intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " PHÉP TỶ DỤ TRONG TỤC NGỮ VIỆT VÀ ANH"

Chia sẻ: Nguyễn Phương Hà Linh Linh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

81
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mỗi quốc gia đều gìn giữ trong ngôn ngữ của mình vô số tục ngữ, trong đó hai đối tượng có điểm tương tự nhau, nhưng khác nhau về chủng loại được đưa ra so sánh để tạo ra một ngữ sống động. Những lối so sánh như vậy, về mặt lý thuyết văn học, được xem là phép tỉ dụ. Nó toát lên tinh thần sáng tạo và tài dí dỏm của con người, và là một trong những phép tu từ được dùng phổ biến trong kho tàng văn học nói của dân gian. Bài viết này trình...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học: " PHÉP TỶ DỤ TRONG TỤC NGỮ VIỆT VÀ ANH"

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 PHÉP TỶ DỤ TRONG TỤC NGỮ VIỆT VÀ ANH SIMILES IN VIETNAMESE AND ENGLISH PROVERBS TRẦN VĂN PHƯỚC Đại học Huế HOÀNG KIM ANH Học viên Cao học K2004-2007 TÓM TẮT Mỗi quốc gia đều gìn giữ trong ngôn ngữ của mình vô số tục ngữ, trong đó hai đối tượng có điểm tương tự nhau, nhưng khác nhau về chủng loại được đưa ra so sánh để tạo ra một ngữ sống động. Những lối so sánh như vậy, về mặt lý thuyết văn học, được xem là phép tỉ dụ. Nó toát lên tinh thần sáng tạo và tài dí dỏm của con người, và là một trong những phép tu từ được dùng phổ biến trong kho tàng văn học nói của dân gian. Bài viết này trình bày những sắc thái tương đồng cũng như dị biệt trong phép tỉ dụ giữa tục ngữ Việt và Anh. ABSTRACT Each nation preserves in its language an indefinite number of proverbs in which two things of some sameness, but of different categories, are compared in order to produce a vivid phrase. Such proverbs, in terms of literary theory, are known as similes. They reveal a witty and creative human spirit and belong to the treasure of oral folk literature. This article deals with some features of similarites as well as differences in similes between Vietnamese and English proverbs. 1. Đặt vấn đề Học giả của các nền văn hoá trên thế giới luôn dành cho tục ngữ-kho tàng văn học dân gian- một mối quan tâm đặc biệt và đã cho ra đời rất nhiều công trình có giá trị: các bộ sưu tập đồ sộ cùng các sách nghiên cứu về cả nội dung lẫn hình thức của tục ngữ. Qua đó các vấn đề liên quan đến tục ngữ đều được tìm tòi, nghiên cứu. Bên cạnh việc tìm hiểu nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời, sự lưu truyền trong dân gian của tục ngữ, các học giả còn phân tích các khía cạnh về văn phong, cấu trúc, nghiên cứu chức năng và việc sử dụng tục ngữ trong mọi tình huống (hội thoại, văn học và truyền thông), nhằm vẽ nên một bức tranh bao hàm ý nghĩa và tầm quan trọng của tục ngữ như một chiến lược của văn học nói. Trong số những tên tuổi lớn về lĩnh vực này, trong tiếng Anh có Archer Taylor, Wolfgang Mieder, George B. Bryan, Peter Lang, Pete Useth, Margaret M. Bryant, Alan Dundes, Claudia A. Stibbe, Matti Kuusi, Stephen D. Winick, I.R. Galperin, Shirley Arora, Juozas Tininis…; trong tiếng Việt kể từ 1945 đến nay có Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Lê Văn Hoè, Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri, Nguyễn Lân, Lê Ngọc Tú, Vũ Thế Ngọc… . Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu liên quan đến các phép tu từ trong tục ngữ không nhiều và phần lớn ở dạng bài viết, bài báo, một phần nhỏ trong một cuốn sách hoặc tiểu luận. 136
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 Do phạm vi có hạn, trọng tâm bài viết này là phép tỉ dụ, một trong 12 phép tu từ được dùng trong tục ngữ. Mục đích là nhằm đem lại cho người Việt học tiếng Anh cái nhìn sâu hơn đối với nền văn hoá của hai quốc gia và thấy được cái đẹp của từng ngôn ngữ. 2. Một số khái niệm có liên quan 2.1. Tục ngữ: Một trong những mối quan tâm lớn nhất của các nhà tục ngữ học là đưa ra một định nghĩa toàn diện và chính xác về tục ngữ, đơn giản là vì trong số những thể loại văn học dân gian (truyện thần thoại, truyền thuyết, giai thoại, truyện cười và câu đố) tục ngữ mang hình thức cô đọng nhất nhưng lại không đơn giản nhất. Wofgang Mieder (1996), nhà tục ngữ học hàng đầu của Mỹ cho rằng: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, phổ biến của dân gian trong đó sự thông thái, sự thật, các bài học đạo đức, quan niệm truyền thống được diễn đạt dưới hình thức ẩn dụ, cố định, dễ nhớ và được truyền từ đời này sang đời khác. Nói đến tục ngữ không thể không nhắc đến thành ngữ, vì đây là hai khái niệm mà ranh giới phân biệt về nghĩa đôi khi rất khó nhận ra. Chu Xuân Diên (1997) tóm tắt như sau: Sự giống nhau giữa thành ngữ và tục ngữ là ở chỗ cả hai đều là những sản phẩm của sự nhận thức của nhân dân về các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan, đều chứa đựng và phản ánh tri thức của nhân dân. Sự khác nhau là ở chỗ những tri thức ấy, khi được rút lại thành những khái niệm thì ta có thành ngữ, còn khi được trình bày, được diễn giải thành những phán đoán thì ta có tục ngữ. 2.2. Phép tỉ dụ: Phép tỉ dụ là phép tu từ trong đó hai đối tượng thuộc hai chủng loại khác nhau, nhưng lại có một điểm chung duy nhất, được đưa ra so sánh. (Galperin 1971). Ví dụ: Các nàng hầu, như những con bướm đêm, luôn bị vẻ hào nhoáng thu hút. (Byron) Các nàng hầu và những con bướm đêm thuộc về hai loài khác nhau, nhưng Byron phát hiện ra đặc điểm giống nhau giữa họ là dễ bị dụ dỗ: đó là sự hào nhoáng đối với nàng hầu và ánh đèn rực rỡ đối với bướm đêm. 3. Phép tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh Phép tỉ dụ, rất phổ biến trong tục ngữ, là lối nói ví von đầy sáng tạo của dân gian, để tạo ra một ngữ sống động và đầy sức thuyết phục.Ví dụ: Bạc đeo đầy mình không bằng thông minh sáng suốt. bạc- thông minh. Cơm với cá như mạ với con. cơm với cá-mạ với con. Vợ chồng như đũa có đôi. vợ chồng -đũa có đôi. Bạc (sự giàu có) thuộc phạm trù vật chất và thông minh sáng suốt (sự thông thái) thuộc phạm trù trừu tượng không có gì chung ngoài một điểm: đều là những thứ đem lại niềm hãnh diện cho con người. Tuy nhiên, trí tuệ được coi trọng hơn là của cải. Tương tự, cơm với cá là món ăn ngon rất hợp khẩu vị người Việt và mẹ với con là mối quan hệ vô cùng gắn bó, cả hai hoàn toàn khác nhau trừ một khía cạnh là tạo nên sự kết hợp hài hoà (cơm với cá) và mật thiết (mẹ và con). Còn vợ chồng và đũa cũng thuộc hai chủng loại hoàn toàn khác biệt, nhưng lại rất giống nhau ở chỗ tuy hai mà một. 137
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 Tục ngữ Anh có: Goodness is better than beauty. goodness - beauty. Actions speak louder than words. actions - words Children are better than riches. children- riches. Goodness (lòng tốt) và beauty (vẻ đẹp) không có gì giống nhau ngoài đặc điểm là những thứ được người đời đánh giá cao và hướng đến. Ở đây nội dung bên trong được đánh giá cao hơn hình thức bên ngoài. Actions (hành động) và words (lời nói) hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng giống nhau ở chỗ: người ta dùng chúng để mong đạt được điều gì. Children (trẻ em) và riches (của cải) thì đều mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người. Dân tộc Anh và dân tộc Việt đều chuộng lối nói dùng phép tỉ dụ nhằm nhấn mạnh, tô điểm hoặc mang lại tính đa dạng cho lời thoại. 3.1. Cấu trúc của phép tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh Cấu trúc của phép tỉ dụ trong tục ngữ Anh và Việt đều đơn giản. Ngôn ngữ chặt chẽ, súc tích và rõ ràng. Phép tỉ dụ gồm hai thành tố, trong tiếng Anh chúng được nối với nhau bằng liên từ "as" hoặc "like" và dạng so sánh hơn "-er than", "more than", còn trong tiếng Việt có các liên từ như, như thể, bằng, không bằng, chẳng bằng, không tày, chẳng tày, hơn. 3.2. Các hệ thống phân loại 3.2.1. a. Quan điểm của Juozas Tininis Rõ ràng việc phân loại tỉ dụ dựa theo một hệ thống chính xác là vô cùng phức tạp. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cố gắng tìm ra những điểm chung trong tỉ dụ để vạch ra một hệ thống phân loại. Nền tảng cho sự phân loại của họ chính là thành tố thứ nhất trong phép tỉ dụ. Juozas Tininis (1971) phác thảo một hệ thống phân loại tỉ dụ như sau: 1. Con người là chủ thể trong tỉ dụ; 2. Khái niệm trườu tượng là chủ thể trong tỉ dụ; 3. Sự vật cụ thể là chủ thể trong tỉ dụ; 4. Thế giới loài vật là chủ thể trong tỉ dụ. Trong các loại trên, thế giới loài vật (loại 4) là thành tố đầu tiên (chủ thể) trong tỉ dụ hầu như không thấy xuất hiện trong tục ngữ của cả tiếng Anh và tiếng Việt, do chúng không phải là đối tượng chủ. Tuy nhiên, loài vật thường được chọn làm vật để so sánh, tức là thành tố thứ hai trong tỉ dụ. Khía cạnh đặc biệt với hầu hết tỉ dụ thuộc loại này, là thường rơi vào các cấu trúc không hoàn chỉnh với chủ từ ẩn, phần lớn được ngầm hiểu là con người. Sau đây là một số ví dụ cho sự phân loại này: a) Con người là chủ thể trong tỉ dụ Gái có chồng như sông có nước, gái không chồng như lược gãy răng. Người không học như ngọc không mài. Tục ngữ Anh có: A child without parents is like a ship without a rudder. (Một đứa trẻ không cha mẹ như một con thuyền không bánh lái.) A man of words and not of deeds is like a garden full of weeds. (Người nói mà 138
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 không làm giống như khu vườn đầy cỏ dại.) b) Khái niệm trừu tượng là chủ thể trong tỉ dụ Đời người như ngọn nến. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Tục ngữ Anh có: Wisdom is better than rubies. (Sự thông thái, khôn ngoan tốt hơn vô vàn viên hồng ngọc.) Time flies like an arrow. (Thời gian bay nhanh như tên bắn.) c) Sự vật cụ thể là chủ thể trong tỉ dụ Một kho vàng không bằng một nang chữ. Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay. Tục ngữ Anh có: The tongue is more venomous than a serpent's sting.(Lưỡi nhiều độc hơn vết rắn cắn.) Three removals are as bad as a fire.(Ba lần dọn nhà tệ bằng một lần cháy nhà.) d) Thế giới loài vật là chủ thể trong tỉ dụ: không có ví dụ minh hoạ. Tuy nhiên, trong tiếng Anh có thuật ngữ animal similes nhằm chỉ loài vật được đưa vào tỉ dụ, tuy với chức năng là vật dùng để so sánh chứ không phải là chủ thể và thường ở dạng cụm từ hoặc thành ngữ, nhưng được xem là tục ngữ vì tính phổ biến hoặc khi dùng trong một ngữ cảnh nào đó, nhằm đưa ra lời khuyên hoặc gây ấn tượng. Béo như chim ra ràng Nhanh như ngựa chạy trạm Nháo nhác như gà lạc mẹ Tục ngữ Anh có: Like a drowned rat. (Như chuột chết chìm.) To swim like a duck. (Bơi như vịt.) As snug as a bug in a rug.(Thoải mái và ấm áp như rệp trong chăn.) 3.2.2. Quan điểm của IR. Galperin Theo IR.Galperin (1971), mỗi sự vật có thể được xem xét từ nhiều góc độ, chẳng hạn, tình trạng, hoạt động, cung cách ứng xử,... Theo đó, nền tảng của tỉ dụ có thể là đặc tính, trạng thái hay hành động của đối tượng ... Như vậy, việc phân loại tỉ dụ có thể dựa trên nền tảng góc độ nào của đối tượng được quan sát, không nhất định phải dựa vào thành tố thứ nhất như đã nêu ở trên, đó là 1. Tỉ dụ dựa trên tính từ-định ngữ . 2. Tỉ dụ dựa trên động từ-vị ngữ . 3. Tỉ dụ dựa trên trạng từ-bổ ngữ. Trong hệ thống phân loại này, ta không tìm thấy ví dụ nào trong tục ngữ Việt và Anh minh hoạ cho tỉ dụ dựa trên trạng từ-bổ ngữ. a) Tỉ dụ dựa trên tính từ-định ngữ Khó như giữ đóm đêm mưa. Dạ sâu hơn biển, bụng kín hơn buồng. Khôn như tiên không tiền cũng dại, dại như chó có ló cũng khôn. (ló = lúa) Tục ngữ Anh có: 139
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 A good name is better than riches. (Danh tiếng tốt quý hơn sự giàu có.) As welcome as flowers in May. (Được nghênh đón như hoa tháng năm.) As stubbon as a mule. (Bướng bỉnh như con la.) b) Tỉ dụ dựa trên động từ-vị ngữ Học như gà bới vách. Ăn ở với nhau như bát nước đầy. Cưới gái nạ dòng như mang gông vào cổ. Tục ngữ Anh có: To fit like a glove. (Vừa vặn như chiếc găng tay.) To stick to somebody like a leech. (Dính ai như đỉa.) To eat like a pig. (Ăn như heo/lợn.) Thật thú vị khi thấy phép tỉ dụ trong tục ngữ của hai ngôn ngữ Việt và Anh có những điểm giống nhau như hai giọt nước (như hai hạt đậu trong tiếng Anh), và ta không khỏi tò mò liệu có gì khác biệt không. 3.3. Những đặc điểm về ngôn ngữ của tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh 3.3.1. Tính âm thanh của lời nói Trong tục ngữ, đặc điểm về âm thanh của lời nói rất được chú trọng, do vậy cả hai thành tố trong tỉ dụ thường có yếu tố lặp vần hoặc lặp âm đầu. Tục ngữ Việt, nhờ đặc thù của ngôn ngữ đơn âm tiết, cộng với sáu thanh điệu vô cùng uyển chuyển, đi đôi với số lượng từ điệp vần do dân gian tự sáng tạo khá lớn, nên chiếm ưu thế hơn hẳn tục ngữ Anh về mặt này. Rành rành như canh nấu hẹ. Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Đầu bằng quả quít, đít bằng cái thúng. Chàng ràng như ếch hai hang. Chị em dâu như bầu nước lạnh. Có thể tìm thấy tính chất này trong tục ngữ Anh, nhưng với số lượng hạn chế: The noise is greater than the nut. (Tiếng ồn ào lớn hơn quả hồ đào.) Fact is stranger than fiction. (Sự thật lạ lùng hơn cả tiểu thuyết.) 3.3.2. Tính đa thành tố Đặc biệt, khác với tục ngữ Anh, một số tục ngữ Việt gồm có bốn thành tố hoặc hai vế: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như đom đóm đực. Con có cha như nhà có nóc, con có mẹ như bẹ ấp măng. Hay sáu thành tố hoặc ba vế: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. 3.3.3. Tính tiềm ẩn của liên từ so sánh Ngoài ra, rất nhiều tục ngữ tiếng Việt được tạo bởi tỉ dụ gồm hai vế được nối với 140
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 nhau bằng dấu phẩy hay liên từ tiềm ẩn "cũng như", "bằng", trong khi tục ngữ Anh không có đặc điểm này. Miếng ngon nhớ lâu, (cũng như) đòn đau nhớ đời. Liệu cơm gắp mắm (cũng như) liệu con gả chồng. 3.4. Những đặc điểm về văn hoá của tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh 3.4.1. Tính dân tộc Ai là người đầu tiên sáng tạo ra lối so sánh độc đáo được gọi là phép tỉ dụ ? Đó là người nông dân và từ những trải nghiệm của riêng họ. Nhiều tỉ dụ ra đời đã khá lâu giúp ta hiểu được đời sống tinh thần, trí lực, niềm tin, phong tục và tập quán... của người dân, nói chung là phương thức sống trong suốt tiến trình tồn tại của họ. Nhờ vậy, ta có thể lần dấu những khía cạnh cổ xưa của nền văn hoá Việt và Anh trong tỉ dụ, liên quan đến mọi mặt của đời sống. Cũng do tính lâu đời đó mà một số tỉ dụ trở nên khó hiểu,và đôi khi cần có diễn giải để người dân hiện nay hiểu cho đúng. Ví dụ: Gái có con như bồ hòn có rễ (Rễ bồ hòn ăn sâu trong đất), ý nói người đàn bà đã có con thì gắn bó với gia đình. Lúng túng như ếch mắc xiếc (Xiếc là bẫy bắt ếch), ý chê người thiếu bình tĩnh, không biết giải quyết vấn đề thế nào. Tục ngữ Anh có: As mean as a snake (tạm dịch: Hèn hạ, đê tiện như rắn) được dùng để mô tả một người lạnh lùng, vô tâm, kém cỏi và hiểm ác. Tính hèn hạ, đê tiện đâu thể là thuộc tính của rắn; chỉ vì rắn cho cảm giác lạnh lùng (máu lạnh) và gây hại (cắn khi bị quấy rầy), chẳng qua đó là bản chất tự nhiên của loài rắn. As drunk as a skunk (tạm dịch: Bét nhè như chồn hôi) mô tả một người say không còn biết trời đất là gì, không còn tự chủ được nữa. Chồn hôi không biết nốc rượu, cho nên as drunk as a skunk chỉ mang ý nghĩa điệp vần. 3.4.2. Tính hài hước, châm biếm Lắm lúc, ta không khỏi bật cười bởi lối ví von rất hài hước và châm biếm của tục ngữ Việt, đậm chất dân gian: Gái được hơi trai như thài lài gặp cứt chó, trai phải hơi gái như bè vó xuôi sông. (thài lài là một thứ cây thân cỏ, mọc hoang ở những nơi ẩm, hoa màu xanh lam) Ý nói gần người đàn ông, người đàn bà xinh đẹp hơn lên, còn đàn ông thì bơ phờ rũ rượi. Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Ý nói ăn nhanh, đến đâu hết đến đấy, nói năng khôn khéo, làm thì uể oải bôi ra một chỗ một ít, nhếch nhác bẩn thỉu. Ta cũng tìm thấy tính hài hước và châm biếm trong tỉ dụ của tục ngữ Anh, tuy sắc thái thể hiện khác với tục ngữ Việt, chủ yếu do ngôn ngữ sử dụng trong tục ngữ Việt mang tính dân dã hơn, trong khi tục ngữ Anh sử dụng ngôn ngữ bình thường. Ví dụ: As poor as a church mouse. (Nghèo như chuột nhà thờ.) Ý nói nghèo kiết xác. Like a cat on hot bricks. (Như mèo trên gạch nóng.) Ý tả cảnh đứng ngồi không yên. 141
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 3.4.3. Tính sáo ngữ Trong tục ngữ Anh, một số trở thành sáo ngữ do được dùng quá nhiều, trở nên nhàm, do đó ít có tác dụng về mặt tu từ: Tạm dịch: Như cá trên cạn. Like a fish out of water. Như nước đổ đầu vịt. Like water off a duck's back Ăn như heo(lợn). To eat like a pig. Tự do như chim trời. As free as a bird. Dũng mãnh như sư tử. As brave as a lion. Tuy nhiên, tục ngữ Việt chưa bao giờ bị coi là sáo ngữ. Vị trí của tục ngữ trong văn chương cũng như trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Người Việt Nam quen thuộc và ưa viện dẫn tục ngữ, xem đó như là một nét văn hoá độc đáo. Có thể tóm tắt sự giống nhau và sự khác biệt của phép tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh theo bảng dưới đây: Bảng tóm tắt những điểm giống nhau và khác nhau của tỉ dụ trong tục ngữ Việt và Anh Phép tỉ dụ Tiếng Việt Tiếng Anh Con nguời là chủ thể trong tỉ dụ + + Khái niệm trừu tượng là chủ thể trong tỉ dụ + + Sự vật cụ thể là chủ thể trong tỉ dụ + + Loài vật trong tỉ dụ + + Tỉ dụ dựa trên tính từ-định ngữ + + Tỉ dụ dựa trên động từ-vị ngữ + + Tỉ dụ dựa trên trạng từ-bổ ngữ - - Tính âm thanh của lời nói hiếm + Tính đa thành tố + - Tính tiềm ẩn của liên từ so sánh + - Tính dân tộc + + Tính hài hước và châm biếm + + Tính sáo ngữ - + 4. Kết luận Tóm lại, tỉ dụ là phép tu từ trong đó hai đối tượng hoàn toàn khác nhau về mọi mặt, trừ một điểm quan trọng có tính chất điển hình được đưa ra so sánh. Tỉ dụ được dùng để mô tả đối tượng, với mục đích mang lại cho lời nói hoặc câu viết vẻ sinh động, qua đó thể hiện trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Với tục ngữ, cá tính tưởng tượng của một dân tộc nào đó thể hiện rất rõ qua lối nói ưa ví von, và phép tỉ dụ cũng là nơi mà ta có thể khám phá đời sống tâm hồn của dân tộc đó. 142
  8. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 4(27).2008 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] I.R. Galperin (1971), Stylistics, Higher School Publishing House, Moscow [2] Juozas Tininis (1971), Similes in Lithuanian Folk Proverbs, Lituanus Foundation, Inc., Lituania. [3] Wolfgang Mieder ((2004), Proverbs: A Handbook, Greenwood Press, Westport, the United States of America. [4] Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2002), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục , Hà Nội. [5] Nguyễn Hữu Dự, Nguyễn Trùng Dương (2003), Tục ngữ Anh-Việt Việt-Anh, Nhà Xuất bản Tổng hợp Đồng Nai. [6] Nguyễn Lân (1997), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội. [7] Vũ Dung, Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào (2003), Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin. [8] Vũ Thế Ngọc (2006), Từ điển tục ngữ Việt-Anh, Anh-Việt thông dụng, NXB Đại học Quốc gia , TP. Hồ Chí Minh. 143
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2