intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Từ A me ri cân đến Việt nam mi

Chia sẻ: G G | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

39
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trước khi anh vào phòng chờ lên máy bay, cái máy soi đã reo lên như thể trong người anh có lựu đạn. Cô an ninh vội vã xìa cây dò ra. Chả hiểu thế nào, nó lại reo. Anh trút túi áo túi quần ra, không hề có miếng kim loại nào. Nhưng cái máy vẫn reo như con mụ già khó chịu. Bực mình, anh cởi phăng cái áo đang mặc. Vẫn reo. Cởi luôn cái quần, cũng reo, mới gớm chứ. Và cuối cùng kết luận, thế đấy, hậu quả của thời hiện đại là người ta...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Từ A me ri cân đến Việt nam mi

  1. Từ A me ri cân đến Việt nam mi Trước khi anh vào phòng chờ lên máy bay, cái máy soi đã reo lên như thể trong người anh có lựu đạn. Cô an ninh vội vã xìa cây dò ra. Chả hiểu thế nào, nó lại reo. Anh trút túi áo túi quần ra, không hề có miếng kim loại nào. Nhưng cái máy vẫn reo như con mụ già khó chịu. Bực mình, anh cởi phăng cái áo đang mặc. Vẫn reo. Cởi luôn cái quần, cũng reo, mới gớm chứ. Và cuối cùng kết luận, thế đấy, hậu quả của thời hiện đại là người ta tin cái máy hơn tin con người. - Trong người anh có kim loại - giọng cô an ninh đấu dịu - Anh có gắn cái gì bên trong không, ví dụ một khớp xương bằng inox chẳng hạn? - Buồn cười thật. Inox là thế nào, sao tôi không biết. Còn nhớ cách đây không lâu báo chí đăng lùm xùm cái vụ cô gái đi siêu thị. Lúc tính tiền ra cửa thì cái máy “phát hiện gian dối” reo lên. Người ta vội vã chộp cô ta lại, kéo vào phòng khám bắt cởi quần áo. Cởi ra không thấy đành cho mặc vào. Thế rồi lúc đi ra cửa cái máy lại reo. Lại lôi vào bắt cởi tiếp. Người ta khám cả quần lót xem made in gì, có lận trong đó cái gì không. Xem có còn mới nguyên, hay đã cũ rồi. Lấy đèn pin rọi vào. Vẫn không thấy gì. Lại cho đi. Lại reo, làm như cái màng trinh con nhỏ đó là inox không bằng. Đến lúc đó nhân viên bảo vệ mới xin lỗi, đổ thừa tại cái máy. Nghĩ mà sợ. Nếu là anh chắc đến già không dám đi siêu thị. Không lẽ cứ mỗi lần như thế lại cứ phải phơi hàng ra cho thiên hạ lục lọi. Lục xong chỉ được cái xin lỗi. Xin lỗi thì được gì, mất mẹ cái zin con gái người ta. Trường hợp của anh cũng vậy, bắt phải nán lại. Cô ta nói vì an ninh, vì an ninh, cần phải có câu trả lời nó là cái gì mới có an ninh. À, lại còn cảnh cáo việc anh cởi quần áo bừa bãi. - Khi tôi yêu cầu anh cởi cái gì thì anh chỉ được phép cởi cái đó thôi. Cuối cùng thì sao nào, trong lồng ngực anh có miếng kim loại. Chuyện như đùa. Đêm nằm anh giơ tấm phim phổi lên mà kinh ngạc. Trên cái nền đen, miếng kim loại sáng choang. Chẳng biết nó chui vào hồi nào nữa. Từ lúc trong bụng mẹ đã có rồi ư?
  2. Tự nhiên anh thấy đau đau. Đau buốt tới tim. Mới hồi sáng này đâu có đau gì đâu. Anh kể với bố. Bố anh rú lên: - Chết mẹ, không lẽ... - Không lẽ cái gì mới được chứ bố? - Viên đạn! Quơ làng ơi. Trước giải phóng mày bị mấy thằng mắc dịch bắn. Tao quên kể. Nhưng thằng Cường lé đã gắp rồi mà. Với lại vết bắn đâu phải nằm ở chỗ đó. Nó nằm gần bả vai kia. Trên người anh có vết thương thật. Nhưng nó bé choắt như cái mụt ghẻ. Anh cũng tưởng hồi nhỏ bị ghẻ, chẳng mấy bận tâm. Bây giờ lòi ra miếng đạn. Phải đi gặp Cường lé hỏi cho ra lẽ. Nhưng mà tại sao mấy thằng mắc dịch bắn mới được chứ. Trước giải phóng anh chỉ bốn năm tuổi, không lẽ ở cái tuổi đó anh đã là Việt minh! - Thì hôm đó chúng nó ăn liên hoan, nhậu xỉn, lấy súng ra bắn khơi khơi, ai biểu mày lò dò đi ra báo hại... Nhà Cường lé bên kia sông, chẳng có cầu. Trước có một cái, chiến tranh đi qua bùm một phát thế là rút ván. Đã 34 năm rồi, tưởng xong phim rồi chứ ai dè thình lình “lộ ra một mảnh ba sườn yêu thương”. Chả biết Cường lé còn nhớ cái ca mổ tạm bợ dưới ghe năm nào không nữa. Nhưng ít ra anh cũng cần một lời giải thích. Cường lé liếc xéo. Đã lé lại hay liếc. Đáng tội. - Chiến tranh hả, chiến tranh hả? - gã quát ầm - Chiến tranh là cái nghĩa địa gì. Là cục cứt, hiểu chưa. Chúng nó qua đây bằng máy bay, ỉa xuống một bãi to tổ chảng rồi bỏ đi. Tao hốt, hiểu chưa. Tao hốt hồi đó chưa đủ sao, bây giờ bắt tao hốt nữa. Không có giải thích gì hết. Về về về. Cút mẹ mày đi. Về về về... Cường lé đã điên rồi. Ổng đạp một phát anh văng ra cửa. Cường lé chỉ là một y tá bình thường, mẹ anh nói. Lúc đầu chỉ biết băng bông gòn. Sau vì mấy ông bác sĩ bị đạn bắn tè le tét lét đành bất đắc dĩ nhảy lên làm bác sĩ. Không có chó thì bắt mèo. Cái nào mổ được thì mổ, cái nào mổ không được thì may lại, chuyển lên tuyến trên. Cường lé chỉ có thuốc tê, lưỡi lam và chỉ may quần. Nhưng được cái trước đó ổng là tay thiến heo cự phách nên cũng dạn dĩ, không sợ máu. Vậy chứ cũng cứu được khối Việt cộng lẫn ngụy quân ngụy quyền.
  3. - Cường lé hả, không có thì cũng toi. Ờ, mà cũng nên đội ơn thêm mấy con heo thiến nữa, có nó mới có thằng bác sĩ Cường lé mát tay mát chưn. Cũng nên đội ơn cái dái heo - bố anh nói. Nhưng mà hồi đó Cường lé cũng chửi rủa ghê lắm. Vừa giải phẫu cứu người vừa vùng vằng rủa xả. Tao là thằng thiến heo, chúng mày phải nhớ. Tao chỉ triệt sản thôi, không thể giúp chúng mày đẻ đái được. Thằng nào muốn thiến thì tao thiến. Tao xắn một phát là tuyệt tự nhà chúng mày. Mổ xong chạy ra bờ sông khóc rức lên vì sợ. Trường hợp của anh chắc cũng vậy, mổ ra nhìn quanh không thấy đạn đâu, vội khâu lại. Bây giờ có người vạch tội thì thẹn, nhớ cái quá khứ heo nọc của mình. 34 năm qua, viên đạn theo mạch máu luần quần một hồi đi được một quãng đường dài. Được cái không gây đau đớn gì cũng là điều lạ. - Lạ con mẹ gì - ở hội cựu chiến binh người ta nói với anh. Anh nhảy qua hội thấy toàn người già. Có người mỗi lần đi họp mặt đều mang theo tấm phim phổi. Có người thì mang tấm phim chụp hình bàng quang. - Nè, coi nè, mày thấy hình viên đạn chứ. Tiếc là ở đây không có cái kính lúp, nếu không soi vào sẽ thấy cả dòng chữ Made in USA. - Ha ha ha... - Xạo quá cha nội. Làm thằng nhóc hoang mang. - Tao mà nói xạo chết liền. Đố mày tại sao người ta không gắp ra cho tao? Đúng là chẳng biết vì lý do gì nữa. - Đó là vì chiến tranh nó muốn nằm thật lâu trong con người mày - một cựu chiến binh sống dai nhách với 25 vết đạn nói. Từ lúc đến chỗ hội cựu chiến binh anh mới thấy ở đây chả có chiến tranh nào, chỉ toàn người già với những vết thương, đến đây uống ấm trà và kể chuyện cũ. Cũng có khi chẳng kể chuyện cũ. Đến chỉ để nói chuyện, thằng Mam chéc tơ, mẹ bà nó, đá hay không chịu được...
  4. Hôm nay ở hội chỉ có hai người. Anh đến gần một người có khuôn mặt gầy gò nhưng mắt sáng. Cụ ngồi trên xe lăn, tay run run dấu hiệu Parkinson. Còn người kia ngồi trên ghế đẩu. - Thằng Tùng cui sắp đi rồi - ông lão Parkinson nói - Hôm qua vết thương nó hành. Tui qua thăm, thấy người ta chuẩn bị chuyển nó đi lên tuyến trên. Nó nói phen này chắc em tiêu tùng. Hễ có bề gì anh nhớ xin bác sĩ viên đạn. Đến ngày giỗ thì lấy ra rửa bằng hai xị đế là em hiện về liền. Về nhậu một trận te xơ mướp chơi. Ông lão ghế đẩu nhích cái ghế đẩu gần lại. Miệng ngáp lấy ngáp để. - Đó là bệnh của tôi, cậu đừng sợ, bệnh ngáp này không có lây đâu. Từ lúc chiến tranh đi qua tôi cứ ngáp như vậy đấy. Chỉ cần chợt nghĩ đến chiến tranh là ngáp liền. Chả hiểu sao nữa. Có lúc suy nghĩ dồn dập thì ngáp dồn dập đến mệt lả cả người. Chắc là tại chuyện chiến tranh nó dễ làm người ta buồn ngủ. Tôi đã đi rất nhiều bác sĩ chuyên khoa nhưng tuyệt nhiên họ không thể chữa được. Ấy, ngồi gần lại đây. - Đừng nghe ổng nói - ông Parkinson nói - Cái bệnh ngáp đó lây bỏ mẹ đi. Bác sĩ Mỹ còn chữa không được nữa nói chi là mấy thằng bác sĩ Việt Nam. Hôm bữa tao có gặp một thằng Mỹ, nó cũng từng đánh đấm ở Việt Nam. Nó cũng ngáp y vậy. Mấy thằng Mỹ cũng bó tay chấm cơm với nó luôn. Thậm chí nó ngáp còn kinh dị hơn ổng nữa kia. Mày biết không, mỗi lần ngáp nó cứ hét toáng lên, toàn tiếng Mỹ, oh, yes, ngáp, yes, yes, ngáp, oh, ok, ngáp, yes yes, ngáp, ok, ngáp, yes yess... ồ kê. Vậy đó. Tao hỏi mãi nó mới nói được vài câu. Nó nói lúc trước cũng như tao và mày, không hiểu sao vừa nhúng chân vào chiến trường miền Nam Việt Nam là ngáp liên tục, ngáp muốn sái quai hàm. Nó trở lại Việt Nam lần này cũng là để tìm câu trả lời cho cơn buồn ngủ của đời nó nằm ở đâu, và nguyên do nào. Nhưng tao cũng chả tin, biết đâu nó đem cái bệnh đó từ biên giới bên kia qua đây truyền nhiễm thì sao. Chiến tranh chỉ là cái cớ để nó ám chỉ cơn buồn ngủ vô tận trong tâm hồn của nó. - Ông nói thì hay lắm - ông ghế đẩu phẩy tay - Đến một ngày nào đó ông ngáp như tui thì sẽ hiểu rõ thằng Mỹ đó hơn. - Ái chà, giận rồi kìa. Xem cái mặt chó ỉa của nó kìa - ông Parkinson nói - Tui nói như vậy không có nghĩa là tui không bị gì, đừng có giận hờn như trẻ con. Được chưa. Ai đi qua chiến tranh mà chả phát bệnh. Chỉ có điều bệnh tình khác nhau thôi.
  5. Ông lão Parkinson xoa dịu. Để tui kể cho nghe. Từ lúc kết thúc chiến tranh, đêm nào cũng vậy, thay vì ngáp như ông thì tôi lại cứ 15 phút là lăn đùng xuống đất, chui vào gầm giường nằm. Vợ con ẵm lên lại lăn đùng xuống. Tránh bom, cậu hiểu không. Vùng tôi ở là vùng trọng điểm, bom rơi liên tục. Vì trước chiến tranh nó vậy nên sau chiến tranh cũng vậy luôn, quen rồi. Không bác sĩ nào chữa được. Người ta nói nỗi sợ hãi đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức tôi. Thế là cậu biết đấy, suốt quãng đời thanh xuân tôi cứ phải nằm dưới gầm giường. Mãi đến bây giờ tui mới không như thế nữa. Nhưng mà cậu đừng tưởng bệnh tui tự lành nha. Liệt như vầy còn lăn được gì. Nói xong cười hắc hắc. - Cậu biết tôi bị bom văng lúc nào không? - ông lão ghế đẩu có vẻ nguôi ngoai, giọng sôi nổi. Rồi cười - Lúc đang động phòng đấy. Hì hì... Hôm đó đang “mây mưa” thì nhìn xuống thấy máu lênh láng, tưởng chuyện trinh tiết, đúng là điên, lại nghe một cái bùm. Nhìn lên mái nhà thấy lửa sáng trưng. Tụi nó thả bên hông nhà hai trái một lúc. - Thế là hỏng cái vụ đó hả - ông lão Parkinson thắc mắc. - Hỏng thế nào được - lão ghế đẩu cười ranh mãnh. - Ái chà, cái thằng già mất dạy - lão Parkinson nhảy nhổm lên, tay giật giật Parkinson. - Đó có phải là lần đầu tôi ăn bom đâu. Nói đến đây ông ghế đẩu giật giật ngáp ngáp. Và cũng chỉ đến đó, vì cứ mãi ngáp liên tục nên không nói được gì. - Chắc là nỗi nhớ đang dồn dập đây - ông Parkinson nói - Càng ngáp càng nhớ chuyện xưa phải không? Ừ, tuổi càng già thì càng nhiều chuyện xưa. Cứ giống y như đi lùi lại. Nhưng không phải vậy. Càng ngáp, ông ghế đẩu càng có vẻ kỳ lạ hơn. Ông ngáp nhiều đến nỗi không đóng miệng lại được nữa, há hốc, sùi bọt mép. - Cấp cứu, cấp cứu - ông Parkinson hét ầm lên - Gọi chiếc taxi nhanh. Ổng đã dặn tôi rồi. Hễ thấy ổng ngáp không dừng được thì phải gọi taxi. Đây, địa chỉ bệnh viện
  6. quân khu bảy đây - ông chìa ra cho anh tờ giấy mỏng - Ở trong đó, người ta trị mấy căn bệnh này quen lắm. Mười lăm phút sau chiếc taxi đến. Anh khiêng lão ghế đẩu lên xe. - Đây - lão Parkinson chìa ra cho anh tờ giấy thứ hai - Số điện thoại con gái ổng. Anh biết không, những người như chúng tôi luôn chuẩn bị cái ngày này. Đừng có cười. Chúng tôi sống như vậy 34 năm nay rồi và chỉ chờ đợi đến ngày này. Trong lúc ngồi trong bệnh viện, anh mệt quá, quên hết, chỉ còn nhớ nụ cười tinh ranh của ông lão ghế đẩu. Ừ, thì cũng điên thật, bom văng vào lưng mà cứ mãi nghĩ chuyện tiết trinh. Ôi trời, càng nghĩ càng thấy cái lão già này mắc dịch quá. Hai hôm sau, ông ghế đẩu mất. Vào bệnh viện thấy cái xác im lặng trắng phau. Miệng đóng lại. Xem như dứt cái bệnh ngáp rồi. Cũng là dứt nhớ chuyện xưa. Anh quay lại hội cựu chiến binh thấy cái ghế đẩu của ổng vẫn còn bỏ đó. Nhìn mà sợ, thể như cái thế giới này đều có một phút giây nào đó bỗng trở nên im lìm không động đậy. Không biết phải làm gì với nó nữa. Anh khiêng cái ghế đi, định trao lại cho đứa con gái ổng thì bà bán xôi trước cổng hội cựu chiến binh chặn lại. - Cái ghế đó là của tui. Ổng có hứa là khi nào chết sẽ cho tui cái ghế này. Cậu đừng nghĩ ngợi gì nhé. Ổng chết sống đã nhiều lần rồi. Lần chết này chỉ là chết nốt. Cũng chẳng nên buồn. Buồn là buồn cho người sống. Cậu có thấy ông Parkinson đâu không? - Có chuyện gì với ổng à? - Tui không biết. Ngày thường ổng vẫn thường ra đây. Tôi định rủ ổng đi đám ma ông ghế đẩu. Thì ra bà bán xôi là “chủ tịch hội”. - Chủ tịch cái con mẹ gì chú ơi. Ăn uống gì được cái chức đó. Chẳng qua là mấy ổng hay ra đây ăn xôi, lương cựu chiến binh thì chỉ có ăn xôi thôi chứ làm gì được ăn lẩu bò, rồi cà khịa tán dóc. Thế là gọi tôi là bà chủ tịch. Biểu sau này nếu tôi viết hồi ký sẽ hay lắm đó, toàn là đời tư đời năm của mấy chả không hà. Bán xôi
  7. mà viết hồi ký thì tui chưa nghe. Nhưng hôm bữa đọc báo thấy có bà bán xôi viết văn hay dữ nha. Được bộn tiền, lại dựng thành phim. Đổi đời ngay. Nghe bà chủ tịch hội nói một hồi anh thấy hết muốn viết văn luôn, bỏ đi tìm đường đến nhà ông Parkinson. Chẳng hiểu sao cái chết của ông ghế đẩu làm trong anh mọi thứ cứ lộn tùng phèo. Cái gì nằm bên dưới thì cứ như muốn trồi lên bên trên. Cái gì bên phải thì cứ như muốn trồi sang bên trái. Cái gì bên trong thì muốn trồi ra bên ngoài. Trước nhà ông Parkinson lố nhố người. Chột dạ, anh chui vào xem có gì bất thường không chợt thấy gương mặt xám ngoét của ổng. Bên cửa sổ, ông Parkinson đang nằm trên giường, trùm vải trắng. Đôi mắt chớp chớp nhìn về phía anh và ôi trời, đang ngáp. Ngáp liên hồi. Ủa, lúc trước nhớ chỉ có mình ông ghế đẩu ngáp thôi mà. Chẳng biết có phải vì ổng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ không nữa? Bất ngờ ổng ngáp một phát rõ to rồi im bặt. Anh thấy một luồng hơi bay ra cửa sổ thoát lên trời như thể hương hồn của một đóa hoa nhầu. Rùng mình, chóng mặt, anh quay ra đường. Anh nhớ có một bài hát lời lẽ đại khái như vầy: kết thúc một con đường, bạn sẽ không có nơi để đi... Anh chẳng hát hò gì nhưng sao thấy bế tắc quá, chẳng biết đi đâu, thấy cái gì cũng sắp hết đến nơi. Anh đi thẳng một lèo đến bệnh viện. Không biết họ xử lý thế nào với cái của nợ từ thời chiến tranh. Có lẽ nó là nguyên nhân cơn rùng mình chóng mặt của anh. Và hình như anh cũng đang chuyển sang ngáp ngáp không dừng được nữa thì phải.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2