Các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam
lượt xem 4
download
Bài viết trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả đưa ra một số khuyến nghị về chính sách quản lý truyền thông và đầu tư phát triển cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các tác giả cũng chỉ ra điểm yếu hiện tại của các trung gian tài chính.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 36. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ CHẤP NHẬN TIỀN MÃ HÓA TẠI VIỆT NAM TS. Khúc Thế Anh*, Nguyễn Mạnh Trường*, Nguyễn Tiến Anh* Lê Minh Hằng*, Nguyễn Thu Hoài* Tóm tắt Lĩnh vực tiền mã hóa đang rất phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề mà Nhà nước chưa thể quản lý được đối với các cá nhân sử dụng tiền mã hóa. Bằng việc kết hợp mô hình Thuyết chấp nhận công nghệ (TAM) và mô hình Thuyết hành vi có kế hoạch (TPB), nhóm tác giả chỉ ra các yếu tố: thái độ, rủi ro, nhận thức có ảnh hưởng đến ý định sử dụng tiền mã hóa. Trong đó, thái độ bị ảnh hưởng bởi niềm tin, tính dễ sử dụng, tính hữu ích và không bị ảnh hưởng bởi rủi ro. Mặt khác, ảnh hưởng xã hội cũng không ảnh hưởng đến ý định sử dụng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả đưa ra một số khuyến nghị về chính sách quản lý truyền thông và đầu tư phát triển cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các tác giả cũng chỉ ra điểm yếu hiện tại của các trung gian tài chính. Từ khóa: TAM, TPB, tiền mã hóa 1. GIỚI THIỆU Sự đổi mới của công nghệ Internet như Internet vạn vật củng cố và nâng cao trải nghiệm của các giao dịch thông minh và có thể dẫn đến mô hình kinh tế mới (Kshetri, 2017; Lee, 2019; Nadeem và cộng sự, 2020 - 2021; Shahzad và cộng sự, 2018). Cùng với phát minh của Blockchain, việc tạo ra tiền mã hóa đã đưa thị trường tài chính trên toàn thế giới sang một kỷ nguyên mới (Zhao và Zhang, 2021). Tiền mã hóa – một loại hình tiền kỹ thuật số – hấp dẫn bởi một số lợi thế về công nghệ và tài chính. Cụ thể, tiền mã hóa cung cấp các giao dịch ngang hàng, theo thời gian thực và nhanh chóng. Mặc dù các nhà nghiên cứu trước đây chưa đạt được sự đồng thuận về việc liệu tiền mã hóa có giá trị như một loại tiền tệ hay không, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng, tiền mã hóa có giá trị như một khoản đầu tư (Zhao và Zhang, 2021). * Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 450
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng tiền mã hóa ngày càng tăng những năm gần đây, cụ thể theo khảo sát từ CoinMarketcap (2021), Việt Nam đứng thứ 20/245 nước được dự đoán tiền mã hóa sẽ trở nên hợp pháp trong thời gian tới tính đến ngày 11/11/2021. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đứng thứ 53 về GDP (khoảng 262 tỷ USD), The Chainalysis đánh giá Việt Nam là điển hình cho một trong những quốc gia có mức độ tham gia vào các giao dịch tiền mã hóa không phụ thuộc vào thứ hàng của nền kinh tế. Từ thực tiễn ứng dụng của tiền mã hóa ở Việt Nam, có thể thấy mức độ sử dụng và sự chấp nhận của người dân Việt Nam đối với tiền mã hóa vẫn đang gia tăng và ở mức rất cao, bất chấp những rủi ro và các vấn đề pháp lý chưa hoàn chỉnh. Do đó, cần phải có nghiên cứu về thực trạng sử dụng tiền mã hóa cũng như làm rõ các yếu tố tác động đến sự chấp nhận của người dân Việt Nam, cuối cùng là đưa ra những đề xuất và giải pháp thiết thực giúp cho các cơ quan nhà nước quản lý việc ứng dụng tiền mã hóa hiệu quả hơn. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU 2.1. Ý định đối với hành vi sử dụng tiền mã hóa Ý định hành vi thường được định nghĩa là xác suất chủ quan của một cá nhân rằng người đó sẽ thực hiện một hành vi cụ thể (Fishbein và Ajzen, 1975). Ý định hành vi thể hiện sự sẵn sàng của một người để thực hiện một hành vi nhất định và là nhân tố dự đoán chính, là động lực tức thời của một hành vi thực tế (Ajzen, 2006; Fishbein và Ajzen, 2010). Ý định hành vi giúp người dùng chấp nhận những công nghệ hữu ích, hoặc từ chối những công nghệ không tốt. Trong phạm vi nghiên cứu này, ý định hành vi thể hiện ý định sử dụng tiền mã hóa của các cá nhân tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, chấp nhận tiền mã hóa là có ý định sử dụng loại tiền này. 2.2. Các giả thuyết nghiên cứu 2.2.1. Thái độ Theo mô hình TRA, thái độ là một trong những yếu tố chính quyết định ý định hành vi. Thái độ được định nghĩa là một cảm giác tích cực hoặc tiêu cực liên quan đến việc hoàn thành một mục tiêu (Fishbein và Azjen, 1975), thái độ đối với một hành vi có thể là tích cực, trung lập hoặc tiêu cực. Từ mô hình TRA và phát triển lên TPB, TAM, chúng thường được sử dụng thường xuyên để nghiên cứu các hành vi liên quan tới sự thay đổi, chấp nhận một công nghệ mới. Do đó, mô hình TAM và các kết quả nghiên cứu khác đã chấp nhận mối quan hệ tương quan giữa thái độ và ý định hành vi, và các tác động giữa hai nhân tố này. Nghiên cứu của Albayati và cộng sự (2020), Walton và cộng sự (2018) trong lĩnh vực tiền mã hóa, đều phát hiện thái độ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới ý định của khách hàng. Do đó, có thể đề xuất giả thiết: H1: Thái độ với tiền mã hóa có tác động tích cực đến với ý định sử dụng tiền mã hóa. 451
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.2.2. Nhận thức Nhận thức về công nghệ (sự tồn tại, lợi ích và cách sử dụng của nó) là cốt lõi để phổ biến công nghệ (Hall và Khan, 2003). Nhận thức đầy đủ về một công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định của người dân về việc áp dụng nó (Devanur và Fortnow, 2009; Shareef, Kumar, Kumar, và Dwivedi, 2011). Nhận thức về công nghệ và lợi ích của việc sử dụng nó là một yếu tố cốt lõi trong sự lan tỏa công nghệ đến người sử dụng. Nhận thức cũng là yếu tố then chốt để hiểu các khía cạnh khác nhau của công nghệ. Nhận thức đầy đủ sẽ giúp cá nhân chuyển từ ý định sang áp dụng công nghệ. Các nghiên cứu của Nicholls (2017), Shahzad và cộng sự (2018) đã chỉ ra nhận thức là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ý định sử dụng thanh toán hoặc đầu tư của cá nhân. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giả thuyết: H2: Nhận thức có tác động tích cực đối với ý định sử dụng tiền mã hóa. 2.2.3. Rủi ro Bauer là tác giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ “rủi ro được nhận thức”. Ông chỉ ra rằng, hành vi của người tiêu dùng có liên quan đến rủi ro. Theo nghĩa này, bất kỳ hành động nào được thực hiện sẽ tạo ra những hậu quả không thể lường trước được một cách chính xác, một số rủi ro xảy ra có thể không mong muốn (Bauer, 1967). Tương đồng với quan điểm trên, Murray và cộng sự (1990) cho rằng, rủi ro nhận thức được đề cập đến những tổn thất có thể xảy ra do những quyết định mà người tiêu dùng phải đưa ra trong những bối cảnh không chắc chắn. Shin Dong Hee (2008), trong nghiên cứu về các hành vi giao dịch với tiền mã hóa trên cộng đồng Web 2.0, đã kết luận rủi ro nhận thức chỉ gây ảnh hưởng nhỏ đến ý định mua. Nghiên cứu của Mendoza-Tello và cộng sự (2018), Arias-Oliva và cộng sự (2019), Yashar và cộng sự (2021) cho thấy rủi ro được nhận thức không đáng kể trong việc giải thích ý định sử dụng tiền mã hóa. Walton và cộng sự (2018) đã chỉ ra rằng, trong khi rủi ro bảo mật được nhận thức dường như không có ảnh hưởng đáng kể thì rủi ro niềm tin được nhận thức đã ảnh hưởng gián tiếp đến ý định sử dụng Bitcoin bằng cách ảnh hưởng đến cả thái độ và chuẩn mực chủ quan. Rủi ro được nhận thức có thể là một yếu tố quyết định trong quyết định tin tưởng lẫn nhau (Hong và cộng sự, 2013), tức là nếu người tiêu dùng kết hợp mức độ rủi ro cao với một giao dịch trực tuyến thì mức độ tin tưởng vào người bán sẽ giảm xuống và nhu cầu kiểm soát giao dịch tăng (Olivero và cộng sự, 2004). Gil-Cordero và cộng sự (2020) kết luận rằng, rủi ro nhận thức gián tiếp ảnh hưởng tới ý định sử dụng tiền mã hóa thông qua yếu tố niềm tin. Kết quả tương tự đối với nghiên cứu về Bitcoin của Walton và cộng sự (2018). Từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rủi ro và sự không chắc chắn là những lý do chính khiến người dùng hạn chế sử dụng tiền mã hóa. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất các giả thuyết: H3: Rủi ro có tác động tiêu cực đối với ý định sử dụng tiền mã hóa. H4: Rủi ro có tác động tiêu cực đến thái độ đối với tiền mã hóa. 452
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 2.2.4. Niềm tin Theo McCloskey (2006), niềm tin là sự thoải mái và an toàn mà người sử dụng có được khi dùng công nghệ. Niềm tin còn có thể hiểu là việc một cá nhân sẵn sàng dựa vào hoặc có ý định dựa vào một bên khác với cảm giác an toàn tương đối, mặc cho thiếu sự kiểm soát và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Keen (1997) cho rằng, niềm tin của khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua hàng trên Internet và các hoạt động liên quan tới sử dụng Internet. Niềm tin là yếu tố chính trong việc áp dụng bất kỳ một công nghệ mới nào (Tandon và cộng sự, 2018). Do đó, việc thiết lập niềm tin thành công trong một mạng lưới giao dịch có thể phát triển và áp dụng đối với tiền mã hóa. Kết quả từ nghiên cứu của Shazad và cộng sự (2018), Bakar và cộng sự (2017) đều chỉ ra niềm tin là nhân tố tác động tích cực đến ý định sử dụng tiền mã hóa. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Alaeddin và cộng sự (2018), Albayati và cộng sự (2020) cho thấy niềm tin có ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ với tiền mã hóa, qua đó ảnh hưởng tới ý định sử dụng tiền mã hóa. Từ những phân tích trên, giả thuyết được đặt ra là: H5: Niềm tin có tác động tích cực đến với thái độ đối với tiền mã hóa. 2.2.5. Tính hữu ích Mức độ hữu ích được nhận thức đề cập đến mức độ mà người dùng tin rằng, việc sử dụng công nghệ mới sẽ nâng cao hiệu suất của họ (Davis, 1989). Davis (1989), Davis và Warshaw (1989) nhận thấy sự can thiệp một phần của ý định có thể tác động đến niềm tin vào thái độ. Thái độ có mối quan hệ yếu với mức độ hữu ích được nhận thức, và ý định có ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ đến mức độ hữu ích được nhận thức. Lee (2009) đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng, tính hữu ích được cảm nhận ảnh hưởng tích cực đến thái độ đối với công nghệ. Và Walton và cộng sự (2018) đã đưa ra kết luận tương tự khi áp dụng với trường hợp cụ thể là Bitcoin, đồng thời bổ sung thêm ý kiến rằng, yếu tố này gián tiếp thông qua thái độ ảnh hưởng đến ý định sử dụng Bitcoin. Một nghiên cứu vào hai năm sau của Albayati và cộng sự (2020) cho kết quả tương tự với trường hợp tiền mã hóa nói chung. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất giả thuyết: H6: Tính hữu ích có tác động tích cực đến với thái độ đối với tiền mã hóa. 2.2.6. Tính dễ sử dụng Theo Davis (1989), tính dễ sử dụng được định nghĩa là “mức độ mà một người tin rằng, việc sử dụng một hệ thống cụ thể sẽ không tốn công sức”. Tính dễ sử dụng được nhận thức trong mô hình TAM là một trong hai nhân tố ảnh hưởng tới thái độ với một hành vi nhất định và có ảnh hưởng tới tính hữu ích được nhận thức. Tính dễ sử dụng là một nhân tố rất quan trọng vì Bitcoin sử dụng công nghệ chuỗi khối, một sự đổi mới trong khoa học máy tính mà nhiều người dùng không dễ để hiểu và vận hành nó (Meera, 2018). Theo Albayati và cộng sự (2020), tính dễ sử dụng là một trong ba nhân tố 453
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tác động tích cực đến thái độ của khách hàng đối với các ứng dụng sử dụng công nghệ chuỗi khối. Trong nghiên cứu của Walton và Johnston (2018), tính dễ sử dụng đã ảnh hưởng gián tiếp đến ý định sử dụng Bitcoin bằng cách ảnh hưởng đến cả thái độ. Phát hiện này đồng nhất với Wan và Hoblitzell (2014), Bitcoin sẽ cần phải giải quyết tính dễ sử dụng của nó để có được mức độ chấp nhận rộng rãi hơn. Đặc biệt là đối với những người có tuổi, họ không muốn sử dụng Bitcoin vì tính chất phức tạp và khó hiểu của nó. Từ kết quả của những nghiên cứu trước đây, giả thuyết được nhóm nghiên cứu đưa ra là: H7: Tính dễ sử dụng có tác động tích cực đến thái độ đối với tiền mã hóa. 2.2.7. Ảnh hưởng xã hội Theo Venkatesh và cộng sự (2003), ảnh hưởng xã hội được định nghĩa là mức độ một người nhận thức rằng, những người khác tin họ nên sử dụng công nghệ mới. Nó là một yếu tố quyết định trực tiếp đến ý định hành vi (Venkatesh và cộng sự, 2003). Cũng có thể hiểu, ảnh hưởng xã hội đề cập tới các chuẩn mực, vai trò và giá trị của một cá nhân, có ảnh hưởng đến nhận thức của một cá nhân khác về những gì họ đang làm. Ảnh hưởng xã hội có tác động sâu sắc đến hành vi của người dùng công nghệ mới. Trong trường hợp sử dụng tiền mã hóa, ảnh hưởng xã hội có thể ảnh hưởng đến việc chấp nhận và tin dùng của cá nhân. Một nghiên cứu của Baur và cộng sự (2015) về việc áp dụng Bitcoin đã nêu lên tầm quan trọng của ảnh hưởng xã hội tới vấn đề chấp nhận tiền mã hóa (Bitcoin) như một loại tiền tệ. Ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đối với ý định sử dụng, chấp nhận tiền mã hóa còn phù hợp với kết quả nghiên cứu của Almuraqab (2019), Albayati và cộng sự (2020), Gupta và cộng sự (2020), Arrias-Oliva và cộng sự (2020), Tamphakdiphanit và Laokulrach (2020)… Dựa trên những phân tích trên, nhóm nghiên cứu đề xuất giả thuyết: H8: Ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đối với ý định sử dụng tiền mã hóa. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU 3.1. Phương pháp nghiên cứu Nhóm nghiên cứu sử dụng đồng thời nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng trong bài nghiên cứu này. Đối với nghiên cứu định tính, các cuộc phỏng vấn đều được nhóm nghiên cứu thực hiện trực tuyến thông qua các phương tiện điện tử như điện thoại hoặc máy tính (với sự hỗ trợ của các nền tảng như: zoom, zalo). Các chuyên gia tham dự phỏng vấn gồm 14 người, bao gồm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền mã hóa, cụ thể là các chuyên gia có kinh nghiệm sử dụng, kinh nghiệm đầu tư lâu năm (từ một năm trở lên). Bên cạnh đó là sự góp mặt của chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu về tiền mã hóa và chuyên gia kinh tế lượng nhằm đảm bảo tính thực tiễn của đề tài cũng như độ phù hợp của mô hình. Nhóm tác giả cũng hẹn lịch trước với các đối tượng để có thể thu xếp nơi diễn ra cuộc họp thật yên tĩnh, không bị gián đoạn. Mỗi cuộc phỏng vấn có thời lượng trung bình từ 30 - 45 phút về các nội dung đã được chuẩn bị trước. Các đối tượng tham gia phỏng vấn sâu đều nhiệt tình trao đổi 454
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 về quan điểm riêng của bản thân. Kết quả của quá trình nghiên cứu định tính cho thấy, các chuyên gia cơ bản ủng hộ đề xuất của nhóm tác giả. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất thay đổi và bổ sung một số biến quan sát cho bài nghiên cứu hoàn thiện và phù hợp hơn với tình hình thực tế tại Việt Nam. Phương pháp khảo sát và thu thập dữ liệu: Sau khi thực hiện hiệu chỉnh bảng hỏi sau quá trình nghiên cứu định tính, nhóm tác giả thực hiện khảo sát trên diện rộng bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Kết quả mà nhóm nghiên cứu thu được 572 quan sát phù hợp. Phương pháp xử lý dữ liệu: Nhóm nghiên cứu sử dụng các phân tích kỹ thuật cơ bản (thống kê, Cronbach’s Alpha, EFA, CFA, SEM) bằng phần mềm SPSS22 và AMOS24. 3.2. Mô hình nghiên cứu Nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu điều tra ý định sử dụng tiền mã hóa của người dân Việt Nam: Hình 1. Mô hình nghiên cứu đề xuất Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả Mô hình gồm các biến: “Tính hữu ích được nhận thức” và “Tính dễ sử dụng được nhận thức” dựa trên mô hình chấp nhận công nghệ của Davis (1989) kết hợp với 4 nhân tố khác, bao gồm: “Nhận thức”, “Rủi ro được nhận thức”, “Niềm tin được nhận thức”, “Ảnh hưởng xã hội” được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây. Tất cả các thang đo mà nhóm nghiên cứu sử dụng đều được kế thừa có hiệu chỉnh sau quá trình nghiên cứu định tính. Trong đó, nhân tố: “Niềm tin”, “Nhận thức” và “Rủi ro” đều có 5 biến quan sát; nhân tố “Tính dễ sử dụng”, “Ảnh hưởng xã hội”, “Thái độ” đều gồm 4 biến quan sát; “Tính hữu ích” có 9 biến quan sát và “Ý định sử dụng tiền mã hóa” gồm 8 biến quan sát. 455
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu Trong số 572 quan sát đạt yêu cầu mà nhóm nghiên cứu nhận được, kết quả thống kê mô tả được trình bày trong Bảng 1. Bảng 1. Thống kê mẫu nghiên cứu Đặc điểm Tỷ lệ Nam 36,01% Giới tính Nữ 62,59% Không muốn chia sẻ 1,4% Từ trung học phổ thông hoặc trung cấp trở xuống 5,25% Trình độ học vấn Cao đẳng/Đại học 88,11% Sau đại học 6,64% Miền Bắc 77,27% Khu vực sống Miền Trung 6,99% Miền Nam 15,74% Đã kết hôn 4,2% Tình trạng hôn nhân Chưa kết hôn 95,8% Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu Tổng số đáp viên là nữ giới chiếm 62,69% cao hơn số lượng nam giới. Trình độ học vấn chủ yếu của những người tham gia khảo sát là trình độ cao đẳng/đại học tương ứng với 88,11% và có 6,64% người trong số họ có trình độ Sau đại học, chỉ 5,25% đạt trình độ trung học phổ thông hoặc trung cấp trở xuống. Các đáp viên phần lớn sống ở khu vực miền Bắc (77,27%), có 15,74% sống ở miền Nam và 6,99% sống tại miền Trung. Hầu hết những đáp viên đều chưa kết hôn với tỷ lệ 95,8%. 4.2. Kết quả của mô hình Trị số KMO theo kết quả của mô hình đạt được lần lượt là 0,901 và 0,874 chứng tỏ phân tích nhân tố là phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu. Kiểm định Bartlelt có ý nghĩa thống kê (sig = 0,000 < 0,05), chứng tỏ các biến quan sát trong các nhân tố có tương quan với nhau. Bảng 2. Hệ số KMO và kiểm định Bartlett’s KMO and Barlett’s Test cho các nhân tố độc lập của biến phụ thuộc “Thái độ” Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy. .901 Bartlett’s Test of Sphericity Approx. Chi-Square 7081.996 df 231 Sig. .000 456
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Bảng 3. Hệ số KMO và kiểm định Bartlett’s KMO and Barlett’s Test cho các nhân tố độc lập của biến phụ thuộc” Ý định” Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy. .874 Bartlett’s Test of Sphericity Approx. Chi-Square 5913.925 df 153 Sig. .000 Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 Đối với kiểm định phương sai trích của các yếu tố: Giá trị Eigenvalue (Initial Eigenvalues) của các nhân tố trong 2 mô hình đều lớn hơn 1. Bên cạnh đó, tổng phương sai trích của 4 nhân tố trong mỗi mô hình lần lượt là 64,560% > 50% và 69,369% > 50% cho thấy mô hình EFA là phù hợp và dữ liệu được chia thành các nhóm theo giả thuyết ban đầu của nhóm nghiên cứu. Kết quả phân tích CFA các chỉ tiêu đo lường độ phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị Chi-square/df = < 5; CFI > 0,9; TLI > 0,9; GFI > 0,8; hệ số RMSEA < 0,08, vì thế cả hai mô hình nghiên cứu đều có sự phù hợp với thị trường. Kết quả các giá trị P-value của các biến quan sát biểu diễn các nhân tố đều có giá trị bằng *** (tức là bằng 0,000), do đó các biến quan sát được khẳng định có khả năng biểu diễn tốt cho nhân tố trong mô hình CFA. Hình 2. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA cho mô hình các nhân tố tác động đến “Thái độ” Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 457
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 3. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA cho mô hình các nhân tố tác động đến “Ý định” Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 Hình 4. Kết quả SEM cho mô hình các nhân tố tác động đến “Thái độ” Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 458
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Hình 5. Kết quả SEM cho mô hình các nhân tố tác động đến “Ý định” Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 Các chỉ tiêu đo lường độ phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị Chi-square/df = 3.530 < 5, CFI= 0,955> 0,9, hệ số RMSEA = 0,071 < 0,08. Vì thế, mô hình đạt được sự phù hợp dữ liệu thị trường. Kết quả các giá trị P-value của các biến độc lập đều có giá trị thấp hơn giá trị 0,05 (với độ tin cậy là 95%), do đó, các biến độc lập đều thể hiện sự ảnh hưởng tới biến phụ thuộc. Bảng 4. Kết quả của mô hình SEM Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 459
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Từ kết quả Bảng 4, chúng ta thấy rằng, các nhân tố “Nhận thức”, “Rủi ro”, “Ảnh hưởng xã hội” có P-value bé hơn 0,05 (với độ tin cậy 95%), do đó, các biến trên đều thể hiện sự ảnh hưởng đến biến phụ thuộc “Thái độ”. Tương tự, các nhân tố “Tính hữu ích”, “Niềm tin”, “Tính dễ sử dụng” có P-value bé hơn 0,05 (với độ tin cậy 95%), do đó, các biến độc lập nêu trên đều thể hiện sự ảnh hưởng đến biến phụ thuộc “Ý định”. Bảng 5. Kết quả kiểm định giả thuyết Biến phụ thuộc Giả thuyết Hệ số hồi quy chuẩn hóa Hệ số Sig Kết quả kiểm định H1 0.582 0.000 Chấp nhận H2 0.325 0.000 Chấp nhận Ý định sử dụng tiền mã hóa H3 -0.176 0.000 Chấp nhận H8 0.043 0.269 Bác bỏ H4 0.043 0.178 Bác bỏ H5 0.238 0.000 Chấp nhận Thái độ đối với tiền mã hóa H6 0.490 0.000 Chấp nhận H7 0.260 0.000 Chấp nhận Nguồn: Kết quả từ SPSS 22 và AMOS 24 4.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu và hàm ý một số chính sách Dựa trên kết quả nghiên cứu của mô hình, một số vấn đề mà chúng tôi nhận thấy khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam như sau: Giả thuyết H2 được chấp nhận và có hệ số khá cao là 0,325. Như vậy, nhận thức của cá nhân có ảnh hưởng khá đáng kể đến ý định sử dụng tiền mã hóa của họ. Điều này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Shahzad và cộng sự (2018), Ayedh và cộng sự (2020); tuy nhiên trái ngược với kết quả nghiên cứu của Almuraqab (2019). Mặt khác, giả thuyết H8 không được chấp nhận, đồng nghĩa với việc các quan điểm của người thân, bạn bè, người giám sát, cấp trên... không ảnh hưởng đến quyết định sử dụng. Điều này trái ngược hoàn toàn với phần lớn các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, Arias-Oliva và cộng sự (2018) chỉ ra ảnh hưởng xã hội có tác động không đáng kể đến ý định sử dụng tiền mã hóa. Kết quả tương tự được khẳng định bởi Walton và cộng sự (2018), Ayedh và cộng sự (2020). Mặt khác, Almuraqab (2019) chỉ ra ảnh hưởng xã hội có tác động đáng kể đến ý định sử dụng tiền mã hóa. Và trong bối cảnh của Thái Lan, ảnh hưởng xã hội có tác động lớn nhất đối với ý định sử dụng tiền mã hóa (Tamphakdiphanit và Laokulrach, 2020). Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ ra do đặc tính của người Việt Nam ảnh hưởng đến quyết định của họ, họ khá chủ quan và tự tin vào hiểu biết của bản thân trong một lĩnh vực còn nhiều tính rủi ro. Kết quả nghiên cứu chỉ ra “Thái độ” là nhân tố có tác động mạnh nhất đến ý định với hệ số đã chuẩn hóa là 0,582, điều này hoàn toàn hợp lý khi bài nghiên cứu kế thừa mô hình nghiên cứu phần lớn từ mô hình Chấp nhận công nghệ (TAM) và kết quả kể trên cũng đồng 460
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 thuận với phần lớn các nghiên cứu trước đây cùng lĩnh vực. Trong đó, các giả thuyết H5, H6, H7 được chấp nhận, do đó, ta kết luận: “Tính hữu ích”, “Tính dễ sử dụng”, “Niềm tin” là các nhân tố có tác động tích cực đến thái độ đối với tiền mã hóa của mọi người. Kết quả trên tương tự với kết quả một số nghiên cứu trước đây của Alaeddin và cộng sự (2018), Walton và cộng sự (2018), Albayati và cộng sự (2020). Về khía cạnh tính hữu ích, một điểm nổi bật từ kết quả nghiên cứu này đó là các đối tượng nghiên cứu chú ý đến các đặc tính của tiền mã hóa như một công cụ lưu trữ an toàn và một công cụ thanh toán nhanh chóng, tiết kiệm nhiều hơn những lợi nhuận mà chúng mang lại. Cụ thể, nền tảng công nghệ của tiền mã hóa cho phép người dùng toàn quyền kiểm soát tài sản của họ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các trung gian tài chính. Tiếp tục đề cập đến vai trò của các trung gian tài chính hiện nay, việc các cá nhân ngày càng xem tiền mã hóa như một công cụ thanh toán tiện lợi với chi phí thấp đã làm nổi bật một số điểm yếu của các trung gian tài chính đó là sự giới hạn về không gian, thời gian và chi phí giao dịch quá lớn. Bên cạnh đó, tính dễ sử dụng và niềm tin của các cá nhân đối với tiền mã hóa cũng là các nhân tố góp phần thúc đẩy việc sử dụng tiền mã hóa cho các mục tiêu khác nhau. Thật vậy, kết quả chỉ ra tiền mã hóa mang lại sự tin cậy vì đảm bảo quyền riêng tư, công nghệ hiện đại có tính bảo mật cao và sự tin tưởng đối với các đối tác giao dịch khác như: người dùng, chủ sở hữu sàn giao dịch, các nền tảng liên quan... Vì vậy, Nhà nước nên chú ý đến những lợi ích kể trên của các công nghệ liên quan đến tiền mã hóa, tiếp tục đầu tư phát triển đồng tiền pháp định kỹ thuật số của quốc gia tương tự một số quốc gia như Trung Quốc đang thử nghiệm. Từ đó, có cơ hội giảm thiểu các giao dịch, thanh toán thông qua tiền mã hóa – điều cực kỳ khó kiểm soát – hiện nay. Đối với các trung gian tài chính, nên đặc biệt quan tâm đến các thông tin mà họ thu thập và kiểm soát ngay lúc này, bên cạnh đó là chi phí cho mỗi giao dịch. Có vẻ như tất cả các điều kể trên đều đang vượt quá giới hạn của các khách hàng cá nhân. Ngược lại, giả thuyết H4 không được chấp nhận. Tức là các rủi ro liên quan đến tiền mã hóa chưa đủ mức làm giảm thái độ đối với tiền mã hóa. Điều này trái ngược với kết quả nghiên cứu của Walton và cộng sự (2018). Nhưng xét đến khía cạnh tác động đến ý định chấp nhận và sử dụng tiền mã hóa thì chúng lại có ảnh hưởng tiêu cực không đáng kể với hệ số ảnh hưởng hay nói cách khác giả thuyết H3 được chấp nhận. Điều này đồng thuận với phần lớn các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, Mendoza-Tello và cộng sự (2018), Arias-Oliva và cộng sự (2019) cho thấy rủi ro được nhận thức không đáng kể trong việc giải thích ý định sử dụng tiền mã hóa. Ở góc độ khác, Walton và Johnston (2018) cho thấy rằng, rủi ro bảo mật được nhận thức không ảnh hưởng đến thái độ hoặc ý định sử dụng Bitcoin. Nhóm tác giả chỉ ra rằng, rủi ro không ảnh hưởng đến thái độ bởi thái độ của một cá nhân đối với một hành vi được xác định bởi niềm tin của người đó đối với kết quả của hành vi và đánh giá tiềm năng của các kết quả đó. Trong khi đó, tiền mã hóa mang lại rất nhiều hứa hẹn về lợi nhuận vượt trội cũng như các ứng dụng vượt trội trong thanh toán và quản lý tài sản kể trên, điều này đặt ra rất nhiều kỳ vọng cho người sử dụng. Một số khía cạnh của rủi ro được các đối tượng nghiên cứu quan tâm bao gồm: sự bay hơi (mất giá), các hoạt động bất hợp pháp, tin tặc (hacker), lỗi thiết bị... Có thể thấy, các hứa hẹn về lợi ích và tiềm năng mà tiền mã hóa mang lại đang 461
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA vượt trội so với các rủi ro có thể nhận thức, do đó hệ lụy là ở Việt Nam đang có rất nhiều các trường hợp bị lừa đảo đầu tư vào các sàn giao dịch ma và bị lôi kéo mua sắm các đồng tiền mã hóa không có giá trị nội tại, lừa đảo. Do vậy, để kiểm soát tốt hơn việc chấp nhận sử dụng tiền mã hóa trong cộng đồng, cơ quan các cấp cần có các phương pháp giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn về các rủi ro có thể gặp phải, thông qua các hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, cần quản lý tốt hơn các hoạt động truyền thông, quảng bá sai sự thật về tiền mã hóa, các sàn giao dịch của các công ty và các đối tác của họ. 5. KẾT LUẬN Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên sự kế thừa từ mô hình Chấp nhận công nghệ (TAM) và mô hình Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB). Kết quả nghiên cứu đã bổ sung những góc nhìn mới trong ý định sử dụng tiền mã hóa với bối cảnh Việt Nam – nơi còn hạn chế các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực. Đồng thời, nhóm tác giả chỉ ra, để có thể quản lý tốt hơn việc chấp nhận sử dụng tiền mã hóa trong cộng đồng, Nhà nước và các trung gian tài chính cần có những nhiệm vụ riêng biệt. Cụ thể, đối với Nhà nước, cần có biện pháp quản lý tốt hơn các hoạt động truyền thông sai sự thật, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng tiền pháp định kỹ thuật số. Về khía cạnh các trung tâm tài chính, họ cần xem xét lại những vấn đề như chi phí giao dịch và quyền riêng tư, từ đó có các đường lối, chiến thuật mới để cạnh tranh với công nghệ tiền mã hóa và tiếp tục phát triển trong tương lai. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng thừa nhận một số hạn chế sau: (1) chưa đưa ra được các chính sách quản lý cụ thể cho Nhà nước cũng như giải pháp cụ thể cho các trung gian tài chính. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm để giải quyết các vấn đề nhận được từ kết quả nghiên cứu; (2) hạn chế về đối tượng nghiên cứu. Chúng tôi nhận thấy đối tượng nghiên cứu chưa thực sự phân bổ một cách toàn diện và sẽ cố gắng để gia tăng đối tượng khảo sát ở các nhóm tuổi khác trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ajzen, I. (1985), “From intentions to actions: A theory of planned behavior”, In Action control, 11 - 39. Springer, Berlin, Heidelberg. 2. Ajzen, I. (2006), “Constructing a theory of planned behavior questionnaire: Conceptual and methodological considerations”, Retrieved September, 15, 2015. 3. Alaeddin, O., & Altounjy, R. (2018). “Trust, Technology Awareness and Satisfaction Effect into the Intention to Use Cryptocurrency among Generation Z in Malaysia”, Article in International Journal of Engineering and Technology, 7(4 - 29), 8 - 10. 4. Albayati H, Kim K & Rho J. J (2020), “Acceptance of financial transactions using blockchain technology and cryptocurrency: A customer perspective approach”, Technology in Society. 62(3), 101320. 462
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 5. Albayati, H., Kim, S. K., & Rho, J. J. (2020), “Accepting financial transactions using blockchain technology and cryptocurrency: A customer perspective approach”, Technology in Society, 62, 101320. 6. Alenazy, W. M., Al-Rahmi, W. M., & Khan, M. S. (2019), “Validation of TAM model on social media use for collaborative learning to enhance collaborative authoring”, Ieee Access, 7, 71550 - 71562. 7. Arias-Oliva, M., Pelegrín-Borondo, J., & Matías-Clavero, G. (2019), “Variables influencing cryptocurrency use: A technology acceptance model in Spain”, Frontiers in Psychology, 10(MAR), 1 - 13. 8. Ayedh, A., Echchabi, A., Battour, M., & Omar, M. (2020), “Malaysian Muslim investors’ behaviour towards the blockchain-based Bitcoin cryptocurrency market”, Journal of Islamic Marketing, 12(4), 690 - 704. 9. Bakar, N. A., Rosbi, S., & Uzaki, K. (2017), “Cryptocurrency framework diagnostics from Islamic finance perspective: a new insight of Bitcoin system transaction”, International Journal of Management Science and Business Administration, 4(1), 19 - 28. 10. Chaouali, W., Yahia, I. B., & Souiden, N. (2016), “The interplay of counter-conformity motivation, social influence, and trust in customers’ intention to adopt Internet banking services: The case of an emerging country”, Journal of Retailing and Consumer Services, 28, 209 - 218. 11. Davis, F. D. (1989), “Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology”, MIS quarterly, 13(3), 319 - 340. 12. Davis, F.D., R.P. Bagozzi, & P.R.J.M.s. Warshaw (1989), “User acceptance of computer technology: a comparison of two theoretical models”, Management science, 35(8), 982 - 1003. 13. Davis, F. D. J. M. q., “Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology”, MIS quarterly, 1989 - Sep: 319 - 340. 14. Devanur, N. R., & Fortnow, L. (2009), “A computational theory of awareness and decision making”, Proceedings of the 12th Conference on Theoretical Aspects of Rationality and Knowledge, 99 - 107. 15. Fishbein, M., & Ajzen, I. (1977), “Belief, attitude, intention, and behavior: An introduction to theory and research”, Philosophy and Rhetoric, 10(2), 130 - 132. 16. Fishbein, M., & Ajzen, I. (2011), Predicting and changing behavior: The reasoned action approach, Psychology press, USA. 17. Fulk, J. (2017), “Social construction of communication technology”, Academy of Management journal, 36(5), 921 - 950. 463
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 18. Gil-Cordero, Eloy; Cabrera-Sánchez, Juan Pedro; Arrás-Cortés & Manuel Jesús (2020), ‘Cryptocurrencies as a Financial Tool: Acceptance Factors’. Mathematics, 8(11), 1974, 1 - 16. 19. Hall, B. H., & Khan, B. (2003), “Adoption of new technology” (No. w9730), National Bureau of Economic Research, from https://www.nber.org/papers/w9730. 20. Hong, I.B. & Cha, H.S (2013), “The Mediating Role of Consumer Trust in an Online Merchant in Predicting Purchase Intention”, International Journal of Information Management, 33, 927 - 939. 21. Keen, P. G. (1997), “Are you ready for Trust Economy”, Computer World, 31(16), 80. 22. Kishore, S. K., & Sequeira, A. H. (2016), “An empirical investigation on mobile banking service adoption in rural Karnataka”, Sage Open, 6(1), 2158244016633731. 23. Lee, M.-C. (2009), “Factors influencing the adoption of internet banking: An integration of TAM and TPB with perceived risk and perceived benefit”, Electronic Commerce Research and Applications, 8(3), 130 - 141. 24. Mahfuz, M. A., Khanam, L., & Mutharasu, S. A. (2016, March), “The Influence of Website Quality on m-banking Services Adoption in Bangladesh: applying the UTAUT2 model using PLS”, 2016 International Conference on Electrical, Electronics, and Optimization Techniques (ICEEOT), 2329 - 2335. 25. McCloskey, D. W. (2006), “The importance of ease of use, usefulness, and trust to online consumers: An examination of the technology acceptance model with older customers”, Journal of Organizational and End User Computing (JOEUC), 18(3), 47 - 65. 26. Meera, A. K. M. (2018), “Cryptocurrencies from islamic perspectives: The case of bitcoin”, Buletin Ekonomi Moneter Dan Perbankan, 20(4), 475 - 492. 27. Mendoza-Tello, J. C., Mora, H., Pujol-López, F. A., & Lytras, M. D. (2019), “Disruptive innovation of cryptocurrencies in consumer acceptance and trust”, Information Systems and E-Business Management, 17(2 - 4), 195 - 222. 28. Mendoza-Tello, Julio C.; Mora, Higinio; Pujol-López, Francisco A. & Lytras, Miltiadis D. (2019), “Disruptive innovation of cryptocurrencies in consumer acceptance and trust”, Information Systems and e-Business Management, 17, 195 - 222. 29. Nicholls, G. (2017, September), “Bitcoin awareness and usage in Canada”, Staff Working Papers, 17 - 56. 30. Nisha, N. (2016), “Exploring the dimensions of mobile banking service quality: Implications for the banking sector”, International Journal of Business Analytics (IJBAN), 3(3), 60 - 76. 31. Olivero, N. & Lunt, P (2004), “Privacy versus Willingness to Disclose in E-Commerce Exchanges: The Effect of Risk Awareness on the Relative Role of Trust and Control”, Journal of Economic Psychology, 25, 243 - 262. 464
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 32. Rice, R. E., & Aydin, C. (1991), “Attitudes toward new organizational technology: Network proximity as a mechanism for social information processing”, Administrative science quarterly, 36(2), 219 - 244. 33. Saif Almuraqab, N. A. (2020), “Predicting determinants of the intention to use digital currency in the UAE: An empirical study”, Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries, 86(3), e12125, https://doi.org/10.1002/isd2.12125 34. Salloum, S. A., Alhamad, A. Q. M., Al-Emran, M., Monem, A. A., & Shaalan, K. (2019), “Exploring students’ acceptance of e-learning through the development of a comprehensive technology acceptance model”, IEEE access, 7, 128445 - 128462. 35. Shahzad, F., Xiu, G. Y., Wang, J., & Shahbaz, M. (2018), “An empirical investigation on the adoption of cryptocurrencies among the people of mainland China”, Technology in Society, 55, 33 - 40. 36. Shahzad, F., Xiu, G., Wang, J., & Shahbaz, M. (2018), “An empirical investigation on the adoption of cryptocurrencies among the people of mainland China”, Technology in Society, 55, 33 - 40. 37. Shareef, M. A., Kumar, V., Kumar, U., & Dwivedi, Y. K. (2011), “e-Government adoption model (GAM): Differing service maturity levels”, Government Information Quarterly, 28(1), 17 - 35. 38. Shin, D.H. (2008), “Understanding purchasing behaviors in a virtual economy: consumer behavior involving virtual currency in Web 2.0 communities”, Interacting with Computer, 20(4 - 5), 433 - 446. 39. Tamphakdiphanit, J., & Laokulrach, M. (2020), “Regulations and Behavioral Intention for Use Cryptocurrency in Thailand”, Journal of Applied Economic Sciences, 3(69), 523 - 531. https://doi.org/10.14505/jaes.v15.3(69).01 40. Tamphakdiphanit, J., Laokulrach, M. (2020), “Regulations and Behavioral Intention for Use Cryptocurrency in Thailand”, Journal of Applied Economic Sciences, 15(3), 523 - 531. 41. Ter Ji-Xi, J., Salamzadeh, Y. & Teoh, A.P. (2021), “Behavioral intention to use cryptocurrency in Malaysia: an empirical study”, The Bottom Line, Vol. 34 No. 2, 170 - 197. 42. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., & Davis, F. D. (2003), “User acceptance of information technology: Toward a unified view”, MIS quarterly, 27(3), 425 - 478. 43. Walton, A., & Johnston, K. (2018), “Exploring perceptions of bitcoin adoption: The south african virtual community perspective”, In Interdisciplinary Journal of Information, Knowledge, and Management, 13, 165 - 182. 44. Wan, T., & Hoblitzell, M. (2014a), Bitcoin: Fact. Fiction. Future, Retrieved from https:// dupress.deloitte.com/dup-us-en/topics/emerging-technologies/bitcoin-fact-fiction- future.html. 465
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Chi nhánh thành phố Cần Thơ
4 p | 243 | 35
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại Việt Nam
5 p | 308 | 34
-
Nghiên cứu các nhân tố ảnh huởng đến quyết định lựa chọn ngân hàng gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân tại Huế
9 p | 247 | 30
-
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
7 p | 175 | 15
-
Các nhân tố ảnh hưởng cấu trúc vốn từ mô hình tĩnh đến mô hình động: Nghiên cứu trong ngành bất động sản Việt Nam
17 p | 148 | 14
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
19 p | 197 | 14
-
Nghiên cứu ảnh hưởng các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến giá đất đô thị
5 p | 130 | 9
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ vay ngắn hạn của ngân hàng
9 p | 141 | 7
-
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS trên báo cáo tài chính - Áp dụng trường hợp chuẩn mực doanh thu tại các doanh nghiệp dịch vụ TP.HCM
13 p | 18 | 7
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng nhà ở của hộ gia đình tại thành phố Cần Thơ
3 p | 120 | 6
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ tín dụng ngân hàng dài hạn của các doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
8 p | 72 | 5
-
Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp: Dữ liệu tại các đơn vị trực thuộc tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO)
8 p | 120 | 4
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ tại Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
16 p | 108 | 4
-
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc sử dụng ví điện tử MOMO
6 p | 42 | 4
-
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví MOMO của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh
6 p | 29 | 3
-
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh trong việc sử dụng ví điện tử MOMO
7 p | 20 | 2
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách ở các nước Đông Nam Á
7 p | 12 | 2
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua Bảo hiểm nhân thọ Sun Life tại thành phố Hà Nội
5 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn