TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
TỪ TIẾNG VIỆT CỔ TRONG DICTIONARIUM<br />
ANAMITICO - LATINUM CỦA J.L.TABERD<br />
Đỗ Thùy Trang<br />
Trường Đại học Quảng Bình<br />
Tóm tắt. Tiếng Việt như chúng ta đang sử dụng ngày nay đã trải qua một quá trình lâu dài<br />
hình thành, biến đổi và phát triển, đã được rèn giũa, chuẩn hoá để trở thành một thứ tiếng giàu<br />
đẹp, phong phú, diễn đạt hết các ý tưởng. Trong quá trình đó, bằng nhiều cơ chế khác nhau,<br />
tiếng Việt không ngừng sản sinh ra các đơn vị từ vựng mới nhằm cập nhật và hiện đại hóa ngôn<br />
ngữ, đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội. Đồng thời tiếng Việt cũng dần mất đi một bộ phận từ ngữ<br />
hoặc chúng bị đẩy lùi xuống lớp từ vựng tiêu cực, thu hẹp phạm vi sử dụng. Đó chính là hệ thống<br />
từ ngữ cổ. Đối với đa số người bản ngữ đương đại, hệ thống từ cổ này thực sự như những “tử<br />
ngữ”, chúng không được tri nhận, lưu giữ trong ý thức và sử dụng trong đời sống hàng ngày.<br />
Chúng ta chỉ có thể bắt gặp chúng như một hình ảnh của quá khứ xa xôi trong các tác phẩm văn<br />
chương cổ, đặc biệt chúng được ghi chép và lưu giữ trong những cuốn từ điển của các giáo sĩ<br />
phương Tây và các linh mục Việt Nam biên soạn vào thời kỳ bình minh của chữ quốc ngữ như từ<br />
điển Anam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La) của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes,<br />
Dictionarium Anamitico -Latinum (tự vị Việt - Latinh) do giám mục Taberd biên soạn và Đại<br />
Nam Quốc âm tự vị của P.Huỳnh Tịnh Của. Trong đó, không thể không nhắc đến hệ thống từ<br />
ngữ tiếng Việt cổ trong Dictionarium Anamitico- Latinum của giám mục J.L.Taberd.<br />
<br />
1. VỀ DICTIONARIUM ANAMITICO - LATINUM<br />
Dictionarium Anamitico -Latinum (Nam Việt dương hiệp tự vị; Tự vị Việt - Latinh)<br />
do giám mục Jean Louis Taberd biên soạn tại Việt Nam từ cuối thế kỉ XVIII (từ năm<br />
1772 đến năm 1773) nhưng mãi đến đầu thế kỉ XIX mới được xuất bản tại Ấn Độ (năm<br />
1838). Là “một tài liệu không thể bỏ qua vì nó đánh dấu một chặng đường quan trọng<br />
trong lịch sử hình thành nền quốc học Việt Nam” (Trần Văn Toàn - Cựu GS ĐH Công<br />
giáo Lile, Pháp) nhưng đến nay tự vị Việt - Latinh hầu như đã tuyệt bản.<br />
Ngay từ thế kỉ XVII, các giáo sĩ Tây phương sang Việt Nam truyền giáo đã ra sức<br />
quan sát phong tục tập quán, đồng thời học cả tiếng nói và chữ viết của người bản xứ để<br />
dễ bề chia sẻ niềm tin tôn giáo của họ. Trong thời kỳ này các giáo sĩ phương Tây không<br />
chỉ là những nhà truyền bá tôn giáo mà họ còn tỏ ra là những người am hiểu văn hóa, ngôn<br />
ngữ của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Điều này thể hiện qua những cuốn<br />
sách, những công trình nghiên cứu về các lĩnh vực khác nhau như tôn giáo, văn hóa, ngôn<br />
ngữ... họ còn để lại cho hậu thế.<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
Bìa và trang nhất tự vị Việt - Latinh của J.Taberd<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
Đầu thế kỉ XVII, giáo sĩ Girolamo Maiorica (Ý) đã soạn ra hàng chục cuốn sách đạo<br />
bằng chữ Nôm. Sau đó giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Pháp) đã cho in tại Roma năm 1651<br />
sách giáo lí bằng chữ quốc ngữ, sách về ngữ học Việt Nam bằng tiếng Latinh và tự vị<br />
Việt-Bồ-La. Sáng tạo ra các công trình ấy vốn là những người có học thức, có đầu óc cởi<br />
mở và được giúp sức bởi những người bản xứ, vốn là những thầy giảng đi theo cộng tác<br />
trong việc truyền giáo. Họ cũng là những người biết chữ Hán, chữ Nôm và hiểu biết các<br />
phong tục tập quán nước ta.<br />
Mấy thế kỉ về trước, tiếng Latinh là ngôn ngữ dùng trong giáo hội Công giáo đồng<br />
thời cũng là ngôn ngữ của giới học giả châu Âu, cũng như vị trí của chữ Hán ở miền<br />
Đông châu Á. Các giáo sĩ, các học giả thời đó ngoài tiếng mẹ đẻ còn am hiểu cả tiếng<br />
Latinh. Vì thế, Taberd cũng như các giáo sĩ khác viết sách và tự điển bằng tiếng Latinh,<br />
không chỉ dành cho người Công giáo mà còn hướng đến giới học giả châu Âu nhằm giới<br />
thiệu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Thật thú vị khi A.de Rhodes, J.Taberd là những<br />
người nói tiếng Pháp nhưng đã soạn tự vị Việt - Latinh chứ không soạn tự vị Việt - Pháp.<br />
Lý do thật đơn giản, họ là những người đi giảng đạo, chia sẻ niềm tin Công giáo chứ<br />
không phải là người đi truyền bá văn hoá, chính trị và học thuật nước Pháp. Về sau này,<br />
khi người Pháp can thiệp vào Việt Nam và đặt nền móng thống trị trên đất nước Việt<br />
Nam, thì lúc đó mới xuất hiện tự vị Pháp-Việt, Việt-Pháp.<br />
Nét độc đáo của Tự vị Taberd là có cả chữ Latinh, chữ Nôm lẫn chữ quốc ngữ. Chữ<br />
quốc ngữ được ghi khá chính xác cách phát âm, còn chữ Nôm chỉ ghi bằng mặt chữ. Phần<br />
đầu cuốn từ điển, tác giả trình bày những nhận xét sơ bộ về tiếng Việt, sau đó giảng về<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
âm học, thanh học và văn phạm Việt Nam. Soạn giả viết tỉ mỉ về chính âm, phụ âm đầu<br />
và phụ âm cuối, đặc biệt là về hệ thống sáu thanh điệu của tiếng Đàng Ngoài. Phần chính<br />
của tự vị gồm 620 trang, mỗi trang chia làm hai cột. Các chữ trong tự vị được xếp theo<br />
trật tự ABC của mẫu tự Latinh nhưng mỗi từ đều được viết bằng chữ Nôm trước, sau đó<br />
viết theo mẫu tự Latinh rồi dịch nghĩa ra tiếng Latinh. Tiếp theo là thêm các kiểu nói sử<br />
dụng các từ đó. Vì J.Taberd hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong nên tự vị nặng về tiếng<br />
Đàng Trong. Ngoài những từ ngữ thông thường, tự vị có 40 trang dành cho những từ ngữ<br />
chuyên môn về thực vật học, cây cối, hoa quả, rau cỏ ở Đàng Trong.<br />
Nội dung và cấu trúc của tự vị Việt - Latinh đã chứng tỏ sự am tường và uyên thâm<br />
của soạn giả Taberd cùng những người cộng sự không những trong lĩnh vực ngôn ngữ<br />
học (tiếng Latinh, tiếng Nôm, tiếng Việt, tiếng Hán) mà còn cả lĩnh vực khoa học tự<br />
nhiên. Chúng ta có thể tra cứu tự vị theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc ngữ đều dễ<br />
dàng.<br />
2. VỀ TỪ CỔ TRONG TIẾNG VIỆT<br />
Xung quanh thuật ngữ từ cổ, giới Việt ngữ học vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác<br />
nhau, chưa thực sự thống nhất. Nhưng chúng tôi quan niệm từ cổ là những từ thuộc hai<br />
nhóm sau đây:<br />
Một là những từ đã được sử dụng phổ biến trong lịch sử nhưng hiện nay không còn<br />
tồn tại trong từ vựng đồng đại, chúng biểu thị những đối tượng mà trong tiếng Việt hiện<br />
nay đã có các từ đồng nghĩa tương ứng để thay thế. Bản thân chúng bị đẩy ra ngoài hệ<br />
thống từ vựng hiện đại, bởi trong quá trình phát triển ngôn ngữ đã xảy ra những xung đột<br />
về ý nghĩa hoặc về ngữ âm, kết quả là chúng đã được các đơn vị từ vựng khác thay thế<br />
hoàn toàn. Vì vậy trong từ vựng đồng đại, chúng thuộc về lớp từ cổ.<br />
Hai là từ vị trí toàn dân, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nay chúng đã bị thu hẹp<br />
phạm vi sử dụng, trở thành lớp từ vựng tiêu cực như từ địa phương, trở thành từ cổ.<br />
Dù thuộc nhóm nào thì tựu trung lại, từ cổ chỉ xuất hiện trong phạm vi hẹp, như<br />
trong các tác phẩm văn học, lịch sử, ghi chép cổ, hoặc được dùng theo vùng miền địa lý,<br />
không mang tính phổ biến, kết quả là không phải người bản địa nào hiện nay cũng hiểu<br />
được ý nghĩa của từ cổ. Có thể có những từ vẫn được dùng như một số yếu tố trong từ<br />
ghép nhưng đã bị mất nghĩa hoàn toàn về mặt đồng đại, đa số người sử dụng không lí giải<br />
được ý nghĩa từ nguyên của chúng. Do đó, một căn cứ được sử dụng để xác định từ cổ là<br />
cảm thức của người bản ngữ đương đại. Tuy nhiên, tiêu chí này chỉ mang tính chất tương<br />
đối, vì nó phụ thuộc nhiều vào khả năng ngôn ngữ của người dùng nên mang tính chủ<br />
quan.<br />
3. HỆ THỐNG TỪ CỔ TRONG TỰ VỊ VIỆT – LATINH CỦA J.TABERD<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02<br />
<br />
Xuất phát từ quan niệm này, chúng tôi đã thống kê được gần 600 đơn vị được xem<br />
là cổ trong tự vị của Taberd. Tuy nhiên, so với các từ điển khác, như của A.de Rhodes,<br />
Huỳnh Tịnh Của…thì tự vị của Taberd có điểm khác biệt cơ bản, đó là trong khi làm tự<br />
điển, Taberd chỉ thống kê các đơn vị trong sự đối chiếu Hán- Nôm- quốc ngữ - Latinh<br />
chứ không hề giải thích nghĩa của các đơn vị từ đó. Vì vậy, việc thống kê từ cổ trong tự<br />
vị của Taberd gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện thao tác nhận diện nghĩa của từ.<br />
Mặt khác, tác giả làm tự vị lấy đơn vị cơ bản không phải là từ mà các tiếng (âm tiết), các<br />
yếu tố cấu tạo từ, trên cơ sở đó mới dẫn giải minh họa một số từ thường gặp có chứa các<br />
tiếng đó. Cách làm này tuy có gây khó khăn cho người làm thống kê nhưng nó xuất phát<br />
từ bản chất loại hình và truyền thống âm tiết của tiếng Việt, phản ánh nhận thức bước đầu<br />
tuy còn cảm tính nhưng hết sức chính xác của Taberd về loại hình ngữ âm đơn lập, âm<br />
tiết tính cao độ của tiếng Việt. Do đó, kết quả 600 đơn vị ở đây là âm tiết (đương nhiên<br />
nhiều khi trùng với các từ đơn) chứ không phải hoàn toàn là các từ. Số lượng từ cổ trong<br />
tự vị trên thực tế vì thế sẽ lớn hơn con số 600 rất nhiều, vì mỗi âm tiết như vậy, Taberd<br />
có thể dẫn nhiều từ khác nhau, mà chúng tôi chỉ lấy một số để minh hoạ.<br />
Khảo sát tự vị, có thể nhận thấy hệ thống từ cổ tiếng Việt gồm các nhóm sau đây:<br />
Trước hết chúng ta có thể tìm thấy trong tự vị những từ đã hoàn toàn biến mất trong<br />
hệ thống tiếng Việt hiện đại. Cùng biểu thị những sự vật ấy nhưng chúng đã được thay<br />
thế bằng các hình thức ngữ âm hoàn toàn khác.<br />
Ví dụ: xâm (nói xâm), sằn (sằn dã), rấn (rấn thuyền,) phãng (cái phãng), nhăp<br />
(thức nhăp), lế (cách lế), chệc (chệc a), ác vàng, bai (thanh bai, bẻ bai)…<br />
Có thể khẳng định hiện nay những từ này đã không còn tồn tại trong hệ thống từ<br />
vựng tiếng Việt đồng đại. Người bản ngữ không còn tri nhận ý nghĩa về chúng nữa,<br />
không sử dụng chúng trong giao tiếp hằng ngày. Chỉ trừ một bộ phận rất nhỏ những<br />
người nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, văn hóa, văn học...có thể hiểu được ý nghĩa đã từng<br />
có của những đơn vị này. Sự biến mất của những đơn vị ngôn ngữ này là hiện tượng phổ<br />
biến và có tính quy luật tất yếu trong ngôn ngữ. Từ vựng của ngôn ngữ là một kho sẵn có,<br />
chỉ mang tính ổn định tương đối. Trong lòng hệ thống ổn định thống nhất đó luôn luôn<br />
diễn ra những quá trình vận động trái chiều nhau của các yếu tố. Một quá trình không<br />
ngừng làm giàu, phát triển vốn từ bằng nhiều cơ chế khác nhau (các phương thức chuyển<br />
nghĩa, vay mượn, ghép...) để sản sinh từ mới nhằm đáp ứng xu hướng cập nhật và hiện<br />
đại hóa ngôn ngữ. Ngược lại, có một quá trình triệt tiêu, làm biến mất hoặc tiêu cực hóa<br />
một số đơn vị tỏ ra lỗi thời, tần suất sử dụng ít. Hai quá trình đối lập này luôn diễn ra<br />
song song, thể hiện quy luật vận động tất yếu của bất kỳ ngôn ngữ nào, trong đó tiếng<br />
Việt cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, xét về phương diện lịch sử, tự vị của Taberd có<br />
một ý nghĩa vô cùng to lớn, là pho tư liệu quý báu lưu giữ tiếng nói của dân tộc ta trong<br />
<br />