Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 2: Phân loại kiểm toán
lượt xem 4
download
"Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 2: Phân loại kiểm toán" bài học này khái quát các loại kiểm toán được phân loại theo các tiêu thức khác nhau, trong đó, tập trung trình bày về bản chất và nội dung của các loại kiểm toán được phân loại theo hai tiêu thức cơ bản.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 2: Phân loại kiểm toán
- Bài 2: Phân loại kiểm toán BÀI 2 PHÂN LOẠI KIỂM TOÁN Hướng dẫn học Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau: Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia thảo luận trên diễn đàn. Đọc tài liệu: Giáo trình lý thuyết kiểm toán – Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân – Chủ biên: GS.TS Nguyễn Quang Quynh và PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa. Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email. Tham khảo các thông tin từ trang Web môn học. Nội dung Bài học này khái quát các loại kiểm toán được phân loại theo các tiêu thức khác nhau, trong đó, tập trung trình bày về bản chất và nội dung của các loại kiểm toán được phân loại theo hai tiêu thức cơ bản, đó là: (i) phân loại kiểm toán theo đối tượng kiểm toán và (ii) phân loại kiểm toán theo tổ chức bộ máy. Mục tiêu Nắm được các loại kiểm toán được phân loại theo các tiêu thức khác nhau. Nắm được bản chất của từng loại và phân biệt kiểm toán theo đối tượng cụ thể bao gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán liên kết. Nắm được bản chất của từng loại và phân biệt kiểm toán theo hệ thống bộ máy tổ chức bao gồm: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 21
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Tình huống dẫn nhập Hoàng, Lan, Dũng, An và Vinh là một nhóm bạn thân cùng góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Gỗ Việt Yến vào tháng 8 năm 2009. Hoàng là cổ đông lớn nhất sở hữu 40% cổ phần, đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành. Tính đến 31/12/2012, vốn điều lệ của Công ty là 20 tỷ đồng, tổng số lao động sử dụng khoảng 100 người. Trong quá trình quản lý và điều hành Công ty, giữa Hoàng và các bạn trong nhóm phát sinh mâu thuẫn gay gắt, đặc biệt là về tài chính. Lan và Dũng cho rằng bộ phận kế toán chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa phần mềm kế toán hay gặp trục trặc nên chắc chắn kết quả kinh doanh có sai sót. Trong khi đó, An và Vinh lại nghi ngờ có một số chi phí không có thực khiến cho lợi nhuận giảm. Để giải quyết những mâu thuẫn này, cả nhóm thống nhất phương án sẽ kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty hàng năm, bắt đầu từ năm 2012. 1. Xác định loại hình kiểm toán phù hợp với tình huống trên? 2. Xác định chủ thể kiểm toán phù hợp với Công ty Cổ phần Gỗ Việt Yến? 3. Kiểm toán viên có thể cung cấp các dịch vụ nào kèm theo kiểm toán báo cáo tài chính? 22 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán 2.1. Khái quát các cách phân loại kiểm toán Qua nghiên cứu lịch sử và bản chất của kiểm toán, chúng ta đã tiếp cận các loại kiểm toán khác nhau. Để có nhận thức rõ hơn về kiểm toán và có cơ sở tổ chức tốt công tác kiểm toán cần đi sâu vào nghiên cứu các loại kiểm toán. Cũng như các hoạt động khác, kiểm toán cần và có thể phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau: Theo đối tượng cụ thể, kiểm toán có thể phân thành kiểm toán (bảng khai) tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán liên kết. Nội dung và đặc điểm của các loại hình kiểm toán này sẽ được trình bày cụ thể tại Mục 2.2 của bài. Theo lĩnh vực cụ thể, có thể phân kiểm toán thành kiểm toán thông tin, kiểm toán quy tắc (tuân thủ), kiểm toán hiệu năng và kiểm toán hiệu quả. Các lĩnh vực kiểm toán này đã được trình bày tại Giáo trình, Chương 2, Mục 2.1. Theo phương pháp áp dụng trong kiểm toán, có thể phân kiểm toán thành kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ. Kiểm toán chứng từ là phương pháp mà kiểm toán dựa vào thông tin kế toán, trên cơ sở phương pháp luận và phương pháp kỹ thuật để xây dựng phương pháp riêng của mình như kiểm tra các cân đối hoặc đối chiếu. Kiểm toán ngoài chứng từ là phương pháp mà kiểm toán viên chưa có đủ các cơ sở dẫn liệu nếu chỉ dựa đơn thuần vào thông tin kế toán và thông tin có liên quan khác do khách thể kiểm toán cung cấp. Để thu thập bằng chứng, kiểm toán cần phải có các phương pháp thích hợp như kiểm kê, thực nghiệm và điều tra. Theo quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán có thể phân kiểm toán thành nội kiểm và ngoại kiểm. Kiểm toán từ bên ngoài (ngoại kiểm) là hình thức kiểm toán do chủ thể kiểm toán ở bên ngoài đơn vị thực hiện. Nội kiểm là hình thức kiểm toán do đơn vị tự thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát với mục đích quản trị nội bộ. Ví dụ, kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đối với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) được coi là ngoại kiểm, trong khi đó, kiểm toán nội bộ của Tổng Công ty thực hiện các cuộc kiểm toán đối với các đơn vị thành viên thuộc HUD là nội kiểm. Theo phạm vi tiến hành kiểm toán, có thể phân thành kiểm toán toàn diện và kiểm toán chọn điểm (điển hình). Kiểm toán toàn diện và chọn điểm có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Chẳng hạn, trong phạm vi một tổ chức, kiểm toán toàn diện hướng đến việc kiểm tra, rà soát tất cả các hoạt động theo các yếu tố của kiểm soát nội bộ hoặc mục tiêu của tổ chức, trong khi đó, kiểm toán chọn điểm chỉ tập trung vào những yếu tố cơ bản, những mặt cụ thể và trọng yếu của từng loại hoạt động được thực hiện trong một đơn vị để nhà quản lý có thể nắm bắt và điều hành kịp thời. Trong phạm vi đối tượng kiểm toán, kiểm toán toàn diện đồng nghĩa với việc toàn bộ các chứng từ, nghiệp vụ thuộc đối tượng kiểm toán sẽ được chọn để áp dụng các thủ tục kiểm toán. Với chọn điển hình, bằng phán đoán và kinh nghiệm nghề nghiệp, kiểm toán viên chỉ quan tâm đến những phần tử trong tổng thể chứa đựng các đặc trưng của tổng thể hoặc các phần tử có quy mô lớn, có khả năng sai phạm nhất. TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 23
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Theo tính chu kỳ của kiểm toán, có thể phân kiểm toán thành kiểm toán thường kỳ, kiểm toán định kỳ và kiểm toán bất thường (đột xuất). Kiểm toán thường kỳ hướng đến mục đích thường xuyên củng cố, tăng cường và lành mạnh hóa nề nếp các hoạt động, đặc biệt là hoạt động tài chính. Kiểm toán bất thường hướng đến việc phát hiện các tình huống sai sót, gian lận, vi phạm các quy định, thủ tục,.. trong quá trình thực hiện các hoạt động mà thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán dạng này không được báo trước. Trong khi đó, kiểm toán định kỳ lại gắn liền với các kế hoạch, các lịch trình kiểm toán mà khách thể kiểm toán đã được biết trước và cần phải chủ động lên chương trình để thực hiện. Chẳng hạn, các công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán theo định kỳ hàng năm phải mời kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của Luật Chứng khoán và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Nhà nước. Theo quan hệ về thời điểm kiểm toán với thời điểm thực hiện nghiệp vụ, kiểm toán bao gồm kiểm toán trước, kiểm toán hiện hành và kiểm toán sau. Mục đích thực hiện kiểm toán trước nhằm cung cấp thông tin cho việc ra quyết định, góp phần ngăn chặn hoặc phòng ngừa những quyết định không hợp lý, không khả thi trong thực tế. Chẳng hạn, kiểm toán trước đối với khâu xác định chủ trương đầu tư các dự án do ngân sách nhà nước tài trợ nhằm ngăn chặn tình trạng các dự án đã được phê duyệt nhưng khi đi vào hoạt động có hiệu quả đầu tư thấp, gây lãng phí ngân sách và tài sản công. Việc thực hiện kiểm toán song song với thời điểm thực hiện nghiệp vụ giúp cho nhà quản lý có thể nắm bắt kịp thời diễn tiến của hoạt động, từ đó có những quyết sách điều hành linh hoạt, hợp lý. Kiểm toán được tiến hành sau khi kết thúc nghiệp vụ lại hướng đến mục đích đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm để việc thực hiện các hoạt động này trong tương lai hiệu quả hơn. Theo tổ chức bộ máy kiểm toán, có thể phân kiểm toán thành kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Các tổ chức này sẽ được trình bày trong Mục 2.3 của bài. Theo quan hệ pháp lý của kiểm toán, có thể có kiểm toán bắt buộc và kiểm toán tự nguyện. Kiểm toán bắt buộc là kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm và các thông tin tài chính khác của các doanh nghiệp, tổ chức do pháp luật quy định. Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập hiện hành, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán; cơ sở thực hiện xã hội hóa,... bắt buộc phải được kiểm toán hàng năm bởi các doanh nghiệp kiểm toán. Kiểm toán tự nguyện liên quan đến các khách thể kiểm toán theo quy định của pháp luật không phải kiểm toán nhưng vẫn có nhu cầu kiểm toán báo cáo tài chính hoặc các công việc kiểm toán khác. Theo tính chất và phạm vi của kiểm toán có thể phân thành kiểm toán ngân sách và tài sản công, kiểm toán dự án các công trình, kiểm toán các đơn vị dự toán,… 24 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Trong các phần trên chúng ta đã tiếp cận với các khái niệm kiểm toán phân theo các lĩnh vực, theo quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán, theo phương pháp kiểm toán,… Trong các phần sau của chương trình và trong thực tiễn tổ chức kiểm toán đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu hai cách phân loại cơ bản nhất là theo đối tượng cụ thể và theo tổ chức bộ máy kiểm toán. 2.2. Phân loại kiểm toán theo đối tượng 2.2.1. Kiểm toán (bảng khai) tài chính (financial audit) Kiểm toán tài chính là một loại hình kiểm toán hướng vào việc xác minh và bày tỏ ý kiến về tính trung thực và hợp lý của các thông tin được trình bày trên bảng khai tài chính do các kiểm toán viên có trình độ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý đang có hiệu lực. Kiểm toán (bảng khai) tài chính có các đặc điểm chính sau đây: Đối tượng của kiểm toán tài chính là các bảng khai tài chính: Bảng khai tài chính bao gồm thông tin kinh tế được trình bày trên cơ sở chuẩn mực và chế độ kế toán khái quát về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng lưu chuyển tiền tệ của một cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin cho người sử dụng chúng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế. Bảng khai tài chính của đơn vị kế toán có các hoạt động thu chi ngân sách nhà nước, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm: Bảng cân đối tài khoản; báo cáo thu chi, bản thuyết minh báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo quy định của pháp luật. Bảng khai tài chính của đơn vị kế toán thực hiện hoạt động kinh doanh gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Chủ thể và khách thể trong kiểm toán tài chính được xác định tùy thuộc vào từng cuộc kiểm toán cụ thể. Với các đơn vị sử dụng kinh phí hoặc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì việc kiểm toán các bảng khai tài chính thường do kiểm toán nhà nước thực hiện. Ví dụ, Đại học Kinh tế quốc dân là đại học công lập với bản chất là một đơn vị sự nghiệp có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì việc kiểm toán các báo cáo tài chính của Trường do kiểm toán nhà nước đảm nhận. Với các đơn vị còn lại thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán hàng năm, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tư cách là một công ty niêm yết thì chủ thể kiểm toán bảng khai tài chính tương ứng sẽ là công ty hoặc văn phòng kiểm toán độc lập. Ví dụ: KPMG là chủ thể kiểm toán đối với báo cáo tài chính niên độ 2013 của Vinamilk. Trong mối quan hệ nội kiểm phục vụ cho mục đích quản trị nội bộ, việc kiểm toán các bảng khai tài chính của các đơn vị thành viên trong một tổng công ty, tập đoàn,... thuộc về trách nhiệm của kiểm toán nội bộ. Chẳng hạn, kiểm toán nội bộ của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị (HUD) có nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính của các thành viên trực thuộc HUD. TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 25
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Mục tiêu kiểm toán: Xác minh về tính trung thực và hợp lý của các thông tin trình bày trên bảng khai tài chính. Cơ sở tiến hành kiểm toán: Nhằm đạt được mục tiêu trên, kiểm toán viên phải dựa vào hệ thống chuẩn mực kế toán (là cơ bản), chế độ kế toán hiện hành cùng hệ thống các văn bản pháp lý đang có hiệu lực điều chỉnh hoạt động của khách thể kiểm toán. Do những người sử dụng bảng khai tài chính thường là bên ngoài đơn vị được kiểm toán, quan tâm đến thông tin tài chính với các mục đích khác nhau nên cơ sở thực hiện kiểm toán (hệ thống chuẩn mực) cần phải đảm bảo tính thống nhất. Kết quả kiểm toán: Kết quả kiểm toán phải thể hiện được ý kiến của chủ thể kiểm toán về độ tin cậy của thông tin được trình bày trong bảng khai tài chính. Các kết luận này có thể được trình bày trong biên bản kiểm toán, và chủ yếu là trong báo cáo kiểm toán. Chẳng hạn, với các công ty kiểm toán độc lập, báo cáo kiểm toán phải được trình bày theo mẫu được quy định trong chuẩn mực kiểm toán. Bên cạnh đó, kiểm toán viên có thể cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng như đưa ra các lời khuyên hoặc tư vấn về hoàn thiện kiểm soát nội bộ hoặc hệ thống kế toán của khách thể kiểm toán trong thư quản lý. Chúng ta nghiên cứu tình huống dẫn nhập: Các cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Gỗ Việt Yến quyết định kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty từ niên độ tài chính 2012. Vậy, loại hình kiểm toán này là kiểm toán tài chính. Mục tiêu cơ bản của cuộc kiểm toán là nhằm xác minh tính trung thực của thông tin trên báo cáo tài chính, đặc biệt là các thông tin về doanh thu, chi phí, từ đó xác định lợi nhuận của Công ty nhằm giải quyết các tranh chấp, nghi ngờ lẫn nhau giữa các cổ đông. Công ty Cổ phần Gỗ Việt Yến là một công ty có quy mô vừa, thuộc sở hữu tư nhân với số lượng cổ đông góp vốn là 5 người. Việc kiểm toán báo cáo tài chính xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của các cổ đông, vì vậy, chủ thể kiểm toán phù hợp nhất là kiểm toán độc lập. 2.2.2. Kiểm toán hoạt động (performance audit) Kiểm toán hoạt động là một loại hình kiểm toán hướng vào việc đánh giá tính hiệu lực của hệ thống thông tin và quản trị nội bộ, hiệu quả của hoạt động và hiệu năng của quản lý các hoạt động đã và đang diễn ra trong một tổ chức, cơ quan. Kiểm toán hoạt động có các đặc điểm chính sau đây: Đối tượng của kiểm toán hoạt động Đối tượng của kiểm toán hoạt động chính là các hoạt động cụ thể được thực hiện trong các tổ chức hoặc cơ quan. Các hoạt động này khá đa dạng kể cả trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Ví dụ, trong các cơ quan thuế, thu thuế cho ngân sách nhà nước là hoạt động chính. Đối với kho bạc nhà nước, hoạt động cơ bản lại là chi ngân sách nhà nước. Trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, các hoạt động bao gồm: cung ứng các yếu tố đầu vào, sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, quản lý và sử dụng nhân sự, marketting,… Chủ thể và khách thể trong kiểm toán hoạt động Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong kiểm toán hoạt động mang đậm sắc thái nội bộ. Ngay kể cả các trường hợp kiểm toán các hoạt động huy động, sử dụng ngân sách nhà nước và các tài sản công tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước do 26 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán kiểm toán nhà nước thực hiện, mặc dù phạm vi cuộc kiểm toán rất rộng, song mục đích chủ yếu của kiểm toán là hướng đến việc đánh giá thực tế mức độ tiết kiệm trong chi tiêu, hiệu lực trong kiểm soát vĩ mô và năng lực quản lý của nhà nước đối với nội bộ nền kinh tế. Ở các tổ chức có quy mô lớn, chẳng hạn như các tập đoàn tư nhân (FPT, Phú Thái,...) hay tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà,…), việc kiểm toán các hoạt động về thu chi và thanh toán, cung ứng, sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ,… thường do kiểm toán nội bộ thực hiện. Cần lưu ý rằng, mặc dù kiểm toán hoạt động chủ yếu do kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ thực hiện, nhưng loại hình kiểm toán này vẫn có thể đảm nhận bởi các văn phòng kiểm toán tư hoặc công ty kiểm toán độc lập – nếu đây là các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng do các khách hàng yêu cầu họ cung cấp. Mục tiêu kiểm toán Mục tiêu thực hiện kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá (i) tính hiệu lực của hệ thống thông tin và quản trị nội bộ; (ii) tính hiệu quả trong thực hiện các hoạt động và (iii) tính hiệu năng trong quản lý. Trong kiểm toán hoạt động, hiệu lực thể hiện tần suất và cường độ tác động của các quy chế, thủ tục kiểm soát trong một đơn vị lên các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu mà nhà quản lý đơn vị đó mong đợi. Ví dụ, kiểm toán nội bộ thực hiện đánh giá hoạt động cho vay tại ngân hàng nhằm phát hiện các thủ tục phê duyệt tín dụng đang được áp dụng để kiểm soát việc cho vay có lỗ hổng như: phê duyệt các khoản vay quá dễ dãi, không cần tài sản đảm bảo từ đó gây ra các rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng. Nhận định về tính hiệu quả trong kiểm toán hoạt động là đánh giá về sự tiết kiệm trong mua sắm các nguồn lực, khả năng sản xuất và khả năng sinh lợi của một cơ quan hoặc tổ chức. Ví dụ khi kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực, kiểm toán viên nội bộ cần quan tâm đến năng suất của lao động trực tiếp tại bộ phận sản xuất. Đây chính là biểu hiện về khả năng sản xuất của lực lượng lao động. Khi năng suất lao động cao, hiệu quả sử dụng lao động của đơn vị cao và ngược lại. Hiệu năng quản lý các hoạt động thể hiện ở mối quan hệ giữa nguồn lực (đầu vào) và kết quả đầu ra. Để đạt được các mục tiêu mà nhà quản lý mong đợi, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được nguồn lực đầu vào, kể cả trong hiện tại và tương lai. Nhờ đó, kết quả thực hiện mới có thể đạt được thông qua việc so sánh giữa thành tích thực tế với kế hoạch, dự toán hay các mục tiêu đã xác lập từ trước. Cơ sở tiến hành kiểm toán Giữa kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động có sự khác biệt khá lớn. Sự khác biệt không chỉ thể hiện ở đối tượng, mục tiêu đánh giá, mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể kiểm toán,… mà còn thể hiện ở cơ sở tiến hành kiểm toán. Trong kiểm toán tài chính, để nhận định về mức độ tin cậy của các thông tin tài chính, kiểm toán viên phải dựa vào các nguyên tắc, chuẩn mực hay chế độ kế toán tài chính thì trong kiểm toán hoạt động, không có một khuôn mẫu hay chuẩn mực cụ thể, TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 27
- Bài 2: Phân loại kiểm toán thống nhất nào để đánh giá các hoạt động. Phạm vi của kiểm toán hoạt động bao gồm nhiều loại hình nghiệp vụ được thực hiện ở các đơn vị khác nhau, vì vậy cần phải xây dựng các tiêu chí và thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá phù hợp với đặc điểm của từng loại hoạt động trong bối cảnh cụ thể. Ví dụ, trong kiểm toán hoạt động thanh toán, kiểm toán viên quan tâm đến việc đánh giá tính hiệu lực trong kiểm soát các khoản chi thông qua các thủ tục phê duyệt hay việc áp dụng các nguyên tắc bất kiêm nhiệm để hạn chế gian lận. Tuy nhiên, trong kiểm toán hoạt động cung ứng, các tiêu chí cần sử dụng lại là mức độ tiết kiệm chi tiêu trong việc mua sắm hoặc việc đạt được các mục tiêu như: cung ứng phải đủ về số lượng, chất lượng, kịp về thời gian và đáp ứng tốt nhất nhu cầu về các yếu tố đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ. Kết quả kiểm toán Trong kiểm toán hoạt động, kết quả kiểm toán có thể được trình bày trên biên bản hoặc báo cáo kiểm toán. Hình thức và nội dung của báo cáo hoặc biên bản kiểm toán tùy thuộc vào yêu cầu quản lý và mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán trong từng đơn vị cụ thể. Tuy vậy, giữa chúng thường có điểm chung, đó là báo cáo hoặc biên bản kiểm toán phải thể hiện ý kiến của kiểm toán viên về kết quả đánh giá các mục tiêu hiệu lực, hiệu quả hoặc hiệu năng của các hoạt động. Nội dung quan trọng nhất của báo cáo hoặc biên bản kiểm toán là các phát hiện kiểm toán cùng các tiêu chuẩn đánh giá. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dẫn đến những phát hiện đó, kiểm toán viên phải đề xuất được các giải pháp khắc phục hoặc các khuyến nghị để cải thiện. Nếu kiểm toán tài chính thiên về xác minh các thông tin trong quá khứ thì kiểm toán hoạt động lại hướng đến mục đích hoàn thiện các hoạt động trong tương lai. Chính vì vậy, kiểm toán hoạt động mang màu sắc tư vấn cho quản lý nhiều hơn là kiểm toán. 2.2.3. Kiểm toán liên kết (Intergrated audit) Kiểm toán liên kết là sự sáp nhập giữa kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động và thường được thực hiện trong các đơn vị công. Bản chất của kiểm toán liên kết là nhằm thẩm định và soát xét công việc quản lý các nguồn tài chính, nhân lực, vật lực đã ủy quyền cho người sử dụng theo các mục tiêu đã đặt ra. Mục đích của kiểm toán liên kết hướng đến hai khía cạnh: Một là, xác minh tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính. Khía cạnh này gắn liền với bản chất của kiểm toán tài chính; Hai là, đánh giá thành tích và hiệu quả của khách thể kiểm toán, trong đó tập trung vào việc xem xét hệ thống thông tin và điều hành, thẩm định tính hiệu quả và hiệu năng trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực sử dụng. Khía cạnh này gắn liền với bản chất của kiểm toán hoạt động. Một trong những biểu hiện điển hình về kiểm toán liên kết là các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoặc công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành. Ví dụ trong 28 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán công trình dự án tuyến tránh đường Hà Nội – Cầu Giẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2002, trong báo cáo, kiểm toán nhà nước đã đưa ra ý kiến về các vấn đề: (i) xác nhận số liệu về vốn đầu tư công trình; (ii) chấp hành luật, quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chế độ kế toán tài chính và các văn bản pháp lý khác có liên quan; (iii) tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quá trình thực hiện dự án. 2.3. Phân loại kiểm toán theo hệ thống bộ máy tổ chức 2.3.1. Kiểm toán Nhà nước Kiểm toán Nhà nước là hệ thống bộ máy chuyên môn của Nhà nước thực hiện các chức năng kiểm toán ngân sách và tài sản công. Ở thời kỳ trung đại, kiểm toán nhà nước đã xuất hiện để đối soát tài sản của vua chúa. Qua quá trình phát triển cho đến nay, kiểm toán nhà nước ở các nước phát triển đều thực hiện chức năng kiểm toán đơn vị ở khu vực công cộng. Kiểm toán nhà nước trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển đã có lịch sử hàng trăm năm. Cơ quan Kiểm toán nhà nước ở mỗi quốc gia có những tên gọi khác nhau như: Toà Thẩm kế Cộng hoà Pháp, Cơ quan Tổng Kế toán Hoa Kỳ, Cục Kiểm toán Liên bang Nga, Uỷ ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Văn phòng Tổng kế toán Canada; Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản;... Kiểm toán Nhà nước có một số đặc trưng cơ bản sau: Chủ thể kiểm toán Chủ thể thực hiện kiểm toán nhà nước được gọi là các kiểm toán viên nhà nước. Đó là các công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Chức năng và quyền hạn cụ thể của từng ngành bậc cũng có quy định cụ thể tuỳ theo từng nước song nói chung cũng có sự gần gũi giữa các quốc gia. Mô hình tổ chức Trong quan hệ với kiểm toán viên nhà nước, kiểm toán nhà nước là một hệ thống tập hợp kiểm toán viên này theo một trật tự xác định. Trong hàng loạt mối liên hệ phức tạp đó đã hình thành những mô hình tổ chức khác nhau tuỳ theo phạm vi các mối liên hệ. o Trong quan hệ với bộ máy nhà nước, kiểm toán nhà nước có thể độc lập với hệ thống lập pháp và hệ thống hành pháp hoặc trực thuộc một phía hành pháp hoặc lập pháp. Kiểm toán nhà nước trực thuộc cơ quan lập pháp: Với mô hình này, kiểm toán nhà nước trợ giúp đắc lực cho Nhà nước không chỉ ở kiểm tra thực hiện pháp luật mà trong cả việc soạn thảo và xây dựng các sắc luật cụ thể. Mô hình này cũng tạo điều kiện tối đa để có thể độc lập và thực hiện chức năng phản biện đối với Chính phủ, giúp Quốc hội thực thi quyền kiểm soát các hoạt động tài chính của Chính phủ. Tuy nhiên, mô hình này cũng khiến cho cơ quan Kiểm toán nhà nước không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với sự điều TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 29
- Bài 2: Phân loại kiểm toán hành và các hoạt động của Chính phủ, do đó có thể làm chậm đi công tác kiểm toán. Mô hình cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc cơ quan lập pháp được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên khắp thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Nga, Việt Nam (từ 1/1/2006)... Kiểm toán nhà nước trực thuộc cơ quan hành pháp: Mô hình này giúp chính phủ điều hành nhanh nhạy quá trình thực hiện ngân sách và các hoạt động khác. Tuy nhiên, nó cũng hạn chế phần nào tính độc lập của Kiểm toán nhà nước khi thực hiện chức năng phản biện của Chính phủ. Việc tổ chức cơ quan Kiểm toán nhà nước trực thuộc Chính phủ ở các nước khác nhau cũng không hoàn toàn như nhau. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, Kiểm toán nhà nước được tổ chức thành một cơ quan hành chính như một bộ, song có quyền kiểm toán các bộ khác của Chính phủ (kể cả Bộ Tài chính); hoặc Kiểm toán nhà nước cũng có thể được tổ chức như một cơ quan chuyên môn. Mô hình này được áp dụng tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Inđônêxia,… Kiểm toán nhà nước độc lập với các cơ quan lập pháp và hành pháp: Mô hình này được ứng dụng ở hầu hết các nước có nền kiểm toán phát triển, có nhà nước pháp quyền được xây dựng có nền nếp như: Kiểm toán nhà nước CHLB Đức, Toà thẩm kế của Cộng hoà Pháp,… Nhờ đó Kiểm toán nhà nước phát huy được đầy đủ tính độc lập trong việc thực hiện các chức năng của mình. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được chính thức thành lập ngày 11 tháng 7 năm 1994 theo Nghị định 70/CP của Chính phủ Việt Nam với chức năng xác nhận tính đúng đắn, hợp lý của tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kế toán nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Theo Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực ngày 1/1/2006, Kiểm toán nhà nước trực thuộc Quốc hội. Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. o Trong liên hệ nội bộ, cơ quan kiểm toán nhà nước có thể liên hệ theo chiều dọc và theo chiều ngang. Liên hệ ngang: là mối liên hệ nội bộ trong cơ quan kiểm toán cùng cấp. Liên hệ này có thể trực tuyến hoặc chức năng. - Liên hệ trực tuyến: Trong liên hệ trực tuyến, Tổng kiểm toán trưởng (hoặc Phó tổng kiểm toán) được uỷ nhiệm trực tiếp chỉ huy các hoạt động của kiểm toán nhà nước. Liên hệ trực tuyến có điểm ưu việt là đảm bảo lệnh của Tổng kiểm toán trưởng được chuyển trực tiếp đến các kiểm toán viên, đảm bảo điều hành nhanh nhạy và thông tin ngược xuôi kịp thời. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thích hợp trong điều kiện quy mô kiểm toán và số lượng kiểm toán viên không quá lớn. - Liên hệ chức năng: Trong liên hệ chức năng, quyền điều hành công việc được phân thành nhiều khối, mỗi khối lại chia thành nhiều cấp khác nhau. Mô hình này thích hợp với bộ máy kiểm toán có quy mô lớn. Liên hệ dọc: là mối liên hệ trong nội bộ tổ chức của cơ quan Kiểm toán nhà nước theo tính chất cấp bậc,cơ quan kiểm toán nhà nước trung ương có thể có mạng lưới ở tất cả các địa phương hoặc ở từng khu vực. 30 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán - Mô hình cơ quan kiểm toán nhà nước trung ương có mạng lưới ở tất cả các địa phương. Mô hình này thích hợp với các nước có quy mô lớn, các địa phương phân bố rộng và phân tán, khối lượng tài sản công tại mỗi địa phương lớn và quan hệ phức tạp. Đồng thời, mỗi địa phương cũng có khối lượng công sản, tài sản tương đối đồng đều. Tình hình đó đòi hỏi phải có tổ chức kiểm toán nhà nước ngay tại địa phương. - Mô hình cơ quan kiểm toán nhà nước trung ương có mạng lưới kiểm toán ở từng khu vực: Những khu vực này trước hết phải có khối lượng công sản đủ lớn và thường ở xa trung tâm nên đòi hỏi có kiểm toán nhà nước tại thực địa để thực hiện chức năng của kiểm toán nhà nước. Mô hình này thích ứng với những nước có quy mô nhỏ song địa bàn tương đối phân tán. Khách thể kiểm toán Là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn vốn và kinh phí từ ngân sách nhà nước, bao gồm: o Các dự án, công trình do ngân sách đầu tư. o Các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn ngân sách nhà nước. o Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước (100% vốn NSNN). o Các cơ quan kinh tế, quản lý của nhà nước và các đoàn thể xã hội. o Các cá nhân (tài khoản cá nhân) có nguồn từ NSNN… Loại hình kiểm toán chủ yếu Kiểm toán nhà nước chủ yếu thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán nhà nước tiến hành xác minh tính trung thực, đúng đắn của Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, chỉ ra những sai phạm, bất cập trong việc thực hiện ngân sách nhà nước, kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để quản lý, điều hành ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội; đánh giá hiệu quả và hiệu năng của các chương trình, dự án của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế – ngân sách. Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán là ngoại kiểm. Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán mang tính bắt buộc theo kế hoạch hàng năm và không được thu phí kiểm toán đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng vốn và kinh phí từ ngân sách nhà nước. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán Báo cáo kiểm toán do kiểm toán nhà nước phát hành có giá trị pháp lý cao. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân,… xem xét và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, địa phương, sử dụng trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Đơn vị được kiểm toán sẽ phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 31
- Bài 2: Phân loại kiểm toán tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị. Những kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện. Sự hiện diện và hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc thiết lập và giữ vững kỷ cương tài chính, chấp hành Luật Ngân sách Nhà nước, phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu xài phung phí tiền của Nhà nước. Kiểm toán nhà nước đã thực sự trở thành một bộ phận hợp thành không thể thiếu của hệ thống kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. 2.3.2. Kiểm toán độc lập Kiểm toán độc lập là các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm toán và tư vấn theo yêu cầu của khách hàng. Đây là hoạt động đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng trăm ngàn tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tài chính. Kiểm toán độc lập có các đặc trưng cơ bản sau: Chủ thể kiểm toán là các kiểm toán viên độc lập. Kinh doanh dịch vụ kiểm toán là kinh doanh một nghề chuyên sâu nên phải có kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề. Ví dụ, ở Việt Nam , để hành nghề kiểm toán thì cần có đủ các điều kiện sau đây: o Về nghiệp vụ chuyên môn: Phải có chứng chỉ kế toán viên công chứng (CPA). o Về phẩm chất đạo đức: Phải là người không có tiền án tiền sự. o Về pháp lý: Phải đăng ký hành nghề tại Bộ Tài chính. Ở các quốc gia khác, kiểm toán viên thường đăng ký hành nghề tại tại Bộ Tư pháp. o Về xã hội: Không có chung lợi ích, không có quan hệ ruột thịt với khách thể kiểm toán. Mô hình tổ chức o Công ty kiểm toán là bộ máy tổ chức bộ máy kiểm toán với số lượng lớn các kiểm toán viên độc lập. Các công ty này thực hiện nhiều loại dịch vụ trên địa bàn rộng lớn. Do đó, chúng được tổ chức theo loại hình phân tán và điều hành theo phương thức chức năng hoặc kết hợp. Theo mô hình này, các công ty đòi hỏi trình độ tổ chức phối hợp cao của các nhà quản lý, đòi hỏi khả năng chuyên môn cao và toàn diện của kiểm toán viên và lãnh đạo công ty, đòi hỏi đầu tư lớn về chuyên gia, kinh nghiệm và tiền vốn,… Tuy nhiên, cũng do luôn có tiềm năng lớn như thế nên các công ty kiểm toán có sức canh tranh lớn trên thị trường. Hiện nay, thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế của kiểm toán độc lập thuộc về các công ty kiểm toán có quy mô lớn quốc gia và xuyên quốc gia. Trong số đó phải nhắc đến 4 công ty xuyên quốc gia đứng hàng đầu thế giới (gọi tắt là Big-fours) là Ernst and Young, Deloitte, KPMG Peat Marwick và Price Waterhouse Coopers. 32 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Tại Việt Nam, ngày 13/5/1991 Bộ Tài chính thành lập hai công ty kiểm toán đầu tiên là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty dịch vụ tư vấn Tài chính – Kế toán và kiểm toán (AASC). Sự ra đời của hai công ty nói trên đã tạo tiền đề cho sự ra đời của các công ty tiếp theo bởi sự hoạt động tích cực và có hiệu quả cũng như yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế nước ta trong những năm đổi mới. Với số lượng khoảng 155 công ty kiểm toán đang hoạt động trong lĩnh vực này tính đến tháng 2 năm 2013, quả thực chưa bao giờ hoạt động kiểm toán độc lập lại sôi động như hiện nay. Số lượng các công ty hoạt động trong ngành tăng lên nhanh chóng cùng với các dịch vụ cung cấp ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp cho thấy hoạt động kiểm toán độc lập là một nhu cầu rất thiết thực của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Trong số các công ty kiểm toán đó, tuy chiếm số lượng nhỏ hơn so với các công ty trong nước, các công ty kiểm toán nước ngoài lại sở hữu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp lớn nhất. Chỉ tính riêng các công ty Big 4 hiện nay đã chiếm tới gần 30% tổng số nhân lực của các công ty kiểm toán hoạt động tại Việt Nam. o Văn phòng kiểm toán tư được hình thành bởi một hoặc vài kiểm toán viên độc lập để kinh doanh dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác có liên quan. Mô hình này phát triển phổ biến ở Cộng hoà Pháp và các nước Tây Âu. Ưu điểm của loại hình này là phát huy tính năng động cao của bộ máy kiểm toán,thích ứng với nhu cầu kiểm toán và tư vấn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm là các văn phòng chỉ thực hiện giới hạn các dịch vụ và sức cạnh tranh của mỗi tổ chức cũng hạn chế. Hiện tay ở Việt Nam chưa có thành lập văn phòng kiểm toán tư. Các công ty kiểm toán đa số có quy mô nhỏ. Khách thể kiểm toán Để thực hiện dịch vụ kiểm toán cũng như các dịch vụ khác có liên quan như kế toán, thuế, tư vấn, tài chính, tin học,… các tổ chức kiểm toán độc lập có quan hệ với khách hàng tự nguyện hoặc bắt buộc theo quy định của pháp luật. o Khách thể bắt buộc: là các tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật bắt buộc phải thuê công ty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán. Tại Việt Nam, theo Luật Kiểm toán độc lập thì các doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. o Khách thể tự nguyện: là tất cả các đơn vị, cá nhân còn lại có nhu cầu kiểm toán. Loại hình kiểm toán chủ yếu Kiểm toán độc lập chủ yếu tiến hành kiểm toán tài chính, góp phần công khai, minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức; lành mạnh môi trường đầu tư; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà kiểm toán độc lập có thể tiến hành cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn tài chính, kế toán,… TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 33
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán là ngoại kiểm Kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán dựa trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng thông qua hợp đồng kiểm toán và thu phí kiểm toán từ khách hàng. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán Báo cáo kiểm toán mà kiểm toán độc lập phát hành có giá trị pháp lý cao, tạo niềm tin cho những “người quan tâm” đến tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán: o Báo cáo kiểm toán của kiểm toán độc lập đươc cơ quan Nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; o Các cổ đông, các nhà đầu tư có quyền lợi trực tiếp với đơn vị được kiểm toán, các bên tham gia liên doanh, liên kết, các khách hàng và tổ chức, cá nhân khác sử dụng kết quả kiểm toán để xử lý các mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động của đơn vị; o Ngoài ra, báo cáo kiểm toán độc lập còn giúp đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời các sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị. 2.3.3. Kiểm toán nội bộ Kiểm toán nội bộ là bộ máy thực hiện chức năng kiểm toán trong phạm vi đơn vị, phục vụ yêu cầu quản lý nội bộ đơn vị. Trên thế giới, kiểm toán nội bộ đã có lịch sử tồn tại và phát triển trên 60 năm và được thừa nhận ở trên 165 quốc gia như một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Cùng với sự phát triển năng động và ngày một phức tạp của các nền kinh tế, vai trò và chức năng của kiểm toán nội bộ trong việc đảm bảo về việc đơn vị có thể kiểm soát một cách hữu hiệu rủi ro đã dần được công nhận trong tất cả các khu vực kinh tế công, kinh tế tư nhân và cả các tổ chức phi lợi nhuận. Kiểm toán nội bộ có các đặc trưng cơ bản sau: Chủ thể kiểm toán là các kiểm toán viên nội bộ. Họ là những người làm nghề kiểm toán không chuyên nghiệp, tiền thân có thể là những kế toán viên giỏi, những nhà quản lý có kinh nghiệm,… Trong nhiều trường hợp, kiểm toán viên nội bộ cũng có thể là những kiểm toán viên chuyên nghiệp như những giám định viên trong hệ thống kiểm toán ở Tây Âu, các kiểm soát viên chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc các chuyên gia được các hội đồng quản trị sử dụng trong uỷ ban kiểm toán. Mô hình tổ chức o Giám định viên kế toán: mô hình này ứng dụng phổ biến ở các xí nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ không cần biên chế kiểm toán viên nội bộ. Mô hình phát huy được thế mạnh nghề nghiệp của các chuyên gia giỏi. Tuy nhiên chi phí kiểm toán thường cao do phải thuê nhân viên. o Hội đồng hay bộ phận kiểm toán nội bộ: mô hình này phổ biến ở Bắc Mỹ, thích hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Số lượng và cơ cấu thành viên của bộ phận này tuỳ thuộc vào quy mô của đơn vị, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ cụ thể trong từng thời kỳ. 34 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Tại Việt Nam sự phát triển của KTNB còn khá mờ nhạt, điều này một phần do hệ thống văn bản pháp lý vẫn còn chưa đồng bộ và chưa được cập nhật theo tình hình mới. Hiện nay, hoạt động của kiểm toán nội bộ được hướng dẫn, chỉ đạo theo Quyết định 832/TC/QĐ/CĐKT năm 1997 do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ 1/1/1998). Tuy nhiên với xu hướng phát triển của kiểm toán nội bộ trên thế giới và trước những yêu cầu thực tế của quản lý tại Việt Nam ngày càng cao đối với kiểm toán nội bộ, quy định này không còn phù hợp. Ở Việt Nam, trong những năm qua, ban kiểm soát ở các doanh nghiệp nhà nước và một số ngân hàng đã hoạt động nhưng chưa mang lại hiệu quả do vai trò, chức năng, trách nhiệm chưa rõ ràng và còn thiếu công cụ để thực hiện công tác giám sát. Ở Việt Nam, việc xây dựng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới cùng với sức phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự đòi hỏi của các nhà đầu tư về một hệ thống quản trị chuyên nghiệp sẽ buộc các doanh nghiệp phải chú ý xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ sao cho thật hiệu quả. Khách thể kiểm toán o Các bộ phận cấu thành trong đơn vị: các đơn vị thành viên, đội phân xưởng, phòng ban… o Các nghiệp vụ, chương trình, dự án… Loại hình kiểm toán chủ yếu Trong thời kỳ đầu hình thành, kiểm toán nội bộ thực hiện giới hạn ở kiểm tra chất lượng thông tin kế toán, tài chính; sau này mới phát triển sang những lĩnh vực khác của quản lý như kiểm toán hiệu quả, hiệu năng. Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán Kiểm toán nội bộ tiến hành kiểm toán mang tính bắt buộc theo yêu cầu của các nhà quản lý và không được thu phí kiểm toán. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán Báo cáo của kiểm toán nội bộ chỉ có giá trị trong phạm vi nội bộ cơ quan hoặc tổ chức nhằm phục vụ cho nhà quản lý của đơn vị. TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 35
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Tóm lược cuối bài Kiểm toán có thể được phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau. Tuy nhiên tiêu thức phân loại cơ bản nhất là phân loại kiểm toán theo đối tượng cụ thể và phân loại theo tổ chức bộ máy. Căn cứ vào đối tượng kiểm toán, có kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán liên kết. Mục tiêu cơ bản của kiểm toán tài chính là xác minh tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên bảng khai tài chính. Kiểm toán hoạt động hướng đến việc đánh giá tính hiệu lực của hệ thống thông tin quản trị nội bộ, tính hiệu lực và hiệu năng của các hoạt động. Kiểm toán liên kết là sự sáp nhập của hai loại hình kiểm toán trên. Căn cứ vào tổ chức bộ máy kiểm toán, có kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn trong bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng kiểm toán ngân sách và tài sản công. Kiểm toán độc lập là các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách hàng. Kiểm toán nội bộ là bộ máy kiểm toán được thiết lập trong một đơn vị, thực hiện chức năng kiểm toán để phục vụ cho mục đích quản trị nội bộ của đơn vị đó. 36 TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212
- Bài 2: Phân loại kiểm toán Câu hỏi ôn tập 1. So sánh ba loại hình kiểm toán cơ bản: kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. 2. So sánh ba loại hình kiểm toán được phân loại theo đối tượng cụ thể: kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán liên kết, từ đó nêu lên mối quan hệ của các loại hình trên với bộ máy kiểm toán. 3. Hãy trình bày những dịch vụ kiểm toán chung nhất mà kiểm toán nội bộ có thể cung cấp? 4. Hãy trình bày những dịch vụ kiểm toán chung nhất mà kiểm toán viên độc lập có thể cung cấp? 5. Nêu tình hình thực tế của tổ chức bộ máy kiểm toán nhà nước ở Việt Nam hiện nay? 6. Hãy nêu sự khác biệt chủ yếu giữa báo cáo của kiểm toán viên độc lập về báo cáo tài chính (trong kiểm toán báo cáo tài chính) với báo cáo của kiểm toán viên nội bộ, kiểm toán viên nhà nước về tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu năng quản lý của các hoạt động được kiểm toán (trong kiểm toán hoạt động)? 7. Hãy chỉ ra ít nhất năm đặc điểm khác nhau cơ bản giữa kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động? 8. Nêu tình hình thực tế của tổ chức bộ máy kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay. 9. Nêu tình hình thực tế của tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ ở Việt Nam hiện nay. 10. Nêu rõ điều kiện để trở thành một kiểm toán viên công chứng tại Việt Nam. TXKTKI03_Bai2_v1.0015105212 37
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Giới thiệu môn học - Vũ Hữu Đức, Phạm Minh Vương
9 p | 204 | 42
-
Tập bài giảng Kiểm toán căn bản
211 p | 65 | 18
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 1 - TS. Phạm Thanh Thủy
38 p | 74 | 14
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 3 - TS. Phạm Thanh Thủy
33 p | 56 | 12
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Chương 3 - ĐH Thương Mại
0 p | 178 | 11
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 1: Bản chất, chức năng và ý nghĩa của kiểm toán
20 p | 85 | 10
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 4 - TS. Phạm Thanh Thủy
27 p | 54 | 9
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 4: Đối tượng và phương pháp kiểm toán
27 p | 58 | 7
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản - Trường ĐH Thương Mại (Năm 2020)
25 p | 55 | 7
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 5: Tổ chức kiểm toán
22 p | 65 | 6
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 4 - TS. Đinh Thế Hùng (Phần 2)
37 p | 50 | 5
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 2 - TS. Bùi Thị Minh Hải
25 p | 52 | 5
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 5 - TS. Nguyễn Thị Mỹ
35 p | 56 | 4
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 3 - ThS. Tạ Thu Trang
45 p | 84 | 4
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản - Bài 3: Các khái niệm cơ bản thuộc nội dung kiểm toán
21 p | 85 | 3
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 4 - TS. Đinh Thế Hùng (Phần 1)
42 p | 48 | 2
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 1 - TS. Đoàn Thanh Nga
38 p | 43 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn