intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cầu Tình

Chia sẻ: Đỗ Tiến | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

68
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Việt Nga viết về các cô giáo nhưng không phải về vấn đề giáo dục mà là chuyện đời thường. Họ cũng bỡ ngỡ, phân vân, lựa chọn khi đi qua “cầu Tình”... Nguyễn Thị Việt Nga là cô giáo trẻ đang dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết trẻ lần 6. Tác giả tập truyện Hoa cúc tím và truyện dài Đường đời (giải nhì Sáng tác Văn học tuổi 20). °°° Nhà Vân bên con sông Hạ hiền hòa, êm ả. Vân dạy trong trường tiểu học...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cầu Tình

  1. vietmessenger.com Nguyễn Thị Việt Nga Cầu Tình Việt Nga viết về các cô giáo nhưng không phải về vấn đề giáo dục mà là chuyện đời thường. Họ cũng bỡ ngỡ, phân vân, lựa chọn khi đi qua “cầu Tình”... Nguyễn Thị Việt Nga là cô giáo trẻ đang dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết trẻ lần 6. Tác giả tập truyện Hoa cúc tím và truyện dài Đường đời (giải nhì Sáng tác Văn học tuổi 20). °°° Nhà Vân bên con sông Hạ hiền hòa, êm ả. Vân dạy trong trường tiểu học phía bên kia sông. Ngày ngày đến trường cô phải qua một chiếc cầu nhỏ, dân ở đây gọi là cầu Tình. Vân không biết tại sao cây cầu lại có cái tên gợi cảm thế. Cô hỏi bao nhiêu người, ai cũng thờ ơ lắc đầu. Người cuối cùng Vân hỏi là bà ngoại. Bà móm mém nhai trầu một lúc rồi bảo: “Cây cầu nối hai bờ sông lại. Khi xưa chưa có cây cầu, trai gái hai bên bờ có thương nhau cũng ít khi lấy được nhau. Có hai đám cưới đưa từ bên này sông sang bên kia sông bị đắm đò, cô dâu chú rể đều thiệt mạng nên người ta sợ. Từ ngày có cây cầu, trai gái hai bên sông được tự do đi lại, yêu thương. Vì thế mới có tên là cầu Tình...”. Từ ngày biết được điều này, Vân thấy thêm yêu cây cầu. Sáng nào tới lớp cô cũng đạp xe thật chậm lúc qua cầu. Cô nhìn xuống dòng sông, nhìn sang bên kia cầu, lòng dịu nhẹ, êm ái nghĩ về lời bà kể, nghĩ về những đôi lứa đã nên duyên từ chiếc cầu này. Năm nay Vân hai lăm tuổi. Cô chưa từng yêu ai và cũng chưa được ai yêu. Nhưng cô luôn luôn thầm nhủ: Khi nào có người yêu, mình sẽ yêu người ấy thực lòng. Mình sẽ chung thủy, vị tha. Sẽ chẳng bao giờ mình đỏng đảnh, giận dỗi gì. Cô từng ngạc nhiên biết bao khi tụi bạn cùng trang lứa có thể thay đổi người yêu xoành xoạch, có thể tìm mọi cách hờn dỗi để hành hạ người yêu đến khổ sở. Lớp Vân dạy là lớp một. Lũ trẻ con lau nhau tinh nghịch và đáng yêu tệ. Hầu hết chúng là con của những người dân bên này cầu, chỉ có một số ít học sinh bên kia cầu. Sáng nào đi dạy, Vân cũng gặp cái dáng lũn cũn của lũ học sinh dọc đường. Cô giáo đi xe đạp, có khi đạp xe qua một đoạn rồi vẫn thấy học sinh chào rõ to phía sau: “Cháu chào cô ạ”, rồi vội vàng: “À quên, em chào cô”. Học sinh lớp một vẫn quen cách chào ở mẫu giáo nên thỉnh thoảng lại gọi “cô Vân” xưng “cháu”. Vân uốn mãi mà vẫn có đứa nhầm.
  2. Hiếu là học sinh duy nhất của lớp mới có năm tuổi. Hôm bố cô bé dẫn con tới lớp, Vân đã định không nhận vì chủ trương của nhà trường là không cho học sinh tới trường non tuổi. Nhưng bố cô bé cứ năn nỉ rằng: “Cháu nó thích đi học. Thôi thì cho cháu đến trường để làm quen dần với chữ nghĩa. Cô cho cháu học nhờ. Năm nay tôi vẫn chưa làm học bạ cho cháu mà”. Không hiểu anh ta năn nỉ thế nào mà cô hiệu trưởng đồng ý. Thế là lớp 1E của Vân có một học sinh không nằm trong danh sách. Bé Hiếu nhỏ người hơn các bạn nên được xếp ngồi bàn đầu. Vân cứ nghĩ cô bé đi học cho đỡ đi nghịch bẩn ở nhà chứ làm sao tiếp thu bài kịp các bạn. Nhưng sau hai tuần dạy, Vân biết mình đã lầm. Bé Hiếu học rất nhanh và rất hăng. Cô bé tiếp thu bài có phần còn tốt hơn một số bạn khác hơn tuổi trong lớp. Những giờ tập đọc, Vân gõ nhịp cho cả lớp đọc to, Hiếu bao giờ cũng gào to nhất, có lần đỏ gay mặt, lạc cả giọng, dù Vân đã nhắc: “Đọc vừa đủ nghe thôi em”. Bài tập Vân giao về nhà cô bé luôn làm rất tốt. Chỉ có một lần Hiếu hồn nhiên khoe: “Hôm qua em buồn ngủ quá, không tập viết hết, bố em phải viết hộ một trang. Cô nhìn này, chữ bố em đẹp hơn chữ em”. Con bé ngây thơ cứ nghĩ việc làm bài tập ở nhà cũng chỉ đơn giản như việc rửa bát, quét nhà. Nếu mình chưa làm được thì nhờ người khác, miễn là xong việc. Vân đe: “Không được nhờ bố hay ai làm bài tập về nhà nữa nhé. Bài của em thì em phải làm chứ! Lần sau như thế cô phạt đấy!”. Con bé tròn xoe mắt: “Sao thế ạ?”. “Thế bây giờ cô chấm điểm trang viết này thì đó là điểm của Hiếu hay của bố Hiếu?”. Hiếu cười toe toét, Vân cũng phải bật cười theo. Ở nhà, Vân là con út. Các anh chị cô đã có gia đình riêng cả. Vân có tới bảy đứa cháu, đứa gọi “dì Vân”, đứa gọi “cô Vân”. Bố mẹ Vân và các anh chị luôn tỏ ra sốt ruột trước chuyện tình duyên của cô. Đêm đêm mẹ cứ nỉ non: “Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Tính cả tuổi mụ thì năm nay mày cũng đã hăm sáu rồi, xem xem có ai yêu thương thì lập gia đình đi. Con gái mà muộn màng quá cũng không hay con ạ. Ngày xưa, bằng tuổi mày bây giờ tao đã một đống con rồi ấy chứ”. Mới đầu Vân chỉ hứa qua quýt cho mẹ yên lòng: “Rồi con sẽ lấy chồng, không lâu nữa đâu, mẹ đừng lo”. Nhưng chờ mãi chẳng thấy con gái “báo cáo” gì, bà mẹ lại sốt ruột: “Mình là con gái, phải lo con ạ”. Rồi bà còn hạ lệnh cho lũ con trai, con gái, con dâu, con rể rằng xem có ai được thì dắt mối cho Vân, nhưng cũng chẳng thấy gì. Anh trai Vân có lần bảo: “Cao không tới, thấp không thông. Như cô ấy bây giờ lại khó”. Bố Vân thì thở dài kín đáo hơn, bảo: “Tao cứ nghĩ cho con ăn học, có cái chữ cái nghĩa thì nó sướng hơn...”. Vân hiểu hết nỗi lo của mọi người nhưng chẳng biết làm sao. Cô vẫn đang mong đợi một người của riêng mình. Đã ba ngày nay cô bé Hiếu nghỉ học. Vắng đi cái miệng lém lỉnh của nó, lớp có phần buồn hơn. Vân hỏi cả lớp xem có ai ở gần nhà Hiếu không, cậu bé Xuân răng sún đứng lên hí hửng: “Em ạ. Em ở gần nhà bạn Hiếu nhất”. “Thế em có biết vì sao bạn Hiếu nghỉ học lâu thế không?”