YOMEDIA
ADSENSE
Bảo tồn và sử dụng rau bản địa tại Việt Nam: Thực trạng, thách thức và khuyến nghị
169
lượt xem 13
download
lượt xem 13
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Trên cơ sở phân tích các thách thức, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần hạn chế sự mất mát về nguồn gen và đảm bảo việc bảo tồn và sử dụng bền vững rau bản địa vì sức khỏe và sinh kế của con người trong bối cảnh môi trường thay đổi.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bảo tồn và sử dụng rau bản địa tại Việt Nam: Thực trạng, thách thức và khuyến nghị
- BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG RAU BẢN ĐỊA TẠI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG, THÁCH THỨC VÀ KHUYẾN NGHỊ Nguyễn Thị Ngọc Huệ 1 Lã Tuấn Nghĩa 2 Hoàng Đình Phi 3 I. ĐẶT VẤN ĐỀ Trồng rau không chỉ tạo cơ hội việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho cộng đồng nông nghiệp, góp phần cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết đảm bảo sức khỏe và an ninh dinh dưỡng cho con người. Thật may mắn, các hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng của Việt Nam cho phép sản xuất cả các loài, giống rau nhiệt đới và rau ôn đới. Tính đến 2011, Việt Nam có 780.000 ha trồng rau, tạo ra 12,28 triệu tấn rau với năng suất trung bình là 16,0 tấn/ha[9]. Ngoài các loài rau chính là bắp cải, cà chua, su hào, dưa chuột, ớt, đậu cô ve và các loài rau ăn lá, còn có rất nhiều giống rau truyền thống và loài hoang dại, bán hoang dại được duy trì, canh tác và khai thác tự nhiên để sử dụng tại tất cả các vùng sinh thái nông nghiệp. Việt Nam có sự phong phú và đa dạng về tài nguyên rau bản địa, bao gồm rau truyền thống, rau rừng và rau hoang dại. Trong số hơn 800 loài cây trồng đang được sử dụng, có khoảng 94 loài rau đang được sản xuất theo mùa vụ và hàng trăm loài rau hoang dại được các cộng đồng dân cư ở vùng sâu vùng xa sử dụng làm thức ăn[6][3]. Ở Việt Nam việc canh tác các loài rau truyền thống, khai thác rau hoang dại chủ yếu do các hộ nông dân nhỏ lẻ thực hiện và chưa được định hướng thương mại trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loài rau bản địa đã và đang trở thành các đặc sản và có triển vọng thương mại thu lợi nhuận cao, như rau Sắng (Melientha suavis L.), rau Bò Khai (Erythropalum scandens Blume, rau cải Mèo (Brassica juncera L.), rau Báng (Ficus callosa Willd.), rau Chùm ngây (Moringa oleifera L), rau Rút ((Neptunia oleracea Lour.), dưa Mông( Cucumis sativus L).... Rau bản địa giàu dinh dưỡng, dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện sinh thái khắc nghiệt[1][5]. Vì vậy, chúng có thể trở thành các nguồn gen quý cho việc cải thiện gen của các giống rau trồng, đặc biệt là các loài, giống ở các vùng đang chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Tại các vùng nông thôn, đặc biệt miền núi, các địa phương hay bị bão lụt ở miền Trung, các giống rau truyền thống và rau hoang dại có giá trị không chỉ làm thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày mà còn là cây dược liệu quí bảo vệ sức khỏe, cung cấp chủ động, trực tiếp cho các địa phương kinh tế xã hội còn khó khăn. Mặc dù có giá trị như vậy nhưng tính đa dạng và độ phong phú của các loài rau này đang bị giảm sút bởi các tác động của môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng bảo tồn và sử dụng rau bản địa ở nước ta, từ đó xác định được một số thách thức chính và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại là rất cần thiết và hữu ích đối các tổ chức và cá nhân đang nỗ lực quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này vì sức khỏe và sinh kế của con người trong bối cảnh môi trường thay đổi. II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu: Thu thập và tổng hợp dữ liệu liên quan từ các đơn vị trong hệ thống bảo tồn tài nguyên thực vật quốc gia và từ các công trình liên quan; Phân tích hệ thống trên quan điểm đa ngành được vận dụng để phân tích, đánh giá hiện trạng bảo tồn và sử dụng tài nguyên rau bản địa, từ đó đưa ra một số thách thức và khuyến nghị. III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Giá trị và đa dạng sử dụng của rau bản địa ở Việt Nam Ngày nay, cùng với sự gia tăng về nhận thức và trình độ dân trí, nhu cầu tiêu thụ rau xanh, đặc biệt là rau an toàn, ngày càng gia tăng. Mặt khác, những thách thức về biến đổi bất thường của khí hậu, sự suy giảm độ phì của đất, sự khan hiếm của nguồn nước tưới và nguy cơ ngày càng cao của 1 Hội giống cây trồng Việt Nam 2 Trung tâm Tài nguyên Thực vật, VAAS 3 Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 1
- suy thoái môi trường do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học đòi hỏi phải tăng cường phát triển rau bản địa bao gồm các giống rau truyền thống, rau rừng, rau hoang dại có khả năng thích nghi cao, cần đầu tư ít về phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật lại rất đa dạng theo giống/ dạng, loài, mùa vụ, cách trồng và chế biến. [9]. Ưu thế của rau truyền thống, rau hoang dại là giàu vitamin, khoáng chất và protein, thích nghi với đất khô hạn, bạc màu, kháng sâu bệnh tốt, nên hạn chế được việc sử dụng hóa chất, và có thể trồng theo cả phương thức quảng canh và thâm canh. Hầu hết các nhà khoa học và các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng các loại thực phẩm từ thực vật tốt cho sức khoẻ con người, đặc biệt là các loại rau. Trong đó, các loại rau tự nhiên có nhiều dinh dưỡng hơn những loại rau cùng loài được trồng trong vườn nhà. Chúng thường có tỷ lệ các axit béo omega-3 cao hơn rất nhiều so với các loại rau trồng (Michael Polla, 2008)[5]. Những loại rau này có khả năng tự bảo vệ trước sâu bệnh mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của con người nên chúng là rau sạch-rau an toàn. Đối với đa số người Việt Nam, rau bản địa đã được người dân ở nông thôn khai thác sử dụng từ lâu đời. Trong cuộc sống thường nhật, rau bản địa có thể được sử dụng bằng nhiều cách như ăn sống, luộc, nấu canh, chiên hoặc trộn xalat. Chúng cũng có thể được muối chua hay đóng hộp. Rất nhiều loài hoang dại được sử dụng làm rau “dân dã’, rau đặc sản, rau gia vị và còn là những vị thuốc. Rau bản địa không chỉ có giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe, giá trị kinh tế cho người trồng mà còn có giá trị văn hóa. Chính vì vậy có một số cách tiếp cận với đa dạng sử dụng rau bản địa: Đa dạng sử dung theo dân tộc và văn hóa ẩm thực: Nước ta là nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mỗi dân tộc, họ thường cư trú trong một môi trường sinh thái nhất định, các dân tộc Kinh, Thái, Lào, Lự... sống ở các vùng thấp, còn các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá,... sống ở các vùng núi cao. Do vậy, mỗi dân tộc cũng có cách sử dụng các giống rau truyền thống, rau hoang dại khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc đó. Chẳng hạn, nhóm dân tộc Thái - Mường ở Tây Bắc thường đồ rau rừng lên, làm nộm. Họ còn có món canh đặc sản chế biến từ dọc khoai bông, cần rừng mọc ven suối và các loại măng rừng. Nhóm dân tộc Tày – Nùng ở Việt Bắc sử dụng măng rừng muối chua với hạt móc mật và ớt, rau ngót rừng nấu canh; rau bồ khai để xào, nấu canh; cây móc mật dùng ăn sống (lá non) hay làm gia vị xào rán (quả, lá bánh tẻ ). Trong khi nhóm dân tộc Cao Lan – Sán Chay ở Đông Bắc hay sử dụng các loại củ mài, củ mỡ nấu canh hay hấp cơm. Còn dân tộc H’mông ở vùng núi cao lại thường dùng hạt đậu răng ngựa, đậu mèo, cải mèo, bí đỏ nấu canh ăn với bánh bột ngô. Người Kinh ở khu vực miền trung sử dụng nhiều loại rau và gia vị như ớt, cà, cải cay, hoa chuối, đu đủ xanh, quả vả để chế biến nhiều món ăn lạ hấp dẫn. Trong khi người Kinh ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long lại sử dụng rất thường xuyên rau muống, rau ngót , giền, rau sam, mồng tơi, rau đay, rau càng cua, rau ngải cứu, các loại hoa thiên lý, hoa lục bình, hoa so đũa, hoa súng trong các bữa ăn[10]. Đa dạng sử dụng theo khu vực phân bố và canh tác: Sự khác nhau về sinh thái phân bố và canh tác của rau bản địa cũng là yếu tố dẫn đến sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Trong khi có nhiều loài rau bản địa phân bố và sinh trưởng ở khắp các vùng sinh thái địa lý, được canh tác và sử dụng phổ biến như rau muống, rau giền, rau má, mồng tơi, diếp cá, bầu bí, mướp…, một số loài, giống lại chỉ có thể sinh trưởng ở một số khu vực nhất định. Rau bầu đất chỉ mọc được ở vùng thấp đồng bằng; chỉ vùng cao có rau cải mèo, cải nương (Brassica juncea ) hoặc các loại măng (Bamboos multiplex) khai thác từ rừng; rau bò khai, rau sắng, rau dớn chỉ có ở khu vực núi đá vôi Bắc Bộ; Vùng ven biển có nhiều loài họ cà ( Solanum sp.) và Dọc mùng(Colocasia odora); Có nhóm rau chỉ sống dưới nước như rau ngổ, súng, rau rút (Neptunia eleracea Lour.); có nhóm rau sống nơi ẩm ven bãi sông, hồ, suối, ruộng nước như rau dệu (Alternanthera sessilis L.), cần trời; lại có nhóm rau sống dưới bóng râm trong rừng như rau tai voi(Clerodendrrum infortunantum L.), rau cánh gà (Strophioblachia fimbricalyx Boerl.)…Chính vì thế hiện nay nhiều loại rau rừng, rau hoang dại đã trở thành đặc sản của các vùng miền và có giá trị văn hóa ẩm thực cao. Đến Sa Pa người ta phải tìm thưởng thức món cải mèo (Brassica juncea L.) xào bò khô; đến Lạng Sơn, Cao bằng, Bắc Cạn tìm ăn rau bồ khai; đến Hòa Bình tìm ăn rau beo, rau đốm; đến Ba Vì tìm ăn rau Báng; đi lễ hội chù Hương chẳng ai không muốn mua rau Sắng (Meliantha suarvis L.); đến Lâm Đồng tìm ăn lá bép; đến Huế phải mua Vả(Ficus roxburghii Wall.) về làm quà; đến đồng bằng sông Cửu Long ai 2
- cũng muốn thử món “lẩu mắm” với đa dạng các loài rau bản địa như rau ngổ, rau rút, rau đắng(Bacopa monnieri L.), hoa so đũa, súng, lục bình, ngó sen, bạc hà, càng cua, khổ qua, tía tô, hẹ, hành tăm… Bảng 1. Một số loài rau bản địa có giá trị làm thuốc ở Việt Nam TT Tên khoa học Tên tiếng Phần sử Công dụng Việt dụng 1 Meliantha suervis L. Rau Sắng Lá, ngọn, hoa Bổ dưỡng, chữa bệnh giun, đường ruột 2 Erythropalum scandens Bồ Khai Lá, chồi Chữa bệnh về thận, sốt, tê Blume thấp, viêm gan siêuVT. 3 Gynura procumbens L. Bầu Đất Lá, ngọn Chữa lợi tiểu, tiểu đường, Merr tiêu viêm, nhiễm độc 4 Ficus callosa Willd. Rau Báng Ngọn lá, quả Bổ dưỡng, chữa dị ứng da 5 Polyscias fruticosa L. Đinh Lăng Cả cây Thuốc bổ, lợi tiểu, lợi sữa, Harms chữa phong thấp. 6 Blumea lacera F. Burm Cải trời Cả cây Giải độc, tiêu viêm, tán uất 7 Moringa oleifera Lam Chùm ngây Lá, quả Bổ dưỡng, phù nề, kiết lị 8 Amaranthus spp. Rau Giền Thân, Lá Bổ máu, Chữa táo bón 9 Artemisia vulgaris L. Ngải Cứu Cả cây Chữa sẩy thai, viêm khớp. 10 Momordica charantia L. Mướp đắng Quả Chữa đường ruột, giải nhiệt 11 Houttuynia cordata Thunb Diếp Cá Cả cây Chữa táo bón, đau tai. 12 Eryngium foetidum L Mùi Tàu Cả cây Rối loạn tiêu hóa, cảm mạo 13 Telosma cordata Merr. Thiên Lý Hoa, lá Trị mất ngủ, giải khát 14 Peperomia pellucida Càng Cua Thân, lá Trị đau đầu, sốt rét. Konth Đa dạng sử dụng như rau làm thuốc: Rau bản địa không chỉ là rau lành, rau an toàn, nhiều loại rau còn có các giá trị dược phẩm và được người dân sử dụng như các loại rau thuốc chăm sóc sức khỏe. Một số ví dụ: Để chữa cảm cúm, buồn nôn, giải độc có cải trời( Blumea lacera F. Burm), tía tô (Perilla ocymoides L.; điều hòa huyết áp có Gừng - Zingiber officinale Rose; Tăng cường máu, chữa bệnh thiếu hồng cầu: dền chua ( Hibiscus sabdariffa L.), rau giền đỏ( Amaranthus tricolor L.; Chữa lợi tiểu, tiểu đường, tiêu viêm: rau bầu đất (Gynema procumbens L. Merr), rau má (Centella asiatica L. Urb); Chữa bệnh đi ngoài, kiết lị: Mơ Tam thể - Peaderia tomentosa, chùm ngây( Moringa oleufera L.); Bổ thận: Rau bò khai (Erythoparum scandens Blume); chữa biếu cổ, đái rắt có rau rút (Neptunia oleracea Lour.); chữa mắt đỏ, viêm gan, nhức mỏi: rau đắng biển (Bacopa monnieri L.)… Nhiều bài thuốc gia truyền cũng được tạo ra từ những cây rau dân dã. Sử dụng rau bản địa trong bối cảnh biến đổi khí hậu: Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự đoán và cảnh báo. Do đó, một số giải pháp đồng bộ phù hợp đã được đề xuất để hạn chế tổn thất về sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó giải pháp sử dụng tài nguyên sinh học tại chỗ, hướng đến việc chọn lọc và sử dụng đa dạng các loài, giống cây chịu hạn, chịu úng ngập, chịu mặn tại các vùng có điều kiện khắc nghiệt rất được quan tâm. Rau bản địa đáp ứng được yêu cầu đó vì chúng là các loài thực vật có sức sống mãnh liệt, có tính thích nghi cao với điều kiện môi trường khắc nghiệt, biến đổi. Và vì thế đánh giá và sử dụng hiệu quả nguồn gen rau bản địa sẽ góp phần duy trì phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong cuộc đối đầu với những thách thức của biến đổi khí hậu. 3.2. Hiện trạng bảo tồn rau bản địa Điều tra thu thập nguồn gen rau bản địa Trước 2005, điều tra thu thập nguồn gen rau thường được kết hợp trong những chuyến thu thập chung quĩ gen cây trồng của Trung tâm Tài nguyên thực vật ( Trung tâm TNTV). Thời gian đó, hơn 2000 mẫu giống rau và gia vị đã được thu thập từ các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt trong giai đoạn 2005-2010, tổng số 1.527 nguồn gen rau và gia vị đã được thu thập từ khu vực di dân xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La và 289 nguồn gen tại Tây Nguyên [2]. Các nguồn gen thu 3
- thập chủ yếu là các giống địa phương trong đó có nhiều giống truyền thống nhưng không có các loài rau bán hoang dại. Bảo quản lưu giữ nguồn gen rau bản địa Lưu giữ, bảo quản chuyển vị (ex situ) Các tập đoàn cơ bản của các chủng loại rau chính đã được xây dựng từ năm 1996. Các nguồn gen rau thu thập, chủ yếu là các giống rau địa phương bao gồm cả giống truyền thống đã và đang được lưu giữ bảo quản hạt trong kho lạnh trung hạn và trên đồng ruộng. Hàng năm những mẫu giống rau có sức nẩy mầm và sức khỏe hạt giống dưới qui định được nhân mới lại và đưa vào bảo quản theo qui định phù hợp. Hiện nay chưa có ngân hàng gen in vitro cho rau bản địa. Bảng 2: Số nguồn gen và số loài rau thu thập từ các vùng sinh thái nông nghiệp đang được lưu giữ bảo quản tại Trung tâm Tài nguyên thực vật (Đến tháng 1 năm 2012) No. Vùng sinh thái nông Số nguồn Số loài Rau bản địa có sự đa dạng nghiệp gen nguồn gen cao 1.1 Trung du MN Tây Bắc 1635 39 Bí đỏ, bầu, mướp, cải lá 1.2 Trung du MN Đông Bắc 1200 36 Bầu, bí đỏ, bí xanh, cải lá, 2 Đồng bằng Sông Hồng 213 35 Cải, mướp, đậu cô ve, giền 3 Bắc Trung Bộ 425 39 Cà, Bí xanh, ớt, mướp, giền 4 Nam Trung Bộ 34 29 Cà, Bí xanh, mướp, ớt 5 Tây Nguyên 274 30 Bí đỏ, dưa, đậu cô ve 6 Khu vực Đông Nam bộ 162 32 Mướp đắng, cải lá, mướp, cà 7 ĐB Sông Cửu Long 111 30 Cà, Mướp, dọc mùng, ớt Số lượng nguồn gen và số loài rau được bảo quản lưu giữ tại Trung tâm TNTV trình bày ở Bảng 3.2 cho thấy tổng số 4.054 nguồn gen/mẫu giống rau( không kể một số loài cây có củ, đậu đỗ, cây ăn quả sử dụng làm rau), với khoảng 80% là giống địa phương, truyền thống thu thập từ 7 vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau của Việt Nam hiện được bảo tồn tại Trung tâm TNTV An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Trong số các nguồn gen rau đang lưu giữ, một số chi, loài có sự đa dạng nguồn gen cao như bí đỏ( Cucurbita spp.) trên 450 nguồn gen; cải lá ( Brassica spp.) gần 400 nguồn gen; ớt (Capsicum frutescens L.) trên 350; mướp( Luffa cilindrica (L.) Roem ) trên 270; bầu (Lagenaria siceraria Mol. Stadley) trên 200; bí xanh (Benincasa hispida) trên 200; cà ( Solanum melogena L.) trên 170 nguồn gen; rau giền ( Amaranthus spp.) gần 150, đậu cô ve (Phaseolus vulgaris L.) gần 200 nguồn gen. Bảo tồn lưu giữ nguyên vị ( in situ )trong vườn gia đình và trên đồng ruộng Rau bản địa từ bao đời nay đã được người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam trồng lưu giữ trong vườn gia đình hay khai thác tự nhiên để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Kết quả điều tra điểm của Hodel et al.(1999) tại 100 vườn hộ ở 6 điểm của Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An cho thấy tại các tỉnh phía nam có tới 142 chủng loại rau khác nhau được lưu giữ để ăn, trao đổi và bán thêm thu nhập[3]. Kết quả điều tra điểm ở 7 xã thuộc 4 huyện, tỉnh Nho Quan- Ninh Bình, Nghĩa Đàn- Nghệ An, Thuận An- Bình Dương và Châu Thành- Cần Thơ đại diên 3 hệ sinh thái đồng bằng, trung du và miền núi của Trung tâm TNTV giai đoạn 2002-2004 cũng cho thấy rau bản địa có sự đa dạng về thành phần loài khá cao tại các vùng nghiên cứu, cao nhất ở hệ sinh thái trung du( Nho Quan với trung bình 29 loài/vườn), thứ đến đồng bằng (Thuận An và Châu Thành với 28 loài/vườn ), và thấp nhất ở miền núi (Nghĩa Đàn 12 loài/ vườn). Mặc dù vậy, đến trước 2006 chưa có nghiên cứu cụ thể nào về bảo tồn rau bản địa trong vườn gia đình ở nước ta. Từ năm 2006 đến nay, một số mô hình bảo tồn tài nguyên thực vật bao gồm cả rau bản địa trong vườn gia đình đã được thực hiện tại 3 vùng sinh thái đồng bằng, trung du và miền núi phía bắc là Hải Hậu- Nam Định, Kỳ Sơn- Hòa Bình và Nho Quan-Ninh Bình. Tại 3 điểm này có hơn 80 4
- loài rau truyền thống, địa phương, rau bán hoang dại được người nông dân lưu giữ và khai thác sử dụng phục vụ sinh kế[7]. Trung tâm TNTV đã hỗ trợ kỹ thuật để nhân giống, qui hoạch vườn trồng, lưu giữ và phát triển một số nguồn gen có giá trị kinh tế và sử dụng cao trong vườn gia đình. Tuy nhiên, các loài rau bản địa chưa được ưu tiên nghiên cứu phát triển như cây ăn quả và cây có củ. Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện nhiệm vụ bảo tồn trên đồng ruộng các loài rau bản địa, bao gồm các giống rau truyền thống và các loài rau rừng từ năm 2010. Tổng số 25 loài bao gồm rau truyền thống(15 loài) và hoang dại(10 loài) được trồng trên vườn đồi gần rừng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống của người nông dân. Một số loài rau rừng đã được nhân rộng, giới thiệu và thương mại hóa bởi Công ty Cổ phần nông nghiệp và Du lịch sinh thái Ba Vì[4]. Mô tả, đánh giá và tư liệu hóa rau bản địa Tại Trung tâm TNTV, tổng số 2923 nguồn gen chiếm 72,1% tổng số nguồn gen rau và gia vị đang lưu giữ đã được mô tả đánh giá các tính trạng hình thái nông học theo Biểu mẫu đánh giá do Trung tâm Tài nguyên thực vật biên soạn trên cơ sở tham khảo tài liệu của Viện Tài nguyên di truyền thực vật quốc tế (IPGRI) nay là Tổ chức sinh học quốc tế( BIOVERSYTY). Từ năm 2009 một số tập đoàn rau như cà chua, mướp đắng, mướp hổ, bí đỏ, cà tím được đánh giá thêm tính kháng một số loài sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Tuy nhiên chỉ có trên 25% số nguồn gen rau được mô tả đánh giá đầy đủ tất cả các tính trạng vì thế việc loại bỏ các nguồn gen trùng lặp chưa thực hiện được, gây khó khăn cho bảo quản. Đây là một tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Các dữ liệu về lí lịch mẫu giống, về mô tả đánh giá các đặc điểm nông sinh học đã và đang được tư liệu hóa. Cơ sở dữ liệu về nguồn gen rau bản địa đã được thiết lập và tuân theo cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia. Những thông tin cơ bản về nguồn gen rau đang lưu giữ có thể tìm thấy trên Website của Trung tâm TNTV http://www.pgrvietnam.org.vn. [6] Khai thác sử dụng nguồn gen rau bản địa Tại Trung tâm Tài nguyên thực vật, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, các mẫu giống rau truyền thống, địa phương và thông tin liên quan luôn sẵn có để phục vụ miễn phí cho các mục đích nghiên cứu khoa học và học tập. Tổ chức/ cá nhân có nhu cầu có thể đến trực tiếp hoặc gửi yêu cầu bằng thư điện tử. Hàng năm khoảng gần 300 mẫu giống rau được cấp phát cho các mục đích sử dụng khác nhau như giới thiệu trực tiếp cho sản xuất các nguồn gen rau địa phương tiềm năng có tính thích ứng rộng tại vùng trồng phù hợp; cung cấp cho các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành trong nước để thiết lập tập đoàn công tác, tạo vật liệu cho chọn tạo giống; vật liệu cho nghiên cứu công nghệ sinh học, làm đề tài luận văn, luận án... Giai đoạn 2005-2010, một số giống rau truyền thống từ Ngân hàng gen đã được đánh giá, bình tuyển và giới thiệu lại cho vùng sản xuất nguyên sản như bí đá Trái dài Nghệ An, bí xanh Chữ Thập Bình Định, mướp đắng Xanh, dưa trời Hòa Bình, cải mào gà Hoài Đức, cải nương Hòa Bình và Lạng Sơn, khoai lang ăn ngọn KLR1, KLR3, KLR5. Nhiều giống rau truyền thống của đồng bằng Sông Hồng như cà tím Mê Linh, ớt chỉ thiên Quỳnh Phụ, bầu sao Gia Lâm, mướp hương Ứng Hòa, bí xanh Sặt, bí đỏ Hoa Lư, đậu cô ve Hải Phòng, cải mào gà Vĩnh Tường, dưa chuột Phú Thịnh, cải cúc Gia Lâm, cải bẹ Đông Dư, cải củ Thái Bình; rau của miền núi phía bắc như cải mèo, dưa chuột Sa Pa, cải ngồng, cải xanh lùn… và rau của miền Đông Nam Bộ như mướp bản địa, bầu hồ lô và khổ qua bản địa đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng và phát triển tại các vùng nguyên sản như các loại rau đặc sản [8][10]. 3.3. Những thách thức trong bảo tồn rau bản địa Một trong những trở ngại lớn nhất đối với bảo tồn rau bản địa là chưa kiểm kê, phân loại thực vật và đánh giá hết được tài nguyên rau bản địa và họ hàng hoang dại có quan hệ gần gũi với cây trồng tại các vùng sinh thái địa lý của đất nước để định hướng đúng cho bảo tồn chuyển vị hay bảo tồn nguyên vị. Tại vùng sâu, vùng xa, nhiều nguồn gen rau truyền thống, các loài rau rừng, rau hoang dại, bán hoang dại có giá trị làm rau dinh dưỡng, rau làm thuốc chưa được điều tra và thu thập. Tri thức bản địa cũng chưa được nghiên cứu và hệ thống hóa đầy đủ. Và như vậy trước bối cảnh xẩy ra nhiều thời tiết cực đoan như hiện nay, nguy cơ xói mòn và có thể mất đi vĩnh viễn nhiều nguồn gen rau bản địa hoang dại và tri thức bản địa liên quan chưa được nghiên cứu đưa vào danh mục bảo tồn là chắc chắn xẩy ra. 5
- Mặc dù diện tích trồng rau của cả nước đang tăng lên đáng kể, nhưng diện tích trồng rau truyền thống, địa phương lại đang giảm xuống rõ rệt trong vài năm trở lại đây. Dự kiến sẽ vẫn tiếp tục giảm do sự thay đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực nông nghiệp, nông thôn để xây dựng khu công cộng, khu công nghiệp, thương mại… Mất đất nông nghiệp nhiều hơn có nghĩa nhiều loài, giống rau “dân dã’ có nguy cơ bị mất trong quá trình này. Ngoài ra, việc ứng dụng các kỹ thuật thâm canh, công nghệ tiên tiến, sử dụng các giống cải tiến, giống rau lai thay thế giống địa phương, giống truyền thống cũng góp phần làm xói mòn di truyền rau bản địa. Năng lực kỹ thuật của người làm công tác bảo tồn còn rất yếu kém, đặc biệt là công tác phân loại, đánh giá chi tiết và phương pháp lưu giữ đánh giá nguồn gen rau trên đồng ruộng. Cơ sở hạ tầng và kỹ năng sử dụng kỹ thuật tiên tiến để đánh giá đa dạng di truyền, xác định khác biệt giữa nguồn gen, nhân nhanh giống và lưu giữ an toàn các loài rau bản địa còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu về đánh giá, tri thức bản địa liên quan đến nguồn gen rau bản địa chưa đầy đủ dẫn đến hạn chế sự tiếp cận các nguồn gen tốt cho khai thác sử dụng 3.4. Một số khuyến nghị Nhu cầu cấp bách hiện nay là phải tiến hành điều tra, kiểm kê, phân loại thực vật và thu thập ngay các nguồn gen rau bản địa và tri thức truyền thống liên quan ở những nơi có qui hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nơi có nguy cơ ngập úng, xâm nhập mặn, lũ quét… để bảo tồn an toàn ex situ các nguồn gen này. Các đơn vị trong hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật quốc gia cần kết hợp hài hòa giữa bảo tồn chuyển vị (các ngân hàng gen) và bảo tồn nguyên vị ( vườn gia đình, đồi rừng) đối với rau bản địa. Đặc biệt quan tâm bảo tồn thông qua phát triển và đa dạng sử dụng rau bản địa trong vườn gia đình và tại trang trại đồi rừng. Khuyến khích và thúc đẩy phong trào “ mỗi địa phương một sản phẩm rau đặc sản”. Nghiên cứu một cách hệ thống tri thức bản địa và vai trò của các cộng đồng nông nghiệp trong quản lý, lưu giữ và phát triển rau bản địa làm cơ sở để xây dựng được chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án và chính sách phù hợp thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững rau bản địa. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về nguồn lực để thúc đấy nghiên cứu bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững rau bản địa thông qua các hoạt động kiểm kê, thu thập, phân loại thực vật, đánh giá, tư liệu hóa, phổ biến kỹ thuật lưu giữ và khai thác để đa dạng hóa rau trồng, sẵn có sử dụng quanh năm nguồn thực phẩm an toàn và đặc sản ; Thúc đẩy nghiên cứu xác định các nguồn gen rau bản địa chống chịu tốt với áp lực sinh học và phi sinh học để phục vụ cho chọn tạo giống chống chịu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sản xuất rau bền vững, thân thiện với môi trường; Phát triển tốt hệ thống sản xuất giống rau địa phương qui mô nông hộ để đảm bảo chủ động đủ giống rau cho lưu giữ, phục hồi nguồn gen khi có thiên tai. Đa dạng nguồn kinh phí nhằm tăng cường nguồn nhân lực và nâng cấp trang thiết bị để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về thu thập và tư liệu hóa tri thức bản địa, đánh giá di truyền, lưu giữ bảo quản, khai thác sử dụng và tiếp thị. Kinh phí từ ngân sách nhà nước nên ưu tiên phân bổ cho các đề tài dự án có sự tham gia của doanh nghiệp trong hợp tác nghiên cứu, phát hiện, bảo tồn và thương mại bền vững các loài rau đặc sản bản địa trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. IV. KẾT LUẬN Việt Nam có tài nguyên rau bản địa và tri thức khai thác sử dụng rất phong phú và đa dạng. Rau bản địa giàu dinh dưỡng có giá trị kinh tế, văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Rau bản địa dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện sinh thái khắc nghiệt, là tài sản quốc gia cần được ưu tiên bảo tồn và sử dụng hợp lý vì mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém và thách thức trong hoạt động bảo tồn rau bản địa ở nước ta. Trên cơ sở phân tích các thách thức, một số khuyến nghị đưa ra nhằm góp phần hạn chế sự mất mát về nguồn gen và đảm bảo việc bảo tồn và sử dụng bền vững rau bản địa vì sức khỏe và sinh kế của con người trong bối cảnh môi trường thay đổi. 6
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Department of the Army (2003). The illustrated Guide to edible wild plants. The Lyons press. P.1-119. 2. Vũ Mạnh Hải, Trần Danh Sửu ( 2010). Kết quả hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006- 2010 và định hướng giai đoạn 2011-2015 của Trung tâm Tài nguyên thực vật. Trong Kết quả nghiên cứu khoa học và Công nghệ 2006-2010”. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.NXB Nông nghiệp, tr.90-94 3. Hodel, U., Gessler, M., Cai, H.H., Thoan, V.V., Ha, N.V., Thu, N.X., and Ba, T.,( 1999). In situ conservation of plant genetic resources in home gardens of southern Vietnam. IPGRI, Rome. 4. Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Hoàng Đình Phi ( 2011). Giới thiệu những cây rau rừng Núi Tản. Công ty TNHH Sannam. 29tr. 5. Michael Polla( 2008). In defence of food. The myth of nutrition and the pleasure of eating. Published by Allen lane, USA. 242p 6. Lã Tuấn Nghĩa, Trần Danh Sửu, Lê Khả Tường và CS ( 2011). Tài nguyên thực vật Việt Nam: Thành tựu và kế hoạch bảo tồn vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 2(23), tr.3-9 7. Phạm Thị Sến, Vũ Văn Tùng, Nguyễn Trường Vương và CS ( 2010). Một số kết quả ban đầu về bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật vườn gia đình ở các tỉnh phía bắc. Trong Kết quả nghiên cứu khoa học và Công nghệ 2006-2010”. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.NXB Nông nghiệp, tr.290-294 8. Đào Xuân Thảng, Đoàn Xuân Cảnh( 2010). Kết quả nghiên cứu chọn lọc, phục tráng một số chủng loại rau bản địa ở đồng bằng sông Hồng. Trong Kết quả nghiên cứu khoa học và Công nghệ 2006-2010”. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.NXB Nông nghiệp, tr.297-300 9. Tổng cục thống kê Việt Nam ( 2012). Niên giám thống kê 2011. NXB Thống kê, Hà Nội. 10. Trung tâm Tài nguyên thực vật, 2003-2005. Các báo cáo của chương trình “Tăng cường sử dụng nguồn gen rau bản địa nhằm cải thiện dinh dưỡng cho các gia đình nghèo ở Châu Á” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau châu Á. 7
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn