intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vài thiển nghĩ về giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vài thiển nghĩ về giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số" đưa ra những nhận xét, phân tích về thực trạng giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số, nêu các bất cập, sự lãng phí tài nguyên âm nhạc dân tộc cũng như dư địa trong hoạt động giáo dục và nguy cơ không bảo tồn được bản sắc văn hóa. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vài thiển nghĩ về giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số

  1. VÀI THIỂN NGHĨ VỀ GIÁO DỤC ÂM NHẠC CHO TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm60 Tóm tắt Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam rất chú trọng các nội dung giáo dục nhân cách, con người, trong đó có các nội dung âm nhạc được thể hiện trong Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Âm nhạc và cả những tích hợp trong các nội dung học liệu, giáo khoa ở các môn học khác như Văn, Sử, Địa Lý (gọi chung là các môn Khoa học xã hội). Để có thể thực hiện tốt Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Âm nhạc cũng như nhiệm vụ giáo dục tinh thần yêu nước, yêu nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc… đối với các dân tộc ít người thông qua âm nhạc, các địa phương đều dồn vào “chương trình giáo dục địa phương”. Tuy nhiên, việc làm này chưa mang đến cho người học kết quả giáo dục như mong muốn. Bài viết đưa ra những nhận xét, phân tích về thực trạng giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số, nêu các bất cập, sự lãng phí tài nguyên âm nhạc dân tộc cũng như dư địa trong hoạt động giáo dục và nguy cơ không bảo tồn được bản sắc văn hóa. Từ khóa: giáo dục âm nhạc, âm nhạc dân tộc, trẻ em các dân tộc ít người NỘI DUNG 1. Giáo dục âm nhạc ở Việt Nam – từ yêu cầu đến thực tế… Âm nhạc có chức năng giáo dục con người và việc xây dựng, giáo dục con người bằng thông qua âm nhạc đã được con người “nghiên cứu”, “thực hiện” với “lịch sử” hàng ngàn năm, nếu không có thể nói là từ khi có âm nhạc... Đó là những lời hát dạy điều hay lẽ phải của người mẹ trong những bài hát thai giáo, những bài hát ru; là những bài đồng dao dành cho trẻ học nói, học chơi; là những câu ca với những lời khuyên dạy điều nhân nghĩa trong vè, hò, lý, ví, giặm… được sáng tạo để mang đến những cái đẹp, tạo nên sự hoàn mỹ cho con người. Đối với bất cứ dân tộc nào trên trái đất này, âm nhạc cũng đã được sinh ra với mục đích như vậy, từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam rất chú trọng các nội dung giáo dục nhân cách, con người, trong đó có các nội dung âm nhạc được thể hiện trong Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Âm nhạc và cả những tích hợp trong các nội dung học liệu, giáo khoa ở các môn học khác như Văn, Sử, Địa Lý (gọi chung là các môn Khoa học xã hội). Để có thể thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông môn âm nhạc cũng như nhiệm vụ giáo dục tinh thần yêu nước, yêu nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc… đối với các dân 60 Đại học Sài Gòn 269
  2. tộc ít người thông qua âm nhạc, các địa phương đều dồn vào “chương trình giáo dục địa phương”. Tuy nhiên, số giờ dạy nhạc trong chương trình là 1 tiết/tuần, tức 35 phút. Thời lượng này dành cho môn học âm nhạc nhưng có đến 4 – 6 nội dung cần phải được trao truyền, “huấn luyện” với yêu cầu cần đạt là: nghe và cảm thụ âm nhạc (nhạc có lời và nhạc không lời), thể hiện âm nhạc (hát hoặc đàn), tập đọc nhạc (theo ký hiệu bàn tay theo PP của Kodáyly, đọc âm nhạc với ký hiệu bằng chữ, bằng hình tượng và kể cả trên 5 dòng kẽ…), ứng dụng và sáng tạo âm nhạc (thể hiện các trò chơi âm nhạc, biểu diễn âm nhạc bằng hình thể, nhạc cụ…). Với các yêu cầu như vậy, sách giáo khoa chỉ là những gợi ý và cung cấp học liệu để người dạy có thể mang đến cho người học những kỹ năng ở các mức độ khác nhau tùy theo cấp lớp. Và, với lượng thời gian hạn hẹp như nêu trên, người dạy có thể làm được gì cho người học ở quy mô: 35-60 học sinh/1 lớp/35 phút/tuần? Ở cấp III, nếu học sinh chọn âm nhạc là môn học trong chương trình phân ban của bản thân thì đồng nghĩa với việc chọn nghề nghiệp. Từ đây, bộ môn âm nhạc lại có yêu cầu huấn luyện kỹ năng “chơi nhạc”, tức được học hát, học đàn (ít nhất) một nhạc cụ được truyền dạy theo phương pháp bài học (lesson) của hệ thống giáo dục – đào tạo âm nhạc của các nhạc viện/ học viện âm nhạc trên cơ sở học liệu được ký âm theo phương pháp kỳ âm của âm nhạc phương Tây. Học sinh được học âm nhạc theo cách đào tạo của các học viện âm nhạc ở mức độ… phổ thông hóa. Chương trình nêu trên đã có 5 năm thực thi theo lối đồng cuốn chiếu 3 cấp (cấp 1 triển khai trong 5 năm thì cấp II cùng triển khai trong 4 năm kể từ năm thứ hai của kế hoạch triển khai cấp I và cấp 3 đồng triển khai với cấp I và cấp II vào 3 năm sau cùng). Như vậy, kể từ năm 2025, nội dung thi tốt nghiệp các cấp sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với những chương trình phân ban khác nhau. Người học sẽ định hướng nghề nghiệp cho bản thân từ những năm học Phổ thông, trong đó định hướng âm nhạc sẽ là một trong những lựa chọn. Tuy nhiên, âm nhạc trong giáo dục phổ thông là giáo dục con người, âm nhạc thực hiện chức năng nhận thức, thẩm mỹ và giáo dục. Con người có cội có nguồn, nội dung nào dành cho giáo dục cội nguồn cho các em bởi học liệu trong sách giáo khoa không thể bao chứa tất cả những thể loại âm nhạc của 54 dân tộc Việt Nam cùng nhiều đặc trưng trong âm nhạc của các nhánh tộc, của các vùng miền… để người học chọn. Với yêu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, người dạy cũng khó có đủ năng lực, khả năng giúp người học nhận được đúng, đủ di sản âm nhạc dân tộc, hoặc thứ âm nhạc mà người học chọn (phụ huynh cũng tham gia chọn sách giáo khoa) hoặc hội đồng các chuyên gia bình chọn nội dung địa phương. Sách giáo khoa không bao chứa đủ học liệu, người dạy không đủ khả năng, người học vẫn thiếu chính cái họ cần: âm nhạc của chính cộng đồng, dân tộc của mình… 2. Nguy cơ không thể bảo tồn bản sắc văn hóa âm nhạc của các cộng đồng dân tộc thiểu số Sự di dân tự nhiên của nhiều nhóm người, cộng đồng người vì lý do hoạt động kinh tế đã làm thay đổi bản đồ dân cư của một số vùng mà trước đây chỉ có một vài cộng đồng dân tộc cư trú lâu đời. Ở Tây Nguyên và khu vực Nam trường Sơn - Đông Nam Bộ, sau những 270
  3. đợt di cư của các cộng đồng dân tộc phía Bắc vào, đặc trưng của các tộc người cư trú lâu đời ở các địa phương dần phai lạt. Việc xen cư, cộng cư giữa người Vân Kiều với Cơ Tu, Chăm và nhất là người Việt, đôi khi còn có những người Tây Âu ở khu vực Bình Trị Thiên hoặc sự xem cư cộng cư của người Ê Đê, M’nông với các cộng đồng Thái, Tày, Nùng từ phía Bắc di dân vào vùng Nam Tây Nguyên (Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước…) đã trở nên phổ biến. Việc giao thoa do lấy vợ, lấy chồng giữa các tộc người là điều mà trước đây gần như không xảy ra, đã khiến dẫn đến những thay đổi về văn hóa, phong tục tập quán và trong đó có âm nhạc. Trẻ em trong môi trường đa văn hóa này tất nhiên dễ dàng tiếp thu thụ động âm nhạc nói riêng, cũng như văn hóa nói chung. Các tỉnh biên giới, khu vực Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam… là những nơi tập trung đa dạng các sắc tộc khác nhau. Một số cộng đồng các dân tộc thiểu số sống dọc biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt – Cambodia… phần nhiều có quan hệ tộc người, họ hàng với những người bên kia biên giới. Họ có thể có họ (bên bố, hoặc bên mẹ) với nhau hoặc có nguồn gốc ở bên kia biên giới. Vì thế, dân nhạc, dân vũ, dân ca Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng ảnh hưởng, thể hiện trong các điệu khèn, điệu dân ca, bài hát giao duyên nam nữ trong lễ hội hay cấu trúc nhịp điệu trong các bài dân ca, dân nhạc, dân vũ của họ. Sự pha trộn trong sinh hoạt văn hóa âm nhạc chắc chắn được trẻ em nhanh chóng tiếp thu, chưa kể sự khác lạ, hấp dẫn của các mới cũng dễ dàng được giới trẻ chấp nhận những bài hát của các cộng đồng dân tộc bên kia biên giới. Sự xâm nhập của đạo Công giáo, đặc biệt là đạo Tin Lành ở Nam Tây Nguyên; đạo Phật, đạo Cao Đài ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước… cũng đưa đến sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, pha trộn những đặc điểm trong ngôn ngữ, văn hóa và tất nhiên kể cả âm nhạc. Sự xâm nhập những thể loại âm nhạc mới làm thay đổi tư duy và sở thích thưởng thức âm nhạc của họ, khiến cho âm nhạc truyền thống đang dần đi vào quên lãng, các làn điệu âm nhạc dân gian trở nên chậm chạp, không hấp dẫn và nhanh chóng bị bỏ quên. Người dân ít có điều kiện, thời gian dành cho những hoạt động diễn xướng âm nhạc dân gian mà thường sử dụng máy móc: các cô giáo nhà trẻ sẽ ru các cháu nhỏ bằng dùng máy phát nhạc với đủ loại âm nhạc được thu sẵn trong băng đĩa; trẻ con dễ dàng chơi các trò chơi điện tử nên không còn biết đồng dao cùng với những trò chơi đồng dao, âm nhạc mà các em được tiếp xúc chủ yếu là nhạc mới, nhạc trẻ, nhạc dành cho người lớn qua hệ thống truyền thông, phát thanh truyền hình…. Trong sinh hoạt đời thường, người dân không còn sử dụng nhạc cụ truyền thống để trao đổi tình cảm, hoặc diễn tấu để cùng nhau thưởng thức âm nhạc dân gian mà sẽ thích sử dụng nhạc cụ điện tử (đàn phím điện tử, trống điện, guitar điện) bởi tiện dụng (có thể phát ra nhiều âm sắc nhạc cụ khác nhau, nhiều âm thanh cùng lúc, gọn gàng, tiện dụng và nhất là luôn được khuếch đại âm thanh). Chưa kể, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng do chính quyền, cơ quan QLVH của địa phương tổ chức thường sử dụng nhạc cụ điện tử; âm nhạc mới, nhạc phổ thông của người Việt do tiện lợi, phổ biến… mà ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống của các cộng đồng thiểu số địa phương. Sự phát triển của các đoàn văn công, các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc cùng với những cải biên của họ để sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa âm nhạc dân gian hầu mong có thể nhanh chóng giới thiệu trên sân khấu, giới thiệu ra bên ngoài cộng đồng. Những cách 271
  4. làm này nhanh chóng khiến những bài dân ca bị ca khúc hóa, đại chúng hóa và chưa kể bị Việt hóa hay Âu hóa! Từ đó khi được giới thiệu trở lại với cộng đồng bỗng nhiên trở thành mẫu mực để đồng bào (nhất là giới trẻ) thích thú làm theo. Đó là những ca khúc của của các nhạc sĩ đối với dân ca các dân tộc, là những bài hát được chính thanh niên dân tộc sáng tác theo phong cách nhạc trẻ, nhạc nhẹ rất phổ biến hiện nay. Chưa kể một số âm nhạc có giai điệu đặc trưng của một tộc người nào đó, dễ nghe, dễ hát, thu hút, được sự yêu thích của các cộng đồng khác nhau, trở nên phổ biến, được các tộc người khác nhau. Đây là cách mà âm điệu của nhạc H’mông được yêu thích, lan tràn trong cộng đồng một số tộc người phía Bắc hoặc các giai điệu của người Bahnar, Jarai... trở nên khá phổ biến, không được xác định và được gọi chung là dân ca Tây Nguyên ở phía Nam! Cho đến nay, ở nhiều cộng đồng, dân tộc thiểu số việc mai một các bài hát nhi đồng, những trò chơi dân gian, những bài đồng dao là điều tự nhiên và sắp trở thành điều tất nhiên! Việc tìm những bài đồng dao gặp nhiều khó khăn do người già đã hầu như không còn nhớ, người trẻ thì từ lâu không được nghe hát hay được chơi trò chơi đồng dao, còn trẻ em ngày nay thì hoàn toàn không được tiếp xúc, thực hành. Trong những lần điền dã ở Bù Đăng, Bình Phước, chúng tôi nghe nhận xét của một số già làng: “người S’tiêng không bị mất tiếng nói nhưng bị mất tiếng hát” bởi ở nhà có thể nói tiếng S’tiêng nhưng âm nhạc được nghe từ khi ra đời đều từ hệ thống thông tin truyền thanh, truyền hình… phát tiếng Việt. Trẻ S’tiêng còn được nghe tiếng mẹ, bà hay chị hát ru nhưng khi trẻ đến tuổi học mẫu giáo, các em được học những bài hát tiếng Việt, nói tiếng Việt và chơi trò chơi của tập thể theo lối mới. Trước khi học những bài hát của người Việt, hoặc giả sử trường hợp không đi học chăng nữa, thì những bài hát truyền thống ở lứa tuổi trẻ thơ của người S’tiêng đã không được tiếp tục duy trì: các em ở nhà cũng không có dịp chơi cùng nhau với các trò chơi dân gian hay đồng dao mà chủ yếu chơi “game” hoặc xem truyền hình… những trò chơi đó thú vị hơn, phổ biến hơn, hấp dẫn hơn. Nguy cơ không giữ được bản sắc văn hóa, âm nhạc dân tộc là có thật. 3. Dạy âm nhạc của dân tộc cho trẻ em dân tộc ít người Chương trình Phổ thông môn Âm nhạc được thể hiện qua các sách giáo khoa hiện hành đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, các học sinh là người dân tộc thiểu số bỗng nhiên trở nên quá xa vời, thiếu thực tế. Nội dung cảm thụ âm nhạc đối với những thể loại âm nhạc giao hưởng, thính phòng; nội dung thực hành - hát được những bài hát nước ngoài, nội dung huấn luyện các kỹ năng đọc được nốt nhạc theo ký hiệu âm nhạc phương Tây hoặc thực hành đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, kỹ năng thực hành “Bộ gõ cơ thể” của Orff-Schulwerk hay kỹ thuật đọc nốt theo ký hiệu bàn tay của Kodaly, Dalcroze,… thật sự không cần thiết bởi các em đã có một truyền thống văn hóa - âm nhạc với bề dày hàng ngàn năm, với rất nhiều bài hát có nội dung giáo dục nhân cách rất đầy đủ, với âm thanh cồng chiêng hay những lời giáo huấn ca qua hát ru, hát kể chuyện, hát sử thi,… Việc truyền dạy những bài hát dân tộc có thể mang đến cho các em những cảm thụ âm nhạc, nhận thức về giá trị và giáo dục con người tuyệt vời mà không bài học nào có thể thay thế. Việc truyền dạy này không nhất thiết theo phương pháp phức tạp nào mà hãy tự nhiên chư cách mà hàng năm trước họ vẫn đã thực hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày. 272
  5. Đối với âm nhạc dân tộc, nếu cần những hạt nhân cho phong trào này, hãy bắt đầu từ các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Đây là môi trường rất tốt để nuôi dưỡng những nhân lực đóng góp cho cộng đồng, là vườn ươm để cho những hạt giống có điều kiện phát triển tốt nhất. Chúng tôi đã từng thử nghiệm dạy cồng, chiêng cho các em người S’tiêng trong trường Phổ thông (THCS, THPT) dân tộc tộc Nội trú huyện Bù Đăng. Các em tiếp thu nhanh đến bất ngờ. Có lẽ do âm nhạc đó đã chảy trong huyết quản các em từ khi còn trong bụng mẹ. Từ những chương trình âm nhạc dành cho trẻ em của đài phát thanh, truyền hình; các nội dung địa phương không chỉ ở phần ngoại khóa mà ngay ở những hệ thống truyền thông đại chúng... sẽ trực tiếp tác động vào nhận thức của các em. Bé nhỏ hoặc lớn hơn 1 tuổi đã có thể nhún nhảy theo nhạc, việc cho các em nghe âm nhạc của dân tộc trên các chương trình phát thanh truyền hình là dịp tốt, nhanh, dễ được trẻ thu nhận. Đây là cách tốt nhất để phát huy những vốn âm nhạc cổ truyền, phát triển những tài năng âm nhạc dân tộc và hình thành nền tảng văn hóa âm nhạc cho cộng đồng. Ngoài ra, cộng đồng, dưới hình thức CLB người cao tuổi, CLB Dân ca, Dân nhạc, Dân vũ… cũng sẽ là tiền đề giáo dục xã hội. Cuộc sống, mưu sinh thu hút sức lực của người dân, họ không thích thêm “công việc” sau giờ lao động mà thích xem truyền hình, nghe đài… Hưởng thụ văn hóa thụ động (qua hệ thống truyền thông đại chúng) cũng là cách giáo dục tốt nhất cho cộng đồng nên cần tận dụng phương tiện này và bắt đầu từ những chương trình thiếu nhi. Trẻ con dễ làm cho người lớn cảm động, dễ hướng sự đóng góp của xã hội cho thế hệ tương lai và dễ được chấp nhận. Người có uy tín (già làng, trưởng bản…) chính là những người có thể trao truyền âm nhạc dân tộc tốt, đúng và nhanh cho giới trẻ. Ở những nơi tôn giáo mới xâm nhập vào cộng đồng, chính nhà thờ, nhà chùa… sẽ hỗ trợ cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa, âm nhạc dân tộc. Đâu đó vẫn còn những quan niệm khác biệt đối với tín ngưỡng đa thần của một số cộng đồng, dân tộc, nhưng nếu bóc tách quan niệm hữu linh trong âm nhạc cồng chiêng, dân nhạc, dân vũ… có thể sẽ khai thác tốt vốn âm nhạc truyền thống cho những hoạt động cộng đồng trong tôn giáo. Công đồng năm 1961 của Nhà thờ Công giáo cho phép sử dụng khai thác, chất liệu âm nhạc địa phương trong sáng tác các bài hát tôn giáo đã mở đường cho rất nhiều bài hát Dâng hoa của nhà thờ Thiên chúa giáo mang âm hưởng dân ca Quan họ, Hát Dậm, Cò lả, Sa Mạc, Bồng Mạc… Không ít nhà thờ ở Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai Bình Phước chấp nhận dàn cồng chiêng đánh trong dịp lễ Giáng sinh… Cách phát huy âm nhạc truyền thống này cũng cần có sự đồng tâm của những cơ sở, những người lãnh đạo các tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung Địa phương trong Chương trình giáo dục sẽ có lợi khi nó được phát huy ở nhiều nội dung giáo dục khác nhau, không chỉ trong môn Âm nhạc của Chương trình mà cần được tích hợp trong nhiều môn học khác cũng như các hoạt động giáo dục. Kết luận Hoạt động giáo dục âm nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống cho con em đồng bào các dân tộc vẫn đang bị lãng phí về nội dung, nghèo về hình thức trong khi “tài nguyên” âm nhạc dân tộc là vô cùng phong phú, điều kiện tạo nên một môi trường giáo dục âm nhạc là do chính hình thức tổ chức. Có nên chăng nghiêm túc nhìn lại và có những “chủ trương”, giải pháp tốt hơn cho hoạt động này? 273
  6. Người Pháp có câu nói cửa miệng “thà muộn còn hơn không bao giờ”. Đối với giáo dục, chưa bao giờ là muộn. Người Việt cũng có câu “mưa dầm thấm lâu”, đó là cách giáo dục tốt nhất, chưa kể, âm nhạc cũng cần được nghe, hát, làm nhiều lần mới có thể quen, biết và nhớ… Vậy nên, giáo dục âm nhạc dân tộc cho chính trẻ em người dân tộc không bao giờ là muộn và cũng không nên vội vàng, làm nhanh, làm gấp… và cũng đừng vô tâm bỏ lỡ như hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Giáo dục và đào tạo (2018), Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Âm nhạc Hồ Ngọc Khải (tổng chủ biên kiêm chủ biên) và các cộng sự (2020), Sách Giáo khoa Chân trời sáng tạo môn Âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9, Nxb Giáo dục Việt Nam, Công ty CPDV XBGD Gia Định. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (chủ nhiệm đề tài) và các cộng sự (2022), Báo cáo tổng kết nhiệm vụ khoa học “Âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước – khảo cứu, bảo tồn và phát triển”, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bình Phước đầu tư, Đại học Sài Gòn chủ trì thực hiện. 274
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2