. Xuân hồn nhiên kể: “Bạn ấy bị lên sởi. Trông kinh lắm. Đỏ khắp người. Cả mặt cũng sưng lên ạ. Mẹ em cấm không cho em sang bên nhà bạn Hiếu chơi nữa, mẹ em bảo rằng sẽ bị lây. Mà bị lây bệnh sởi thì sợ lắm”. Tan buổi học, Vân đi cùng Xuân đến thăm bé Hiếu. Xuân láu táu kể với cô giáo: “Bạn Hiếu ấy mà, bạn ấy không có mẹ đâu cô ạ”. Vân ngạc nhiên: “Thật không? Ai bảo em thế?”. “Thật mà cô. Nhà em ở ngay cạnh nhà bạn ấy...”. Nhà bé Hiếu là một ngôi nhà gạch cổ, khá rộng, nằm sâu tận phía trong một vườn cây lớn. Đón Vân là ông nội Hiếu. Ông chỉ già hơn bố Vân chừng chục tuổi. Biết Vân là cô giáo của cháu, ông cứ luôn miệng xuýt xoa: “Quý hóa quá, quý hóa quá, cô giáo đến thăm cháu. Cha bố nó chứ, bị ốm mà hôm nào cũng nằng nặc đòi đi học. Hôm nào cũng khoe đến lớp có nhiều bạn, vui chứ không buồn như ở nhà”. Rồi ông đưa Vân vào thăm bé Hiếu. Con bé nằm ỉu xìu, mệt mỏi và dường như đang vòi vĩnh gì đó với bà nội. Thấy Vân, mắt nó sáng lên, toan ngồi dậy. Bà nội Hiếu vừa ép cháu nằm xuống, vừa cười chào cô rồi mắng yêu cháu: “Nằm yên đấy thôi. Ốm mà cứ sùng sục đòi dậy cả ngày. Bà mách cô giáo nhá”. Vân lấy làm ân hận vì đi vội quá, không mua được gì làm quà cho bé Hiếu. Con bé cứ hỏi luôn
  3. mồm về lớp học. Lát sau dường như mệt, nó nằm im và lơ mơ ngủ. Vân đang ngần ngại không biết mình có nên hỏi thêm về chuyện gia đình bé Hiếu hay không thì bà đã kể, kể dài dòng, chi tiết như thể tìm sự cảm thông, như thể san sẻ được cho Vân ít nhiều nỗi niềm... Đúng như lời cậu bé Xuân vừa kể, Hiếu không còn mẹ. Mẹ cô bé đã mất đúng ngày cô bé chào đời, thậm chí người mẹ xấu số ấy không được nhìn mặt con giây nào và cũng không hề biết con mình là con trai hay con gái. Quê ngoại Hiếu ở rất xa. Hai bố mẹ cô bé cùng là công nhân giao thông, gặp nhau rồi nên duyên. Nghề công nhân làm đường cứ phải đi quanh năm suốt tháng nên Hiếu được bố đưa về nhà ở với ông bà nội để còn đi học. Mẹ Hiếu mất đã tròn 5 năm, đã bao lần ông bà giục bố Hiếu lựa chọn đi bước nữa để có một mái ấm gia đình, nhưng bố cô bé cứ lắc đầu. “Nó bảo nó không bao giờ lấy vợ nữa. Nó không quên được con Nhàn - mẹ con Hiếu, cô ạ. Tôi thì bảo: Là đàn ông ai ở vậy được từ nay đến già? Rồi sau có tuổi lại nhỡ nhàng ra”. Bà nội Hiếu kể xong rồi ngồi lặng lẽ. Vân thấy buồn buồn. Nhìn bé Hiếu, ai nghĩ rằng cô bé đã sớm mồ côi mẹ. Từ hôm ấy, Vân chú ý đến bé Hiếu nhiều hơn. Bé Hiếu sung sướng khoe khắp lớp là được cô giáo đến thăm, rồi năn nỉ: “Hôm nào cô lại đến thăm em nữa, cô nhé”. Vân bật cười nhưng nhìn ánh mắt khẩn khoản của con bé, cô nghiêm túc gật đầu. Một hôm bé Hiếu đến lớp, vừa trông thấy Vân đã reo toáng lên: “Thưa cô, bố em về, bố em mua bao nhiêu là kẹo. Bố em còn bảo em đến lớp mời cô giáo tới nhà chơi”. Rồi nó nhất quyết kèm Vân cho đến khi cô đồng ý về cùng. Đây là lần thứ hai Vân gặp bố bé Hiếu. Lần trước chỉ gặp chốc lát trong lúc anh ta đến xin học cho con. Còn lần này, Vân thật sự ngỡ ngàng khi gặp lại anh ta. Cô ngỡ ngàng không phải vì trông anh ta trẻ trung hơn hôm trước bởi chiếc áo sơmi kẻ carô xanh trắng và quần âu sẫm màu lịch lãm mà vì cách nói chuyện rất có duyên của anh. Đến lúc Vân xin phép ra về thì trời đã nhá nhem tối. Cả nhà mời mãi Vân không ở lại ăn cơm tối nên bố bé Hiếu phải đưa Vân về. Đến dốc cầu Tình, xe Vân đứt xích nên hai người đành dắt xe, đi bộ. Trăng đầu tháng mỏng manh vừa ló ra khỏi đám mây, rụt rè rắc ánh vàng nhẹ như mơ. Vân thấy ngại ngùng. Đây là lần đầu tiên cô đi sóng đôi gần thế với một người con trai. Vân có cảm giác hai má mình nong nóng. Bố bé Hiếu lên tiếng trước: “Con bé nhà tôi ở lớp chắc nghịch lắm phải không cô giáo?”. Vân cười nhẹ: “Trẻ con, đứa nào cũng hiếu động. Mà tại sao anh lại đặt tên cháu giống tên con trai thế?”. Bố bé Hiếu buồn buồn: “Mẹ cháu đặt đấy. Khi có mang, cô ấy cứ chắc chắn mình sẽ sinh con trai. Cô ấy bảo nó đạp khỏe lắm. Hai vợ chồng bàn tính đặt tên con ngay từ ngày cô ấy mới biết mình có mang...”. Giọng anh nghẹn hẳn đi. Không hiểu sao Vân lại bật ra câu hỏi nữa: “Chắc bé Hiếu giống mẹ lắm? Con bé đến xinh”. “Vâng! Con bé càng lớn càng giống mẹ... Mỗi lần nhìn con bé, tôi lại thấy...” Anh bỏ ngang câu nói, lầm lũi bước đi. Vân chợt thấy lòng mình rung lên. Có điều gì như là nghẹn ngào, như là thổn thức. Chưa bao giờ cô thấy mình lạ thế. Và cũng chưa bao giờ cô nói nhiều đến thế, lại là nói những lời an ủi một người con trai không thân thuộc. Bố bé Hiếu như tìm được sự sẻ chia nên tâm sự thật lòng: “Nói thật lòng với Vân, mỗi lần nhìn con, tôi thấy đau lắm. Biết mình không được khỏe mà cô ấy vẫn quyết tâm sinh cho tôi một đứa con, nhưng rồi chính cô ấy lại không biết mặt con... Gia đình cứ động viên tôi đi bước nữa, nhưng làm sao tôi quên được cô ấy? Tôi không thể...”. Quãng đường về nhà Vân như ngắn lại. Cô thấy lòng rưng rưng. Bố bé Hiếu đang kể chuyện mà Vân cứ có cảm giác anh nói với riêng mình. Anh nói rằng với anh, tình yêu chỉ có một thôi, tình yêu là duy nhất. Cô ấy đã mất rồi, làm sao anh có thể yêu và lấy người con gái khác... Vân cũng đã từng tự nhủ khi mình có người yêu, mình sẽ yêu người ấy hơn mọi thứ trên đời. Cô cũng đã từng quan niệm tình yêu là vĩnh hằng, duy nhất. Lũ bạn gái thay người yêu xoành xoạch đã cười Vân... Đi đến lối rẽ vào nhà Vân, bố bé Hiếu xin phép quay về, Vân mới bối rối: “Xin lỗi, nhưng em lại chưa biết tên anh”. “Ấy chết, xin lỗi cô giáo, tôi đoảng quá. Tên tôi là Nam, Thế Nam cô ạ”. Không hiểu sao từ lúc đó Vân cứ nghĩ mãi về anh ta, dù cô tự nhủ là phải quên đi chuyện ấy, không được mệt óc vì những việc đâu đâu. Mẹ Vân vẫn giục con gái lấy chồng, và bà càng giục hơn khi biết trường Vân mới nhận thêm
