intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vết thương của cây bàng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

66
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mẹ 18 tuổi thì giải phóng Đà Lạt. Ngày ông ngoại đi học tập cải tạo, mẹ mượn được chiếc xe chaly cũ của hàng xóm, chạy theo xe chở ông đi, nước mắt rơi ngược gió ướt mèm cả tóc. Chạy được nửa đường thì xe dính đinh, thủng lốp mới hoảng hốt vì không có một xu trong túi để sửa. Một bác sửa xe lúc đó thương tình giúp cho. Bác bảo cứ quay về đi, sông có khúc, người có lúc, phải vượt qua khó khăn mới mong ra biển được. Bỏ chạy và khóc lóc...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vết thương của cây bàng

  1. Vết thương của cây bàng TRUYỆN NGẮN CỦA VÕ THU HƯƠNG Mẹ 18 tuổi thì giải phóng Đà Lạt. Ngày ông ngoại đi học tập cải tạo, mẹ mượn được chiếc xe chaly cũ của hàng xóm, chạy theo xe chở ông đi, nước mắt rơi ngược gió ướt mèm cả tóc. Chạy được nửa đường thì xe dính đinh, thủng lốp mới hoảng hốt vì không có một xu trong túi để sửa. Một bác sửa xe lúc đó thương tình giúp cho. Bác bảo cứ quay về đi, sông có khúc, người có lúc, phải vượt qua khó khăn mới mong ra biển được. Bỏ chạy và khóc lóc không giải quyết được gì. Mẹ không bỏ chạy, dù chồng chưa cưới của mẹ, người thề non hẹn biển với mẹ đang chuẩn bị một chuyến đi xa. Mẹ chạy xe theo ông ngoại vì muốn biết ông sẽ được đưa đi đâu, muốn biết bao giờ ông quay về. Mẹ cũng muốn lánh tạm đâu đó để không nhìn thấy cảnh người yêu ra đi. Bà ngoại vốn con nhà đài các, lấy chồng xong chỉ lo thêu thùa đọc thơ trong nhà, khi gặp chuyện chỉ biết kêu trời và ngất xỉu. Nhìn một đám sáu đứa em, mẹ không biết làm gì hơn là chạy theo để hỏi những câu hỏi ấy, như một cứu cánh. Thế mà chưa hỏi được, cũng không biết ông đi đâu về đâu thì xe hỏng. Mẹ thở dài ngao ngán. Khi quay về cũng đúng lúc bác Đán qua tìm mẹ. Bác lại van xin mẹ cùng gia đình sang đất Mỹ. Mẹ vẫn lắc đầu. Nhìn bà ngoại vẫn nằm bẹp giường. Lũ em có đứa còn ẵm ngửa. Bác gửi mẹ túi đồ lưu niệm, bảo mẹ sáng mai hãy mở ra coi. “Anh qua Mỹ cùng gia đình. Lúc nào ổn, anh sẽ quay về đón em, em cứ suy nghĩ kỹ nhé”. Chẳng cần suy nghĩ thì mẹ cũng biết mẹ như cái cây đã gắn rễ sâu trong đất này, chẳng thể rời xa; dễ gì sống nổi khi bị bứng qua một vùng đất mới, thở khí trời mới. Trước giờ tạm biệt, bác Đán bứng cây bàng trước ngõ nhà bác trồng qua sân nhờ mẹ chăm nom. Cây bàng ấy gắn nhiều kỉ niệm hò hẹn.
  2. Túi đồ lưu niệm của mẹ có 16 cây vàng và một tượng phật bằng vàng nhỏ cỡ ngón tay cái. Bác Đán bảo tặng mẹ hết, mẹ bán mà lo cho gia đình. Mẹ giữ trọn vẹn tất cả chờ khi gặp lại trao trả người ta. Chỉ mới chạm ngõ hai nhà, làm gì có quyền tiêu xài của cải nhiều như vậy. Thế rồi năm năm không nghe tin tức bác, biết chẳng thể chung một con đường, mẹ đi lấy chồng. Người tính chẳng bằng trời tính, mẹ giữ số vàng kĩ thế nào, sau cũng lọt vào tay bố. Sau một đêm tỉnh dậy cả bố và túi vàng biến mất. Tượng phật mẹ đặt trên bàn thờ, trong một đoá sen do mẹ kết nên vẫn còn. Mẹ chạy qua nhà bà nội tìm bố, bà thủng thẳng bảo: “Qua Mỹ mà tìm”. Bà giận bố ra đi không chào từ biệt, giận lây luôn mẹ. Đất Mỹ một thời từng là vùng đất hứa với một số người, dù không ít người bỏ xác dọc đường. Bố là giáo viên, vậy mà cũng bị thứ hào quang ảo ảnh ấy làm mờ mắt, sẵn sàng bỏ tất cả để chạy theo. Mẹ thấy đắng cay, tủi nhục dâng tận họng mà cắn răng không khóc. Chỉ sợ khóc rồi không đứng dậy nổi như bà ngoại. Trong cơn đau quặn ấy, mẹ nhận thấy có mầm sống bé nhỏ đang cựa nhẹ trong mình. Con gái mẹ hoài thai, cuộc đời mẹ hồi sinh từ đấy. *** Chuyến ra đi của bố bất thành. Ông quay về tả tơi rách rưới như kẻ hành khất nghèo mạt, vịn vào gốc bàng trước hiên nhà và ngã gục. Tất cả tiền của, gạo nước của bố bị cướp sạch sẽ. Những ngày ấy mẹ còn ở cữ. Bố nhìn Thư – đứa con gái nhỏ như con mèo mà lần đầu ông biết đến, mắt vằn lên vẻ lạnh lùng. Ông ngồi uống rượu suốt ngày, rồi chẳng biết rượu nói hay bố nói mà khiến mẹ chết lặng: “Sao con bé này không giống tôi?”. Quả thực, Thư không giống bố cũng chẳng giống mẹ, chỉ giống ông ngoại. Mẹ giải thích, bố không tin. Mẹ cũng chẳng cần bố phải tin. Với mẹ, Thư là báu vật qúy nhất mà bố cho mẹ. Chẳng biết mẹ kể cho Thư nghe câu chuyện nhiều bất trắc những ngày thanh xuân của mẹ đã bao nhiêu lần. Đêm qua gió lớn, một nhánh bàng già bỗng gãy đổ. Nhìn các cậu cưa cành bàng đi, nhựa tươi rịn ra như máu từ một vết thương lớn. Mẹ không giấu vẻ xót xa, lại lẩn thẩn nhắc chuyện xưa.
  3. Bố kết thúc cuộc đời bên những chén rượu. Từ lúc bác sĩ thông báo bố bị ung thư phổi tới ngày ông mất chỉ vỏn vẹn hai tuần. Lúc ấy Thư vừa bảy tuổi, hiểu rõ sự sống và cái chết sao mà thật gần. Sáng, bố mới ngồi chửi thề, rên rỉ vì những cơn đau đớn thì chớp mắt cái, chưa tới buổi trưa ông đã ra đi, mãi mãi ra đi. Bố đi được một tuần thì em Linh lọt chân xuống ao không ai biết. Tới tối, vừa cúng cơm cho bố xong thì mẹ mới tá hoả chạy tìm em. Bà ngoại tưởng dì trông, dì tưởng cậu trông, cậu tưởng Thư trông… Rốt cùng không ai trông, một mình em tha thẩn phía ao bên hông nhà, em lẫm chẫm ra đi lặng lẽ khi chưa hề biết nói. Trong ngày mọi người đưa em ra đồi, mẹ ngồi chết lặng trước bàn thờ Phật. Gần trưa đi học về, Thư thấy trong nhà lao xao. Hốt hoảng chạy vào, Thư chỉ còn nghe tiếng ai đó rít lên: “Cuối tuần không có tiền cho tao, tao chôn sống cả mấy mẹ con mày”. Giọng ai đó phụ hoạ: “Đồ dày mặt dám quỵt nợ. Chồng chết, con chết cũng không khóc, đúng là dày mặt”. Mái tóc mẹ rối bung xoã che mặt do bị người ta nắm đầu giật. Khổ thân mẹ. Mới tuần trước Thư còn thấy mấy người này đến năn nỉ nhờ mẹ gửi tiền qua mối quen nào đó để kiếm lãi cao. Mẹ chỉ chuyển giúp, có giật của ai đâu. Chỉ khi dây hụi bị vỡ, mấy người kia trốn đi, một mình mẹ bỗng dưng mắc nợ, mắc oán. Mẹ quyết định rất nhanh. Dọn cơm cho hai đứa ăn xong, mẹ gọi Thư và em Phi vào buồng kín, bảo: “Mình không tự chết thì tụi nó cũng xé xác mình, chôn mình. Thôi, phải uống nước này mà chết thôi”. Thư sợ hãi, nhìn những vỉ thuốc ngủ mẹ vứt bên cạnh, nước mắt chảy dài. Trước tới giờ, mẹ quyết điều gì thì không thể xoay chuyển. Em Phi lắc lắc ca nước trước mặt: “Uống nước này mà chết hả mẹ? Tại sao mìn phải chết?”. Giọng em ngọng líu ngọng lo. Mẹ bật khóc tức tưởi. Lần đầu thấy mẹ khóc, Thư nín bặt, lau khô nước mắt, xoa lưng mẹ: “Mẹ nín đi, con uống ngay đây”. Bất chợt, mẹ giật ca nước hắt ra cửa sổ. Mẹ nhanh tay thu dọn đồ đoàn kéo hai chị em đi trong đêm lạnh buốt, gió thổi thông thốc hơi sương vào mặt. Chuyến xe khuya chạy về Sài Gòn, ngoảnh lại nhìn những đồi thông mịt mù, chập chùng, Thư thấy lòng bỗng dưng nhẹ nhõm khi mẹ đưa tay nắm chặt tay mình. ***
  4. Mẹ thường bảo, sinh ra phận đàn bà đã là cái khổ (điều này thì Thư thuộc lòng từ thuở nhỏ khi mẹ hát ru Thư và mấy đứa em bằng lẩy Kiều). Làm đàn bà luỵ tình là khổ nhất trong các loại khổ. Mẹ mở chiếc hộp gỗ đã bóng màu thời gian, bên trong là tượng Phật Quan Âm – món quà mối tình đầu của mẹ rồi bất chợt thở dài. Đôi khi trong giấc mơ, mẹ lại hồi tưởng về ngày bác Đán ra đi, mẹ đứng một mình dưới gốc bàng kỷ niệm. Tỉnh dậy mẹ lại trách mình có lỗi với bố, lại trách người thề hẹn cho lắm mà một đi không trở lại. Thư bất ngờ nói: “Vậy để bớt khổ, tốt nhất là đừng luỵ tình, phải sống lí trí!”. Khi nhìn ánh mắt Thư tỉnh queo nói ra điều ấy, mẹ hoan hỉ: “Con gái xem ra khôn hơn mẹ”. Nhiều năm sau đó, mỗi khi rung động, đau đớn, vui buồn với người yêu, Thư không dám sẻ chia với mẹ. Thư sợ phá vỡ ánh mắt hoan hỉ hiếm hoi của mẹ. Ngày Thư đưa anh về ra mắt mẹ, mẹ tỏ vẻ không vừa ý khi anh đang nói chuyện bỗng cao hứng nhảy phốc lên chiếc xe Honda dựng sát tường ngồi. Trong lúc ấy, mẹ và Thư ngồi ở ghế nghe anh trò chuyện như một diễn giả. Lúc anh về, vừa chào mẹ xong, anh quay ra ho húng hắng rồi khạc nhổ ngay gốc khế trước nhà. - Thư, mẹ không quá định kiến nhưng thằng Huy hình như hơi thiếu giáo dục. - Nhà anh ấy, cả bố lẫn mẹ đều là giáo viên. Còn hơn nhà mình ấy chứ. Tại tính anh giản dị, quê miền Tây nên vậy. - Con đổ thừa quê là sai. Không có vùng quê nào có giáo dục lại thiếu lễ phép với người lớn tuổi như vậy – giọng mẹ kiên quyết. Cuộc đôi co dừng lại khi Thư đuối lí. Thư quay đi, bực dọc, dù Thư hiểu những gì mẹ nói phần nhiều là… đúng. Bẵng một thời gian, Thư bảo: “Mẹ, con lấy chồng!”. Mẹ lặng đi. Thư ấp úng lúc lâu, tay bám chặt cạnh bàn gỗ: “Con… con có em bé… gần ba tháng rồi”. Thoáng chút thất thần, những nếp nhăn xô lại trên trán mẹ: “Thôi, đi, cút ngay…”. Giọng mẹ rền rĩ. Thư biết chẳng gì đau hơn khi mẹ thương Thư nhất, hy vọng Thư nhất cuối cùng đáp lại Thư đặt mẹ vào thế sự đã rồi. Điều ấy chẳng khác gì một sự bạc đãi, phản trắc. Đám cưới Thư mẹ đặt vào tay Thư tượng phật quan âm ngày xưa bác Đán tặng mẹ. Bức tượng ấy đối với mẹ là kỷ vật vô giá. Anh Huy khi thấy mẹ, cười phớ lớ; “Biết ngay, thể
  5. nào bà già cũng đến”. Mẹ bảo, mẹ lên thay bố, vì bố chứ không bao giờ tha thứ nổi chuyện này. Mẹ có mặt đúng 15 phút, chỉ đủ lúc lên sân khấu giới thiệu nhà trai, nhà gái. Xong nghĩa vụ, mẹ lặng lẽ ra về. Thư đang uống rượu mừng, nhìn theo dáng mẹ ra phía cửa mà nghe sống mũi cay sè. Đêm tân hôn, Huy mệt nhoài ném người xuống giường than vãn: “Sinh ra đám cưới đám xin làm chi cho mệt người thế nhỉ?”. Thư choáng, chẳng biết vì lỡ uống hơi nhiều rượu hay vì câu nói vô tâm ấy. Đêm tân hôn ấy chú rể nằm chiếm ¾ chiếc giường đôi, cô dâu nằm úp mặt vào tường mặc những giọt nước mắt chảy xuống chiếc gối thêu hình trái tim. Đang mang bầu ở tháng thứ tư, Thư cũng chẳng mặn mà lắm chuyện chăn gối, nhưng thèm một câu trò chuyện, hỏi han lúc này. Đáp lại Thư chỉ là tiếng ngáy khùng khục từ họng Huy và hơi men nồng nồng khó chịu. Thư vừa tỉnh dậy sau một đêm nhọc nhằn bởi những giấc mộng mị thì mẹ gọi: “Mẹ về quê, vừa thắp nhang bố và em”. Giọng mẹ nghèn nghẹn. Thư hốt hoảng: “Mẹ khóc à?”. “Không, tại đồi nhiều gió đấy” – vẫn nghẹn giọng, mẹ thanh minh. “Mẹ giận tụi con à?”. “Mẹ thương con đang bước đi con đường mẹ từng đi. Mà thôi, mẹ cần ở trên này một thời gian…”. *** Tổng giám đốc của Huy ở Mỹ về công tác tại công ty con Việt Nam. Khi nghe ông nói về Đà Lạt tìm lại người quen, Huy hào hứng kể quê vợ ở đó. Ông giám đốc không giấu vẻ mừng vui, cậy nhờ Huy và Thư cuối tuần dẫn về. “Hơn ba mươi năm rồi tôi mới trở lại, tôi sợ lạc mất giữa sương mù Đà Lạt” – ông hóm hỉnh giải thích. Huy và Thư cũng muốn lên Đà Lạt xin lỗi rồi đón mẹ xuống lại Sài Gòn. Đường lên phố núi ngoằn ngoèo giữa trập trùng đồi thông. Ông giám đốc kêu Huy dừng trên đèo Pren. Rít một hơi thuốc dài, giọng ông khàn đi, chẳng biết vì lạnh hay vì xúc động: “Ngày xa nơi này tôi vừa mười tám. Nếu ở lại, chắc con tôi chừng bằng các cô cậu”. “Vậy con chú bây giờ mấy tuổi rồi?”. “Không, tôi ở một mình”. Thư bỗng thấy câu hỏi của mình vô duyên quá. Hình như ông không để ý điều đó: “Tôi đã từng thề non hẹn
  6. biển với một người. Tôi giữ lời hẹn ấy dù nhiều lần nhờ người tìm tin tức người ấy mà không được. Lần này tự tôi đi tìm… Chao, đó là một câu chuyện dài mà suốt đời tôi chỉ mong giá có thể chắp vá lại kỷ niệm”. Người đàn ông ngoại ngũ tuần xoa hai tay vào nhau như kiếm chút hơi ấm. “Chú Đán hút thuốc nữa?” – nghe lời mời của Huy, Thư giật mình: “Chú… chú Đán?!”. Suốt chặng đường dài Thư vô ý không để ý tên người đồng hành. Cô khẽ nhíu mày nghĩ tới người yêu cũ của mẹ. Có lẽ là sự trùng lặp. “Cậu cho xe chạy về đường lên Dinh Hai…”. Giọng ông đều đều. Thư băn khoăn: “Chú tìm nhà ai trên đó?”. “Nhà cô My”… “Nhà ấy… có cây bàng trước ngõ không chú?”. Đến lượt người đàn ông giật mình: “Cây bàng ấy mấy chục năm rồi vẫn còn ư?”. “Dạ còn, nhưng trận bão lớn mấy năm trước khiến đổ gãy một cành lớn”. Ông mỉm cười mà vai rung lên đầy xúc động, những giọt nước mắt chợt lăn nhanh xuống gò má đã sạm màu. Thư thấy cay sè nơi khoé mắt. Giờ thì cô biết vì sao gốc bàng ấy ý nghĩa với mẹ đến thế… ------------------------------------------------------ Võ Thu Hương Sinh ngày 3.4.1983 tại Nghệ An Hiện là phóng viên báo Mực Tím, TP.HCM Tác phẩm đã in: Bóng thuyền xa, Hành trình của gió, Cò trắng bay qua sông. Đã đạt giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (Hội VHNT Bình Dương 2005) và giải Hồ Xuân Hương (Hội VHNT Nghệ An 2010).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2