intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng Low-code/No-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Ứng dụng Low-code/No-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối" đề xuất một quy trình phát triển ứng dụng Low-code/No-code nhằm cải thiện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong hoạt động giao hàng chặng cuối. Bài viết đã triển khai phương pháp thực nghiệm trên nền tảng Bubble và xác định quy trình logic nghiệp vụ và tự động hóa cho ba tính năng quan trọng (theo dõi đơn hàng, tái lập lịch giao hàng, lựa chọn điểm giao nhận CDP). Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng Low-code/No-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối

  1. ỨNG DỤNG LOW-CODE/NO-CODE TRONG HOẠT ĐỘNG GIAO HÀNG CHẶNG CUỐI Từ Thanh Hằng, Phạm Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Cẩm Ly, Cao Hương Giang, Huỳnh Thu Phương, Nguyễn Thị Thúy Hạnh*, Lê Thị Kim Hiền Khoa Hệ thống Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM * Tác giả liên hệ: hanhntt@uel.edu.vn TÓM TẮT Với sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng linh hoạt, giao hàng chặng cuối đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nền tảng Low-code/No-code dần trở nên phổ biến và hứa hẹn trong việc phát triển ứng dụng giao hàng hiệu quả cho doanh nghiệp. Bài nghiên cứu này đề xuất một quy trình phát triển ứng dụng Low-code/No-code nhằm cải thiện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong hoạt động giao hàng chặng cuối. Bài viết đã triển khai phương pháp thực nghiệm trên nền tảng Bubble và xác định quy trình logic nghiệp vụ và tự động hóa cho ba tính năng quan trọng (theo dõi đơn hàng, tái lập lịch giao hàng, lựa chọn điểm giao nhận CDP). Ngoài ra, chúng tôi đề xuất các khuyến nghị cho các doanh nghiệp vận chuyển trong quá trình chuyển đổi số ngành logistics bằng việc sử dụng Low-code/No-code nhằm tối ưu hóa hoạt động giao hàng chặng cuối, đồng thời mang lại lợi ích vượt trội cho hệ thống cung ứng cũng như giao hàng của mình. Từ khóa: công ty vận chuyển, CDP, giao hàng chặng cuối, low-code/no-code, thương mại điện tử. I. GIỚI THIỆU Thương mại điện tử hiện nay đang dần trở thành xu hướng tất yếu và là một công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh doanh số, Bộ Công Thương, Việt Nam xếp hạng thứ 9 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm trực tuyến hàng tuần cao nhất Thế giới với 60,7%. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử, kết hợp với nhu cầu giao hàng nhanh và linh hoạt theo lịch đặt của khách hàng, đã thúc đẩy đáng kể hoạt động vận chuyển chặng cuối. Giao hàng chặng cuối được đánh giá là quá trình quan trọng nhất của quy trình e-logistic, là “đoạn cuối cùng” của việc thực hiện đơn hàng từ bưu cục đến giao tận tay khách hàng, nhằm mục đích giao các sản phẩm được đặt hàng trực tuyến đến người tiêu dùng cuối cùng (Limet và cộng sự, 2018). Giao hàng chặng cuối tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường (Duong, L. 2019). Chi phí giao hàng chặng cuối hiện chiếm 53% trên tổng chi phí thương mại điện tử và 39% khách hàng sẽ sẵn sàng thay đổi nhà cung cấp nếu họ không nhận được dịch vụ giao hàng tận nơi tốt nhất (Hoang Huong Giang và cộng sự, 2020). Theo phỏng vấn ngắn với các tài xế, 99% đơn hàng trực tuyến được giao theo mô hình giao hàng tận nhà (AHD) phải giao lại 2 hoặc 3 lần mới đến tay khách hàng (Nguyen Thi Cam Loan và cộng sự, 2022), một phần nguyên nhân của vấn đề này là do sự không có mặt của khách hàng tại địa điểm nhận hàng. Việc ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử còn hạn chế, chỉ số ứng dụng công nghệ 4.0 của Việt Nam chỉ xếp thứ 95/140 quốc gia (Điểm: 43,3/100) (Nguyen Thi Cam Loan và cộng sự, 2022). Những tác nhân trên gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động giao hàng chặng cuối và làm tăng chi phí, giảm tính hiệu quả của quy trình vận hành trong ngành logistics. Với sự phát triển của Internet và làn sóng số hóa, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí để đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với yêu cầu thay đổi của thị trường (Meg Fryling, 2019). Trong bối cảnh đó, các nền tảng low-code/no-code đã xuất hiện, hứa hẹn không chỉ tăng năng suất mà còn thúc đẩy tiến bộ công nghệ, khuyến khích văn hóa đổi mới và mang lại linh hoạt trong kinh doanh (Long, Wang. và cộng sự, 2022). Ứng dụng low-code/no-code đã được nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết trong lĩnh vực ERP (Long, Wang. và cộng sự, 2022) và giáo dục ( Luo, J., & Hou, M. , 2023). Trong lĩnh vực ERP, low-code/ no-code giúp tạo ra hệ thống quản lý linh hoạt, giảm chi phí phát triển và vấn đề cách ly dữ liệu. Đồng thời, tùy chỉnh hệ thống ERP thông qua nền tảng Low-code tiết kiệm hơn 29% so với phương pháp truyền thống (Adrian Abendroth, 2022). Trong giáo dục, phát triển phần mềm Low- 203
  2. code được sử dụng để thiết kế và triển khai hệ thống báo cáo thống kê cơ sở giáo dục đại học, tối ưu hóa việc báo cáo dữ liệu, giảm công việc thống kê và nâng cao chất lượng báo cáo. Nghiên cứu của Yajing Luo và cộng sự (2021) đã chỉ ra rằng nền tảng Low-code/No-code cung cấp một giao diện người dùng đồ họa dễ sử dụng, không yêu cầu viết mã, đặc biệt được ưa chuộng trong các lĩnh vực có nhu cầu tự động hóa quy trình và luồng công việc. Các nghiên cứu gần đây đã đề xuất một số giải pháp tiềm năng nhằm cải thiện quá trình giao hàng, bao gồm sử dụng phương tiện giao hàng tự động (Sebastian, Kapser. và Mahmoud, Abdelrahman., 2020), vận chuyển đám đông (Kuancheng, Huang. và Muhammad, Nashir, Ardiansyah., 2019) và tủ khóa bưu kiện (Maja, Kiba-Janiak., và cộng sự, 2021). Mặc dù những giải pháp này đã đạt được một số thành công đáng kể trong việc tối ưu hóa quá trình giao hàng, tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp vận chuyển phát triển ứng dụng quản lý đơn hàng hiện tại hoàn chỉnh hơn nhằm tăng cường hiệu quả và trải nghiệm khách hàng trong quá trình giao hàng cuối cùng. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng và nhu cầu hoàn thiện hóa hệ thống quản lý đơn hàng hiện tại của các doanh nghiệp vận chuyển, việc tìm hiểu và phát triển các tính năng tiên tiến trở thành một thách thức quan trọng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu và đề xuất những tính năng nổi bật, được mô phỏng và triển khai trên một ứng dụng quản lý đơn hàng mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng một cách tốt nhất. Bằng cách kết hợp công nghệ mới Low-code/No-code, chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ mang lại những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực quản lý đơn hàng và nâng cao hiệu suất giao hàng chặng cuối. Bài viết gồm có 5 phần như sau. Phần 1 giới thiệu tổng quan nghiên cứu, Phần 2 khái quát cơ sở lý thuyết. Phần 3 trình bày phương pháp nghiên cứu. Phần 4 phân tích kết quả. Phần 5 trình bày kết luận. II. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN 2.1 Giao hàng chặng cuối và điểm giao nhận CDP Giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử là quá trình các gói hàng được vận chuyển từ kho đến địa chỉ của khách hàng, theo đó lô hàng được giao cho người nhận (tại điểm thu nhận, nhà của người nhận, hàng xóm v.v.) (Gevaers R và cộng sự, 2009). Đây là liên kết giữa quy trình đặt hàng trực tuyến và quá trình giao hàng vật lý (Esper TL, 2004). Cấu hình hệ thống giao hàng chặng cuối, một phần của chuỗi cung ứng, đã được xem xét trong nghiên cứu này và được thể hiện trong Hình 2.1. Hình 2.1: Hoạt động giao hàng chặng cuối trong chuỗi cung ứng bán phần (mô hình 1 lớp) (Tauseef Aized và Jagjit Singh Srai, 2011) Hoạt động giao hàng chặng cuối bao gồm điểm trung chuyển, điểm giao hàng và khách hàng, và chúng được mô tả cụ thể hơn trong Hình 2.2. 204
  3. Hình 2.2: Hệ thống giao hàng chặng cuối (Tauseef Aized và Jagjit Singh Srai, 2011) Lý thuyết về điểm giao nhận (CDP) là một trong những khả năng khác nhau của điểm giao hàng. Điểm giao hàng là nơi nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cuối cùng giao bưu kiện và khách hàng nhận hoặc đến lấy hàng (Tauseef Aized và Jagjit Singh Srai, 2014). Tất cả các tùy chọn giao hàng không được chỉ định để giao các đơn vị hàng hóa trực tiếp đến nhà của khách hàng được nhóm lại thành thuật ngữ "điểm giao nhận CDP". Giao hàng chặng cuối được coi là một trong những phần đắt đỏ nhất của chuỗi cung ứng và chiếm từ 13% đến 75% tổng chi phí chuỗi cung ứng (Gevaers R và cộng sự, 2009). Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tối ưu hoá hoạt động giao hàng chặng cuối để giảm thiểu chi phí. Một trong những nguyên nhân chính gây tăng chi phí là "thất bại trong lần thử đầu tiên", dẫn đến việc tăng số lần giao hàng và phụ phí liên quan (Xu và cộng sự, 2018). Nghiên cứu của Milena Janjevic và cộng sự (2018) đã chỉ ra rằng điểm giao nhận hàng (CDP) có thể là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề khách hàng vắng mặt tại địa điểm giao hàng và tránh các chi phí bổ sung liên quan đến nhiều lần giao hàng không thành công, đặc biệt là đối với các đơn hàng thanh toán khi giao hàng. Theo Alejandro Escudero-Santana và cộng sự (2022), việc cho phép khách hàng chọn khung thời gian giao hàng ưa thích có thể làm tăng chất lượng dịch vụ và tạo cơ hội cho các nhà vận chuyển tăng sự cân bằng, linh hoạt giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Điều này cho thấy tiềm năng của việc áp dụng lý thuyết điểm giao nhận CDP và cho phép khách hàng lựa chọn khung giờ phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động giao hàng chặng cuối. 2.2. Low-code/ No-code ứng dụng trong lĩnh vực logictics Năm 2014, Outsystems đã giới thiệu phiên bản miễn phí của nền tảng low-code/no-code cho các nhà phát triển (Clay, R.và cộng sự, 2014). Từ đó, đã xuất hiện một xu hướng rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng mã code và giảm đầu tư ban đầu cho việc thiết lập, đào tạo và triển khai phát triển phần mềm. Sau khi Forrester định nghĩa thuật ngữ "Low-code development platform (LCDP)" vào năm 2014, CEO của GitHub đã đề cập đến viễn cảnh không cần lập trình trong tương lai vào năm 2017. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ low-code/no-code đã đóng một vai trò quan trọng và có tầm quan trọng không thể chối cãi trong việc giải quyết các thách thức quan trọng trong ngành logistics. Đặc biệt, việc ứng dụng nền tảng low- code/no-code đã chứng minh khả năng tăng tốc độ thời gian và giảm chi phí trong các hoạt động liên quan. Theo Olga, Biedova và cộng sự (2023), việc sử dụng công cụ low-code/no-code đã giúp cung cấp thông tin về lô hàng gần như theo thời gian thực, tạo điều kiện cho các nhà quản lý hậu cần và vận tải có cái nhìn tổng quan về tình trạng lô hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang chịu tác động của đại dịch Covid-19. Một nghiên cứu khác của Filip, Nowak và cộng sự (2022) đã chỉ ra rằng áp dụng low-code/no-code trong quy trình chấp nhận bưu kiện trong kho của một công ty thương mại điện tử đã giúp nâng cao hiệu suất và giảm thời gian triển khai ứng dụng di động. Ngoài ra, Sunil, Kumar, Jauhar và cộng sự (2023) đã đề xuất việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không mã (No-code AI) và mô hình máy học để giảm thiểu sai lệch hàng tồn kho. Các kết quả nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng cho thấy tiềm năng và triển vọng lớn của việc áp dụng công nghệ low-code/no-code để cải thiện hiệu quả hệ thống chuỗi cung ứng, đặc biệt hoạt động giao hàng chặng cuối. III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 205
  4. Nghiên cứu này áp dụng phương pháp nghiên cứu ứng dụng bằng cách xây dựng một ứng dụng trên nền tảng Bubble, một trong những nền tảng phát triển ứng dụng di động hàng đầu với hướng tiếp cận low-code/no-code. Quy trình thực hiện như Hình 3.1 dưới đây. Hình 3.1: Quy trình nghiên cứu Quy trình bao gồm ba bước chính như sau: (1) Chuẩn bị: giai đoạn xác định các tính năng, quy trình kinh doanh, luồng dữ liệu và giao diện người dùng. Đây là giai đoạn để hiểu rõ mục tiêu và yêu cầu của ứng dụng; (2) Cài đặt và triển khai: giai đoạn này gồm hai giai đoạn phụ là Xây dựng logic nghiệp vụ và Kiểm thử. Giai đoạn xây dựng logic nghiệp vụ gồm nhiều bước nhỏ, đầu tiên thiết kế cơ sở dữ liệu để lưu trữ dữ liệu cho ứng dụng. Sau đó, xử lý logic nghiệp vụ của ứng dụng. Điều này bao gồm việc thêm các luật và quy tắc để xử lý các tác vụ và quy trình kinh doanh. Đồng thời, kết nối với các dịch vụ bên ngoài hoặc ứng dụng hiện có của doanh nghiệp thông qua API. Sau khi xây dựng logic nghiệp vụ, giai đoạn kiểm thử được thực hiện để đảm bảo rằng ứng dụng hoạt động chính xác và không có lỗi. Bằng cách tiến hành các bài kiểm tra và sửa lỗi, giai đoạn này nhằm đảm bảo ứng dụng đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra và hoạt động một cách ổn định; (3) Đánh giá & điều chỉnh: là giai đoạn cuối cùng trong quy trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng di động trên nền tảng low-code/no-code. Trong giai đoạn này, chúng ta theo dõi và duy trì ứng dụng đã triển khai. Bất kỳ lỗi hoặc vấn đề nào được phát hiện trong ứng dụng sẽ được xử lý và nâng cấp khi cần thiết. IV. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN Trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối, Low-code/No-code có tiềm năng hỗ trợ tự động hoá các quy trình liên quan đến việc kết nối nguồn dữ liệu, kích hoạt hành động dựa trên các điều kiện cụ thể gắn với nhóm đối tượng chính là “Khách hàng”. Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu lựa chọn đề cập đến kết quả triển khai 3 tính năng liên quan đến việc quản lý đơn hàng trong hoạt động giao hàng chặng cuối nhằm hỗ trợ cho khách hàng gồm: “Theo dõi đơn hàng”, “Tái lập lịch giao hàng” và “Lựa chọn điểm giao nhận CDP”. 4.1. Phân tích và thiết kế Usecase tính năng đề xuất được minh họa trong Hình 4.1 và được mô tả dưới đây: 206
  5. Hình 4.1: Sơ đồ use case Theo dõi và tùy chỉnh đơn hàng trên ứng dụng Hệ thống này bao gồm hai tác nhân chính đó là: Khách hàng: tác nhân này đại diện cho người đặt hàng hoặc người nhận hàng. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để theo dõi trạng thái và tùy chỉnh quá trình giao hàng chặng cuối; Hệ thống: Tác nhân này đại diện cho phần mềm hoặc hệ thống thông tin tự động của các doanh nghiệp vận chuyển. Usecase: Theo dõi đơn hàng - Mô tả: Usecase này mô tả quá trình theo dõi trạng thái của một đơn hàng trong hệ thống. - Luồng cơ bản: 1. Người dùng truy cập vào ứng dụng. 2. Người dùng chọn đơn hàng muốn theo dõi. 3. Hệ thống truy xuất thông tin chi tiết về đơn hàng từ cơ sở dữ liệu. 4. Hệ thống hiển thị trạng thái hiện tại của đơn hàng, bao gồm các bước xử lý và dự kiến thời gian giao hàng. 5. Người dùng có thể cập nhật thông tin trạng thái và nhận thông báo về các cập nhật mới. Usecase: Tái lập lịch giao hàng - Mô tả: Use case này mô tả quá trình tái lập lịch giao hàng của một đơn hàng theo yêu cầu thời gian mới - Luồng cơ bản 1. Người dùng chọn một đơn hàng từ danh sách đơn hàng. 2. Hệ thống hiển thị thông tin chi tiết về đơn hàng và ngày giao hàng hiện tại. 3. Người dùng yêu cầu tái lập lịch giao hàng bằng cách chọn tùy chọn "Tái lập lịch giao hàng". 4. Hệ thống hiển thị một biểu mẫu cho phép người dùng nhập ngày và thời gian giao hàng mới. 5. Người dùng điền thông tin vào biểu mẫu. 6. Hệ thống kiểm tra tính hợp lệ của thông tin và cập nhật lịch giao hàng mới cho đơn hàng. 7. Hệ thống hiển thị thông báo xác nhận và cập nhật lịch giao hàng mới cho đơn hàng. Usecase: Lựa chọn điểm giao nhận CDP - Mô tả: Use case này mô tả quá trình lựa chọn điểm giao nhận CDP (Collect and Delivery Point) cho một đơn hàng. - Luồng cơ bản: 1. Người dùng chọn một đơn hàng từ danh sách đơn hàng. 207
  6. 2. Hệ thống hiển thị thông tin chi tiết về đơn hàng và địa chỉ giao nhận hiện tại. 3. Người dùng yêu cầu thay đổi điểm giao nhận bằng cách chọn tùy chọn "Lựa chọn điểm giao nhận CDP". 4. Hệ thống hiển thị danh sách các điểm giao nhận CDP có sẵn. 5. Người dùng lựa chọn một điểm giao nhận CDP từ danh sách. 6. Hệ thống cập nhật thông tin điểm giao nhận mới cho đơn hàng và hiển thị thông báo xác nhận. Các quy tắc, ràng buộc khi thực hiện theo dõi và tùy chỉnh đơn hàng trên ứng dụng gồm: (1) Thời gian thay đổi phải lớn hơn 1 giờ so với thời gian cũ (2) Người dùng chỉ được tùy chỉnh đơn hàng 1 lần duy nhất và chỉ được hiệu chỉnh một trong 2 tùy chọn giữa “Chọn phương thức CDP” và “Tái lập lịch giao hàng”. 4.2. Thiết kế giao diện người dùng của ứng dụng Bằng cách sử dụng Bubble, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai một ứng dụng di động đơn giản nhưng mạnh mẽ để quản lý quy trình giao hàng chặng cuối theo cách tiếp cận từ "Thiết kế UI (User Interface) đến dữ liệu" được minh họa trong Hình 4.2, 4.3, 4.4 dưới đây. Với Bubble, nhóm nghiên cứu đã có thể tạo giao diện người dùng trực quan và linh hoạt để người dùng có thể dễ dàng tương tác với ứng dụng. Các thành phần kéo và thả của Bubble cho phép chúng tôi tạo các trang, biểu mẫu và điều hướng một cách nhanh chóng, giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết để phát triển ứng dụng. Hình 4.2: Tính năng theo dõi đơn hàng Hình 4.3: Tính năng tái lập lịch giao hàng 208
  7. Hình 4.4: Tính năng Lựa chọn điểm giao nhận CDP 4.3. Triển khai logic nghiệp vụ và tự động hóa Quy trình kích hoạt hành động dựa trên các điều kiện cụ thể của ba tính năng “Theo dõi đơn hàng”, “Tái lập lịch giao hàng”, “Lựa chọn điểm giao nhận CDP” được minh họa trong Hình 4.5, 4.6, 4.7 bên dưới. Hình 4.5. Workflow cho tính năng “Theo dõi đơn hàng” Hình 4.6. Workflow cho tính năng “Tái lập lịch giao hàng” Tại trang “Chi tiết Đơn hàng, khách hàng”, khách hàng cần nhấn vào biểu tượng chỉnh sửa tại mục Thời gian Giao hàng dự kiến khi muốn thay đổi thời gian giao hàng. Hệ thống hiển thị một cửa sổ pop-up thông báo tùy chỉnh thời gian giao hàng, mang đến trải nghiệm trực quan. Trong cửa sổ pop-up này, khách hàng nhấn vào biểu tượng Calendar để tiếp tục đến cửa sổ pop-up tiếp theo, nơi có thể linh hoạt chọn ngày và giờ giao hàng mới. Sau khi thực hiện các điều chỉnh, khách hàng nhấn OK để quay lại cửa sổ pop-up ban đầu. Khi quyết định lưu thay đổi, việc nhấn vào nút Lưu sẽ kích hoạt hệ thống tự động cập nhật dữ liệu mới, thay thế thông tin cũ. Cùng lúc đó, cửa sổ pop-up sẽ tự động ẩn đi, tạo nên một quy trình tương tác mượt mà và chuyên nghiệp cho người dùng. 209
  8. Hình 4.7. Workflow cho tính năng “Lựa chọn điểm giao nhận CDP” Khi trang web được tải lên, quy trình tự động sẽ kích hoạt một cửa sổ pop-up xuất hiện bằng cách sử dụng tính năng tích hợp của Bubble.io để quản lý hiển thị popup và kết hợp nó với sự kiện trang được load. Khi người dùng nhấn vào nút 'Cho phép' trên cửa sổ popup, quy trình sẽ tự động kích hoạt hành động 'Get position' từ GPStracker, điều này đảm bảo rằng ứng dụng sẽ gọi và nhận vị trí hiện tại của người dùng thông qua GPS. Hành động song song với đó là “Hide popup”, giúp ẩn đi cửa sổ thông báo và tạo ra một trải nghiệm người dùng liền mạch. Sau khi popup được ẩn, quy trình tiếp tục với hành động 'Show message', hiển thị dữ liệu về vị trí hiện tại của người dùng. Ngược lại, trong kịch bản sử dụng ứng dụng, nếu người dùng chọn tùy chọn 'Bỏ qua' trên cửa sổ popup, quy trình sẽ tự động chuyển hướng người dùng trở lại trang trước đó. Hành động này được thiết lập để đảm bảo rằng người dùng có thể dễ dàng quay lại và tiếp tục trang trước đó mà không cần thực hiện bất kỳ hành động nào phức tạp. Khi hệ thống đã thành công trong việc lấy dữ liệu vị trí GPS từ người dùng, ứng dụng tự động triển khai một giao diện hiển thị danh sách cửa hàng tiện lợi. Danh sách này được tự động sắp xếp theo khoảng cách từ người dùng, từ cửa hàng gần nhất đến xa hơn, tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm của họ. Hơn nữa, nhóm phát triển sử dụng tính năng search box tích hợp trong Bubble.io, người dùng có thể chủ động nhập thông tin và lọc kết quả, giúp họ dễ dàng định vị và lựa chọn cửa hàng tiện lợi theo nhu cầu cá nhân. Khi khách hàng đã chọn một cửa hàng phù hợp và nhấn 'Chọn ngay', hệ thống tự động xác nhận và cập nhật dữ liệu địa chỉ mới. Ngay sau khi xác nhận thành công, hệ thống tự động hiển thị cửa sổ popup thông báo “Thay đổi thành công”, tối ưu hóa quy trình thay đổi thông tin và thông báo kết quả. 4.4. Một số khuyến nghị tới các doanh nghiệp vận chuyển nhằm nâng cao khả năng áp dụng Low-code/No-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối Áp dụng công nghệ low-code/no-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối có thể tăng cường khả năng tương tác giữa các thành phần trong hệ thống vận chuyển. Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp vận chuyển. Bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả của hoạt động giao hàng chặng cuối như sau: Nghiên cứu và đánh giá các nền tảng Low-code/No-code: có nhiều công cụ low-code/no-code khác nhau, và mỗi công cụ có các tính năng và ưu điểm riêng. Việc nắm vững và lựa chọn công cụ phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng của no-code/low-code trong quá trình giao hàng chặng cuối. Đào tạo nhân viên và theo dõi hiệu quả: Mặc dù low-code/no-code có thể dễ dàng hơn việc viết mã truyền thống, nhưng vẫn cần có sự đào tạo để nhân viên làm quen với nền tảng và biết cách tận dụng các tính năng của nó để tối ưu hóa quy trình giao hàng chặng cuối. Tích hợp với hệ thống hiện có và các bên liên quan: giúp doanh nghiệp tạo ra một hệ thống toàn diện và đồng bộ, giảm thiểu rủi ro sai sót và tăng cường khả năng quản lý. Đồng thời, doanh nghiệp có thể tự động hóa các quy trình, chia sẻ dữ liệu và cung cấp thông tin chính xác, liên tục cho các bên liên quan. Nếu các khuyến nghị trên được thực hiện toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ, các doanh nghiệp vận chuyển sẽ có thể liên tục cải thiện hiệu quả quản lý và mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, đây là cơ hội để doanh 210
  9. nghiệp thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ, và tận dụng những lợi thế mới và sự khác biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển và thay đổi nhanh chóng. V. KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN Giao hàng chặng cuối được coi là một giai đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận chuyển, có nhiệm vụ đảm bảo việc giao hàng cuối cùng một cách hiệu quả và tiết kiệm cho khách hàng. Nghiên cứu này tập trung giải quyết vấn đề “thất bại trong lần giao hàng đầu tiên” do tình trạng vắng mặt của khách hàng thông qua phát triển một ứng dụng low-code/no-code với ba tính năng nổi bật: theo dõi đơn hàng, tái lập lịch giao hàng, lựa chọn điểm giao nhận. Phương án đề xuất này phù hợp cho các doanh nghiệp vận chuyển tích hợp và mở rộng ứng dụng hiện tại với chi phí thấp và thời gian tối ưu. Nghiên cứu có thể tiếp tục mở rộng phát triển theo hướng phát triển các tính năng và chức năng khác để nâng cao hiệu quả của ứng dụng low-code/no-code trong hoạt động giao hàng chặng cuối. Đồng thời, phạm vi nghiên cứu cũng có thể ứng dụng trên các lĩnh vực khác như bán lẻ, giáo dục, du lịch, marketing và nhân sự. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Adrian, Abendroth. (2022) Evaluation and Prototyping of Low-Code Application Platforms (LCAP) for ERP system Customization. 2. Alejandro Escudero-Santana, Jesús Muñuzuri ,Antonio Lorenzo-Espejo, María-Luisa Muñoz-Díaz. (2022). Improving e-commerce distribution through last-mile logistics with multiple possibilities of deliveries based on time and location. Journal of Theoretical and Applied Electronic Commerce Research, 17(2), 507-521. https://doi.org/10.3390/jtaer17020027. 3. Clay, R.; Rymer, J.R.; Mines, C.; Cullen, A.; Whittaker, D. New Development Platforms Emerge for Customer- Facing Applications; Forrester: Cambridge, MA, USA, 2014; Volume 15. 4. Duong, L. (2019) Investigation on Vietnamese customers’ intentio/n towards adopting collection and delivery points, Theseus. 5. Esper TL (2004) The last mile: an examination of effects of online retail delivery strategies on consumers. J Bus Logist 24(2):177–204. 6. Filip, Nowak., Jacek, Krzywy., Witold, Statkiewicz. (2022). Study on the Impact of the Use of No-code Application on Internal Logistics Processes in a Company from the E-Commerce Industry - Process Analysis. European Research Studies Journal, XXV(Issue 2B):59-71. doi: 10.35808/ersj/2936. 7. Hoang Huong Giang, Bui Viet Duc, Nguyen Thi Van Ha. (2020), “Đánh giá dịch vụ giao hàng chặng cuối tại Việt Nam từ góc độ người sử dụng cuối cùng”. Transport and Communications Science Journal, Vol 71, Issue 06 (08/2020), 726-736. doi https://doi.org/10.25073/tcsj.71.6.8. 8. Kuancheng, Huang., Muhammad, Nashir, Ardiansyah. (2019). A decision model for last-mile delivery planning with crowdsourcing integration. Computers & Industrial Engineering, doi: 10.1016/J.CIE.2019.06.059. 9. Loan, N. T., Huyen, N. T., Loan, B. T., Giang, T. T., Trinh, H. T., Dat, K. M., & Mai, P. T. (2022). Last–mile delivery in B2C e-commerce – common practices in some countries, but what do they mean for businesses in Vietnam? Journal of Hunan University Natural Sciences, 49(5), 21–32. https://doi.org/10.55463/issn.1674-2974.49.5.3. 10. Long, Wang., Shuaipeng, Guan., Wei, Deng., Ping, Lu. (2022). ERP System Design for Hydrogen Equipment Manufacturing Industry Based on Low Code Technology. Mobile Information Systems, doi: 10.1155/2022/5371471. 11. Luo, J., & Hou, M. (2023, January). Innovation of the Higher Education Grassroots Statistical Reports System based on Low-Code Development. In 2023 7th International Conference on Management Engineering, Software Engineering and Service Sciences (ICMSS) (pp. 36-40). IEEE. 12. Maja, Kiba-Janiak., Jakub, Mateusz, Marcinkowski., Agnieszka, Jagoda., Agnieszka, Skowrońska. (2021). Sustainable last mile delivery on e-commerce market in cities from the perspective of various stakeholders. Literature review. Sustainable Cities and Society, doi: 10.1016/J.SCS.2021.102984. 13. Meg Fryling. 2019. Low Code App Development. Journal of Computing Sciences in Colleges 34, 6 (2019). 14. Milena Janjevic, Matthias Winkenbach, Daniel Merchán. (2019). Integrating collection-and-delivery points in the strategic design of urban last-mile e-commerce distribution networks. Transportation Research Part E: Logistics and Transportation Review, Vol 131, 37-67. https://doi.org/10.1016/j.tre.2019.09.001. 211
  10. 15. Olga, Biedova., Blake, Ives., Iris, A., Junglas. (2023). Gnosis Freight: Harnessing Data and Low-Code to Shipping Container Visibility and Logistics. Communications of The Ais, 52:27-27. doi: 10.17705/1cais.05222. 16. R Gevaers, E. Van de Voorde and T. Vanelslander (2009). Characteristics and Typology of Last-mile Logistics from an Innovation Perspective in an Urban Context. City Distribution and Urban Freight Transport: Multiple Perspectives, Edward Elgar Publishing (2011): 56-71. 17. Sebastian, Kapser., Mahmoud, Abdelrahman. (2020). Acceptance of autonomous delivery vehicles for last-mile delivery in Germany – Extending UTAUT2 with risk perceptions. Transportation Research Part C-emerging Technologies, doi: 10.1016/J.TRC.2019.12.016. 18. Sunil, Kumar, Jauhar., Shashank, Mayurkumar, Jani., Sachin, S., Kamble., Saurabh, Pratap., Amine, Belhadi., Shivam, Gupta. (2023). How to use no-code artificial intelligence to predict and minimize the inventory distortions for resilient supply chains. International Journal of Production Research, 1-25. doi: 10.1080/00207543.2023.2166139. 19. Swinhoe. GitHub CEO: The Future of Coding is No Coding at All. 13 October 2017. [Online]. Available online: https://www.idgconnect.com/article/3578431/github-ceo-the-future-of-coding-is-no-coding-at-all.html (accessed on 5 January 2024). 20. Tauseef, Aized., Tauseef, Aized., Jagjit, Singh, Srai. (2014). Hierarchical modeling of Last Mile logistic distribution system. The International Journal of Advanced Manufacturing Technology, doi: 10.1007/S00170-013-5349- 3. 21. Yajing, Luo., Peng, Liang., Chong, Wang., Mojtaba, Shahin., Jing, Zhan. (2021). Characteristics and Challenges of Low-Code Development: The Practitioners' Perspective. arXiv: Software Engineering, doi: 10.1145/3475716.3475782. 212
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2