intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2020-2025

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Các tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2020-2025" đánh giá về phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch thông qua 10 tiêu chí đánh giá cụ thể áp dụng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ với mong muốn góp phần phát triển kinh tế chung của huyện đảo, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên đảo. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2020-2025

  1. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI HUYỆN ĐẢO BẠCH LONG VĨ GIAI ĐOẠN 2020-2025 TS. Nguyễn Thị Tâm, TS. Võ Thu Hà ThS. Nguyễn Thúy An, ThS. Phạm Hương Giang Trường Đại học Hải Phòng Email: tamnt@dhhp.edu.vn Tóm tắt: Hải Phòng là thành phố công nghiệp có bề dày phát triển, theo định hướng mới Hải Phòng sẽ trở thành Thành phố quốc tế, điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước. Do đó phát triển kinh tế xanh là hướng đi chủ đạo để xây dựng tất cả các địa phương thuộc thành phố trong đó có cả huyện đảo Bạch Long Vĩ. Trong các xu hướng phát triển kinh tế của huyện đảo thì định hướng phát triển hoạt động dịch vụ du lịch cũng là mục tiêu quan trọng nhằm phát triển huyện đảo trong tương lai. Mặc dù hoạt động khai thác du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ chưa thu hút đươc nhiều du khách và nhà đầu tư do khó khăn về khoảng cách và phương tiện di chuyển, nhưng với sự phong phú về nguồn lợi hải sản và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ yên bình sẽ là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách và phát triển ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng tại Bạch Long Vĩ rất cần có sự quy hoạch đảm bảo phát triển mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy hải sản nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch là một xu hướng tất yếu. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tác giả nghiên cứu sẽ đánh giá về phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch thông qua 10 tiêu chí đánh giá cụ thể áp dụng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ với mong muốn góp phần phát triển kinh tế chung của huyện đảo, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên đảo. Từ khóa: Phát triển kinh tế xanh, huyện đảo Bạch Long Vĩ, du lịch xanh CRITERIA FOR EVALUATING GREEN ECONOMIC DEVELOPMENT OF TOURISM ACTIVITIES IN BACH LONG VY ISLAND DISTRICT IN 2020-2025 Asbtract: Hai Phong is an industrial city with a long history of development. Under the new orientation, Hai Phong will become an international city, a famous destination of both domestic and foreign visitors. Therefore, developing green economy is the main direction to build all localities of the city, including Bach Long Vi island district. Among the economic development trends of the island district, the orientation to develop tourism services is an important goal to develop the island district in the future. Although tourism activities in Bach Long Vi island district have not attracted many tourists and investors due to the difficulty of distance and means of transportation, the abundance of seafood resources, peaceful and intact nature will be important factors to attract tourists and develop the local tourism. However, Bach Long Vi’s economic development in general and the service industry in particular need planning to ensure development without affecting the natural landscape as well as protecting 640
  2. the environment and aquatic resources, ensuring its sustainable development. Therefore, developing a green economy in the field of tourism is an inevitable trend. Within the scope of the research, the author will evaluate green economic development in the field of tourism through specific evaluation criteria for Bach Long Vi island district with the desire to contribute to the development of the island district's economy, creating jobs and improving the quality of life for the locals. Key words: Developing green economy, Bach Long Vi island district, green tourism 1. Đặt vấn đề Phát triển kinh tế xanh là một định hướng quan trọng trong chính sách phát triển của thành phố Hải Phòng. Tăng trưởng kinh tế xanh phải dựa vào thể chế và phương pháp quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước. Tăng trưởng kinh tế xanh định hướng vào đầu tư công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh. Đầu tư là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh. Kinh tế xanh là sự nghiệp của hệ thống chính trị, toàn dân, toàn cộng đồng doanh nghiệp các cơ quan tổ chức với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại. Đặc biệt, để hiện thực hóa “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã mạnh dạn đề xuất Trung ương lựa chọn Hải Phòng là địa phương áp dụng thí điểm “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp”. Như vậy, hướng tới mô hình tăng trưởng xanh là mục tiêu đã được Hải Phòng đề ra rất cụ thể, như khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi còn giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng: “Đây chính là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển bền vững”. Do đó phát triển kinh tế xanh là hướng đi chủ đạo để xây dựng tất cả các địa phương thuộc thành phố trong đó có cả huyện đảo Bạch Long Vĩ. Với vị trí cảnh quan đặc biệt và nguồn tài nguyên biển phong phú, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã xây dựng các chủ trương phát triển du lịch nhằm tạo thêm sinh kế cho người dân cũng như góp phần phát triển kinh tế cho huyện đảo. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng cần có định hướng khai thác và phát triển theo hướng xanh và bền vững thì mới đảm bảo được hài hòa giữa lợi ích và việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn thủy hải sản của huyện đảo. Do đó, nghiên cứu các tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ là vấn đề vô cùng cần thiết không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa về mặt chính trị trong việc giữ gìn và phát triển biển đảo tiền tiêu của tổ quốc. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghên cứu Trong những năm vừa qua, có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế xanh”, “Du lịch xanh”, có thể kể đến một số công trình nghiên cứu 641
  3. như: Hoàng Thị Điệp (2013), Sổ tay hướng dẫn cấp nhãn du lịch xanh cho điểm tham quan du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch; Nguyễn Văn Đính (2020), Phát triển du lịch xanh Việt Nam, đăng tại: http://www.vtr.org.vn/, ngày đăng 23/06/2020; Nguyễn Huy Hoàng (2014), Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hoá, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La, Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh; Nguyễn Thị Thao (2020), Du lịch xanh - giải pháp phát triển du lịch bền vững của huyện đảo Phú Quốc, đăng tại địa chỉ: http://tapchicongthuong.vn/, ngày đăng 08/03/2020; Tỉnh ủy Sơn La, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 24/9/2020),… Tuy nhiên đối với vấn đề phát triển kinh tế xanh trong hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn là vấn đề cấp thiết và mới do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt do vị trí địa lý và khả năng tiếp cận khó khăn do hạn chế phương tiện di chuyển do huyện đảo nằm xa đất liền và diện tích không lớn để có thể đầu tư phát triển mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch có sức chứa lớn. 2.2. Cơ sở lý thuyết và cơ sở thực tiễn Về cơ sở lý thuyết phục vụ nghiên cứu nhóm tác giả sẽ dựa theo một số khái niệm về “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế xanh” và “Du lịch xanh” để tiếp cận vấn đề nghiên cứu. Theo định nghĩa của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP): “Tăng trưởng xanh với trụ cột là kinh tế xanh (Green Economy) nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh... làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng các-bon và ngăn chặn biến đổi khí hậu, có lợi cho sức khỏe con người, bảo đảm tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại”. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, điều quan trọng nhất là tăng trưởng xanh kết hợp giữa 3 thành tố bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội. Đó là những hoạt động tạo ra giá trị hữu ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội và được xã hội hưởng ứng. Có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh - Green Economy, trong đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”; Nhóm Liên minh kinh tế xanh định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất”; Phòng Thương mại Quốc tế xem xét kinh tế xanh từ góc độ kinh doanh và cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”. Báo cáo của Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDESA, 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội. Khái niệm “du lịch xanh” đã được đề cập đến nhiều từ những năm 1980 nhưng không được hưởng ứng rộng rãi cho tới khi có khái niệm về du lịch sinh thái. Nhiều học giả đã đưa ra các quan điểm riêng về du lịch xanh nhấn mạnh đến ý nghĩa khác nhau về mặt quy mô, coi trọng thiên nhiên, và giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo định nghĩa của tác giả Martin Oppermann, (Bách khoa toàn thư về Du lịch, tác giả Jafar Jafari và Honggen Xiao (2002) “du lịch xanh là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và 642
