YOMEDIA
ADSENSE
Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường
6
lượt xem 2
download
lượt xem 2
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Mục tiêu của nghiên cứu "Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường" là tìm hiểu những quy định và chính sách hiện hành về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Thông qua đó, bài viết đã đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dữ liệu nói chung và thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường nói riêng, đặc biệt là trên môi trường số. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường
- BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI THÔNG TIN, DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Nguyễn Hoàng Nam Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM Tóm tắt: Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) với thống nhất mục tiêu, cam kết giảm phát thải sạch về bằng “0” vào năm 2050, vài năm trở lại đây, các quốc gia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh tế môi trường, trong đó có khía cạnh chia sẻ và khai thác dữ liệu tài nguyên và môi trường hiệu quả. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu những quy định và chính sách hiện hành về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Nghiên cứu nhận thấy rằng bảo hộ quyền tác giả là bước đầu trong quá trình thiết lập khung pháp lý phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn; tuy nhiên, việc bảo hộ có thể tạo ra những rào cản, hạn chế nhất định trong quá trình tiếp cận và phát triển của các cá nhân và tổ chức khác trong cộng đồng. Thông qua đó, bài viết đã đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dữ liệu nói chung và thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường nói riêng, đặc biệt là trên môi trường số. Từ khóa: dữ liệu, kinh tế tuần hoàn, quyền tác giả, thông tin, tài nguyên và môi trường Abstract: After the 2021 United Nations Climate Change Summit (COP26) with unified goals and commitments to reduce clean emissions to "zero" by 2050, in recent years, countries are increasingly paying more attention to the economic and environmental situation, including the aspect of sharing and exploiting resource and environmental data effectively. This study aims to learn about current regulations and policies on information and data on natural resources and the environment in Vietnam. The study found that copyright protection is the first step in the process of establishing a legal framework for circular economic development; while, protection can create certain barriers and limitations in the access and development process of other individuals and organizations in the community. Thereby, the study has made a number of recommendations to build and improve laws on data in general and information, resource and environmental data in particular, especially in the digital environment. 421
- Keyworks: copyright, circular economy, data, information, resources and environment 1. Đặt vấn đề Thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển tài nguyên và môi trường quốc gia. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường ở hai cấp Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường) là mục tiêu hàng đầu trong việc sử dụng, khai thác, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường hiệu quả để tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; và triển khai lộ trình nâng cấp cơ sở hạ tầng số quốc gia, thực hiện phát triển chính phủ điện tử. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, một số thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được yêu cầu cung cấp trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử quốc gia như: Cổng dữ liệu Quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin đất đai quốc gia,… Để các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường, một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu xây dựng Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đơn cử như tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan đầu tiên trong cả nước hoàn thành và triển khai Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường địa phương, bên cạnh các thông tin, dữ liệu báo cáo trên Trang thông tin Sở tài Nguyên và môi trường (http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/), thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường liên quan được chia sẻ trên Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường (https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn/) với gần 446 tập dữ liệu về không gian địa lý của các quận, phường trên địa bàn toàn thành phố, tiêu biểu như thông tin về các phân khu, diện tích đất, quy hoạch, hiện trạng và mục đích sử dụng đất, ranh giới đất,… Mặt khác, những cá nhân, tổ chức dùng kinh phí của mình để tạo ra thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường cũng có mong muốn được bảo vệ trước những xâm phạm bất hợp pháp. Nhằm bảo vệ quyền lợi và khuyến khích tinh thần sáng tạo không ngừng của các cá nhân, tổ chức trong việc đưa ra những thông tin, dữ liệu hữu ích về tài nguyên và môi trường, cũng như bảo vệ giá trị nguyên bản của chính thông tin, dữ liệu đó, hiện nay, bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. Nếu Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được xem là kênh công khai, chia sẻ chuyên biệt cho nhóm thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường thì bảo hộ quyền tác giả đối với các đối tượng trên lại đặt ra những rào cản nhất định trên phương diện tiếp cận, khai thác và chia sẻ của những cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng. Thông qua nghiên cứu này, 422
- tác giả mong muốn tìm hiểu những quy định và chính sách liên quan đến bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; cũng như phần nào đánh giá những hạn chế trong chính sách bảo hộ hiện nay và đưa ra các kiến nghị thiết thực để giải quyết. Nghiên cứu sẽ trả lời 3 câu hỏi chính: (1) Dữ liệu tài nguyên và môi trường nên được hiểu là gì? (2) Chính sách của Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường ra sao? (3) Đâu là những rào cản trong chính sách bảo hộ? 2. Dữ liệu tài nguyên và môi trường là gì? Tại Việt Nam, thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường ở các khía cạnh thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng được quy định trong Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. Căn cứ theo Nghị định này, thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là các thông tin, dữ liệu được thu nhận và lưu trữ theo đúng quy định, bao gồm: thông tin, dữ liệu về đất đai; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thông tin, dữ liệu về địa chất và khoáng sản; thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu về môi trường; thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; thông tin, dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu; thông tin, dữ liệu về viễn thám[1]. Xét về tính chất, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường là tập hợp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đã được kiểm tra, đánh giá và tổ chức quản lý, lưu trữ một cách có hệ thống. Xét về mục đích, dữ liệu tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì phục vụ quản lý nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và nâng cao dân trí. Xét về thẩm quyền, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được chia làm 4 nhóm[2]: Phân cấp Định nghĩa Là cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được tổng hợp, liên kết, Cơ sở dữ liệu tài tích hợp các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên phạm nguyên và môi trường vi quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quốc gia quản lý. Cơ sở dữ liệu tài Là cơ sở dữ liệu tích hợp, tập hợp từ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nguyên và môi trường và môi trường thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành và do các bộ, ngành bộ, ngành xây dựng, lưu trữ, quản lý. 423
- Cơ sở dữ liệu tài Là cơ sở dữ liệu tích hợp, tập hợp từ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nguyên và môi trường và môi trường thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quản lý. Cơ sở dữ liệu chuyên Là cơ sở dữ liệu do các tổ chức quản lý lĩnh vực chuyên ngành trực ngành về tài nguyên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quản lý. và môi trường Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thông tin về môi trường bao gồm: (1) Thông tin về chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường, nguồn ô nhiễm; công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; (2) Thông tin về chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải và các loại chất thải khác; (3) Thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, thông tin thuộc bí mật nhà nước; nội dung cấp phép, đăng ký, chứng nhận, xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; (4) Thông tin về chỉ tiêu thống kê môi trường, chất lượng môi trường, ô nhiễm môi trường; (5) Thông tin về di sản thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và nguồn gen; khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; vùng đất ngập nước quan trọng[3]. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta đã triển khai thực hiện thu thập và thống kê thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đơn cử như trong báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tiền Giang vào tháng 05/2023 cho thấy, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tại đơn vị bao gồm: dữ liệu nguồn thải, dữ liệu về đa dạng sinh học, dữ liệu về chất lượng môi trường, dữ liệu thống kê môi trường và các hồ sơ văn bản liên quan. Phân chia cụ thể thành 4 nhóm thông tin, dữ liệu sau[4]: Phân nhóm Thông tin về môi trường Quản lý thông tin chi tiết về chủ đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch Nguồn thải vụ tập trung, làng nghề, thông tin về thanh tra, kiểm tra, thông báo thu phí… trên địa bàn tỉnh. Chất lượng Quản lý thông tin chi tiết về chương trình quan trắc, điểm/trạm quan trắc, môi trường nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường. 424
- Đa dạng Quản lý thông tin chi tiết về các cơ sở và khu vực bảo tồn. sinh học Quản lý thông tin chi tiết về danh sách đánh giá tác động môi trường, danh Hồ sơ sách giấy phép môi trường, danh sách báo cáo giám sát định kỳ của chủ đầu văn bản tư. 3. Chính sách về bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Việt Nam Trước những rủi ro tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2017/NĐ- CP về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với dữ liệu tài nguyên và môi trường. Theo đó, dữ liệu tài nguyên và môi trường là đối tượng bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả[5]. Quy định này phù hợp với nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu[6]. Trong đó, nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được thu thập, tạo lập bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Những tổ chức, cá nhân sẽ được bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được thu thập, tạo lập từ nguồn kinh phí của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tùy vào mức độ bảo mật thông tin mà cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường sẽ được tiếp cận khai thác. Trường hợp dữ liệu đã được công bố danh mục thông tin thì công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước[7]. Trường hợp dữ liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc việc tiếp cận có khả năng gây nguy hại đến lợi ích quốc gia và người khác thì công dân sẽ không được tiếp cận thông tin. Trường hợp dữ liệu chưa được công bố và không phải là bí mật nhà nước, việc sử dụng thông tin, dữ liệu phải có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đối với dữ liệu. Đồng thời, tổ chức, cá nhân không được chuyển quyền sử dụng đối với thông tin, dữ liệu nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu quyền tác giả, sở hữu thông tin, dữ liệu. Tuy nhiên, khi khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử, quy định hiện nay yêu cầu tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu là quá cứng nhắc và thiếu linh hoạt[8]. 425
- Theo Luật Tiếp cận thông tin 2016 thì mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và những thông tin được tiếp cận phải đảm bảo tính chính xác, đầy đủ từ bên cung cấp[9]. Chính vì vậy, để cân bằng trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu, cũng như quyền và lợi ích tiếp cận thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường của cộng đồng, công dân được tiếp cận có điều kiện trong trường hợp tác giả hoặc chủ sở hữu đó đồng ý dưới các hình thức (1) lập phiếu, (2) văn bản thỏa thuận hoặc (3) hợp đồng giao kết giữa đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu và bên khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu. Hợp đồng giữa đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu và bên khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu là một trong ba hình thức, thủ tục trong việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu[10]. Về hình thức hợp đồng, việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu bằng hình thức hợp đồng thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu[11]. Một hình thức hợp đồng đang ngày càng phổ biến là hợp đồng điện tử. Phát triển hợp đồng điện tử là một trong những mục tiêu kinh tế số quốc gia. Do đó, chính sách về hình thức hợp đồng khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cần xem xét cập nhật. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nhân được sự khuyến khích từ cơ quan nhà nước. Về hoạt động đầu tư nghiên cứu, nhà nước khuyến khích sự chủ động của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thu nhận, tạo lập và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường[12]. Về hoạt động chia sẻ, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp, hiến tặng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho cơ quan nhà nước góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, phục vụ lợi ích chung của xã hội[13]. Nhìn chung, chính sách hiện nay chưa có sự ghi nhận hay khen thưởng tương thích, làm các tổ chức, cá nhân thiếu động lực để tham gia xây dựng, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường như dữ liệu quan trắc về không khí và nước, dữ liệu quan trắc về khí tượng thủy văn, dữ liệu quan trắc về ô-dôn,… có ý nghĩa rất quan trọng đối với ứng phó, xử lý kịp thời trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, thảm họa[14]. Tuy nhiên, chính sách chỉ đề cập chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường kịp thời cho các cơ quan, tổ chức có chức năng, phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng[15]. Việc này đồng nghĩa những cá nhân, tổ chức có nhu cầu khai thác trong các hoạt động nghiên cứu, dự báo sẽ gặp khó khăn 426
- trong việc tiếp cận. Ngoài ra, một số thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường khác cũng không thật sự cần thiết phải được bảo hộ quá nghiêm ngặt. Đối với hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường bị xử phạt vi phạm hành chính, kèm quyết định bồi thường thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu. Nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân xâm phạm quyền tác giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. 4. Một số kiến nghị Trên cơ sở nguyên tắc bảo hộ tự động và độc lập của Công ước Berne, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục hay hình thức nào, không phân biệt đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký[16]. Chính vì vậy, bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường thường không (hay ít) được đăng ký, cập nhật và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin, cổng thông tin điện tử quốc gia hay địa phương. Điều này gián tiếp gây khó khăn trong hoạt động tra cứu và sử dụng. Thứ nhất, việc bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường có thể tạo rào cản nhất định trong tiếp cận dữ liệu của các cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Quy định về dữ liệu tài nguyên và môi trường trong Nghị định số 73/2017/NĐ-CP đang quá rộng về ngữ nghĩa, trong khi những dữ liệu được phép chia sẻ, sử dụng lại chưa rõ ràng. Đơn cử như nhiều điểm, mục quy định tại Điều 4 không nhất thiết phải bảo hộ như: thông tin, dữ liệu về đất đai; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu. Để giá trị của bảo hộ quyền tác giả được phát huy mà không gây cản trở đến quyền tự do truy cập thông tin, những thông tin liên quan nên phân chia thành từng nhóm cụ thể, trong đó liệt kê chi tiết các khoản mục dữ liệu tài nguyên và môi trường được xác lập bảo hộ. Việc yêu cầu đăng ký và cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử nên được hủy bỏ. Nhằm tăng cường sự minh bạch trong bảo hộ dữ liệu tài nguyên và môi trường, cơ quan quản lý cần làm rõ dữ liệu nào được chia sẻ và sử dụng công khai, dữ liệu nào chia sẻ nhưng sử dụng phải xin phép, dữ liệu nào không được chia sẻ. Qua đó, người sử dụng có thể chủ động tiếp cận nguồn dữ liệu được chia sẻ một cách phù hợp, hiệu quả mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền tác giả. 427
- Thứ hai, tiếp cận, chia sẻ và khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là nhu cầu thiết yếu của các cá nhân và tổ chức trong việc quản lý, điều hành sản xuất theo quy trình kinh tế tuần hoàn. Tiêu biểu như tại Thành phố Hồ Chí Minh, nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường gắn kết với giải pháp công nghệ đã được triển khai xây dựng dựa trên mô hình đồng vận hành của tổ chức Open Geospatial Consortium [17]. Đây là một trong những mô hình áp dụng phổ biến cho các hạ tầng dữ liệu không gian tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, dữ liệu tài nguyên và môi trường có thể hỗ trợ trong phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn của doanh nghiệp (được gọi chung dưới thuật ngữ chưa chính thức gần đây là dữ liệu tuần hoàn)[18] hay ứng dụng thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ trong công tác kiểm tra, giám sát môi trường của các tổ chức nhà nước[19]. Khi đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ vận hành hiệu quả với định hướng sản xuất xanh, góp phần gia tăng lợi nhuận và đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn [20]. Trong một số trường hợp nhất định, cơ quan nhà nước nên khuyến khích tác giả và chủ sở hữu dữ liệu tài nguyên và môi trường chủ động chia sẻ để nâng cao lợi ích cộng đồng thông qua chính sách khen thưởng về mặt vật chất lẫn tinh thần nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của các cá nhân, tổ chức vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Thứ ba, bảo hộ quyền tác giả thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường có tác động đối với phát triển kinh tế số, đặc biệt là nền tảng dữ liệu số tài sản trí tuệ [21]. Với sự lên ngôi mạnh mẽ của công nghệ, quá trình chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động về thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu một cách phù hợp và tối ưu nhất [22]. Một trong những bổ sung cần thiết là công nhận hình thức hợp đồng điện tử trong hoạt động khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Cụ thể, bổ sung cụm từ “hợp đồng điện tử” vào Điều 19 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP như sau: “Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu bằng hình thức hợp đồng thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và luật giao dịch điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu”. Số hoá trong quản lý tài nguyên và môi trường là định hướng của nước ta trong chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường. Để thực hiện được mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, việc nâng cao nền tảng công nghệ số là vô cùng cần thiết để tiến tới tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm thúc đẩy hoàn thành cơ sở dữ liệu chung quốc gia. 428
- Một trong những phương thức là cổng dữ liệu điện tử quốc gia, nơi tập hợp đầy đủ dữ liệu ở các ngành, lĩnh vực trên môi trường số. 5. Kết luận Dựa trên những quy định và chính sách hiện hành của Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, nghiên cứu đã làm rõ được định nghĩa về dữ liệu tài nguyên và môi trường, đánh giá cơ bản những điểm hạn chế trong quy định pháp luật về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Nghị định số 73/2017/NĐ-CP, cũng như đưa ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ những rào cản trong chính sách bảo hộ hiện hành. Thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia và định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Bảo hộ quyền tác giả đối với dữ liệu tài nguyên và môi trường là cần thiết để đảm bảo lợi ích tinh thần và vật chất một cách thỏa đáng cho bên có nỗ lực trong hoạt động thu thập, sáng tạo trí tuệ về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; đồng thời, khuyến khích phát triển sáng tạo các sản phẩm thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trong tương lai. Tuy vậy, việc bảo hộ cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tạo ra những rào cản đối với việc tiếp cận của cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động tự do thương mại hay gây hạn chế trong quá trình tổ chức nhà nước thực hiện khai thác vì lợi ích quốc gia. Một cách khách quan, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về quyền tác giả thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu này sẽ là khởi đầu cho việc nghiên cứu đánh giá quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Gợi mở rộng hơn là xu hướng tiếp cận quyền tài sản đối với dữ liệu tài nguyên và môi trường. Danh mục tài liệu tham khảo [1] Điều 4 Nghị định 73/2017/NĐ-CP. [2] Khoản 2, Điều 12 Nghị định 73/2017/NĐ-CP. [3] Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. [4] Báo cáo Sở Tài nguyên và môi trường Tỉnh Tiền Giang (2023), Giới thiệu hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường Tỉnh Tiền Giang. Xem tại https://cebid.vn/wp- content/uploads/2023/06/Bai-3.-Gioi-thieu-CSDL-MT-Tien-Giang-new.pdf [5] Điều 29 Nghị định 73/2017/NĐ-CP. 429
- [6] Điểm m khoản 1 Điều 14 và khoản 2 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019, 2022. [7] Điều 15 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [8] Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [9] Khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13. [10] Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [11] Điều 19 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [12] Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [13] Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [14] Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [15] Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. [16] Khoản 2 Điều 5 Công ước Berne năm 1971, sửa đổi năm 1979. [17] Bùi Hồng Sơn, Nguyễn Toàn Thắng, Văn Hùng Tiến, Vũ Văn Thái và Đồng Thị Bích Phương (2022), Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh, Tạp chí khoa học đo đạc và bản đồ, số 52, trang 18-25. [18] Nguyễn Hoàng Nam (2023), Ứng dụng dữ liệu tuần hoàn trong phát triển doanh nghiệp, Báo đầu tư, số 111 (4186), trang 8. [19] Nguyễn Mai Dung (2022), Phát triển ứng dụng di động thu thập dữ liệu từ người dùng phục vụ giám sát môi trường, Tạp chí khoa học đo đạc và bản đồ, số 55, trang 50-56. [20] Nguyễn Hoàng Nam (2023), Ứng dụng dữ liệu của doanh nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn, Báo đầu tư, số 100 (4175), trang 8. [21] Nguyễn Hoàng Nam (2023), Dữ liệu số tài sản trí tuệ: Từ xây dựng đến quản trị, Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Xem tại https://vjst.vn/vn/tin-tuc/7554/du-lieu-so-tai-san-tri-tue--tu- xay-dung-den-quan-tri.aspx [22] Trần Viết Cường (2022), Tác động của chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường, Tạp chí Môi trường, số 11, trang 48-50. 430
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn