intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở Việt Nam - Những thách thức trong lĩnh vực kỹ thuật số

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở Việt Nam - Những thách thức trong lĩnh vực kỹ thuật số" trình bày về việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở Việt Nam; những thách thức pháp lý trong việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em trong lĩnh vực công nghệ số;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở Việt Nam - Những thách thức trong lĩnh vực kỹ thuật số

  1. BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ VÀ DỮ LIỆU CÁ NHÂN CỦA TRẺ EM Ở VIỆT NAM- NHỮNG THÁCH THỨC TRONG LĨNH VỰC KỸ THUẬT SỐ ThS. Đặng Thị Hà Trường Đại Học Luật, Đại Học Huế Đặt vấn đề Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng ước tính rằng cứ 3 người sử dụng internet trên thế giới hiện nay có một người là ở mức dưới 18 tuổi (Livingstone S. et al., 2015; UNICEF, 2017). Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Công nghệ số cung cấp cho trẻ em nhiều cơ hội về học tập, giáo dục và cở hội mới và có thể thay đổi cuộc đời của trẻ em ở những khu vực kém phát triển (UNICEF, 2022). Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày và chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Một loạt các quyền của trẻ em được quy định trong Công ước về quyền trẻ em bị ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực trong lĩnh vực kỹ thuật số. Kỹ thuật số mở ra cho trẻ em nhiều cơ hội phát triển trên nền tảng trực tuyến nhưng cũng tạo ra những rủi rõ nhất định cho trẻ, trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp. Một trong những rủi ro này đến từ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em. Trong suốt quá trình trưởng thành của mình, thông tin của trẻ em dễ dàng bị chia sẻ, đôi khi những gì được chia sẻ có tính chất riêng tư hoặc là bí mật cá nhân. Khi nói đến quyền riêng tư, một số trẻ em chưa đủ nhận thức về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân mình, một số khác cho rằng, quyền riêng có thể được can thiệp hoặc giám sát bởi nhà nước. Ở Việt Nam, quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em dễ dàng bị xâm phạm bởi chính người thân như bố mẹ, không ít bậc phụ huynh còn mặc nhiên coi bản thân họ có quyền đăng tải hình ảnh đời thường của con cái, cho rằng cấm đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ em lên mạng xã hội là không khả thi, vì đó là quyền của cha mẹ. Hơn thế nữa, nhận thấy khả năng kiếm lời từ kinh 360
  2. doanh trên YouTube, Facebook, một số người lớn đang bắt ép con em mình xuất hiện trên video quảng cáo sản phẩm, vlog để câu kéo lượt xem, bình luận của khán giả. Rõ ràng đây là hành vi cưỡng bức lao động trẻ em, và khi bị trở thành "người nổi tiếng" bất đắc dĩ, trẻ em cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, tấn công trong cuộc sống và trên môi trường mạng . Mặc dù những tác động của kỹ thuật số đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ rất rõ rệt nhưng Việt Nam hiện chưa có các nghiên cứu cụ thể và quy mô để xác định rằng: trẻ em có những hiểu biết nhất định về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân cũng như các biện pháp để bảo vệ các quyền này của mình không? Những thách thức pháp lý mà Việt Nam phải tháo gỡ khi xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em trong lĩnh vực kỹ thuật số? Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đòi hỏi Chính phủ cần đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em trước khi những đứa trẻ biết tự bảo vệ quyền đó của mình. Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở Việt Nam Ngày 20/2/1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Ở Việt Nam, quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em được quy định trong nhiều văn bản. Trước hết, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em được bảo đảm trong Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 chưa đặt ra vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng Hiến pháp khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Là một phần của quyền con người, quyền riêng tư của trẻ em là một bộ phận của quyền riêng tư, việc Hiến pháp đưa ra giới hạn quyền riêng tư của cá nhân được hiểu bao hàm cả ý nghĩa bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Điều này phù hợp với Điều 16 Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989: "Không trẻ em nào chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em"; "Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy". Luật Trẻ em năm 2016 đã có quy định cụ thể về quyền riêng tư của trẻ em tại Điều 21: "Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và 361
  3. chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư". Bên cạnh việc ghi nhận quyền riêng tư của trẻ em, Việt Nam cũng đưa ra các dấu hiệu nhận diện quyền riêng tư của trẻ em bao gồm: "Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em" . Ngoài ra, còn có các dấu hiệu về dữ liệu cá nhân trẻ em còn được mở rộng bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm: Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng hôn nhân; thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng; các thông tin khác gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm: Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc; thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân; thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân… Bên cạnh đó, dưới góc độ là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, trẻ em cần được bảo vệ bởi các chủ thể nhất định. Điều54, Luật Trẻ em năm 2016 xác định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật” và các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là các chủ thể có thẩm quyền, mà còn là "cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em" đều có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em . Đồng thời, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật 362
  4. cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Để quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em được bảo vệ một cách tối đa, Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp khác nhau như: cấm đăng, phát thông tin có nội dung "ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em"; quy định các chế tài xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với các hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư; sử dụng các phương tiện thông tin hoặc phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình, trong đó có trẻ em. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn điện thoại, thư, điện tín, hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, hoặc tội làm nhục người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em trong phạm vi của pháp luật Việt Nam được coi là cách thức biểu đạt “quyền tôn trọng đời sống riêng tư” của trẻ em: Việc xử lý dữ liệu cá nhân trẻ em cần tuân thủ nguyên tắc: Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba phải xác minh tuổi của trẻ em trước khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em; Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định, trừ trường hợp quy định. Trong bối cảnh hiện nay, các quy định này là hết sức cần thiết khi việc xử lý dữ liệu cá nhân đang được xử lý tự động. Những thách thức pháp lý trong việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em trong lĩnh vực công nghệ số Thứ nhất, về khái niệm quyền riêng tư. Phân tích khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của cá nhân trẻ em ở Việt Nam cho thấy về kỹ thuật lập pháp, Việt Nam hiện không có một đạo luật riêng biệt, toàn diện và nhất quán về bảo vệ quyền riêng tư. Thay vào đó, nội dung này được quy định rải rác trong các luật và nghị định khác nhau như Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018. Đồng thời, Việt Nam đang có cách lý giải khác nhau về nội hàm các khái niệm quyền riêng tư. Quyền riêng tư trong Luật Trẻ 363
  5. em gắn liền với quyền được bảo vệ “đời sống riêng tư”trong khí đó Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Trẻ em lại đưa ra dấu hiệu nhận biết quyền riêng tư là “thông tin bí mật về đời sống riêng như: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. Rõ ràng khái niệm đời sống riêng có nội hàm rộng hơn khái niệm thông tin bí mất đời sống riêng tư, bên cạnh các dấu hiệu như Nghị định 56/2017/NĐ-CP, đời sống riêng của trẻ em có thể là mối quan hệ huyết thống trong dòng họ, đặc điểm nhận dạng, sở thích thậm chí là thói quen. Như vậy, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ. Quyền riêng tư là khái niệm rộng liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống cá nhân trong khi đó bảo vệ dữ liệu được liên kết chặt chẽ hơn với việc xử lý tự động dữ liệu cá nhân, đó là việc có thể xác định, nhận dạng hoặc kiểm soát bất kỳ thông tin nào liên quan đến một cá nhân. Thứ hai, khái niệm về sự đồng ý. Mặc dù Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về dữ liệu cá nhân không đưa ra khái niệm về sự đồng ý. Tuy nhiên, các điều kiện thể hiện sự đồng ý được nêu rất cụ thể: Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được. Sự im lặng hoặc không phản hồi của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý. Nội hàm của quy định “Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu” được hiểu bao gồm cả người trưởng thành và trẻ em. Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định. Không có quy định riêng đặc biệt nào về “sự đồng ý” đối với trẻ em. Các điều kiện về sự đồng ý là phù hợp với người trưởng thành nhưng sẽ là phức tạp khi áp dụng với trẻ em, Ví dụ, sự đồng ý tự do trở nên phức tạp hơn trong trường hợp trẻ em có thể đưa ra sự đồng ý mà không có sự tham gia hoặc nhận thức của cha mẹ và điều này đặc biệt khó kiểm soát khi các lựa chọn của trẻ thường có thể bị thao túng và bị khai thác vì mục đích thương mại. Các yêu cầu về sự đồng ý sẽ rất khó đối với trẻ em vì mức độ hiểu biết và khả năng thấy trước hậu quả của trẻ em khác người lớn. Hơn nữa, nhiều chính sách về quyền riêng tư dài, khó tìm và điều hướng, được viết bằng ngôn ngữ phức tạp và vượt quá 364
  6. khả năng hiểu của đứa trẻ. Nhiều trẻ vị thành nên vẫn không đo lường được chính xác tầm quan trọng của sự đồng ý đến quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thứ ba, vấn đề đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em với các quyền lợi khác của trẻ trong thời đại công nghệ số. Một trong những vấn đề lớn nhất trong chính sách, pháp luật của các quốc gia trên thế giới hiện nay về bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ em là đảm bảo trẻ nhỏ và thanh thiếu niên được bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân mà không xâm phạm đến các quyền khác mà trẻ em được hưởng chẳng hạn như: quyền được thông tin, quyền được giáo dục, được tham gia và tự do ngôn luận trong thời đại kỹ thuật số. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới tuy nhiên chúng ta hiện đang thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về mức độ bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em ở các khu vực: thành thị, nông thôn, trẻ em miền núi và trẻ em là người dân tộc thiểu số. Việc đánh giá mức độ bảo vệ ở các vùng miền là cơ sở để đánh giá tác động chính sách liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em. Bên cạnh đó, rất khó để xác định đâu là giới hạn giữa quyền tự ngôn luận hợp pháp với các hành vi vi phạm như xúc phạm danh dự nhân phẩm hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Có nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh vấn đề này: Trẻ em có quyền biểu đạt ý kiến, có quyền tự do ngôn luận khi phản biện các vấn đề gắn liền với quyền lợi của mình ở mức độ nào là an toàn? Mức độ nhận biết của trẻ em về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân? Trên thế giới, ý tưởng áp dụng 'Nguyên tắc thông tin công bằng cho thanh thiếu niên trong văn hóa kỹ thuật số toàn cầu' dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em trên toàn thế giới cũng đã được đề xuất (Montgomery K và Chester J,2015). Theo đó, các nguyên tắc này sẽ áp đặt nghĩa vụ đối với Chính phủ và các doanh nghiệp để đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên không phải chịu sự giám sát, thu thập dữ liệu và lập hồ sơ hành vi một cách không công bằng, đồng thời trong chính sách của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em phải dựa trên các nhu cầu riêng biệt của trẻ em ở mọi lứa tuổi, một đứa trẻ khi ở một độ tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu tôn trọng sự riêng tư và bảo vệ dữ liệu khác nhau, ví dụ nhu cầu về sự riêng tư năm 3 tuổi khác với khi đứa trẻ đó 16 tuổi. Thứ tư, vấn đề về độ tuổi của trẻ em. Phân tích khuôn khổ pháp lý tại các cơ quan tài phán trên thế giới đã chứng minh rằng 'độ tuổi' của trẻ em thường là yếu tố quyết định mức độ bảo vệ trong các quy định của pháp luật. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ, tùy vào mỗi quốc gia, độ tuổi của trẻ em được xác định dưới 18 tuổi. Liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, độ tuổi được quy định rất khác nhau, từ 12 đến 18 tuổi. Thường rất ít hoặc không có 365
  7. nghiên cứu cũng như lý giải nào về việc mỗi một quốc gia lại chọn một độ tuổi nhất định. Một câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để dung hòa việc sử dụng các giới hạn chung về độ tuổi với khả năng phát triển của một đứa trẻ? Một đưa trẻ 5 tuổi và một đứa trẻ 16 tuổi sẽ có cách hiểu rất khác nhau về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ và theo Luật trẻ em năm 2016, độ tuổi của trẻ em được ghi nhận là dưới 16 tuổi. Nghị định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ nêu rõ quy định xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ các quyền và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba phải xác minh tuổi của trẻ em trước khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em. Ngừng xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, xóa không thể khôi phục hoặc hủy dữ liệu cá nhân của trẻ em trong trường hợp sau: Xử lý dữ liệu không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích xử lý dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có đủ căn cứ chứng minh việc xử lý dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trên cơ sở các quy định trên, có thể nhận thấy, Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc xác lập cách thức để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng như nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người giám hộ đối với việc bảo vệ các quyền này của trẻ. Trong bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, trẻ em khác biệt với người lớn ở chỗ trẻ em không hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện các quyền của mình, mà phải phụ thuộc vào người giám hộ. Điều này là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên thực tiễn cũng chứng minh rằng, việc các thông tin cá nhân của trẻ em bị khai thác xuất phát từ nguyên nhân chính: cha mẹ, trường học chưa lưu ý nhiều khi chia sẻ thông tin; cha mẹ có thể đã nhập thông tin cá nhân của trẻ vào các trang web lừa đảo. Trong nhiều trường hợp, người giám hộ lại là chủ thể công khai dữ liệu cá nhân của trẻ em. Vốn dĩ trẻ em là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương vì vậy, việc tìm ra một giải pháp đảm bảo an toàn về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân một cách tuyệt đối là điều hết sức khó khăn. 366
  8. Trong những nỗ lực để giảm thiểu tình trạng thông tin cá nhân của trẻ em bị khai thác bất hợp pháp, một số quốc gia đã lựa chọn phương án phổ biến cho trẻ em về quyền riêng, sự cần thiết của việc tôn trọng quyền riêng tư và thực hành xử lý dữ liệu của mình. Kết luận và gợi mở Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc đảm bảo quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của trẻ em trong lĩnh vực kỹ thuật số đang nên được xem là nhiệm vụ cấp bách và là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự chính sách quốc tế, khu vực và quốc tế nói chung và chính sách pháp luật của Việt Nam nói riêng. Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thừa nhận quyền riêng tư của mọi cá nhân thông qua các văn bản chung về nhân quyền quốc tế và quyền riêng tư của mọi trẻ em thông qua các văn bản của Công ước về quyền trẻ em, vì vậy sẽ rất hữu ích trong xã hội kỹ thuật số ngày nay nếu Ủy ban về Quyền của Liên hợp quốc Trẻ em sẽ cung cấp thêm hướng dẫn về việc quyền riêng tư này bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự hiện diện của công nghệ trong cuộc sống của trẻ em trên toàn thế giới. Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu của trẻ đối với quyền được tô trọng sự riêng tư, đánh giá mức độ nhận thức của trẻ về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân ở các độ tuổi nhất định và các khu vực nhất định. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cần có những giải thích cụ thể và đồng nhất các khái niệm, đặc biệt khi các khái niệm gắn liền với quyền của trẻ em nhằm hướng tới mục tiêu chung “tất cả trẻ em đều được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng”. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Federal Trade Commission (FTC), ‘Mobile Apps for Kids: Current Privacy Disclosures are Disappointing’ (Staff report), February 2012 accessed 9 April 2017. Macenaite, M., & Kosta, E. (2017). Consent for processing children’s personal data in the EU: following in US footsteps?. Information & Communications Technology Law, 26(2), 146-197. 367
  9. Milkaite, I., & Lievens, E. (2019). Children’s rights to privacy and data protecton around the world: challenges in the digital realm. European Journal of Law and Technology, 10(1). Nicolaidou, I., & Venizelou, A. (2016). “Be smart when online!”: Kids learn how to protect personal data, stop cyber-bullying, and avoid hackers. In ICERI2016 Proceedings (pp. 3374- 3383). IATED. Bộ Chính trị (2015), Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 2/Q9 22/6/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh thông tin trong tình hình mới”. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Ngô Minh Hương & TS. Lã Khánh Tùng (2018), Quyền về sự riêng tư, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. GS.TS Trần Đại Quang (2017), Không gian mạng - Tương lai và Hành động, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 368
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
16=>1