  4. hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch”. Như vậy, theo cách hiểu này, du lịch xanh đã được sử dụng thay thế cho các khái niệm như du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, và du lịch nông thôn (Sung-kwon và cộng sự. 2003). Nhiều doanh nghiệp đã tiếp nhận quan điểm về du lịch xanh với một ý nghĩa rộng lớn hơn: bất kỳ hoạt động du lịch nào theo cách thân thiện với môi trường đều được xem là du lịch xanh. Tại Việt Nam, tác giả Trần Văn Hùng trong bài nghiên cứu “Du lịch xanh tại Việt Nam” đã xác định: Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Như vậy, du lịch xanh có thể được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu [12]. Nhìn chung các khái niệm về “Tăng trưởng xanh”, “Kinh tế xanh” hay “Du lịch xanh” đều có nội hàm chung về phát triển kinh tế (kinh tế du lịch) đều phải dựa trên nền tảng thân thiện với môi trường, khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, nhóm tác giả sẽ tiếp cận lồng ghép nghiên cứu nội dung vấn đề dựa trên cả ba khái niệm trên. Những định hướng phát triển kinh tế xanh của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, phần định hướng chiến lược đã nêu rõ: Tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong toàn bộ nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng cũng xác định rõ: “Hải Phòng tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”. Tăng trưởng xanh lấy con người là trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của cá nhân con người với xã hội cộng đồng, hình thành xã hội tương lai với lối sống xanh, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với môi trường thiên nhiên. Hải Phòng cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế của thành phố đến từng lĩnh vực, thông qua các văn bản như Quyết định 2000/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 về việc ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 08/NQTW của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trọng điểm mũi nhọn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Đây là quyết định có vai trò kim chỉ nam đối với phát triển du lịch tại thành phố. Các văn bản trên là những định hướng quan trọng về giải pháp chung, tổng thể cho sự phát triển của Thành phố Hải Phòng và riêng trong lĩnh vực du lịch tại huyện đảo Bạch 643
  5. Long Vĩ, đây có thể coi là những căn cứ quan trọng để nhóm tác giả lựa chọn thực hiện đề tài nghiên cứu Sau khi đại dịch Covid bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, tuy nhiên từ năm 2022 với chính sách phát triển du lịch mở cửa trở lại theo hướng bình thường mới lượng khách du lịch đã tăng nhanh đối với cả khách du lịch trong nước và kháchdu lịch quốc tế, tăng 89% so với cùng kỳ, vượt 55% kế hoạch năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng 948% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 6.300 tỉ, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ trong 03 tháng đầu năm 2023, thành phố đã đón và phục vụ 1.387,089 nghìn lượt khách, tăng 17,86% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 226,751 nghìn lượt, doanh thu đạt 1.248,4 tỷ đồng [7]. Bảng 1. Lượt khách và doanh thu du lịch Hải Phòng giai đoạn 2020 - Quý 1/2023 Chỉ tiêu Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Quý 1/2023 Lượt khách (nghìn lượt) 10.400 3.707 7.000 1.387,089 - Nội địa 10.100 3642,3 6.318 1.160,338 - Quốc tế (nghìn lượt) 300 64,7 682 226,751 Doanh thu (tỷ đồng) 3.900 50 6.300 1.248,4 (Nguồn: Tổng hợp từ các số liệu trong niên giám thống kê [3] thành phố Hải Phòng và Báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng [7]) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội với mục tiêu phát triển kinh tế tăng 15.02%/ năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ với tỉ trọng thương mại dịch vụ đạt 46.42%, trong đó giá trị sản xuất thương mại dịch vụ tăng bình quân 17,04%/năm. Như vậy, có thể thấy huyện đảo Bạch Long Vĩ đã xây dựng chương trình hành động rõ ràng và có định hướng đối với hoạt động dịch vụ du lịch ở huyện đảo. 2.3. Phương pháp nghiên cứu Để đảm bảo nội dung khoa học của bài viết, nhóm tác giả thực hiện các phương pháp nghiên cứu chính như: Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp sử dụng để thu thập thông tin từ các công trình nghiên cứu, tài liệu, sách, báo, tạp chí, Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Sau khi thống kê và tổng hợp dữ liệu, nhóm tác giả sẽ tiến hành khoanh vùng và phân nhóm dữ liệu cần thiết với đề tài. Từ đó, phân tích, so sánh để xử lý dữ liệu với mục đích đưa ra các nhận định làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phát triển du lịch xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Thực trạng phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2020- 2025 3.1.1. Điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của huyện đảo Bạch Long Vĩ Huyện đảo Bạch Long Vỹ là một trong huyện đảo xa xôi của thành phố Hải Phòng. Cách Hòn Dáu- Đồ Sơn khoảng 110km. Nhìn từ trên cao xuống đảo hình tam giác, với 644
  6. diện tích khoảng 6,5 km2, đảo Bạch Long Vĩ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng ở Vịnh Bắc Bộ. Huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) được thành lập năm 1992. Từ một hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc bộ, không điện, không nước ngọt thì đến nay, huyện đảo đã có hệ thống hạ tầng khá đồng bộ với hệ thống cung cấp nước ngọt, đường xá, cầu cảng... Và để huyện đảo phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có, thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh đầu tư để đưa Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm du lịch, hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. Với diện tích khoảng 6,5 km2, đảo Bạch Long Vĩ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng ở Vịnh Bắc Bộ. Huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) được thành lập năm 1992. Đảo nằm xa bờ (ở khoảng giữa Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, cách Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng 110 km và cách đảo Hạ Mai, Vân Đồn, Quảng Ninh khoảng 70 km). Vùng biển Bạch Long Vĩ là ngư trường tốt nhất Vịnh Bắc Bộ, với nhiều hải sản quý, nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao và tài nguyên dầu khí thềm lục địa có trữ lượng khá dồi dào. Từ một hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc bộ, không điện, không nước ngọt thì đến nay, huyện đảo đã có hệ thống hạ tầng khá đồng bộ với hệ thống cung cấp nước ngọt, đường xá, cầu cảng... Và để huyện đảo phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có, thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh đầu tư để đưa Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm du lịch, hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc, Đảo Bạch Long Vĩ là một trong tám ngư trường lớn ở vịnh Bắc Bộ, là ngư trường cá lớn nhất, tập trung khoảng 395 loài, 229 loài thuộc thuộc họ hải sản với cá nục sồ, cá tra. Là nơi nổi tiếng với đặc sản bào ngư có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhất. Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong vị trí trung tâm các khu du lịch Cô Tô, Hạ Long, Trà Cổ, Đồ Sơn, Cát Bà… do đó các tàu lữ hành có thể ghé qua đảo thường xuyên. 3.1.2. Các chỉ tiêu kinh tế của huyện đảo Bạch Long Vĩ Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đảo Bạch Long Vỹ ước hơn 494 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch. Huyện đã tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân như Dự án đầu tư xây dựng Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn I); Dự án Xây dựng Trạm cứu hộ động vật hoang dã và sản xuất giống hải sản phục vụ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong khu bảo tồn biển và chương trình số hóa, cải thiện chất lượng công tác y tế, giáo dục và các hoạt động văn hoá; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an sinh xã hội... Định hướng phát triển kinh tế của huyện đảo được chỉ rõ trong Nghị quyết của Đại hội VI của Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2020- 2025. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu kinh tế Xây dựng đảo Bạch Long vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. Ngoài ra phát triển du lịch bền vững nhằm đưa đảo Bạch Long Vĩ trở thành địa điểm du lịch xanh với các tour du lịch sinh thái, khám phá địa hình đảo như bãi đá ven đảo, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính, tour câu cá ngoài biển… Du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đánh giá được sức tải du lịch để đưa ra quy mô theo từng giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Cho đến thời điểm nghiên cứu, các số liệu thống kê về du lịch trong những năm gần đây của huyện đảo chưa được Sở Du lịch Hải Phòng cập nhật vì liên quan đến thời gian dịch bệnh Covid cho nên lượng khách du lịch rất ít và khó thống kê cho nên nghiên cứu vẫn sử dụng các số liệu được công bố một số chỉ tiêu về du lịch của đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2018-2019. 645
  7. Bảng 2. Một số chỉ tiêu về du lịch tại đảo Bạch Long Vỹ TT Chỉ tiêu ĐVT Năm 2018 Năm 2019 1 Tổng lượt khách 1000 lượt 750 769 2 Doanh thu du lịch Tỷ đồng 2,5 2,9 3 Cơ sở lưu trú du lịch Cơ sở 4 6 4 Khu, điểm du lịch Khu, điểm 5 5 Nguồn: Sở Du lịch Hải Phòng Để thực hiện được việc đưa huyện đảo trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thì các nhiệm vụ cần phải giải quyết đang đặt ra như: Huyện đảo phải đánh giá được quy mô cung cấp cho số lượng tàu theo quy định, đưa các giải pháp bảo vệ môi trường; đồng thời trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, vật lực để đinh hướng các công nghệ nuôi thủy sản phù hợp thực tế. Nuôi thủy sản phù bằng công nghệ cao để giảm phát thải môi trường, tránh điều kiện khí hậu, sóng gió tại Bạch Long Vĩ. Nhìn chung, mô hình kinh tế Bạch Long Vĩ hiện nay là mô hình kinh tế vẫn còn mang tính tự phát, bị tác động với nhiều yếu tố và chưa có tính liên kết bền vững. Cần phải xây dựng mô hình hướng đến sự bền vững của huyện đảo để xứng với vị trí huyện đảo. 3.2. Đánh giá phát triển kinh tế xanh đối với lĩnh vực du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được nhiều nước, nhất là các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng phát triển công nghiệp xanh, các nước đang tập trung phát triển nhiên liệu biogas. Nhiên liệu biogas là năng lượng tái tạo từ các chất hữu cơ, chất thải chăn nuôi, bùn thải, có thể thay thế điện hay các nhiên liệu đốt trong để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất mà không gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một nghiên cứu ứng dụng khả thi, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường. Để đánh giá phát triển kinh tế xanh đối với lĩnh vực du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhóm tác giả đã lựa chọn một số tiêu chí được xây dựng kế thừa của một số công trình nghiên cứu để đánh giá phát triển du lịch xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ [8] . Cụ thể: 646
  8. Các tiêu chí phát triển kinh tế xanh đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vĩ Tiêu chí 01: Tiêu chí liên kết giữa đảo - đất liền: Trước đây việc liên kết giữa đảo Bạch Long Vĩ và đất liền còn gặp nhiều khó khăn do chưa có phương tiện tàu thuyền ra đảo, hoặc các phương tiện phục vụ thì thô sơ chủ yếu là tàu cá của ngư dân, tàu thuyền chưa được trang bị trạm phát sóng, wifi, internet thì vài năm trở lại đây việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện kết nối giữa đất liền với đảo được thành phố đầu tư và quan tâm đúng mức. Phương tiện ra đảo phổ biến hiện nay là đi bằng tàu cao tốc Bạch Long, Hoa Phượng Đỏ xuất phát từ Bến Bính, Hải Phòng. Thời gian di chuyển khoảng 6 tiếng đồng hồ, tùy vào điều kiện thời tiết. Từ tháng 7 năm 2020, dự án đóng mới tàu thủy chở hàng và chở khách mang tên Tàu Hoa Phượng chính thức được đưa vào sử dụng đã giải quyết được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại giữa đảo và đất liền và rút ngắn thời gian đi lại. Tàu chạy miễn phí 3 lần/tháng, cư dân trên đảo có thể về đất liền bằng các phương tiện khác. Tàu Hoa Phượng đỏ có trọng tải 220 tấn, với chiều dài hơn 52 m, chiều rộng gần 11 m, chiều cao mạn 4,7 m và tầm hoạt động 750 hải lý; tàu có năng lực chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa, trong đó có 4 phòng VIP, 56 giường nằm thường…Tàu hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7 và gió cấp 8, cấp 9; trong điều kiện thời tiết tốt, thời gian hành trình từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ hoặc ngược lại chỉ khoảng 5 giờ. Đặc biệt là với vị trí trung tâm cách các điểm du lịch nổi tiếng như Cô Tô, Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Trà Cổ trong khoảng thời gian từ 2h đến 3h30 bằng tầu thủy cao tốc, đặc biệt nếu xuất phát từ Cát Bà chỉ mất trên hai tiếng bằng tàu thủy cao tốc ra đến đảo. Ngoài ra hệ thống Internet cũng đã tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc giữa đảo và đất liền. Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện thoại cố định đã có mạng internet và 02 hệ thống điện thoại di động Viettel và Vinaphone phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của quân, dân trên đảo và ngư dân hoạt động trên vùng biển quanh đảo [1] [2]. Như vậy tiêu chí liên kết đảo đã có song thành phố cần có những chính sách hỗ trợ nhằm tiếp tục thúc đẩy tiêu chí này như có thêm số lượng tàu Hoa Phượng, tăng tần suất chuyến chạy mỗi ngày để việc di chuyển sẽ thuận lợi hơn hoặc các thiết bị hiện đại được trang bị trên tàu đảm bảo thông tin liên lạc trong quá trình di chuyển. Tiêu chí 02: Tiêu chí về hệ thống đường cơ sở trên đảo, âu tàu - bến cảng Hiện nay, tiêu chí về hệ thống đường cơ sở trên đảo cũng khá hoàn thiện, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân cũng như đối với du khách thăm đảo, các âu tàu bến cảng đang dần được nâng cấp hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai. Tiêu chí 03: Tiêu chí về điện lưới quốc gia Hệ thống điện trên huyện đảo cũng đã đảm bảo được nhu cầu của người dân, nguồn điện sinh hoạt trên đảo dựa vào điện lưới từ máy phát điện và hai nguồn điện năng lượng tái tạo. Nguồn điện phục vụ sinh hoạt trên đảo đến từ dự án cấp điện cho đảo Bạch Long Vỹ do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là chủ đầu tư. Hiện có 01 tua bin gió và 01 trang trại điện mặt trời đang hoạt động và cung cấp điện liên tục. Việc cung ứng điện ổn định cũng sẽ góp phần tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế biển, hoạt động du lịch biển, đáp 647
  9. ứng điều kiện để Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ [1] [2]. Tiêu chí 04: Tiêu chí về trạm xử lý nước sạch và lưu trữ nước Nguồn nước ngọt trên đảo được tích trữ trong hồ chứa, công trình do Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng là chủ đầu tư. Tháng 7/2020, dự án hoàn thành với quy mô hồ chứa 60 nghìn mét khối trên diện tích 40 nghìn mét vuông, bước đầu đáp ứng nhu cầu nước thô cho người dân. Tháng 3/2022, thành phố Hải Phòng khởi công tiếp dự án cấp nước sạch và khánh thành trạm cấp nước Bạch Long Vỹ vào tháng 4/2022 [4]. Tiêu chí 05: Tiêu chí về nguồn vốn tự nhiên Hiện tại nguồn vốn đầu tư trên đảo chỉ là nguồn vốn của nhà nước, chưa thu hút được nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn nước ngoài đầu tư. Nguồn vốn đầu tư này gia tăng đáng kể do việc thành phố chủ trương đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2020- 2030. Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vỹ hay Trang trại điện gió khoài khơi Bạch Long Vĩ có quy mô xây dựng và vận hành 3.300 MW điện gió ngoài khơi. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 công suất 800 MW đưa vào vận hành năm 2030; giai đoạn 2 công suất 2.500 MW đưa vào vận hành năm 2035. Tổng vốn đầu tư dự án là 256.000 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD). Nguồn vốn do doanh nghiệp thu xếp và vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét, từng bước tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ; nông nghiệp, thủy sản. Tổng vốn đầu tư phát triển 3 năm đạt hơn 881 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 165,6 tỷ đồng; vốn của nhân dân và doanh nghiệp đạt 716 tỷ đồng [11]. Tiêu chí 06: Tiêu chí kiểm soát chất thải từ hoạt động du lịch, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường Việc thu gom rác trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý rác còn chưa triệt để, cùng với đặc thù của huyện là nơi tránh trú bão của nhiều tàu thuyền hoạt động đánh bắt tại vịnh Bắc Bộ nên nhiều thuyền viên khi lưu trú tại đảo còn chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, nhiều ngư dân còn xả rác thải ra môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa sau mỗi hành trình dài lênh đênh trên biển. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, năm 2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) tổ chức tập huấn và triển khai 2 đợt tập huấn theo dõi, giám sát rác thải nhựa. Theo đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã tổ chức tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Bạch Long Vĩ cùng triển khai giám sát rác thải nhựa vùng triều ven đảo. Kết quả sơ bộ đã có cơ sở dữ liệu về đặc điểm thành phần rác, xuất xứ, mật độ và tổng lượng rác thải nhựa vùng triều xung quanh đảo. Đây cũng cơ sở thông tin, dữ liệu quan trọng để Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất, trình các cơ quan ban ngành liên quan giải pháp quản lý, xử lý rác thải nhựa hiệu quả. Tiêu chí 07: Tiêu chí về mức độ tiếp cận của người làm du lịch với hệ sinh thái trên đảo và trên biển. Hiện tại, các cá nhân, các hộ dân và doanh nghiệp đã bước đầu được triển khai các văn bản và tài liệu hướng dẫn về khai thác các hệ sinh thái trên đảo và trên biển cũng như các yêu cầu cụ thể từ chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước của huyện đảo Bạch Long Vĩ. 648
  10. Tiêu chí 08: Thu nhập của người dân trên đảo Đạt mức bình quân thu nhập trung bình quốc gia, trung bình thu nhập theo thống kê của UBND huyện đảo được sấp xỉ 8 triệu đồng/người/tháng. Tiêu chí 09: Tiêu chí về hoạt động hướng dẫn của chính quyền địa phương đến người dân làm du lịch về mô hình du lịch theo định hướng kinh tế xanh Cho đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ người dân tiếp cận làm du lịch đạt khoảng 40%. Các hộ dân làm du lịch đều có tài liệu hướng dẫn của chính quyền đảo Bạch Long Vĩ. Các mô hình du lịch đều theo định hướng kinh tế xanh. Tiêu chí 10: Tiêu chí về tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch Hoạt động du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ đã được khởi phát nhiều năm qua nhưng đa số thể hiện ở việc đón khách ra thăm đảo bắt đầu với những chuyến đi thăm thân, các chuyến đi của các tổ chức hoạt động Đoàn thể, thanh niên, sinh viên, đoàn viên với ý nghĩa thăm đảo tiền tiêu của tổ quốc. Hoạt động du lịch thực sự được thống kê khoảng từ năm 2012 với những chuyến đi khám phá và trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống của người dân trên đảo. Cho đến thời điểm nghiên cứu, hiện tại trên huyện đảo đã thực hiện một số hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá, tâm linh với sản phẩm du lịch cụ thể tương đối đa dạng như: tắm biển, thưởng thức hải sản, khám phá cảnh quan thiên nhiên hung vĩ, tour du lịch sinh thái, khám phá địa hình đảo như bãi đá ven đảo, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính, tour câu cá một ngày…[9]. Số lượng, chất lượng nguồn lao động du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại, tuy nhiên trong tương lai, khi hoạt động du lịch tại Bạch Long Vĩ phát triển thì cũng cần có những định hướng, chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại huyện đảo. Kết luận: Thông qua nghiên cứu 10 tiêu chí đánh giá để có thể phát triển kinh tế xanh đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vĩ có thể nhận thấy cơ bản cho đến thời điểm nghiên cứu có thể xây dựng mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy những khó khăn lớn tại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ khiến cho số lượng khách đến tham quan hạn chế, thực tế chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu khách muốn đến tham quan huyện đào là do những nguyên nhân sau [4]: Thứ nhất, sóng biển tại đảo thường xuyên đạt cấp 6 cấp 7, trong khi đó tàu ra đảo đa số chịu được sóng cấp 4 cấp 5 nên khó khăn trong việc tiếp cận đảo. Ngoài ra, tần suất chuyến tàu cũng không nhiều cho nên du khách thường không chủ động được thời gian. Ngoài ra điều kiện thời tiết cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp cận huyện đảo. Thứ hai, mặc dù nguồn cung cấp điện và nước cũng bước đầu đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, tuy nhiên với việc phát triển du lịch và phục vụ lượng lớn du khách sẽ cần nguồn cung cấp điện và nước công suất lớn và ổn định hơn. Thứ ba, cơ sở hạ tầng du lịch tại huyện đảo còn chưa thực sự đảm bảo, nhà nghỉ và khách sạn chưa nhiều nên chưa thể đáp ứng được số lượng khách du lịch lớn đến với huyện đảo. Thứ tư, âu cảng phía Tây Bắc, một trong hai âu cảng được Chính phủ và thành phố Hải Phòng đầu tư để thực hiện mục tiêu phát triển đảo Bạch Long Vĩ thành trung tâm hậu 649
  11. cần nghề cá vẫn đang trong thời gian thi công. Qua 5 năm tiến hành xây dựng, đến nay dự án với tổng mức đầu tư hơn 560 tỷ đồng này vẫn rất chậm tiến độ do thiếu vốn. Thứ năm, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2010 đến năm 2020 đã được triển khai nhưng còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ do đó ảnh hưởng tới kết quả tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội tại huyện đảo. Thứ sáu, hành lang pháp lý về tăng tưởng xanh trong du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ; việc lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ; các dự án mới dừng ở mức thí điểm, chưa được triển khai rộng; nhận thức về tăng trưởng xanh còn hạn chế; việc quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, hiện đại… 3.3. Một số đề xuất, kiến nghị Về công tác quy hoạch: Theo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, ngày 08/8/2022), đơn vị chủ trì là UBND huyện Cát Hải, đơn vị phối hợp là các sở ngành có liên quan và UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ là “Mở rộng không gian du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà; kết nối du lịch Vịnh Lan Hạ - Long Châu - Bạch Long Vĩ, phát triển sản phẩm du lịch cao cấp với loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Kinh phí thực hiện: ngân sách kết hợp xã hội hóa; Tiến độ thực hiện 2022-2025” [6]. Có thể nói việc đưa vào quy hoạch mở rộng không gian kết nối với huyện đảo Bạch Long Vĩ là một chính sách đúng đắn thể hiện sự quan tâm đối với huyện đảo trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu quy hoạch cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các đơn vị, Bộ, ngành có liên quan, tránh việc chậm trễ hoặc thiếu phối kết hợp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 2022-2025. Đề nghị Thường trực Thành ủy nghiên cứu ban hành nghị quyết riêng về phát triển Bạch Long Vĩ; tăng tổng mức đầu tư công cho huyện; nâng cấp các tuyến đường trên đảo; khơi thông các dự án du lịch, phát triển du lịch biển đảo; tạo điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi; phủ sóng viễn thông và nâng cao chất lượng đường truyền; tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho huyện về cấp điện, cấp nước, y tế và một số vấn đề khác... Thống nhất quan điểm cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bạch Long Vĩ phát triển. Thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng Cảng cá loại 1, nghiên cứu mô hình xử lý rác thải phù hợp, vì muốn hướng tới một nền kinh tế xanh đặc biệt trong lĩnh vực du lịch thì vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có mô hình xử lý thu gom rác đúng quy chuẩn là một trong những mục tiêu nhằm phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững. UBND thành phố Hải Phòng và huyện ủy Bạch Long Vĩ cần ưu tiên mục tiêu phát triển du lịch, đầu tư đóng tàu mới để rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền ra đảo theo công suất thiết kế tiên tiến từ 7 giờ xuống 3 giờ như một số loại tàu ở các địa phương tỉnh thành khác ở Việt Nam. Nỗ lực triển khai xây dựng công trình Cảng và khu neo đậu tàu phía tây bắc (giai đoạn 1) và khu hậu cần, bến neo đậu tàu và đón trả khách tuyến Hải Phòng- Bạch Long Vĩ tại xã Hoa Động, Thủy Nguyên; hỗ trợ ngành điện lắp đặt và đưa hệ thống sản xuất điện bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, kết hợp với điện máy phát vào khai thác, bảo 650
  12. đảm cấp điện ổn định cho huyện đảo; hỗ trợ Công ty Cấp nước hoàn thành hệ thống cấp nước sinh hoạt… Đồng thời, đã thành lập Trạm tìm kiếm cứu nạn Bạch Long Vĩ; hình thức vận chuyển cấp cứu các ca bệnh nặng bằng trực thăng được triển khai… UBND TP Hải Phòng cũng như các ban ngành liên quan cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với Bạch Long Vĩ để các dự án, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo sớm được hoàn thiện, đáp ứng sự mong mỏi của quân và dân hòn đảo “đuôi rồng trắng”. 4. Kết luận Nghiên cứu phân tích các tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ là một nghiên cứu cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay liên quan đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân bám trụ trên đảo Bạch Long Vĩ, ngoài ra về mặt chính trị, việc khẳng định chủ quyền biển đảo là một vấn đề liên quan đến khẳng định chủ quyền của quốc gia. Với việc phân tích 10 tiêu chí trong nội dung bài viết đã phần nào đánh giá được sự phát triển kinh tế xanh đối với hoạt động du lịch tại Bạch Long Vĩ là khả thi và hoàn toàn có thể triển khai được trong thời gian tới. Muốn thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc xây dựng chính sách phát triển, công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư của các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã đưa ra các đề xuất và kiến nghị nhằm phát triển kinh tế du lịch xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ Hải Phòng trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Bộ thành phố Hải Phòng, Huyện ủy Bạch Long Vĩ, Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện đảo Bạch Long Vĩ, ngày 03/08/2020. 2. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 26/07/2020. 3. Niên giám thống kê thành phố Hải Phòng các năm 2020, 2021, 2022. 4. https://thongkehaiphong.gov.vn/nien-giam-thong-ke/ 5. Thành Đoàn Hải Phòng, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, Quyết định số 40/TTr-TĐTNXP, Tờ trình về việc đề xuất lập dự án phát triển du lịch tại đảo Thanh niên đảo Bạch Long Vĩ, ngày 05/6/2019. 6. UBND Thành phố Hải Phòng, Sở Kế hoạch và đầu tư, Đề án phát triển du lịch tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, ngày 24/4/2020. 7. UBND thành phố Hải Phòng, Kế hoạch số 191/KH-UBND Triển khai thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ- TU về đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, ngày 08/8/2022. 8. UBND thành phố Hải Phòng, Sở Du lịch: Báo cáo giải pháp thu hút phát triển du lịch sau Covid-19, ngày 23/03/2023. 9. Viện Tài nguyên Môi trường biển, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Dự án nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh trên huyện đảo Bạch Long Vỹ, 2023. 651
  13. 10. https://truyenhinhdulich.vn/trai-nghiem/mien-tam-linh-tren-dao-tien-tieu-bach-long- vi-23501.html 11. http://m.tapchiqptd.vn/vi/bien-dao-viet-nam/dieu-kien-tu-nhien-va-lich-su-phat-trien- cua-dao-bach-long-vi-19110.html 12. https://baophapluat.vn/bach-long-vi-lam-gi-de-phat-trien-thanh-trung-tam-hau-can- nghe-ca-post324280.html 13. http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nghien-cuu-trao-doi-ve-du-lich-xanh-tai-viet-nam-hien- nay-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-thai-lan-va-trien-vong-trong-tuong-lai/ 652
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1