Ấm Samovar - Biểu tượng độc đáo của nền văn hoá Nga<br />
Đi vào cuộc sống, vào phong tục và cả trong thơ ca, ấm Samovar thực sự không<br />
còn là một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Nga mà đó<br />
còn là một thành quả nghệ thuật của cả dân tộc Nga.<br />
Khó có thể nói chính xác chiếc ấm Samovar đầu tiên ra đời khi nào, nhưng có lẽ là<br />
vào khoảng cuối thế kỷ 13. Rất nhiều thành phố của Nga sản xuất loại ấm Samovar<br />
này, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là thành phố Tula - một trung tâm bề dầy truyền<br />
thống về chế tác đồ kim khí.<br />
Đây là loại ấm bằng kim loại có thể giữ nhiệt cho nước để pha trà. Người ta có thể đốt<br />
than hoặc củi theo một đường ống thẳng đứng giữa ấm Samovar và nhiệt độ của nó sẽ<br />
làm sôi nước dùng pha trà. Trên đỉnh ấm là một bình nhỏ để trà. Trong bình này, người<br />
ta sẽ pha trà đặc, sau đó, những tinh chất trà này sẽ được hòa tan vào nước nóng bốc lên<br />
từ ấm Samovar.<br />
Những chiếc ấm Samovar có sớm nhất giống như những ấm trà của Anh. Những chiếc<br />
Samovar này có một đặc trưng rất nổi bật: chúng bao gồm một ống ở bên trong và một<br />
hộp gió, nhưng lại có vòi và có tay cầm thay cho quai ấm. Mãi đến thế kỷ 18, ấm<br />
Samovar mới trông giống như bình trà và ấm trà cổ.<br />
Chiếc ấm Samovar của Nga rất khác nhau từ cấu trúc bên trong, cách trang trí bên ngoài<br />
cho đến mục đích sử dụng. Loại ấm này cũng được làm từ những chất liệu khác nhau:<br />
đồng, sắt, bạc và được đặt trên đế cũng bằng đồng hoặc sắt. Hoa văn trang trí bên ngoài<br />
thể hiện những trào lưu phong cách nghệ thuật khác nhau đồng thời thể hiện những xu<br />
hướng chung trong thị hiếu nghệ thuật của các thời kỳ khác nhau.<br />
ấm Samovar thực sự là biểu tượng cho sự nồng ấm trong gia đình và lòng hiếu khách<br />
của người Nga đồng thời cũng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Dần dần, Samovar trở<br />
thành chiếc ấm trà được sử dụng phổ biến ở mỗi gia đình Nga và người phụ nữ trong<br />
gia đình thường là người rót trà tiếp khách. Nhiều gia đình có 2 loại ấm Samovar, một<br />
loại trơn không trang trí cầu kỳ được dùng hàng ngày; loại kia thường được dùng trong<br />
các lễ hội hoặc các buổi tiệc.<br />
Những chiếc ấm Samovar đầu tiên được du nhập vào Nga vàđã trở nên rất hữu dụng đối<br />
với người dân nước này. Với tính cách điển hình của mình, người dân Nga bắt đầu trang<br />
trí và phát triển thành một tác tác phẩm nghệ thuật. Chiếc ấm Samovar đầu tiên được<br />
làm ở Tula. Sau đó, Tula trở nên nổi tiếng với tư cách là trung tâm sản xuất ấm Samovar<br />
(cùng các đồ sản xuất về đạn dược cũng như đồ kim loại khác). Đến năm 1900, có<br />
khoảng 40 nhà máy sản xuất ấm Samovar ở Tula với sức sản xuất hàng nǎm lên tới<br />
630.000 chiếc. Chỉ riêng nhà máy Batashev, một trong những nhà máy nổi tiếng nhất,<br />
đã sản xuất 110.000 ấm Samovar mỗi năm.<br />
Ấm Samovar có những hình dáng và kích thước khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử<br />
dụng. Hầu hết là những loại ấm nhỏ cao khoảng 45 cm, thường được sử dụng ở trong<br />
gia đình hoặc các công ty.<br />
Những loại ấm lớn hơn có thể có độ cao và đường kính từ 60 cm tới 1m. Nhiều ấm<br />
Samovar thường có những quai cầm và chân có thể tháo lắp được để có thể dễ dàng di<br />
chuyển. Những loại khác có thể có những cấu tạo riêng dùng để nấu nướng được. Các<br />
công nhân của các nhà máy sản xuất ấm Samovar của Nga đã cho ra những sản phẩm<br />
đẹp với những chi tiết, đường nét trên ấm rất sắc sảo bằng bạc, đồng và sắt.<br />
Giờ đây, uống chè với ấm Samovar đã trở nên "công nghiệp hóa". Samovar không còn<br />
được đun bằng than nữa mà được đun bằng điện. Chiếc ấm Samovar được sản xuất<br />
hàng loạt bằng máy móc và kiểu dáng cũng không còn mang dáng vẻ độc đáo. Ngày<br />
nay, những chiếc ấm Samovar chính là đồ lưu niệm, quà tặng mà mỗi du khách đến<br />
nước Nga đều tìm mua.<br />