JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 6B, pp. 82-90<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0104<br />
<br />
TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA NHO GIÁO NGUYÊN THỦY<br />
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIÁO DỤC CÔNG DÂN HIỆN NAY<br />
Phạm Việt Thắng<br />
<br />
Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục Công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Bài viết tập trung phân tích một số giá trị về khía cạnh giáo dục nói chung và giáo<br />
dục đạo đức nói riêng của Nho giáo nguyên thủy. Trên tinh thần đó nêu lên ý nghĩa của<br />
việc tiếp biến những giá trị tích cực đó vào nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân,<br />
định hướng giá trị cho thế hệ trẻ, nhằm góp vào chiến lược phát triển con người Việt Nam<br />
mới vừa có tri thức vừa có nhân cách.<br />
Từ khóa: Nho giáo, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức ra đời và phát triển ở Trung Quốc, được du<br />
nhập vào Việt Nam từ khá sớm, đã từng giữ địa vị độc tôn và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống<br />
tinh thần của Việt Nam trong quá khứ. Chính vì vậy, nghiên cứu về Nho giáo nói chung và ảnh<br />
hưởng của Nho giáo đối với văn hóa Việt Nam nói riêng luôn là một vấn đề thu hút được sự quan<br />
tâm của giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và nghiên cứu giáo dục. Đã có rất nhiều công<br />
trình nghiên cứu về Nho giáo, cả trên khía cạnh tư tưởng và sự phát triển của Nho giáo ở Việt<br />
Nam, lẫn những ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa Việt Nam. Có thể kể ra đây một số công<br />
trình như: Nho giáo tại Việt Nam của tập thể tác giả Viện Triết học; tác giả Vũ Khiêu với Nho giáo<br />
và phát triển ở Việt Nam; Nho giáo và Nho giáo ở Việt Nam - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn<br />
của Nguyễn Tài Thư; Bàn về đạo Nho của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện.v.v.. Trong các công<br />
trình này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều giá trị tích cực của Nho giáo, như giáo dục đạo làm<br />
người, đối nhân xử thế .v.v.., cũng như chỉ ra những hạn chế của Nho giáo như tính khắt khe, trói<br />
buộc con người, đặc biệt là đối với phụ nữ.v.v..<br />
Bên cạnh những nghiên cứu trong nước, việc nghiên cứu những ảnh hưởng của Nho giáo<br />
đối với các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á nói chung trong đó có Việt Nam cũng<br />
thu hút sự quan tâm của nhiều học giả. Có thể nêu ra ở đây một số công trình như: Lưu Tông Hiền,<br />
Thái Đức Quý (Chủ biên): Nho học phương đông đương đại; Trương Bá Vĩ (Chủ biên): Nghiên<br />
cứu văn hiến học thư tịch Hán Nôm Việt Nam; Lý Vị Túy: Luận bàn về giao lưu văn hóa Trung<br />
Việt.v.v.. Nhìn chung, các tác giả đều có chung nhận định, Nho giáo tuy đã kết thúc vai trò lịch sử<br />
của mình nhưng những ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống tinh thần của các quốc gia Đông Á<br />
và Đông Nam Á hiện nay vẫn còn, cho dù đậm nhạt khác nhau. Ở một số quốc gia như Nhật Bản,<br />
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/8/2016<br />
Liên hệ: Phạm Việt Thắng, e-mail: vietthang271077@yahoo.com.vn<br />
<br />
82<br />
<br />
Tư tưởng giáo dục của Nho giáo nguyên thủy và ý nghĩa của nó đối với giáo dục...<br />
<br />
Singapore. . . đang có xu hướng kế thừa những giá trị đạo đức tích cực của Nho giao nguyên thủy<br />