  4. một thầy giáo chưa vợ, hơn Vân 4 tuổi. Nói mãi không xong, bà khóc tỉ tê. Chưa bao giờ Vân thấy đau lòng đến thế. Cứ có cảm giác cô trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Đêm nằm, cô xót xa: “Mẹ ơi, thế theo mẹ con lấy ai làm chồng bây giờ, khi mà con chưa yêu ai”. Mẹ Vân bùi ngùi: “Mày có nghề nghiệp đàng hoàng, lại không đần độn, lăng loàn mà sao khó đứng duyên thế hả con?”. Vân úp mặt xuống gối, thở dài: “Mẹ nghĩ nhiều làm gì cho tổn thọ”. An ủi mẹ thế nhưng Vân thấy buồn hơn mẹ. Chuyện nhân duyên muộn màng của cô đã làm cả nhà nhấp nhổm. Chính Vân cũng không hiểu tại sao mình chưa “đứng duyên” như lời mẹ. Cô vẫn mong, vẫn chờ một tình yêu đích thực. Tự nhiên Vân lại nghĩ đến bố bé Hiếu và chợt thấy xấu hổ cho ý nghĩ của mình. Người yêu cô và người cô yêu phải như thế: thủy chung, say đắm và luôn coi tình yêu là duy nhất. Dạo này, có những lúc Vân thấy hoảng vì mình nghĩ về cha con bé Hiếu quá nhiều, nhất là về người cha. Tới lớp cô luôn quan tâm tới bé Hiếu và hay hỏi: “Tuần này bố có về không?”. Vân cứ thầm mong một ngày nào đó, bé Hiếu lại hớn hở: “Cô ơi, bố em mời cô đến chơi”, để Vân lại được gặp anh, nghe anh tâm sự. Nhưng không. Vân thấy buồn. Đã có lúc cô dũng cảm tự hỏi: Hay mình thích anh ta, mình yêu anh ta rồi? Nhưng cô lại không dám trả lời... Bé Hiếu học chưa xong lớp một đã phải chuyển đi. Hai bố con đến chào cô giáo. Vân thấy mình hẫng hụt biết bao khi nghe điều ấy. Bố bé Hiếu nuối tiếc: “Cháu đang quen lớp, quen bạn, phải chuyển đi chắc cũng buồn. Nhưng tôi đã chuyển về làm hành chính, ổn định rồi cô ạ. Cũng phải ổn định để con bé có một gia đình thực sự chứ...”. Vân thấy thất vọng biết bao... Cô hỏi như hụt hơi: “Thế... nghĩa là... anh... sắp lập gia đình?”. “Không cô ạ. Chỉ bố con tôi thôi cũng là gia đình rồi. Vả lại... lúc nào cô ấy cũng hiện diện trong tôi”. Vân tiễn bố con bé Hiếu mà thấy cồn lên bao nỗi niềm. Con bé cứ nép vào bên cô vòi vĩnh: “Cô lại đưa em về như hôm lâu rồi, cô nhé!”. Vân yên lặng dắt bé Hiếu. Ngang qua cầu Tình, tự nhiên bố bé Hiếu hỏi: “Cô giáo này, tại sao cây cầu này lại mang tên là cầu Tình nhỉ”. Vân định kể lại câu chuyện của bà ngoại, nhưng rồi không hiểu sao cô chỉ lắc đầu: “Em cũng không biết. Có lẽ những người làm cây cầu này mong rằng ai đi qua đây cũng đều có một tình yêu thực sự”. Bố bé Hiếu cười, bắt tay Vân: “Vậy thì bố con tôi cầu chúc cô giáo có một tình yêu thật đẹp. Cô là người đi qua cầu Tình nhiều nhất mà”. Vân đứng lại bên cầu, nhìn bóng bố con bé Hiếu xa dần. Không biết tâm trạng xót xa của cô lúc này có phải là tâm trạng của kẻ đang yêu hay chưa? Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2