YOMEDIA
ADSENSE
Căng thẳng trong công việc và ứng xử của nhân viên kế toán – Kết quả khảo sát tại các tỉnh phía Nam
3
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết "Căng thẳng trong công việc và ứng xử của nhân viên kế toán – Kết quả khảo sát tại các tỉnh phía Nam" khuyến nghị ba nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng căng thẳng trong nghề kế toán, bao gồm giải pháp từ phía đơn vị, giải pháp từ chính người làm kế toán và giải pháp từ phía các cơ sở đào tạo. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Căng thẳng trong công việc và ứng xử của nhân viên kế toán – Kết quả khảo sát tại các tỉnh phía Nam
- CĂNG THẲNG TRONG CÔNG VIỆC VÀ ỨNG XỬ CỦA NHÂN VIÊN KẾ TOÁN – KẾT QUẢ KHẢO SÁT TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM TS. Lâm Thị Trúc Linh1 Ths.Nguyễn Hồng Nga Nguyễn Ngọc Thọ Ths.Trần Ngọc Hòa Tóm tắt Nghiên cứu tiến hành khảo sát 134 người làm kế toán tại các doanh nghiệp, ngân hàng và đơn vị hành chính, sự nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Mục đích nhằm kiểm tra sự tồn tại, mức độ của tình trạng căng thẳng trong công việc cũng như ý định/hành vi của họ khi đối diện với tình trạng này. Kết quả thu được tương đối khả quan, mặc dù vẫn tồn tại những áp lực nghề nghiệp và tình trạng căng thẳng trong công việc nhưng ở mức độ khá thấp ngoại trừ trường hợp quá tải vai trò. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực liên quan đến ý định/hành vi của kế toán khi đối diện căng thẳng. Đa số họ không có ý định nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác. Thay vào đó, họ sẽ tìm nhiều cách để giải quyết căng thẳng, duy trì sự cân bằng giữa công việc và gia đình để không rơi vào trạng thái tiêu cực, thậm chí có nhiều ý kiến đồng tình rằng công việc sẽ thú vị hơn khi có tính thách thức. Sau cùng, bài viết khuyến nghị ba nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng căng thẳng trong nghề kế toán, bao gồm giải pháp từ phía đơn vị, giải pháp từ chính người làm kế toán và giải pháp từ phía các cơ sở đào tạo. Từ khóa: Căng thẳng nghề nghiệp; ý định/hành vi; giải quyết căng thẳng 1. Giới thiệu Nghề kế toán ở Việt Nam có tính chất công việc đặc thù gắn liền với quy định, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các thông tư hướng dẫn. Để đáp ứng phù hợp với thực tế, các quy định này luôn được điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới. Vì vậy, kế toán luôn luôn phải cập nhật văn bản mới đồng thời thích ứng với sử dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Theo Piccoli và cộng sự (1988), căng thẳng trong công việc xảy ra khi có khoảng trống giữa năng lực cá nhân và yêu cầu công việc. Căng thẳng là kết quả khi có quá nhiều việc, công việc quá khó để thực hiện nhưng cũng tạo căng thẳng khi có ít việc để làm hoặc công việc không có sự thách thức. Thực tế, kế toán luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải đặc biệt là vào mùa báo cáo thuế. Áp lực 1 Khoa Kế Toán - Phân Hiệu Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long, Email:linhlatt@ueh.edu.vn, Số điện thoại: 0768 761 493. 151
- thời gian hoàn thành công việc, việc học tập chuyên môn làm kế toán không cân bằng giữa gia đình và công việc, tạo nên sự xung đột giữa cuộc sống gia đình và công việc. Tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trên toàn thế giới và đã làm thay đổi cách sống và làm việc cũng như cách thức hoạt động của hầu hết mọi lĩnh lực. Kế toán có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin tài chính cho các bên liên quan, là chìa khóa để vận hành nền kinh tế ổn định (Rinaldi và cộng sự, 2020). Vì vậy, khi đại dịch xảy ra thì lĩnh vực kế toán vẫn hoạt động tuy nhiên phương thức làm việc của kế toán thay đổi để thích nghi tình hình giãn cách xã hội. Do đó, Koleva & Mitreva (2021) cho rằng nghề kế toán, vốn đã có nhiều áp lực thì càng trở lên chịu áp lực cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, căng thẳng trong công việc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hài lòng trong công việc của kế toán. Theo Sen (2008) căng thẳng dẫn đến trầm cảm, kích thích, lo lắng, kiệt sức và do đó giảm sự hài lòng trong công việc. Nhân viên sẽ mất dần sự gắn kết trong công việc (Güzide, 2021) dẫn đến ý định nghỉ việc (Fisher, 2001; Hasin và Omar, 2007; Kelly và Barrett, 2011). Điều này sẽ gây tổn thất cho đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, điều quan trọng là phải xác định các nguyên nhân gây ra căng thẳng của kế toán và ảnh hưởng của chúng đến sự hài lòng trong công việc giúp họ gắn bó hơn với tổ chức và tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể có những căng thẳng nghề nghiệp khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, độ tuổi, thâm niên công tác, tình trạng hôn nhân, kỳ vọng về nghề nghiệp mà kế toán sẽ có nhìn nhận vấn đề căng thẳng và ứng xử khác nhau. Nghiên cứu này nhằm nhận diện những căng thẳng trong công việc và cách ứng xử của các nhân viên kế toán đang làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng và đơn vị hành chính, sự nghiệp ở các tỉnh phía Nam, từ đó khuyến nghị các giải pháp giảm thiểu, ứng phó với sự căng thẳng trong công việc của nhân viên kế toán. 2. Các nghiên cứu liên quan đến căng thẳng nghề nghiệp Nghề kế toán thường được coi là một nghề căng thẳng và luôn trong tình trạng quá tải (Gaertner và Ruhe, 1981; Kelly và Barrett, 2011). Bạch Ngọc Hoàng Ánh và cộng sự (2020) cho rằng kế toán là một lĩnh vực có mức độ căng thẳng cao, chịu ảnh hưởng bởi khối lượng công việc dày đặc và thời hạn làm việc gấp rút, đặc biệt là trong mùa bận rộn như cuối quý, cuối năm. Gaertner và Ruhe (1981), phát hiện ra rằng nhân viên kế toán cấp dưới trải qua nhiều căng thẳng hơn do gánh nặng vai trò, sự mơ hồ về vai trò, lo lắng về tiến độ sự nghiệp và không có đủ cơ hội để tham gia vào các quyết định cuối cùng có ảnh hưởng đến họ. Theo Phan Anh Tiền (2018) khi đối mặt với căng thẳng thì sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể đối với người lao động họ sẽ bị suy giảm thể lực, khó kiểm soát cảm xúc, dễ gây ra những hành vi gây ảnh hưởng xấu cho bản thân và xã hội. Theo Trần Kim 152
- Dung và Trần Thị Thanh Tâm (2012), căng thẳng không chỉ gây hại cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tổ chức, gây tác hại cho sức khỏe, tình cảm, tư duy. Theo Savery (2001), những nhân viên căng thẳng trong công việc bị giảm chất lượng cuộc sống và sự hài lòng trong công việc. Hiệu quả công việc của kế toán sẽ bị ảnh hưởng khi căng thẳng xảy ra đặc biệt trong tình hình COVID (Koleva & Mitreva, 2021). Fisher (2001) phát hiện ra rằng tác động tiềm ẩn của căng thẳng là rất đáng kể, không chỉ đối với cá nhân về mặt cảm xúc như sự hài lòng trong công việc thấp, mà còn đối với tổ chức về chất lượng hiệu quả hoạt động thấp và làm tăng tỉ lệ nghỉ việc. Collins và Killough (1992) tìm thấy mối liên hệ giữa căng thẳng liên quan đến công việc và yêu cầu công việc “nặng nhọc” trong khi sự không hài lòng và ý định nghỉ việc có mối quan hệ với việc chậm thăng tiến và mục tiêu công việc không rõ ràng. Collins (1993) và Sanders (1995) đã lập luận rằng căng thẳng trong công việc liên quan trực tiếp đến ý định rời bỏ công việc điều này được khẳng định trong nghiên cứu của Hasin và Omar (2007). Vì vậy, căng thẳng trong công việc trở thành mối quan tâm cấp thiết cho người sử dụng lao động và người lao động. Một giải pháp giảm thiểu căng thẳng được nhiều nghiên cứu gần đây đề cập đến, đó là làm việc tại nhà. Làm việc tại nhà được coi là phương tiện giúp tăng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của một cá nhân bởi vì làm việc tại nhà mang lại cơ hội chăm sóc các thành viên trong gia đình (Ammons và Markham 2004) giúp cải thiện chất lượng cuộc sống (Azarbouyeh và Jalali Naini, 2014), nhân viên hạnh phúc, gia tăng sự hài lòng trong công việc (Kazekami, 2020). Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong công việc cũng trở thành giải pháp được đề xuất trong nhiều nghiên cứu. Tính linh hoạt tại nơi làm việc được định nghĩa là khả năng nhân viên có thể lựa chọn khi nào, ở đâu và trong bao lâu để họ tham gia vào các nhiệm vụ liên quan đến công việc của họ (Jeffrey Hill và cộng sự, 2008). Tính linh hoạt làm giảm tác động tiêu cực của các yếu tố giữa công việc và gia đình (Jones và Guthrie, 2016).Theo Mnif và Rebai (2022), tính linh hoạt làm giảm tác động tiêu cực của căng thẳng trong công việc bằng cách cải thiện hiệu suất công việc và sự hài lòng trong công việc của kế toán. Song song với các giải pháp đến từ nhà quản lý, chiến lược đối diện căng thẳng cũng được áp dụng để kế toán dễ dàng lấy lại cân bằng trong công việc. Kết quả nghiên cứu của Koleva & Mitreva (2021) cho thấy những căng thẳng trong công việc của kế toán có 26% xuất phát từ cá nhân trong khi 74% cho rằng nguồn gốc căng thẳng là từ công việc như trách nhiệm công việc tăng lên, mối quan hệ với đồng nghiệp và người quản lý, giám sát nội bộ, tình hình đại dịch COVID-19. Tìm kiếm sự hỗ trợ, thảo luận tình huống căng thẳng với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp hay những giải pháp quản lý căng thẳng 153
- như thực hiện những việc bản thân yêu thích, luyện tập thể thao là chiến lược quan trọng để giảm tác động tiêu cực của căng thẳng (Piccoli, 1988). Campbell & cộng sự (1988) khuyến cáo nên có những chương trình huấn luyện để kế toán làm quen với căng thẳng cũng như làm thế nào đối mặt với chúng một cách tích cực nhất. 3. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm nhận diện những căng thẳng kế toán thường gặp phải trong công việc cũng như cách mà họ ứng xử trước các tình huống đó. Nghiên cứu tiến hành khảo sát kế toán đang làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng và các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện kết hợp phát triển mầm. Nhóm nghiên cứu tiến hành gửi bảng câu hỏi cho các đáp viên thông qua công cụ Google Forms. Bảng hỏi được xây dựng gồm 3 phần: Phần I là các thông tin về người trả lời liên quan đến giới tính, độ tuổi, lĩnh vực công tác, đơn vị công tác, chức vụ đảm nhận, tình trạng hôn nhân, thu nhập, trình độ chuyên môn; Phần II thu thập các ý kiến về những căng thẳng trong công việc mà kế toán có thể đối diện; Phần III thu thập phản hồi về ứng xử khi gặp căng thẳng trong công việc. Kết quả thu được 134 phản hồi từ kế toán trưởng, kế toán tổng hợp và nhân viên kế toán. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Đặc điểm mẫu khảo sát Số liệu khảo sát được tổng hợp ở bảng 1 cho thấy, trong tổng số 134 người được khảo sát thì có đến 101 là nữ, chiếm tỉ lệ 75,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc thù giới tính trong nghề kế toán. Về độ tuổi, phần lớn người trả lời trong độ tuổi từ 30 đến 40, chiếm đến 62,7% tương ứng 84 người. Số người ở hai nhóm tuổi dưới 30 và trên 40 lần lượt là 24 và 26 người, tương ứng tỉ lệ 17,9% và 19,4%. Về tình trạng hôn nhân, 99/134 người được khảo sát đã kết hôn, chiếm tỉ lệ 73,9%. Một đặc điểm đáng lưu ý trong kết quả thống kê là trình độ chuyên môn của các đáp viên, phần lớn họ có trình độ từ Đại học trở lên, chiếm tỉ lệ 70,2% tương ứng 94 người. Có 59/134 người được hỏi đang làm việc tại các doanh nghiệp, chiếm 44%; 69 người đang công tác tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp (như trường học, bệnh viện, tòa án, viện kiểm sát, kho bạc, cơ quan bảo hiểm xã hội,…) và một số ít đang làm việc tại các ngân hàng với tỉ lệ 4,5%. Bảng 1. Kết quả thống kê mẫu khảo sát Đặc điểm mẫu khảo sát Tần số (N = 134) Tỉ lệ (%) Giới tính Nam 33 24,6 Nữ 101 75,4 154
- Đặc điểm mẫu khảo sát Tần số (N = 134) Tỉ lệ (%) Tuổi Dưới 30 24 17,9 Từ 30 đến 40 84 62,7 Trên 40 26 19,4 Tình trạng hôn nhân Độc thân 35 26,1 Đã kết hôn 99 73,9 Trình độ chuyên TCCN, CĐ 40 29,9 môn Đại học 79 59,0 Sau đại học 15 11,2 Loại hình đơn vị Doanh nghiệp 59 44,0 Đơn vị HCSN 69 51,5 Ngân hàng 6 4,5 Thu nhập Dưới 5 triệu 21 15,7 Từ 5 triệu đến 10 triệu 82 61,2 Trên 10 triệu 31 23,1 Thời gian công tác Dưới 3 năm 19 14,2 Từ 3 năm đến 10 năm 63 47,0 Trên 10 năm 52 38,8 ( Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp) Yếu tố thu nhập cũng được thu thập thông qua bảng hỏi, kết quả là phần lớn người trả lời có mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu, số lượng 82 người chiếm tỉ lệ 61,2%. Số người có thu nhập trên 10 triệu là 31 người chiếm 23,1%. Như một tiêu chí đo lường sự gắn bó với nghề nghiệp, thời gian công tác trong khảo sát được chia làm 3 nhóm và kết quả khá tương đồng giữa các nhóm: dưới 3 năm là 19 người (14,2%), từ 3 đến 10 năm là 63 người (47%), trên 10 năm là 52 người (38,8%). Qua kết quả thống kê mô tả ở trên, có thể đưa ra nhận xét chung về mẫu khảo sát như sau: đa số các kế toán được khảo sát đều là nữ, phần lớn có độ tuổi trên 30, đã kết hôn chiếm tỷ trọng khá lớn (73,9%), có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, mức thu nhập khá ổn định (trên 5 triệu) và đã có thời gian làm công tác kế toán tương đối dài (trên 3 năm là 85,8%). 155
- 4.2. Thực trạng sự căng thẳng trong công việc và cách ứng xử của kế toán Với câu hỏi điều gì làm Anh/chị căng thẳng trong công việc? Ngoài một số yếu tố gây căng thẳng từ các lược khảo các nghiên cứu trước như: công việc quá nhiều, mức độ phức tạp trong công việc ngày càng cao, áp lực về thời gian hoàn thành, chưa am hiểu tất cả công việc cần phải làm được chọn thì một số căng thẳng nghề nghiệp được trả lời ở bảng 2. Bảng 2. Thống kê các yếu tố gây căng thẳng nghề kế toán Số lượng Tỉ lệ TT Yếu tố gây căng thẳng nghề kế toán (người) (%) 1 Tôi làm việc theo yêu cầu nhưng chưa am hiểu tất cả những việc 27 20,2 tôi phải làm tại đơn vị 2 Tôi chưa chủ động được thời gian để thực hiện công việc 33 24,6 3 Tôi phải làm việc khác ngoài công việc kế toán 59 44,0 4 Đôi khi tôi phải không tuân theo quy tắc, chính sách để thực hiện 46 34,3 nhiệm vụ được giao 5 Tôi nhận được các yêu cầu không tương thích từ hai hoặc nhiều 42 31,3 người tại đơn vị 6 Đôi khi tôi được giao các nhiệm vụ mà không có đủ nguồn lực và 43 32,1 khả năng để thực hiện chúng 7 Các nhiệm vụ dường như ngày càng trở nên phức tạp hơn 79 59,0 8 Đơn vị mong đợi ở tôi nhiều hơn là kỹ năng mà tôi có thể đáp 62 46,3 ứng 9 Tôi cảm thấy rằng tôi có một khối lượng công việc quá nhiều 63 47,0 khiến tôi không thể hoàn thành trong ngày làm việc bình thường 10 Thời gian dành cho công việc ảnh hưởng đến thời gian tôi dành 69 51,5 cho những nhu cầu cá nhân khác (Ví dụ: gia đình, giải trí,..) 11 Công việc nhiều nhưng thiếu thách thức, nhàm chán 42 31,3 12 Tôi được linh hoạt chọn hình thức làm việc (làm việc tại đơn vị, 52 38,8 làm việc từ xa,…) nhưng lại gặp khó khăn trong việc phân chia thời gian cho công việc và gia đình 13 Tôi luôn phải cập nhật văn bản, quy định, chế độ kế toán và học 99 73,9 sử dụng công nghệ (Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp) Kết quả trên cho thấy, sự căng thẳng trong công việc của kế toán đến từ nhiều khía cạnh khác nhau. Yếu tố 1 và 2, xuất phát từ lý do chưa thực sự am hiểu công việc mình đang làm và chưa chủ động được thời gian để thực hiện nhiệm vụ, tức là tồn tại sự mơ hồ trong vai trò dẫn đến căng thẳng. Các ý kiến này chủ yếu xuất phát từ kế toán có thâm niên công tác dưới 3 năm. Yếu tố 3 đến 6 là thực trạng diễn ra tại nhiều đơn vị khi kế toán 156
- không chỉ làm việc của kế toán mà còn phải thực hiện đồng thời nhiều công việc khác, đôi khi họ phải phá vỡ các quy tắc để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, kể cả việc nhận được các yêu cầu khác biệt, trái ngược từ các nhà quản lý. Áp lực còn bắt nguồn từ việc họ được giao nhiệm vụ nhưng không đủ nguồn lực và khả năng để thực hiện chúng. Đôi khi là xung đột vai trò khi chưa cân đối được thời gian cho gia đình và công việc. Tiếp đến là yếu tố 7 đến 11 đo lường sự quá tải trong công việc, kết quả thống kê chỉ ra rằng đây là các yếu tố gây căng thẳng cao nhất với tỉ lệ cho các câu trả lời xấp xỉ 50%. Đa số họ đều nhận thấy các nhiệm vụ ngày càng trở nên phức tạp, công việc quá nhiều khiến họ không thể hoàn thành trong ngày làm việc bình thường, và hệ quả là thời gian dành cho công việc lấn át quỹ thời gian dành cho gia đình, cho bản thân. Điều này có một phần nguyên nhân là yêu cầu, sự kỳ vọng của nhà quản lý đặt nơi họ nhiều hơn những gì mà họ có thể đáp ứng, từ đó tất yếu dẫn đến tình trạng căng thẳng của kế toán ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, kế toán cũng đồng ý rằng công việc tuy nhiều nhưng thiếu tính thách thức, dễ gây nhàm chán, điều này cũng góp phần gia tăng sự căng thẳng trong công việc. Sự linh hoạt trong lựa chọn hình thức làm việc cũng là một yếu tố rất được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, khi làm việc tại nhà hay làm việc từ xa thì kế toán lại gặp khó khăn trong việc phân chia thời gian cho công việc và gia đình. Hay nói cách khác, điều này cũng trở thành nguyên nhân của những căng thẳng. Đáng chú ý, yếu tố 13 là yếu tố có số lượng người đồng tình cao nhất, với số lượng 99/134, tỉ lệ 73,9%. Họ đồng ý rằng việc luôn phải cập nhật văn bản, quy định, chế độ kế toán và học sử dụng công nghệ là một áp lực rất lớn đối với nghề kế toán hiện nay, khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Tóm lại, từ kết quả khảo sát có thể thấy, tình trạng căng thẳng trong công việc của kế toán tại các đơn vị thuộc các tỉnh phía Nam đang tồn tại, trong đó đáng lưu ý là sự quá tải trong công việc. Tiếp đến, với câu hỏi đặt ra là: Khi đối diện với những căng thẳng trong nghề nghiệp, người làm kế toán sẽ ứng xử như thế nào? Câu trả lời được chúng tôi thiết kế theo hướng mở, ngoài những lựa chọn được trình bày trong bảng 3, người được khảo sát có thể ghi rõ ý kiến của mình về cách thức họ giải quyết tình trạng căng thẳng trong công việc. Bảng 3. Kết quả thống kê “Ý định/hành vi của kế toán khi xảy ra sự căng thẳng trong công việc” Số lượng Tỉ lệ TT Ý định của kế toán (người) (%) 1 Tôi luôn tìm cách giải quyết căng thẳng bằng nhiều cách 91 67,9 157
- 2 Tôi cho rằng công việc thú vị hơn khi có nhiều thách thức 88 65,7 3 Tôi có thể cân bằng được công việc và gia đình 85 63,4 4 Tôi có ý định nghỉ việc ngay khi có thể 37 27,6 5 Tôi có ý định thay đổi công việc khác (không làm kế toán) 39 29,1 (Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp) Chúng tôi nhận được một kết quả khá tích cực từ các lựa chọn của người trả lời. Đa số họ sẽ tìm cách để giải quyết căng thẳng như gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp để chia sẻ và cùng nhau tìm hướng giải quyết, trình bày với cấp trên về tình trạng “quá tải” của mình. Mua sắm, chơi thể thao, xem phim, đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch, nghỉ ngơi, nấu ăn, chơi game,… cũng là những giải pháp được đưa ra trong tình huống công việc quá căng thẳng. Bên cạnh đó, nhiều kế toán xem tính thách thức như một yếu tố cần có để duy trì hứng thú đối với công việc. Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng là động lực, là chỗ dựa tinh thần giúp họ tự lấy lại cân bằng. Một tín hiệu vui nữa là hầu như họ không có ý định nghỉ việc hoặc thay đổi công việc (tỉ lệ đồng ý với ý định 4 và 5 khá thấp, lần lượt là 27,6% và 29,1%). Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, cách ứng xử này là khá phù hợp với đặc trưng mẫu được trình bày ở mục 4.1. 5. Bàn luận và kết luận Từ kết quả khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy rằng: tình trạng căng thẳng nghề kế toán đang tồn tại trong các tổ chức, bao gồm cả doanh nghiệp, ngân hàng và các đơn vị sự nghiệp. Mỗi cá nhân đối diện với căng thẳng khác nhau, cách ứng xử cũng có khác biệt. Có người xem căng thẳng nghề nghiệp là đương nhiên, họ sẽ tìm cách cân bằng bằng việc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Cũng có người sẽ chia sẻ với đồng nghiệp để giải quyết khó khăn về chuyên môn hay chia sẻ với gia đình để thấu hiểu cho họ khi phải dành nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Trên tất cả, điều quan trọng là năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý thời gian, sự thích ứng của kế toán đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đơn vị sử dụng lao động cần cả kế toán và phía doanh nghiệp thực hiện. Một bên nâng cao năng lực bản thân, một bên tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để kế toán nâng cao năng lực nghề nghiệp từ đó sẽ nâng cao hiệu quả làm việc và giảm thiểu áp lực vốn có của nghề nghiệp. Dựa trên kết quả khảo sát, kết hợp các giải pháp rút ra từ các nghiên cứu trước, chúng tôi đề xuất ba nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu sự căng thẳng trong công việc kế toán như sau: 5.1. Giải pháp về phía đơn vị, nhà quản lý Nhà quản lý cần có sự thấu hiểu về những áp lực, căng thẳng của nghề kế toán, từ đó có các giải pháp hỗ trợ để kế toán tạo ra giá trị nhiều nhất cho đơn vị. Tạo điều kiện môi trường làm việc lành mạnh và đảm bảo có sự tương tác, tạo cơ hội cho nhân viên kế toán phát triển mối quan hệ tốt với cấp trên, người giám sát và cộng 158
- sự. Điều này cũng có thể giúp họ gắn kết hơn với công ty thông qua các cuộc thảo luận cởi mở và kết quả là sẽ làm tăng sự hài lòng trong công việc. Nhân viên là tài sản quý giá công ty, vì vậy ban quản lý phải thường xuyên xem xét các chính sách đãi ngộ của công ty để khen thưởng cho nhân viên xứng đáng. Đồng thời trang bị cho nhân viên kiến thức, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập. Tạo sự linh hoạt trong cách thức làm việc thích ứng với tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, công ty cho phép kế toán chọn phương thức làm việc tại nhà, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc. Trang bị phương tiện để chuyển công việc sang hệ thống trực tuyến để mọi việc diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. 5.1. Giải pháp thuộc về cá nhân người làm kế toán - Nỗ lực và không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ cũng như nâng cao bản lĩnh đối diện với các tình huống căng thẳng trong nghề nghiệp. - Tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, thực hiện những việc bản thân yêu thích để giảm tác động tiêu cực của căng thẳng như đọc sách, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, ... - Tham gia các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp để có thể trao đổi những vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm trong công việc đồng thời tiếp thu những kiến thức mới nhằm tăng năng lực chuyên môn. 5.2. Giải pháp về phía các cơ sở đào tạo kế toán - Cần chú trọng và tăng cường các kỹ năng liên quan đến công nghệ số cho sinh viên chuyên ngành kế toán. - Xem xét bổ sung vào chương trình ngoại khóa cho sinh viên kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng đương đầu và xử lý các tình huống căng thẳng trong công việc. - Chuyển đổi từ mô hình lớp học truyền thống sang lớp học trực tuyến, lớp học kế toán số, dựa trên công nghệ điện toán đám mây cho phép sinh viên thực hành kế toán ở bất cứ đâu và trên các thiết bị điện tử khác nhau, được phân quyền làm việc trên mô hình phòng kế toán số, cho phép sinh viên tiếp cận các phần mềm kế toán mới nhất. - Thay đổi phương thức giảng dạy truyền thống, thiết kế lại nội dung chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và điều quan trọng là đảm bảo trang bị đủ phương tiện công nghệ cho giảng dạy và học tập. Tóm lại, nghề kế toán luôn phải đối diện với những căng thẳng, với mỗi kế toán khác nhau có áp lực khác nhau, vấn đề quan trọng là cần nhận biết áp lực và có chiến lược giảm thiểu và chuyển thành cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt, với những áp lực do sự phát triển của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI, Blockchain vào lĩnh vực kế toán, lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế 159
- toán, đòi hỏi kế toán phải có giải pháp thích ứng để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Luôn cập nhật, bổ sung và học những kiến thức mới về chuyên môn và cách thức sử dụng công nghệ vào công việc kế toán là việc kế toán phải trang bị trong giai đoạn hiện nay. Đối với người sử dụng lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, trang bị phương tiện, công cụ làm việc thích hợp với yêu cầu chuyển đổi số là cấp thiết. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ kế toán trong đào tạo, bồi dưỡng đồng thời có cơ chế đánh giá, khen thưởng hợp lý góp phần tạo động lực trong công việc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ammons, S. K., & Markham, W. T. (2004). Working at hdome: Experiences of skilled white collar workers. Sociological Spectrum, 24(2), 191-238. 2. Azarbouyeh, A., & Naini, S. (2014). A study on the effect of teleworking on quality of work life. Management Science Letters, 4(6), 1063-1068. 3. Bạch Ngọc Hoàng Ánh, Cao Quốc Việt và Phan Quốc Tấn. (2020). Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của nhân sự ngành Kế toán - Kiểm toán. Tạp chí khoa học thương mại, Số 146 (2020), 50-61. 4. Campbell, M. C., Sheridan, J. B., & Campbell, K. Q. (1988). How do Accountants Cope With Stress? Woman CPA, 50(3), 3. 5. Collins, K.M. and Killough, L.N. (1992), “An empirical examination of stress in public accounting”, Accounting, Organizations and Society, Vol. 17 No. 6, pp. 535-547 6. Collins, K. M. (1993). Stress and departures from the public accounting profession: A study of gender differences. Accounting Horizons, 7(1), 29. 7. Fisher, R. T. (2001). Role stress, the type A behavior pattern, and external auditor job satisfaction and performance. Behavioral research in accounting, 13(1), 143-170. 8. Gaertner, J. F., & Ruhe, J. A. (1981). Job-related stress in public accounting: CPAs who are under the most stress and suggestions on how to cope. Journal of Accountancy (pre-1986), 151(000006), 68. 9. Güzide, A. T. A. (2021). Study on Factors Affecting Accountants Job Stress: Focusing On Self-Efficacy, Job Satisfaction and Work Engagement. Revista Argentina de Clínica Psicológica, 30(1), 587-595. 10. Hasin, H. H., & Omar, N. H. (2007). An Empirical Study on Job Satisfaction, Job‐Related Stress and Intention to Leave Among Audit Staff in Public Accounting Firms in Melaka. Journal of Financial Reporting and Accounting. 11. Jeffrey Hill, E., Jacob, J. I., Shannon, L. L., Brennan, R. T., Blanchard, V. L., & Martinengo, G. (2008). Exploring the relationship of workplace flexibility, gender, 160
- and life stage to family-to-work conflict, and stress and burnout. Community, Work and Family, 11(2), 165-181. 12. Jones, A., & Guthrie, C. P. (2016). The new normal? Enhanced psychological well- being from public accounting: Mitigating conflict with flexibility and role clarity. In Advances in Accounting Behavioral Research. Emerald Group Publishing Limited. 13. Kazekami, S. (2020). Mechanisms to improve labor productivity by performing telework. Telecommunications Policy, 44(2), 101868. 14. Kelly, T., & Barrett, M. (2011). The leading causes and potential consequences of occupational stress: A study of Irish trainee accountants. Accounting, Finance, & Governance Review, 18(2), 27033. 15. Koleva, B., & Mitreva, M. (2021). Strategies for dealing with stressful situations among N. Macedonian accountants caused by Covid 19. Management and Education, 17(1), 14-18. 16. Mnif, Y., & Rebai, E. (2021). Flexibility and job stress in the accounting profession. Accounting Research Journal,35 (2), 261-275. https://doi.org/10.1108/ARJ-05-2020-0097. 17. Phan Anh Tiền (2018). Giải pháp hạn chế dự định nghỉ việc của nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam đến năm 2023. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. 18. Piccoli, L., Emig, J. R., & Hiltebeitel, K. M. (1988). Why is public accounting stressful? Is it especially stressful for women?. Woman CPA, 50(3), 8-12. 19. Rinaldi, L., Cho, C. H., Lodhia, S. K., Michelon, G., & Tilt, C. A. (2020, July). Accounting in times of the COVID-19 pandemic: a forum for academic research. In Accounting Forum (Vol. 44, No. 3, pp. 180-183). Routledge. 20. Savery, L. K., & Luks, J. A. (2001). The relationship between empowerment, job satisfaction and reported stress levels: some Australian evidence. Leadership & Organization development journal, 22(3), 97-104. 21. Sen, K. (2008). Relationship between job satisfaction & job stress amongst teachers & managers. Indian Journal of Industrial Relations, 14-23. 22. Trần Kim Dung và Trần Thị Thanh Tâm (2012). Đo lường mức độ căng thẳng đối với công việc của viên chức trong các trường đại học. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 262 (08-2012) 161
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn