intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cây Đòn Gánh

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:20

89
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đầu năm 1867. Tiếng súng của giặc Phú Lang Sa nổ rền sáu tỉnh của miền Nam trong đó có Bến Tre, lúc bấy giờ chưa thành tỉnh mà còn thống thuộc vào tỉnh Vĩnh Long. Binh lực của triều đình Huế không cản nổi bước chân của kẻ xâm lăng. Dù có tinh thần yêu nước cao độ, dù can trường và anh dũng, nhưng với gươm giáo thô sơ, lính của Nguyễn triều cũng phải lùi trước tàu chiến và súng ống tối tân của lũ bạch quỉ. Tới tháng 6 thì toàn vùng Bến Tre lọt vào...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cây Đòn Gánh

  1. Cây Đòn Gánh Chu Sa Lan Đầu năm 1867. Tiếng súng của giặc Phú Lang Sa nổ rền sáu tỉnh của miền Nam trong đó có Bến Tre, lúc bấy giờ chưa thành tỉnh mà còn thống thuộc vào tỉnh Vĩnh Long. Binh lực của triều đình Huế không cản nổi bước chân của kẻ xâm lăng. Dù có tinh thần yêu nước cao độ, dù can trường và anh dũng, nhưng với gươm giáo thô sơ, lính của Nguyễn triều cũng phải lùi trước tàu chiến và súng ống tối tân của lũ bạch quỉ. Tới tháng 6 thì toàn vùng Bến Tre lọt vào tay giặc. Dân chúng bồng bế nhau chạy giặc. Máu chảy khắp nơi. Hãm hiếp, giết chóc xảy ra như cơm bữa. Tiếng kêu khóc và than oán của dân lành vọng thấu trời xanh. Hưởng ứng lời kêu gọi của ba vị anh hùng Phan Tôn, Phan Liêm và Phan Ngữ; trai tráng trong vùng Bến Tre bỏ ruộng nương, thôi cày cấy cầm vũ khí đầu quân dưới trướng của ba vị anh hùng họ Phan. Tuy nhiên giáo mác và gậy gộc cuối cùng rồi cũng phải tan rã trước văn minh cơ khí của tây phương. Cuộc khởi nghĩa của ba con trai nhà họ Phan bị dập tắt sau ba năm. Giặc Pháp đã áp dụng những hình phạt nặng nề cho bất cứ ai chống lại chúng. Ngày ngày đều có kẻ bị đem ra pháp trường chém đầu. Ngục thất chật ních tù nhân nam nữ. Họ là con dân của nước Việt, không muốn gót giày của kẻ xâm lăng chà đạp lên đất nước thân yêu nên coi thường chuyện tử sinh, tham gia cuộc khởi nghĩa ở lục tỉnh. Người nào may mắn thoát khỏi cuộc truy lùng của lính kín Pháp và bọn chó săn người Việt, thời lo trốn lánh và lưu lạc khắp nơi để chờ đợi thời cơ. Con đường đất từ làng Lương Hòa đi về Lương Quới vắng tanh không có ai lai vãng vì đã xế chiều. Vào thời buổi loạn lạc nên ít có người dám đi lại khi ngày sắp hết vì sợ trộm cướp chận đường. Nếu bạn hàng buôn gánh bán bưng thì họ cũng đi thành đoàn đông đảo và có lính làng hộ tống. Đột nhiên không biết từ đâu xuất hiện một thanh niên. Có lẽ anh ta từ bên khu rừng trâm bầu rậm rạp chui ra. Anh ta trông còn trẻ lắm, tuổi ước ngoài hai mươi, mặc bộ quần áo bằng vải màu đen và đi chân trần. Đi một mình trên hương lộ vắng vẻ song anh ta lại không tỏ vẻ gì lo sợ. Bước chân thong thả, miệng hát nghêu ngao anh ta ngắm nhìn phong cảnh hoang sơ và tiêu điều của vùng đất một năm trước nổi tiếng trù
  2. phú và đông dân cư. Bề ngoài có thái độ bình thản song nếu chú ý người ta mới thấy nét khẩn trương hiện lên trên nét mặt rắn rỏi và cương nghị của thanh niên. Dù chân bước nhanh, miệng hát nghêu ngao nhưng anh ta vẫn liếc chừng ra sau lưng của mình như sợ có người theo dõi sau lưng. Khi mặt trời chênh chếch ngọn cây anh ta tới ngay cây cầu ván cũ kỹ bắt ngang con rạch nhỏ. Nó là đường ranh giới thiên nhiên phân chia hai làng Lương Hòa và Lương Quới. Đi hết cây cầu ván, thấy con đường mòn bên tay phải thanh niên lẩm bẩm. - Tía dặn qua cầu quẹo phải chừng mươi bước thì tới nhà chị hai Bông... Dậy chắc là đúng rồi... Dứt lời y đảo mắt một vòng xem có ai không rồi mới chịu rẽ vào đường mòn chạy song song với con rạch. Chắc ít có người lui tới nên cỏ lan khắp nơi. Cóc kèn, ô rô, sậy, chạy, điên điển và đủ thứ dây leo hay cỏ dại mọc um tùm bên bờ rạch. Vài cây trâm bầu lơ thơ vươn lên trời cao. Thanh niên vừa đi vừa nhìn quanh quất. Ở vào thời buổi này, ngoài chuyện đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn, cư dân còn phải đối chọi với thú dữ như cọp, cá sấu và rắn. Cọp đi lềnh khênh trong rừng. Cá sấu lội đầy dưới sông rạch. Còn rắn thì khỏi nói. Nhiều hơn bất cứ loại hoang thú nào, mà rắn độc cắn thì từ chết tới bại liệt. Hổ đất, hổ ngựa, hổ mây, mai gầm, con nào con nấy dài ba bốn thước. Trên cây thì có rắn lục cườm mổ một cái là sùi bọt mép liền. Bởi vậy mà dân ở đây đi ra đều phải đề phòng, không gậy gộc thì cũng phải có giáo mác hoặc cung tên. Dù vậy thỉnh thoảng cũng có người bị cọp vồ, sấu ních hay rắn độc cắn sùi bọt mép. Đi gần hết con đường mòn thanh niên tỏ vẻ vui mừng khi thấy ngôi nhà lá hiện ra trong khóm cây xanh um. Đi tới gần hơn anh ta nghe tiếng chó sủa gâu gâu rồi con chó cò khá lớn hiện ra. Tiếng bước chân vang lên và bóng người đàn ông xuất hiện. Tay anh ta thủ cây mác dài nhọn lểu. - Anh là ai? Người đàn ông chắc là chủ nhà lên tiếng hỏi thanh niên. Liếc chừng cây mác mũi nhọn hoắt trong tay chủ nhà, thanh niên lên tiếng.
  3. - Dạ tui là Tư Mạnh, con của ông Sáu Sanh... - Sáu Sanh nào... Phải chú Sáu Sanh ở bên Chợ Lách? Chủ nhà hỏi nhanh. Thanh niên tự xưng tên Tư Mạnh cười trả lời. - Dạ đúng đó anh... Anh có phải là anh Năm Thiệt chồng của chị hai Bông? Chủ nhà gật đầu thay cho câu trả lời. Giọng của anh ta có chút gì thân tình hơn trước. - Mời chú tư vào nhà chơi... Năm Thiệt quay lưng đi trước. Vừa đi anh ta vừa cười nói. - Chú tư mày lớn đại... Hồi tui còn ở bên Mỏ Cày thì chú mới bằng này... Năm Thiệt đưa tay ra làm dấu ngang bụng của mình. Tư Mạnh cười nhỏ. - Anh Năm được mấy cháu rồi? - Năm... Vợ tôi bảo con là phước nên năm nào bả cũng đứa thôi nôi đứa lôi đầy tháng... Ủa mà chú có vợ con gì chưa? - Chưa anh... - Chú năm nay bao nhiêu rồi? - Dạ hăm ba... - Hăm ba mà chửa vợ thì hơi ngộ... Chắc tại chú kén... Tư Mạnh cười hì hì. - Tôi hổng kén mà mấy cô gái kén tôi anh à... Với lại tôi thích đi đây đi đó nên chưa tính chuyện vợ con... Năm Thiệt gật đầu. Hai người vào tới sân. Mấy đứa nhỏ chạy ùa ra. Thấy người lạ tụi nó thò lõ mắt nhìn. - Tụi con chào chú Tư đi... Năm Thiệt nói và mấy đứa nhỏ khoanh tay cúi đầu chào thưa thật lễ phép.
  4. - Má nó ơi có khách tới thăm nè... Bước tới ngạch cửa Năm Thiệt nói vọng vào trong bếp nơi vợ anh ta đang nấu cơm chiều. - Ai dậy... Tui đâu có quen ai... Tư Mạnh thấy một người đàn bà từ trong bếp bước ra. Bà ta mặc bộ bà ba đen, đi chân đất, bới tóc đang lúi húi nơi bếp. - Dạ chào chị hai... Em là Tư Mạnh, con của ông Sáu Sanh ở Chợ Lách... - Mèng đét ơi... Thằng Tư hả... Mới đó mà lớn đại rồi. Đi chợ mà gặp em chắc chị nhìn hổng ra... Bông, vợ của Năm Thiệt vui vẻ nói chuyện với Tư Mạnh. Mặt trời vừa khuất ngọn cây, cả nhà ngồi vào bộ ván ăn cơm. Trong lúc ăn Bông hỏi han đủ thứ. Xa quê chín mười năm, bây giờ gặp lại Tư Mạnh người cùng làng nên Bông vui vẻ trò chuyện với người bà con bên chồng của mình. Đang ăn uống Năm Thiệt chợt buông đũa dáo dác nhìn khi nghe có tiếng à... um... nổi lên. Tư Mạnh nhíu mày hỏi. - Bộ vùng này có cọp hả anh Năm? Liếc nhanh vợ đang vừa ăn vừa đút cơm cho thằng con út, Năm Thiệt ngập ngừng giây lát mới trả lời. - Vùng Lương Quới ít khi có cọp. Cách đây mấy tháng tự nhiên lại có ông ba mươi xuất hiện. Chắc nó từ miệt Ba Châu hoặc Nhị Phong lạc lên đây. Ổng bắt heo, trâu và người ta nữa. Chị Năm của chú thiếu chút nữa bị ổng cõng đi mất tiêu... Nghe Năm Thiệt kể, Tư Mạnh quay qua thấy Bông mặt mày xanh mét như vẫn còn sợ bị cọp vồ. - Chị đi đâu mà bị cọp vồ? Tư Mạnh hỏi và Bông trả lời bằng giọng lo sợ.
  5. - Đi chợ... Tôi đem rau cải ra chợ bán. Chiều trở về đi gần tới cây cầu ván tôi thấy cái dáng của ổng ở xa xa ngồi chờ. Tư biết hông... Chị sợ quá... muốn đái trong quần luôn... May lúc đó có mấy ông lính tới. Họ đánh trống, phèn la rùm trời làm cho ổng chạy mất... Năm Thiệt xen vào câu chuyện của vợ. - Từ đó mỗi lần bả đem đồ hàng bông ra chợ bán là tui phải đi theo. Tụi này ở hơi trẽo với mọi người... Tư Mạnh gật đầu. Đặt cái chén xuống anh cười hỏi Năm Thiệt. - Anh Năm có võ hả? Năm Thiệt cười hà hà. - Hồi còn nhỏ tui cũng có học chút đỉnh. Nhưng mà đánh cọp thì tui hổng ham rồi... Chú Tư mày biết võ hông? Tư Mạnh cười cười chưa trả lời, Bông đã lên tiếng nói với chồng. - Ba xấp nhỏ hỏi kỳ. Chú sáu là thầy dạy võ mà. Em Tư hổng biết võ thì còn ai biết nữa... Quay nhìn vợ và thấy vợ cũng đang nhìn mình rồi gật đầu, Năm Thiệt cười lên tiếng. - Hổng giấu gì chú. Nhà tui neo người quá... Tui thì làm ruộng nên hổng thể theo bả ra chợ được. Vậy tui nhờ chú... Hiểu ý của Năm Thiệt, Tư Mạnh cười vui vẻ. - Làm ruộng thì tôi hổng rành, riêng cái vụ hộ tống chị với mấy đứa nhỏ ra chợ thì tui làm được... Quay sang Bông, anh cười tiếp. - Chừng nào đi hả chị? Đang đút cơm cho con, Bông cười trả lời câu hỏi của Mạnh.
  6. - Sáng mai... Cứ cách bữa là tôi gánh rau cải ra chợ bán tới xế chiều mới về. Ba đứa nhỏ đi với tôi, còn hai đứa lớn theo ba nó làm ruộng... Từ nhà mình ra tới đường thời còn hơi vắng vẻ, nhưng tới đường cái thì có thêm vài chị em... Cơm nước xong Năm Thiệt và Tư Mạnh ra sân hút thuốc coi chừng mấy đứa nhỏ chơi đùa với nhau. Khi trời vừa xụp tối cả gia đình rút vào nhà vì ở ngoài vừa bị muỗi cắn lại thêm sợ cọp rình bắt. Nhà của họ ở cách xa những ngôi nhà khác thành ra nếu có chuyện gì xảy ra láng giềng không hay biết gì hết. Tờ mờ sáng. Tư Mạnh thức dậy vừa đúng lúc Bông dọn cơm lên bàn. Năm Thiệt với hai đứa con lớn, một trai và một gái phải ăn cho no trước khi ra đồng làm ruộng. Tư Mạnh với ba đứa con nhỏ cũng ăn uống dằn bụng. Xong xuôi, lưng cõng Biết, đứa con trai út của Năm Thiệt, tay trái dắt thằng Hết lên ba, anh hộ tống Bông, tay nắm đứa con gái còn vai quảy gánh rau cải ra chợ. Vì trời mờ mờ tối Tư Mạnh phải cầm đuốc đi trước để soi đường để lỡ có rắn hay cọp thì anh lãnh phần chống đỡ. Năm người gồm hai người lớn và ba đứa con nít im lặng đi phần vì lo sợ phần vì buồn ngủ. Tư Mạnh hơi vững bụng khi thấy trời bắt đầu sáng và con đường làng hiện ra mờ mờ trong sương sớm. - Mình chờ một chút chú Tư... Mấy chị bạn hàng với tui tới rồi mình xuống chợ một lượt với họ... Cõng thằng Biết đang ngủ khò trên lưng, Tư Mạnh đứng nhìn con đường làng chạy hun hút giữa rừng cây rậm rạp đang từ từ đổi ra màu xanh khi ánh bình minh bắt đầu ló lên. Có tiếng cười nói văng vẳng rồi một toán đàn bà con gái hiện ra. Bông tươi cười chào hỏi mấy người quen của mình. - Ai vậy chị Năm? Một cô gái trong bọn thỏ thẻ hỏi Bông. Liếc Tư Mạnh đang đứng ngó trời ngó đất, Bông cười trả lời. - Chú ấy tên Mạnh... Em bà con với chị. Để chị kêu Mạnh lại đây gặp em... Liếc nhanh cô gái, Bông nói lớn.
  7. - Chú tư lại đây chị nói cái này hay lắm... Nghe Bông kêu, Tư Mạnh chậm chạp đi tới. Anh ta có dáng rụt rè khi tới gần đám đàn bà và con gái đang chiếu tướng mình. Bông lần lượt giới thiệu Tư Mạnh cho mấy người đàn bà lớn tuổi. Tới phiên cô gái, chị ta cười nói. - Cô này tên Nhu, em nuôi của chị đó chú Tư... Mạnh cười gật đầu chào Nhu xong cười nói với Bông. - Mình đi chưa chị. Sáng rồi... Toán người vừa đi vừa cười nói ồn ào. Riêng Nhu và Mạnh làm thinh đi cạnh nhau. Thỉnh thoảng hai người mới liếc nhau rồi mỉm cười quay đi chỗ khác. Một bên trai mới lớn, một bên gái chưa chồng, gặp nhau lần đầu mà coi bộ đã hạp nhãn với nhau. Nói theo cụ Nguyễn Du thì '' tình trong như đã mặt ngoài còn e...''. Tuy nhiên vì phong tục tập quán khắt khe và gia giáo nghiêm nhặt nên họ lâu lâu liếc nhau rồi quay mặt đi chỗ khác. Riêng Tư Mạnh thầm tính sau khi quen biết với Nhu thời gian để tìm hiểu tính tình xong sẽ nhờ hai vợ chồng Năm Thiệt đứng ra nói chuyện với ba má của Nhu để hai người được tự do hơn. - Anh Tư quê ở đâu vậy anh Tư? Nhu thỏ thẻ. Liếc nhanh Bông đang quảy gánh đi phía trước, Tư Mạnh trả lời. - Tôi ở Chợ Lách... Cô Nhu nhà ở đâu dậy? - Dạ em ở Xóm Trên... Quay đầu lại Nhu đưa tay chỉ. - Qua khỏi cầu ván một đỗi là tới nhà em... Tư Mạnh cũng quay đầu lại nhìn thấy khóm nhà thấp thoáng trong chòm cây xanh. - Bữa nào rảnh anh Tư lên nhà em chơi... Nhu nói lời đẩy đưa. Tư Mạnh cười. - Tôi sợ ba má của cô Nhu...
  8. Nhu cười chưa kịp nói gì Tư Mạnh nói nhỏ như chỉ để cho cô gái mới quen nghe mà thôi. - Gặp em anh chẳng dám chào Sợ ba má hỏi: thằng nào đó con ? Nhu bật cười hắc hắc vì hai câu ca dao mà Tư Mạnh vừa nói lên. Liếc Tư Mạnh, cô ta nói trong tiếng cười. - Anh Tư chắc hò hay lắm... Hôm nào trăng sáng em mời anh Tư lên hò cho tụi em nghe... Nghe tiếng Nhu cười vui vẻ ở đằng sau lưng của mình, Bông ngạc nhiên bèn quay lại hỏi. - Có gì vui mà em cười vậy Nhu? Vừa gánh Nhu vừa trả lời. - Dạ... Anh Tư ảnh hò cho em nghe hai câu mắc cười quá... Liếc nhanh Tư Mạnh đang cõng trên lưng thằng con trai út của mình, Bông tủm tỉm cười. - Chà chú Tư cũng biết hát hò nữa a... Đâu chú hò vài câu ca dao cho mọi người nghe coi... Tư Mạnh lắc đầu vì ngượng song bị mọi người thúc giục, nhất là có Nhu năn nỉ nên anh lên tiếng. - Tôi cũng biết chút chút... mà giọng cũng không tốt lắm nên cô Nhu và các chị đừng có cười... - Hổng có ai cười anh Tư đâu... Anh Tư hò đi rồi Nhu phụ cho... Được lời hứa của Nhu, Tư Mạnh tằng hắng tiếng rồi cất giọng hò. Nhu nhận thấy Tư Mạnh có giọng hò ngọt lịm. - Hò ơ hò... Khoan khoan buông áo em ra, Để em đi chợ, kẻo hoa em tàn,
  9. Hoa tàn thì mặc hoa tàn, Mấy thuở gặp nàng, nàng biểu buông ra? Tư Mạnh liếc nhanh cô gái đi bên cạnh. Nhờ vậy anh thấy được làn da mặt rám nắng của Nhu hồng lên. Cô ta mắc cỡ vì câu hò tỏ tình của mình. Hừng chí anh tiếp liền câu nữa. - Trai không vợ như đăng không đó, Gái không chồng như đó nọ không đăng, Đó không đăng, đó thành vô dụng, Đăng không đó, đăng cũng khó dùng. Anh xin em cho anh kết nghĩa đến cùng, Phòng khi mưa gió bão bùng có đôi... Tới đây thời mặt mày của Nhu đỏ au. Nghe tiếng Bông cười hắc hắc như chế nhạo, Nhu liếc Tư Mạnh rồi quảy gánh bước lên sóng đôi với Bông đang đi trước. Như muốn chọc ghẹo thêm Tư Mạnh cất giọng hò cao vút. - Hò ơ hò... Đó đi tu đây xin ở sãi Ăn dĩa tương chùa trọn ngãi cùng nhau... Có tiếng cười hắc hắc của Nhu, Bông và mấy người đàn bà khác. - Hò ơ... hò... Bến Tre dừa ngọt sông dài Nơi chợ Lương Quới có kẹo nổi danh Kẹo Lương Quới vừa thơm vừa béo Gái Lương Hòa vừa khéo vừa ngoan Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
  10. Là trai Chợ Lách cưới nàng được chăng? Mọi người đồng cười rộ lên. Bông quay qua thì thầm với Nhu. Cô gái nghe xong gật đầu cười cất giọng. - Bình bồng khó lắm anh ơi! Thân em như chiếc thuyền trôi giữa vời Đứng xa kêu bớ anh Tư Thương không anh nói thiệt, đừng... hò ơ hò... anh đừng có hò đẩy đưa... Nghe Nhu lên tiếng đối đáp với mình, Tư Mạnh mừng thầm cao giọng trả lời. - Thò tay mà bứt cọng ngò Thương em đứt ruột... hò ơ hò... anh giả đò ngó lơ Nghe xong hai câu đó Nhu cười hắc hắc như có vẻ vui thích. Giọng hò của nàng cao vút lên trong buổi bình minh. - Rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai, Nước sông trong chảy lộn sông ngoài, Thương người xa xứ lạc loài tới đây... Tư Mạnh mỉm cười thích chí khi nghe câu hò cuối cùng. Nó tỏ cho anh biết là Nhu ít nhiều gì cũng có chút tình cảm với mình và nàng dùng mấy câu ca dao để tỏ lộ. Trời sáng rõ làm cho mọi người rảo bước đi nhanh. Lát sau họ đã nghe tiếng cười nói ồn ào vang lên. Trên khoảnh đất trống bên cạnh con lộ đất, người người ngồi đứng, đi lại, cười nói cãi vả ồn ào. Vì nằm ngay tại ngã ba nên Lương Quới trở thành nơi tụ tập của các vùng lân cận như Lương Hòa, Châu Phú, Châu Thới, Thủ Ngữ và Bình Chánh nữa. Dân làng mang các thổ sản như tôm cá, rau cải, trái cây và đủ thứ linh tinh để bán và để mua những gì họ không có. Bông ngồi vào chỗ quen thuộc của mình. Lãnh phần giữ em cho Bông
  11. song Tư Mạnh cũng tỏ ra tháo vát bằng cách bày từng loại rau cải ra những cái thúng hoặc cái rỗ nhỏ riêng biệt. - Cô Nhu có cần tôi phụ cái gì hông? Thấy Nhu có một mình và đang loay hoay bày hàng ra, Tư Mạnh hỏi vói sang. Liếc nhanh Bông, Nhu cười trả lời. - Dạ... Nếu anh hổng có gì làm giúp chị Bông thời em nhờ anh Tư... Hiểu ý Nhu, Bông nói với Tư Mạnh. - Chú Tư để con Mận phụ tôi cũng được. Chú qua giúp Nhu đi... Trời sáng rồi... Được Bông đồng ý, Tư Mạnh vui vẻ bước qua phụ Nhu bày rau cải ra. Làm xong thấy không có chuyện gì làm anh đi vòng vòng bắt chuyện với mấy người đàn ông cũng làm nghề hộ tống mấy bà vợ đi họp chợ như mình. Trong số những người này có một ông già tên Ba Miễn, nói rõ cho anh biết về vụ con cọp mới xuất hiện ở Lương Quới. - Chú em cũng biết vùng Ba Châu rừng rú nhiều lắm vì vậy mà thú dữ cũng nhiều. Nhất là Châu Bình thì cọp nhiều hơn các miệt khác. Tôi nghe bà con ở miệt đó nói cọp dám chận đường người ta hoặc dô tận nhà bắt trâu bò heo khi nó đói kiếm mồi không ra. Con cọp này chắc ở dưới Châu Bình mò lên đây kiếm ăn... - Bác Ba có gặp nó lần nào chưa Bác Ba? Bác ba Miễn trợn mắt nhìn Tư Mạnh lom lom. - Chú hỏi kỳ chú... Gặp ổng thì tui đâu có ngồi đây chú... Tư Mạnh cười hì hì vì biết mình lỡ lời. - Ý của tui là bác có thấy ổng chưa? - Tui thì tui chưa thấy mà thằng con của tui nó gặp rồi. Nó nói ổng bự lắm, cỡ con trâu nghé lận... Tư Mạnh chắt lưỡi. - Chà như vậy là bự lắm. Chắc nặng hơn bao chỉ xanh hả bác ba...
  12. Hớp ngụm nước trà bác ba Miễn gật đầu. - Ổng mà cỡ con nghé thời ổng cõng mình chạy bon bon... Tư Mạnh gật gật đầu làm thinh vì bận dòm chừng thằng Hết và thằng Biết đang chơi với mấy đứa bạn cùng lứa. Thấy có người quảy gánh đi về anh vội vàng dắt hai đứa cháu đi tới chỗ của Bông đang ngồi bán. - Mình dìa hả chị? Hơi ngần ngừ chưa chịu trả lời câu hỏi của Tư Mạnh, Bông quay qua Nhu. - Em còn nhiều hông Nhu? - Dạ cũng còn chút đỉnh... Liếc nhìn mặt trời Bông cười nói. - Còn sớm... Bữa nay có chú Tư đi theo dậy chị em mình chờ bán hết rồi dìa nghen Nhu... - Dạ... nhưng mà dìa một mình em sợ lắm chị ơi... Liếc mắt ra hiệu cho Nhu, Bông cười nói lớn. - Em để chị tính cho. Chú Tư đưa chị và mấy đứa nhỏ về nhà xong rồi chú ấy sẽ đưa em về tận nhà. Em chịu hông? Cười lỏn lẻn, Nhu liếc nhanh Tư Mạnh rồi cười nói với Bông. - Dạ được. Chỉ sợ cực anh Tư... Đã nghe hết cuộc đối đáp giữa Bông và Nhu nên Tư Mạnh xen vào. - Cực đâu mà cực... Tôi ở không tối ngày nên đưa cô Nhu dìa có sao đâu... Mà phải trả công cho tui à nghen... - Dạ... Em cảm ơn anh Tư... Anh lên nhà em cho biết rồi mai mốt nhằm rằm tháng bảy tụi này mời anh lên chơi... Ngồi tới ba giờ chiều, đợi cho Nhu bán hết rau cải xong Bông mới chịu đi dìa. Lưng đèo thằng Biết, tay nắm thằng Hết, Tư Mạnh đi trước mở đường. Lúc ban sáng nói chuyện
  13. với bác ba Miễn về chuyện con cọp xuất hiện ở vùng Lương Quới, Tư Mạnh cũng hơi ớn vì dù có mấy miếng võ phòng thân anh cũng ngại đụng chạm với ông ba mươi. Huống chi anh còn phải lo bảo vệ ba đứa con nít và hai người đàn bà. Vừa đi Tư Mạnh vừa ngó dáo dác như đánh hơi được nguy hiểm. Thấy bộ tịch của Tư Mạnh, Bông lên tiếng hỏi. - Cái gì vậy chú Tư... Bộ chú biết ổng... Nói tới đó Bông nín luôn như không muốn nhắc tới cái tên ông ba mươi. - Cọp hả chị Bông? Nhu hỏi nhỏ. Giọng của cô ta đầy lo âu và sợ sệt. Tư Mạnh lên tiếng trấn an. - Chị Năm và cô Nhu đừng lo. Bây giờ còn ban ngày mà... Ổng có ra chận mình thì cũng phải đợi tới chiều lận... Còn có tui đây mà... - Chú nói vậy tui cũng đỡ lo... Thôi mình đi lẹ lên... Em Nhu còn dìa nhà xa lắm... Chừng lát sau họ tới cây cầu. Mọi người đều mừng rỡ. Biết gần tới nhà của mình Bông quảy gánh quẹo vào lộ đất chạy dọc theo con rạch đầy nước. Ô rô, cóc kèn mọc um tùm xen lẫn với chạy và nhãn lồng bò đầy trên mặt. - Chị năm coi chừng rắn hổ mây nằm trên cây... Nó mổ một phát là xùi bọt mép và trào đờm liền... Bông hơi lùi lại khi nghe Tư Mạnh nhắc tới tên rắn hổ mây. Cách đây hơn năm chị đã thấy chú ba Tĩn nằm chết ở bìa vườn vì bị rắn hổ mây cắn mà không có ai hay biết gì hết. Loại rắn này da màu xanh tiệp với lá cây lại nằm sát đường đi thành ra khó mà thấy nó. Hể nghe tiếng người đi nó nhào ra mổ liền. Nọc của nó độc tới độ không có thuốc chữa. - Dậy chú tư đi trước đi... Ngừng lại Bông nói với Tư Mạnh đang ở sau lưng mình. Cười hì hì Tư Mạnh đi trước. Lát sau nhà của Năm Thiệt hiện ra sau chòm cây xanh um. Thấy chồng ra đón Bông cười nói với Nhu. - Em dìa nghen... Để chú tư đưa em dìa tận nhà...
  14. Chào Năm Thiệt xong Nhu theo Tư Mạnh trở ra đường lớn. Vì đường mòn hẹp lại thêm cỏ dại mọc lan ra nên hai người không đi song song với nhau được thành ra Nhu phải quảy gánh đi trước để Tư Mạnh đi sau. Vừa đi anh ta vừa nhìn sau lưng của Nhu mà tâm trí để tận đâu đâu. Ngay lúc này anh không còn để ý tới bất cứ thứ gì ngay cả cọp chận đường hoặc rắn cắn. Có gì đáng nhìn và đáng quan tâm hơn ngắm đàng sau lưng của cô con gái chửa có chồng như Nhu. Vốn quen làm việc, đi đứng nhiều nên Nhu có một thân hình hổng có dư mỡ và thừa trọng lượng. Đôi giò chắc và thon gọn. Cái lưng ong mềm mại. Mái tóc huyền. Tuy nhiên tất cả những thứ đó gộp lại cũng chưa bằng một góc cái mông tròn lẳn y chang như cái mọng dừa đang chuyển động theo từng bước đi. Nhìn phía sau lưng của Nhu, Tư Mạnh mới nhớ ra mình là trai chưa vợ. Bấy lâu nay vì thích giang hồ cộng thêm lòng yêu nước nên anh bí mật gia nhập nghĩa quân của ba ông Phan Tôn, Phan Liêm và Phan Ngữ để đánh tây. Nhưng cũng vì thiếu tổ chức, quân lính ít ỏi và vũ khí thô sơ nên cuối cùng họ bị giặc tây đánh bại. Nghĩa quân lớp bị chết, bị bắt, lớp bôn đào tứ tán khắp nơi để trốn tránh sự truy lùng của lính kín tây. Đó là lý do khiến cho Tư Mạnh trôi dạt về vùng Lương Quới hoang vu này. Anh tính tá túc ở nhà Năm Thiệt đôi ba tháng rồi sẽ đi xuống Ba Tri vì không muốn làm hại cho gia đình của Năm Thiệt. Lính tây mà biết ai chứa chấp nghĩa quân là sẽ làm cỏ cả gia đình và làng xóm luôn. Quảy gánh đi trước Nhu hơi ngạc nhiên vì không nghe Tư Mạnh nói gì hết. Tò mò cô quay đầu lại thì thấy Tư Mạnh đang chấp tay sau lưng, đầu hơi cúi xuống và hai chân bước đều như đang đi dạo chứ hổng phải là kẻ hộ tống mình đi dìa nhà. - Anh Tư... Mình ra tới lộ đá rồi anh Tư... Nhu lên tiếng nhắc chừng. Tư Mạnh mỉm cười. Ôi chao... Sao mà nụ cười của anh Tư dễ ghét quá... Nhu nghĩ thầm. - Cô Nhu để tôi đi trước... Rủi có ổng đón đường thì tôi... Nói tới đó Tư Mạnh nín luôn như không muốn nhắc tới điều làm cho người ta sợ. Tuy Tư Mạnh hổng nói hết câu song Nhu cũng hiểu. Điều đó khiến cho nàng sờ sợ vội chậm bước và nép vào lề nhường cho anh Tư đi trước. Rủi có bề gì thì ổng ăn người đi trước
  15. chứ hổng có xực người đi sau. Huống chi nàng thuộc hạng người thiếu trọng lượng và hổng có dư thừa mỡ nên ông cọp chắc sẽ chê. Nghĩ như vậy Nhu mạnh dạn theo Tư Mạnh bước qua cây cầu ván bắt ngang con rạch nước chảy chậm. Trời xế xế chiều. Không gian im vắng. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng chim cu gáy trên đọt cây me dọc theo con lộ đất. À... um... Tiếng ông ba mươi gầm rống nghe gần lắm khiến cho Tư Mạnh ngó dáo dác. Còn Nhu thì sợ sệt đi sát vào anh Tư như tìm sự che chở. Đang đi Tư Mạnh đột ngột dừng bước. - Gì dậy anh Tư... Nhu thì thầm hỏi. Giọng trả lời của Tư Mạnh vang lên chậm và nghiêm. - Ổng... Ổng ngồi kia kìa... Cô Nhu đi sát vào tui... Nhu cảm thấy hai đầu gối của mình run rẩy. Nhìn theo ngón tay chỉ của Tư Mạnh, cô thấy ông ba mươi ngồi chần vần chính giữa con lộ đất gần chỗ có cây me lớn. Hai mắt của ông sáng hơn sao nhìn nàng như muốn thôi miên trước khi nhảy tới chụp. - Cô Nhu đứng núp sau gốc cây kia để tôi đánh với ổng... Dứt lời Tư Mạnh xoạc chân đứng tấn chữ đinh để bảo vệ cho người đẹp thì ít mà bảo vệ cho mạng sống của mình nhiều hơn. Chân đạp tấn đinh, tay quyền một án ngay bụng, một kèm bên hông, Tư Mạnh nhìn chăm bẳm vào con cọp vằn đang ngồi chễm chệ trên mặt đất. Anh biết hôm nay lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên đã lỡ mang tiếng hộ tống người đẹp mà gặp cọp lại chạy la làng thì ê mặt quá. Dù gì anh cũng mang danh con nhà võ, với lại con cọp này coi tướng cũng hiền và nhỏ thó nên anh hi vọng mình có thể hù cho nó chạy. À... um... Con cọp vằn gầm tiếng thị uy như cố ý làm cho địch thủ phãi sợ hãi trước khi tấn công. Cái đuôi dài có chòm lông đập xuống đất làm bụi tung mờ mờ. Tư Mạnh biết ông ba mươi sẽ nhảy tới bằng cách lấy thịt đè người. Quả đúng như vậy. Nguyên cả khối thịt nặng như bao gạo chỉ xanh phóng vút tới ngay chỗ địch thủ đang đứng. Dù có võ giỏi như Bế Khôi mà gặp cú này cũng phải né huồng hồ gì Tư Mạnh. Muốn tránh cú chụp lừng danh của ông ba mươi anh ta phải tính cho đúng. Trật là nát thây với ổng liền. Ngay lúc thân hình con cọp chờn vờn trước mặt anh lật ngửa người xuống thật thấp, hai tay
  16. chỏi xuống đất lấy đà cùng lúc hai chân giở lên hạ xuống nhanh như chày giả gạo. Anh cũng biết ông ba mươi sức mạnh như thần do đó phải đánh trúng vào chỗ hiểm, chỗ nghiệt thì ổng mới bị thấm đòn mà bỏ chạy. Bởi vậy song cước của anh bung ra nhắm ngay cái đùm lòng thòng đang chờn vờn trước mặt mình. Đây là điểm yếu nhất của ông ba mươi. Khi nhảy thì bốn chân đều bung ra phô cái đùm lòng thòng, vì vậy mà các tay đánh cọp đều đánh vào yếu huyệt này. Bình... Bình... Nấp sau gốc cây Nhu nghe ông ba mươi rống tiếng vang trời dậy đất khi bị đối thủ đá trúng cái đùm của mình. Tuy nhiên dù bị đau song sức mạnh vô song và tính hung dữ nên ổng chưa chịu bỏ cuộc. Gằm gừ mấy tiếng ổng từ từ lùi lại chỗ cũ để tìm cách khác. Biết cuộc đấu sẽ trở nên hung hiểm, mà mình tay không khó lòng cự lại địch thủ nên Tư Mạnh ngó dáo dác tìm cái gì làm khí giới. Con đường trống trơn không có cây nào lớn để làm gậy gộc chỉ trừ gốc cây nơi Nhu đang đứng. Sực nhớ ra cây đòn gánh của Nhu, Tư Mạnh mừng rỡ bước tới. - Cô Nhu cho tôi mượn cây đòn gánh một chút... Dù không biết Tư Mạnh mượn đòn gánh để làm gì song Nhu cũng đưa. Có được cây đòn gánh làm bằng tre trong tay Tư Mạnh vững bụng bước tới đứng đối diện với ông cọp. À... um... Nguyên cả khối thịt khổng lồ với mười vuốt nhọn bén tợ gươm đao lao vào đối thủ. Hét tiếng trợ lực, Tư Mạnh tạt bộ bước dài sang bên trái trong lúc hai tay vung đòn gánh quất một cú cật lực vào chân của ông ba mươi. Mới vừa bị đá vào cái đùm đau thấu trời xanh, nay lại bị thêm đòn gánh khỏ vào ống quyển thiếu điều xụm bà chè, ông ba mươi rống tiếng vang trời rơi xuống đất nghe cái bịch. Chậm chạp đứng dậy ổng hầm hè nhìn đối thủ. Xá xá ông cọp ba cái Tư Mạnh nói với giọng nửa giỡn nửa thiệt. - Bậy quá... bậy quá... Tui hổng có muốn đụng tới ông đâu... Tại ông dồn tui vào thế kẹt quá mà... Ông nên kiếm chỗ nào khác mần ăn đi... Người ta đồn ông ba mươi có tính linh, thông hiểu những gì người ta nói. Con cọp vằn nhìn đối thủ giây lát rồi đi cà nhắc vào khu rừng rậm. Tư Mạnh thở phào đưa tay vuốt mồ hôi trán tươm ra. Bây giờ anh mới biết sợ và biết mệt. Cũng may anh gặp ông ba mươi già cả ốm yếu thêm đói nên hiền chút chút vì vậy ổng mới chịu nghe lời của anh mà bỏ mồi. Bước tới chỗ gốc cây, trả lại cho Nhu cây đòn gánh, Tư Mạnh cười vui vẻ.
  17. - Ổng chạy rồi cô Nhu... Cám ơn trời phật... - Thiệt hả anh Tư... Anh Tư của em giỏi quá... Nhu nói bằng giọng âu yếm và thán phục. Nàng đã thấy tận mắt Tư Mạnh choảng nhau với cọp và rốt cuộc ông ba mươi phải bỏ chạy. Tư Mạnh đúng là anh hùng thứ thiệt chứ hổng phải như bao nhiêu chàng trai khác ngoài miệng bô bô khoe võ nghệ đầy mình mà gặp cọp thì co giò chạy trước. - Tôi gặp hên thôi cô Nhu... Nếu hổng có cây đòn gánh của cô Nhu thì chắc tôi còn phải bầm dập với ổng... Nhu mỉm cười không nói mà trong lòng mến phục chàng thanh niên mới quen nhiều hơn nữa. Có tài mà lại khiêm nhường mới đáng quí chớ. - Tôi mình đi cô Nhu... Trời cũng chiều rồi... chần chừ ở đây rủi ổng trở lại là mệt đa... Nghe câu nói đó, Nhu vội quảy gánh te te đi trước còn Tư Mạnh cũng bước theo. Chuyện Tư Mạnh đánh cọp do chính miệng Nhu kể cho ba má và anh chị em nghe chẳng mấy chốc lan truyền khắp thôn xóm lận cận. Từ đó dân hai làng Lương Quới và Lương Hòa không gặp cọp nữa. Dân làng rất đội ơn nghĩa cử anh hùng của Tư Mạnh. Vì không muốn mang tiếng ăn nhờ ở đậu nhà Năm Thiệt nên ngoài chuyện hộ tống Bông đem hàng ra chợ bán, anh cũng lặn lội vào các vùng hoang vu săn bắt thú dữ như heo rừng, chồn cáo, rắn trăn đem lên huyện bán lấy tiền độ nhật và dành dụm để làm đám cưới với Nhu. Cuộc đời của anh tưởng cũng sẽ êm xuôi cho tới một hôm. Vừa thấy mặt Tư Mạnh, chú Ba Miễn nói liền. - Vô đây làm một chung đi rồi tôi nói cho chú em nghe cái này lạ lắm... Không biết chuyện gì song Tư Mạnh cũng nghe lời ngồi xuống cái bàn đặt trong cái chái bên hông nhà của Ba Miễn. Rót đây chung đế đưa qua cho Tư Mạnh xong Ba Miễn thấp giọng. - Hồi hôm qua, có hai người hỏi chú...
  18. Đang nâng chung lên nghe tới đó, Tư Mạnh vội đặt chung rượu xuống nhìn chăm bẳm chú Ba Miễn. - Ai vậy chú. Họ có nói tên? Chú Ba Miễn lắc đầu nhè nhẹ. - Tui có hỏi mà họ không chịu nói. Chỉ cho biết là họ làm việc trên huyện phủ gì đó... Tư Mạnh làm thinh. Không muốn nói cho chú Ba Miễn biết song anh lờ mờ đoán hai người lạ mặt đó là lính kín của tây. Sau vụ đánh cọp thì tên tuổi của anh lan truyền khắp nơi. Mà vì vậy mới tới tai đám lính kín của tây đang truy lùng ráo riết các nghĩa quân đã tham gia cuộc khởi nghĩa của ba anh em họ Phan. Bọn này tai thính mắt linh, người đông thế mạnh nên chuyện gì chúng cũng nghe biết được. Muốn an thân anh phải rời khỏi Lương Quới càng nhanh càng tốt. - Tui nghi mấy người đó là lính kín... Chú em có làm cái gì không mà họ tìm chú em... Ngẫm nghĩ giây lát Tư Mạnh kể sơ cho chú Ba Miễn nghe lý do tại sao mình bị lính kín của tây theo dõi. Nghe xong chú ba gật gù. - Phải vậy chứ... Hồi nẫm tôi cũng có nghe vụ khởi nghĩa của ba anh em họ Phan. Ngặt nỗi tôi già lại thêm vợ con đàn đúm nên nấn ná hoài tới chừng nghe đồn vụ nghĩa quân tan rã nên tôi thôi tính chuyện đi theo nghĩa quân. Chú em đi làm bổn phận của người con trai trong thời quốc phá gia vong thì tôi phục chú lắm. Gần đây tôi nghe xấp nhỏ đồn miệt Châu Bình có ông Tán Kế đang mộ quân chống tây mà hổng biết có đúng không. Đâu chú em đi rảo xuống miệt Ba Châu coi thử... Nghe tin đó Tư Mạnh mừng rỡ. Uống vài chung rượu chia tay với chú Ba Miễn xong anh theo đường tắt đi lên nhà của Nhu. Gặp mặt anh kể cho người vợ chưa cưới của mình nghe mọi chuyện. Rưng rưng nước mắt Nhu thốt. - Anh đi làm bổn phận của một người dân trong lúc nước mất nhà tan thì em đâu vì chuyện tình riêng của mình mà ngăn cản anh. Dù chưa có đám cưới nhưng em vẫn coi anh là chồng chính thức. Em sẽ đợi anh khi nào anh trở lại...
  19. Tư Mạnh mỉm cười sung sướng vì sự hi sinh của vợ chưa cưới. Cầm tay Nhu, anh thì thầm. - Anh sẽ trở lại một khi đất nước không còn bóng kẻ xâm lăng... Anh sẽ cưới em làm vợ và mình sẽ có những đứa con gái đẹp, hiền hậu và giỏi dang như em vậy... Nhu bật khóc giây lát rồi gạt nước mắt vào nhà xong trở ra đưa cho Tư Mạnh cây đòn gánh. - Cây đòn gánh này là quà của em tặng anh làm khí giới để anh đòi lại sáu tỉnh nam kỳ đã bị giặc tây chiếm đoạt... Mân mê cây đòn gánh trong tay, Tư Mạnh cười thốt. - Thấy vật nhớ người... Anh sẽ dùng cây đòn gánh để khỏ đầu lũ giặc xâm lăng... Anh xin em nhớ cho rằng hể người còn thì vật còn, người mất thì vật mới mất... Nhu gật đầu ứa lệ nhìn theo bóng người chồng chưa cưới mất dần trong bóng tối. Thời gian sau dân chúng khắp nơi trong vùng Bến Tre xôn xao bàn tán về cuộc khởi nghĩa của Tán Kế Lê Quang Lang ở Ba Châu, tức Châu Bình, Châu Hoà và Châu Thới. Mặc dù giặc tây ra sức đàn áp, nhưng nghĩa quân cũng đã mở nhiều cuộc tấn công như đánh vào làng Phú Ngãi, Tân Điền, Đồng Xuân giết chết tên cai tổng và người em của hắn vốn là xã trưởng ở đây. Dân chúng hi vọng cuộc khởi nghĩa của Tán Kế sẽ lan rộng và sẽ có nhiều người hưởng ứng. Nhu đón tin đó với buồn vui lẫn lộn. Cô biết người chồng chưa cưới của mình đã có mặt trong hàng ngũ của nghĩa quân chống lại kẻ xâm lăng. Ngày đêm cô cầu trời khấn phật cho Tư Mạnh được tai qua nạn khỏi. Ít lâu sau lại có tin đồn Tán Kế Lê Quang Lang đã bị bắt và bị chém đầu tại chợ Châu Thới. Nghĩa quân theo ông người bị chết, bị bắt đi tù còn một số ít thì trốn lánh khắp nơi. Trời chiều bảng lảng. Gà vịt bắt đầu vào chuồng. Đang lùa con gà trống còn ham chơi chạy lanh quanh trên sân, Nhu chợt ngó về phía con lộ dẫn vào nhà của mình. Dường như có người đi. Khi người lạ tới gần, Nhu mới nhận ra đó là một thanh niên mặc bà ba đen và đi chân không. Tay anh ta xách cây đòn gánh. Thấy Nhu đang lùa gà anh ta lễ độ lên tiếng.
  20. - Chị ơi... Chị làm ơn cho tui hỏi thăm chút xíu... Ngưng đuổi gà, Nhu vội đi tới gần chỗ người lạ mặt đang đứng. - Dạ anh muốn hỏi gì? - Đây có phải là nhà của cô Sáu Nhu con ông Tám Mía... - Dạ đúng rồi... Tôi là Sáu Nhu đây. Anh là ai? Thanh niên nhìn người trước mặt giây lát rồi mới thong thả cất giọng. - Tôi tên Tính, bạn với anh Tư Mạnh. Vậy chị đây là vợ chưa cưới của anh Tư hả... Cám ơn trời phật... Tôi tưởng không bao giờ được gặp chị... Nghe người lạ nói là bạn của chồng chưa cưới của mình, Nhu mừng rỡ mời khách vào nhà. Có lẽ vì vui mừng nên nàng không chú ý tới cây đòn gánh mà Tính cầm theo tay. Ba má và anh chị em của Nhu được tin kéo tới gặp khách quí. Tối hôm đó sau khi cơm nước xong xuôi, Tính mới thuật lại chuyện gặp Tư Mạnh khi tham gia cuộc khởi nghĩa của Tán Kế Lê Quang Lang từ lúc bắt đầu cho tới khi ông bị chém ở tại chợ Châu Thới. Nhu khóc ngất khi biết tin chồng chưa cưới của mình cũng bị hành hình cùng lượt với Tán Kế. Kể xong câu chuyện, Tính mới lấy cây đòn gánh đưa cho Nhu rồi nói nhỏ. - Trước khi bị bắt, anh Tư có đưa cho tôi cây đòn gánh này và nhờ tôi, nếu trốn thoát được thì rán đưa cây đòn gánh về cho chị. Anh cũng nói rất buồn không được cùng chị nên duyên chồng vợ... Nhu mân mê cây đòn gánh đã sờn mẻ với nhiều vết cắt và như có vết máu bầm dính vào. Cô như thấy lại hình bóng của anh Tư đang cầm cây đòn gánh đánh nhau với giặc xâm lăng. Anh đã dùng cây đòn gánh của cô đi gánh vác sơn hà nhưng tiếc thay đại sự không thành và anh đã không trở về. Cô ứa nước mắt tự hỏi. Vật còn đây mà người đâu?
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2