YOMEDIA
ADSENSE
Các nhân tố tạo triển vọng phát triển cho doanh nghiệp FDI giáo dục tại Việt Nam
23
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài nghiên cứu tập trung vào hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Các số liệu chỉ ra rằng FDI giáo dục chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn thu hút FDI, nhưng lại có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Các nhân tố tạo triển vọng phát triển cho doanh nghiệp FDI giáo dục tại Việt Nam
- CÁC NHÂN TỐ TẠO TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CHO DOANH NGHIỆP FDI GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM TS. Nguyễn Lan Anh1 Tóm tắt: Bài nghiên cứu tập trung vào hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Các số liệu chỉ ra rằng FDI giáo dục chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn thu hút FDI, nhưng lại có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế. Tác giả phân tích các nhân tố tạo nên triển vọng phát triển cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam: chính sách thu hút đầu tư, chủ động hội nhập giáo dục quốc tế, phụ huynh thay đổi quan điểm tiếp cận giáo dục, xu hướng du học tại chỗ, xuất hiện nhu cầu giáo dục quốc tế từ hội nhập và sự hiệu quả của các chính sách kiểm soát Covid-19. Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục. THE FACTORS ARE CAUSES OF DEVELOPMENT PROSPECTS FOR FDI ENTERPRISES IN THE EDUCATION SECTOR IN VIETNAM Abstract: This paper focuses on foreign direct investment in education and training sector in Vietnam. The data shows that FDI capital in education sector accounts for a low proportion of total FDI capital but it significantly impacts on the economic development. The author analyzes the factors that are causes of development prospects for FDI enterprises in education sector in Vietnam: policies for attracting investment, proactive international integration, changes of parents’ view on education, studying abroad in home country, rising demand for international education, effectiveness of the Covid-19 control policies in Vietnam. Keywords: Foreign Direct Investment, education and training, education system. MỞ ĐẦU Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự tăng trưởng của thị trường, nhu cầu về hoàn thiện, phát triển, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ ngày càng cao, mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn, thu hút các dòng vốn dồi dào ở cả trong nước và quốc tế. Tình trạng chung của đa số các quốc gia trên thế giới là tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) còn thấp, tuy có xu hướng tăng dần. Bên cạnh đó, tất cả các nền kinh tế đều mong muốn hỗ trợ, phát triển giáo dục (GD), bởi GD là con đường chính thống thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Nghiên cứu dữ liệu từ 1998 đến 2010 trên khoảng 90 quốc gia đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa việc thu hút dòng vốn FDI của một quốc gia và thành quả của hệ thống GD thông qua sự phù hợp giữa trình độ của người lao động và yêu cầu công việc (Élisé và Sampawende, 2020). Nâng cao chất lượng GD tạo môi trường hấp dẫn thu hút dòng FDI, gia tăng nguồn 1 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; Email: anhnl@vnu.edu.vn 769
- 770 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI vốn FDI tạo động lực phát triển kinh tế, kinh tế phát triển thúc đẩy cải tiến GD. Hiểu được mối liên hệ của vòng tròn tác động này, chính sách đầu tư cho GD của các quốc gia ngày càng cởi mở, không chỉ tạo hành lang thực thi thông thoáng cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo điều kiện đón dòng vốn FDI GD kèm theo chuyển giao công nghệ đào tạo. Để thúc đẩy phát triển GD, chỉ sử dụng các nguồn lực hữu hạn trong nước sẽ không thể khai thác hết các tiềm năng của thị trường với tốc độ tăng tưởng khiêm tốn. Chính vì vậy, khuyến khích thu hút FDI GD là chính sách được các quốc gia quan tâm và tạo nhiều hỗ trợ. FDI GD sẽ giúp đất nước tạo dòng vốn ổn định và tăng trưởng cho thị trường, tận dụng được các lợi thế sẵn có của bản địa, đồng thời chọn lọc các đặc điểm tiên tiến của nền GD thế giới giúp nền GD trong nước biến đổi chất lượng nhanh chóng. Các chính phủ xem xét đến các chính sách mở cửa thị trường, hạ thấp các rào cản của ngành GD đối với doanh nghiệp nước ngoài, mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, vận hành và hoạt động thị trường FDI GD mới chỉ nhận được sự quan tâm của Nhà nước và doanh nghiệp, mà chưa nhận được sự quan tâm xứng tầm của các nhà nghiên cứu. Số lượng các bài nghiên cứu quốc tế cũng như trong nước về lĩnh vực này rất hạn chế. Để có những đánh giá khách quan trước khi Nhà nước ra quyết định chính sách và nhà đầu tư ra quyết định đầu tư, lĩnh vực FDI GD cần nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học hơn nữa. Bài nghiên cứu này đóng góp vào việc tạo lập nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu hẹp về FDI GD, sẽ tập trung vào phân tích các nhân tố tạo triển vọng phát triển cho các doanh nghiệp FDI GD tại Việt Nam. Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch Covid-19, cùng với những số liệu khách quan về hoạt động FDI GD tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2021, tác giả sẽ phân tích để làm rõ 6 nhân tố có tác động tích cực vào triển vọng phát triển thị trường FDI GD tại Việt Nam trong tương lai. 1. BỐI CẢNH KINH TẾ MỚI 1.1. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng đến năm 2007, khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam mới thực sự đạt được dấu mốc về hội nhập toàn diện kinh tế quốc tế. Sau rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã tham gia đàm phán và thành công thiết lập mối quan hệ thương mại quốc tế với hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực bằng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) như AFTA, ACFTA, AKFTA, VKFTA…, và các FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Chủ động hội nhập, tích cực kết nối và thiện chí đàm phán đã giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình hội nhập của mình. Các hiệp ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ ra khỏi biên giới quốc gia, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam. Khi lựa chọn thị trường đầu tư, các nhà đầu tư có sự quan tâm nhất định đến thành quả mà hệ thống GD quốc gia đạt được. Thành quả của hệ thống GD thể hiện qua sự tương thích giữa chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực và yêu cầu năng lực của thị trường lao động. Có thể giải thích mối liên hệ này bởi một vài nguyên nhân. Thứ nhất, các nhà đầu tư FDI sẽ bị
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 771 thu hút bởi các quốc gia đang phát triển có lực lượng lao động sẵn có và phù hợp yêu cầu về chất lượng chuyên môn làm việc. Thứ hai, các doanh nghiệp FDI cần tìm kiếm các đối tác địa phương trong quá trình đầu tư, xây dựng và khai thác kinh tế, chính vì vậy họ sẽ quan tâm đến các địa phương hay doanh nghiệp nội địa có đủ nguồn nhân lực chất lượng. Thứ ba, nguồn nhân lực là nguồn lực quý giá của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp FDI có đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, đảm bảo chất lượng cả về thái độ, kiến thức, kỹ năng thì họ sẽ kéo dài thời gian và gia tăng các khoản đầu tư, hạn chế việc di chuyển đến các khu vực mới. Bởi các lý do trên, Việt Nam đã và đang đổi mới cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo ưu thế cạnh tranh và thu hút dòng vốn quốc tế. Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội giao thương và đầu tư quốc tế. Phát triển hệ thống GD, trong đó có đầu tư nước ngoài vào GD, giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn. 1.2. Đại dịch Covid-19 toàn cầu Xuất hiện từ cuối năm 2019 tại Trung Quốc và nhanh chóng lan ra toàn cầu, Covid-19 đã thực sự tạo thành một đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y học thế giới. Hơn 1,5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được chính xác nguồn gốc của virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Tính đến giữa năm 2021, có gần 185 triệu người trên thế giới đã được xác định là nhiễm bệnh, trong đó gần 4 triệu người đã tử vong. Với nỗ lực nghiên cứu vaccine, một số quốc gia như Mỹ, Nga, Anh… đã thành công điều chế và sản xuất vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên lượng vaccine sản xuất vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu thế giới. Bên cạnh đó, virus Sars-Cov-2 liên tục tạo ra các biến thể mới phức tạp hơn, đe dọa xóa bỏ nỗ lực nghiên cứu vaccine đã có. Tình trạng lây nhiễm bệnh đang chững lại vào cuối tháng 6/2021, nhưng chưa có dấu hiệu dừng hẳn lại, các quốc gia chưa thể dự báo về diễn biến sắp tới của đại dịch. Covid-19 không chỉ mang lại hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nó còn gây ra tác động tiêu cực vô cùng lớn đối với nền kinh tế thế giới. Từ khi xuất hiện kinh tế ngoại thương, lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia phải “tạm thời” đóng cửa nền kinh tế. Hạn chế xuất nhập cảnh công dân, hạn chế hàng hóa xuất nhập khẩu, hạn chế giao tiếp xã hội, giãn cách xã hội, cách ly xã hội… là một loạt các động thái các quốc gia cùng áp dụng, nhằm khoanh vùng dịch và hạn chế sự lây lan của virus. Các biện pháp này mang lại hiệu quả tích cực về mặt y tế, song lại có tác động tiêu cực về mặt kinh tế. Trong đại dịch Covid-19, đa số các quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng âm hoặc dương thấp. Thị trường nội địa đình trệ, thị trường quốc tế gần như đóng băng, các trường học và công sở áp dụng chế độ học tập và làm việc từ xa. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ tìm các điểm đến mới ít rủi ro nhằm bảo toàn tài chính trong ngắn hạn. Như vậy, tính bất ngờ và khó dự báo của Covid-19 đã tác động đến xu hướng đầu tư và các có khả năng làm thay đổi dòng vốn FDI vào các quốc gia. 2. ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO LĨNH VỰC GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM Trong số 19 lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam, GD&ĐT luôn thuộc nhóm 10 lĩnh vực chiếm tỷ trọng thu hút vốn FDI thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 0,3% của tổng số vốn FDI (Bảng 1).
- 772 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Có thể thấy rằng vốn đầu tư FDI vào GD có xu hướng tăng nhẹ tỷ trọng qua các năm. Nhưng nhìn về tổng thể, số vốn FDI đầu tư vào GD&ĐT vẫn còn rất nhỏ so với các lĩnh vực khác và so với tổng số vốn FDI mà Việt Nam thu hút được. Dư địa cho đầu tư vào GD tại Việt Nam còn rất lớn, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà đầu tư nhận ra được tiềm năng của thị trường. Bảng 1: Số vốn FDI giáo dục và tổng vốn FDI của Việt Nam giai đoạn 1/2014 – 6/2021 Đơn vị: Triệu USD Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp Thời gian Tỷ trọng Lĩnh vực GD&ĐT Tổng các lĩnh vực 2014a 15,27 22.460,85 0,07% 2014b 274,78 82.214,87 0,33% 2015a 6,32 17.207,52 0,04% 2015b 154,83 101.574,25 0,15% 2016a 52,46 37.038,56 0,14% 2016b 148,86 93.291,55 0,16% 2017a 13,96 54.663,40 0,03% 2017b 504,06 167.988,64 0,30% 2018a 98,99 48.696,91 0,20% 2018b 393,32 166.879,96 0,24% 2019a 210,13 70.980,55 0,30% 2019b 315,85 165.892,66 0,19% 2020a 181,96 62.240,43 0,29% 2020b 514,24 138.006,94 0,37% 2021a 164,78 59.062,90 0,28% Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Ghi chú: *a: 6 tháng đầu năm; *b: 6 tháng cuối năm Hình 1: Nguồn vốn và số dự án FDI lĩnh vực GD&ĐT tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 Nguồn: Tác giả xây dựng từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 773 Các dự án FDI cấp mới trong lĩnh vực GD vẫn tăng qua các năm (hình 1b) nhưng số vốn thu hút lại giảm dần (hình 1a). Bên cạnh đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần ghi nhận sự tăng trưởng ở cả số lượt giao dịch và số vốn thu hút được. Các quỹ đầu tư nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường đào tạo quốc tế tại Việt Nam nên sẵn sàng rót vốn, tuy nhiên để được cấp phép dự án mới sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực nên các quỹ hiện nay có xu hướng đầu tư vào việc góp vốn, mua cổ phần các dự án hiện hữu. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa lựa chọn được các dự án có tiềm năng tốt và đã có danh tiếng trên thị trường. Có thể kể đến một số thương vụ M&A thể hiện xu hướng góp vốn, mua cổ phần GD đang tăng lên tại Việt Nam như quỹ KKR đầu tư vào Tập đoàn GD EQuest, quỹ EQT đầu tư vào trung tâm tiếng Anh ILA, quỹ GD Cognita mua trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh ISHCMC và trường tiểu học Saigon Pearl… Các giao dịch M&A này tập trung vào GD mầm non và phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ và kỹ năng, công nghệ với quy mô lớn hoặc đơn vị khởi nghiệp mà ít quan tâm phân khúc trung bình. Riêng với đầu tư nước ngoài vào GD đại học (ĐH) tại Việt Nam còn khắt khe, yêu cầu các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai. Điển hình như trường hợp Tập đoàn GD EQuest nhận đầu tư từ quỹ KKR năm 2021, là các quỹ đã được đầu tư vào hệ thống GD có trên 20 năm kinh nghiệm, với 16 đơn vị thành viên, hơn 2.500 nhân sự. Hơn nữa, hoạt động GD của đơn vị sở tại đang rất phát triển, có uy tín và tạo lợi nhuận tốt cho các quỹ. Nhà đầu tư không phải lo về việc lập dự án mới hay đối mặt với rủi ro về phát triển thị trường địa phương. Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động cũng rất đa dạng, từ trường phổ thông đến cao đẳng nghề và ĐH, các trung tâm tiếng Anh, kỹ năng và các dự án edtech. Thương vụ KKR đầu tư vào EQuest 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ VND tại thời điểm đầu tư) để nắm quyền 63% cổ phần là thương vụ đầu tư nước ngoài vào đơn vị GD trong nước lớn nhất từ trước đến nay. Hình 2: Tổng dòng vốn FDI vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 01/2014 - 06/2021 Nguồn: Tác giả xây dựng từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 774 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Dòng vốn FDI rót vào GD cũng mang tính chu kỳ như các dòng FDI khác (Hình 2). Lượng vốn thấp ở 6 tháng đầu năm và tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, nếu như trước đây, mức độ chênh lệch về dòng vốn 2 giai đoạn trong năm là rất lớn, thì đến những năm 2018 – 2020, khoảng chênh lệch này đã dần nhỏ lại. Gần như không còn tình trạng nguồn vốn âm hoặc bằng 0 trong 6 tháng đầu năm và tăng vọt vào 6 tháng cuối năm, thay vào đó, nguồn vốn có xu hướng tăng đều từ tháng 1 đến tháng 12. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện các dòng tiền không bị ứ đọng và hạn chế tình trạng kẹt vốn hoạt động trên thị trường. Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có 5 trường ĐH quốc tế, gần 100 cơ sở GD phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài (các cấp học từ mầm non đến hết trung học phổ thông), hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế đang triển khai tại các trường ĐH. Với tiềm năng của thị trường GD Việt Nam, các con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần. Trong 5 ĐH quốc tế tại Việt Nam, RMIT có mặt sớm nhất, chính thức hoạt động từ năm 2001 đến nay có 2 cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần 20 năm hoạt động, năm 2020 RMIT được ghi nhận đạt doanh thu trên 1.800 tỷ đồng, là trường ĐH có doanh thu cao nhất Việt Nam (tính chung cả công lập, tư thục và quốc tế). Như vậy có thể thấy, với sự đầu tư bài bản về chất lượng và tài chính, các trường quốc tế hoàn toàn có thể đạt được kết quả hoạt động khả quan tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng cầu của thị trường dịch vụ GD chất lượng cao tại Việt Nam ngày càng tăng, trong khi lượng cung chưa đủ đáp ứng. 3. CÁC NHÂN TỐ TẠO TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CHO CÁC DOANH NGHIỆP FDI GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM 3.1. Chính sách thu hút đầu tư dịch vụ giáo dục Theo kết quả báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 của VCCI, có 1.600 doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Tính đến giữa năm 2021, dân số Việt Nam đạt 98 triệu dân, chiếm 1,25% dân số thế giới, đứng thứ 15 thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 37% dân số sống ở thành thị, dân số dưới 15 tuổi chiếm khoảng 25%, trung bình mỗi ngày có 4.234 trẻ em được sinh ra, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Có thể nói điều kiện chính sách và quy mô thị trường đang mở ra nhiều viễn cảnh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào GD&ĐT. Việt Nam kỳ vọng nhanh chóng cải thiện hệ thống GD, nhằm nâng tiêu chuẩn đào tạo và tiêu chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước phát triển. Khi chất lượng GD được cải thiện, người lao động sẽ có đủ năng lực, kỹ năng, thái độ để làm việc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp FDI mong muốn. Nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng là tiền đề tốt cho việc thu hút dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, trong đó có FDI GD. Dòng vốn FDI tăng trưởng sẽ tác động tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo điều kiện tăng đầu tư quốc gia vào GD. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp FDI GD góp phần tích cực vào sự phát triển của hệ thống GD Việt Nam. Mối quan hệ này (Hình 3) lý giải tại sao Việt Nam quan tâm đến việc thu hút đầu tư vào dịch vụ GD&ĐT.
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 775 Hình 3: Mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục và dòng vốn FDI Nguồn: Tác giả xây dựng Với định hướng mở cửa thu hút đầu tư vào GD, Việt Nam cầu thị lắng nghe các ý kiến phản ánh từ thị trường để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, các chính sách một cách hợp lý. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về Hợp tác, Đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD được đánh giá là cởi mở hơn cho doanh nghiệp FDI GD. Theo đó, tất cả các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài đều được phép thuê cơ sở vật chất ổn định để hoạt động, đảm bảo các quy định về thời gian tối thiểu của chu kỳ là 5 năm, cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn. Trước đó, chỉ những cơ sở GD đăng ký hoạt động dưới 20 năm mới được áp dụng quy định này. Nghị định 86 cũng tạo cơ hội cho các trường quốc tế mở rộng đối tượng tuyển sinh. Số học sinh Việt Nam được phép học chương trình nước ngoài là 50% tổng số học sinh học chương trình nước ngoài, thay thế cho giới hạn 10% học sinh tiểu học và trung học cơ sở, 20% học trung học phổ thông và các trường không được tiếp nhận học sinh mầm non người Việt. GD là ngành dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Một cơ sở GD được phép tuyển sinh và hoạt động cần phải có giấy phép thành lập cơ sở GD và giấy phép hoạt động GD. Quy định liên quan đến thẩm quyền cấp phép cho các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài cũng được ban hành theo hướng minh bạch, rõ ràng và cơ quan cấp phép đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để thực hiện việc cấp phép. Theo đó, tùy thuộc vào loại hình hoạt động, cấp học, loại hình hợp tác nước ngoài, đơn vị thấp nhất có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị thấp nhất có thẩm quyền cho phép hoạt động GD với cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài là sở GD&ĐT. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực GD&ĐT của Việt Nam có nhiều ưu thế. Việt Nam cho phép doanh nghiệp GD có 100% vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó Thái Lan, Indonesia và Philippines chỉ giới hạn ở các mức lần lượt là 50%, 49% và 40%. Indonesia cũng không có phép hoạt động đầu tư GD nhằm mục đích lợi nhuận. Singapore không cho phép các trường quốc tế được tuyển sinh học sinh bản địa.
- 776 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Maylaysia và Philippines có quy định về mức thu học phí của học sinh K-12 (từ tiểu học đến hết trung học phổ thông), trong khi đó Việt Nam cho phép các trường tự xây dựng biểu phí trên tinh thần tự thỏa thuận và đạt đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Với bậc ĐH, Việt Nam thắt chặt quy định đầu tư nước ngoài hơn so với các loại hình khác. Các doanh nghiệp muốn thành lập cơ sở GD ĐH có vốn đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam khi chọn lọc các đối tác chất lượng, triển khai hoạt động bài bản nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tham gia ngay vào thị trường lao động khi vừa tốt nghiệp. 3.2. Chủ động hội nhập giáo dục quốc tế Với lợi thế về dân số đông và đang ở độ tuổi vàng, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư GD. Để nâng cao chất lượng chung của ngành, cần một lượng vốn lớn và bền vững được rót vào hệ thống GD. Nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống tài chính quốc gia, tăng hiệu suất đầu tư, Việt Nam khuyến khích mở cửa các trường học xã hội hóa, trường học tư thục. Điển hình như khối ĐH, hiện nay các trường ngoài công lập đang đào tạo khoảng 20% trên tống số sinh viên (bảng 2), Việt Nam kỳ vọng con số này sẽ sớm tăng lên, đạt 30%. Bảng 2: Quy mô của hệ thống giáo dục Việt Nam năm học 2019 – 2020 Số trường Số học sinh Cấp học Công lập Tư thục Tổng Công lập Tư thục Tổng Mầm non 12.104 2.937 15.041 4.095.002 1.000.035 5.095.037 Tiểu học 12.827 134 12.961 8.596.716 121.640 8.718.356 THCS* 10.715 55 10.770 5.523.009 76.909 5.599.918 THPT** 2.395 463 2.858 2.429.903 218.794 2.648.697 ĐH 172 65 237 1.359.402 313.479 1.672.881 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các thống kê của Bộ GD&ĐT *: Bao gồm các trường THCS, Tiểu học – THCS **: Bao gồm các trường THPT, THCS – THPT, Tiểu học – THCS - THPT Xét từ phía khối ngoài công lập, các cơ sở GD không chỉ xây dựng chương trình đào tạo theo khung mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, họ còn đầu tư bài bản về nghiên cứu phát triển, áp dụng các phương pháp tiên tiến. Xu hướng này vừa giúp các trường tư thục tạo lợi thế cạnh tranh, vừa tạo sức ép phải cải tiến lên hệ thống công lập. Bộ GD&ĐT Việt Nam cũng cởi mở trong việc tiếp nhận các phương pháp GD tiên tiến, mở nhiều cuộc hội thảo quốc gia cũng như các đề án nghiên cứu về áp dụng các phương pháp vào điều kiện thực tế trong nước. Giai đoạn 2015 – 2020, các phương pháp và chương trình đào tạo phát triển mạnh mẽ nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Với cấp học mầm non, thị trường chào đón sự nở rộ của các trường học Montessori, Steiner, Reggio Emilia, IPC, trường theo định hướng GD Phần Lan, Nhật Bản… Với cấp phổ thông (từ tiểu học đến hết trung học cơ sở), đa số trường học tại các tỉnh thành lớn có định hướng lựa chọn phát triển theo hệ thống đánh giá chuẩn quốc tế. Chuẩn đánh
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 777 giá uy tín được tin tưởng nhất là CIS (Council of International Schools – Hội đồng các trường quốc tế: tổ chức kiểm định GD quốc tế). Đến tháng 6/2021, Việt Nam có 15 trường được nhắc tên trên bản đồ CIS toàn cầu, đều là các trường có vốn đầu tư nước ngoài, tất cả đều tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (Phụ lục). Ngoài các đánh giá kiểm định, các trường học Việt Nam cũng lựa chọn các chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực đầu ra cho người học. Chương trình phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là Cambridge. Đến tháng 6/2021, đã có 61 trường học Việt Nam tại 12 thành phố đạt chuẩn đào tạo chương trình Cambridge (hình 4), cùng với hơn 10.000 trường học khác trên hơn 160 quốc gia. Hình 4: Phân bố trường học Cambridge tại Việt Nam Nguồn: Tác giả tổng hợp từ https://www.cambridgeinternational.org/ Với hệ ĐH, định hướng hội nhập, liên kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Hàng tháng, Bộ GD&ĐT đều công bố danh sách các cơ sở GD đạt các tiêu chuẩn kiểm định. Hàng năm, hàng trăm chương trình đào tạo quốc tế được Bộ GD&ĐT đồng ý tuyển sinh cũng được công bố công khai. Cởi mở trong tiếp nhận các xu hướng GD tiên tiến trên thế giới, không bảo thủ trong tiếp cận lộ trình đào tạo là một trong những điều kiện tiên quyết giúp GD Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế, đồng thời mở ra các cơ hội vàng cho đầu tư nước ngoài vào GD&ĐT. 3.3. Phụ huynh thay đổi quan điểm tiếp cận giáo dục Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, số lượng học sinh Việt Nam tiếp cận với hình thức học tập trực tuyến hoặc học tập điện tử còn rất hạn chế. Không thể phủ nhận được hiệu quả của các lớp học tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, nhưng các lớp học như vậy lại không thể được tổ chức trong giai đoạn căng thẳng của dịch Covid-19. Phụ huynh bắt buộc phải chấp nhận hình thức học tập trực tuyến, đồng thời tìm hiểu về các ứng dụng hoặc mô hình lớp học trực tuyến phụ trợ nhằm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh sau giờ chính khóa. Đây chính là cơ hội mở ra cho các hoạt động công nghệ GD (Edtech).
- 778 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Trên thế giới, Edtech có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong một thập kỷ qua. Với sự cởi mở hiện nay của các phụ huynh Việt Nam, cơ hội phát triển của mảng sản phẩm này là rất lớn. Các ứng dụng của Việt Nam đã được đánh giá cao trên thế giới và thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, có thể kể đến như ELSA Speak, Edmicro, Educa. Các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng khi rót vốn vào lĩnh vực Edtech do đặc thù quy mô thị trường có thể phát triển tốc độ nhanh và không giới hạn, chi phí đầu tư và duy trì thấp so với các sản phẩm GD truyền thống. Với nỗ lực cải cách GD qua nhiều thập kỷ, dân trí của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Thế hệ phụ huynh hiện tại ở Việt Nam đa phần được đào tạo trong hệ thống GD quốc gia chuẩn mực, một bộ phận đi du học và trở về nước làm việc. Với mặt bằng dân trí như vậy, phụ huynh hoàn toàn có thể tự tìm hiểu về các xu hướng GD trên thế giới và định hướng lộ trình học tập cho con. Do vậy, phụ huynh dễ dàng đón nhận các phương pháp và chương trình đào tạo mới mẻ, ưa chuộng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giải thích cho việc các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có định hướng áp dụng chương trình quốc tế đều có khả năng thành công cao tại Việt Nam. Quan điểm tiếp cận GD của phụ huynh thay đổi theo hướng hội nhập cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp FDI GD dễ dàng phát triển. 3.4. Xu hướng du học tại chỗ Kinh tế phát triển giúp thu nhập của người dân được cải thiện, các khoản chi dành cho GD được tăng lên. Giai đoạn 1990 – 2000, đối tượng đi du học chủ yếu là các học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ đi học nâng cao kiến thức chuyên ngành sau khi đã hoàn thành chương trình ĐH tại Việt Nam. Thập kỷ sau đó, số lượng học sinh đi du học chương trình ĐH bắt đầu gia tăng nhanh chóng. Cùng với sự tăng lên về số lượng, chất lượng của các hồ sơ du học cũng ngày càng tốt lên. Không chỉ còn học sinh đi du học tự túc mà rất nhiều tài năng đi học theo diện học bổng, được các trường danh tiếng trên thế giới tiếp nhận. Xu hướng trẻ hóa độ tuổi du học không dừng lại ở đó. Nhiều năm gần đây, học sinh Việt Nam lựa chọn học trung học phổ thông tại nước ngoài ngày càng nhiều. Như vậy độ tuổi học sinh đi du học ngày càng nhỏ, thời gian học tập tại nước ngoài ngày càng dài và nguồn tài chính chảy ra khỏi Việt Nam ngày càng lớn. Với sự xuất hiện của các trường quốc tế, thị trường dịch vụ GD Việt Nam có cơ hội thu hút được chính nguồn khách hàng dồi dào này. Nếu thập niên đầu thế kỷ XXI người Việt Nam đi du học vì mong muốn được học những kiến thức và kỹ năng không được dạy tại trường học Việt Nam, thì hiện nay các chương trình này đã có sẵn tại Việt Nam do các trường học quốc tế cung ứng như Fullbright Việt Nam (FUV), ĐH Mỹ tại Việt Nam (AUV), ĐH RMIT, ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV). So với việc đi du học nước ngoài thì du học tại chỗ tiết kiệm chi phí hơn với cùng chương trình đào tạo và bằng cấp. Các trường có vốn đầu tư nước ngoài mở ra tại Việt Nam giúp giấc mơ du học trở nên gần gũi hơn với nhiều học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, một số gia đình sẽ lựa chọn học các chương trình liên kết với một phần khóa học tại Việt Nam và một phần khóa học tại nước ngoài. Hình thức này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp học viên có được đầy đủ trải nghiệm như du học sinh toàn khóa. Một thực trạng của thị trường lao động Việt Nam là rất nhiều bạn đi du học với chi phí đắt đỏ, nhưng về nước khó tìm được việc làm phù hợp với mong muốn cá nhân. Học viên du học
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 779 tại chỗ với chi phí tiết kiệm hơn, vừa được tiếp cận kiến thức, kỹ năng chuẩn quốc tế, vừa thông hiểu thị trường nội địa, nên sẽ nhanh chóng gia nhập vào đội ngũ lao động chất lượng cao ngay sau khi học viên tốt nghiệp. Nhóm người này đủ năng lực làm việc trong môi trường yêu cầu cao, đồng thời dễ hòa nhập với các đặc điểm của thị trường lao động trong nước. Một điểm quan trọng, khi chương trình đào tạo quốc tế được tổ chức ngay tại Việt Nam, nhờ chi phí hợp lý nên số người tiếp cận sẽ nhiều hơn, giúp nâng cao mặt bằng chất lượng GD cũng như kết quả đầu ra của khóa học. Như mô tả tại hình 3, cải thiện mặt bằng GD sẽ thúc đẩy thu hút vốn FDI, trong đó có FDI GD. Năm 2020, Việt Nam có gần 200.000 du học sinh ở nước ngoài, thể hiện nhu cầu học tập quốc tế của Việt Nam là rất lớn. Tạo môi trường học tập quốc tế ngay tại quê nhà chính là thị trường du học tại chỗ tiềm năng để các doanh nghiệp FDI GD khai thác. 3.5. Nhu cầu giáo dục quốc tế phát sinh từ hội nhập kinh tế quốc tế Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định song phương và đa phương về thương mại, dịch vụ. Nhờ có các thỏa thuận cởi mở, Việt Nam được nhiều công ty đa quốc gia lựa chọn đầu tư như Samsung, Panasonic, Toyota… Quy mô của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam càng lớn, số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc càng nhiều. Trung bình số lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng 8%/năm. Các vị trí làm việc của nhóm lao động này thông thường là nhân sự cấp cao, chuyên gia của các công ty FDI với mức thu nhập cao. Người lao động nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam sẽ đưa gia đình sang cùng sinh sống, từ đó phát sinh nhu cầu học tập cho con em tại các trường quốc tế. Sự phát triển của hoạt động FDI tại Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI GD tăng trưởng. Hơn 20 năm qua, số dự án FDI được cấp mới tại Việt Nam ngày càng tăng, kèm với đó là sự gia tăng về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện mặt bằng chung của chất lượng GD, nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh và người lao động. Đây chính là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mảng GD ngoại ngữ, kỹ năng, năng lực cá nhân. Bảng 3: Lũy kế số dự án FDI vào Việt Nam từ năm 1988 đến 2021 FDI GD&ĐT Tổng FDI Tỷ trọng (%) Lũy kế số dự án cấp mới từ năm 1988 600 33.787 1,78% Lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký từ năm 1988 4.423,21 397.886,67 1,11% (triệu USD) Nguồn: Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hiện nay Việt Nam có 600 dự án đầu tư nước ngoài vào GD&ĐT với tổng vốn đầu tư hơn 4,4 tỷ USD (bảng 3). So với FDI của cả nước, FDI GD còn khiêm tốn về cả số lượng và quy mô vốn. GD là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn, thời gian hoàn vốn dài, vì vậy số lượng doanh nghiệp có khả năng thâm nhập thị trường không nhiều. Tuy nhiên, vòng đời của sản phẩm GD dài, khả năng khai thác kinh tế bền vững nên các doanh nghiệp khi đã tạo được nền móng thì sẽ được gặt hái lợi ích lâu dài. Các nhà đầu tư chuyên về GD lại quan tâm đến các nước đang phát triển như Việt Nam. Số dự án và số vốn thấp thể hiện dư địa của thị trường còn lớn, chính là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư rót vốn.
- 780 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI 3.6. Kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 Năm 2020, Việt Nam có gần 200.000 du học sinh ở khắp 5 Châu Lục. Covid-19 xảy ra bất ngờ, mang lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, chưa có quốc gia nào đưa ra được những dự báo hợp lý về diễn biến của dịch bệnh. Sau một thời gian hứng chịu tổn thất nặng nề về số người tử vong, các quốc gia siết chặt hoạt động kinh tế và giao tiếp bằng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội. Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài không đến trường mà tham gia học tập trực tuyến, việc sinh hoạt trở nên bất tiện, xã hội bất ổn với sự xuất hiện của biểu tình và dịch bệnh ở nhiều nơi. Số lượng đông đảo du học sinh Việt Nam tập trung ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á (Hình 5) là những nơi chiu thiệt hại nặng nề nhất của Covid-19 vào năm 2020. Trong khi đó, năm 2020, Việt Nam kiểm soát khá tốt tình hình Covid-19 so với thế giới, nhiều gia đình đã lựa chọn cho con về nước để đảm bảo an toàn. Hình 5: Số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài năm 2020 Nguồn: Tác giả xây dựng dựa trên số liệu của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Bối cảnh Covid-19 đã tạo ra sự chuyển biến trong cách đánh giá của phụ huynh về thứ tự ưu tiên khi lựa chọn trường học cho con. An toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Điều đó lý giải tại sao có nhiều gia đình có dự định cho con đi du học đã chuyển hướng sang du học tại chỗ. Hình 6: Tình hình Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á từ 01/2020 đến 06/2021 Nguồn: Dữ liệu từ WordOMeter, sơ đồ bởi https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-viet-nam Đơn vị: M: triệu, K: nghìn
- INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 781 Xét từ góc nhìn của nhà đầu tư, thị trường ổn định là yếu tố quan trọng. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh (Hình 6). Học sinh tại Việt Nam vẫn được đảm bảo các quyền lợi học tập dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, linh hoạt theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại từng thời kỳ và từng địa phương. Các quyết sách của Việt Nam để đối phó với Covid-19 được đánh giá cao và hoạt động tài chính của các trường quốc tế ít bị ảnh hưởng. Tiêu chí đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu, đảm bảo mục tiêu kép về y tế và kinh tế mà Việt Nam đã vận dụng thời gian vừa qua cũng phản ánh cách thức lựa chọn phương án giải quyết vấn đề của Việt Nam khi đối mặt với khủng hoảng. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được bảo vệ bình đẳng như đơn vị bản địa, Chính Phủ sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hạn chế bị đứt gãy hoạt động. Với hiệu quả đã đạt được, các doanh nghiệp FDI GD càng củng cố niềm tin vào thị trường Việt Nam. KẾT LUẬN Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực GD&ĐT tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển tích cực, quy mô thị trường tăng về cả số dự án và tổng nguồn vốn thực hiện. Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, nhưng hiệu quả của FDI GD lại có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế. Loại hình hoạt động GD có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam rất đa dạng: trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường ĐH, trung tâm tiếng Anh, trung tâm kỹ năng, ứng dụng công nghệ GD. Có thể nói Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư GD tại thị trường Đông Nam Á nhờ các nhân tố tạo triển vọng phát triển mạnh mẽ: chính sách thu hút đầu tư, chủ động hội nhập GD quốc tế, phụ huynh thay đổi quan điểm tiếp cận GD, xu hướng du học tại chỗ, xuất hiện nhu cầu GD quốc tế từ hội nhập và sự hiệu quả của các chính sách kiểm soát Covid-19. Nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực GD&ĐT là hướng nghiên cứu mới tại Việt Nam, cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu như: rào cản gia nhập thị trường GD Việt Nam của các doanh nghiệp FDI; tiếp cận dòng vốn FDI hiệu quả trong lĩnh vực GD Việt Nam; nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI trong lĩnh vực GD tại Việt Nam… Các nghiên cứu chuyên sâu sẽ cung cấp thêm thông tin và luận điểm giúp doanh nghiệp và Nhà nước có các quyết sách hợp lý, gia tăng hiệu quả của dòng vốn FDI vào GD&ĐT. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ABP (2021), Investing in ASEAN 2021 – 2022, ASEAN Business Partners report 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thống kê số liệu các cấp năm học 2019 – 2020, https://moet.gov.vn/thong-ke/ Pages/thong-ke.aspx 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Website công khai thông tin và tiến độ giải quyết hồ sơ http://www.mpi.gov. vn/congkhaithongtin/Pages/solieudautunuocngoai.aspx 4. Cambridge, https://www.cambridgeinternational.org/ 5. Chính Phủ, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về Hợp tác, Đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 06 năm 2018 6. Council of International School, https://www.cois.org
- 782 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI 7. Department for International Trade (2017), Education opportunities in South-East Asia and Sri Lanka 8. EQuest (2021), EQuest Profile: Thông tin về Tập đoàn giáo dục EQuest 9. Élisé Wendlassida Miningou, Sampawende Jules Tapsoba (2020), Education systems and foreign direct investment: does external efficiency matter?, Journal of applied economics, Vol. 23, No. 1, Pages 583-599 10. Lâm Thùy Dương (2021), Vai trò của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 4/2021 11. Sameera Sultana Bahmaid (2013), Study on Foreign Direct Investment in Education, International Journal of Advannced Trends in Computer Science and Engineering, Vol.2, No.1, Pages 519 – 531. 12. VCCI (2021), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam PCI 2020, đăng tại https://pcivietnam. vn/ PHỤ LỤC: CÁC TRƯỜNG QUỐC TẾ LÀ THÀNH VIÊN CIS TẠI VIỆT NAM Trường Thành phố Chương trình học thuật Canadian International School - Vietnam Hồ Chí Minh IBDP International Schools of North America Hồ Chí Minh IBDP, IBMYP, IBPYP American International School Vietnam Hồ Chí Minh IBDP, IBMYP, IBPYP Australian International School, Vietnam Hồ Chí Minh IBDP, IBPYP, IGCSE British International School Hanoi Hà Nội IBDP, IGCSE, IPC British International School, Ho Chi Minh City Hồ Chí Minh Không có thông tin British Vietnamese International School, Hanoi Hà Nội Không có thông tin British Vietnamese International School, HCMC Hồ Chí Minh A Level, IGCSE, IPC European International School Ho Chi Minh City Hồ Chí Minh IBDP, IBMYP, IBPYP Hanoi International School Hà Nội IBDP, IBMYP, IBPYP International School Ho Chi Minh City Hồ Chí Minh IBDP, IBMYP, IBPYP International School Ho Chi Minh City - American Academy Hồ Chí Minh Không có thông tin International School Saigon Pearl Hồ Chí Minh Không có thông tin Renaissance International School Saigon Hồ Chí Minh IBDP, IGCSE, IPC United Nations International School of Hanoi Hà Nội IBDP, IBMYP, IBPYP Nguồn: Tác giả tổng hợp từ https://www.cois.org/membership-directory
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn