YOMEDIA
ADSENSE
Bảo tồn, chỉnh trang Phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch Huế thành đô thị di sản quốc gia
3
lượt xem 0
download
lượt xem 0
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết Bảo tồn, chỉnh trang Phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia trình bày hiện trạng chung về quy hoạch và sử dụng đất; Hiện trạng về kiến trúc, cảnh quan; Hiện trạng về giao thông và hạ tầng kỹ thuật; Kiến nghị các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bảo tồn, chỉnh trang Phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch Huế thành đô thị di sản quốc gia
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) BẢO TỒN, CHỈNH TRANG PHỐ CỔ BAO VINH THEO ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH HUẾ THÀNH ĐÔ THỊ DI SẢN QUỐC GIA Trương Hoàng Phương1*, Nguyễn Mạnh Tuấn2 1 Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế 2 Phòng Quản lý Đô thị, thành phố Huế *Email: hoangphuongkts@husc.edu.vn Ngày nhận bài: 16/5/2024; ngày hoàn thành phản biện: 22/5/2024; ngày duyệt đăng: 24/6/2024 TÓM TẮT Phố cổ Bao Vinh đã từng là một phố cảng trong chuỗi cảng thị Thanh Hà, nơi đã từng tồn tại nhiều công trình kiến trúc độc đáo mang lối kiến trúc Hoa - Ấn - Việt. Tuy nhiên, các công trình cổ tại đây ngày càng bị xuống cấp hoặc mất dần do chưa được khai thác sử dụng một cách hiệu quả, cũng như việc giữ gìn và cải tạo chúng gặp nhiều khó khăn do kinh phí bảo trì cao, khó tìm được vật liệu thay thế phù hợp. Bài viết tập trung nhận diện đặc trưng kiến trúc và những biến đổi của khu phố trong giai đoạn hiện nay, cũng như đề xuất giải pháp bảo tồn và chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố trên quan điểm tiếp nối các giá trị truyền thống, tạo hơi thở thời đại và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân theo định hướng xây dựng Huế trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Từ khóa: bảo tồn và chỉnh trang, công trình kiến trúc, phố cổ. 1. MỞ ĐẦU Phố cổ Bao Vinh, từng là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa sầm uất nhất của xứ Đàng Trong, nơi tập trung các công trình kiến trúc nhà ở - thương mại có giá trị. Hiện khu phố cổ này vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà cổ được thiết kế mang lối kiến trúc Hoa - Ấn - Việt; những làng nghề, những nét văn hóa làng xã và nhiều di tích lịch sử khác rất có giá trị (hình 1). Hiện nay, tuyến phố đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch phía Bắc thành phố Huế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, các công trình tại đây ngày càng xuống cấp; việc cải tạo công trình cổ gặp nhiều khó khăn do kinh phí để khôi phục rất lớn, cũng như khó tìm được vật liệu thay thế phù hợp. Bài báo tập trung phân tích về hình thái tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng tuyến phố Bao Vinh, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, quy hoạch, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan tuyến 97
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia phố trên quan điểm tạo ra sự liên kết giữa điểm di tích có giá trị và không gian, tiện ích công cộng; tạo ra sự hài hòa giữa việc phát triển kinh tế với nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn và khách du lịch. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Huế đang xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - thành phố di sản Quốc gia, trong đó việc bảo tồn và chỉnh trang các khu phố cổ trong đó có phố cổ Bao Vinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hướng đến. Hình 1. Phố cổ Bao Vinh ngày xưa Hình 2. Phân loại sử dụng đất ở Bao Vinh Nguồn: [10] Nguồn: tác giả 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trước hết, nhóm tác giả thu thập các tài liệu thứ cấp liên quan đến khu phố Bao Vinh như các bài viết, dự án, nhiệm vụ thiết kế đô thị, các văn bản, chính sách của chính quyền về định hướng quy hoạch. Các dữ liệu này giúp có cái nhìn tổng quan về lịch sử tuyến phố và định hướng bảo tồn chỉnh trang trong tổng thể quy hoạch đô thị Huế. Phương pháp khảo sát thực địa là phương pháp chính mà nhóm tác giả đã sử dụng trong nghiên cứu này. Cụ thể đó là việc quan sát, chụp ảnh, đo vẽ hiện trạng nhằm đánh giá một cách chính xác hiện trạng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố Bao Vinh, làm cơ sở cho việc đánh giá và đưa ra các giải pháp, kiến nghị một cách khoa học và hợp lý. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đã phỏng vấn người dân, khách du lịch, cũng như phỏng vấn sâu một số chuyên gia, nhà quản lý đô thị về đánh giá thực trạng tuyến phố Bao Vinh và quan điểm trong định hướng thiết kế đô thị của tuyến phố. Đây là là một phương pháp rất cần thiết để lấy ý kiến nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp. Căn cứ trên các dữ liệu sơ cấp đã thu thập được, nhóm tác giả sử dụng các phần mềm như AutoCAD, Sketchup, Excel để xây dựng các bản vẽ, bản đồ, lập biểu đồ kết quả phỏng vấn. 98
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) 3. ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ PHỐ CỔ BAO VINH Theo các tư liệu lịch sử, cảng Thanh Hà hình thành và phát triển tương đương với quá trình hình thành và phát triển của đô thị Huế thời kỳ Kim Long - Phú Xuân (1636 - 1775). Do nhu cầu trao đổi buôn bán, đặc biệt là nhu cầu cung ứng hàng hóa cho thủ phủ/ kinh đô của chúa Nguyễn, cảng Thanh Hà đã được chúa Nguyễn Phúc Lan thành lập từ năm 1636. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XVII, nhiều thương nhân người Hoa đã đến đây cư trú và buôn bán. Họ mua đất tại địa phương và phát triển dần khu vực phố buôn bán của người Hoa. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, “do biến động tự nhiên làm xuất hiện cồn nổi ở giữa sông Hương đoạn ngang qua bến cảng Thanh Hà nên tàu thuyền khó cập bến; thuyền buôn đến Phú Xuân phân tán qua nhiều bến cảng, Thanh Hà dần vắng bóng thương nhân. Đến cuối thời Tây Sơn cư dân buôn bán ở phố Thanh Hà chuyển dần về phía chợ Dinh và Bao Vinh. Cảng Thanh Hà dần vào dĩ vãng“ [11]. Phố cổ Bao Vinh có những yếu tố thuận lợi như “cận thị, cận giang, cận lộ lại cận kinh và cận Thanh Hà nên đảm bảo cho sự chuyển dịch và phát triển doanh thương. Trước mặt là sông Hương và bến cảng, sau là khu dân cư của làng và đồng ruộng. Hoa thương mua đất của các dòng họ và tư nhân để lập phố còn thực hiện tín ngưỡng thì đến Thanh Hà nơi có chùa Bà, chùa Ông, còn sinh hoạt các bang hội thì về chợ Dinh. Song song với việc giao thương buôn bán ngày càng phát triển là sự mọc lên của các ngôi nhà liền kề nhau. Người dân nơi đây dựng nhà để ở đồng thời phục vụ cho việc buôn bán như làm kho chứa hàng, nơi bán hàng, nơi phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí cho khách lữ hành. Như vậy, tại khu vực Thanh Hà - Bao Vinh đã từng tồn tại cả kiến trúc truyền thống của người Việt và người Hoa với nhiều loại hình như đình, đền, miếu, chùa, nhà phố, nhà ở... Tuy nhiên, do sự di cư liên tục của người Hoa nên những công trình kiến trúc còn lại tại khu vực này vẫn chủ yếu là của người Việt, mang phong cách bản địa xứ Huế rất rõ ràng” [3]. Hình 3. Hồn của phố cổ Bao Vinh được tái hiện bằng nét ký hoạ. Nguồn: Võ Trần Gia Phúc 4. HIỆN TRẠNG VỀ KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TUYẾN PHỐ BAO VINH 4.1. Hiện trạng chung về quy hoạch và sử dụng đất Hiện trạng về quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan và cơ sở hạ tầng của tuyến phố Bao Vinh tương đối lộn xộn. Diện tích đất ở chiếm chủ yếu (74,96%), đất dành 99
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia cho giao thông (15,04%), còn lại là đất dành cho các công trình công cộng (giáo dục, y tế,...) và tôn giáo, tín ngưỡng (10%) (bảng 1, hình 2). Trong khi đó, quy hoạch để bảo tồn phố cổ Bao Vinh dù đã được phê duyệt nhưng chưa được thực hiện. Hầu hết các công trình kiến trúc đều được xây trùng với chỉ giới đường đỏ, một số công trình còn cơi nới, mở rộng ra phía bờ sông. Mật độ xây dựng cao, ngôn ngữ kiến trúc không hài hòa và khá lộn xộn, không theo quy định quản lý xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị. Số lượng nhà cổ “biến mất” ngày càng nhiều do hiện trạng chất lượng công trình ngày càng xuống cấp; việc sửa chữa các nhà cổ cần chi phí lớn, khó tìm được vật liệu thay thế phù hợp. Bảng 1. Sơ bộ hiện trạng sử dụng đất khu vực phố cổ Bao Vinh. Nguồn: [2] TT Loại đất Diện tích các khu vực (m2) Tỉ lệ (%) 1 Đất ở 57.709 74,96 2 Đất công trình giáo dục 977 1,27 3 Đất công trình y tế 620 0,81 4 Đất tôn giáo 954 1,24 5 Đất tín ngưỡng 5.147 6,69 6 Đất giao thông 11.575 15,04 Tổng 76.982 100,00 4.2. Hiện trạng về kiến trúc, cảnh quan Hiện nay, các công trình trên tuyến phố Bao Vinh chủ yếu là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ như quán cafe, giải khát, các hàng tạp hóa,… Những ngôi nhà cao thấp khác nhau nằm xen kẽ, trong đó các công trình 2 tầng là chủ yếu với hình thức kiến trúc khác nhau. Các công trình nhà 1 tầng chiếm tỉ lệ ít hơn và có 1 một vài nhà 3 tầng (hình 4). Các công trình từ 2 tầng trở lên không có độ lùi ở các tầng trên, chiều cao các tầng và của các ngôi nhà khác nhau. Các công trình này đa số là nhà cũ có tuổi đời từ vài chục đến trên dưới một trăm năm, có đặc điểm chung là hẹp về chiều rộng, sâu về chiều ngang. Một số ngôi nhà có kiến trúc và kết cấu nhà trước theo lối nhà rường, chủ yếu là ba gian, khung gỗ và hai đầu xây bằng gạch. Nhà trước vừa là cửa hàng, kho chứa hàng vừa là phòng ngủ và nơi tiếp khách. Nhà sau một phần làm nhà bếp, nhà vệ sinh. Giữa nhà trước và nhà sau có khoảng cách dùng làm sân trong. Sân vừa là nơi đón ánh sáng và thông gió vừa là nơi thoát nước. Ván bưng ngăn phòng được sử dụng khá phổ biến tạo thành những dãy phòng tả hữu. Tuy hai đầu hồi được xây tường bằng gạch nhưng sát tường là ván gỗ, tường ăn sát mái (hình 5). Các công trình công cộng ở tuyến phố có số lượng hạn chế gồm: đình Bao Vinh, chợ Bao Vinh và chùa Thiên Giang. 100
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) Hình 4. Bảng thống kê số lượng chiều cao công trình. Nguồn: tác giả Thảm cỏ, mảng xanh đóng vai trò rất quan trọng tạo môi trường trong lành, hạn chế bức xạ mặt trời, đồng thời là không gian thư giãn, nghỉ ngơi, tập thể dục và tổ chức các lễ hội,… của người dân địa phương. Việc chiếm dụng đất khiến cho không gian khu vực này thiếu cây xanh, và hầu như không còn diện tích để trồng thêm cây xanh. Dọc 2 bên tuyến phố hầu như không có cây xanh, chỉ có một số cây cổ thụ lớn thuộc khuôn viên đình làng Bao Vinh, khuôn viên chùa Thiền Quang và cây bụi tự phát ven sông. Ngoài ra cũng chỉ có một số cây nhỏ, cây cảnh được trồng trong khuôn viên vườn của các hộ dân, và ở các ban công. Hình 5. Nhà 97 Bao Vinh (trái) và 77 Bao Vinh (phải) là 2 trong số ít những ngôi nhà cổ còn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nguồn: tác giả 4.3. Hiện trạng về giao thông và hạ tầng kỹ thuật Bao Vinh có tuyến đường chính lưu thông hai chiều, bề rộng lòng đường khoảng 7,5m, không hạn chế các loại hình phương tiện qua lại. Có lề đường nhưng rất hẹp, một số nơi hoàn toàn không có lề đường hoặc lề đường bị xâm chiếm làm nơi buôn bán. Không có sự phân chia rõ ràng giữa lòng đường và lề đường, thiếu điểm đỗ xe. Hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ, nước thải trong dân cư xả trực tiếp ra môi trường. Tuyến phố gần như không có hệ thống thoát nước mặt, dẫn đến tình trạng ngập ứ khi mưa to hoặc lũ lụt. Giao thông đường sông ít phát triển, các bến đò bị xuống cấp. 101
