JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 1, pp. 103-113<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0012<br />
<br />
ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG PHÁP HỌC HỢP TÁC ĐẾN THÀNH CÔNG<br />
HỌC THUẬT VÀ SỰ GHI NHỚ KIẾN THỨC CỦA SINH VIÊN<br />
Trần Văn Đạt<br />
Phòng Đào tạo, Trường Đại học An Giang<br />
Tóm tắt. Nghiên cứu thực nghiệm này điều tra ảnh hưởng của phương pháp học hợp tác<br />
đến thành công học thuật và sự ghi nhớ kiến thức của 110 sinh viên đại học chuyên ngành<br />
Giáo dục tiểu học đối với môn Tâm lí học trong thời gian 8 tuần tại Trường Đại học An<br />
Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sinh viên được giảng dạy bằng phương pháp học<br />
hợp tác có điểm thành công học thuật và sự ghi nhớ kiến thức cao hơn sinh viên được giảng<br />
dạy bằng phương pháp thuyết trình. Một số yêu cầu về việc đổi mới phương pháp giảng<br />
dạy, dựa trên trên quả nghiên cứu, được khuyến nghị.<br />
Từ khóa: Học tập cùng nhau, học hợp tác, sự ghi nhớ kiến thức<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Phương pháp dạy học đại học phải phát huy cao tính tự giác, tích cực, độc lập và sáng tạo<br />
của sinh viên, giúp sinh viên tự mình chiếm lĩnh những tri thức, kĩ năng và hình thành hoặc biến<br />
đổi những tình cảm, thái độ [17]. Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm cải thiện thành công học<br />
thuật, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện khả năng làm việc nhóm của sinh<br />
viên là yêu cầu cấp thiết đối với giáo dục bậc đại học tại Việt Nam hiện nay [7]. Phương pháp dạy<br />
học hiệu quả cần thiết phải thúc đẩy không chỉ khả năng chiếm lĩnh tri thức của người học mà còn<br />
rèn luyện năng lực tư duy độc lập, kĩ năng giao tiếp, và khả năng làm việc nhóm [7].<br />
Trong khi những phương pháp dạy học như thảo luận nhóm, học hợp tác được nghiên cứu<br />
và sử dụng rộng rãi tại các trường đại học ở nhiều quốc gia phát triển nhằm cải thiện việc học của<br />
sinh viên thì ở các trường đại học tại Việt Nam, phương pháp thuyết trình vẫn đang là phương pháp<br />
được sử dụng thường xuyên nhất [7]. Việc sử dụng thường xuyên phương pháp thuyết trình đang là<br />
mối quan tâm của các nhà giáo dục và quản trị giáo dục đại học tại Việt Nam bởi vì phương pháp<br />
này được nhìn nhận là kém hiệu quả trong việc cải thiện thành công học thuật của sinh viên, và sự<br />
ghi nhớ tri thức, phát triển năng lực tư duy bậc cao [17], phát triển kĩ năng giao tiếp, và thúc đẩy<br />
trách nhiệm và động lực của sinh viên trong học tập [13]. Những hạn chế của phương pháp thuyết<br />
trình cho thấy rằng nhu cầu áp dụng phương pháp dạy học hướng vào người học là việc làm có ý<br />
nghĩa. Trong số những phương pháp hướng vào người học thì phương pháp học hợp tác là phương<br />
pháp mà người dạy có thể lựa chọn để áp dụng trong lớp học vì những ảnh hưởng tích cực của nó<br />
đến sinh viên ở các phương diện học thuật, tâm lí, tình cảm và xã hội [13].<br />
Ngày nhận bài: 10/5/2015. Ngày nhận đăng: 10/2/2016.<br />
Liên hệ: Trần Văn Đạt, e-mail: tvdat@agu.edu.vn<br />
<br />
103<br />
<br />
Trần Văn Đạt<br />
<br />
Xuất phát từ những yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học bậc đại học hiện nay cho<br />
thấy rằng, có một nhu cầu cần thiết phải tiến hành cuộc nghiên cứu thực nghiệm để xem xét có hay<br />
không phương pháp học hợp tác có thể là một trong những phương pháp có thể được sử dụng song<br />
song với phương pháp thuyết trình ở bậc giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này<br />
được thực hiện nhằm điều tra ảnh hưởng của phương pháp học hợp tác đến thành công học thuật,<br />
và sự ghi nhớ kiến thức của sinh viên đối với học phần Tâm lí học tại Trường Đại học An Giang,<br />
với mong muốn góp phần xác định những lợi ích có thể của phương pháp học hợp tác trong môi<br />
trường giáo dục đại học, và làm cơ sở vững chắc cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm<br />
nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Lược khảo vấn đề nghiên cứu<br />
<br />
2.1.1. Định nghĩa học hợp tác<br />
Mặc dù các nhà nghiên cứu không cùng sử dụng chung một thuật ngữ học hợp tác nhưng<br />
tất cả đều có cùng nhận định rằng học hợp tác (cooperative learning) là “chuỗi các phương pháp<br />
ở đó sinh viên cùng nhau làm việc để giúp đỡ nhau đạt được những mục tiêu học tập” [13, tr.69].<br />
Nói cách khác, học hợp tác là một phương pháp giảng dạy, ở đó sinh viên là người chủ động kiến<br />
tạo kiến thức trong tiến trình học thay vì là người thụ động tiếp nhận kiến thức được truyền đạt từ<br />
giáo viên [13]. Sử dụng phương pháp học hợp tác trong lớp học không đơn thuần là đặt sinh viên<br />
ngồi cạnh nhau cùng một bàn học và yêu cầu họ làm công việc mà họ được giao. D.W. Johnson và<br />
F. Johnson (2006) khẳng định rằng “đặt sinh viên vào cùng một một phòng học, yêu cầu họ ngồi<br />
cùng nhau, nói với họ rằng họ là một nhóm học hợp tác, và sau đó khuyên họ ‘hợp tác’, điều đó<br />
không thể tạo nên một nhóm học hợp tác” (tr.15).<br />
Để một nhóm gọi là nhóm học hợp tác thì năm yếu tố, bao gồm sự tương thuộc lẫn nhau<br />
mang tính tích cực, sự tương tác mặt đối mặt, trách nhiệm cá nhân, các kĩ năng xã hội, và tiến trình<br />
nhóm nhất thiết phải hiện diện trong nhóm học tập đó. Nếu các nguyên tắc cơ bản của học hợp tác<br />
hiện diện trong mỗi bài học hợp tác thì sinh viên trong các nhóm học hợp tác đạt kết quả học tập<br />
cao hơn, và duy trì mối quan hệ tích cực hơn giữa các thành viên nhóm, giữa sinh viên và giảng<br />
viên, và sinh viên có thái độ tích cực hơn đối với môn học. Các công việc chính của giảng viên<br />
trong nhóm học hợp tác trước và sau mỗi bài học hợp tác có thể được tóm tắt như sau: thiết kế tài<br />
liệu học tập hợp tác để giúp sinh viên đạt được mục tiêu học tập; tập huấn các kĩ năng học tập hợp<br />
tác cho sinh viên để giúp họ tương tác hiệu quả trong nhóm; quan sát tiến trình nhóm học hợp tác;<br />
lắng nghe quan điểm của sinh viên để nhận biết mức độ hiểu biết bài học của họ [12]; cung cấp sự<br />
phản hồi cho nhóm và cá nhân sinh viên; giúp nhóm tránh những nỗ lực không cần thiết; và đảm<br />
bảo mỗi thành viên nhóm có trách nhiệm đối với kết quả học tập của nhóm họ [15]. Một khi năm<br />
nguyên tắc này được xây dựng trong ngữ cảnh học hợp tác thì vai trò của giảng viên trong phương<br />
pháp dạy học hướng vào người học thay đổi đáng kể. Giảng viên không còn là “nhà hiền triết trên<br />
bục giảng”, mà là “người hướng dẫn các hoạt động học tập” [15].<br />
Như vậy, trong tiến trình dạy học, giảng viên là những người thúc đẩy đối với việc học của<br />
sinh viên. Thay vì thuyết trình toàn bộ bài học, giảng viên chỉ cần trình bày cho sinh viên những<br />
điểm chính của bài học và sau đó cho phép họ làm việc trong những nhóm nhỏ. Giảng viên chỉ<br />
can thiệp vào công việc thảo luận khi sinh viên cần sự giải thích chi tiết nội dung bài học, hoặc khi<br />
giảng viên cảm thấy nhu cầu nhận được câu trả lời của nhóm, hoặc tán dương sinh viên vì các ý<br />
tưởng sáng tạo của họ hoặc sự thành thạo của việc sử dụng tốt các kĩ năng xã hội [15]. Giảng viên<br />
104<br />
<br />
Ảnh hưởng của phương pháp học hợp tác đến thành công học thuật và sự ghi nhớ kiến thức...<br />
<br />
cần tham gia vào trong quá trình học tập của sinh viên một cách hợp lí để lôi cuốn sinh viên vào<br />
trong tiến trình học tập một cách chủ động.<br />
<br />
2.1.2. Ảnh hưởng của học hợp tác đến thành công học thuật<br />
Phương pháp học hợp tác có những ảnh hưởng tích cực đến người học trong phạm vi học<br />
thuật, thái độ, tình cảm và tâm lí – xã hội so với người học được dạy bằng các phương pháp dạy<br />
học khác.<br />
Thành công học thuật<br />
Trong nhóm học hợp tác, sinh viên đạt thành công học thuật cao hơn sinh viên trong nhóm<br />
thuyết giảng (kích thước ảnh hưởng [ES] = 0.67) [12]. Sử dụng ES như một công cụ đo lường,<br />
Slavin (1990) phân tích 68 cuộc nghiên cứu và nhận thấy rằng 48 trong 68 so sánh thực nghiệm<br />
và đối chứng xác định lợi ích của học hợp tác đối với thành công học thuật (72%), và chỉ có 8 so<br />
sánh (12%) xác định thành công học thuật thuộc về nhóm đối chứng. Tương tự, sử dụng ES cho<br />
các phân tích tổng hợp, Johnson và Johnson (1999) kiểm tra 122 cuộc nghiên cứu thực nghiệm<br />
và cho thấy rằng sinh viên trong nhóm học hợp tác đạt kết quả học tập cao hơn sinh viên ở nhóm<br />
thuyết giảng. Các kết quả tương tự được công bố ở những cuộc nhiên cứu gần đây [2; 9] cho thấy<br />
rằng, sinh viên trong nhóm học hợp tác có điểm trung bình hậu kiểm tra hiệu chỉnh cao hơn sinh<br />
viên trong nhóm thuyết giảng.<br />
Nghiên cứu này tiếp tục kiểm tra một số cuộc nghiên cứu thực nghiệm gần đây được thực<br />
hiện tại châu Âu và châu Mĩ. Kết quả kiểm tra ở tất cả nghiên cứu này [16; 9] cho thấy rằng, thành<br />
công học thuật của sinh viên trong nhóm học hợp tác cao hơn sinh viên trong nhóm đối chứng<br />
(mức ý nghĩa p