phục vụ cho mục tiêu giáo dục con người hiện nay.<br />
Việc Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập thế giới đã làm nảy sinh<br />
những nguy cơ đối với văn hoá Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực đạo đức công dân, đạo đức xã hội.<br />
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, tỉ lệ quay cóp ở học sinh tiểu<br />
học 8%, THCS 55%, THPT 60%; tỉ lệ nói dối cha mẹ: tiểu học 22%, THCS 50%, THPT 64%; tỉ lệ<br />
vi phạm ATGT: tiểu học 4%, THCS 35%, THPT 70%. (GDCD và đạo đức học sinh; VOV online,<br />
7h30 ngày 29/11/2008). Nhìn vào kết quả khảo sát thì có vẻ học sinh càng lớn thì ý thức công dân<br />
càng kém đi, nói cách khác, học sinh càng lớn càng muốn làm những điều khiến người lớn đau<br />
đầu [1]. Trong một nghiên cứu về giáo dục đạo đức công dân, tác giả Ngô Đình Xây cho rằng, để<br />
giáo dục đạo đức cho người dân và đưa đạo đức trở thành hạt nhân để điều chỉnh và định hướng<br />
cho sự phát triển thì cần phải xác định và xây dựng được hệ giá trị chuẩn và mẫu người đạo đức<br />
[9]. Tác giả Hà Nhật Thăng trong “Những vệc cần làm để phát huy vai trò của môn GDCD đối với<br />
sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh phổ thông” nhấn mạnh, không chỉ điều chỉnh giá<br />
trị, nội dung giáo dục, dạy học mà cả mục tiêu của hoạt động dạy học [4]. Tuy nhiên, vấn đề đặt<br />
ra là, trong sự đổi mới toàn diện giáo dục sắp tới, chúng ta cần phải xác lập hệ giá trị, chuẩn mực<br />
đạo đức mới và tổ chức giáo dục cho học sinh, cho thế hệ trẻ như thế nào thì vẫn còn chưa rõ và<br />
còn nhiều tranh luận.<br />
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đi vào phân tích một số giá trị tích cực của<br />
đạo đức Nho giáo nguyên thủy đối với giáo dục đạo đức công dân Việt Nam hiện nay nhằm góp<br />
thêm cách tiếp cận trong việc kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức nói chung và đổi mới giáo<br />
dục nói riêng.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Những giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo nguyên thủy<br />
<br />
2.1.1. Nho giáo nguyên thủy với tư cách là học thuyết về giáo dục đạo đức, nhân cách con<br />
người<br />
Lí luận Nho giáo coi trọng chữ Nhân, đề cao tình yêu thương con người. “Nhân” gọi là toàn<br />
đức, là đức tính quan trọng nhất của đạo làm người. Ở Khổng Tử, trước hết nhân là phải biết tiết<br />
chế hành vi của bản thân sao cho phù hợp với lễ [7;239]. Thứ hai, nhân là phải tự giác, do tự bản<br />
thân quyết định chứ không dựa vào người khác. Và sau cùng, để đạt đến nhân thì tất cả những gì<br />
không phù hợp với lễ thì không xem, không nghe, không nói, không làm [7;239]. Cho nên nói,<br />
nhân chính là một loại đạo đức toàn diện. Bên cạnh đó, Khổng Tử cũng cho rằng, một người được<br />
coi là nhân thì phải hội đủ năm đức: Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ. Cung có nghĩa là đối với người<br />
thì không kiêu ngạo, đối với việc thì làm đến nơi đến chốn. Khoan là đối đãn với người phải khoan<br />
hậu, rộng rãi, không riết róng. Tín là đã nói như thế nào thì phải làm như vậy, phải biết giữ lời đã<br />
hứa. Khổng Tử cho rằng chữ tín giúp tạo dựng niềm tin trong các quan hệ xã hội, xuyên suốt trong<br />
mọi ứng xử và việc làm. Mẫn là siêng năng, tích cực. Huệ tức là biết làm ơn cho người khác, là<br />
cho mà không tiếc.<br />
Nhân ở Khổng Tử còn là đạo Trung Thứ. Trong sách Trung Dung có đoạn Khổng Tử nói:<br />
“Cái mà mình muốn con mình đối đãi với mình thì mình làm cho cha mẹ. Cái mà mình muốn bề<br />
tôi mình làm cho mình thì mình làm cho vua mình. Cái mà mình muốn em mình làm cho mình thì<br />
mình làm cho anh mình. Cái mà mình muốn bè bạn đối với mình thì mình làm trước cho bè bạn”<br />
[7, 53]. Như vậy ở đây Khổng Tử khi nói về con người là ông đã đặt con người trong các quan hệ<br />
83<br />
<br />
Phạm Việt Thắng<br />
<br />
xã hội cụ thể. Ở trong những quan hệ đó thì mình và người khác là như nhau. Cái mình muốn thì<br />
người khác cũng muốn và mình không muốn thì người khác cũng không muốn. Cho nên Khổng<br />
Tử nói: “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người” [7;297], “Người có lòng nhân nghĩa là<br />
giúp đỡ người khác thành công khi mình chưa thành công, giúp người khác hiển đạt trước khi mình<br />
hiển đạt” [7;177]. Tiếp nối Khổng Tử, các học trò đời sau đều phát huy tinh thần của “Nhân”, đề<br />
cao giáo dục điều nhân cho xã hội.<br />
Từ “Nhân” Nho giáo nói về “Hiếu Đễ”, coi hiếu đễ là gốc của nhân và chiếm một vị trí đặc<br />
biệt quan trọng tư tưởng đạo đức Nho giáo. Hiếu vừa là tư tưởng cũng vừa là hành vi. Coi hiếu đễ<br />
là gốc của nhân, tức là Khổng Tử đặt đạo đức gia đình làm gốc để phát triển đạo đức xã hội, phải<br />
từ tình yêu thương trong gia đình mới có thể có được tình yêu thương ngoài xã hội, thiên hạ. Trong<br />
con người có ba phạm vi, đầu tiên là gia đình, sau là xã hội và cuối cùng là nhà nước với dân.<br />
Nếu hiểu một cách đơn giản thì ai đã tốt trong gia đình thì ra ngoài mới có thể tốt. Hiếu là sự kính<br />
trọng, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ. Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh sự phụng dưỡng cha mẹ<br />
khi già yếu. Sự phụng dưỡng ấy phải được xuất phát từ tâm, phải hàm chứa trong đó cả sự tôn kính<br />
chứ không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cơm bữa hàng ngày. Còn sống thì kính trọng phục dưỡng,<br />
chết đi thì phải an táng và thờ cúng. Mạnh Tử còn cho rằng, bất hiếu có năm loại: lười biếng; mê<br />
cờ bạc rượu chè; tham tiền của, chỉ yêu thương vợ con; ham chơi phóng túng; khoe khoang sức<br />
mạnh [7;485].<br />
Tuy nhiên cũng phải phân tích thêm là, hiếu trong sự phát triển của Việt Nho đã được phát<br />
triển thêm một tầng nhận thức nữa đó là hiếu với nước. Hiếu với cha mẹ được coi là “tiểu hiếu”,<br />
hiếu với nước mới là “đại hiếu” (câu chuyện Nguyễn Phi Khanh khi bị áp giải về Trung Quốc đã<br />
nói với Nguyễn Trãi học hành nuôi chí đánh giặc cứu nước mới là đại hiếu)<br />
Tín là chỉ phẩm chất có từ sự thành thực. Chuẩn mực của sự giao tiếp xã hội phải lấy thành<br />
tín làm căn bản, làm người hay làm việc cũng phải giữ lời hứa, chữ tín. Khổng Tử nói dù là đối<br />
với công việc hay trong các quan hệ xã hội đều phải luôn giữ chữ tín, “người không có uy tín, thì<br />
không biết có thể làm được gì” [7;120], “trước hết hãy biến lời nói thành việc làm, sau đó hãy bàn<br />
tiếp” [7;116]. Những điều này đều là nhấn mạnh điều cơ bản làm người phải thành tín. Thành tín<br />
là quy phạm đạo đức cơ bản, cho dù là cá nhân hay tập thể xã hội, bất tín sẽ không thể có chỗ đứng<br />
trong xã hội.<br />
Chính trong tư tưởng Nho giáo phân thành ba tầng nghĩa: Một là về góc độ tu thân, bao gồm<br />
ý nghĩa “chính tâm”, “thành ý”. Sách Đại học viết: “muốn tu dưỡng thành chính nhân thì trước<br />
hết phải chính tâm, muốn là người chính tâm thì trước hết phải thành ý” [7;10]. Nên gọi “chính<br />
tâm” là chỉ nội tâm ngay thẳng, không tồn tại những tà niệm, hành động theo nghĩa. Điều này nhấn<br />
mạnh sự thống nhất về nội tâm ngay thẳng, hành sự hợp nghĩa. Hai là nói về góc độ cảnh giới tinh<br />
thần, đó là chính nghĩa, chính khí. Thông qua tu dưỡng dần dần tích lũy tinh thần đạo đức và sinh<br />
ra một tinh thần khí phách, thể hiện khí phách đại trượng phu “giàu sang không được phóng đãng,<br />
nghèo khó không được lay động, quyền uy không được để bị khuất phục” [7;452]. Ba là giảng về<br />
người cầm quyền, cần phải hành sự ngay thẳng, bản thân phải chấp hành luật pháp. Trên không<br />
ngay ngắn, chính trực thì sẽ không làm gương cho dân chúng được [7;260], “người lãnh đạo phải<br />
tự sửa mình ngay thẳng thì dù không ban bố mệnh lệnh thì dân chúng sẽ tự giác làm; người lãnh<br />
đạo bất chính dù ban bố mệnh lệnh thì dân chúng cũng không phục tùng” [7;256]. Đây là tư tưởng<br />
chính trị “chính nhân tiên chính kỉ” trong Nho giáo. Tư tưởng này rất được coi trọng trong lịch sử<br />
Nho giáo.<br />
Liêm là biểu thị sự liêm khiết, liêm chính, không lấy bừa, là sự đối lập với “tham”, chỉ có<br />
liêm khiết mới có thể trong sạch. Liêm khiết trở thành một phẩm chất đạo đức của người làm quan,<br />
có liêm khiết thì sẽ có thanh quan, ngược lại là tham quan. Điều kiện tiên quyết của liêm khiết là<br />
84<br />
<br />
Tư tưởng giáo dục của Nho giáo nguyên thủy và ý nghĩa của nó đối với giáo dục...<br />
<br />
sự tiết kiệm. Mạnh tử nói “người tiết kiệm không tranh đoạt của người”, chính là nói, người tiết<br />
kiệm sẽ không tham lam lấy tài sản của người khác, cũng giống với ý “tiết kiệm có thể dưỡng đức<br />
liêm khiết”. Các Nho gia đời sau mới đưa ra mệnh đề “chỉ có tiết kiệm mới giúp liêm khiết”. Sự<br />
tiết kiệm trở thành một phẩm chất đạo đức phải có của người làm quan, trong xã hội đương đại,<br />
liêm khiết trong việc công là một phẩm chất đạo đức nòng cốt của các nhân viên công vụ.<br />
Sỉ là chỉ cái tâm xấu hổ của con người, Khổng tử nói “bậc quân tử phải biết xấu hổ khi không<br />
làm được những điều mình nói” [7;278]. Còn Mạnh tử cho rằng, làm người không thể không biết<br />
xấu hổ, để bảo vệ sự tôn nghiêm của nhân cách, đối với các hành vi thiếu đạo đức thì không được<br />
làm. Sỉ là một loại lương tâm đạo đức, biết xấu hổ là yêu cầu cơ bản để làm người, không biết xấu<br />
hổ là người không có nhân cách, bởi vậy, Mạnh tử nhấn mạnh, “con người phải có lòng biết xấu<br />
hổ”, “sự xấu hổ có quan hệ rất lớn đối với con người,... Không thấy xấu hổ như người ta thì làm<br />
sao theo kịp người ta” [7;555]. Lấy sự xấu hổ để làm sự quan trọng của việc xây dựng quốc gia đều<br />
được các nhà Nho tán đồng. Bởi vậy, từ ngàn xưa tới nay, những bậc nhân sĩ vì để rửa mối quốc<br />
nhục mà đầu rơi máu chảy không từ, đó cũng là một biểu hiện của tinh thần “biết xấu hổ”.<br />
<br />
2.1.2. Tư tưởng Nho giáo với tư cách là triết lí giáo dục<br />
Trên thực tế, môn phái Nho gia chính là được hình thành trong quá trình dạy học ở trường<br />
tư thục của Khổng Tử. Do vậy, thật ra Khổng Tử là một nhà giáo dục thành công.<br />
Đầu tiên, từ góc độ bình đẳng con người, Khổng Tử khẳng định quyền được giáo dục của<br />
tất cả mọi người (hữu giáo vô loài), do vậy, quý tộc được giáo dục, thường dân cũng nên nhận được<br />
sự giáo dục, xét về quyền được học tập thì quý tộc và dân thường là bình đẳng. Trên cơ sở đó, ông<br />
cũng đưa ra đối với những người học thì không phần biệt đối xử, tất cả đều có quyền học như nhau<br />
và không khước từ bất kì ai đến học. Nhìn từ góc độ sự khác nhau giữa các cá thể, Khổng Tử khẳng<br />
định tác dụng quan trọng của giáo dục. Khổng Tử từng đưa ra mệnh đề triết học nổi tiếng “tính<br />
tương cận dã, tập tương viễn”, đó chính là cơ sở lí luận trong tư tưởng giáo dục của Nho giáo. Ông<br />
cho rằng tính cách, bản năng và những tố chất ban đầu của con người cũng gần giống nhau, “tập”<br />
là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự khác biệt tính cách con người, bao gồm cả sự nỗ lực chủ quan<br />
của cá nhân, ảnh hưởng của giáo dục càng góp phần quan trọng, cơ sở của giáo dục dựa vào tính<br />
“dẻo” của mỗi cá nhân. Do vậy, Khổng tử đặc biệt nhấn mạnh tác dụng to lớn của giáo dục đem<br />
lại trong quá trình lâu dài của một con người. Ông phân biệt con người cao thấp thông qua thái độ<br />
đối với việc học “Khi sinh ra đã biết, là người ở tầng lớp trên; sau khi học mới biết, là người ở tầng<br />
lớp thư hai; khi gặp khó khăn mới học, là người ở tầng lớp thứ ba; gặp khó khăn mà không học,<br />
là tầng lớp dưới cùng” [7;312]. Ông cho rằng trí tuệ của con người, mạnh yếu không phải là tuyệt<br />
đối, có thể thay đổi thông qua sự giáo dục và học tập sau này và ông tin rằng thông qua sự giáo<br />
dục kiên trì và bền bỉ có thể giáo hóa con người và xã hội.<br />
Thứ hai, về mục đích của giáo dục, Khổng Tử cho rằng mục đích của giáo dục có ba mục<br />
đích chính. Một là, đào tạo nguồn nhân lực cai quản chính trị quốc gia. Lập trường chính trị của<br />
ông là “vi chính tại nhân”, đề xướng “cử hiền tài”, “lễ hiền hạ sĩ”, nỗ lực thông qua giáo dục để bồi<br />
dưỡng những quân tử hiền tài. Theo một ý nghĩa nào đó, ông cho rằng giáo dục chính là bộ phận<br />
quan trọng cấu thành nên nền chính trị có chất lượng, khẳng định giáo dục có ảnh hưởng quan<br />
trọng đối với chính trị. Mục đích dạy cho các học trò của ông chính là đào tạo tài năng đủ để có thể<br />
gánh vác việc nước. Nếu như học hành chưa đạt được thành tích ưu tú, chưa đạt được tiêu chuẩn<br />
thi không nên làm quan. Ông còn nhấn mạnh: cho dù là cha truyền con nối hay tuyển chọn hiền tài<br />
làm quan thì cũng phải thông qua việc “học” mới có thể đủ đức đủ tài để trị quốc. Tư tưởng này<br />
đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hai là, hoàn thành nhân cách. Cái học ấy là phải học cho mình chứ<br />
không phải học cho ai hết [5;258]. Cho nên Khổng Tử lấy bốn điều làm chương trình giáo dục là:<br />
85<br />
<br />
Phạm Việt Thắng<br />
<br />
văn chương, thực hành, trung nghĩa và tín nhiệm. Trong bốn điều thì ba điều thuộc về nhân sinh<br />
hành vi, đại biểu cho nhân cách của một cá nhân hành động ở đời [5;260]. Ba là, tìm tòi chân lí.<br />
Chân lí ở đây là đạo lí, “kẻ sĩ để chí vào đạo lí mà xấu hổ vì áo xấu, ăn đơn xơ thì không đáng<br />
bàn” [7;139].<br />
Thứ ba, về nội dung giáo dục, Khổng Tử khai thác nội dung giáo dục mở rộng, phong phú,<br />
chủ trương kết hợp giáo dục kiến thức với giáo dục đạo đức với nhau, coi việc bồi dưỡng phẩm<br />
chất tư tưởng và đạo đức luân lí là chủ đạo. Khổng Tử tuy cũng thực hiện rèn luyện lễ nghĩa thông<br />
thường, nhưng chú trọng hơn vào việc tìm kiếm và lĩnh hội về tinh thần thực chất. Trong nội dung<br />
giáo dục phong phú, Khổng Tử rất chú trọng đến quan hệ mật thiết giữa nội dung giáo dục và<br />
cuộc sống hiện thực, ra sức bài trừ những nội dung xa rời cuộc sống. Tuy nội dung chủ đạo trong<br />
giáo dục của Khổng Tử là đức giáo, nhưng không gạt bỏ giáo dục những kiến thức văn hóa thông<br />
thường và kiến thức khoa học tự nhiên. Trong tài liệu dạy học “lục kinh” có rất nhiều tài liệu lịch<br />
sử về khoa học kĩ thuật cổ đại, kiến thức của Khổng Tử cũng vô cùng phong phú, uyên sâu, tuyệt<br />
đối không chỉ giới hạn ở một góc “đức hành”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nội dung giáo dục<br />
Khổng Tử bị khuyết một lỗ hổng ở chỗ ông không có dạy kiến thức và kĩ năng lao động sản xuất.<br />
Thực ra đó chính là sự gắn kết không thể tách rời liên quan đến mục đích mở trường lớp dạy tư và<br />
lí tưởng chính trị của Khổng Tử. Ông muốn đào tạo không phải là người làm nông hay người trồng<br />
rau mà là đào tạo nguồn nhân lực để thực thi chính sách nhân đạo.<br />
Thứ tư, Khổng Tử đã tích lũy và tổng kết những kinh nghiệm dạy học phong phú trong quá<br />
trình dạy học, khái quát ra hàng loạt những nguyên tắc và phương pháp luận có liên quan đến giáo<br />
dục, và nâng cao hơn yêu cầu về tố chất và trình độ của người làm giáo dục.<br />
Khổng Tử cho rằng nguyên tắc căn bản của giáo dục đó là nguyên tắc hướng dẫn gợi mở,<br />
trong quá trình dạy học, phương pháp giáo dục quan trọng nhất mà ông áp dụng đó là dạy phương<br />
pháp hướng dẫn. Ông nhấn mạnh, trong quá trình dạy học, người thầy phải phát huy tác dụng chủ<br />
đạo, luôn động viên, khích lệ học sinh có tinh thần tích cực chủ động tư duy, chủ động học tập phát<br />
hiện những vấn đề, những khó khăn sẽ tự động hình thành tư duy tích cực, chủ động suy nghĩ, sau<br />
đó người thầy mới bổ sung những hướng dẫn phù hợp, không nên truyền đạt một cách quá chi tiết<br />
cụ thể, sẽ khiến cho học sinh hình thành tính ỉ lại, dựa dẫm, ngăn cản sự phát triển tư duy và năng<br />
lực suy nghĩ độc lập. Đây là một tư tưởng giáo dục hiện đại, thực chất chính là hướng vào người<br />
học, đề cao tính chủ động tích cực của người học.<br />
Khổng Tử chỉ rõ điều cốt lõi của phương pháp hướng dẫn học nằm ở người thầy. Sự học tập<br />
phải biết tư duy, phải biết “ôn cố nhi tri tân”, xâu chuỗi các kiến thức, các vấn đề. Khổng Tử đặc<br />
biệt nhấn mạnh trong quá trình dạy học, người thầy phải có nghệ thuật hướng dẫn học sinh nhận<br />
thức và biết vận dụng suy lí logic, vận dụng tốt kiến thức để hiểu rõ ràng những điều cơ bản, đơn<br />
giản của một sự việc, sau đó tư duy logic để hiểu ý nghĩa sâu rộng hơn của vấn đề đó, giúp cho<br />
học sinh có thể nắm chắc kiến thức, phát huy được kinh nghiệm của bản thân. Chỉ có dùng mọi<br />
cách kích thích hứng thú học tập của học sinh, giúp chúng rèn luyện tinh thần chủ động thì phương<br />
pháp hướng dẫn học mới có thể đem lại hiệu quả, các học sinh mới có thể “học một biết mười”.<br />
Để thực hiện phương pháp này, Khổng Tử đưa ra nguyên tắc giáo dục dạy theo trình độ,<br />
theo năng khiếu. Phương pháp hướng dẫn học chỉ xây dựng dựa trên cơ sở dạy học tùy theo trình<br />
độ của học sinh mới có thể phát huy tác dụng của nó. Trong khi dạy học, Khổng Tử chú ý đến<br />
những điểm khác biệt cá thể của học sinh, trên cơ sở cố gắng hết sức tìm hiểu tính cách, tài trí, đức<br />
hành của học sinh, từ đó tiến hành những hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với học sinh. Đồng thời, ông<br />
cũng rất chú ý quan sát, nắm bắt tính cách và đặc điểm của học trò, bao gồm bao gồm cả ưu điểm<br />
và nhược điểm để có cách giáo dục thích hợp.<br />
86<br />
<br />