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia Thuyền gia đình neo đậu tạm bợ. Hệ thống biển báo được sử dụng mang tính đồng nhất với các hệ thống biển báo giao thông ở các trục đường khác. Cách làm này bước đầu đáp ứng được nhu cầu báo hiệu trong việc giao thông đi lại, tuy nhiên chưa mang được tính chất riêng và đặc trưng cho tuyến phố. Hệ thống điện chiếu sáng được bố trí sắp xếp lộn xộn, chưa đảm bảo chiếu sáng, chưa tạo nét đặc trưng làm nổi bật kiến trúc tại khu vực. 5. KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ THẢO LUẬN Nhóm nguyên cứu đã thực hiện phỏng vấn 50 người dân địa phương và khách du lịch khi đi tham quan tại tuyến phố Bao Vinh về kiến trúc cảnh quan, môi trường, giao thông,…Các kết quả thu được như sau: Đối với việc ùn tắc giao thông, qua phỏng vấn có 28/50 ý kiến cho rằng việc xảy ra ùn tắc giao thông tại tuyến phố Bao Vinh xảy ra hàng ngày, chủ yếu vào các khung giờ tan tầm, buổi sáng lúc 6:00 - 8:00 và buổi chiều lúc 16:00 - 18g00. Nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông là do lòng đường hẹp, nhà của xây lấn che khuất tầm nhìn, thiếu đèn và biển chỉ dẫn giao thông phù hợp (hình 6). Theo kết quả phỏng vấn, nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc cảnh quan ở tuyến phố còn nhiều bất cập, trong đó 40 người cho rằng tuyến phố thiếu công viên, điểm xanh; 16 ý kiến đề xuất cần trồng thêm cây bóng mát ở 2 bên vỉa hè; 12 ý kiến nhận định hệ thống dây điện, viễn thông trần làm mất mỹ quan, cần thiết phải hạ ngầm; trong khi đó, việc thiếu tiện ích hạ tầng đô thị như điểm dừng chân, lối dành người đi bộ cũng được 14 người đề cập; 26 ý kiến góp ý cần bố trí các điểm đỗ xe (hình 7). Như vậy, có thể thấy được kiến trúc cảnh quan ở trục giao thông tại tuyến phố Bao Vinh còn nhiều bất cập cần được giải quyết, vì vậy có tới 41/50 người cho rằng tổ chức, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan ở trục giao thông này trong thời gian tới là cần thiết. Hình 6. Nguyên nhân tai nạn và ùn tắc giao Hình 7. Ý kiến đánh giá về kiến trúc cảnh thông ở tuyến phố Bao Vinh quan ở tuyến phố Hình 8 cho thấy ý kiến của người được phỏng vấn về sự cần thiết cải tạo hình thức kiến trúc nhà ở tuyến phố Bao Vinh. Trong đó, 40/50 người cho rằng việc thiết kế, cải tạo hình thức kiến trúc nhà ở tuyến phố Bao Vinh là cần thiết. Bên cạnh đó, đa số người được phỏng vấn góp ý rằng cần thiết bố trí lại các hình thức kinh doanh tại tuyến phố Bao Vinh, cụ thể là cần đồng nhất các mặt hàng kinh doanh với nhiều hình thức kinh doanh phù hợp tại đây như cafe giải khát, sau đó là nhà hàng, lưu niệm, thủ công 102
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) truyền thống,… (hình 9). Hình 8. Mức độ cần thiết cải tạo hình thức Hình 9. Ý kiến về hình thức kinh doanh kiến trúc nhà ở Đối với ý kiến về việc lập phố đi bộ, 45/50 người được phỏng vấn đồng ý việc khu phố nên được khai thác để tạo thành tuyến phố đi bộ trong một khung thời gian nhất định (hình 10). Liên quan đến quan điểm của người được phỏng vấn đối với hình thức kiến trúc mặt tiền các công trình, đa số cho rằng nên sử dụng gam màu ấm, vật liệu địa phương sẵn có, phù hợp với cảnh quan xung quanh. Công trình dọc tuyến đường nên xây 1 tầng (16/50 người được phỏng vấn) hoặc 2 tầng (30/50 người) (hình 11). Hình 10. Ý kiến về tổ chức phố đi bộ Hình 11. Ý kiến về số tầng cao công trình đối với tuyến phố Bao Vinh Đối với đề xuất độ lùi xây dựng, 26/50 người được phỏng vấn cho rằng nên xây lùi so với chỉ giới đường đỏ là 3m, trong khi đó 24/50 người đề xuất chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ theo như công trình hiện trạng (hình 12). Đối với