Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam
lượt xem 2
download
Bằng các phương pháp định tính và định lượng, bài viết chỉ ra rằng mặc dù Tây Bắc là một không gian văn hóa và điểm đến du lịch rất hấp dẫn đối với du khách bốn phương cũng như một vùng kinh tế - xã hội hết sức đặc sắc và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, nhưng khái niệm Tây Bắc hiện còn rất nhiều cách hiểu cũng như phương thức sử dụng khác nhau cả trong các văn bản pháp luật và quyết định hành chính của nhà nước lẫn trong các nghiên cứu khoa học của giới chuyên gia và tin tức của các phương tiện thông tin đại chúng.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam
- Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam BÀN THÊM VỀ KHÁI NIỆM VÙNG TÂY BẮC CỦA VIỆT NAM Nguyễn Mậu Hùng NCS. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Email: nguyenmauhung@quangbinh.edu.vn Tóm tắt: Bằng các phương pháp định tính và định lượng, bài viết chỉ ra rằng mặc dù Tây Bắc là một không gian văn hóa và điểm đến du lịch rất hấp dẫn đối với du khách bốn phương cũng như một vùng kinh tế - xã hội hết sức đặc sắc và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, nhưng khái niệm Tây Bắc hiện còn rất nhiều cách hiểu cũng như phương thức sử dụng khác nhau cả trong các văn bản pháp luật và quyết định hành chính của nhà nước lẫn trong các nghiên cứu khoa học của giới chuyên gia và tin tức của các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì thế, việc sử dụng khái niệm Tây Bắc trong thời gian tới không những cần được thống nhất cao độ, mà còn phải được giải thích một cách rõ ràng theo cách hiểu của Tây Bắc 4, Tây Bắc 6, hay Tây Bắc 12+2. Trong thực tế, không khái niệm nào trong số này xem ra có thể hợp lý hơn so với khái niệm Tây Bắc 7 theo dự thảo 7 vùng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Từ khóa: Khái niệm, vùng Tây Bắc, Việt Nam, vùng kinh tế - xã hội, không gian văn hóa. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tây Bắc là một trong những địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Việc xây dựng và phát triển Tây Bắc toàn diện vừa là yêu cầu và nhiệm vụ, vừa là nguyện vọng chính đáng của đông đảo đồng bào các dân tộc trong vùng, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh, quốc phòng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của đất nước [1, tr. 42-43]. Tuy nhiên, Tây Bắc bao gồm những tỉnh nào, diện tích và dân số bao nhiêu và có những đặc điểm tiêu biểu nào để phân biệt với các khu vực khác của cả nước? Cùng lúc đó, không ít địa phương của Tây Bắc muốn đặt ra các mục tiêu phấn đấu và chiến lược phát triển trong so sánh với các tỉnh khác trong khu vực, còn các nhà khoa học, muốn nghiên cứu về Tây Bắc, các cơ quan truyền thông muốn đưa tin về Tây Bắc, các cơ quan chức năng muốn đưa ra các quyết định về Tây Bắc,… nhưng tất cả đều cảm thấy rất khó khăn trong việc xác định một phạm vi cụ thể cho khu vực này. Trong thực tế, bất cứ ai muốn nghiên cứu và tìm hiểu về Tây Bắc đều phải tự đặt ra cho mình một giới hạn, phạm vi và phương thức tiếp cận riêng. Ví dụ, năm 2010, tỉnh Sơn La muốn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ trở thành một tỉnh phát triển khá trong vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, họ cảm thấy rất băn khoăn trong việc nên giới hạn phạm vi của vùng Tây Bắc vào trong biên giới lãnh thổ của chỉ duy nhất 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu hay có thể mở rộng ra thành 6 tỉnh, với sự tham gia của Lào Cai và Yên Bái nữa. Trước tình hình đó, các bên liên quan buộc phải đưa ra các số liệu thống kê mang tính chất tổng hợp và so sánh của cả 2 vùng Tây Bắc nói trên. Đến năm 2015, Sơn La lại đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh 1. Tuy nhiên, vùng kinh tế - xã hội này lại tương đối trùng hợp với vùng Tây Bắc của Ban Chỉ đạo Tây Bắc (2004 - 2017), nhưng không phải trùng hợp hoàn toàn, nên việc so sánh, đối chiếu và tổng hợp thông tin thường gặp rất nhiều khó khăn [3]. Để đưa Tây Bắc không những tiến nhanh và tiến mạnh hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như hòa nhập vào dòng chảy chung của cả nước, mà còn duy trì được hiện trạng môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc vốn có của riêng mình, khu vực này vừa cần một khái niệm rõ ràng và chính xác dựa trên các cứ liệu khoa học hợp lý và thực tiễn phát triển các của địa phương trong vùng, vừa cần phải được ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa cả về kinh tế - xã hội lẫn khoa học - công nghệ. Trong thực tế, thời gian qua cũng đã có một số công trình nghiên cứu khoa học, dự án khảo sát điều tra cơ bản, và chương trình khoa học công nghệ của cả các cơ quan chức năng lẫn giới khoa học trong và ngoài nước bàn về khái niệm Tây Bắc, nhưng kết quả mang lại chưa thực sự trở thành bệ đỡ tri thức trực tiếp [1, tr. 42-43] cho việc định hình một không gian văn hóa, kinh tế, xã hội cụ thể với những đặc trưng riêng có của khu vực này. Chính vì vậy, bài viết này sử dụng nhiều phương thức tiếp cận khác nhau để góp phần xây dựng một khái niệm Tây Bắc đồng nhất cho tất cả các bên liên quan trong sự khác biệt với các khu vực và vùng miền khác của cả nước để các địa phương của khu vực Tây Bắc không những phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mà còn hòa mình vào quá trình cất cánh chung của cả nước. 1 14 tỉnh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang [2].
- 24 Nguyễn Mậu Hùng 2. CƠ SỞ TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết này được thực hiện dựa trên cơ sở nhiều nguồn tư liệu gốc chính thống cũng như tư liệu khoa học khác nhau. Trước hết, bài viết sử dụng hệ thống các văn bản pháp luật, các quy định, các quyết định, các nghị quyết và chính sách của nhà nước, các cơ quan chức năng, các bên liên quan đến việc phân vùng kinh tế Việt Nam nói chung và quá trình hình thành cũng như phát triển của vùng Tây Bắc nói riêng. Hệ thống các văn bản này tương đối nhiều kể từ lúc các chính sách phân vùng của Việt Nam được thực hiện trong những năm 1960 của thế kỷ XX, cho đến tận những văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này trong những năm gần đây. Một ví dụ cho thể loại tư liệu này là Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020, số: 1064/QĐ-TTG, ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, bài viết kế thừa có chọn lọc và sử dụng một cách khoa học kết quả nghiên cứu của các chuyên gia và viện nghiện cứu trên lĩnh vực này đã được công bố bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Tiêu biểu nhất trong số này là các nghiên cứu về Tây Bắc đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành thời gian gần đây. Bài Phân vùng khí hậu các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Tây Thanh Nghệ được đăng trên Tạp chí Các khoa học về Trái đất, số 37, Tập 3 của tác giả Nguyễn Khanh Vân năm 2015 [4, tr. 204-212] hoặc Dự thảo Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021-2030 của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018 là những ví dụ điển hình cho nguồn tư liệu này [5]. Thứ ba, bài viết sử dụng hệ thống các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cũng như các thông tin cập nhật của báo chí có liên quan đến vấn đề này. Tiêu biểu nhất trong số này chính là kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương năm 2019 [6]. Bài viết này được thực hiện dựa trên cơ sở các phương pháp định tính và định lượng cũng như các phương thức tiếp cận chuyên ngành và liên ngành khác nhau. Trước hết, các phương pháp định lượng được sử dụng để lượng hóa các thông số kỹ thuật cũng như các tiêu chí cụ thể trong quá trình xác định vùng kinh tế - xã hội Tây Bắc thông qua các con số chi tiết và rõ ràng. Các số liệu này có thể được kế thừa từ thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, nhưng cũng có rất nhiều số liệu được rút ra trong quá trình tiến hành nghiên cứu. Thứ hai, các phương pháp định tính kế thừa có chọn lọc các nhận định đã được kiểm chứng về mặt khoa học và thừa nhận một cách rộng rãi trong thực tiễn để đưa ra các kết luận hoặc luận điểm chứng minh cho tính đặc thù riêng biệt của Tây Bắc trong so sánh với các khu vực khác của cả nước. Phương pháp này đặc biệt quan trọng trong quá trình xác định không gian văn hóa đặc thù và riêng biệt của Tây Bắc. Thứ ba, các phương pháp chuyên ngành như so sánh, phân tích, tổng hợp, logic, lịch sử, thống kê,… Trong khi phương pháp so sánh được dùng để làm rõ sự khác biệt cũng như những nét đặc trưng tiêu biểu của Tây Bắc trong mối quan hệ với các vùng miền khác trong cả nước, phương pháp thống kê và tổng hợp đưa ra các số liệu thống kê và bức tranh tổng hợp của toàn vùng. Cùng lúc đó, các phương pháp phân tích và lịch sử không chỉ giúp phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của không gian văn hóa, kinh tế, xã hội Tây Bắc, mà còn đưa ra những bằng chứng cụ thể cho việc xác định một không gian Tây Bắc trong sự khác biệt với các vùng còn lại của đất nước, còn phương pháp logic giúp các chi tiết rời rạc và bằng chứng manh mún về khu vực địa chiến lược này được kết nối lại với nhau một cách khoa học và hợp lý. Cuối cùng, phương thức tiếp cận liên ngành làm cho khái niệm Tây Bắc không bị phức tạp hóa bởi các phương thức tiếp cận một chiều của các khoa học chuyên ngành. Mặc dù các tri thức chuyên ngành chuyên sâu và minh chứng cụ thể là vô vùng quan trọng trong quá trình xác định khái niệm vùng kinh tế - xã hội Tây Bắc, nhưng sẽ rất khó xác định một khái niệm Tây Bắc khoa học và chính xác nếu các thông tin chi tiết và minh chứng cụ thể đó không được kết hợp lại với nhau một cách logic để xây dựng một bức tranh Tây Bắc thống nhất trong đa dạng. Phương pháp tiếp cận liên ngành, chính vì thế, sẽ hạn chế tình trạng hỗn loạn của khái niệm Tây Bắc hiện nay do xuất phát từ các góc nhìn và phương thức tiếp cận khác nhau của các khoa học chuyên ngành [3]. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN Hiện nay có rất nhiều cách hiểu, định nghĩa, phương thức sử dụng khác nhau đối với khái niệm Tây Bắc. Tây Bắc có lúc được dùng trong phạm vi 4 và 5 tỉnh, nhưng cũng không ít trường hợp được dùng trong không gian của 6 và 7 tỉnh, thậm có khi được dùng để chỉ một không gian văn hóa và phạm vi quản lý lên đến 12 và 14 tỉnh khác nhau. Mặc dù vậy, Tây Bắc có thể được tóm gọn lại trong 3 phạm vi chính là Tây Bắc 4, Tây Bắc 6 và Tây Bắc 12+2.
- Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam 25 3.1. Tây Bắc 4 và 5 Khái niệm Tây Bắc 4 chủ yếu được dùng để chỉ không gian văn hóa, kinh tế, xã hội, địa giới hành chính, và phạm vi lãnh thổ của 4 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình. Về mặt tự nhiên, Tây Bắc 4 lấy dãy núi Hoàng Liên Sơn để phân định với Đông Bắc. Một trong những đặc điểm tiêu biểu nhất của các tỉnh này về mặt địa hình là đều nằm trên vùng núi cao, chịu ảnh hưởng mạnh của các đợt gió Lào và thường được kết nối với nhau chủ yếu thông qua trục đường Quốc lộ 6. Đây trong thực tế cũng chính là cách phân vùng sinh thái lâm nghiệp và phân vùng sinh thái nông nghiệp của cả nước [3] với tổng diện tích tự nhiên 37.336,9 km2, chiếm 11,34 % của cả nước [7, tr. 9]. Về kinh tế - xã hội, tháng 4 năm 2019, Tây Bắc 4 có 3.161.598 người, chỉ bằng 3,28 % của cả nước và 25,22 % của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, ít nhất cả nước. Trong khi mật độ dân số của Việt Nam năm 2019 là 290 người/km2 và Trung du và miền núi phía Bắc là 132 người/km2, ở Tây Bắc 4 là 84,69 người/km2, thưa thớt nhất cả nước. Tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam giai đoạn 2009-2019 là 1,14 % và Trung du và miền núi phía Bắc là 1,26 %, nhưng ở Tây Bắc 4 là 1,46 %, chỉ thua duy nhất vùng Đông Nam Bộ (2,37 %). Năm 2019, tỷ lệ người Kinh/các dân tộc thiểu số của cả nước 85,3/14,7 % và ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 43,8/56,2 % [6, tr. 3, 45-46, 50, 74-77, 89], trong 14 dân tộc khác nhau của Tây Bắc 4, người Kinh không chiếm đa số. Ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, người Thái chiếm từ 35,2-54 %, còn ở Hòa Bình người Mường chiếm đến 63 % dân số, trong khi người Việt chỉ chiếm 27 % [7, tr. 17]. Trong các tài liệu khoa học, theo Địa lý lớn 9 năm 2014 và Địa lý 12 năm 2011, Tây Bắc 4 và Đông Bắc là hai tiểu vùng của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ [8, tr. 61, 245]. Khái niệm Tây Bắc 4 này cũng được dùng trong Giáo trình địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam [9] và Chiến lược phát triển con người vùng Tây Bắc [10, tr. 71]. Tuy nhiên, cuốn Văn hóa các dân tộc Tây Bắc - Thực trạng và các vấn đề đặt ra năm 2004 lại cho rằng Tây Bắc 4 cần có thêm cả Lào Cai [11, tr. 21]. Việc thêm Lào Cai để thành Tây Bắc 5 là một cách tiếp cận mới lạ và độc đáo, nhưng trong thực tế rất ít người dùng khái niệm này. Trong các văn bản hành chính nhà nước, trong 9 chiến khu được thành lập theo sắc lệnh ngày 15 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có chiến khu nào đại diện cho Tây Bắc cả. Tính khu vực của Tây Bắc 4 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1947, khi Khu 14 được thành lập từ 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu và một phần tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ để cùng với Khu 10 (6 tỉnh) hình thành nên Liên khu B [12]. Ngày 04 tháng 11 năm 1949, Liên khu 1 (Khu 1 và Khu 12) và Liên Khu 10 (Khu 10 và Khu 14) được kết hợp để thành lập Liên khu Việt Bắc. Ngày 28 tháng 01 năm 1953, Khu Tây Bắc, gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu, được tách ra khỏi Liên khu Việt Bắc [13]. Ngày 29 tháng 4 năm 1955, Khu tự trị Thái Mèo (1955-1962) được thành lập từ lãnh thổ của các tỉnh: Sơn La, Lai Châu và một phần của Lào Cai, Yên Bái, gồm 16 châu 2 và thêm hai châu Tủa Chùa và Mù Cang Chải từ ngày 18 tháng 10 năm 1955 [14]. Đến ngày 27 tháng 10 năm 1962, Khu tự trị Tây Bắc (1962-1975) được thành lập trên cơ sở tái lập 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu và thành lập mới tỉnh Nghĩa Lộ. Năm 1975, các Khu tự trị Tây Bắc (1962-1975) và Khu tự trị Việt Bắc (1956-1975) bị giải thể. Năm 1976, trong 8 vùng kinh tế lớn của cả nước, vùng Tây Bắc 4 gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên, nhưng không xuất hiện trong 6 tiểu vùng của cả nước năm 1980. Đến năm 1986, Tây Bắc 4, gồm: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, trở thành một trong 8 vùng kinh tế của cả nước [5, tr. 2, 3-4, 46, 47, 48]. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử không gian vùng Tây Bắc 4, gồm 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình, tương đương với Tây Bắc 4 của 4 tỉnh hiện nay cũng như tiểu vùng Tây Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đến ngày 30 tháng 8 năm 1997, Tây Bắc, gồm 3 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, là một trong hai tiểu vùng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc [15] trong hệ thống 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Từ ngày 25 tháng 11 năm 2003, Tây Bắc 4 bao gồm 4 tỉnh với sự ra đời của Điện Biên [7, tr. 9]. Thực tế này lại được khẳng định thêm một lần nữa trong các Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006, Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 [5, tr. 4-5, 49] và Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ [2]. Điều đó có nghĩa là từ năm 1997 đến nay, Tây Bắc 4 chỉ là một bộ phận của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, theo cách phân vùng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong Quyết định số 1095/QĐ-BLĐTBXH ngày 22 tháng 8 năm 2016, Tây Bắc 4 vẫn gồm 4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu dưới cái tên miền núi Tây Bắc [16]. Tóm lại: Tây Bắc 4 là một vùng có nhiều núi non hùng vĩ, thiên nhiên phong phú, khí hậu trong lành và địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số [10, tr. 74]. Tây Bắc 4 không chỉ sở hữu một hệ thống các di tích lịch sử 2 16 châu của Khu tự trị Thái-Mèo (1955-1962) là: 1. Mường Tè, 2. Mường Lay, 3. Sình Hồ (Sìn Hồ), 4. Điện Biên, 5. Quỳnh Nhai, 6. Sông Mã, 7. Tuần Giáo, 8. Thuận Châu, 9. Mường La, 10. Mai Sơn, 11. Yên Châu, 12. Mộc Châu, 13. Phù Yên, 14. Phong Thổ (Lào Cai), 15. Than Uyên, 16. Văn Chấn (Yên Bái).
- 26 Nguyễn Mậu Hùng và di sản văn hóa nổi tiếng cả nước, mà còn là vùng có rất nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, bên cạnh đó có nhiều đặc sản rất hấp dẫn. Mặc dù vậy, hai lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Tây Bắc 4 là trồng trọt và chăn nuôi. Trong khi diện tích rừng của Tây Bắc 4 chiếm khoảng 11 % của cả nước [7, tr. 18, 19, 21-48, 128-194], lúa, ngô, đậu tương, chè, cây cao su, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm,... lại là thế mạnh của Tây Bắc 4 [17, tr. 9], bên cạnh các mô hình nông nghiệp đặc sản hoặc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao nhờ địa hình và khí hậu [17, tr. 12]. Nhờ cấu trúc địa chất khá đa dạng và phức tạp, nên tài nguyên khoáng sản của Tây Bắc 4 rất phong phú về chủng loại, trong khi với công suất khoảng 33 tỷ kw/giờ, chiếm 30 % tổng tiềm năng thủy điện của cả nước, Sông Đà chính là nguồn thủy văn lớn nhất cả nước [7, tr. 10, 16]. Nếu được quan tâm đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn, chắc chắn Tây Bắc 4 sẽ phát huy hết các tiềm năng và lợi thế của mình để trở thành một trong những miền đất hứa đối với những tín đồ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 3.2. Tây Bắc 6 và 7 Tây Bắc 6 không chỉ là một sự mở rộng cơ học phạm vi lãnh thổ của 4 tỉnh thuộc Tây Bắc 4 là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu để thành Tây Bắc 6 với sự tham gia của Lào Cai và Yên Bái, mà trong thực tế cũng được hình thành từ những cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định. Về điều kiện tự nhiên, Tây Bắc 6 tiếp giáp với vùng Đông Bắc, hữu ngạn Sông Hồng, Lào và Trung Quốc [7, tr. 9]. Theo phân cùng của các miền khí hậu, Tây Bắc 6 là một trong 7 vùng khí hậu thủy văn của Việt Nam [18, tr. 7]. Tây Bắc 6 lấy dãy đứt gãy Sông Hồng để phân định với Đông Bắc [3] với diện tích khoảng 63.600 km2 [19, tr. 642-649], chiếm trên 12 % diện tích đất liền cả nước và đứng thứ ba trong các vùng kinh tế của Việt Nam [20, tr. 74]. Trong các văn bản hành chính, không gian vùng Tây Bắc 6 không tồn tại trong các văn bản hành chính của nhà nước cho đến tháng 7 năm 1947, với sự ra đời của Liên khu B, gồm: Khu 10 (6 tỉnh) và Khu 14 vừa mới được thành lập từ 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu và một phần tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ, nhưng Liên khu B không bao gồm 2 tỉnh Vĩnh Yên và Tuyên Quang của Khu 10 [12]. Đây là thiết chế vùng đầu tiên gần giống với Tây Bắc 6 hiện nay nhất. Ngày 28 tháng 01 năm 1953, Khu Tây Bắc được tách ra khỏi Liên khu Việt Bắc, được đổi thành Khu tự trị Thái-Mèo (1955-1962), và rồi Khu tự trị Tây Bắc (1962-1975) [3], nhưng mang nhiều đặc điểm của Tây Bắc 4 hơn là Tây Bắc 6. Đến tháng 10 năm 1976, Tây Bắc, gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên, là 1 trong 8 vùng kinh tế - xã hội của cả nước và là không gian vùng gần giống với Tây Bắc 6 hiện nay. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Tây Bắc 6 không xuất hiện trong 6 tiểu vùng của Việt Nam trong giai đoạn 1980-1986, trong 8 vùng kinh tế của Việt Nam năm 1986, trong các Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, Quyết định số 492/QĐ- TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ [5, tr. 2, 3-5, 46, 47, 48, 49] và các các văn bản hành chính từ đó đến nay. Mặc dù vậy, về mặt hành chính, Tây Bắc 6 gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, có diện tích trên 5,64 triệu ha và 4,5 triệu dân năm 2016, được sử dụng phổ biến các tài liệu của các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Tây Bắc, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Quy hoạch Phát triển du lịch vùng Tây Bắc của Tổng cục Du lịch, Lễ hội Văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Cụm thi đua Tây Bắc của nhiều Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể Trung ương, Từ điển Bách khoa mở (tiếng Việt) [3]. Hiện nay, không ít tài liệu chính thức của Việt Nam đều quy định Tây Bắc Bộ là một trong ba tiểu vùng của Bắc Bộ [10, tr. 71]. Đó cũng là cách hiểu của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) [21] và Đỗ Thị Minh Hiền [20, tr. 74]. Tuy nhiên, theo quy vùng giai đoạn 2021-2030, Tây Bắc 6 được đề nghị thêm Phú Thọ để trở thành Tây Bắc 7 trong hệ thống 7 vùng của cả nước [22]. Điều kiện kinh tế - xã hội, tính đến tháng 4 năm 2019, Tây Bắc 6 có 4.713.048 người, chiếm 4,89 % của cả nước và 37,6 % của Trung du và miền núi phía Bắc. Theo tính toán của chúng tôi, với diện tích lên đến 50.602,76 km2, mật độ dân số của Tây Bắc 6 là 93,1 người/km2 năm 2019, trong khi cả nước là 290 người/km2 và Trung du và miền núi phía Bắc là 132 người/km2. Cùng lúc đó, tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2019 là 1,14 % và Trung du và miền núi phía Bắc là 1,26 %, nhưng Tây Bắc 6 là 1,54 %. Tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ/không có nhà ở của cả nước là 6,9/1,8 % và Trung du và miền núi phía Bắc là 15,6/0,7 %, nhưng ở Tây Bắc 6 là 21,43/0,18 %. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 23,5 m2 và vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 22,7 m2, nhưng ở Tây Bắc 6 là 19,55 m2 [6, tr. 74-77, 89, 111, 114]. Vùng núi Tây Bắc 6 có 23 dân tộc sinh sống, với số dân là người dân tộc thiểu số chiếm gần 80 % [10, tr. 14]. Cơ cấu dân tộc vùng Tây Bắc rất đa dạng, tỷ lệ dân số đồng bào thiểu số lớn nhất toàn quốc (79,2 %), nhưng người Kinh chỉ chiếm 20,8 % toàn quốc [20, tr. 77]. Tóm lại: Tây Bắc 6 có vai trò hết sức quan trọng không những đối với nhân dân Tây Bắc nói riêng, mà còn đối với cả vùng đồng bằng Sông Hồng, kể cả Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu hiện nay. Rừng và đa dạng sinh học của vùng Tây Bắc 6 là một tài sản vô giá đối với cộng đồng. Tây Bắc 6 là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 3.852 loài thực vật bậc cao có mạch cùng với 914 loài động vật có xương sống và hàng chục loài gia súc và gia cầm trong các trang trại và hộ gia đình [19, tr. 642-649].
- Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam 27 Tây Bắc 6 là vùng chứa nhiều khoáng sản nhất trong toàn quốc và có tiềm năng lớn về tài nguyên nước bởi có nhiều sông, suối, ao, hồ, ruộng trũng. Chính nguồn tài nguyên nước này giúp cho Tây Bắc 6 rất thuận lợi trong phát triển thủy điện lớn (chiếm trên 55 % trữ năng thủy điện toàn quốc) [10, tr. 73]. Tây Bắc 6 có những khác biệt cơ bản so với Đông Bắc, nên được khuyến nghị tách ra khỏi vùng Trung du và miền núi phía Bắc để hình thành nên Tây Bắc 7 [23]. 3.3. Tây Bắc 12 và 14 Trong so sánh với Tây Bắc 4 và Tây Bắc 6, khái niệm Tây Bắc 12+2 tương đối mới lạ và chỉ xuất hiện gần đây trong các văn bản hành chính của Nhà nước có liên quan đến thời gian tồn tại của Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong những năm (2004-2017), cũng như trong các nghiên cứu có liên quan đến chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Điều kiện tự nhiên, Tây Bắc 12+2 thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc (2004-2017) bao gồm 12 tỉnh phía Đông Bắc và phía Tây Bắc và 21 huyện phía Tây của Nghệ An và Thanh Hóa [24, tr. 32-43] với tổng diện tích là 115.153,4 km2 (35 % cả nước) [21, tr. 224]. Trong khi đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo quy hoạch năm 2001 có diện tích 95.200 km2 (28,77 % cả nước) [5, tr. 4-5, 49]. Lịch sử phát triển của Tây Bắc 12+2 trong các văn bản hành chính, trong 9 chiến khu được thành lập theo sắc lệnh ngày 15 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có không gian vùng nào phù hợp với Tây Bắc 12+2 cả. Tình trạng này được giữ nguyên cho đến ngày 04 tháng 11 năm 1949, với sự ra đời của Liên khu Việt Bắc, gồm 18 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cao, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Quảng Yên, Phú Thọ và Hải Ninh, huyện Mai Đà (Hòa Bình) và Đặc khu Hồng Gai (Hòn Gai) của tỉnh Quảng Yên. Đến ngày 28 tháng 01 năm 1953, Khu Tây Bắc được tách ra khỏi Liên khu Việt Bắc (1949-1953) [13] và đến ngày 01 tháng 7 năm 1956, phần còn lại của Liên khu Việt Bắc (1949-1956) được đổi thành Khu tự trị Việt Bắc (1956-1975) [25]. Trong 8 vùng kinh tế lớn của Việt Nam giai đoạn 1975-1980, không có không gian vùng nào tương đương với Tây Bắc 12+2. Tuy nhiên, trong 4 vùng kinh tế lớn và 6 tiểu vùng kinh tế của cả nước giai đoạn 1980-1986, tiểu vùng Trung du và miền núi gồm 10 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Bắc, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn, Vĩnh Phú) chính là tiền thân của Tây Bắc 12+2 [5, tr. 3, 47]. Mặc dù vẫn thiếu tỉnh Hòa Bình, nhưng đây chính là không gian vùng gần sát hợp nhất với Tây Bắc 12+2 và bao gồm luôn cả Đông Bắc lẫn Tây Bắc 4 và Tây Bắc 6. Trong 8 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 1986, vùng Trung du và miền núi phía Bắc được chia thành 2 vùng Tây Bắc 4 và Đông Bắc [3]. Theo cách phân vùng này không hề tồn tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc cho đến lúc hệ thống 6 vùng kinh tế - xã hội được hình thành trong giai đoạn 2000-2010 theo quy định của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ. Theo quy hoạch này, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình [5, tr. 4-5, 49] và thêm tỉnh Điện Biên từ ngày 25 tháng 11 năm 2003 [7, tr. 9]. Tuy nhiên, Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ đã điều chỉnh tỉnh Quảng Ninh về vùng đồng bằng Sông Hồng [26]. Theo Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Trung du và miền núi phía Bắc được cấu thành bởi 2 tiểu vùng Tây Bắc (4 tỉnh) và Đông Bắc (10 tỉnh) [2]. Do 12 tỉnh thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gần như trùng khớp với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, chỉ thiếu 2 tỉnh là Thái Nguyên và Bắc Giang, nhưng lại thêm 21 huyện phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An và đóng trụ sở ở tỉnh Yên Bái, nên thường được gọi tắt là vùng Tây Bắc [3]. Tây Bắc 12+2 là khái niệm vùng lớn nhất trong số tất cả các khái niệm trên. Tuy nhiên, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã giải thể vào ngày 11 tháng 10 năm 2017 [27], nên khái niệm Tây Bắc 12+2 cũng không còn tồn tại trong đề án phân vùng kinh tế - xã hội mới của giai đoạn 2021-2030 [22]. Trong các tài liệu học thuật, trong khi sách giáo khoa Địa lý lớp 9 năm 2014 chia vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thành 2 tiểu vùng: Tây Bắc (4 tỉnh) và Đông Bắc (11 tỉnh) với tổng diện tích lên đến 100.965 km2 (30,7 %) và dân số 11,5 triệu người (14,4 %) năm 2002 [8, tr. 61], Địa lý 12 (bản cơ bản) năm 2011 cũng giữ nguyên 2 tiểu vùng như trên cho Trung du và miền núi phía Bắc, nhưng tổng diện tích tự nhiên được tăng lên 101.000 km2 (30,5 %) và dân số tăng lên 12 triệu người (14,2 %) năm 2006 [28, tr. 145]. Cách phân vùng này cũng được dùng trong Giáo trình địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam của Nguyễn Viết Thịnh và Đỗ Thị Minh Đức năm 2002 với tổng diện tích tự nhiên là 100.963 km2, nhưng được gọi bằng rất nhiều cái tên khác nhau [29, tr. 30, 35, 59, 61, 70, 75, 77, 79, 82, 85, 107, 142]. Điều kiện kinh tế - xã hội, tính đến tháng 4 năm 2019, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 12.532.866 triệu người, chiếm 13 % cả nước, chỉ lớn hơn vùng Tây Nguyên [6, tr. 17, 49]. Trong khi đó, tổng dân số của Tây Bắc 12+2 năm 2015 là 11,6 triệu người [24, tr. 32-43] và là một trong hai vùng ít người sinh sống nhất cả nước.
- 28 Nguyễn Mậu Hùng Năm 2019, mật độ dân số của cả nước là 290 người/km2, Trung du và miền núi phía Bắc là 132, chỉ cao hơn Tây Nguyên (107). Tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2019 là 1,14 %, nhưng ở Trung du và miền núi phía Bắc là 1,26 %, trung bình cao của cả nước. Tỷ số giới tính của cả nước là 99,1 nam/100 nữ, ở Trung du và miền núi phía Bắc là 100,9 nam/100 nữ, chỉ sau Tây Nguyên (101,7 nam/100 nữ). Bình quân cả nước mỗi hộ có 3,5 người, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 3,8 người/hộ, lớn nhất cả nước. Tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ/không có nhà ở của cả nước là 6,9/1,8 %, ở Trung du và miền núi phía Bắc là 15,6/0,7 %, chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long (19,2/4,2 %). Diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 23,5 m2, ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 22,7 m2, trung bình thấp của cả nước [6, tr. 46-47, 48, 57-58, 74-77, 89, 111, 114]. Tây Bắc 12+2 là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời, là căn cứ địa cách mạng của các cuộc kháng chiến [1, tr. 42-43] với hơn khoảng 30 [17, tr. 5] đến 34 nhóm dân tộc thiểu số [24, tr. 32-43]. Tỷ lệ dân tộc Kinh trên các dân tộc khác trong cả nước năm 2019 là 85,3/14,7, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 43,8/56,2, cao nhất cả nước [6, tr. 50]. Tóm lại, Tây Bắc 12+2 là một trong những địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng của Việt Nam [17, tr. 5], vùng kinh tế - xã hội duy nhất của Việt Nam có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn hơn đồng bào người Kinh, và có vai trò quyết định đối với hệ sinh thái của toàn bộ vùng Bắc Bộ [1, tr. 42-43]. Bên cạnh tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông sản, du lịch tự nhiên [17, tr. 7], Tây Bắc 12+2 còn có các lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, các hệ thống thủy điện, công nghiệp khai khoáng, du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, kinh tế cửa khẩu với cả Lào và Trung Quốc. Mặc dù tiềm năng và lợi thế của Tây Bắc 12+2 rất dồi dào, nhưng cho đến nay vẫn chưa được phát huy, đánh thức và khai thác một cách hiệu quả. Chính vì thế, đào tạo một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề và trình độ đào tạo khác nhau đóng vai trò then chốt đối sự phát triển của Tây Bắc 12+2 trong thời gian tới [1, tr. 42-43]. Nếu làm được điều này, Tây Bắc 12+2 sẽ là một trong những mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững rất đáng chú ý của cả nước. 4. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP Trên cơ sở kết quả phân tích các dữ liệu nêu trên, bài viết đề xuất một số gợi ý về cách hiểu và sử dụng khái niệm Tây Bắc như sau: 1) Thống nhất cách dùng khái niệm Tây Bắc trong thông tin khoa học, công trình nghiên cứu và văn bản pháp luật. Mặc dù, khái niệm Tây Bắc nào cũng có các cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như quá trình hình thành và phát triển riêng của nó, nhưng việc tồn tại quá nhiều khái niệm Tây Bắc khác nhau làm cho việc sử dụng rất khó khăn nếu không được định nghĩa và giải thích một cách rõ ràng và xác đáng. Chính vì vậy, cả giới khoa học và các cơ quan chức năng lẫn các cơ quan thông tấn báo chí và bản thân đồng bào Tây Bắc cần phải thống nhất với nhau một định nghĩa Tây Bắc để sử dụng chung cho tất cả các trường hợp. 2) Cập nhật thông tin phân vùng của tỉnh Quảng Ninh: theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh vốn thuộc tiểu vùng Đông Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được chuyển về vùng đồng bằng Sông Hồng [26]. Tuy nhiên, cả trong các tài liệu sách giáo khoa cơ bản dành cho học sinh phổ thông lẫn các nhiều tài liệu khác vẫn chưa cập nhật thông tin này trong các lẫn xuất bản sau đó [3]. Chính vì vậy, các tài liệu và văn bản của Việt Nam hiện nay cần phải thống nhất phương thức phân vùng đối với trường hợp tỉnh Quảng Ninh. 3) Bãi bỏ khái niệm Tây Bắc của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và sử dụng vùng Trung du và miền núi phía Bắc với tư cách là một không gian văn hóa và địa lý hơn là một vùng kinh tế - xã hội: đặc trưng của Tây Bắc 6 là văn hóa Thái - Mường, nhưng ở Đông Bắc là văn hóa Tày - Nùng. Điều đó có nghĩa là cho dù cùng tọa lạc trong vùng núi cao Trung du và miền núi phía Bắc, nhưng giữa Đông Bắc và Tây Bắc có quá nhiều khác biệt không thể khỏa lấp [23]. Các kết nối ngang giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc thường khó khăn hơn nhiều so với các tuyến giao thông hướng tâm về Hà Nội [5, tr. 12], trong khi các số liệu thống kê gần đây của nhà nước thường không đề cập đến Tây Bắc và Đông Bắc [3]. Thực tế này đã gây ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước [23]. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã ngừng hoạt động năm 2017. Chính vì thế, Tây Bắc 12+2 nên được thay thế và vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên được điều chỉnh lại bằng một hệ thống các thể chế liên kết vùng mới. 4) Nên tách 2 tiểu vùng Tây Bắc và Đông Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc thành 2 vùng độc lập với nhau và hình thành nên các vùng kinh tế - xã hội độc lập như các vùng khác trong cả nước: Mặc dù có đặc điểm chính là đồi núi cao, nhưng vùng Đông Bắc có địa hình đồi núi gắn liền với các dãy vòng cung Đồng Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm,… trong khi vùng Tây Bắc có đặc trưng chính là các đứt gãy Hoàng Liên Sơn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam [5, tr. 10]. Trong khi vùng Đông Bắc là địa bàn trọng điểm để phát triển hệ
- Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam 29 thống thủy điện quốc gia, cây công nghiệp, đại gia súc, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, vùng Đông Bắc lại được quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng, sắt, đồng, vàng, thiếc, chì, luyện gang thép, dược liệu, đồ gia dụng, hóa chất, hàng tiêu dùng,... [2]. Bên cạnh đó, với quy mô lên đến 14 tỉnh (30 % cả nước), vùng Trung du miền núi phía Bắc quá lớn để có thể quản lý hiệu quả [5, tr. 19]. Chính vì thế, vùng không gian vùng này nên được tách thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc 7 [23] để có điều kiện phát huy tối đa các lợi thế vốn có của từng vùng [5, tr. 19]. 5) Xây dựng phương án Tây Bắc 7 theo dự thảo phân vùng giai đoạn 2021-2030: Mặc dù Tây Bắc và Đông Bắc là hai tiểu vùng của Trung du và miền núi phía Bắc, nhưng các mối liên kết nội vùng rất yếu. Sự liên kết và hợp tác về kinh tế giữa các tỉnh Lai Châu và Điện Biên với các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng gần như rất ít. Trong khi đó, Tây Bắc 7, gồm 7 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, không những đáp ứng tốt nhất các tiêu chí của Luật Quy hoạch năm 1017 và phù hợp quy hoạch tổng thể 7 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, mà còn trở thành động lực phát triển cho các địa phương trong vùng, cũng như tăng cường tính hiệu quả các thể chế liên kết vùng trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay [5, tr. 14, 19-20]. Chính vì thế, cần chuyển xây dựng mô hình Tây Bắc 7. Tóm lại, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại nhiều cách hiểu và phương thức sử dụng khái niệm Tây Bắc khác nhau. Sự khác nhau đó hoàn toàn do cách thức tiếp cận và tính chất cũng như mục tiêu hướng đến của các bên liên quan [3]. Để góp phần hạn chế tình trạng này, việc quy hoạch vùng hiện nay nên học hỏi các kinh nghiệm phân vùng dựa trên sự tương đồng về điều kiện tự nhiên đã được áp dụng thành công trong giai đoạn 1970-1980. Căn cứ vào sự tương thích về điều kiện về địa hình, khí hậu, thời tiết, diện tích lãnh thổ của các địa phương trong vùng, Tây Bắc 7 nên được xây dựng thành một vùng kinh tế - xã hội độc lập trong hệ thống 7 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 [5, tr. 11]. Mặc dù vậy, việc định hướng Tây Bắc 7 đi theo mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững [20, tr. 4] mới đóng vai trò then chốt. 5. KẾT LUẬN Tóm lại, hiện nay Tây Bắc là một trong những khái niệm vẫn còn nhiều cách hiểu và phương thức sử dụng khác nhau thiếu đồng nhất trong hệ thống các vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam từ xưa đến nay. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng có sự khác nhau một cách căn bản giữa một Tây Bắc trong không gian hành chính với tư cách là một khu tự trị với Tây Bắc là một không gian văn hóa, kinh tế và xã hội. Cùng lúc đó, khái niệm Tây Bắc được sử dụng trong các nghiên cứu chuyên ngành, trong các luận văn, luận án, trong các bản tin của các phương tiện thông tin đại chúng không phải lúc nào cũng hoàn toàn đồng nhất với khái niệm Tây Bắc trong các văn bản quy phạm pháp luật và quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước [3]. Bên cạnh đó, khái niệm Tây Bắc của các lực lượng vũ trang và cách hiểu của người dân cũng thỉnh thoảng thiếu thống nhất với khái niệm Tây Bắc trong các tài liệu sách giáo khoa của học sinh và thậm chí của các cơ quan quản lý Nhà nước về khu vực này [10, tr. 71- 72]. Tuy nhiên, cho dù được hiểu, được định nghĩa và được sử dụng theo bất cứ cách nào: Tây Bắc 4 và 5, Tây Bắc 6 và 7, hay Tây Bắc 12+2, tất cả các địa phương thuộc vùng Tây Bắc theo nghĩa rộng nhất vẫn sở hữu một hệ thống các đặc điểm chung nhất góp phần làm nên bản sắc riêng có và các giá trị vốn có của riêng khu vực này trong sự khu biệt và khác biệt với các vùng kinh tế - xã hội còn lại của Việt Nam. Tây Bắc cùng với Tây Nguyên, về mặt địa lý, là hai vùng kinh tế - xã hội duy nhất của Việt Nam có đường biên giới đất liên tiếp giáp với 2 nước khác nhau và tọa lạc trên những địa bàn dốc núi cheo leo, hiểm trở và cao nhất cả nước. Đây cũng là hai vùng hiện vẫn còn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác nhất của Việt Nam, nhưng không vùng miền nào lại, có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều hơn người Kinh như Tây Bắc theo bất cứ cách hiểu nào. Đây chính là những lợi thế không nhỏ để phát triển ngành công nghiệp du lịch không khói của Tây Bắc trong thời gian tới, đồng thời giúp quảng bá và giới thiệu các sản phẩm kinh tế độc đáo của đồng bào các dân tộc ra thế giới [17, tr. 5]. Mặc dù vậy, để có thể biến các tiềm năng hiện có thành thành quả thực tế và tạo điều kiện thuận lợi đến mức tối đa cho các địa phương trong vùng, Tây Bắc không những cần phải tăng cường phát triển các thể chế liên kết vùng, mà còn phải nhất thể hóa khái niệm Tây Bắc trên tất cả các phương diện đến mức tối đa có thể. Một trong những giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là chia tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay thành hai vùng kinh tế - xã hội độc lập tương ứng với 5 vùng còn lại của cả nước, gồm: vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Đông Bắc (7 tỉnh còn lại) [5, tr. 15]. Sự chia tách này không chỉ phù hợp tối đa với chiến lược quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, mà còn góp phần thống nhất các cách hiểu, cách dùng và nội hàm của khái niệm Tây Bắc cũng như mở đường cho các địa phương Tây Bắc phát triển một cách ổn định và vững chắc hơn cả trong hiện tại lẫn tương lai.
- 30 Nguyễn Mậu Hùng TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đỗ Ngọc Diệp (2012), Phát triển bền vững Tây Bắc, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 257, tr. 42-43. [2]. Chính phủ (2013), Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020, Số: 1064/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 7 năm 2013, Hà Nội. [3]. Phan Đức (2017), Vùng Tây Bắc gồm những tỉnh nào?, trong: https://susta.vn/bai-viet-Vung-Ty-Bc-gom- nhung-tinh-no-1290.html (truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2020). [4]. Nguyễn Khanh Vân (2015), Phân vùng khí hậu các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Tây Thanh Nghệ, Tạp chí Các khoa học về Trái Đất, 37 (3), tr. 204-212. [5]. Viện Chiến lược phát triển (2018), Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021- 2030, Dự thảo, Hà Nội. [6]. Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020, Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [7]. Nhiều tác giả (2010), Tây Bắc, Vùng đất - Con người, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội. [8]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Địa lý 9, Tái bản lần thứ 9, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. [9]. Lê Thông, Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Minh Tuệ (2007), Giáo trình địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam, Tái bản lần thứ 4, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội. [10]. Trần Văn Trung (2015), Chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ Quản lý hành chính công, Chuyên ngành: Quản lý Hành chính công, Mã số: 62348201, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội. [11]. Trần Văn Bính (Chủ biên, 2004), Văn hóa các dân tộc Tây Bắc - Thực trạng và các vấn đề đặt ra, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội. [12]. Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1948), Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Số 120-SL ngày 25 tháng 01 năm 1948, Hà Nội. [13]. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1953), Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Số 143-SL ngày 28 tháng 01 năm 1953, Hà Nội. [14]. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955), Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ số 230-SL ngày 29 tháng 4 năm 1955, Hà Nội. [15]. Chính phủ (1997), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc giai đoạn 1996-2010, Số: 712/TTg, ngày 30 tháng 8 năm 1997, Hà Nội. [16]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2016), Quyết định phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Số: 1095/QĐ- LĐTBXH, ngày 22 tháng 8 năm 2016, Hà Nội. [17]. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2017), Nông nghiệp Tây Bắc: Nhận diện thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội. [18]. UN-REDD Programme Vietnam và RCFEE (2019), Báo cáo Nghiên cứu Phân vùng sinh thái Lâm nghiệp tại Việt Nam, trong: https://introford.com/files/editor/images//images /Bao_cao_nghien_cuu_phan_vung _sinh_thai_lam_nghiep_3547.pdf (truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2020). [19]. Đặng Huy Huỳnh và Nguyễn Ngọc Sinh (2011), Rừng và đa dạng sinh học vùng Tây Bắc với chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 4, Hà Nội, tr. 642-649. [20]. Đỗ Thị Minh Hiền (2019), Mô hình truyền thông phát triển nông nghiệp ở Tây Bắc Việt Nam (Khảo sát tại 02 tỉnh Sơn La và Lai Châu), Luận án tiến sỹ Báo chí học, Ngành: Báo chí học, Mã số: 62320101, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội. [21]. Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) (2017), Núi cơ hội cho phát triển, trong: https://vietnam.embassy.gov.au/files/hnoi/North%20West%20Vietnam%20Research%20Symposium _% 20VIE.pdf (truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2020). [22]. Lương Bằng (2019), Chia cả nước thành 7 vùng: Lâm Đồng không ở Tây Nguyên, Huế nằm đâu? trong: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chia-ca-nuoc-thanh-7-vung-lam-dong-khong-o-tay-nguyen- hue-o-dau-500971.html (truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2020).
- Bàn thêm về khái niệm vùng Tây Bắc của Việt Nam 31 [23]. Lương Bằng (2019), Chia cả nước thành 7 vùng: Đổi mới và đột phá, tất cả đồng ý, trong: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/thay-doi-quan-trong-ca-nuoc-co-7-vung-kinh-te-xa-hoi- 499714.html (truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2020). [24]. Đỗ Kim Chung, Kim Thị Dung, Lưu Văn Duy và Lê Thị Thu Hương (2015), Ảnh hưởng của một số yếu tố đến giảm nghèo ở vùng Tây Bắc, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 222 (11), tr. 32-43. [25]. Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN (2014), Thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, trong:https://baotintuc.vn/giai-mat/thanh-lap-khu-giai-phong-viet-bac-20140603111600345.htm (truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2020). [26]. Chính phủ (2006), Nghị định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Số: 92/2006/NĐ-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2006, Hà Nội. [27]. Hoàng Thùy (2015), Kết thúc hoạt động các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trong: https://vnexpress.net/ket-thuc-hoat-dong-cac-ban-chi-dao-tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo-3654156.html (truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2020). [28]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Địa lý 12, Tái bản lần thứ 3, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr. 145. [29]. Nguyễn Viết Thịnh và Đỗ Thị Minh Đức (2005), Giáo trình địa lý kinh tế-xã hội Việt Nam, Tập một: Phần Đại cương, Tái bản lần thứ 3, có sửa chữa và bổ sung, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. FURTHER DISCUSSION ON THE VIETNAM’S CONCEPT OF NORTHWEST REGION Nguyen Mau Hung University of Science, Hue University Email: nguyenmauhung@quangbinh.edu.vn Abstract: By qualitative and quantitative methods, the article shows that although the Northwest Region is a cultural space and tourist destination very attractive to the international tourists as well as a very special socio- economic region with a lot of potential to develop in the coming time, the concept of Northwest Region has been interpreted differently and used variously both in legal documents and administrative decisions of the state as well as in the scientific research by experts and news from the mass media. For this reason, the use of the concept of Northwest Region in the future should not only be highly systematic, but also must be clearly explained according to the interpretation of Northwest Regions 4, Northwest Region 6, or Northwest Region 12 +2. In practice, none of these concepts seems to be more plausible than the concept of Northwest Region 7 according to the draft of seven socio-economic zones in the period of 2021-2030. Keywords: Concept, Northwest Region, Vietnam, socio-economic region, cultural space.
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn