intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vài suy nghĩ về việc đưa di sản “Không gian văn hóa Cồng Chiêng” vào trường phổ thông tại Đắk Lắk

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vài suy nghĩ về việc đưa di sản “Không gian văn hóa Cồng Chiêng” vào trường phổ thông tại Đắk Lắk" bàn về việc đào tạo những người trẻ có thể chơi cồng chiêng và việc xây dựng thêm những không gian văn hóa để mở rộng ảnh hưởng của âm nhạc cồng chiêng, để văn hóa cồng chiêng thực sự là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của cộng đồng Tây Nguyên là điều cần thiết cho sự bảo tồn và phát triển di sản quý giá này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vài suy nghĩ về việc đưa di sản “Không gian văn hóa Cồng Chiêng” vào trường phổ thông tại Đắk Lắk

  1. VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐƯA DI SẢN “KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG”VÀO TRƯỜNG PHỔ THÔNG TẠI ĐẮK LẮK TS.NSƯT. Nguyễn Thị Hải Phượng66 Tóm tắt Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008. Kể từ đó đến nay, nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện nhằm làm cho di sản vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền. Tuy nhiên, với những tác động từ bên ngoài thông qua Internet, thông qua sự tiếp xúc với các phương thức sinh hoạt khác với phương thức cổ truyền, môi trường sống của cư dân đã ít nhiều thay đổi. Tư duy thẩm mỹ và việc muốn bắt kịp xu hướng toàn cầu đã làm mất đi một số giá trị truyền thống trong đó có âm nhạc cồng chiêng nói riêng, không gian văn hóa cồng chiêng nói chung. Do vậy, việc đào tạo những người trẻ có thể chơi cồng chiêng và việc xây dựng thêm những không gian văn hóa để mở rộng ảnh hưởng của âm nhạc cồng chiêng, để văn hóa cồng chiêng thực sự là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của cộng đồng Tây Nguyên là điều cần thiết cho sự bảo tồn và phát triển di sản quý giá này. 1. Mở đầu Di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005. Sau đó được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam [1]. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các thành tố: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...), v.v… Như vậy, chúng ta thấy rằng không gian văn hóa cồng chiêng bao gồm tất cả các hoạt động xảy ra ở mọi địa điểm của người dân có bao gồm sự biểu diễn, sự vang lên của cồng chiêng. 66 . Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh 288
  2. 2. Bảo tồn và phát triển Di sản “không gian văn hóa cồng chiêng” Như chúng tôi đã đề cập ở trên, di sản “không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận từ năm 2005. Trải qua gần 20 năm, các cộng đồng dân cư cùng với sự góp sức, hỗ trợ của các cấp chính quyền đã tổ chức bảo tồn, khai thác các giá trị di sản để giữ gìn di sản trong môi trường sống. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh có di sản cồng chiêng đã lập những đề án cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản như: tổ chức các sự kiện có sự góp mặt của cồng chiêng nhằm tạo điều kiện cho các cộng đồng giao lưu học hỏi lẫn nhau, phát triển du lịch, xây dựng những đề án chăm lo cho các nghệ nhân và tìm cách truyền nghề cho thế hệ kế thừa. Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng ở Tây Nguyên, các lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách. Những sản phẩm từ di sản này đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo thêm thu nhập cho cộng đồng để cộng đồng có thể yên tâm giữ gìn di sản. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng văn hóa toàn cầu thông qua Internet, thông qua các mối quan hệ giữa người dân tộc (chủ nhân của văn hóa cồng chiêng) và cộng đồng người từ nơi khác đến đã làm thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt, phương thức sản xuất cũng như tư tưởng của những con người nơi đây, nhất là giới trẻ. Vì vậy, bên cạnh những hoạt động sôi nổi của một số cộng đồng, vẫn còn đó những nỗi lo của những người quan tâm yêu mến di sản này. Theo ông Đặng Gia Duẩn (phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk): môi trường sống và các hoạt động sinh sống không còn nguyên vẹn như xưa nên cũng không thể bắt buộc các không gian văn hóa cồng chiêng phải hoàn toàn giữ gìn nguyên vẹn như trước đây. Ông cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần phải có những sự thay đổi cần thiết để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa giữ được bản sắc, giá trị, vừa phải theo kịp nhịp sống của thời đại 4.0. “Quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ tương lai gặp rất nhiều khó khăn”.[2] Một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng: GT.TS.Tô Ngọc Thanh đề cập đến việc phải chăm lo đến thế hệ kế thừa. Bởi vì nếu không có những chính sách cụ thể để các nghệ nhân có thể truyền nghề cho lớp trẻ thì khi những “báu vật nhân văn sống” của di sản ra đi, đồng nghĩa với việc di sản sẽ không còn giữ được nguyên vẹn giá trị của nó. Nhiều nhà nghiên cứu cũng có nhận xét rằng thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập từ nơi khác. Điều dễ nhận thấy là các bạn trẻ thích ca hát theo những bản nhạc thời thượng được phát trên Youtube, trên các trang mạng xã hội, hơn là hát những bài dân ca, tham dự một lễ hội của cộng đồng mình. 289
  3. 3. Một vài suy nghĩ khi đưa âm nhạc cồng chiêng vào trong trường phổ thông Di sản không gian văn hóa cồng chiêng là tập hợp của những hoạt động cùng những thiết chế văn hóa gắn liền với âm nhạc cồng chiêng. Đối với di sản văn hóa cồng chiêng, âm nhạc di sản phải gắn liền với môi trường sản sinh và nuôi dưỡng chúng. Âm nhạc cồng chiêng gắn liền với các nghi lễ vòng đời của con người nơi đây. Cồng chiêng được coi là vật kết nối giữa con người và trời đất, âm thanh của cồng chiêng không chỉ vang lên những cao độ mà còn là lời thì thầm của con người với các vị Thần. Dẫu rằng cồng chiêng vẫn còn đó, vẫn gắn liền với những hoạt động trong đời sống tâm linh của người dân Tây Nguyên, nhưng di sản này không tránh khỏi những sự tác động trong thời đại mới. Môi trường xã hội hôm nay đã có rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cộng đồng cư dân, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến thanh thiếu niên, đội ngũ kế thừa của các dân tộc. Các em hôm nay được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, các kỹ thuật hiện đại ngày càng dễ dàng hơn. Các em bắt kịp “văn minh” nhanh hơn, đổi mới tư duy, bắt kịp xu hướng của người trẻ toàn cầu nhiều hơn. Sự lan tỏa những tư tưởng, tình cảm từ phim ảnh, âm nhạc, trang phục, ẩm thực thông qua Internet, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp khi các em đi học ở những nơi các xa bản làng… lâu dần làm cho lớp trẻ thay đổi tư duy và cách sống. Do vậy chúng tôi thiết nghĩ, bên cạnh việc lưu giữ nguyên vẹn không gian văn hóa di sản, chúng ta cần nghĩ đến việc mở rộng không gian văn hóa cồng chiêng để chúng không chỉ gói gọn trong các hoạt động mang yếu tố tâm linh, không chỉ được thực hiện trong các bản làng mà cần nên phát huy những giá trị của di sản, để chúng trở nên gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại nơi đây. Sao cho càng ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu mến và biết chơi cồng chiêng, biết tạo dựng những không gian văn hóa cồng chiêng phù hợp với tâm sinh lý và môi trường sinh hoạt mới. Chúng tôi hy vọng rằng trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, việc đem các làn điệu dân ca của dân tộc, đem âm nhạc cồng chiêng và tạo dựng không gian văn hóa cồng chiêng trong học đường sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm với một số hoạt động bước đầu: - Có đề án cụ thể trong việc triển khai tổ chức các chương trình học ngoại khóa thường xuyên để các em có thể tiếp cận và làm quen với các bài cồng chiêng, các làn điệu dân gian. - Các nghệ nhân có thể được mời đến truyền dạy các bài chiêng cổ cho các em. - Thành lập các câu lạc bộ đội nhóm tập đánh cồng chiêng và tạo những buổi sinh hoạt cộng đồng để các em có thể cùng vui chơi với nhau. - Tổ chức các liên hoan trong học đường để ngày càng có đội ngũ trẻ chơi cồng chiêng. Với một số hoạt động bước đầu nêu trên, không gian văn hóa cồng chiêng tuy không giữ đúng nguyên gốc các giá trị ban đầu là gắn liền với các nghi lễ trong buôn làng; nhưng nó tạo điều kiện cho việc có thêm số lượng người trẻ biết đánh cồng chiêng, tạo nên đội ngũ kế thừa cho hoạt động văn hóa này. 290
  4. Song song với sự mở rộng không gian như vậy, chúng ta cần khuyến khích việc sáng tác các bài bản mới dành cho cồng chiêng, sáng tác các bài hát mang âm hưởng dân ca của cộng đồng cùng với việc tạo dựng không gian cồng chiêng mới phù hợp với môi trường hiện đại, góp phần làm cho giới trẻ càng yêu thích và thực hành di sản. Để đáp ứng sự truyền dạy và sáng tác các bài cồng chiêng mới, chúng ta cần phải có sự tổng hợp, quy chuẩn âm nhạc cồng chiêng. Cụ thể: phải có những nghiên cứu chuyên sâu về thang âm điệu thức, nghiên cứu và đo đạc, quy chuẩn về cao độ của cồng chiêng, sự quy định truyền thống của các bài cồng chiêng. Tổng hợp và đưa ra những bản thống kê chi tiết về vị trí, vai trò của cồng, của chiêng, những quy định cụ thể trong việc sử dụng cồng chiêng cho từng nghi lễ. Dựa vào đó mới có những sáng tác vừa đáp ứng yêu cầu của người trẻ trong không gian văn hóa cồng chiêng, vừa không làm mất đi tính chất âm nhạc độc đáo của âm nhạc di sản cồng chiêng. Cùng với việc tăng cường mối quan hệ với các nghệ nhân từ buôn làng, với các nhà nghiên cứu dân tộc học; tăng cường chia sẻ nội dung, phương pháp giảng dạy của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có càng nhiều những nhân tố biết chơi cồng chiêng, múa xoang, nhiều đội nhóm trẻ trong các trường phổ thông, nhằm tạo nên lực lượng kế thừa cho loại hình di sản này. Kết luận. Để gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… cũng đã có những đề án, chiến lược phát triển cồng chiêng trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm. Trong đó, việc tạo dựng các lễ hội cồng chiêng thành không gian văn hóa du lịch đã và đang là một trong nhiều cách làm để phát huy những giá trị từ di sản. Với việc gắn liền di sản và du lịch, người dân có thể được hưởng lợi ích từ di sản, từ đó làm cho người dân có ý thức giữ gìn và phát huy di sản văn hóa này. Tuy nhiên, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào du lịch thì lâu dần các sản phẩm cồng chiêng này sẽ trở nên phụ thuộc vào yêu cầu và quan điểm của du khách; từ đó nó sẽ dễ dàng mất đi tính chất cộng đồng mà nó vốn có. Đây là trường hợp đã xảy ra với loại hình Đờn ca tài tử (một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013) khi Đờn ca tài tử được đưa vào các điểm du lịch phục vụ cho du khách. Trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa, cũng đã có trường học đang truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ như Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông)… [3], bên cạnh đó cũng có những lớp đào tạo truyền nghề ngay tại các buôn làng. Tuy vậy, đây chưa phải là một chiến lược để thế hệ trẻ làm quen và thực hành di sản, nhất là các em đang đi học các trường xã buôn làng mình. Vì vậy, chúng tôi vẫn mong rằng cồng chiêng sẽ được hỗ trợ để có thể truyền dạy đến tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh để giới trẻ ngày càng trở nên quen thuộc và được sống trong âm thanh của di sản. Một số ý kiến trong tham luận này chỉ là suy nghĩ, trăn trở của một người yêu quý các loại hình di sản nói chung, cồng chiêng nói riêng, và đã có một số kinh nghiệm từ sự thực hành di sản Đờn ca tài tử Nam bộ. Với mong muốn cùng bắt tay hành động không chỉ vì gìn 291
  5. giữ bảo tồn mà còn là việc đào tạo những con người có đủ tài năng để tiếp nối truyền thống âm nhạc di sản của cộng đồng, chúng tôi mong rằng cồng chiêng sẽ được đưa vào nhà trường như một môn học ngoại khóa, góp phần cho các em hiểu thêm về tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nguyên, qua đó làm cho các em càng yêu mến và có trách nhiệm giữ gìn di sản quý giá của dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO http://dsvh.gov.vn/khong-gian-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-484 https://tuyengiao.vn/van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-nhung-dieu-tran-tro-138242 https://bvhttdl.gov.vn/giu-gin-di-san-cong-chieng-tay-nguyen- 20210706091728362.htm https://tuoitre.vn/doc-dao-lop-hoc-cong-chieng-2022053122463157.htm https://tuoitre.vn/cong-chieng-cuoi-tuan-se-som-tro-lai-pho-nui-pleiku- 20240316180821425.htm https://vietnamtourism.gov.vn/post/53598 292
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2