YOMEDIA
ADSENSE
Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
91
lượt xem 5
download
lượt xem 5
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Trong bài viết này, tác giả giới thiệu TEACCH với tư cách là phương pháp can thiệp và tập trung làm rõ các vấn đề về phương pháp TEACCH là gì; Các ứng dụng của phương pháp TEACCH, ưu và nhược điểm của phương pháp TEACCH, đề xuất biện pháp áp dụng phương pháp TEACCH tại Việt Nam và tiến hành áp dụng TEACCH vào can thiệp cho trẻ RLPTK để áp dụng một cách thành công phương pháp TEACCH.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci., 2014, Vol. 59, No. 2, pp. 132-142 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP TEACCH TRONG CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ Đỗ Thị Thảo Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Những khó khăn mà trẻ rối loạn phổ tự kỉ thường gặp phải đó là: khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong việc tri giác, nắm cấu trúc và đoán biết diễn biến của nhiệm vụ. . . Quá trình học tập của trẻ sẽ được khắc phục rất nhiều nhờ việc sử dụng phương pháp TEACCH. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu TEACCH với tư cách là phương pháp can thiệp và tập trung làm rõ các vấn đề về phương pháp TEACCH là gì; Các ứng dụng của phương pháp TEACCH, ưu và nhược điểm của phương pháp TEACCH, đề xuất biện pháp áp dụng phương pháp TEACCH tại Việt Nam và tiến hành áp dụng TEACCH vào can thiệp cho trẻ RLPTK để áp dụng một cách thành công phương pháp TEACCH. Từ khóa: Rối loạn phổ tự kỉ, can thiệp, phương pháp, TEACCH, giao tiếp, hành vi. 1. Mở đầu Rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) ngày càng được phát hiện nhiều ở trẻ em Việt Nam và đang nhận được quan tâm bởi không chỉ các bậc cha mẹ, giáo viên mà cả các nhà nghiên cứu tâm lí, bác sĩ... Do vậy, việc áp dụng một cách có hệ thống về cơ sở lí luận và ứng dụng các phương pháp (PP) giáo dục chuyên biệt với trẻ RLPTK là một nhu cầu cấp thiết cho các cơ sở đào tạo và chăm sóc trẻ em khuyết tật hiện nay. Trị liệu và Giáo dục cho trẻ Tự kỉ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children - TEACCH) được tiến hành từ năm 1966 bởi các chuyên gia tâm lí, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Bắc Carolina, Mĩ. Người có công lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển chương trình TEACCH là Tiến sĩ Eric Schopler (1927 - 2006). Bắt đầu từ dự án Nghiên cứu trẻ em, một dự án nhằm cung cấp các dịch vụ dành cho trẻ RLPTK và gia đình. Năm 1972, tại Bắc Carolina, TEACCH đã được chính thức đưa vào chương trình can thiệp cho trẻ RLPTK. Ngày nay, TEACCH đã được sử dụng khá phổ biến tại hầu hết các bang ở Mĩ. Không dừng lại ở nước Mĩ, TEACCH đã được phổ biến tại nhiều nước thuộc Châu Âu, Ngày nhận bài: 2/9/2013. Ngày nhận đăng: 15/12/2013. Liên hệ: Đỗ Thị Thảo, e-mail: thao2006trang@yahoo.com. 132
- Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ Châu Á và Nam Mĩ, đặc biệt là tại Anh. Có thể nói, TEACCH là một trong những PP can thiệp trẻ RLPTK phổ biến, uy tín nhất hiện nay. TEACCH đã tập trung và giải quyết một cách có hiệu quả những khó khăn của trẻ RLPTK bằng việc cấu trúc hoá hoạt động dạy học cho các trẻ em này. Những khó khăn mà trẻ RLPTK gặp phải như: giao tiếp, tri giác, nắm cấu trúc và đoán biết diễn biến của nhiệm vụ. . . trong quá trình học tập được khắc phục rất nhiều nhờ việc sử dụng TEACCH. Vì vậy, áp dụng phương pháp này với trẻ RLPTK ở Việt Nam là rất quan trọng đối với cha mẹ và giáo viên dạy trẻ RLPTK và cả những nhà nghiên cứu về cơ sở lí luận và thực tiễn dạy học cho trẻ có nhu cầu đặc biệt hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu Hiện nay, TEACCH được tiếp cận ở hai phương diện chính, phương diện thứ nhất là chương trình can thiệp và phương diện thứ hai là phương pháp can thiệp. Chương trình TEACCH cung cấp cho trẻ RLPTK và gia đình trẻ các dịch vụ can thiệp và đào tạo. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi xin được giới thiệu TEACCH là một phương pháp can thiệp cho trẻ RLPTK với bốn ứng dụng trong thực tiễn dạy học. 2.1. Giới thiệu về TEACCH - phương pháp dạy học cấu trúc Khi xem xét TEACCH trên phương diện là một phương pháp dạy học chúng ta luôn ghi nhớ rằng nguyên tắc chủ đạo nhất của TEACCH là dạy học có cấu trúc. 2.1.1. Phương pháp TEACCH TEACCH là một cách tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp trẻ RLPTK có một cuộc sống hữu ích trong cộng đồng. Cách tiếp cận này bắt đầu cung cấp các thông tin thị giác, cấu trúc và sự dự đoán vì người ta nhận ra là kênh học tập thuận lợi nhất đối với trẻ là thông qua thị giác. TEACCH là một PP được thiết kế trong đó người ta dạy các kĩ năng mới trong một tình huống một thầy một trò; các kĩ năng hiện tại được thực hành trong một tình huống độc lập và các cơ hội tương tác xã hội diễn ra trong các hoạt động nhóm. Bản chất của phương pháp TEACCH là quá trình dạy học có cấu trúc. Hiểu một cách đơn giản thì dạy học có cấu trúc chính là cách thức thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học theo khuôn khổ, trình tự logic và ổn định. PP TEACCH hướng đến việc thiết kế một hệ thống hoạt động dạy học có cấu trúc, trong đó, tạo tối đa những gì có thể tiếp thu bằng kênh thị giác. Cách dạy bao gồm: chương trình, tổ chức phòng lớp và vật liệu, sự hướng dẫn đơn giản, rõ rệt. Phương pháp có 9 lĩnh vực can thiệp: Bắt chước; Nhận thức; Vận động thô; Vận động tinh; Kĩ năng ngôn ngữ; Kĩ năng tự lập; Kĩ năng bắt chước xã hội. Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả của việc áp dụng PP TEACCH trong giáo dục trẻ RLPTK. Những ý kiến đánh giá phần lớn đều cho rằng việc áp dụng PP TEACCH giúp cải thiện những vấn đề hành vi và giao tiếp của trẻ RLPTK. Sự cấu trúc giúp trẻ tập trung một cách thích hợp vào nhiệm vụ, giúp trẻ tiếp cận với những chương 133
- Đỗ Thị Thảo trình học tập và hỗ trợ tính tự lập cho trẻ. 2.1.2. Cơ sở của phương pháp TEACCH trong giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỉ Thứ nhất, tăng cường khả năng hiểu. Trẻ RLPTK thường có khả năng phản ứng tốt với những hướng dẫn mang tính chất kết cấu chính, vì vậy muốn tổ chức hoạt động dạy học cho trẻ RLPTK đem lại hiệu quả cao người ta phải cấu trúc hóa hoạt động dạy học cho các em. - Thứ hai, hạn chế vấn đề hành vi. Trẻ RLPTK có thường rất bối rối trước sự thay đổi, trước những sự việc xảy ra mà không được báo trước và các em có thể có những hành vi không phù hợp. Một môi trường được cấu trúc giúp trẻ dễ hiểu giảm thiểu những hành vi không phù hợp của trẻ. - Thứ ba, hỗ trợ sự độc lập: Việc cấu trúc hóa hoạt động học tập giúp trẻ RLPTK có thể dễ dàng làm việc theo hướng dẫn từ đó có thể làm việc độc lập và tự tin. - Thứ tư, dạy hành vi phù hợp. Một môi trường được cấu trúc hóa với các hoạt động và các hành vi được mong đợi sẽ trở nên dễ hiểu và dễ học hơn đối với trẻ RLPTK. 2.1.3. Các ứng dụng của phương pháp TEACCH a) Cấu trúc hóa môi trường vật chất: Trẻ RLPTK thường gặp khó khăn trong việc nhận ra: mục đích sử dụng của các môi trường, đâu là chỗ của cá nhân và đâu là chỗ của tập thể. . . chính vì vậy trong giáo dục, cần cấu trúc hoá về môi trường vật chất. Mục tiêu của việc cấu trúc hoá môi trường vật chất là: tạo ra ranh giới rõ ràng giữa các khu vực khác nhau, đánh dấu các khu vực khác nhau tương ứng với các hoạt động, giảm thiểu những kích thích thị giác và thính giác ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động của trẻ. Các bước cần làm để cấu trúc hoá môi trường vật chất: Bước 1. Đánh giá mức độ nhận thức của trẻ để xác định xem trẻ có thể nhận ra các môi trường khác nhau cho từng hoạt động thông qua hệ thống hình ảnh hỗ trợ nào. Bước 2. Xác định các khu vực tương ứng với từng hoạt động của trẻ cần được cấu trúc hoá và phân chia ranh giới các khu vực, gắn hệ thống hỗ trợ nhận biết (vật, hình ảnh, chữ...) trên từng khu vực. Bước 3. Hướng dẫn trẻ sử dụng môi trường vật chất đã được cấu trúc hoá. b) Cấu trúc hoá hoạt động: Việc cấu trúc hoá hoạt động đưa đến cho trẻ một số thông tin cơ bản: Mục đích của hoạt động là gì? Trong khoảng thời gian này phải thực hiện bao nhiêu hoạt động, nhiệm vụ. Quy trình thực hiện và khi nào thì chúng kết thúc công việc. Điều gì sẽ xảy ra khi hoạt động kết thúc (trẻ sẽ phải làm gì tiếp, sẽ được thưởng gì nếu hoàn thành công việc. . . ). Các bước cần làm để cấu trúc hoá hoạt động: Bước 1. Lựa chọn hình ảnh rõ ràng làm nổi bật thông tin chính về hoạt động. Bước 2. Hình ảnh được tổ chức, cấu trúc giúp trẻ có thể dễ dàng nhận ra các thông tin liên quan đến hoạt động: làm như thế nào, bao nhiêu, đến khi nào... c) Lịch bằng hình ảnh: Mục tiêu của việc sử dụng lịch bằng hình ảnh: Xây dựng lịch theo các thói quen hàng ngày. Xử lí những tình huống gây căng thẳng. Đưa ra một hoạt động mới. Xây dựng một thói quen mới. Khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động 134
- Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ khác cho trẻ. Các bước xây dựng lịch bằng hình ảnh: Bước 1. Quan sát kĩ năng giao tiếp và đánh giá mức độ nhận thức của trẻ để xác định được một số thông tin cần thiết cho việc xây dựng lịch bằng hình ảnh. Bước 2. Xác định mục đích của lịch. Lịch sẽ dùng trong hoạt động nào (giờ ăn, giờ ngủ, giờ học. . . ), dùng trong một hoạt động xác định hay trong các hoạt động hàng ngày. . . Bước 3. Xác định hệ thống hình ảnh nào là phù hợp nhất với trẻ. Bước 4. Hướng dẫn trẻ cách sử dụng lịch bằng hình ảnh d) Hình ảnh hoá và cấu trúc hoá thông tin: Hình ảnh hoá thông tin giúp trẻ RLPTK có thể: Học các kĩ năng mới, đặc biệt là các kĩ năng học đường. Luyện tập những kĩ năng mà trẻ đã làm được và có thể làm một cách độc lập với sự hỗ trợ của hệ thống hình ảnh. Làm cho nhiệm vụ trong các hoạt động nhóm hoặc lớp trở nên dễ hiểu. Phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và kĩ năng khám phá. Phát triển tính độc lập trong các thói quen hàng ngày. Phát triển khả năng hiểu những hoạt động khác như hoạt động nhóm và chơi. Các bước cần làm để hình hảnh hóa và cấu trúc thông tin: Bước 1. Đánh giá mức độ nhận thức của trẻ không chỉ phục vụ việc xác định các mục tiêu giáo dục cho trẻ mà còn để xác định hệ thống hình ảnh phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Bước 2. Lựa chọn hình ảnh rõ ràng, sắc nét và được trình bày với cấu trúc dễ hiểu. Bước 3. Sử dụng hệ thống các kí hiệu, các hình ảnh hỗ trợ phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ. 2.1.4. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp TEACCH - Ưu điểm: TEACCH tập trung vào từng cá nhân trẻ và những điểm mạnh của chúng. Sự dự báo trước về môi trường sẽ giảm thiểu sự lo âu và giúp trẻ tập trung tối đa vào công việc. - Hạn chế: TEACCH quá cấu trúc đối với trẻ, làm hạn chế sự ra quyết định và sự sáng tạo của trẻ mặc dù sự linh hoạt có thể được khuyến khích trong khuôn khổ. TEACCH cũng khá gò bó vì phải tập trung vào những đồ dùng phục vụ công tác tổ chức (bảng, chương trình) và cần nhiều nhân lực để thực hiện. Tuy nhiên, TEACCH đã cải thiện đáng kể trong hành vi và giao tiếp phù hợp của trẻ RLPTK. Sự cấu trúc giúp trẻ tập trung một cách thích hợp vào các nhiệm vụ mà không phải lo lắng và ngược lại điều này giúp trẻ tiếp cận với chương trình học tập. 2.2. Đề xuất áp dụng TEACCH vào can thiệp sớm cho trẻ RLPTK tại môi trường chuyên biệt 2.2.1. Yêu cầu của việc sử dụng TEACCH * Về chuyên môn và nhân sự: Giáo viên (GV) cần được trang bị kiến thức và kĩ năng sử dụng PP TEACCH một cách nghiêm túc bằng cách được cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, để áp dụng một cách thành công PP TEACCH 135
- Đỗ Thị Thảo nói riêng và giáo dục trẻ RLPTK nói chung cần có đội ngũ các nhà chuyên môn có trình độ cao. Các nhà chuyên môn này sẽ làm công tác đánh giá trẻ, cùng với GV và cha mẹ (CM) lập kế hoạch giáo dục, hướng dẫn GV cách áp dụng PP. . . Mỗi nhà chuyên môn có thể hỗ trợ khoảng 4 - 5 trẻ. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quá trình áp dụng PP. Những hoạt động được xây dựng trên cơ sở PP TEACCH cần được thống nhất giữa môi trường giáo dục gia đình và nhà trường. Đảm bảo số lượng giáo viên, việc áp dụng PP TEACCH, đặc biệt là trong thời gian đầu chiếm rất nhiều thời gian, nhân lực do vậy các cơ sở giáo dục không những phải đảm bảo chất lượng đội ngũ GV mà cần đảm bảo cả số lượng: mỗi GV từ 1 đến 2 trẻ. * Về cơ sở vật chất: Phòng học đủ rộng (ít nhất 30m2 ) để chia các góc học tập riêng biệt, không gian thoáng mát. Chia góc với các phòng học lớn, có góc học tập cá nhân cho trẻ, có khu vực để đồ dùng cá nhân. . . Đảm bảo sự yên tĩnh, không có nhiều các yếu tố gây nhiễu. Đồ dùng dạy học phong phú đa dạng, tranh ảnh, biểu tượng, tủ các loại, hộp, rổ đựng đồ dùng... phù hợp với PP TEACCH. * Về thời gian: Yêu cầu trẻ cần được can thiệp cả hoạt động nhóm và tiết cá nhân cần ít nhất 25 giờ/ 1 tuần. Trong đó, thời gian can thiệp cá nhân dành cho mỗi trẻ từ 6 - 12 giờ. Gia đình có điều kiện, có thể có thêm thời gian can thiệp tại nhà. * Về cách thức tổ chức các hoạt động: GV và CM cần ứng dụng bốn ứng dụng của TEACCH đó là: cấu trúc hoá môi trường vật chất, thời gian biểu bằng hình ảnh, xây dựng hệ thống hoạt động, hình ảnh hóa thông tin thì hiệu quả can thiệp cho trẻ sẽ cao hơn. GV cần cấu trúc hoạt môi trường vật chất trong phòng học cá nhân nơi tổ chức tiết cá nhân và cả trong lớp học chung dựa trên hoạt động chung của lớp; trẻ được xây dựng lịch bằng hình ảnh để sử dụng trong cả giờ học theo nhóm/lớp và cả những hoạt động học tập/sinh hoạt cá nhân tại trường. . . 2.2.2. Đề xuất áp dụng TEACCH vào can thiệp sớm cho trẻ RLPTK tại Việt Nam Biện pháp 1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV, CM về trẻ RLPTK, can thiệp sớm và phương pháp TEACCH. - Ý nghĩa: Hỗ trợ kiến thức và kĩ năng giúp cho giáo viên và cha mẹ có thể sử dụng tốt hơn phương pháp TEACCH trong quá trình can thiệp cho trẻ RLPTK. - Mục tiêu: Cung cấp kiến thức, kĩ năng nhằm nâng cao nhận thức cho GV và CM về: Giáo dục trẻ RLPTK, tầm quan trọng của CTS đối với trẻ RLPTK, cách đánh giá và áp dụng PP TEACCH trong can thiệp cho trẻ RLPTK. Từ đó giúp GV và CM có thêm kiến thức, kĩ năng giáo dục trẻ RLPTK và áp dụng có hiệu quả PP TEACCH vào giáo dục trẻ RLPTK. - Cách làm: Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn. Đây cũng là biện pháp quan trọng để có thể nâng cao nhận thức cho GV và CM; Cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn do các trường đại học, cao đẳng tổ chức: Đây là cách làm bền vững, giúp GV có chuyên môn sâu và có thể đào tạo lại các GV và CM; Hỗ trợ chuyên môn sau bồi dưỡng tập huấn: Giúp GV thành thục lí thuyết và thực hành thông qua các buổi dự giờ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. 136
- Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ Biện pháp 2. Tăng cường áp dụng đúng quy trình phù hợp với yêu cầu của phương pháp TEACCH - Ý nghĩa: Làm việc theo kế hoạch thực chất là tiến trình thực hiện một cách khoa học, lô gíc và chặt chẽ theo quy trình. - Mục đích: Áp dụng những yêu cầu cơ bản trong quá trình sử dụng PP TEACCH nhằm nâng cao kết quả sử dụng PP. - Cách làm: Căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ sở và những yêu cầu của PP TEACCH để thiết kế. + Về hình thức can thiệp và nhân lực: trẻ được can thiệp tại trường/trung tâm thông qua hình thức can thiệp cá nhân và theo nhóm nhỏ, được can thiệp thêm ở nhà bởi CM và/hoặc gia sư. + Về thời gian: trẻ được can thiệp tại trường/trung tâm 6 ngày/tuần với thời lượng ít nhất 25 giờ trở lên/ 1 tuần theo chuẩn của PP đề ra. Theo chúng tôi, trẻ cần được can thiệp khoảng 36 giờ/1 tuần thì trẻ sẽ tiến bộ nhanh hơn. Trong đó, giờ can thiệp cá nhân khoảng 12 giờ/tuần và can thiệp nhóm khoảng 24 giờ/ tuần. + Về cơ sở vật chất: Phòng nhóm cần đủ rộng để chia thành các góc học riêng biệt. Cần có phòng can thiệp cá nhân. Đồ dùng học tập, tủ đựng đồ đa dạng. Sử dụng các đồ dùng hiện có, đề xuất gia đình và trường/trung tâm bổ sung thêm một số đồ dùng. Để tiện cho việc theo dõi kế hoạch, kết quả can thiệp cần đưa ra mẫu KHGDCN, mẫu ghi chép kết quả một cách thống nhất. Giáo viên cần cấu trúc hoạt môi trường vật chất trong phòng học cá nhân nơi tổ chức tiết cá nhân và cả trong lớp học chung dựa trên hoạt động chung của lớp; trẻ được xây dựng lịch bằng hình ảnh để sử dụng trong cả giờ học theo nhóm/lớp và cả những hoạt động học tập/sinh hoạt cá nhân tại trường. . . Biện pháp 3. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường/trung tâm can thiệp sớm. - Ý nghĩa: Có được sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và trung tâm trong mọi hoạt động của công tác can thiệp cũng như việc áp dụng PP TEACCH cho trẻ sẽ giúp cho công tác giáo dục trẻ RLPTK đạt hiệu quả cao hơn. - Mục tiêu: Tăng cường sự phối hợp trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Có sự thống nhất trong việc áp dụng PP TEACCH và lập kế hoạch can thiệp cho trẻ. - Cách làm: GV và CM cần hợp tác với nhau trong mọi giai đoạn, quy trình của việc thực hiện chương trình, PP can thiệp cho trẻ. Việc lập kế hoạch can thiệp cần có sự thống nhất giữa GV và CM để giúp trẻ không bị khác biệt giữa 2 môi trường giáo dục. Cần có một quyển sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường để CM nắm được tình hình học tập tại của trẻ tại trường. Biện pháp 4. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc áp dụng PP TEACCH - Ý nghĩa: Để áp dụng PP TEACCH có hiệu quả cho nhóm trẻ RLPTK cần phải có CSVC và trang thiết bị đầy đủ cho việc áp dụng PP để công tác CTS đạt hiệu quả tối ưu. - Mục tiêu: Có được CSVC và trang thiết bị đầy đủ và phù hợp với nội dung của PP đưa ra. 137
- Đỗ Thị Thảo - Nội dung: Đầu tư CSVC và trang thiết bị thiết yếu và trang thiết bị chuyên dùng. - Cách làm: Tạo không gian yên tĩnh cho trẻ học tập, tránh những kích thích bên ngoài. Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho các hoạt động học của trẻ như đồ dùng học tập cho từng bài dạy để phù hợp với PP đề ra. Có thể tự làm các đồ dùng phù hợp với nội dung của bài dạy. Sử dụng nhiều hộp, tủ các loại để phục vụ cho việc cấu trúc hóa lớp học, các nội dung bài học. 2.2.3. Ví dụ áp dụng TEACCH vào can thiệp sớm cho trẻ RLPTK a. Thông tin kết quả đánh giá về trẻ Để có được điểm mạnh và hạn chế của trẻ, chúng tôi sử dụng thang CARS để đánh giá mức độ Tự kỉ và PEP-R để đánh giá sự phát triển của trẻ làm cơ sở để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ. Xin giới thiệu sơ lược về hai thang đánh giá này. - Thang đánh giá mức độ Tự kỉ ở trẻ em (The Childhood Autism Rating Scale - CARS): Là một công cụ chuẩn mực, được thiết kế đặc biệt và sử dụng rộng rãi nhất cho trẻ 2 tuổi do Schopler và cộng sự thiết kế (1980). CARS có thể sử dụng đánh giá trẻ Tự kỉ với nhiều mục đích khác nhau như: cho chương trình can thiệp sớm, chương trình phát triển tâm thần ở lứa tuổi tiền học đường và ở các trung tâm chẩn đoán phát triển tâm thần. Trong số các công cụ đánh giá Tự kỉ, CARS đã được kết hợp giữa thực hành và nghiên cứu. CARS sử dụng hữu ích cho việc: theo dõi định kì của trẻ Tự kỉ; đánh giá hiệu quả điều trị và thu thập các thông tin nhằm hỗ trợ ước tính tỉ lệ hiện mắc của Tự kỉ và đánh giá kết quả chức năng (đặc biệt là các thông tin về can thiệp và cung cấp dịch vụ). CARS là một công cụ kết hợp bởi báo cáo của cha mẹ và quan sát trực tiếp của các chuyên gia trong khoảng 30 - 45 phút về 15 lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực cho điểm từ 1 đến 4: 1 = Không rối loạn phát triển 2 = Rối loạn phát triển mức độ nhẹ 3 = Rối loạn mức độ trung bình 4 = Rối loạn mức độ nặng Tổng điểm của 15 lĩnh vực: Không mắc Tự kỉ = 15 - 30 điểm Tự kỉ mức độ nhẹ - trung bình = 30 - 36 điểm Tự kỉ mức độ nặng = 36 - 60 điểm Thang đánh giá và trị liệu cá nhân cho trẻ Tự kỉ và trẻ khuyết tật phát triển (Pep- R) là bộ công cụ cung cấp một PP đo lường có giá trị về khả năng của trẻ Tự kỉ và khuyết tật phát triển. Pep- R được sử dụng phù hợp nhất cho trẻ ở mức độ phát triển từ 6 tháng đến 7 tuổi. Pep-R đã được chứng minh là có độ tin cậy và độ giá trị cao trong quá trình sử dụng, công cụ này đã được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia, đã được công nhận tính hiệu quả từ nhiều chuyên gia và CM. Công cụ Pep- R đã được Alpern (1967) và các nhà nghiên cứu thuộc dự án “Nghiên cứu Trẻ em của Trường đại học Bắc Carolina và sau đó là trong Chương trình TEACCH”, đã tìm ra các minh chứng và đã khẳng định rằng có thể đánh giá được một cách đầy đủ năng lực của trẻ Tự kỉ nếu các tiểu mục đánh giá đưa ra phù hợp với mức độ phát triển. Pep- R sẽ cung cấp thông tin trong 131 tiểu mục được phân chia 138
- Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ về 7 lĩnh vực phát triển của một cá nhân bao gồm: bắt chước, tri giác, vận động tinh, vận động thô, phối hợp tay mắt, nhận thức thể hiện, nhận thức ngôn ngữ. Pep- R cũng được thiết kế để nhận dạng những hành vi (HV) không phù hợp điển hình ở trẻ RLPTK trong 4 lĩnh vực HV với 42 tiểu mục: quan hệ và ảnh hưởng, chơi và quan tâm đến vật liệu chơi, đáp ứng cảm giác và ngôn ngữ. Công cụ sử dụng để đánh giá của Pep- R gồm một nhóm đồ chơi và các tài liệu học tập được tiến hành trên trẻ bằng những hoạt động có tổ chức. Người kiểm tra quan sát, đánh giá và ghi lại những đáp ứng của trẻ trong quá trình đánh giá. Tóm tắt kết quả đánh giá miêu tả được điểm mạnh, điểm yếu của trẻ trong các lĩnh vực phát triển và HV. - Kết quả được mô tả ngắn gọn như sau: P là một bé trai 54 tháng tuổi, hiện nay bé đang học tại trường chuyên biệt sau một năm học tại trường hòa nhập mà không đạt hiệu quả. Kết quả chẩn đoán theo thang đánh giá CARS đạt 44 điểm (rối loạn Tự kỉ mức độ nặng). Kết quả đánh giá phát triển bằng thang đánh giá Pep-R cho thấy các lĩnh vực phát triển đạt được tương đương các độ tuổi như sau: Bắt chước 19 tháng, tri giác 18 tháng, vận động tinh 22 tháng, vận động thô 30 tháng, phối hợp tay mắt 19 tháng, nhận thức thể hiện 14 tháng và nhận thức ngôn ngữ 15 tháng. Tuổi phát triển đạt được là 18 tháng, chậm hơn so với tuổi thực là 29 tháng. Chỉ số phát triển DQ = 33. P chưa có ngôn ngữ, con thường xuyên thể hiện hành vi chống đối và không hợp tác khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Con chưa nhận biết được các khu vực trong lớp học, do đó trong giờ hoạt động giáo viên luôn phải dành thời gian để đưa trẻ vào đúng góc hoạt động. Kĩ năng vận động tinh của con cũng gặp nhiều hạn chế, con chưa biết cầm bút đúng cách, chưa biết cầm thìa xúc ăn. Con chưa nhận biết được các bộ phận cơ thể. Nhận thức về môi trường xung quanh rất hạn chế. Tuy nhiên, con sẽ giảm thiếu bối rối khi tham gia các hoạt động được cấu trúc hóa rõ ràng. Từ kết quả này, chúng tôi xây dựng KHGDCN cho P như sau: b. Kế hoạch giáo dục cá nhân (Xin đưa ra vài mục tiêu điển hình) Mục tiêu 1: Nhận biết các khu vực trong trường học. Để thực hiện được mục tiêu này chúng tôi đã cấu trúc hóa những khu gần gũi với con một cách rõ ràng và được kí hiệu bởi hệ thống hình ảnh trình bày bên dưới. Mục tiêu 2: Xúc gạo từ bát này sang bát khác không rơi vãi. Chuẩn bị một chiếc khay trong khay đặt một bát đựng gạo, một bát không và thìa. Chia nhỏ nhiệm vụ, dán hình ảnh các bước thực hiện vào một tấm bìa đặt phía trước để trẻ dễ quan sát. Giáo viên thực hiện mẫu sau đó yêu cầu trẻ nhìn vào tranh và thực hiện nhiệm vụ. Giáo viên luôn phải động viên, khuyến khích trẻ thực hiện nhiệm vụ, tránh việc trẻ bỏ dở giữa chừng. 139
- Đỗ Thị Thảo 140
- Áp dụng phương pháp TEACCH trong can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ Mục tiêu 3: Nhận biết màu sắc. Để thực hiện mục tiêu này chúng tôi tiến hành sử dụng PP TEACCH hình ảnh hóa thông tin và cấu trúc môi trường hoạt động của trẻ. Cụ thể: Đặt 3 chiếc bát nhựa có dán 3 màu sắc xanh, đỏ, vàng ở đáy bát. một rổ nhỏ đựng những chiếc kẹp có các màu tương ứng. Yêu cầu lựa chọn và kẹp những chiếc kẹp đó vào các bát có màu sắc tương ứng. Sau khi trẻ nhận biết được các 3 màu này chuyển sang các màu sắc khác. Mục tiêu 4: Nhận biết 4 bộ phận của cơ thể Khả năng nhận thức của trẻ còn khá hạn chế, nên khi dạy trẻ nhận biết chúng ta tiến hành từng nhiệm vụ một. Đầu tiên cho trẻ nhận biết 1-2 bộ phận, sau đó tăng lên số lượng các bộ phận. Chuẩn bị khay gỗ trong khay chia làm 4 ngăn, gắn lần lượt hình ảnh của các 4 bộ phận trên khuôn mặt: mắt, mũi, miệng, tai. Ở giữa khay đặt 1 chiếc đĩa chứa các bộ phận để trẻ lựa chọn. Sau khi giáo viên hướng dẫn trẻ cách thức thực hiện. Giáo viên yêu cầu trẻ tìm hình ảnh thích hợp đặt vào khay tương ứng. Sau sáu tháng can thiệp cho P theo TEACCH, P đã có những tiến triển nhất định. Giảm thiểu bối rối. Biết tìm đến khu vực học tập theo thời gian biểu. Các mục tiêu đưa ra P đều hoàn thành mức độ khá. Mặc dù tuổi phát triển và các kĩ năng của P vẫn còn chậm hơn so với tuổi thực khá xa nhưng P đã độc lập hơn khi đến trường, đó là điều đáng ghi nhận. Để có được những tiến bộ của P, đòi hỏi sự kiên định trong việc lựa chọn phương pháp, sự đồng nhất của các giáo viên can thiệp và gia đình của P. Chúng tôi thấy, TEACCH là phương pháp phù hợp với P tại thời điểm này. 3. Kết luận TEACCH với những ứng dụng cơ bản trong việc cấu trúc hoá môi trường vật chất, xây dựng hệ thống hoạt động, xây dựng thời gian biểu bằng hình ảnh và hình ảnh hoá thông tin có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ tính độc lập, tăng cường giao tiếp và giảm thiểu HV không phù hợp ở trẻ RLPTK. Để áp dụng một cách thành công PP TEACCH cần đảm bảo các yêu cầu sau: đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; đảm bảo số lượng GV; tổ chức tập huấn và thực hành PP; sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường nhằm tạo ra môi trường, nội dung và PP thống nhất giúp trẻ ghi nhớ kiến thức một cách sâu sắc nhằm khắc phục hạn chế về trí nhớ dài hạn và khả năng khái quát hóa, vận dụng 141
- Đỗ Thị Thảo và chuyển giao kiến thức ở trẻ. TEACCH là một trong những PP rất phù hợp với trẻ RLPTK. Đặc biệt hiệu quả cho những trẻ RLPTK có thói quen định hình, tư duy hình ảnh. Với 4 ứng dụng, PP TEACCH đã dần khắc phục được phần nào những khó khăn cho trẻ RLPTK (trong đó có vấn đề về hành vi, khả năng tri giác thị giác, giao tiếp và tính độc lập). Môi trường được cấu trúc một cách rõ ràng, có trật tự, các hoạt động được thông báo trước qua hình ảnh, các nhiệm vụ được hình ảnh hóa đã giúp trẻ giảm thiểu những lo âu, và dần hình thành ở trẻ tính độc lập ở trẻ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Thị Thảo, 2010. Sử dụng Pep-R trong can thiệp sớm cho trẻ có RLPTK. Tạp chí khoa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 55(8), tr. 146-157. [2] Bryna Siegel, 2003. Helping children with Autism learn, Oxford university press. [3] Eric Schoplre, Rober Jay Reichler, Aan Bashford- Manrgaret Langsing, Lee M. Marcus. Inđiviualized Assessment and Developmentally Disabled Children- Pro.ed an International Publisher. [4] http://www.brighttots.com/TEACCH_Method_autism [5] www. Division TEACCH ABSTRACT Applying the TEACCH approach to Early Intervention of Children with Autism Spectrum Disorders Children with Autism Spectrum Disorders (ASD) have difficulties in communication, sensory perception, organization and prediction, all of which can be addressed using the TEACCH approach. This article describes TEACCH intervention and its core components, the pros and cons, and suggests strategies in the use of TEACCH in Vietnam and the application of this approach when intervening to assist for children with ASD. TEACCH intervention strategies focus on physical and visual structure, schedules, work systems and task organization in order to maximize independence, communication and reduce improper behavior. For the TEACCH approach to be successful, conditions or considerations that must be taken into account are the physical environment, the number of teachers, training and practice, collaboration between the families and schools in creating the physical environment, consistent content and ways that to help children to acquire specific information and then make generalized use of that information in practice. 142
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn