intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cải cách thể chế để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

29
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này tập trung nghiên cứu: (i) Thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong điều kiện hội nhập ở nước phát triển chưa cao, (ii) Thực trạng môi trường khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam, và (iii) Giải pháp cải cách thể chế nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cải cách thể chế để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

  1. CẢI CÁCH THỂ CHẾ ĐỂ THÚC ĐẨY MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Lê Quốc Anh*, Bùi Tố Quyên**, Lê Thị Trâm Anh*** 1 TÓM TẮT: Đẩy mạnh khởi nghiệp giúp đưa nhanh lao động tham gia vào công cuộc phát triển, giúp hệ thống doanh nghiệp (DN) Việt tăng nhanh về lượng, tăng mức thành công trong hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, cần đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) để DN mới tránh sở đoản là năng lực cạnh tranh chưa cao, tạo việc làm cho trí thức trẻ, cải thiện về chất cho hệ thống DN quốc gia. Song không dễ, khi còn trở ngại về kiến thức, khả năng đầu tư, thiếu các quỹ, các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, kết nối, định hướng khởi nghiệp. Kỳ vọng lớn và “rẻ” nhất là cải cách thể chế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST, giải phóng các tiềm năng, phát huy sức sáng tạo... Muốn vậy, cần cải cách thể chế chính trị cho kịp với đổi mới kinh tế, cải cách thể chế nhà nước để đổi mới quản trị quốc gia, cải cách thể chế kinh tế để tăng tính thị trường, cải cách thể chế hành chính để giảm trói buộc sự sáng tạo, cản trở kinh doanh... Nhất thể hóa các chức danh chính, bớt tầng nấc trung gian, giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, loại công chức dưới chuẩn, thương mại hóa giáo dục đại học, tăng quyền cho đầu tư tư nhân, cải cách chế độ đãi ngộ... Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thể chế 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang về cho đất nước nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. Sau hơn 20 năm, các động lực đã không còn đủ mạnh để tiếp tục đưa nền kinh tế tiến lên, các yếu kém tích tụ còn làm phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Thời kỳ 2007-2013 bất ổn vĩ mô dai dẳng, một phần là do bốn trụ cột của mô hình tăng trưởng đã tận khai, nhưng không được đổi mới kịp thời. Mức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nhưng cứ tăng cung vốn tạo ra tăng trưởng phụ thuộc đầu tư công, tích lũy rủi ro, làm “bong bóng” bất động sản và nợ công “phi mã”. “Tử huyệt” chính là khu vực DN ít về lượng, năm 2007 mới có 149.000 DN, chất lượng chưa cao, quản trị yếu kém, hiệu quả thấp. Đây là nguyên nhân làm Việt Nam lỡ cơ hội thành “con hổ châu Á”, mà thành “chú mèo ngủ đông” (Phạm Chi Lan, dẫn theo Trần Đông, 2010) bất lực… Từ năm 2015 tới nay, nước ta có thêm 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào cuộc sống, 2 FTA đang chờ phê chuẩn, 1 FTA hoàn tất đàm phán, cùng Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động. Lộ trình hội nhập sâu rộng, cùng việc CMCN 4.0 phát triển, tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có, khó lặp lại, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc sâu vào nước ngoài. Vì vậy, cần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp để tăng số DN, nhất là khởi nghiệp ĐMST để góp phần nâng cao chất lượng DN. Nhưng không dễ, khi hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp ĐMST chỉ ở cấp độ đang phát triển, nhiều lĩnh vực mới ở cấp độ sơ khai. Rào cản lớn là thể chế ngăn cản sự phát triển của các thành tố trong HST; ảnh hưởng đến tác động của từng thành tố, từng tổ hợp thành tố hoặc toàn HST * Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam, tác giả nhận phản hồi: Lê Quốc Anh. Tel.: +84394338968. E-mail address: lequocanh161@gmail.com ** Học Viện Tài chính, Việt Nam. *** University of New south Wales, Australia
  2. 1056 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA đến DN khởi nghiệp ĐMST... Để làm sáng tỏ việc muốn hỗ trợ phong trào khởi nghiệp ĐMST cần cải cách thể chế như thế nào, bài viết này tập trung nghiên cứu: (i) Thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong điều kiện hội nhập ở nước phát triển chưa cao, (ii) Thực trạng môi trường khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam, và (iii) Giải pháp cải cách thể chế nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Cải cách thể chế và khởi nghiệp ĐMST là các vấn đề đã được quan tâm nhiều năm trước đây ở nước ta, song chỉ thực sự được chú trọng từ khi Việt Nam khởi động và tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực. Do thời gian chưa dài, vấn đề mới mẻ, nên ở nước ta hầu như chưa có nghiên cứu chuyên sâu cải cách thể chế để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST. Mặt khác, vấn đề thể chế là vấn đề mang nặng sắc thái quốc gia, nên chuyên đề này chỉ giới hạn trong việc cải cách thể chế nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư, nhất là trí thức trẻ, trong lộ trình khởi nghiệp ĐMST trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là chuyên đề phân tích trong lĩnh vực kinh tế, nên cơ sở lý thuyết chính được dùng trong chuyên đề là kinh tế học, trong đó dựa nhiều vào kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế đầu tư, kinh tế phát triển, kinh tế quốc tế, pháp luật đại cương, pháp luật kinh tế, quản trị DN… Mặt khác, chuyên đề tập trung phân tích ảnh hưởng của cải cách thể chế tới môi trường đầu tư, kinh doanh của DN ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và CMCN 4.0 đang bùng nổ. Nên còn cần dựa vào các: văn kiện, quan điểm chính thống của Đảng, Chính phủ về: môi trường đầu tư, phát triển DN, về hội nhập quốc tế, về ứng phó với CMCN 4.0. Bên cạnh đó, cần các thông tin, nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề trên, cùng các diễn biến của chúng của các cơ quan chuyên ngành, người tham gia, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực trên. Do chưa đủ khả năng và quyền hạn tiếp cận nguồn dữ liệu quốc gia, chính thống, nên các dữ liệu chính được sử dụng trong chuyên đề chủ yếu là thu thập từ các sách báo chuyên khảo, các website uy tín. Từ tài liệu thu thập được, tiến hành nghiên cứu định tính, thông qua các phương pháp, như: phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết, phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu lịch sử… Trên quan điểm duy vật biện chứng: dùng phép diễn dịch để suy đoán hệ quả tất yếu, dùng phép so sánh để đưa ra nhận định trung gian, từ đó sử dụng phép quy nạp để đưa ra các kết luận, tổng hợp lại để đề đạt các kiến nghị, giải pháp... 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế ở nước phát triển chưa cao 3.1.1. DN khởi nghiệp ĐMST và môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia “DN khởi nghiệp ĐMST” hay gọi tắt “DN khởi nghiệp sáng tạo”, là thuật ngữ phổ biến ở nước ta trong thời gian gần đây, được giới chuyên môn cho là từ Việt hóa của “startup” trong lĩnh vực kinh tế, được dùng rộng rãi trên thế giới. Trong từ điển của các nước Anh, Mỹ, startup được giải nghĩa là công ty mới thành lập; còn theo Investopedia, startup là công ty ở trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động. Giai đoạn đầu này có khi là 1-2 năm, thường là 3 năm, đôi khi đến 5 năm, kết thúc khi startup thu về lợi nhuận, tức được thị trường chấp nhận, và “tốt nghiệp” [1]. Song khác với DN khởi nghiệp thông thường, DN khởi nghiệp ĐMST có tính đột phá sáng tạo, là cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, có công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Mức ĐMST đến đâu thì không nước nào quy định, mà tùy nơi tùy lúc, tùy mức độ phát triển, miễn là đủ để được các chuyên gia chấp nhận. Thường là ĐMST trong sản phẩm, hoặc trong hình thức kinh doanh, phân khúc thị trường, công nghệ, cách tiếp cận thị trường... nhưng phải cao hơn, khác lạ, để thành sản phẩm mới. Đồng thời, phải có tiềm
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1057 năng lập lại và mở rộng nhanh chóng, sản phẩm phải có nhu cầu lớn trên thị trường, để khi kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Vì vậy, để phát triển được nhiều DN khởi nghiệp ĐMST, cần phải có môi trường chất lượng cao hơn môi trường khởi nghiệp thông thường, là môi trường khởi nghiệp ĐMST. Đó là tập hợp toàn bộ các thành phần vật thể và phi vật thể, bao quanh DN khởi nghiệp ĐMST, ảnh hưởng tới sự hình thành, phát triển và hoạt động kinh doanh của DN đó. Nó dung dưỡng các ý tưởng sáng tạo, cung cấp cho các thành viên sáng lập DN khởi nghiệp ĐMST tri thức, sự hỗ trợ, kinh nghiệm. Giúp các nhân sự tinh hoa, có tầm, tri thức và thực tiễn có thể khởi nghiệp từ ý tưởng riêng, nhận đầu tư từ nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm... Song, môi trường này có sự phân dị, tạo thành các không gian phát triển, mỗi không gian với các thành phần tương đối đồng nhất, khác với không gian khác, thường được xem là một HST khởi nghiệp ĐMST. 3.1.2. HST khởi nghiệp ĐMST quốc gia Theo ITP (Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG – HCM), HST khởi nghiệp là một cộng đồng, bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các DN khởi nghiệp ĐMST và tăng trưởng nhanh. Dù hoạt động tập trung trong một khu vực địa lý cụ thể, nhưng HST khởi nghiệp không có giới hạn về vật lý, cũng không có cấu trúc thứ bậc. Vì vậy, bất kỳ đâu có hạ tầng thì trong thời đại kỹ thuật số này đều nằm trong một HST khởi nghiệp nào đó, khác nhau về cấp độ phát triển. Đó có thể mới là HST sơ khai, hay cao hơn là HST nền tảng; trạng thái phổ biến là HST đang phát triển hoặc HST cơ bản hoàn thiện; cao hơn nữa là HST hiệu năng cao, vài nơi có HST phát triển mạnh mẽ; còn ở các trung tâm công nghệ là HST tiên phong. Tiêu thức đánh giá cấp độ phát triển của HST tùy thuộc vào mức độ tập trung, tầm ảnh hưởng của các thành phần, tác động qua lại giữa chúng, hoặc với DN khởi nghiệp ĐMST. Các thành phần chính đó bao gồm: (i) Chính sách của chính phủ; (ii) Khung luật pháp và cơ sở hạ tầng; (iii) Nguồn vốn, tài chính; (iv) Văn hóa; (v) Các nhà tư vấn, cố vấn, hệ thống hỗ trợ; (vi) Các trường đại học đóng vai trò xúc tác; (vii) Giáo dục và đào tạo; (viii) Nguồn nhân lực; (ix) Các thị trường trong nước và quốc tế [2]. Chúng thể hiện phương diện tác động của nhiều thực thể khác nhau trong hệ thống kinh tế-xã hội, vừa tạo phông nền vừa đóng vai trò là nguồn cung giúp các DN khởi nghiệp ĐMST hình thành và phát triển. Song, để có DN khởi nghiệp ĐMST, cần có các nhà khởi nghiệp, nên khi xem xét sức mạnh của một HST khởi nhiệp cần đánh giá bốn nhóm mục tiêu của nó. Cụ thể là: (a) Chủ thể thực hiện khởi nghiệp; (b) Các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp; (c) Các nhà kết nối khởi nghiệp; và (d) Định hướng khởi nghiệp trong HST [2]. Tùy nơi tùy lúc, tùy giai đoạn và mục tiêu khởi nghiệp, mà vai trò và mức độ ảnh hưởng của các thành phần có thể khác nhau, song khởi đầu cho DN khởi nghiệp ĐMST bao giờ cũng là ý tưởng kinh doanh; và chỗ dựa đầu tiên là chính sách của Nhà nước. 3.1.3. Những cải cách thể chế cần làm để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước phát triển thêm cao Để có nhiều DN khởi nghiệp ĐMST cần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST, cách thúc đẩy được các nhà khởi nghiệp mong đợi đầu tiên, nhiều nhất thường là giúp cải thiện môi trường khởi nghiệp. Các cải cách thể chế cần làm để phục vụ cho mục tiêu đó thường là: (i) Chỉnh sửa để thể chế thêm cởi mở, thông thoáng, tháo gỡ tối đa các rào cản, khuyến khích, hỗ trợ ĐMST, bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ cho nhà ĐMST. Cần hỗ trợ tốt về tài chính theo hướng chấp nhận rủi ro cho các ý tưởng tốt khả thi về công nghệ, có tiềm năng thương mại và thị trường, làm cho cơ hội phát triển thêm rộng mở. (ii) Tạo thể chế đặc thù cho DN khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ tốt cho chúng trong thời kỳ non nớt, thuận lợi cho việc lặp lại và mở rộng ở giai đoạn phát triển nhanh. Giúp nâng cấp dần môi trường khởi nghiệp ĐMST theo hướng đồng bộ, có kết nối toàn cầu để kế thừa các ý tưởng đã có, tránh đổi mới lặp lại hoặc lỗi thời trước các ĐMST đã có. (iii) Tạo hành lang pháp lý và cơ chế giúp các HST khởi nghiệp nâng cấp dần về chất
  4. 1058 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA lượng, tiến tới hoàn thiện, nhất là với HST khởi nghiệp trọng điểm, tăng sự phối hợp giữa chúng. Hoàn thiện dần về tổ chức, nhiệm vụ, chức năng và trách nhiệm của từng thành tố trong chín thành phần của HST khởi nghiệp, theo chuẩn mực quốc tế, để phát huy ảnh hưởng đến khởi nghiệp. (iv) Đổi mới tổ chức, cơ chế và nhân sự của các chủ thể có tác động chi phối đến các thành tố trong các thành phần của HST khởi nghiệp, để các quyết định có liên quan có chất lượng cao. Có chế tài mạnh, đủ sức răn đe trước các cơ quan, viên chức thừa hành để tác động của từng thành tố trong các thành phần của HST khởi nghiệp không bị méo mó khi đi vào cuộc sống. (v) Thiết lập lại cơ chế phối hợp giữa các tổ hợp đối tượng để đi đến loại trừ các can thiệp phi kinh tế từ bên ngoài vào từng thành phần, vào mối quan hệ và tác động của chúng. Xây dựng các chính sách, quy định cụ thể cho từng nhóm mục tiêu trong từng HST khởi nghiệp cụ thể, và cơ chế phối hợp giữa chúng để phục vụ tốt cho các mục tiêu, quá trình phát triển. Ngoài ra, còn cần cơ chế điều chỉnh tác động gián tiếp, thu gọn đầu mối quản lý, phát triển các thị trường còn kém phát triển, minh bạch thông tin, có chính sách thu hút đầu tư tư nhân, các cam kết về quyền lợi của nhà đầu tư, khuyến khích khiếu kiện khi bị gây khó dễ... 3.1.4. Một vài kinh nghiệm quốc tế về thể chế trong khởi nghiệp ĐMST Ở Malaysia, Chính phủ đã “rót” ngân sách từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD cho khoảng 15 quỹ đầu tư mạo hiểm, và liên tục đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp. Nhờ các cơ chế hỗ trợ hữu hiệu, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo phát triển rộng khắp, tạo đà cho sự phát triển rực rỡ của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, và đang phát triển rất bền vững. Singapore nhờ triển khai những động thái mạnh mẽ để đầu tư cho khởi nghiệp, đã tạo nên hiệu ứng rất tốt trong việc thu hút sự tham gia của khối tư nhân. Quyết tâm chính trị rõ ràng và sự minh bạch của Chính phủ, cùng nguồn nhân lực chất lượng, thạo ngoại ngữ làm thị trường vốn nước ngoài phát triển nhanh, bền vững tạo ra làn sóng đầu tư khởi nghiệp ĐMST mạnh mẽ. Ở Israel, để thúc đẩy khởi nghiệp, Bộ Tài chính Israel đã cho triển khai chương trình Yozma, đầu tư 100 triệu USD tạo ra 10 quỹ đầu tư mạo hiểm mới. Quỹ có ba đại diện gồm nhà đầu tư mạo hiểm Israel, một hãng đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài và một công ty đầu tư hoặc ngân hàng Israel, nhờ đó đã tăng được thị phần đầu tư mạo hiểm toàn cầu gấp đôi so với châu Âu [3]. Bên cạnh đó, nước ta cần tham khảo nhiều kinh nghiệm của Isarel với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”, đang là đất nước đi đầu thế giới về khởi nghiệp ĐMST, và đã thu về nhiều thành quả ấn tượng. Các kinh nghiệm lớn cần học là: (i) Chính phủ tham gia sâu vào ươm tạo các DN khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, hỗ trợ tới 85% kinh phí, nhưng chỉ mang tính “đầu tư mồi”, mở đầu cho tư nhân đầu tư thêm. (ii) Ngân sách đầu tư trung bình 600.000 USD trong vòng 2 năm cho mỗi dự án, nếu chưa thành công, có thể tiếp tục nộp hồ sơ xin đầu tư tiếp dù 90% ngân sách đầu tư cho các startup thất bại, dùng tăng trưởng nhanh của các startup thành công để bù đắp. (iii) Không ưu đãi về thuế trong thu hút FDI vào ĐMST, mà tập trung chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tốt, thấy thị trường, nên đồng hành cùng startup, để khai thác lợi nhuận tiềm tàng và tăng giá trị thương hiệu [4]. (iv) Israel cho rằng vai trò sinh tử trong phát triển quốc gia là văn hóa, tầm nhìn của giới tinh hoa, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp. Theo họ tinh thần sáng tạo là tư duy xé rào, cần xem sáng tạo có trách nhiệm như là năng lượng sống, và khi mọi người cùng nhau hành động, không gì là không thể (Dan và Saul, 2014, tr. 9-10). Ngoài ra, Israel tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dùng tầm nhìn thay kinh nghiệm định hướng tương lai; cho rằng đóng góp lớn nhất của họ trong lịch sử là sự không hài lòng, dù không tốt cho chính trị, nhưng tốt cho khoa học (Dan và Saul, 2014, các tr. 11 & 377).
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1059 3.2. Thực trạng môi trường khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam 3.2.1. Môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta đã khá phát triển Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 là khoảng 223,8 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 2.385 USD, cơ bản vượt qua giai đoạn phát triển theo nguồn lực. Mới bước vào giai đoạn đầu phát triển dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, còn xa mốc 9.000 USD/người để chuyển hẳn sang phát triển dựa trên ĐMST. Song, so với mặt bằng chung ở mức thu nhập này, thì môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia ở Việt Nam đã có nhiều phát triển. Cụ thể: (i) Trình độ phát triển tương đối cao, số chủ thể thực hiện khởi nghiệp ĐMST khá đông, hiện đã có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp ĐMST, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 5.000 DN. Chỉ chiếm 0,5% số DN hoạt động, nhưng là lực lượng DN tiên phong, hứa hẹn giúp nước ta hội nhập quốc tế thành công, hòa nhập nhanh vào CMCN 4.0, tạo tăng trưởng cao cho đất nước. (ii) Có nhiều thành tựu trong việc xây dựng môi trường khởi nghiệp ĐMST quốc gia, hành lang pháp lý định hình trên cơ sở vận dụng các mô hình khởi nghiệp của Mỹ, Phần Lan và Israel [4]. Nhiều DN khởi nghiệp ĐMST gọi vốn thành công, điển hình là Momo thu hút được 28 triệu USD, F88: 10 triệu USD, Got It!: hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn: 3 triệu USD; gần đây, DN Foody đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD [5]... (iii) Các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp ĐMST ngày càng đông, bên cạnh các Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA); còn có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures... Đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, như: VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel hay Angel4us [5]... (iv) Hoạt động kết nối khởi nghiệp thuận lợi do giới trẻ giỏi về công nghệ thông tin, thâm nhập được vào các mô hình kinh doanh mới, có sự liên kết, hỗ trợ từ mạng lưới du học sinh từ nhiều trường đại học ngoại uy tín. Nguồn huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp phát triển nhanh về lượng, bắt đầu có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhờ đó hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối với cộng đồng và các quỹ đầu tư. (v) Định hướng khởi nghiệp ĐMST được triển khai rốt ráo, như Đề án 844 Hỗ trợ phát triển HST khởi nghiệp ĐMST quốc gia, xây dựng cổng thông tin kết nối cho HST khởi nghiệp, cho các tổ chức hỗ trợ ươm tạo... Ngoài ra còn triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hoá xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu mở, tổ chức các Techfest, cập nhật và truyền bá những thông tin về xu hướng của các công nghệ tiên phong... 3.2.2. Môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta còn nhiều hạn chế So với đòi hỏi phát triển của các HST khởi nghiệp tương xứng với quốc gia có GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP) đạt khoảng 6.925 USD vào năm 2017, thì môi trường khởi nghiệp ĐMST nước ta còn nhiều hạn chế. Thường trên thế giới, nước có thu nhập GDP bình quân trên 7.000 USD/ năm đã nghiêng hẳn về tăng trưởng theo ĐMST, trong khi môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta còn: (i) Thể chế chính trị kép, cồng kềnh, nhiều ban bệ, có cấu trúc, chức năng vẫn y nguyên như vài chục năm trước, nhiều chỗ vẫn theo cơ chế xin-cho, thân hữu, nhiều công chức thoái hóa, biến chất. Thể chế kinh tế trói buộc, có lúc có đến 7.000 điều kiện kinh doanh, bình quân mỗi loại hình kinh doanh có 26 điều kiện “con” nay vẫn còn hơn nửa, làm thui chột sáng tạo, bóp nghẹt ý tưởng kinh doanh mới. (ii) Nhiều thành tố trong các thành phần của HST khởi nghiệp bị xem nhẹ như văn hóa, hoặc lệch lạc, chưa tương thích với kinh tế thị trường đầy đủ, như giáo dục và đào tạo, đầu tư mạo hiểm, thị trường khoa học-công nghệ. Ngân hàng, trường đại học chưa có sự độc lập cần thiết, tương quan giữa các thành phần thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp cần thiết, cát cứ về quyền lực, còn xung đột về lợi ích, từ đó tự làm giảm ảnh hưởng tích cực,
  6. 1060 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA nhân lên các rào cản. (iii) Các nhóm mục tiêu còn khiếm khuyết nhiều mặt, như các chủ thể thực hiện khởi nghiệp chỉ chú trọng mức khả thi về công nghệ, chưa tính đúng về tính thương mại, thị trường; các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp mỏng về vốn, yếu về tầm nhìn, non về kinh nghiệm. Kết nối khởi nghiệp chưa thông thoáng, thiếu công bằng; định hướng khởi nghiệp còn nặng tính hô hào, làm theo phong trào, chung chung, thiếu cụ thể. (iv) Các chủ thể chi phối các thành phần trong HST khởi nghiệp còn phức tạp về quyền hạn, chồng chéo về chức năng, phân tán về đầu mối, khiến nhiều chủ trương chưa có sự đồng thuận rộng, chính sách thiếu tầm nhìn, nhanh chết yểu. Các cơ quan thừa hành các chủ trương, chính sách còn nhiều bất ổn, công chức vận dụng chính sách tùy tiện, còn suy diễn theo ý cá nhân, làm hẫng hụt về hiệu lực chính sách, làm giảm niềm tin chính sách. (v) Nhiều chủ trương, chính sách quá tham vọng, thành viển vông, nhiều chỗ chung chung dễ bị trục lợi, đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận, dẫn đến còn chạy chọt, mục tiêu đạt thấp. Sự thiếu minh bạch, chưa nhất quán, ít chính sách thỏa đáng đã hạn chế đáng kể việc thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào DN khởi nghiệp ĐMST, khiến phong trào khởi nghiệp ĐMST chưa thể đi vào thực chất, dễ bùng lên rồi nhanh tắt lịm... 3.2.3. Nguyên nhân của bất ổn thể chế trong môi trường khởi nghiệp ĐMST Chưa lôi kéo được nhà khởi nghiệp ngoại quốc, nước ta còn có hiện tượng “chảy máu”, khi không ít startup chuyển ra đăng ký ở nước ngoài. Nhiều bất ổn gây khó, điển hình là môi trường khởi nghiệp ĐMST không thuận, về mặt thể chế nổi rõ các nguyên nhân sau: (i) Chưa có tư duy xứng tầm với ĐMST, nhiều tư duy về chức năng, trách nhiệm, phương thức quản trị... của các cơ quan công quyền chưa đổi mới kịp với đòi hỏi của cuộc sống, còn có chính sách trong lĩnh vực ĐMST dưới tầm. Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin, tư vấn cho khởi nghiệp, các quỹ chưa tương xứng, tài trợ còn thấp, chưa thu hút được nhiều tư nhân đồng hành cùng DN khởi nghiệp ĐMST... (ii) Nhiều chính sách hỗ trợ “ẩn hiện”, khởi nguồn tốt đẹp, một số hơi trễ, song bị biến chất dần khi đi qua các tầng nấc quản lý, hướng dẫn thực hiện do bị “găm” vào những lợi ích cục bộ, trục lợi. Đến cấp cơ sở thì tích cực giảm gần hết, nhiều kẽ hở được khai thác, nhưng các đối tượng thụ hưởng không đòi hỏi được vì đã có... chính sách, làm méo mó hỗ trợ của Chính phủ. (iii) Khuôn khổ pháp lý chuẩn mực thấp làm nhiều thực thể, nhất là chủ thể kinh tế, chưa có điều kiện hoạt động tốt, thường bị khống chế, trói buộc bởi nhiều điều kiện, tiêu chuẩn vụn vặt, khó phát triển. Làm chúng không phát huy được tác động tích cực cần có, đôi khi lại trở thành nhân tố gây khó, kìm hãm, thậm chí bóp nghẹt sự sáng tạo của đối tượng khác, nhất là của DN. (iv) Nhiều cơ quan nhà nước còn khiếm khuyết về tổ chức, chồng chéo về chức năng, chưa làm tốt chức năng kiến tạo, nặng về quản lý, gây khó cho DN khởi nghiệp ĐMST tiếp cận thị trường. Không ít công chức thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu các nhà khởi nghiệp, gây oan uổng về số phận cho các DN khởi nghiệp ĐMST non nớt. (v) Việc thiếu vắng các nhà kết nối khởi nghiệp khiến nhiều DN khởi nghiệp ĐMST phải đăng thành lập ở nước ngoài, nhiều phát minh không tìm được nhà khởi nghiệp, không tìm được nguồn tài trợ để thương mại hóa sản phẩm. Định hướng khởi nghiệp ĐMST mờ yếu khi giáo dục chưa thúc đẩy hành vi khởi nghiệp, chưa trang bị đủ kỹ năng, chưa tạo thói quen sáng tạo, chưa nhìn nhận tích cực với tinh thần ĐMST... Ngoài ra, pháp luật chưa nghiêm minh, kém minh bạch, chưa công bằng, lạm dụng quyền quản lý, chưa bảo vệ được quyền tài sản, vi phạm sở hữu trí tuệ... cũng làm xấu đi môi trường khởi nghiệp ĐMST. 3.2.4. Tính cấp bách của việc cải cách thể chế để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta trong giai đoạn hiện nay Có nhiều cách thức để góp phần thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta trong bối cảnh hiện nay, song việc thực thi công cuộc này bằng cải cách thể chế là quan trọng, hợp lý và thiết thực nhất. Bởi: (i) Đó là thước đo nỗ lực kiến tạo của Chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình tất yếu, bởi theo
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1061 thời gian lực lượng sản xuất sẽ phát triển hơn, nên quan hệ sản xuất cũng phải thông thoáng hơn. Việc Nhà nước cải cách thể chế để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST chính là sự mở rộng có chủ đích để quá trình trên diễn ra nhanh, mạnh hơn, nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. (ii) Thực chất là tháo gỡ nguyên nhân làm cho nước ta phát triển chưa cao, mãi lận đận trong phát triển kinh tế, bởi sâu xa chung quy vẫn là thể chế, thể chế và thể chế (Daron và James, 2013, tr. 507). Đó là việc nới rộng chủ động, có cân nhắc, tính toán cho phù hợp với sự thăng tiến về năng lực quản lý của nhà nước, sự nâng cao trình độ dân trí, và bối cảnh phát triển mới. (iii) Là giải pháp “rẻ” nhất, dễ nhất mà Chính phủ có thể dùng để tác động nhanh, rộng lên toàn nền kinh tế, bởi các giải pháp tăng vốn, đầu tư, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế... đều “đắt” hơn, có độ trễ thời hiệu chính sách dài hơn. Đây cũng là giải pháp công bằng nhất, lan tỏa nhanh nhất, đậm chất thị trường, được sự tán đồng cao từ “người chơi” trong nước lẫn đối tác nước ngoài trong các FTA. (iv) Có hiệu quả kinh tế lớn vì giúp giải phóng nhiều nguồn lực đang bị kiềm tỏa, cho phép đưa nhiều ý tưởng đang bị cấm đoán vào kinh doanh, mở rộng các lĩnh vực, các mối quan hệ vốn bị xem là nhạy cảm... Nhờ đó, làm tăng nhanh số “người chơi”, nâng cao chất lượng “người chơi” đáp ứng nhu cầu khai thác cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh, giảm nhẹ thách thức cho quốc gia trong hội nhập. (v) Có hiệu quả xã hội sâu rộng, tích cực, vì tác động trực tiếp đến kỳ vọng lợi ích kinh tế của nhà đầu tư, nên nhiều DN khởi nghiệp ĐMST được mau được đăng ký khởi nghiệp, có thể tạo ra một làn sóng phát triển mới. Sự thông thoáng về điều kiện đầu tư, kinh doanh còn tạo ra hiệu ứng tích cực về sự thoải mái, làm tăng lòng tin của người dân, mang lại sinh khí mới cho nền kinh tế... 3.3. Các cải cách thể chế cần làm để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST ở nước ta trong giai đoạn hiện nay DN khởi nghiệp ĐMST giúp nước ta có thêm động lực trong xây dựng và phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số, hòa nhập vào cách mạng công nghiệp 4.0. Đó còn là thành phần quan trọng để nước ta chuyển đổi nền kinh tế sang tăng trưởng dựa vào ĐMST, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, vượt bẫy thu nhập trung bình... Vì vậy, càng phải làm cho phong trào khởi nghiệp ĐMST diễn ra nhanh, mạnh, hiệu quả và thiết thực hơn, càng phải thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST. Để góp phần vào công cuộc này, về phương diện thể chế, cần tiến hành các cải cách chính sau: Thứ nhất, cải cách thể chế để từng thành phần trong HST khởi nghiệp hoạt động thuận lợi, trên cơ sở đó đầu tư, nâng cấp tạo ra sự đồng bộ, sửa đổi cơ chế phối hợp giữa chúng để tạo nên môi trường khởi nghiệp ĐMST chất lượng. Rất ít DN khởi nghiệp ĐMST thành công khi không có môi trường khởi nghiệp ĐMST tương ứng, phù hợp; và cũng có rất ít DN khởi nghiệp ĐMST thành công trong môi trường khó thích nghi. Do đó, để có phong trào khởi nghiệp ĐMST, điều đầu tiên là phải nâng cấp chất lượng môi trường khởi nghiệp ĐMST lên mức vượt trội so với hiện tại. Do tác động cuối cùng của môi trường tới DN khởi nghiệp ĐMST không phải là phép cộng tác động của từng thành phần, mà là tác động tổng hợp của tất cả các thành phần trong môi trường. Các thành phần môi trường không chỉ tác động tới DN khởi nghiệp ĐMST mà còn tác động qua lại lẫn nhau, nên nếu còn thành phần mỏng về lực, hoạt động bất ổn thì môi trường cũng khó phát huy tác dụng, mau xuống cấp. Ngoài ra, mỗi thành phần môi trường lại bao gồm nhiều thành tố, mỗi thành tố lại chịu sự chi phối của nhiều chủ thể khác nhau, nhiều ảnh hưởng của nó tới DN lại qua cơ quan thực thi chính sách. Nên để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST trước hết cần cải cách thể chế chính trị và thể chế nhà nước, để bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu quả, tinh giảm đầu mối quản lý. Cải cách thể chế hành chính để giảm thủ tục, tháo gỡ vướng mắc, hạn chế tình trạng quan liêu và các quy định không cần thiết. Quan trọng nhất là cải cách thể chế kinh tế, để đưa khuôn khổ pháp lý tiệm cận chuẩn mực quốc tế, giảm can thiệp phi kinh tế, sửa đổi cơ chế để các thành tố phối hợp tác động tốt nhất... Trên cơ sở đó, tiến hành đầu tư, nâng cấp các thành phần còn yếu và thiếu, tiến tới cân đối, đồng bộ giữa các thành phần. Phấn đấu để mọi thành
  8. 1062 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA phần đều phát triển lành mạnh; tương xứng với đòi hỏi của thực tế, tác động tương hỗ qua lại và tạo ra ảnh hưởng tích cực với từng DN khởi nghiệp ĐMST... Thứ hai, cải cách sâu rộng thể chế trong giáo dục đào tạo, nhất là ở bậc đại học, để có nguồn nhân lực chất lượng, năng động, trách nhiệm, sáng tạo, lấy bối cảnh hội nhập quốc tế làm môi trường, dùng khởi nghiệp ĐMST để chứng tỏ... Môi trường khởi nghiệp ĐMST chất lượng nhưng sẽ không có DN khởi nghiệp ĐMST nếu không có nhà khởi nghiệp, mà chỉ có thể khởi nghiệp thành công khi có ý tưởng sáng tạo đích thực. Do đó, phải “cách mạng” lối giáo dục kinh viện, “nhồi nhét”, ép thuộc lòng từng câu chữ, nhưng không hiểu thực tế, nặng lý thuyết thiếu thực hành, làm suy giảm đáng kể giá trị của vốn con người... Không thể để các trường đại học tiếp tục giảng dạy các nội dung được phê duyệt, nghiên cứu để chứng minh việc đang làm là đúng, xa rời đòi hỏi thực tiễn. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, CMCN 4.0 với hàng loạt công nghệ đang biến đổi cách thức giao tiếp, cách tạo ra và sử dụng tri thức, khả năng ĐMST và tư duy khởi nghiệp ngày càng quyết định vận mệnh các DN. Do đó, phải cải cách sâu rộng thể chế trong giáo dục đào tạo, phải làm hình thành thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, chấp nhận phá hủy-sáng tạo, không hài lòng với thực tại. Đặc biệt, ở bậc đại học, cần chú trọng hơn việc chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Sự thành công của Trung Quốc một phần là nhờ sau cải cách 1978, đã quyết định phi chính trị hóa đồng thời thương mại hóa giáo dục đại học, để tạo ra đội ngũ doanh nhân đẳng cấp quốc tế [6]. Còn ta, hai trường đại học tốt nhất mới đứng thứ 1.133 và 2.181 trong bảng xếp hạng Webometrics 2015. Quy định về cấp vốn nghiên cứu làm cho chỉ khoảng 200-300 giáo sư còn nghiên cứu, trong khi từ năm 1980 đến 2017, nhà nước đã công nhận 1.789 giáo sư... Khi Singapore dùng giáo dục làm đột phá đã biến quốc đảo nhỏ phải nhập từ đất, cát, nước ngọt thành cường quốc, thì việc lãng phí vốn con người ở nước ta khó biện minh. Nếu không cải cách sâu rộng về phát triển, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực, thì khó có sự chuyển mình của kinh tế Việt Nam dù cố thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST... Thứ ba, cải cách thể chế để các chính sách có chất lượng cao, triển khai thông suốt, thu hút được nhân tài, thải loại nhân lực dưới chuẩn, thoái hóa, biến chất, nhằm phát huy vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy môi trường ĐMST. Chính sách của Chính phủ là thành phần chính trong HST khởi nghiệp, có ảnh hưởng to lớn đối với việc làm hình thành nhiều DN khởi nghiệp ĐMST. Riêng đối với nước ta, càng cần cải cách thể chế để góp phần nâng cao chất lượng chính sách, bởi: (i) Thể chế chính trị chưa chuyển biến kịp với các thay đổi của nền kinh tế, nên trong thể chế chính trị kép, mức độ chậm chuyển biến bị nhân đôi, tạo ra mâu thuẫn không nhỏ giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị (Lê Du Phong, 2014). (ii) Tư duy kinh tế bị tác động dai dẳng của tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, còn khó khăn trong việc xây dựng và phát triển hệ thống lý luận mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới (Lương Xuân Quỳ và ccs, 2015). (iii) Mô hình kinh tế chưa có cơ sở kinh tế học vững chắc, những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn I tái cơ cấu nền kinh tế không thực hiện được (Trần Thọ Đạt và cs, 2017, tr. 101). (iv) Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, toàn bộ nền tảng thế chế, chính sách làm cho nước ta có thói quen có khi có mặt ở những chỗ không cần thiết mà không có mặt thì tốt hơn [5]... Cho thấy chính sách hiện tại có nhiều vấn đề, đối với khởi nghiệp thông thường đã khó, nên càng khó với khởi nghiệp ĐMST. Do đó, cần cải cách thể chế để có chính sách vượt trội, quan trọng nhất là nhất thể hóa được các chức danh chủ chốt để tập trung đầu mối quản lý, chỉ đạo. Xây dựng được các tiêu chí làm cơ sở đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả để xác định DN cần ưu tiên, xây dựng hành lang pháp lý để thu hút đầu tư. Thu hút nhân tài, thải loại nhân lực dưới chuẩn, thoái hóa, để chính sách chất lượng cao, được triển khai thông suốt, phát huy vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy môi trường ĐMST... Thứ tư, cải cách thể chế để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI, từ kiều bào, cùng các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư, nhằm tạo ra nguồn lực khởi nghiệp phong phú, trăn trở đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp ĐMST.
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1063 Thời gian qua, nhiều DN khởi nghiệp ÐMST đã nhận được đầu tư lớn từ quỹ đầu tư trực thuộc Bộ KH và CN và hoạt động thành công, như Công ty Vận chuyển Ship60, Công ty cổ phần Hachi, Hệ thống cửa hàng bánh mỳ Kebab Torki... Chỉ hơn một năm triển khai Đề án 844, đã có 67 hồ sơ đăng ký tham gia và chọn được 14 hồ sơ tốt nhất để thực hiện thí điểm năm 2017, song quy mô vốn của đề án đến năm 2020 chỉ 1.000 tỷ đồng, còn đến năm 2025 chỉ 2.000 tỷ đồng. Với mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 800 dự án và 200 DN khởi nghiệp ĐMST, nên mức hỗ trợ bình quân cho mỗi dự án, DN, khá khiêm tốn chỉ khoảng 40.000 USD. Đây là rào cản lớn, bởi các nhà khởi nghiệp ĐMST Việt thường bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, khả năng vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư thấp. Các DN khởi nghiệp ĐMST cũng khó trang trải chi phí thí nghiệm, chi phí phục vụ nghiên cứu, hạn chế trong phát triển ý tưởng, sản phẩm... Song, không thể đòi hỏi hơn ở nền kinh tế cả trong vài năm tới, bởi quy mô kinh tế mới khoảng 220 tỷ USD, bội chi ngân sách còn cao, nợ công kịch trần nhưng đang tăng, mức trả nợ sắp vượt ngưỡng cho phép mà chủ yếu là phát hành trái phiếu đảo nợ... Hiện nhiều dự án, DN khởi nghiệp ĐMST gọi được vốn đầu tư, như từ ngân hàng, các đầu tư “thiên thần”, các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ. Tiềm lực của các nguồn này không lớn, nhất là sau vài năm tới, khi số DN khởi nghiệp ÐMST thành công ít, sẽ khó tìm nguồn đầu tư. Do đó, cần cải cách mạnh thể chế để thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư mạo hiểm cả trong nước và nước ngoài, để tăng sự chủ động cho phong trào khởi nghiệp, hạn chế để các “mỏ vàng” lợi nhuận ĐMST chảy vào túi các nhà đầu tư ngoại. Thứ năm, cải cách thể chế để phát triển đội ngũ các nhà kết nối, định hướng khởi nghiệp chuyên nghiệp, phù hợp, hiệu quả; để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho mọi đối tượng, giúp nhận diện cơ hội, định hình con đường khởi nghiệp ĐMST. Hoạt động khởi nghiệp ĐMST có nhiều thuận lợi, khi khoa học và công nghệ là lĩnh vực hiếm hoi không bị tụt hậu quá xa so với thế giới, nhiều mặt có thứ bậc cao so với khu vực. Lớp trẻ giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thâm nhập vào các mô hình kinh doanh mới, có nhiều sáng tạo. Mạng lưới du học sinh Việt Nam trải khắp các trường đại học hàng đầu thế giới, có sự liên kết, hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp ÐMST trong nước. Song, đa số các nhóm khởi nghiệp gặp khó về ngôn ngữ, yếu về kỹ năng thuyết trình, chinh phục khách hàng, tiếp thị sản phẩm ra thị trường quốc tế. Các sáng lập viên, nhân sự chủ chốt của các dự án chủ yếu có chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, chưa có nhiều kiến thức về kinh doanh, kinh tế và kỹ năng quản trị DN... Họ còn hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết, từ gia nhập thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đến thương mại hóa sản phẩm, tài chính, gặp thách thức văn hóa, bởi nhiều nhà đầu tư chưa chấp nhận rủi ro... Vì vậy, cần cải cách thể chế phát triển đội ngũ các nhà kết nối khởi nghiệp, như các hiệp hội DN, câu lạc bộ khởi nghiệp, các trung tâm DN, dịch vụ cầu nối, môi giới kinh doanh...: Đồng thời, cần cải cách thể chế để phát triển đội ngũ các nhà định hướng khởi nghiệp, giúp thúc đẩy hành vi, trang bị cho các chủ DN những kỹ năng để vận hành DN phát triển bền vững, định hướng tăng trưởng. Giúp nhận thức và hình thành “văn hóa” chấp nhận rủi ro và thất bại, sẵn sàng đấu tranh vì sự khởi nghiệp thành công, tạo hình mẫu để khuyến khích và thúc đẩy những DN khác. Hai lĩnh vực này đều còn mới, thiếu và yếu, cần có các quy định cụ thể rõ ràng, để tiến tới tổ chức thành mạng lưới chuyên nghiệp, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức có liên quan ở nước ngoài... 4. KẾT LUẬN Do có thể tạo ra động lực cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số, hòa nhập vào CMCN 4.0, các DN khởi nghiệp ĐMST xứng đáng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ phát triển từ Nhà nước và xã hội. Phong trào khởi nghiệp ÐMST mới được triển khai mạnh sau khi Đề án 844 được phê duyệt (2016) nhưng đã có nhiều khởi sắc, tinh thần khởi nghiệp ÐMST lan tỏa, được hưởng ứng mạnh mẽ, có nhiều thành công. Tuy nhiên, việc phát triển các DN này chưa dễ ở nước ta, khi các nhà khởi nghiệp chưa đủ mạnh, chưa đầy đủ kiến thức về kinh tế, quản trị, pháp luật, thị trường, còn va vấp khi sáng tạo, hoạt động
  10. 1064 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA thực tế. Trước đòi hỏi của cuộc sống, nhất là sức ép hội nhập và áp lực của CMCN 4.0, nước ta không thể chần chừ, do dự, mà cần phải đẩy nhanh phong trào khởi nghiệp ĐMST. Để góp sức cho phong trào này, giải pháp có tác dụng lan tỏa nhanh, rộng khắp, công bằng và “rẻ” nhất, phù hợp với thực tế của nền kinh tế còn nhiều trói buộc, năng lực đầu tư chưa cao như nước ta, là cải cách thể chế để tháo rỡ rào cản phát triển. Nó sẽ giúp giải phóng nhiều tiềm năng đang bị kiềm tỏa, cho phép phát huy năng lực sáng tạo vô bờ của trên 95 triệu con người. Từng bước nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh ĐMST theo hướng thông thoáng, chất lượng, có nhiều tác động lan tỏa, hứa hẹn cung cấp cho đất nước nhiều DN khởi nghiệp ĐMST đủ sức cạnh tranh quốc tế. Dĩ nhiên, để thực hiện các cải cách là không dễ, khi thể chế chính trị, tư duy kinh tế, mô hình tăng trưởng, thói quen của bộ máy quản lý chưa tương hợp. Còn có sự chống đối, thậm chí quyết liệt của các cá nhân, nhóm lợi ích khi có xung đột lợi ích trước các cải cách. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự điều hành của Chính phủ kiến tạo đồng hành cùng DN. Với tinh thần sáng tạo của toàn dân, nhất là của giới trí thức trẻ, với tinh thần quật khởi của giới doanh nhân, với quyết tâm đổi mới, vươn lên của toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta có quyền tin rằng công cuộc cải cách thể chế sẽ diễn ra suôn sẻ, kịp thời, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST, tạo đột phá về chất đưa kinh tế nước nhà phát triển mạnh hơn lên... TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Anh Sa (2016), Chưa chắc nhiều người đã hiểu đúng startup là gì, truy cập ngày 22/05/2018, từ [2] Trịnh Đức Chiểu (2018), Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng HST khởi nghiệp, truy cập ngày 24/05/2018, từ < http:// tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/kinh-nghiem-quoc-te-ve-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-140272.html> [3] Theo nhandan.com.vn (2016), Thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy cập ngày 26/05/2018, từ [4] Nguyễn Hùng (2017), Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cần có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội, truy cập ngày 29/05/2018, từ [5] Khánh Nguyễn (2017), Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần đi vào thực chất, truy cập ngày 02/06/2018, từ [6] Vũ Minh Khương (2013), Việt Nam hành trình đi đến phồn vinh, Nxb Tri thức, Hà Nội, trang 49. [7] Dan Senor và Saul Singer (2014), Quốc gia khởi nghiệp: câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel, bản dịch của Trí Vương, Nxb Thế giới, Hà Nội. [8] Daron Acemoglu và Jame A. Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại, bản dịch của Nguyễn Thị Kim Chi, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. [9] Lê Du Phong (2014), Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới, Kỷ yếu Hội thảo Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nxb ĐHKTQD, 2014, tập 1, 54-62. [10] Lương Xuân Quỳ và ccs (2015), Tư duy về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam: Thực trạng, quan điểm và định hướng đổi mới, Kỷ yếu Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội và ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb ĐHKTQD, Hà Nội, 07-24. [11] Trần Đông (2010), Việt Nam: Từ con hổ châu Á thành chú mèo ngủ đông, truy cập ngày 06/06/2018, từ [12] Trần Thọ Đạt và Ngô Thắng Lợi (đồng chủ biên, 2017), Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triẻn”, Nxb ĐHKTQD, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2