intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng nền tảng Web 2.0 trong dạy học ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược đáp ứng yêu cầu chương trình ngữ văn mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

45
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này muốn đề xuất một quy trình dạy học Ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0, từ đó nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn đáp ứng yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Mời các bạn tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng nền tảng Web 2.0 trong dạy học ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược đáp ứng yêu cầu chương trình ngữ văn mới

  1. ỨNG DỤNG NỀN TẢNG WEB 2.0 TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN THEO MÔ HÌNH LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN MỚI Phạm Thị Thanh Phượng1 Nguyễn Đức Can2 Lã Phương Thúy3 Trần Doãn Vinh4 Tóm tắt Mô hình lớp học đảo ngược mới ra đời ở Mỹ khoảng hơn 10 năm nay, được áp dụng rộng rãi trong các trường học nhiều nước trên thế giới, đã và đang được quan tâm, thử nghiệm ở Việt Nam những năm gần đây. Đó là sự “đảo ngược” so với lớp học truyền thống về tiến trình, mục tiêu, cách thức dạy học, vai trò của người dạy và người học với một dụng ý và chiến lược sư phạm khoa học, hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc ứng dụng nền tảng web 2.0 để xây dựng lớp học trực tuyến đã hỗ trợ và phát huy rất nhiều ưu điểm vượt trội của lớp học đảo ngược. Dựa trên cơ sở lí luận về mô hình lớp học đảo ngược, nền tảng web 2.0 và các yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới, bài viết này muốn đề xuất một quy trình dạy học Ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0, từ đó nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn đáp ứng yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Từ khóa: Lớp học đảo ngược; web 2.0; dạy học Ngữ văn; chương trình Ngữ văn mới; công nghệ thông tin. 1. Đặt vấn đề Cùng với bước chuyển của thế giới sang cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền giáo dục của các quốc gia cũng bước vào một giai đoạn mới gọi là giáo dục 4.0. Đó là nền giáo dục với những đặc trưng cơ bản là mở, học tập suốt đời, tương tác, cá thể hóa, đào tạo những con người cho hội nhập, canh tân và sáng tạo. Với việc đổi mới căn bản, toàn diện, nền giáo dục Việt Nam cũng đang từng bước hội nhập với xu hướng phát triển của giáo dục thế giới. Sự ban hành chính thức của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn vào 12/2018 (cùng với Chương trình tổng thể và chương trình các môn học khác) là một chuyển động tích cực trong bước tiến phát triển đó. Trong bài nghiên cứu này, dựa trên cơ sở lí luận về mô hình Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; ĐT: 0904660889 1, 2, 3, 4 Email: phamthanhphuong8383@gmail.com.
  2. 296 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN lớp học đảo ngược (MHLHĐN), nền tảng web 2.0 và các yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới, chúng tôi muốn đề xuất một quy trình dạy học (DH) Ngữ văn theo MHLHĐN với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0, từ đó nâng cao chất lượng DH Ngữ văn đáp ứng yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. 2. Một số vấn đề lí luận 2.1. Mô hình lớp học đảo ngược LHĐN (flipped classroom/ learning) là một mô hình DH mới ra đời ở Mỹ khoảng hơn 10 năm nay, được áp dụng rộng rãi trong các trường học nhiều nước trên thế giới. Năm 2000, khái niệm về MHLHĐN được đề xuất bởi Lage và các cộng sự (với thuật ngữ “the inverted classroom”). Theo đó, LHĐN được diễn giải đơn giản là “các công việc thực hiện ở trong lớp học truyền thống (LHTT) thì bây giờ sẽ thực hiện ở ngoài lớp học và ngược lại” [3, tr.32]. Tuy chưa đại diện một cách đầy đủ cho những gì các nhà nghiên cứu đang xây dựng về LHĐN, bởi định nghĩa này chỉ đơn giản là việc sắp xếp lại các hoạt động ở trên lớp và ở nhà, nhưng nó đã nói đến vấn đề cơ bản của khái niệm: đó là sự đảo ngược cách tổ chức dạy học theo truyền thống. “Sự “đảo ngược” ở đây được hiểu là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu DH và các hoạt động DH khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học” [4, tr.2]. Có thể mô tả cụ thể hơn sự khác biệt về hoạt động DH giữa LHTT và LHĐN như sau: Theo MHLHĐN, giờ học ở lớp học sinh (HS) sẽ dành cho các hoạt động hợp tác giúp củng cố thêm các khái niệm đã tìm hiểu thông qua việc xem các bài giảng ở nhà qua mạng. HS sẽ chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết hơn, các em có thể tiếp cận bài giảng bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần. Công nghệ E-learning giúp HS hiểu kỹ hơn về lý thuyết từ đó sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, bài tập nâng cao tại giờ học của lớp. Thang đo tư duy Bloom (2001) là cơ sở khoa học của phương pháp sử dụng mô hình lớp học đảo ngược. Theo thang đo này, “nhớ, hiểu” lý thuyết là những hoạt động đòi hỏi mức tư duy thấp nhất. Do đó, HS có thể tự xử lý một mình tại nhà, còn việc áp dụng, phân tích và sáng tạo dựa trên kiến thức đã có là hoạt động đòi hỏi mức tư duy đào sâu hơn và cần được thực hiện tại lớp, khi có thầy cô và bạn bè cùng thảo luận, chia sẻ, hỗ trợ. Như vậy, với việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ giảng dạy nhằm thúc đẩy quá trình học tập ở bên ngoài lớp học, một mặt MHLHĐN phát triển năng lực tự học của HS, mặt khác nó tạo cơ hội nhiều hơn cho các hoạt động thảo luận, tương tác, hỗ trợ trên lớp giữa GV-HS, HS-HS, từ đó dịch chuyển nhiệm vụ học tập sang các bậc cao theo thang đo Bloom. Bên cạnh đó, do môi trường học tập linh hoạt, mang tính tương tác cao, nên mô hình này tạo cơ hội cho việc cá nhân hóa quá trình học tập (về khả năng, thời gian, thái độ, hành vi và sở thích học tập của mỗi cá nhân người học), từ đó tạo ra môi trường học thực (deep learning), học có ý nghĩa (meaningful learning), chủ động, tích cực hơn cho HS.
  3. Phần 2: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC 297 2.2. Nền tảng web 2.0 Theo Wikipedia [5], trong các buổi tọa đàm và thuyết trình về công nghệ web, cụm từ Web 2.0 được nói tới như là một xu hướng trong thiết kế và phát triển web- thế hệ 2 của chuẩn web và các dịch vụ lưu trữ mà mục đích là nhắm tới những thuận tiện trong việc chia sẻ, hợp tác và sáng tạo giữa các người dùng. Nền tảng web 2.0 tạo ra bước ngoặt mới so với nền tảng web 1.0 ở sự linh hoạt và lấy người dùng làm trung tâm, vì nó được thiết kế và phát triển để tạo điều kiện cho cộng đồng mạng được chia sẻ, đóng góp, chỉnh sửa thông tin; tăng khả năng tương tác và hợp tác trên World Wide Web chứ không dừng lại ở việc chỉ duyệt và xem như thế hệ web 1.0. Năm 2005, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành O’Reilly Media – Tim O’Reilly đã đúc kết bảy đặc tính của web 2.0 như sau: Web có vai trò nền tảng, có thể chạy mọi ứng dụng; Tập hợp trí tuệ cộng đồng; Dữ liệu có vai trò then chốt; Phần mềm được cung cấp ở dạng dịch vụ web và được cập nhật không ngừng; Phát triển ứng dụng dễ dàng và nhanh chóng; Phần mềm có thể chạy trên nhiều thiết bị; Giao diện ứng dụng phong phú. Trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0, web 2.0 không chỉ thuần túy giữ vai trò là công cụ CNTT mà còn tạo ra một khuynh hướng DH: DH trực tuyến, DH kết nối đa phương tiện,… Với sự tương tác cao, DH trên nền tảng web 2.0 cho phép GV và HS chia sẻ ý tưởng và hợp tác theo những cách sáng tạo. Điều này tạo cơ sở thuận lợi cho người học phát huy tính chủ động, tích cực và lựa chọn cho riêng mình một “không gian học tập mở” với nhiều tính năng phong phú. 2.3. Những yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn” [2]. Chương trình Ngữ văn mới này được biên soạn theo yêu cầu “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0 như Chương trình tổng thể [1] đã đặt ra. Theo đó, ngoài việc giúp HS phát triển hai năng lực đặc thù của môn học là năng lực ngôn ngữ và văn học, môn Ngữ văn phải góp phần giúp HS phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Chính vì thế, chương trình Ngữ văn mới đã được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung DH mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức các bài học theo định hướng tích hợp, phân hóa đối tượng và tích cực hóa hoạt động cho HS. Về phương pháp giáo dục, với định hướng chung là “dạy học tích hợp và phân hóa; đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh” [2, tr.79]; chương trình Ngữ văn mới đã chỉ ra những yêu cầu cụ thể trong việc tổ chức DH
  4. 298 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN Ngữ văn, nhấn mạnh tới hoạt động trải nghiệm, phát triển tư duy bằng nhiều hình thức trong và ngoài lớp học, hoạt động tự học, tự nghiên cứu, thảo luận nhằm phát triển bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Về đánh giá kết quả giáo dục, chương trình Ngữ văn mới hướng tới mục tiêu “nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục” [2,tr.85]. Như vậy, phân tích chương trình Ngữ văn mới trên các mặt mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm tra - đánh giá, có thể thấy yêu cầu bao trùm lên tất cả các khâu của quá trình DH Ngữ văn là tập trung vào việc hình thành và phát triển năng lực (chung và đặc thù) cho HS, với định hướng DH phân hóa, cá nhân hóa, tích cực hóa hoạt động học tập của HS. Với những ưu điểm đã phân tích ở trên, việc áp dụng MHLHĐN với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0 vào DH Ngữ văn là một hướng đi đúng đắn, khả quan đáp ứng các yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới. 3. Tổ chức dạy học Ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0 MHLHĐN mà chúng tôi xây dựng sẽ bao gồm hai phần chính: các hoạt động học tập trực tuyến bên ngoài lớp học và các hoạt động học tập tương tác trực tiếp trên lớp. Vì thế trong phần này chúng tôi sẽ đề cập hai nội dung chính: thiết kế lớp học trực tuyến và thiết kế quy trình DH. 3.1. Thiết kế lớp học trực tuyến Hiện nay có rất nhiều phần mềm ứng dụng chạy trên nền tảng web 2.0 có thể giúp GV thiết kế các lớp học trực tuyến (Moodle, Edmodo,…). Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu ứng dụng Google Classroom để thiết kế bài học theo MHLHĐN. Đây là công cụ tích hợp các dịch vụ của Google (Gmail, Google Drive, Google Docs), hoàn toàn miễn phí, rất tiện ích, hiệu quả để tạo và quản lí các lớp học trực tuyến. Về cơ bản, Google Classroom giúp tổ chức một lớp học thông qua sự hỗ trợ của 3 tính năng quan trọng: Giao tiếp, Giao bài tập và Lưu trữ. Nó cho phép giáo viên (GV) tạo lớp học, mời học sinh (HS) tham gia; cung cấp các tài liệu học tập; xây dựng lịch học, tạo thông báo, câu hỏi, bài tập cho HS; kiểm tra tiến độ hoàn thành bài tập của HS, chấm bài, phản hồi về bài làm của HS. Đối với người học, lớp học trực tuyến sẽ tạo thông báo nhắc nhở về thời hạn nộp bài, giúp HS tự học mọi lúc mọi nơi. Các tài liệu, bài kiểm tra đã làm đều được lưu lại giúp HS tra cứu khi cần. Với Google Classroom, việc trao đổi bài học giữa GV với HS và thảo luận giữa các HS trở nên tiện lợi, nhanh gọn hơn. Ứng dụng này đã mở ra một phương pháp học tập mới cho HS ngay trên các thiết bị di động; thậm chí phù hợp với cả những người gặp khó khăn trong việc trực tiếp đến trường. Trước hết, GV cần tạo một lớp học trực tuyến bằng cách truy cập vào website https:// classroom.google.com và đăng nhập bằng tài khoảng Gmail, nhấp chuột vào dấu “+” ở góc
  5. Phần 2: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC 299 phải phía trên, chọn “Tạo lớp học”. Sau đó mời HS tham gia lớp học bằng cách gửi mã lớp học (bên trái phía trên giao diện chính của lớp học) cho HS. Hình 1. Giao diện chính của lớp học trực tuyến trên Google Classroom. Trong mỗi lớp học, chúng tôi thiết kế 5 nội dung chính sau (đây cũng là 5 nội dung học tập mà HS sẽ trải qua trong quá trình tự học online trước khi đến lớp): 3.1.1. Hướng dẫn nhiệm vụ học tập Đây là những chỉ dẫn về trình tự, cách thức thực hiện, mục tiêu cần đạt trong mỗi một nhiệm vụ học tập. Thông thường HS có 4 nhiệm vụ bắt buộc sau trước khi đến lớp: nghiên cứu bài học trong SGK, xem video bài giảng, làm bài kiểm tra trắc nghiệm (KTTN) và đưa ra ý kiến thắc mắc, trao đổi trên chủ đề “Thảo luận”. 3.1.2. Video bài giảng Đây là công cụ quan trọng nhất mà GV cần đầu tư thiết kế để HS tự học tại nhà. Để tạo những video chất lượng, đảm bảo tiêu chí giáo dục - thẩm mĩ, chúng tôi đã thiết kế dựa trên các tiêu chí sau: - Về dung lượng: tối đa là 10 phút, đủ để duy trì sự tập trung, cuốn hút với HS. - Về nội dung: là những kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất của bài học sao cho khi xem xong bài giảng, học sinh có thể giải quyết được ít nhất 70% các nhiệm vụ nêu ra trong phiếu học tập. Theo lí thuyết về LHĐN, HS sẽ học trước ở nhà những kiến thức bậc thấp theo thang đo Bloom (ở mức độ nhớ, hiểu, vận dụng thấp). Vì vậy, trước khi thiết kế video (cũng như BT trắc nghiệm), GV cần xây dựng được một bảng ma trận mục tiêu theo thang đo bậc nhận thức của Bloom, từ đó có cơ sở để lựa chọn các nội dung sẽ xây dựng trong video bài giảng. - Về hình thức: là một bài giảng đa phương tiện để lôi cuốn, hấp dẫn người học. Muốn thế phải có sự kết hợp giữa các clip, hình ảnh, âm thanh, cao hơn là các công nghệ mô phỏng vật 3D, 4D, chứ không nhất thiết chỉ là hình ảnh người thầy đứng trước bảng và giảng bài
  6. 300 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN trong suốt video. Trong các sản phẩm của mình, chúng tôi đã sử dụng các phần mềm như Imovie hoặc Powtoon để thiết kế các video bài giảng, với sự kết hợp các hình ảnh, âm thanh, clip đa dạng, trên nền giọng nói của GV. Có thể tham khảo một video bài giảng về Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa (Ngữ văn 10, tập 1) của chúng tôi tại: https://www.youtube. com/watch?v=hS9S79i0CVo 3.1.3. Tài liệu Đó là những bài viết, bài viết, đoạn video… có liên quan đến nội dung bài học và powerpoint do GV soạn để HS tự nghiên cứu. Có hai dạng tài liệu: tài liệu bắt buộc và tham khảo thêm. Tài liệu bắt buộc là những tài liệu với nội dung cơ bản, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho nội dung BH và HS bắt buộc phải tìm hiểu trước khi đến lớp. Tài liệu tham khảo thêm là những tài liệu có nội dung kiến thức mở rộng, nâng cao, giành cho những HS yêu thích môn học, có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về BH. Những nguồn tài liệu này không chỉ giúp HS nắm vững, củng cố và mở rộng kiến thức về bài học mà còn tạo cho HS thói quen tham khảo nhiều hơn, đọc nhiều hơn trong quá trình tự học. Như trên đã đề cập, chương trình Ngữ văn mới chỉ quy định một số văn bản bắt buộc, còn lại GV có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn thêm các ngữ liệu khác miễn đáp ứng các yêu cầu giáo dục. Việc đưa thêm những văn bản cùng thể loại, cùng đề tài… đi kèm với những gợi ý, hướng dẫn của GV lên mục “Tài liệu mở rộng” sẽ giúp phát triển năng lực đọc, tự học của HS. Ngoài ra với việc xây dựng những tài liệu không bắt buộc trên lớp học trực tuyến sẽ giúp GV thực hiện việc DH phân hóa, cá nhân hóa những em có năng khiếu hoặc có thiên hướng nghề nghiệp gắn bó với môn Ngữ văn sẽ có điều kiện đi sâu tìm hiểu lĩnh vực thế mạnh của mình. 3.1.4. Bài kiểm tra (KT) Đây là các bài KT trực tuyến để KT nhanh kiến thức mà HS đã học, được xây dựng dưới dạng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ), được đặt giới hạn thời gian làm bài và thông báo thời hạn hoàn thành - quá hạn này HS sẽ không truy cập được mục này để làm bài nữa . Có 2 loại bài KT ứng với 2 thời điểm làm bài của HS: bài KT trước khi đến lớp, chủ yếu KT kiến thức cơ bản HS tự học được qua SGK, video bài giảng và bài KT sau giờ học trên lớp, KT tổng hợp kiến thức với mức độ từ cơ bản đến nâng cao mà HS thu nhận được sau quá trình học trên lớp và ở nhà (trong đó có cả việc tự đọc các tài liệu tham khảo thêm mà GV cung cấp trên mạng). Khi HS làm bài, hệ thống sẽ bấm giờ, tính điểm và chỉ ra câu làm sai ngay sau khi HS hoàn thành. Trên lớp học trực tuyến, GV có thể xem kết quả bài làm của từng em và thống kê kết quả của cả lớp dưới dạng biểu đồ, về điểm số hoặc số lượng HS trả lời đúng sai từng câu. Ngoài ra hệ thống còn lưu trữ lại tất cả điểm số các bài KT của người học trong cả quá trình. Đây là những dữ liệu giúp GV và cả HS đánh giá được kết quả học tập của người học, từ đó có những kế hoạch điều chỉnh DH hợp lí. 3.1.5. Trao đổi - thảo luận Đây là mục để HS chia sẻ công khai những thắc mắc, ý kiến riêng của mình về một nội dung BH cho GV và các HS khác cùng suy nghĩ và thảo luận. Sẽ có 2 thời điểm cho HS đăng các ý kiến của mình:
  7. Phần 2: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC 301 - Trước giờ học trên lớp: GV sẽ tạo chủ đề “Các câu hỏi thắc mắc/ vấn đề chưa hiểu khi chuẩn bị bài” và HS sẽ đưa các câu hỏi/ vấn đề của mình trong diễn đàn đó. Những câu hỏi/ vấn đề này sẽ được giải đáp, thảo luận trong giờ học trên lớp. - Sau giờ học trên lớp: HS sẽ chủ động đăng các thắc mắc/ vấn đề chưa rõ hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn lên chủ đề mình tự tạo, GV và các HS trong lớp sẽ trực tiếp phản hồi. Sự chốt lại kiến thức sẽ do chính HS “đăng đàn” chọn lọc và đúc kết. Diễn đàn trên lớp học trực tuyến (bên cạnh kết quả làm bài KT TNKQ) trước giờ học trên lớp là một cơ sở để GV lựa chọn các nội dung DH trên lớp cho phù hợp với trình độ, nhu cầu và đặc điểm của HS. Mặt khác qua đây GV cũng KT được ý thức tự học ở nhà của HS-diễn đàn càng có nhiều câu hỏi, ý kiến hay và khó được đặt ra càng chứng tỏ HS đã rất chú tâm nghiên cứu, đào sâu bài học. Từ đó các HS có thể học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng của việc tự học, tự nghiên cứu tại nhà trong MHLHĐN. 3.2. Thiết kế quy trình DH Ngữ văn theo mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0 Sau khi đã xây dựng được lớp học trực tuyến, quy trình DH được chúng tôi xây dựng gồm 3 giai đoạn sau: trước giờ học trên lớp, giờ DH trên lớp và sau giờ học trên lớp. 3.2.1. Trước giờ học trên lớp Đây là giai đoạn tự học ở nhà của HS trên lớp học trực tuyến. Việc quan trọng của GV trong giai đoạn này là phải có những hướng dẫn tự học cụ thể, hợp lí, kích thích được hứng thú tự nghiên cứu của HS và phải quản lí được việc tự học đó của HS. LHĐN có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn này, vì thế việc DH cần tiến hành theo các bước sau: - Bước 1: GV giao nhiệm vụ cụ thể để HS về nhà tìm hiểu, nghiên cứu trước BH. Việc này sẽ diễn ra vào buổi học trước đó để HS nắm bắt được nhiệm vụ và có thời gian chuẩn bị cho bài mới. Mỗi HS được cấp một tài khoản học tập riêng để GV có thể quản lí việc học online của họ. Thông thường HS sẽ có 4 nhiệm vụ chính: Nghiên cứu BH trong SGK, Học bài giảng qua video trên lớp học trực tuyến, Làm bài KT TNKQ kiến thức cơ bản tự học, Đặt câu hỏi, nêu thắc mắc trong quá trình tự học trên diễn đàn của lớp. Mỗi nhiệm vụ sẽ có những chỉ dẫn rất cụ thể trong mục “Hướng dẫn - nhiệm vụ học tập” trên lớp học trực tuyến như chúng tôi đã nêu ở trên. - Bước 2: HS thực hiện các nhiệm vụ tự học. Với công cụ học tập là SGK, video bài giảng và tài liệu tham khảo được GV đăng lên lớp học trực tuyến, HS sẽ tự triển khai các hoạt động học tập theo chỉ dẫn và phù hợp với thời gian, không gian, điều kiện cơ sở vật chất của mình (học qua máy tính/ ipad hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng). Việc tự học trước giờ lên lớp kết thúc với hoạt động HS đăng các câu hỏi thắc mắc lên chủ đề “Trao đổi - thảo luận” do GV tạo ra. - Bước 3: GV kiểm tra kết quả và nhắc nhở (nếu cần) việc tự học của HS trước khi đến lớp. Ứng dụng Google Classroom sẽ giúp GV kiểm tra được các vấn đề sau:
  8. 302 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN + Số lượng và kết quả bài làm trắc nghiệm của HS. + Những vấn đề thắc mắc của HS đăng trên diễn đàn và những vấn đề HS còn chưa hiểu rõ qua các câu trả lời sai trong bài KTTN. Nếu đến thời hạn đã giao ước mà HS nào chưa hoàn thành việc tự học, GV có thể nhắc nhở qua các kênh liên lạc (email/ group lớp trên facebook/ chat box trên lớp học trực tuyến…). Với các câu hỏi của HS trên diễn đàn, GV sẽ ghi chép lại, khái quát thành các vấn đề để cả lớp cùng thảo luận trong giờ học trên lớp buổi hôm sau. Việc nắm bắt những vấn đề mà HS chưa rõ thông qua diễn đàn, kết quả bài KT trắc nghiệm trên web sẽ giúp GV có thời gian chuẩn bị tốt hơn các nội dung DH trên lớp. Mặt khác, khi xem được câu hỏi của các bạn trên diễn đàn, HS cũng có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị cho phần thảo luận nhóm vào hôm sau. 3.2.2. Giờ DH trên lớp Như trên đã nói, giờ DH trên lớp trong MHLHĐN hướng tới các bậc cao trong thang đo nhận thức Bloom (phân tích, đánh giá, sáng tạo) với sự tương tác đa chiều: GV với HS, HS với HS và các phương pháp DH tích cực được sử dụng triệt để. Muốn thế, giờ DH trên lớp cần thực hiện theo các bước sau: - Bước 1: GV tạo tâm thế vào BH và nhận xét quá trình chuẩn bị bài ở nhà của HS. Tương tự như giờ học truyền thống, GV cần thiết kế hoạt động khởi động hoặc KT bài cũ để HS có tâm thế bước vào BH. Bên cạnh đó, GV cũng nêu ra nhận xét về tình hình tự học, quá trình chuẩn bị bài ở nhà của cả lớp để từ đó, HS biết phát huy ưu điểm và rút kinh nghiệm cho những lần tự học sau. - Bước 2: GV hệ thống hóa lại các kiến thức cơ bản của BH. Trước khi đến lớp, HS đã có một quá trình tự học các kiến thức cơ bản của BH trên lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, kiến thức của HScó thể chưa được kết nối và hệ thống lại một cách logic và sâu sắc. Mặt khác, có thể có những em chưa hoàn thành nhiệm vụ mà GV giao hoặc chưa học tập tích cực. Do đó, trước khi tổ chức các hoạt động thảo luận, GV phải hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản của bài, với sự hỗ trợ của powerpoint và các thiết bị công nghệ, sử dụng bảng biểu, sơ đồ tư duy... Trong quá trình hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản này, một mặt GV phải chú ý đến những đơn vị kiến thức mà HS hay bị sai trong bài KT trắc nghiệm khách quan, mặt khác có thể kết hợp kiểm tra HS bằng hình thức hỏi đáp để KT việc “học thật” của các em trên mạng. Mặc dù đây không phải là khâu trọng tâm của giờ học trên lớp nhưng lại giữ vai trò nền tảng để tiến hành các hoạt động thảo luận tiếp theo. - Bước 3: GV tổ chức các hoạt động thảo luận cho HS. Đây là khâu trọng tâm của giờ học trên lớp theo MHLHĐN, thể hiện rõ quan điểm DH lấy HS làm trung tâm. Nội dung thảo luận là những vấn đề do GV thiết kế, nhưng cũng có thể là những vấn đề do chính HS đặt ra trên diễn đàn. Các vấn đề đó thường đưa ra cái nhìn đa chiều về một vấn đề, hoặc đòi hỏi sự so sánh tổng hợp, lí giải bằng sự hiểu biết, trải nghiệm cá nhân, hoặc đòi hỏi tư duy sáng tạo, hoặc gắn với các hành động thực tiễn… Tất cả đều hướng tới phát triển tư duy bậc cao trong thang đo của Bloom. Về hình thức, GV có thể tổ chức thảo luận cả lớp, theo các nhóm
  9. Phần 2: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC 303 nhỏ hoặc theo 2 nhóm lớn có quan điểm đối lập nhau, phản biện nhau. Rất nhiều phương pháp DH hiện đại, tích cực có thể sử dụng ở bước này (DH dự án, đóng vai chuyên gia…). Qua đó, HS được rèn luyện, phát triển tư duy bậc cao, kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm, phản biện và lắng nghe, tiếp thu góp ý từ người khác. Những vấn đề được bàn luận đến sẽ giải đáp những thắc mắc trong quá trình tự học ở nhà của HS, đồng thời giúp BH được đào sâu, mở rộng, nâng cao, gây hứng thú, tạo động lực học tập vì nó mang tính “thách thức” và “hữu ích” cho HS . - Bước 4: GV chốt lại kiến thức và HS rút ra những kết luận cá nhân. Hoạt động thảo luận có thể sẽ “bùng nổ” rất nhiều ý kiến khác nhau, hoặc HS chưa thể đưa ra những lí giải tận cùng về một vấn đề, vì vậy sau bước 3, GV cần tổng kết, chốt lại những vấn đề quan trọng, đưa ra những phân tích hợp lí nhất để định hướng tư duy của HS. Mặt khác, để HS tự rút ra những giá trị có ý nghĩa nhất, mối liên hệ với thực tiễn của BH, GV nên kết thúc BH bằng những câu hỏi gắn với trải nghiệm cá nhân HS hoặc thực tế cuộc sống ngày nay. Hoạt động này vừa tạo điểm nhấn để kết thúc BH, vừa thăm dò được suy nghĩ của tất cả các thành viên trong lớp, khiến HS thấy được sự hữu ích của mỗi giờ học Văn. - Bước 5: GV giao nhiệm vụ về nhà cho HS. Giờ học trên lớp sẽ kết thúc với hoạt động này. Những yêu cầu, hướng dẫn chi tiết HS sẽ tìm đọc trong mục Hướng dẫn - nhiệm vụ học tập ở trang web học tập, trên lớp GV chỉ nhắc những nhiệm vụ chính và thời hạn hoàn thành. Thông thường sẽ có 2 loại nhiệm vụ: bắt buộc và khuyến khích. Nhiệm vụ bắt buộc là các nhiệm vụ nhằm mục đích củng cố kiến thức BH, còn khuyến khích là các nhiệm vụ mở rộng, nâng cao kiến thức nghiên cứu chuyên sâu (thường dành cho các HS năng khiếu và ham hiểu biết đối với môn Văn). Bên cạnh đó, HS sẽ phải bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tự học trước bài mới tiếp theo (nếu GV tiếp tục DH bài này theo MHLHĐN). 3.2.3. Sau giờ học trên lớp HS sẽ tiếp tục tự học để củng cố, mở rộng kiến thức về BH trên lớp học trực tuyến, với các bước tương tự như trước giờ học trên lớp (đọc hướng dẫn nhiệm vụ học tập - xem các tài liệu cần thiết - làm bài KT - nêu câu hỏi thắc mắc lên diễn đàn nếu có). Các em có thể xem lại powerpoint (GV up lên mục Tài liệu sau giờ học trên lớp) và các tài liệu liên quan để làm bài KT TNKQ sau giờ học trên lớp (bài KT này là bắt buộc). Bên cạnh đó, những HS có niềm yêu thích môn Văn có thể xem các tài liệu tham khảo thêm. Ngoài ra mục kiểm tra đánh giá còn cung cấp ngân hàng đề thi phong phú về BH (có thể kèm theo gợi ý hoặc bài viết tham khảo) để HS tham khảo thêm. Trong quá trình tự học này có vướng mắc, câu hỏi gì HS có thể đăng trên diễn đàn - GV và các bạn khác trong lớp sẽ phản hồi trực tiếp tại chủ đề đó trong khuôn khổ cho phép. Cùng với việc củng cố bài cũ, HS sẽ lặp lại quy trình tự học trước giờ lên lớp với bài mới. Như vậy, với lớp học trực tuyến trong MHLHĐN, HS sẽ phát triển được năng lực tự học. Qua một quá trình tự học dưới sự hướng dẫn của GV, trong tương lai, các em hoàn toàn có thể tiếp tục tự đọc hiểu các văn bản cùng thể loại ngoài SGK. Nguồn học liệu phong phú với sự tương tác đa chiều trên nền tảng web 2.0 đã hỗ trợ rất nhiều cho sự thành công của MHLHĐN.
  10. 304 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN 4. Kết luận MHLHĐN với sự hỗ trợ của nền tảng web 2.0 sẽ mở ra những cơ hội học tập linh hoạt, tích cực, hiệu quả, cá nhân hóa cho người học. Ứng dụng mô hình này vào DH Ngữ văn sẽ giúp HS được trải nghiệm phong phú các hình thức học tập khác nhau, tăng hứng thú và phát triển được các năng lực chung cũng như đặc thù; đồng thời, nó cũng đòi hỏi người dạy cần “toàn năng” hơn để tận dụng tối đa các phương pháp, phương tiện, kĩ thuật vào DH. Mặc dù GV sẽ tốn công sức và thời gian hơn trong khâu thiết kế học liệu, kịch bản DH, nhưng nếu được triển khai rộng rãi, đây sẽ là một mô hình DH hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới, phù hợp với thời đại công nghệ số ngày nay. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông Chương trình tổng thể, Hà Nội, tháng 12. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, Hà Nội, tháng 12. 3. Maureen J. Lage, Glenn J. Platt, and Michael Treglia (2000), Inverting the classroom: A gateway to creating an inclusive learning environment, The Journal of Economic Education, 31(1), pp.30–43. 4. Lê Thị Phượng, Bùi Phương Anh (2017), Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh, National academy of education management, Journal of Education Management, Vol. 9, No.10, pp.1-8. 5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Web_2.0
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2