intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này tập trung phân tích các bài học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị từ các nước phát triển. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thứ cấp; dựa trên kết quả nghiên cứu, đưa ra một vài kiến nghị cho nhiệm vụ này tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KIẾN TRÚC VÀ ĐÔ THỊ, BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ PHÁP VÀ NHẬT BẢN Nguyễn Hoài Vũ*, Võ Phan Hoàng Trang, Lê Minh Hưng Khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Việt Đức *Email: vu.nh@vgu.edu.vn Ngày nhận bài: 21/4/2024; ngày hoàn thành phản biện: 10/6/2024; ngày duyệt đăng: 24/7/2024 TÓM TẮT Từ khóa di sản trong di sản kiến trúc và đô thị, vốn dĩ đã thể hiện vai trò quan trọng của mình. Từ cổ chí kim, muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, hay văn minh của một khu vực, một quốc gia, việc nghiên cứu các di tích kiến trúc và đô thị là việc làm không thể bỏ qua. Trong bối cảnh phát triển đô thị hiện nay, một số khu vực, với làn sóng phát triển kinh tế và nhập cư, đã vô tình chạy theo xu hướng toàn cầu hóa mà bỏ quên đi những giá trị cốt lõi, hay bản sắc của chính mình. Các di sản kiến trúc tại địa phương đó không được quan tâm đúng cách, dẫn đến xuống cấp theo thời gian, hoặc bị xâm phạm và có nguy cơ bị phá hủy. Tuy nhiên, vẫn có những khu vực lại làm rất tốt công việc bảo tồn, không những thế, còn thúc đẩy sự phát triển bền vững dựa trên các thế mạnh giá trị mà di sản mang lại. Theo đó, báo cáo này tập trung phân tích các bài học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị từ các nước phát triển. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thứ cấp; dựa trên kết quả nghiên cứu, đưa ra một vài kiến nghị cho nhiệm vụ này tại Việt Nam. Từ khóa: Di sản, đô thị, đô thị di sản, kiến trúc, phát triển bền vững, quốc tế. 1. MỞ ĐẦU Một khu vực có thể được diễn giải như một sự liên tục trong thời gian và không gian thông qua các di sản kiến trúc và đô thị. Bản sắc và các thuộc tính địa phương được hình thành và nuôi dưỡng bởi vô số nhóm dân cư và hoạt động khai thác thiên nhiên. Do đó, di sản chính là nguồn lực gắn kết xã hội, tạo ra đa dạng văn hóa và là động lực để duy trì, tái tạo, đổi mới và phát triển đô thị [1]. Vấn đề giữ cân bằng giữa bảo tồn và phát triển giá trị di sản không bao giờ là việc dễ dàng vì luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, thách thức về thay 29
  2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản đổi kết cấu khu vực di sản do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, các di tích kiến trúc và môi trường di sản có rủi ro bị xâm hại, biến dạng, thay thế, hoặc mất dần đi bản sắc vốn có, do sự phát triển của các hạ tầng kỹ thuật như giao thông, bến bãi, và các dự án khai thác khác. Ngoài ra, còn có thách thức về sự thay đổi tiêu cực lên tính xác thực của bản sắc địa phương do tăng trưởng kinh tế- xã hội và biến động dân số. Thêm nữa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng lớn lên hệ thống di sản thiên nhiên hiện hữu [2]. Bài viết này nhằm mục tiêu tìm hiểu các chiến lược đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển các giá trị di sản kiến trúc và đô thị trong bối cảnh phát triển bền vững. Qua đó, bài viết sẽ trả lời các câu hỏi: (i) Di sản kiến trúc và đô thị hàm chứa những ý nghĩa nào? (ii) Các khía cạnh phát triển bền vững nào cần được quan tâm khi hoạch định chiến lược bảo tồn và phát triển đô thị di sản? Và (iii) Kinh nghiệm quốc tế trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển như thế nào? 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thứ cấp làm chủ đạo. Các câu hỏi nghiên cứu được giải quyết thông qua phân tích các tài liệu thứ cấp từ các nguồn là sách chuyên ngành, bài báo khoa học, tạp chí khoa học, thuyết minh quy hoạch thành phố, và các trang điện tử chuyên môn. Từ việc phân tích các khái niệm, định nghĩa và nghiên cứu điển hình (case studies), tổng kết những bài học từ kinh ghiệm quốc tế và đề xuất kiến nghị cho Việt Nam (xem hình dưới). Hình 1. Khung nghiên cứu (Research framework) (Nhóm tác giả) 30
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) 3. TỔNG QUAN LÝ THUYẾT Di sản, theo UNESCO, là “di sản của chúng ta từ quá khứ, những gì chúng ta đang sống cùng hôm nay, và những gì chúng ta truyền lại cho các thế hệ tương lai”1. Theo định nghĩa này, có thể thấy rằng khái niệm di sản không hề bị giới hạn theo thời gian hay dạng vật chất [3]. Di sản bao hàm cả di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, và di sản thiên nhiên [4]. Như vậy, khi nói đến di sản kiến trúc và đô thị tức là đã bao gồm tất cả các phân loại trên. Chẳng hạn, di sản kiến trúc không chỉ là công trình hoặc nhóm các công trình hữu hình, mà còn chứa đựng các cảm quan không gian do chính công trình tạo ra, được công nhận từ sự gắn kết giữa các giá trị khảo cổ, kiến trúc, xây dựng, lịch sử, văn hóa xã hội, và thẩm mỹ; tương tự vậy, di sản đô thị cũng bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo [2]. Thông thường, di sản đô thị được phân vùng (lịch sử) và phân lớp (giá trị văn hóa và tự nhiên) rất cụ thể, như các lớp địa hình, môi trường xây dựng và hạ tầng, cơ cấu sử dụng đất, không gian công cộng, cảnh quan, mảng xanh, cũng như lớp văn hóa phi vật thể và bản sắc địa phương. Xét riêng về từ khóa đô thị di sản, Roders và Oers (2011) cho rằng chưa có bất kỳ định nghĩa toàn diện nào được đưa ra bởi UNESCO, Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS2), và Tổ chức các Thành phố Di sản Thế giới (OWHC3), cũng như chưa có hạng mục “Thành phố Di sản Thế giới” nào được công nhận chính thức theo Công ước Di sản Thế giới [5]. Như vậy, trong phạm vi bài viết này, khái niệm đô thị di sản sẽ lấy theo định nghĩa của Giáo sư Hoàng Đạo Kính (2011), nghĩa là “một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy” [6]; khái niệm này chứa đựng đầy đủ các thuộc tính vật chất, phi vật thể, và di sản thiên nhiên. Bảo tồn di sản phải song hành cùng phát triển, nói cách khác là phải đảm bảo sự cân bằng giao thoa giữa giá trị cũ và mới; chẳng hạn, không vì quy hoạch mới mà bỏ qua những giá trị hiện hữu, hoặc không để các giá trị hiện hữu ấy làm cản trở sự phát triển. Cần nhìn nhận rằng, di sản kiến trúc và đô thị không phải là những chủ thể tĩnh [1]. Chúng luôn được định hình bởi các yếu tố nội tại và ngoại lai như động lực 1Heritage is our legacy from the past, what we live with today, and what we pass on to future generations – UNESCO. 2 ICOMOS: International Council on Monuments and Sites. 3 OWHC: Organization of World Heritage Cities. 31
  4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản phát triển kinh tế - hạ tầng, giao lưu văn hóa xã hội, và củng cố môi trường sống (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng). Như vậy, trong bối cảnh phát triển bền vững hiện đang là sứ mệnh của phát triển đương đại, bảo tồn và phát triển các giá trị di sản phải được nhìn nhận đầy đủ trên cả ba phương diện xã hội, kinh tế, và môi trường. Củng cố luận điểm này, tổ chức UNESCO đã và đang triển khai hỗ trợ các thành phố phát triển đô thị tích hợp với các yếu tố văn hóa xã hội, kinh tế, và môi trường. Tùy vào tình hình của từng địa phương mà có các phương cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên, điểm chung là không để mối liên kết giữa di sản và môi trường đô thị, kinh tế, đa dạng văn hóa, bản sắc cộng đồng xảy ra xung đột [1]. Cụ thể, về mặt xã hội, chính quá trình văn hóa, lối sống, và các thuộc tính địa phương, đã hình thành và nuôi dưỡng nên những bản sắc độc đáo của đô thị. Trong suốt quá trình phát triển đô thị cả về không gian lẫn thời gian, các mô hình xã hội không ngừng vận động và giao thoa với nhau; vì vậy, tùy hoàn cảnh cụ thể mà có chiến lược duy trì, hồi sinh, hoặc tiếp tục phát triển các mô hình xã hội này [7]. Về mặt kinh tế, tận dụng tốt các giá trị di sản kiến trúc và đô thị có thể đem lại nguồn lợi đáng kể cho việc phát triển kinh tế địa phương và ngành du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng đem lại những ảnh hưởng tiêu cực lên kết cấu đô thị, như sự biến dạng về mặt vật lý. Nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi về mật độ dân số, áp lực mở rộng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, việc du nhập các phong cách kiến trúc không tương thích, hay sự đào thải dành cho các khu vực dễ bị tổn thương. Mặt khác, ngân sách bảo tồn của thành phố lại có thể được đóng góp từ kinh tế du lịch. [5] Về khía cạnh môi trường, Rodwell (2007) cho rằng bảo tồn và bền vững là hai khái niệm thường được sử dụng thay thế nhau để diễn giải việc quản lý di sản thiên nhiên. Việc quản lý này bao gồm hai chiến lược: thứ nhất, đảm bảo sự hòa hợp giữa môi trường thiên nhiên và môi trường con người; thứ hai, không ngừng nâng cao chất lượng của chúng. Bảo tồn kiến trúc và đô thị đóng vai trò đáng kể vào phát triển môi trường bền vững; trong đó, bảo tồn kiến trúc bao gồm khảo cổ - địa lý, quá trình lịch sử và văn hóa của phong cách, vật liệu và kỹ thuật xây dựng; bảo tồn đô thị mang tầng ý nghĩ thứ cấp gồm các yếu tố về cảnh quan, hình thái, thẩm mỹ và cách thức quản lý biến động qua các thời kỳ lịch sử [3]. Tóm lại, việc quản lý tốt giữa bảo tồn và phát triển các di sản kiến trúc và đô thị theo hướng phát triển bển vững sẽ nâng cao đáng kể khả năng sống của thành phố, thúc đẩy gắn kết văn hóa xã hội, phát triển kinh tế và bền vững tài nguyên thiên nhiên [1]. Phần tiếp theo sẽ phân tích hai nghiên cứu điển hình là thành phố Lyon ở Pháp và thành phố Nara ở Nhật Bản, để đúc kết ra những bài học kinh nghiệm về chiến lược bảo tồn và phát triển, cả trong phạm vi vùng lõi lịch sử, lẫn bối cảnh địa lý được mở rộng. 32
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) 4. NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH Để làm rõ các chiến lược cân bằng giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị trong bối cảnh phát triển bền vững, phần này sẽ tập trung phân tích hai nghiên cứu điển hình là thành phố Lyon ở Pháp và thành phố Nara ở Nhật Bản, vốn là những thành phố có nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn di sản. Lyon và Nara, một đại diện từ châu Âu, và một đại diện từ châu Á, đều là những thành phố có bề dày lịch sử, trải qua nhiều biến động, từ thời cổ đại đến đương đại, nhưng vẫn giữ được những giá trị nội tại từ vùng lõi di sản, đồng thời, vẫn đảm bảo phát triển mới cho các vùng đệm và vùng mở rộng, cả trên ba phương diện kinh tế, xã hội, và môi trường. 4.1. Thành phố Lyon, Pháp – bảo tồn di sản song song với phát triển hạ tầng xanh đô thị Nằm tại ngã ba sông Saône và sông Rhône, Lyon là một thành phố chứa đựng nhiều giá trị di sản về kiến trúc và đô thị của nước Pháp. Trung tâm lịch sử của thành phố ban đầu được hình thành trên cơ sở khu đô thị có hình thái kiến trúc La Mã từ giữa thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên và vẫn tiếp tục duy trì phạm vi lãnh thổ của nó tới thế kỉ 18, trước khi mở rộng vào thế kỉ 19 [8]. Trải qua hơn hai thiên niên kỷ phát triển đô thị, thành phố đã chứng kiến sự du nhập của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau như kiến trúc La Mã và Trung cổ tại khu vực đồi Fourviere (phía Tây), kiến trúc Phục Hưng ở Vieux-Lyon (phía Tây), và các công trình kiến trúc cổ điển khác tại Croix- Rousse (phía Bắc), gắn kết những cộng đồng dân cư có bản sắc văn hóa đặc trưng [9]. Sự mở rộng đô thị (urbanity) về phía Đông mà không xâm hại đến địa điểm di sản (sites) hiện hữu đã giúp Lyon bảo tồn gần như toàn vẹn tính xác thực (authenticity) vốn có. Mặt khác, việc định cư liên tục qua nhiều thế kỷ đã tạo ra sự giao thoa giữa nhiều hình thái kiến trúc và thiết kế đô thị [9]. Do đó, vào năm 1998, Lyon được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (ii)4 và (iv)5, và sau này, Lyon cũng trở thành thành viên của tổ chức OWHC. Mặc dù đã có định hướng đô thị hóa rõ ràng, Lyon vẫn phải đối mặt với những thách thức về việc phát triển hạ tầng và kết cấu đô thị (urban fabric). Cụ thể, việc mở rộng phạm vi đô thị từ trung tâm lịch sử, với sự phát triển dân số và hình thành các 4(ii): thể hiện sự giao thoa của các giá trị nhân loại trong một khoảng thời gian hoặc trong một khu vực văn hóa trên thế giới dựa trên sự phát triển về kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật, quy hoạch thị trấn hoặc thiết kế cảnh quan [18] (Dịch bởi nhóm tác giả). 5(iv): là một ví dụ nổi bật về một loại hình công trình, quần thể kiến trúc/ công nghệ/ cảnh quan, minh họa được một hoặc nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử loài người [18] (Dịch bởi nhóm tác giả). 33
  6. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản khu định cư mới, về cơ bản đã tạo nên mối đe dọa tới tính toàn vẹn của các khu di sản hiện hữu [9]. Mặt khác, nhiệt độ tại Lyon đã có xu hướng tăng từ giữa những năm 1980 do quá trình đô thị hóa gây ra hiệu ứng đảo nhiệt (urban heat island), và ngày càng đáng quan ngại hơn trước bối cảnh biến đổi khí hậu hiện tại [8]. Nhằm giải quyết các vấn đề trên, trong bản sửa đổi Quy hoạch chung Lyon năm 2019, thành phố đã xác định đặt các di sản thiên nhiên và văn hóa của mình làm trung tâm và sử dụng chúng như công cụ định hướng quy hoạch. Theo Dự án Quy hoạch và Phát triển Bền vững (PADD6) trong bản sửa đổi Quy hoạch nêu trên, Lyon đã thiết lập định hướng phát triển đô thị về lãnh thổ và về môi trường sống. Trong khi định hướng phát triển môi trường sống chủ yếu tập trung chuyên sâu vào các chiến lược quản lý nguồn cung nhà ở (cả hiện hữu lẫn phát triển mới), thì định hướng phát triển lãnh thổ lại tập trung vào giải quyết bốn thách thức mang nhiều yếu tố bao hàm hơn như: cơ cấu đô thị, bản sắc đô thị, kinh tế, và hạ tầng nhà ở [10] (xem Hình 2). Đô thị lịch sử là trung tâm Cơ cấu đô thị Chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng cho phát triển lan tỏa Bảo tồn bản sắc hiện hữu và tôn trọng sự giao thoa mới Bản sắc đô thị Định hướng phát Phát triển đô thị dễ tiếp cận và triển lãnh thổ nhiều không gian công cộng Kinh tế Xây dựng nền kinh tế đa dạng PADD Đảm bảo cân bằng giữa khu định cư hiện hữu và phát triển mới Hạ tầng nhà ở Phát triển định cư quanh giao thông công cộng Định hướng phát Chuyên sâu vào triển môi trường các chiến lược phát sống triển nhà ở Hình 2. Sơ đồ định hướng phát triển của dự án Quy hoạch và Phát triển bền vững (Nhóm tác giả) Để giải quyết bốn thách thức trên, thành phố đã đề xuất một số chiến lược xoay quanh trung tâm là vùng đô thị lịch sử, tạm chia thành ba hạng mục: (i) Khoanh vùng 6 PADD: Projet d'Aménagement et de Développement Durables. 34
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) bảo tồn, (ii) Nghiên cứu kiến trúc di sản hiện hữu để phát triển hình thái đô thị, và (iii) Phát triển hạ tầng xanh. Thứ nhất, hạng mục Khoanh vùng bảo tồn nhằm mục đích bảo vệ và tôn vinh các giá trị di sản kiến trúc, đô thị, và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực di sản được UNESCO ghi danh, bảo tồn tính xác thực của khu vực này trước làn sóng đô thị hóa. Ngoài ra, xung quanh chu vi của khu di tích lịch sử còn mở rộng thêm vành đai là vùng đệm – khu vực giao thoa giữa cũ và mới, tại đây khuyến khích việc tìm hiểu bản sắc mới được hình thành nhờ sự đô thị hóa ra khỏi khu vực lịch sử và ngược lại, hình thành nhờ sự thu hút của hạ tầng vốn ở của vùng lõi (xem Hình 3). Hai vành đai nhạy cảm này chính là công cụ giữ sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển của thành phố khi mở rộng đô thị. Hình 3. Khoanh vùng vùng lõi di sản và vùng đệm [11] Thứ hai, hạng mục Nghiên cứu kiến trúc di sản hiện hữu để phát triển hình thái đô thị, về mặt không gian, hàm chứa tất cả các khía cạnh kiến trúc, cảnh quan (đô thị), và cảm quan, về mặt thời gian, đó là minh chứng của cả một chặng đường phát triển lịch sử. Dựa trên phân tích hình thái các di sản kiến trúc, đô thị cũng như chất lượng cảnh quan, thành phố đã có những chiến lược phân bổ mật độ không gian phù hợp với từng khu vực theo nhu cầu mở rộng tương ứng. Ngoài ra, tập bản đồ lịch sử (historic atlas) cũng được phát triển, đây là công cụ phân tích chi tiết các thuộc tính cảnh quan lịch sử của đô thị, rất cần thiết cho cấp quản lý để hoạch định những chiến lược phù hợp, đồng thời cũng giúp nâng cao kiến thức và nhận thức của cư dân trong việc bảo vệ di sản. 35
  8. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản Thứ ba, hạng mục Phát triển hạ tầng xanh chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của thành phố. Cảnh quan thiên nhiên của Lyon có tiềm năng nội tại rất lớn để phát triển hạ tầng xanh: một mặt, là nơi hợp lưu của hai con sông; mặt khác, là nơi hội tụ nhiều mảng xanh lớn như cảnh quan đồi và những công viên lớn. Thực tế từ nửa sau thế kỉ 19, thành phố đã rất quan tâm đến việc phát triển không gian xanh song song với phát triển đô thị. Việc phát triển hạ tầng xanh không chỉ giúp kiểm soát mật độ kết cấu đô thị và phân bổ dân số, vốn dĩ ảnh hưởng trực tiếp lên việc bảo tồn tính xác thực của các vùng lõi, mà còn góp phần làm giảm hiện tượng đảo nhiệt và nâng cao chỉ số đáng sống của thành phố, hướng tới phát triển bển vững. Hình 4 minh họa bản đồ quy hoạch mạng lưới xanh của thành phố. Qua đó cho thấy ‘bán kính ảnh hưởng bởi mảng xanh hiện hữu” chiếm tỉ lệ rất cao, nếu tính luôn cả những mảng xanh dự kiến phát triển thêm và các hành lang kết nối xanh, thì độ ảnh hưởng có thể rộng khắp toàn thành phố. Hình 4. Bản đồ quy hoạch mạng lưới xanh [10] 36
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) 4.2. Thành phố Nara – Di sản thúc đẩy sự gắn kết xã hội Nara, nằm về phía Tây Nam của Osaka và Kyoto, là thành phố nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa của Nhật Bản. Thành phố này là trung tâm của tỉnh Nara, một trong những tỉnh cổ nhất của Nhật Bản, trước đây là khu tự trị địa lý ở bán đảo Kii, từng được biết đến với tên gọi Yamato. Sự quan trọng lịch sử của Nara được thể hiện rõ nhất thông qua việc xây dựng Bình Thành Kinh (Heijokyo) vào năm 710. Đây là cố đô lớn đầu tiên của Nhật Bản, mô phỏng theo sự hùng vĩ của Cung điện Trường An thời nhà Đường tại Trung Quốc. Vùng đất Yamato và nền văn hóa Yamato có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong quá khứ của Nhật Bản [12]. Tuy nhiên, sự không ổn định chính trị và các yếu tố tôn giáo đã dẫn đến việc dời dô nhiều lần. Mặc dù gặp phải những thách thức này, cố đô Nara vẫn là một biểu tượng quan trọng về văn hóa và kiến trúc trước khi được dời đô đến Nagaoka vào thế kỷ thứ tám [13]. Cố đô Bình Thành Kinh (Heijokyo), hay còn được biết đến là Di tích Cung điện Nara, là một biểu tượng của sự gắn kết với di sản kiến trúc của Nhật Bản. Qua những nỗ lực bảo tồn và phục chế đáng kể, nơi này đã đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và kế thừa di sản văn hóa cho thế hệ sau. Đặc biệt, vào tháng 12 năm 1998, UNESCO đã ghi danh một số khu vực và công trình kiến trúc lịch sử của Nara là di sản văn hóa thế giới. Sự công nhận này không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về giá trị văn hóa và kiến trúc của Nara mà còn là sự cam kết vững chắc của chính phủ Nhật Bản trong việc bảo tồn và quảng bá di sản này cho thế hệ sau. Tất cả những nỗ lực này đều phản ánh rõ trong Tài liệu Nara, tài liệu quan trọng định hình chiến lược và hướng dẫn các hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của thành phố [14]. Trong chiến lược quy hoạch Nara, thành phố đã tạo ra một trục đường chính mới, đó là trung tâm điều khiển của giao thông và lưu lượng du lịch, có khả năng phục vụ đến 400 nghìn du khách và phân bố chúng đến các địa điểm trên mặt bằng của Nara và Heijo. Khu vực này là nơi tập trung các cơ sở quan trọng như nhà ga tổng hợp, khu vực lưu trú/nghỉ ngơi, cửa hàng, xưởng sản xuất công nghiệp truyền thống, cơ quan chính phủ và đô thị, tạo thành trung tâm chức năng của thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực này không chỉ tạo ra sự vận động đô thị mà còn đem lại sức sống mới cho thành phố Nara. Bên cạnh đó, các bãi đậu xe có kích thước trung bình đã được phân bố ở ngoại ô khu vực đô thị, và được phục vụ bởi hệ thống đường sắt hiệu quả. Hệ thống này không chỉ đưa mọi người vào trung tâm hoặc trục chính của thành phố mà còn phân phối đến khắp các khu vực lân cận [15] (xem Hình 5). 37
  10. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản Hình 5. Các trục tuyến đề xuất trong Mặt bằng qui hoạch Nara [15] Như vậy, thành phố Nara đã tiến hành một phương pháp toàn diện để bảo tồn các Di sản Thế giới của mình, vượt xa khỏi các yêu cầu an toàn của UNESCO. Bên cạnh các khu vực an toàn này, thành phố đã giới thiệu một sáng kiến khu vực hòa hợp phụ trợ, nhằm bảo vệ các khu vực lịch sử quý giá bằng cách điền vào những khoảng trống giữa các khu vực an toàn, tạo ra một vùng môi trường được bảo vệ rộng lớn (xem Hình 6). Điều này thể hiện một cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc của thành phố Nara. Phương pháp đổi mới này không chỉ nâng cao sức bền của các di sản thế giới trước các mối đe dọa tiềm ẩn mà còn tạo điều kiện kết nối sinh thái và bảo toàn đa dạng sinh học lớn hơn. Sự hiểu biết toàn diện của thành phố về giá trị bản chất của di sản văn hóa và tự nhiên của mình, được phản ánh rõ ràng trong các nỗ lực nuôi dưỡng các mối quan hệ hòa hợp giữa các khu vực di sản, cảnh quan xung quanh và cộng đồng địa phương. Ngoài ra, việc phát triển công viên Nai Nara cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của thành phố. Công viên này không chỉ là một điểm đến thu hút khách du lịch mà còn là một biểu tượng của sự bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa của Nara. Bằng cách tạo ra một không gian xanh mát và yên bình, công viên Nai Nara tạo điều kiện cho du khách và cư dân địa phương thư giãn, thưởng ngoạn và tìm hiểu về văn hóa - lịch sử của thành phố. Việc thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm Nara không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn giúp duy trì và 38
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) truyền bá di sản văn hóa của Nara cũng như của Nhật Bản nói chung, đó là một phần quan trọng của sứ mệnh bảo tồn và phát triển của thành phố. [16] Hình 6. Bản đồ thể hiện mối liên hệ giữa vùng đệm di sản - vùng giao thoa và các công trình di sản đã được hoạch định tại Nara [17] 5. THẢO LUẬN Từ việc phân tích hai nghiên cứu điển hình là thành phố Lyon và Nara, có thể nhận ra được cả hai thành phố cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như đã đề cập ở phần Mở đầu. Tuy nhiên, Lyon và Nara đều đã làm rất tốt từ công tác chuẩn bị cho đến thực thi chiến lược, để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Trường hợp Lyon, có thể đúc kết ra ba bài học cụ thể. Thứ nhất, khoanh vùng lõi di sản và sử dụng vùng lõi như một hạt nhân thu hút sự mở rộng, giao lưu, mà vẫn giữ gìn các giá trị bản sắc. Thứ hai, nghiên cứu chuyên sâu các hình thái kiến trúc, đô thị, cảnh quan và các thuộc tính phi vật thể khác như bản sắc, văn hóa, cảm quan, tập quán của những di sản hiện hữu, tiếp tục gìn giữ và nâng cấp hạ tầng sẵn có nhằm củng cố tính xác thực, cũng như cung cấp nguồn tham khảo cho những phát triển mới. Thứ ba, tận dụng tiềm năng nội tại về di sản thiên nhiên để phát triển hạ tầng xanh, dùng hạ tầng xanh để kiểm soát không gian kết cấu đô thị. Trường hợp Nara đã thể hiện sự kiên trì và cam kết của Nhật Bản trong việc quản lý và phát triển di sản văn hóa. Quá trình này không chỉ là một công việc ngắn hạn mà là một nỗ lực liên tục và bền vững, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản 39
  12. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản cho tương lai. Ví dụ điển hình về việc phục dựng Cung Heijo chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi hoạt động bảo tồn di sản tại Nara. Kinh nghiệm từ Nara cho thấy, thứ nhất, việc tiếp tục nghiên cứu và quảng bá di sản không thể được thúc đẩy một cách vội vã và không kiểm soát, mà cần được thực hiện một cách cẩn thận và kiên nhẫn, nhằm đảm bảo tính xác thực và bền vững của di sản trong dài hạn, tránh tình trạng hỏng hóc và mất mát không cần thiết. Thứ hai, thu thập thông tin và cập nhật dữ liệu mới, đánh giá và lập bản vẽ, số hóa dữ liệu là các bước thiết yếu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản. 6. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Di sản kiến trúc và đô thị không chỉ là những chủ thể tĩnh (di tích, công trình, nhóm công trình…), mà còn bao gồm các khía cạnh phi vật thể (lịch sử, văn hóa, bản sắc, các thuộc tính địa phương…) và môi trường tự nhiên. Khi các thuộc tính này gắn kết với nhau từ một bối cảnh lịch sử hay nền văn minh, đô thị di sản được hình thành. Bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển bền vững là phải tích hợp đầy đủ các trụ cột xã hội, kinh tế, và môi trường. Lyon và Nara là hai trường hợp điển hình trong việc thực hiện các chiến lược bảo tồn tích hợp phát triển bền vững. Các bài học kinh nghiệm mà hai thành phố này để lại khá rõ nét, như tôn trọng và tận dụng tối đa tiềm năng nội tại ở vùng lõi di sản, kiểm soát và tiếp thu các giá trị mới tại vùng đệm, tiếp tục mở rộng đô thị định hướng phát triển hạ tầng xanh bền vững, tích hợp phát triển kinh tế du lịch và địa phương. Theo đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị chung cho công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam như sau: (i) Khảo sát chi tiết các khu vực lịch sử và môi trường xung quanh để xác định vùng lõi, vùng đệm, hướng liên kết và hướng mở rộng, với đầy đủ dữ liệu về kiến trúc, kỹ thuật, văn hóa-lịch sử, xã hội học, kinh tế, và môi trường; (ii) Nhận diện và phân tích kỹ lưỡng các cơ hội cũng như rủi ro để đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; (iii) Xây dựng kế hoạch hành động, bộ tiêu chuẩn, bản vẽ, tích hợp chiến lược phát triển kinh tế và môi trường bền vững; (iv) Kiểm soát sự hài hòa giữa kiến trúc đương đại và cảnh quan đô thị lịch sử. Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu thứ cấp về các chiến lược chung, do đó cần tìm hiểu thêm các công cụ và số liệu về tính hiệu quả của việc bảo tồn tích hợp phát triển bền vững. Đề xuất định hướng nghiên cứu tiếp theo về các đóng góp của giá trị di sản kiến trúc và đô thị lên chỉ số đáng sống của thành phố; các nghiên cứu này nên tập trung vào một khu vực nghiên cứu với số lượng mẫu cụ thể để thu thập thêm số liệu thực nghiệm, từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc quy chiếu đến những đô thị di sản thế giới có nét tương đồng, so sánh và đề xuất kiến nghị cho khu vực nghiên cứu. 40
  13. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. UNESCO (2013). "New life for historic cities - The historic urban landscape approach explained," UNESCO World Heritage Center, Paris. [2]. R. v. Oers (2010). "Managing cities and the historic urban landscape initiative - an introduction," in World Heritage papers 27 - Managing Historic Cities, Paris, UNESCO World Heritage Centre, pp. 7-17. [3]. D. Rodwell (2007). Conservation and Sustainability in Historic Cities, Singapore: Blackwell Publishing. [4]. Hoàng Đạo Kính (2012). Văn hóa kiến trúc, Hà Nội: NXB Tri Thức. [5]. A. P. Roders and R. v. Oers (2011). "World Heritage cities management," Emerald, vol. 29, no. 7/8, pp. 276-285. [6]. Hoàng Đạo Kính (2011). "Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối," Tạp chí Quy hoạch Đô thị, vol. 05. [7]. S. Bianca (2010). "Historic cities in the 21st century: core values for a globalizing world," in World Heritage papers 27 - Managing Historic Cities, vol. 27, Paris, UNESCO World Heritage Center, pp. 27-33. [8]. J. Hosagrahar, A. Zamarbide, C. M. Rodríguez, and F. Rudari (2022). "Integrating cultural and natural heritage values in urban development processes in Lyon (France)," UNESCO World Heritage Center. [9]. UNESCO (n.d.). "World Heritage List: Historic Site of Lyon," [Online]. Available: https://whc.unesco.org/en/list/872/. [Accessed 01 04 2024]. [10]. Agence d'Urbanisme de Lyon (2022). "Plan local d'urbanisme et de l'habitat - Lyon - Modification n°3, Approbation - 2022," Agence d'Urbanisme de Lyon, Lyon. [11]. UNESCO (2016). "Lyon, historic city, project city. Historic Site of Lyon," Éditions La passe du vent. [12]. Heritage of Japan (n.d.). "Nara capital built in the shadow of the Chinese empire & under the influences of the Silk Road," 25 01 2014. [Online]. Available: https://heritageofjapan.wordpress.com/6-nara-period-sees-the-nurturing-of-chinese- culture/in-the-shadow-of-the-chinese-empire/. [13]. V. A. Lê and T. K. N. Nguyễn (2023). "Conservation of the Nara Palace Site – World Cultural Heritage in Japan and Discussion on the so-called “Architectural Heritage DNA,” Preprints. [14]. J. Song (2016). "The three levels of authenticity in heritage conservation-based urban regeneration," Journal of Architecture and Planning (Transactions of AIJ), vol. 81, no. 727, pp. 1981-1990. [15]. F. Urushima and A. Yuri (2008). "Nishiyama Uzo and the Expo 70 'model core of a future city': genesis and meaning," Kyoto University, Kyoto. [16]. H. Torii and S. Tatsuzawa (2009). "Sika Deer in Nara Park: Unique Human-Wildlife Relations," Sika Deer. Springer, Tokyo, pp. 347-363. 41
  14. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản [17]. Nara City Tourism Association (n.d.). "Nara's World Heritage Sites," [Online]. Available: https://narashikanko.or.jp/en/feature/world- heritage/#:~:text=Nara's%20cultural%20heritage%20is%20closely,World%20Heritage%20Sit e%20it%20is. [18]. UNESCO (n.d.). "Criteria: The criteria for selection," [Online]. Available: https://whc.unesco.org/en/criteria/. [Accessed 01 04 2024]. Tham khảo thêm: Quốc hội (2013). Luật Di sản văn hóa - Số: 10/VBHN-VPQH, Hà Nội: Văn phòng Quốc hội. 42
  15. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) PRESERVING AND PROMOTING THE VALUE OF ARCHITECTURAL AND URBAN HERITAGE, LESSONS LEARNED FROM FRANCE AND JAPAN Nguyen Hoai Vu*, Vo Phan Hoang Trang, Le Minh Hung Faculty of Engineering, Vietnamese-German University (VGU) *Email: vu.nh@vgu.edu.vn ABSTRACT The keyword heritage in architectural and urban heritage inherently demonstrates its crucial role. From ancient times to the present, studying architectural and urban relics has been indispensable for understanding the history, culture, or civilization of a region or country. In the current context of urban development, some regions, with the wave of economic growth and immigration, have unintentionally followed the trend of globalization and forgotten their core values and identities. For instance, the architectural heritage in these regions has not received proper attention, leading to deterioration over time, encroachment, and at risk of destruction. In contrast, some regions excel in preservation efforts, not only protecting their heritage but also promoting sustainable development based on the valuable strengths that heritage contributes. This paper aims to analyze lessons on preserving and promoting the values of architectural and urban heritage from developed countries through the secondary research method. Based on the findings, recommendations will be proposed for this task in Vietnam. Keywords: Architecture, heritage, heritage cities, international, sustainable development, urban. 43
  16. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị, bài học kinh nghiệm từ Pháp và Nhật Bản Nguyễn Hoài Vũ Sinh ngày 18/07/1991 tại Đồng Nai. Ông tốt nghiệp Kiến trúc sư năm 2015 tại trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển Đô thị Bền vững năm 2022 tại Trường Đại học Việt Đức và trường Đại học Kỹ thuật Darmstadt, Đức. Ông công tác tại Ngành Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Việt Đức từ năm 2023. Lĩnh vực nghiên cứu: Kiến trúc bản địa, kiến trúc bền vững, đô thị bền vững Võ Phan Hoàng Trang Sinh ngày 31/03/1990 tại Quảng Nam. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh năm 2014 tại trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển Đô thị Bền vững năm 2023 tại Trường Đại học Việt Đức và trường Đại học Kỹ thuật Darmstadt, Đức. Bà công tác tại Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Việt Đức từ năm 2023. Lĩnh vực nghiên cứu: Phát triển đô thị bền vững Lê Minh Hưng Sinh ngày 30/06/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Kiến trúc, Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Anhalt, Đức. 44
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
45=>0