việc cải tạo, xây dựng bến thuyền 50/50 người được phỏng vấn mong muốn khôi phục lại bến thuyền nhằm tạo cảnh quan thu hút khách du lịch (hình 13). Hình 12. Ý kiến về độ lùi xây dựng Hình 13. Ý kiến về cải tạo bến thuyền 6. KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP QUY HOẠCH, TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 6.1. Các căn cứ pháp lý và định hướng quy hoạch Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo quyết định số 649/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 05 năm 2014 nêu rõ [4]: “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; xây dựng thành phố 103
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia có cơ cấu tổ chức không gian quy hoạch hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển Huế thành một trong 6 đô thị cấp Quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách là “thành phố festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”. Định hướng quy hoạch không gian dọc hai bên bờ sông Hương theo Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương cũng nêu rõ [5]: “Khu vực từ Kim Long tới Bao Vinh: Là khu vực phát triển kết hợp bảo tồn tôn tạo, giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực Kinh thành Huế. Khu vực từ Bao Vinh tới của biển Thuận An là không gian sinh thái nông nghiệp, làng xóm ven sông, đầm phá, cửa biển. Hình thành phát triển các khu du lịch tắm biển, sinh thái đầm phá, các khu ẩm thực, vui chơi mặt nước, tổ chức khu dịch vụ phía Tây cảng Thuận An. Đối với các khu phố truyền thống (Bao Vinh, Kim Long, Gia Hội...) với những công trình nhà cổ, nhà vườn, trong quá trình tu sửa, cần bảo tồn, giữ gìn nguyên cấu trúc truyền thống”. Quyết định số 961/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) phường Hương Vinh, thành phố Huế có nêu [6]: “Không gian ven sông chủ yếu là hệ thống công viên cây xanh, đường dạo kết hợp các công trình kiến trúc được khống chế chiều cao bảo đảm sự hài hòa chung; bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Bao Vinh”. Căn cứ vào các định hướng trong các văn bản của tỉnh, thành phố và kết quả phỏng vấn người dân và du khách ở tuyến phố Bao Vinh, tác giả đề xuất giải pháp cho việc quy hoạch, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan ở khu phố Bao Vinh như sau: 6.2. Giải pháp về quy hoạch cảnh quan Hình 14. Giải pháp cải tạo bến thuyền và đường đi bộ dọc bờ sông. Nguồn: [9] 104
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) Nhiều công trình trên tuyến phố Bao Vinh, đặc biệt là các công trình có niên đại cao đã và đang xuống cấp, không đảm bảo về kết cấu, đặc biệt các công trình tại phía bờ sông có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Đồng thời với nguyện vọng của đa số người dân mong muốn nâng cao không gian sống tạo thêm các điểm xanh, bố trí các điểm giữ xe công cộng, nâng cao tiện ích hạ tầng đô thị, bố trí vỉa hè và trồng thêm cây xanh,…Vì vậy phương án đề xuất là giải tỏa một số công trình ở phía bờ sông để đảm bảo về trật tự xây dựng và an toàn cho công trình ven sông. Mở rộng và xây dựng đường đi bộ bằng gỗ và kè đảm bảo không bị sạt lở phía bờ sông (hình 14). Theo khảo sát thì 100% người phỏng vấn đồng ý nâng cấp bến thuyền nhằm khôi phục nét văn hóa xưa về bến cảng Thanh Hà và tạo thuận tiện trong giao thông đường thủy; đồng thời tạo điểm nhấn văn hóa của khu vực phố cổ Bao Vinh làm mũi nhọn thu hút khách du lịch nhằm nâng cao đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực. 90% người được phỏng vấn mong muốn xây dựng tuyến phố Bao Vinh là tuyến phố đi bộ và đây cũng là định hướng phát triển tuyến phố Bao Vinh của các cơ quan quản lý. Vì vậy, cần thiết quy hoạch xây dựng tuyến phố Bao Vinh thành tuyến phố đi bộ thu hút khách du lịch bằng các chương trình văn hóa, đêm nhạc, sự kiện ẩm thực, và giới thiệu các làng nghề truyền thống. Cần cải tạo lại mặt tiền chợ Bao Vinh, sử dụng vật liệu truyền thống, nâng chiều cao không gian bên trong chợ, cũng như tổ chức lại các gian hàng, tạo điểm thu hút để khách du lịch đến thưởng lãm và mua sắm hàng hóa (hình 15). Cần có các chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu các công trình cổ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị, tạo điều kiện cho người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của nhà cổ, phát huy có hiệu quả kinh tế của di sản. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ các nhà cổ về thuế kinh doanh dịch vụ, vay vốn cải tạo nhà cổ. Hình 15. Giải pháp cải tạo chợ Bao Vinh. Nguồn: tác giả 105
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia 6.3. Giải pháp thiết kế công trình kiến trúc Hình 16. Giải pháp chỉnh trang phố cổ Bao Vinh thành tuyến phố đi bộ. Nguồn: [9] Như đã phân tích kết quả khảo sát, hình thức và chất liệu mặt tiền các công trình kiến trúc ở tuyến phố tương đối lộn xộn. Một số công trình nhà ở đã xuống cấp, tạm bợ và tương đối nhếch nhác. Giải pháp kiến nghị đó là giữ nguyên chiều cao của các công trình hiện có, phá bỏ các công trình đã quá xuống cấp có hình thức kiến trúc rối rắm, màu sắc không đồng bộ, nhất là các nhà ở phía bờ sông. Để có tính thẩm mỹ, đồng bộ, hình thức kiến trúc nhà ở trục đường nên có gam màu tương đối đồng nhất, sử dụng vật liệu địa phương, lam che nắng và đón gió nên sử dụng hoa văn, hoạ tiết truyền thống. Chiều cao tầng 1 nên từ 3,6 m - 3,9 m, các tầng trên từ 3,3 m - 3,6 m, ban công được phép đua ra tối đa 0,9 m. Mái dốc, lợp ngói địa phương như ngói liệt, âm dương. Nhà 1 tầng sử dụng kinh doanh nên có bảng hiệu thống nhất, có thể đặt ngay trên phía trước rìa mái, chiều cao tối đa 1,1 m. Nhà 2 tầng có thể thụt tầng 2 vào khoảng 1,1 m để tạo tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Đầu hồi có thể đua ra tối đa 0,5 m (hình 16). 6.4. Giải pháp về hạ tầng kỹ thuật Hiện trạng biển báo tại khu vực đã cũ và mờ. Vì vậy, cần sửa chữa hoặc làm mới để đảm bảo cho lưu thông của các phương tiện. Để giảm tải lưu lượng phương tiện qua tuyến phố cần bổ sung thêm biển cấm đối với xe ô tô có trọng tải trên 3,5 tấn nhằm hạn chế các xe lớn đi vào trục đường gây ùn tắc giao thông. Đồng thời mở rộng lòng đường và bố trí thêm các bãi giữ xe công cộng; cắm biển cấm dừng, đỗ xe trên tuyến đường. Hiện nay, hệ thống thoát nước tuyến phố Bao Vinh chưa được xây dựng. Nước thải trong dân cư xả trực tiếp ra môi trường, nước mưa theo địa hình tự nhiên thoát xuống vào sông Hương. Việc thoát nước như vậy sẽ không đảm bảo, cũng như gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc xây dựng mới hệ thống thoát nước dưới lòng đường gồm hệ thống cống thoát nước, hố ga, họng thu đảm bảo thoát nước trong những ngày mưa lớn là rất cần thiết, đặc biệt đối với Huế là vùng có lượng mưa trung bình năm thuộc loại lớn nhất trong cả nước. Hiện trạng hệ thống cột và dây điện chiếu sáng còn lộn xộn, dễ dẫn đến tình trạng chập cháy nổ, gây nguy hiểm và gây mất mỹ quan khu vực. Vì vậy, cần có giải pháp bố trí hệ thống điện chiếu sáng một cách khoa học, đồng bộ, đảm bảo chiếu sáng trên toàn tuyến. Hệ thống dây điện và cáp viễn thông chạy ngầm 106
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) theo các hố ga trên vỉa hè đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh xảy ra cháy nổ. 6.5. Giải pháp về quản lý Công tác quản lý đô thị đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, và kiến trúc cảnh quan đô thị. Cần chú trọng và giám sát nghiêm túc và liên tục về xây dựng cải tạo các công trình kiến trúc trên trục đường. Các công trình tại đây khi xây dựng cần tuân thủ các quy định và không có trường hợp ngoại lệ trong xây dựng trái phép hoặc không đúng theo quy định. Khi đó, kiến trúc cả tuyến đường mới đảm bảo sự đồng bộ và có tính thẩm mỹ cao đồng thời giữ nguyên được dáng vẻ của trục phố cổ, hình dáng và diện tích của các ngôi nhà cổ hiện có. Vì đây là tuyến đường rất đặc biệt trong khu vực và định hướng xây dựng tuyến phố đi bộ trong tương lai nên cần có Ban quản lý xây dựng, môi trường, đô thị riêng của tuyến đường này do chính người dân lập nên. Ban quản lý này có trách nhiệm đại diện người dân địa phương trong giữ gìn môi trường, đảm bảo kiến trúc cảnh quan dọc tuyến đường, có tiếng nói phản ánh, đề nghị, đề xuất lên chính quyền khi có sự việc, hoạt động, sự kiện,…diễn ra tại đây. Trong khi đó, người dân cần tuân thủ pháp luật, điều lệ, quy chế riêng tại khu vực và tuyến đường. Đồng thời người dân và khách du lịch cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kiến trúc đô thị tại đây. Cần sớm triển khai và thông qua Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 phường Hương Vinh, thành phố Huế để đồng bộ trong việc triển khai phát triển đô thị, đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị mới trong tương lai. Chính quyền địa phương kết hợp với cộng đồng cần tổ chức các hội thảo, tập huấn, hoạt động cộng đồng nhằm giúp người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong xây dựng và cải tạo nhà ở trên tuyến phố. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách và tổ trưởng tổ dân phố nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, có trách nhiệm trong đốc thúc, nhắc nhở người dân về ý thức đô thị. Cần có các chính sách huy động vốn, huy động tất cả các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tối đa cảnh quan ven sông trên tuyến phố Bao Vinh. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các nhà đầu tư, mở rộng các loại hình kinh doanh, tạo các nguồn thu từ du lịch, thương mại, dịch vụ từ tiềm năng cảnh quan khu vực mang lại. Cần có chỉ tiêu và kế hoạch cụ thể trong công việc chỉnh trang đô thị, môi trường ven sông, cải tạo nâng cấp các hạng mục đã nghiên cứu và đề xuất. 7. KẾT LUẬN Luật Di sản Văn hóa Việt Nam ban hành năm 2001, tại điều 8 quy định: “Các di sản văn hóa có xuất xứ trong nước hoặc nước ngoài đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị” [8]. Phố cổ Bao Vinh có những giá trị và ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa, cảnh quan với những chuỗi hoạt động đã hình thành hệ thống di tích kiến trúc như phố - chợ - cảng - cầu cống - bến 107
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia đò. Đây cũng là một nguồn “tư liệu sống” cho các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu và biết thêm về một phần giá trị kiến trúc và văn hóa của Huế. Hiện nay, khu phố cổ đang phải gồng mình trước nguy cơ bị xóa sổ do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang diễn ra trong lòng khu phố, sự thay đổi trong lối sống, trong nhận thức của cộng đồng, cũng như sự chậm trễ trong công tác chỉnh trang và bảo tồn đang làm cho khu phố mất dần các giá trị về mặt kiến trúc cũng như văn hóa vốn có. Vì vậy, bảo tồn thích ứng, phục hồi “cái hồn” Bao Vinh trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết. Hơn bao giờ hết, đô thị cổ mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc như phố cổ Bao Vinh đang rất cần sự quan tâm đúng mức để giữ gìn và phát huy các giá trị kiến trúc và văn hoá truyền thống của dân tộc cho các thế hệ mai sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nguyễn Mạnh Tuấn (2023), “Cải tạo, chỉnh trang tuyến phố Bao Vinh theo định hướng quy hoạch thành phố Huế giai đoạn 2025-2035”, Luận văn Thạc sĩ, Chuyên ngành Kiến trúc; Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. [2]. KOICA (2014), Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thuyết minh tổng hợp. [3]. Đinh Thị Thanh Mai (2009), Kiến trúc cổ khu vực Thanh Hà – Bao Vinh, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế: Lịch sử-Văn hoá Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài, Trung tâm Tương tác Văn hoá, ĐH Kansai, Nhật Bản và Khoa Sử, ĐHKH, ĐH Huế. [4]. Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. [5]. Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương. [6]. Quyết định số 961/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) phường Hương Vinh, TP. Huế. [7]. Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 28/10/2003 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy hoạch xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh. [8]. Quốc Hội (2001), Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001. [9]. Nguyễn Trần Xuân Tuệ (2019), “Hồi sinh phố cổ Bao Vinh”, Thuyết minh Đồ án tốt nghiệp Kiến trúc sư Khóa 2014 – 2019, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. [10]. Tiêu Dao – Nhuận Mẫn (2022), https://giacngo.vn/bao-vinh-mien-co-tich-cua-mot-thoi- thuong-cang-post62265.html. [11]. Thanh Lê (2015), https://vietnamnet.vn/thuong-cang-chuyen-vu-khi-nguyen-lieu-lam-tien- 222864.html. 108
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) CONSERVING AND GENTRIFYING BAO VINH ANCIENT QUARTER ACCORDING TO THE ORIENTATION PLANNING OF HUE CITY TO BECOME A NATIONAL HERITAGE CITY Truong Hoang Phuong1*, Nguyen Manh Tuan2 1 Faculty of Architecture, University of Sciences, Hue University 2 Urban Management Department, Hue city *Email: hoangphuongkts@husc.edu.vn ABSTRACT Bao Vinh ancient quarter was once a port town in the Thanh Ha port chain, where many unique architectural works existed in Chinese - Indian - Vietnamese architectural style. However, the ancient buildings here are increasingly degraded or lost because they have not been exploited and used effectively, and preserving and renovating them is difficult due to high maintenance costs. It is hard to find suitable replacement materials. The article focuses on identifying the architectural characteristics and changes of the ancient quarter in the current period, as well as proposing solutions to preserve and embellish the architectural space and landscape of the quarter from the perspective of continuing the traditional values, creating the breath of the times, and improving the quality of local people's lives in the direction of building Hue into a typical heritage city of Vietnam. Keywords: preserving and renovating, buildings, ancient quarter. 109
- Bảo tồn, chỉnh trang phố cổ Bao Vinh theo định hướng quy hoạch huế thành đô thị di sản quốc gia Trương Hoàng Phương sinh ngày 26/06/1977 tại Hà Nội. Năm 2000, ông tốt nghiệp kiến trúc sư tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 2006, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành "Thiết kế đô thị với Di sản và Phát triển bền vững", hợp tác giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc Toulouse, Pháp. Năm 2015, ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc môi trường tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản. Hiện nay, ông là giảng viên tại Khoa Kiến trúc, Trường Đại học khoa học, Đại học Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Bảo tồn di sản, Kiến trúc bản địa Nguyễn Mạnh Tuấn sinh ngày 24/04/1990 tại Nghệ An. Ông tốt nghiệp kỹ sư Quản lý Đô thị tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khóa 2008- 2013 và tốt nghiệp thạc sỹ kiến trúc tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2023. Từ năm 2014 đến nay, ông công tác tại Phòng Quản lý Đô thị thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lĩnh vực công tác và nghiên cứu: Quản lý đô thị 110
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn