tin tưởng rằng sự tham gia TPP của Mỹ không phải là một hành động “mang tính biểu tượng” mà trên hết là lợi ích kinh tế mà Mỹ muốn có được ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau Mỹ, Nhật Bản là nền kinh tế đứng 3 thế giới, GDP năm 2014 chiếm 16,42% GDP của các quốc gia thành viên TPP và bằng 76,55% GDP của các nước khác tham gia TPP cộng lại, trừ Mỹ. Vì thế, theo ông Ngô Khôn Trí (2013), TPP không thể hoàn thành các mục tiêu nếu không có Nhật Bản. Sự tham gia của Nhật Bản sẽ đồng nghĩa với một thỏa thuận bao trùm gần 40% GDP toàn cầu và thêm vào 60 tỷ USD cho thị trường xuất khẩu của Mỹ mỗi năm. Chính vì vậy, chính phủ Obama và các chuyên gia Mỹ tuyên bố ủng hộ việc kết nạp Nhật Bản vào TPP khi Tokyo bày tỏ ý định tham gia TPP. Dĩ nhiên, Nhật Bản quyết định tham gia đàm phán TPP trễ hơn là vì không muốn bị ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của mình. Đó là, nếu thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp bị loại bỏ thì giá trị sản lượng nông nghiệp của Nhật sẽ sụt giảm hơn 31 tỷ USD. Nhưng nếu các nước dỡ bỏ thuế quan đối với ngành ô tô, máy móc, điện gia dụng và các sản phẩm khác thì sẽ đem lại lợi ích 32 tỷ USD hàng năm cho nước Nhật và Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng xuất khẩu của Nhật. Do đó, Nhật Bản đành phải nhượng bộ ở một mức độ nhất định đối với sản phẩm nông nghiệp. Đối với Việt Nam, theo ông Trần Quốc Khánh2 (2014), Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP, bởi Việt Nam có quy mô dân số đáng kể, nền kinh tế phát triển năng động, hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn, là điểm đến được doanh nghiệp các nước, nhất là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hết sức quan tâm. Việt Nam gia nhập TPP có thể được hưởng lợi trên các phương diện: - Trước hết, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường khu vực Đông Á (bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc) với kim ngạch xuất khẩu hàng năm thường xuyên ở mức trên 60%; nhập khẩu lên tới trên 75%. Vì thế có thể tiềm ẩn rủi ro cao khi kinh tế Đông Á có những biến động bất lợi trong quan hệ với các quốc gia này. - Thứ hai, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, bên cạnh các ngành hàng chủ lực khác là dệt may, giày da, thủy sản, đồ gỗ. - Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vì thế chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn, nhờ đó có thể, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại. 2 Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam  474
  5. - Cuối cùng nhưng rất quan trọng, với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ những phân tích trên, theo ông Khánh (2015), Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP và cho biết theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Cùng chung quan điểm với ông Khánh, giáo sư Petri (2012 - Đại học Brandeis - Mỹ) cho rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Gia nhập TPP, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cũng khẳng định, sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Theo bà Phạm Chi Lan (dẫn từ Diễn đàn kinh tế Việt Nam, 2014), tham gia TPP Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Hơn nữa, TPP có thể thúc đẩy đầu tư từ các quốc gia giàu tiềm năng và có trình độ phát triển cao như: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Singapore vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Đồng thời, các thỏa thuận TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường thành viên TPP, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Dĩ nhiên Việt Nam là nền kinh tế bé nhỏ (chỉ đứng trên Brunei, GDP năm 2014 bằng 0,66% GDP của các quốc gia thành viên TPP), có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất và cũng là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất, nhưng hiện tại có mức thuế quan nhập khẩu lại cao nhất các quốc gia tham gia đàm phán TPP. Vì thế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2015), Việt Nam tham gia vào TPP cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ mà trước hết là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia - đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý. Theo ông Trần Quốc Khánh (2014), thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là sức ép cạnh tranh xuất phát từ việc giảm thuế nhập khẩu về 0%; mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ; trong đó quan trọng là với những nước Việt Nam chưa có quan hệ FTA (gồm: Mỹ, Canada, Mexico và Peru). Nếu đi sâu phân tích cơ cấu xuất khẩu của các nước TPP, có thể thấy những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ôtô, thịt lợn, thịt bò và đường. Các ngành bị tác 475
  6. động tương đối mạnh bao gồm: thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Riêng với xăng dầu, nếu xóa bỏ thuế nhập khẩu Việt Nam sẽ mất đi một trong các công cụ điều hành giá quan trọng của Chính phủ. Trong lĩnh vực dịch vụ, sức ép cạnh tranh từ TPP, nếu có sẽ xuất hiện ở ba ngành chính: ngân hàng, phân phối và phần nào đó là viễn thông. Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, tác động của việc mở cửa thị trường sẽ gây nên những tác động bất lợi do sự thâm nhập của các nhà thầu nước ngoài, khiến nhà thầu nội địa không cạnh tranh nổi, trong khi đó khả năng tiếp cận và thắng thầu của các nhà thầu nội địa trên thị trường mua sắm công của các đối tác TPP dường như là không thể. Ngoài ra, một thách thức đáng kể cũng cần nhắc tới là thất thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia thì thách thức này không lớn, vì việc giảm thuế nhập khẩu sẽ theo lộ trình và việc giảm thu này cũng sẽ được bù đắp từ các nguồn khác, trong đó chủ lực là thuế giá trị gia tăng. Theo ông Trần Đình Thiên3 (dẫn từ Thái Minh, 2014), tham gia TPP Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng sẽ vướng phải 3 vấn đề khó khăn lớn nhất: (1) là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, những quy định TPP về lĩnh vực này cao hơn, chế tài mạnh hơn. Giá trị của quyền sở hữu trí tuệ có lúc cao hơn nhiều quyền sử dụng đất; (2) là vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm công theo những tiêu chí thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử; (3) là phải cam kết trao cho người lao động “quyền lập hội” để “nói chuyện” với giới chủ, để hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Đây là những tiêu chí bắt buộc để kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững, là bộ quy phạm phổ quát trong xã hội văn minh, nhưng không dễ được thiết lập nhanh chóng ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang4 (dẫn từ Thái Minh, 2014) khi tham gia TPP, hàng rào thuế quan có thể được loại bỏ từ 92% đến 95% tại thị trường các nước tham gia Hiệp định, nhưng kèm theo đó là các quốc gia phát triển sẽ tăng cường sử dụng các hàng rào kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đây sẽ là khó khăn và dễ gây ra rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam, nếu năng lực cạnh tranh không kịp thời được cải thiện để sản xuất hàng hóa chất lượng cao và giảm phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, vì sản phẩm chăn nuôi của một số nước trong TPP đều sản xuất theo quy trình công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với ngành chăn nuôi của Việt Nam. 3. TPP NHÌN TỪ GÓC ĐỘ ĐỊA CHÍNH TRỊ Theo các học giả và các chuyên gia kinh tế - luật (dẫn từ Hà Thanh, 2013), đa số hiệp định tự do thương mại đều có ý đồ địa chính trị, TPP do Mỹ thúc đẩy cũng không phải là ngoại lệ. TPP không phải là một hiệp định thương mại tự do đơn thuần. Sau khi Chính quyền Obama nhận cây gậy chỉ huy TPP vào năm 2009, họ đã coi TPP là trụ cột kinh tế của chiến lược Mỹ trở lại châu Á nhằm xây dựng và cân bằng lại chính sách kinh tế và an ninh của Mỹ tại Đông Á lâu nay để duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. Còn theo Anh Thư (2015), Tổng thống Obama xem TPP như là “chìa khóa” để đảm bảo các mối quan hệ chiến lược của Mỹ 3 Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.  4 Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 476
  7. với châu Á, một khuôn khổ đảm bảo sự gắn kết bền vững giữa Mỹ với một khu vực có nền kinh tế năng động và đông dân nhất thế giới. Và để thực hiện chiến lược trở lại châu Á, theo ông Trần Khánh5 (2014), Mỹ một mặt tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, mặt khác là giành quyền chủ đạo hợp tác kinh tế với Đông Á bằng việc thúc đẩy TPP, tức đối lập với cơ chế liên kết khu vực Đông Á mà hạt nhân là ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP). Điều này đã tạo ra những xung đột lớn về lợi ích chiến lược đối với nhiều nước, đặc biệt là không thể được chấp nhận đối với Trung Quốc, một nước đang muốn làm chủ Biển Đông, trở thành động lực và trung tâm chủ yếu để phát triển kinh tế châu Á, đặc biệt là Đông Á. Nhưng mặt khác là Trung Quốc cảm thấy bị bao vây, bởi phía Đông của Trung Quốc là khối đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật - Hàn khá vững chắc, trong khi đó Đài Loan vẫn còn là hòn đảo chia cắt, được Mỹ, Nhật bảo trợ về mặt an ninh - quốc phòng. Do vậy, theo ông Trần Khánh, tranh chấp biển Đông không chỉ là tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam và các thành viên ASEAN, mà còn là sự tranh chấp về quyền kiểm soát tuyến hàng hải, hàng không quốc tế trên biển Đông; tranh chấp về vai trò ảnh hưởng đối với khu vực Đông Á mà trung tâm là ASEAN giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, hành động Trung Quốc can dự vào biển Đông gần đây nên được hiểu là sự cảnh báo Mỹ và các quốc gia có tranh chấp ý thức được lập trường, lợi ích của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông không dễ bị thách thức. Dĩ nhiên, điều này đã làm cho những nước có tranh chấp đảo với Trung Quốc và những nước nhỏ ở Đông Á lo sợ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tăng cường sự phụ thuộc vào Mỹ, nhằm tận dụng sức mạnh của Mỹ để kiềm chế sức mạnh không ngừng gia tăng của Trung Quốc; trong khi đó một số nước (Indonesia, Lào, Campuchia và một số quốc gia khác) không dễ xa lánh Trung Quốc vì sự gắn chặt về quan hệ kinh tế. Đối với Nhật Bản, sự an toàn và thông suốt trong vận chuyển qua biển Đông, nhất là qua eo biển Malacca còn quan trọng hơn cả Mỹ. Hơn nữa, khu vực này còn là nơi có khả năng cung cấp một nguồn tài nguyên bổ sung lớn cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế Nhật Bản. Thêm vào đó, sự gia tăng nhanh sức mạnh kinh tế và quân sự cùng với những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông cũng làm tăng thêm sức ép địa chính trị, kinh tế đối với Nhật Bản. Vì thế, Nhật Bản muốn lợi dụng cơ hội Mỹ trở lại châu Á bằng chiến lược TPP để tăng thêm con bài đối trọng với Trung Quốc; để duy trì ảnh hưởng vốn có của họ tại khu vực, cũng như tạo thế tốt hơn trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Đối với Australia - một quốc gia hạng trung, láng giềng của Đông Nam Á, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược ở biển Đông, cả về thương mại và an ninh quốc phòng. Nhưng đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ. Vì thế, Australia tham gia TPP là ủng hộ chiến lược của Mỹ quay trở lại châu Á, đồng thời cũng tạo thêm cú hích gia tăng sự can dự của Australia vào vấn đề an ninh của khu vực, trong đó biển Đông vốn là một trong những phạm vi địa chính trị truyền thống của Australia. Đối với Việt Nam, khi Malaysia chưa tham gia TPP, Việt Nam là một đích nhắm quan trọng của Mỹ trong đàm phán TPP (bởi các nước khác trong khu vực châu Á mà Hoa Kỳ đang nhắm tới hoặc là đã có FTA với Hoa Kỳ, ví dụ Singapore, hoặc là có quan hệ thương mại 5 Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Khoa học xã hội. 477
  8. không đáng kể với Hoa Kỳ như Brunei). Theo Ernest Z. Bower6, trước hết vì quan điểm của Washington là Việt Nam ngày càng trở thành một trong những quốc gia có tầm chiến lược trong khu vực Đông Nam Á; Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm là cần thiết phải tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ tạo ra một cảm giác an toàn về mặt kinh tế và chính trị trước Trung Quốc và đây chính là điều kiện cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Washington và Việt Nam đều nhận thức được rằng, sự lệ thuộc quá lớn về quan hệ thương mại của Việt Nam vào Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro; đặc biệt là tranh chấp biển Đông diễn ra gần đây cho thấy hòa bình, ổn định và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dĩ nhiên, để đối trọng với chiến lược của Mỹ sử dụng TPP để rộng đường quay trở lại châu Á, Trung Quốc đã chọn cách hỗ trợ vốn cho các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership) gồm 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia (gọi tắt là ASEAN+6) nhằm tạo thành một khu vực tự do mậu dịch với tổng dân số là 3,4 tỷ dân chiếm 1/2 dân số toàn cầu, tổng GDP đạt 21.000 tỷ USD chiếm 27% sản lượng kinh tế thế giới và tổng sản lượng thương mại đạt khoảng 12.830 tỷ USD chiếm 1/3 lượng thương mại toàn cầu. Trong đó, thực hiện cơ chế hợp tác kinh tế sâu rộng hơn các thỏa thuận FTA hiện có, bằng cách mở cửa hơn nữa thương mại và dịch vụ, hủy bỏ các rào cản thương mại và mở rộng hơn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ASEAN cho các đối tác ngoài khu vực. Ngoài ra, RCEP lại có những điều khoản dễ chịu hơn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ kỹ thuật mà TPP đòi hỏi. Nghĩa là, nếu so sánh về tiềm năng thì RCEP không kém cạnh, mà thậm chí có phần còn nhỉnh hơn so với TPP. Tuy nhiên, RCEP lại đặt ra tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với khu vực, hạn chế rào cản thương mại đối với các thành viên và đặc biệt là dành cho các nước ASEAN phát triển. Nghĩa là, TPP và RCEP tuy cùng có chung mục đích là tự do hóa thương mại và hợp nhất kinh tế, nhưng mang dấu ấn địa chính trị của sự cạnh tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giữa một cường quốc đang nổi lên là Trung Quốc và một cường quốc đang thống trị thế giới là Hoa Kỳ. Bởi thế, theo phong trào chống toàn cầu hóa TPP và RCEP sẽ có tiềm năng triệt tiêu lẫn nhau, gây chia rẽ nội bộ trong khối ASEAN (Hình 1). Hệ quả là sức mạnh của liên kết kinh tế trong khối sẽ hình thành và chi phối chính sách chính trị của các quốc gia trong hiệp định TPP. 6 Cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ.   478
  9. Hình 1: TPP và RCEP, nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau và phân hóa nội bộ ASEAN (Nguồn: Nguyễn Nhâm/vov.vn). 4. SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP TPP CỦA VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ Những phân tích trên đây cho thấy, TPP được kỳ vọng sẽ là một thương mại “toàn diện” và “tiêu chuẩn cao” của thế kỷ 21. Tuy nhiên, TPP không phải là một hiệp định thương mại tự do đơn thuần, mà được bao phủ bởi ý đồ địa chính trị của nhiều quốc gia. Trong đó, thúc đẩy TPP là chiến lược của Mỹ trong quá trình trở lại châu Á thể hiện sự cạnh tranh với cơ chế liên kết khu vực Đông Á mà hạt nhân là ASEAN và RCEP, để bảo vệ lợi ích ở biển Đông và vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gia nhập TPP, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội như đã phân tích trên đây và nếu tận dụng thành công sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện cả về thể chế, chính sách, phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, vốn, tài nguyên, nhờ đó có thể hội nhập sâu rộng hơn khi được gia nhập vào sân chơi lớn của khu vực. TPP là một bước ngoặt khác trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, gắn Việt Nam hội nhập sâu hơn vào mạng lưới thương mại và sản xuất khu vực, từ đó đưa Việt Nam trở thành một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đối với các nước thành viên, nhờ đó, an ninh và sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ trở thành một vấn đề quan tâm chung của khu vực. Ở phương diện khác, tham gia vào TPP sẽ thúc đẩy quan hệ của Việt Nam chặt chẽ hơn với Mỹ cũng như với các cường quốc khu vực khác, trong đó có Nhật Bản (một thành viên TPP khác), để đối trọng với Trung Quốc trên biển Đông. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc về quan hệ thương mại của Việt Nam vào Trung Quốc. Do đó, khi TPP có hiệu lực, Trung Quốc có thể vẫn còn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong tương lai nhiều thập kỷ tới, tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam theo đó cũng sẽ suy giảm, nhờ đó tạo ra cho Việt Nam một vị thế chiến lược tốt hơn trong tương quan với láng giềng phương Bắc. Đương nhiên, Việt Nam là thành viên của cộng đồng ASEAN, nên Việt Nam không thể đứng ngoài RCEP (hình 1). Trong điều kiện đó, nếu tận dụng thành công các cơ hội và đối phó có hiệu quả các thách thức khi gia nhập TPP, thì đây chính là điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị của RCEP. Ngược lại, sự thích ứng dần với các điều khoản dễ 479
  10. chịu hơn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ kỹ thuật của RCEP là tiền đề để Việt Nam có thể tiệm cận với “tiêu chuẩn cao” mà TPP đòi hỏi. Bởi thế, theo ông Võ Trí Thành (dẫn từ NDH, 2015), đối với Việt Nam thì RCEP và TPP không hề mâu thuẫn nhau mà ngược lại chúng còn bổ trợ lẫn nhau, giúp cho Việt Nam tiến xa hơn vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Nghĩa là, nếu xem xét trong mối quan hệ giữa TPP và RCEP càng cho thấy, sự cần thiết gia nhập TPP của Việt Nam không chỉ ở góc độ kinh tế, mà còn là tạo thế cân bằng về địa chính trị và nhờ đó có điều kiện duy trì hòa bình, ổn định và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cố nhiên, như đã phân tích trên đây, TTP đối lập với cơ chế liên kết khu vực Đông Á mà hạt nhân là ASEAN và RCEP. Vì thế, việc lựa chọn tham gia TPP, có thể dẫn đến sự phân hóa giữa các nước thành viên ASEAN về lập trường an ninh khu vực. Điều này không những trực tiếp ảnh hưởng đến liên kết chính trị của ASEAN, mà còn có thể phá hoại tiến trình liên kết kinh tế của ASEAN. Hơn nữa, tham gia TPP là Việt Nam phải lệ thuộc nhiều hơn và chịu sự chi phối của Mỹ. Bởi thế, TPP đem đến cơ hội cho Việt Nam, nhưng gia nhập TPP của Việt Nam là một sự lựa chọn nghiệt ngã. Đó là, một mặt đòi hỏi Việt Nam phải khôn khéo trong ngoại giao, nhưng mặt khác là phải kiên định với nguyên tắc cao nhất trong quan hệ hợp tác quốc tế của Liên Hiệp Quốc là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Về phương diện kinh tế, không phải là không có lý do khi Indonesia và Philippines không tham gia TPP mặc dù nằm ở trung tâm khu vực châu Á Thái Bình Dương. Những quốc gia này đều rất quan ngại mức độ tự do hóa rất lớn của TPP sẽ không phù hợp với những đất nước mà hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn chưa phát triển và các ngành nghề của quốc gia không có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, rất nhiều các quốc gia tiến hành mở cửa nhưng rất ít quốc gia đạt được những thành tựu như Hàn Quốc, Singapore. Phần lớn các quốc gia đang phát triển chỉ có thể thu hút được vốn đầu tư vào những ngành công nghiệp nhẹ với hàm lượng công nghệ thấp mà nguyên nhân là do hệ thống pháp luật nếu chưa hoàn thiện sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài rất ngại đầu tư vốn lớn và mức độ hấp thụ công nghệ dựa trên mức độ phát triển của nền công nghiệp phụ trợ của nước nhận đầu tư. Bởi thế, Việt Nam tham gia TPP không có nghĩa là có ngay liều thuốc giải quyết tận gốc các điểm yếu của nền kinh tế; TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết các vấn đề nội tại. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2016), để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, trên cơ sở giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế; doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực; xã hội đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và nhà nước. Vì thế, thống nhất với quan điểm của Thủ tướng, hơn lúc nào hết vấn đề cấp thiết hiện nay đối với Nhà nước Việt Nam là đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế theo hướng thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả 480
  11. kinh tế và chính trị; xây dựng hệ thống chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể, trên cơ sở giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ và kích thích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, đồng thời tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường; xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn, hoặc tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại. Đối với doanh nghiệp, phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2016). Muốn vậy, từng doanh nghiệp, từng ngành, nghề cần thoát khỏi trạng thái ỷ lại, trông chờ trợ giúp mà phải chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh mới; đầu tư mới công nghệ, đào tạo nhân lực, chủ động tiếp cận thị trường, vv.., và quan trọng nhất là ngay từ bây giờ đối với doanh nghiệp nhỏ cần chú trọng giành thị phần ở thị trường trong nước, nhưng đồng thời phải nghĩ đến xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp cần phải tăng tốc tìm kiếm và gia tăng ứng dụng những công cụ hữu ích để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; phải biết cách “đi tắt, đón đầu” ứng dụng có hiệu quả các công cụ, tiện ích của công nghệ thông tin, thương mại điện tử để tạo sự khác biệt và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đối với thị trường, cần khẩn trương phát triển đồng bộ và minh bạch các yếu tố thị trường; giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước; tôn trọng các quy luật vận động khách quan của thị trường; tôn trọng và bình đẳng quyền tham gia và tiếp cận thị trường của các chủ thể. Muốn vậy, bên cạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cần thu hẹp và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, bằng cách đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không nhất thiết phải có sự can dự của Nhà nước; đồng thời khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế nhà nước. Nghĩa là, Nhà nước cần phải nhanh chóng rời bỏ chức năng làm kinh tế để tập trung cho chức năng kiến tạo phát triển thị trường và nền kinh tế. Đối với xã hội, các tổ chức, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu độc lập phải phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường để kiến nghị, phản biện và giám sát thực thi chính sách của Nhà nước. Đặc biệt là phát huy vai trò của các hội doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề (được coi là điểm yếu nhất và cần khắc phục nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay7) để cộng hưởng và chuẩn hóa quốc tế năng lực cá biệt của mỗi doanh nghiệp, ngành nghề thành năng lực cạnh tranh tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, hoặc toàn cầu. 7 Ý kiến của ông Lê Tiến Trường (Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) trong Đối thoại chính sách phát sóng ngày 24/2/2016. 481
  12. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bảo Anh. (2015). Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Truy cập ngày 19/12/2015, từ http://vietq.vn/tpp-viet-nam-co-the-duoc-huong-loi-nhieu-nhat- trong-so-12-nuoc-tham-gia-tpp-d72731.html. Bower, E. Z. (2015). TPP và Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Việt Nam. Truy cập 10/12/2015, từ ww.rfa.org/ /vietnamese/.../tpp-role-in-pre-sang-to-us-vh-07182013131. Diễn đàn kinh tế Việt Nam. (2014). TPP: “Cuộc chơi” chủ động của Việt Nam trong hội nhập. Truy cập 04/12/2015, từ http://www.trungtamwto.vn/tpp/tpp-cuoc-choi-chu-dong-cua- viet-nam-trong-hoi-nhap. Đối thoại chính sách. (2016). Cơ hội, thách thức và hành động của Việt Nam khi tham gia TPP. Truy cập từ vtv.vn/chuong-trinh-dac-sac/co-hoi-thach-thuc-va-hanh-dong-cua-viet-nam- khi-tham-gia-tpp-20160225105441198.htm. Nguyễn Huy Hoàng. (2015). Đánh giá sơ bộ tác động của TPP đối với Việt Nam. Truy cập ngày 30/12/2015, từ http://nghiencuuquocte.net/2015/11/09/danh-gia-so-bo-tac-dong-cua-tpp- doi-voi-viet-nam/#sthash.GWv9bFl4.dpuf. NDH. (2015). TPP và RCEP không chồng chéo, cạnh tranh nhau. Truy cập ngày 30/11/2015, từ http://vietbao.vn/Kinh-te/TS-Vo-Tri-Thanh-TPP-va-RCEP-khong-chong-cheo-canh-tranh- nhau/196025460/87/. Trần Quốc Khánh. (2014). Một cái nhìn đa chiều về TPP. Việt báo, số ra ngày thứ bảy, 21/01/2014. Trần Khánh. (2014). Tranh chấp Biển Đông nhìn từ góc độ địa chính trị. Truy cập 20/9/2014, từ http://www.biendong.net/tu-lieu/nghien-cuu-viet-nam/746-tranh-chp-bin-ong-nhin-t-goc- chinh-tr.html. Thái Minh. (2014). Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Truy cập ngày 20/9/2015, từ http://thanhtravietnam.vn/viet-nam-duoc-huong-loi-nhieu-nhat-khi-tham-gia- tpp_t114c11n11970. Nguyễn Nhâm. (2015). Hiệp định TPP gây áp lực không nhỏ cho các nước tham gia đàm phán RCEP. Truy cập ngày 30/12/2015, từ http://vov.vn/kinh-te/hiep-dinh-tpp-gay-ap-luc- khong-nho-cho-cac-nuoc-tham-gia-dam-phan-rcep-441082.vov. PV. (2015). Nâng cao năng lực cạnh tranh để “vươn ra biển lớn”. Truy cập ngày 30/12/2015, từ http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nang-cao-nang-luc-canh- tranh-de-vuon-ra-bien-lon-73236.html. Hà Thanh. (2013). TPP: Chiến lược hữu ích để kiềm chế Trung Quốc. Truy cập ngày 20/8/2014, từ vietinfo.eu/.../tpp-chien-luoc-huu-ich-de-kiem-che-trung-quoc.html. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (2016). TPP, cơ hội và thách thức – Hành động của chúng ta. Truy cập từ http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Hiep-dinh-Doi-tac-xuyen-Thai-Binh-Duong- co-hoi-va-thach-thucHanh-dong-cua-chung-ta/20162/24419.vgp. Anh Thư. (2015). TPP sẽ gây chia rẽ ở châu Á. Truy cập ngày 15/12/2015, từ http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/5427-tpp-se-gay-chia-re-o-chau-a. Ngô Khôn Trí. (2013). Chọn TPP hay RCEP. Truy cập ngày 20/8/2014, từ http://www.erct.com/2-ThoVan/NKTri/TPP-hay-RCEP.htm. 482
  13. Ủy ban tư vấn về CSTMQT. (2014). Sự can dự của Hoa Kỳ vào TPP và lưu ý đối với Việt Nam. Truy cập ngày 20/8/2014, từ http://www.trungtamwto.vn/tpp/su-can-du-cua-hoa-ky- vao-tpp-va-luu-y-doi-voi-viet-nam. USTR/WorldBank. (2015). [Infographics] GDP và tỷ lệ xuất khẩu của các nước TPP. Truy cập ngày 20/12/2015, từ http://www.vietnamplus.vn/infographics-gdp-va-ty-le-xuat-khau- cua-cac-nuoc-tpp/347757.vnp. 483
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2