intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cây dù của bạn màu gì? - Những điều nhà trường không bao giờ dạy chúng ta về tìm việc (Phần cuối)

Chia sẻ: Mua Dong | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

264
lượt xem
83
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trước khi đến cuộc phỏng vấn, luôn ghi nhớ trong đầu rằng cả người có trách nhiệm tuyển bạn cũng toát mồ hôi đấy. Sao vậy? Bởi vì phỏng vấn tuyển dụng không phải là cách thức đáng tin cậy để chọn nhân viên đâu. Trong một cuộc điều tra được thực hiện mấy năm gần đây trong số những công ty hàng đầu ở Anh, người ta phát hiện ra rằng, cơ hội cho các nhà tuyển dụng tìm ra được một ứng viên tốt qua phỏng vấn tuyển dụng chỉ cao hơn 3% so với việc bốc...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cây dù của bạn màu gì? - Những điều nhà trường không bao giờ dạy chúng ta về tìm việc (Phần cuối)

  1. Cây dù của bạn màu gì? - Những điều nhà trường không bao giờ dạy chúng ta về tìm việc (Phần cuối) Trước khi đến cuộc phỏng vấn, luôn ghi nhớ trong đầu rằng cả người có trách nhiệm tuyển bạn cũng toát mồ hôi đấy. Sao vậy? Bởi vì phỏng vấn tuyển dụng không phải là cách thức đáng tin cậy để chọn nhân viên đâu. Trong một cuộc điều tra được thực hiện mấy năm gần đây trong số những công ty hàng đầu ở Anh, người ta phát hiện ra rằng, cơ hội cho các nhà tuyển dụng tìm ra được một ứng viên tốt qua phỏng vấn tuyển dụng chỉ cao hơn 3% so với việc bốc thăm. Một phát hiện còn khôi hài hơn nữa, rằng nếu cuộc phỏng vấn này lại được thực hiện bởi người sếp trực tiếp với ứng viên thì thành công lại còn thấp hơn, chỉ cao hơn 2% so với việc bốc thăm hú họa. Và nữa, nếu cuộc phỏng vấn mà lại được thực hiện bởi người được gọi là chuyên gia về
  2. nhân sự thì tỷ lệ này có thấp hơn 10% so với việc bạn rút thăm trúng thưởng trong công ty. 1. Diện mạo và thói quen cá nhân: các cuộc phỏng vấn để lộ rằng nếu thuộc đấng mày râu, bạn dễ có khả năng được tuyển nếu: – bạn vừa tắm rửa sạch sẽ, mày râu nhẵn nhụi, tóc tai chải mượt, móng tay sạch sẽ và có sử dụng chất khử mùi; – áo quần được giặt sạch ủi thẳng nếp, giày thì bóng đến độ soi gương được; – hơi thở không có mùi, không toát ra mùi hành, mùi tỏi, mùi thuốc lá khét lẹt, mùi rượu mạnh trong khoảng không gian khép kín của một căn phòng; bạn đã chải răng và súc miệng thật kỹ; – bạn cũng không đổ đến một nửa lọ nước hoa lên người, đến mức còn cách phòng phỏng vấn đến năm mét mà thiên hạ đã ngửi thấy mùi nước hoa rồi. Nên nhớ, vì quá trình tuyển dụng giống với việc người ta chọn bạn đời hơn là chọn xe, nên nhà tuyển dụng chỉ cố xác định xem họ có thích bạn không. Nếu bạn “phạm” vào một trong những điều “cấm” trên, người có trách nhiệm nọ sẽ dị ứng và dĩ nhiên sẽ chẳng có hứa hẹn gì, bất kể bạn có tuyệt như thế nào trên những phương diện khác. Điều tương tự cũng xảy ra với chuyện hẹn hò, một cách ngẫu nhiên như thế đấy. Nếu thuộc phái đẹp, các cuộc phỏng vấn cho biết, bạn dễ có khả năng được tuyển nếu: – bạn vừa tắm gội sạch sẽ, không trát một tạ phấn lên mặt, mái tóc được sấy hoặc chải gọn gàng, móng tay được cắt tỉa sạch đẹp chứ không nhọn hoắt và dài đến cả tấc, và tất nhiên có dùng chất khử mùi; – mặc áo nịt ngực, trang phục được giặt sạch, tốt nhất nên mặc đồ vét hoặc áo dài nền nã; mang giày chứ không phải săng đan, nhất là không mặc những bộ đồ quá táo bạo hoặc hở hang khiến người hỏi xao nhãng
  3. mục đích chính. Thời buổi hiện nay đã có nhiều vụ kiện về quấy rối tình dục, nên các nhà tuyển dụng, nam cũng như nữ, đều tỏ ra thận trọng và lo lắng về vấn đề này. Tôi đồng ý với bạn rằng, vẫn có những nhà tuyển dụng thích những bộ đồ “mát mẻ” kiểu ấy, nhưng tin tôi đi trong hầu hết các trường hợp bạn sẽ không muốn làm việc với họ đâu (trong thực tế vẫn có trường hợp ứng viên được tuyển chỉ về hình thức bên ngoài, tôi chỉ có một lời về vấn đề này: nhà tuyển dụng nào bị chi phối bởi dáng vẻ bề ngoài trong quyết định tuyển người chỉ là kẻ ngu xuẩn.) – hơi thở không có mùi, không toát ra mùi hành, mùi tỏi, mùi thuốc lá, mùi rượu mạnh trong khoảng không gian khép kín của một căn phòng; bạn đã đánh răng và súc miệng thật kỹ; – bạn cũng không đổ đến một nửa lọ nước hoa lên người, đến mức còn cách phòng phỏng vấn đến năm mét mà thiên hạ đã ngửi thấy mùi nước hoa rồi. 2. Tác phong bồn chồn lo lắng: người tìm việc sẽ làm nhà tuyển dụng chán ngấy nếu: – liên tục lảng tránh không nhìn vào mắt nhà tuyển dụng; – đưa ra một cái bắt tay mềm oặt thiếu sinh khí; – ngồi thườn thượt trên ghế, đôi tay ngó ngoáy không ngừng hoặc bẻ đốt ngón tay răng rắc hoặc thường xuyên đưa tay lên vuốt tóc trong suốt buổi phỏng vấn. 3. Thiếu tự tin: nhà tuyển dụng sẽ chẳng còn hứng thú nếu: – ứng viên nói lí nhí trong cổ không ai nghe được, hoặc oang oang như lệnh vỡ đến người ở cách đấy hai phòng cũng nghe thấy; – đưa ra câu trả lời với dáng vẻ cực kỳ do dự; – trả lời tiếng một cho tất cả những câu hỏi của nhà tuyển dụng;
  4. – liên tục cắt ngang câu hỏi của họ; – không thể hiện được thành tích hay khả năng của mình, hoặc liên tục tự phê trong những nhận xét về mình trong buổi phỏng vấn. 1. Những gì mà bạn cư xử với người khác: nhà tuyển dụng sẽ phải chịu trận nếu – bạn tỏ ra thiếu lịch sự đối với nhân viên tiếp tân, thư ký (hoặc trong bữa trưa) với người phục vụ nhà hàng; – đưa ra những lời chỉ trích đối với sếp cũ hoặc nơi làm việc cũ; – uống rượu mạnh (gọi rượu mạnh, khi nhà tuyển dụng mời bạn đi ăn trưa thì bao giờ đó cũng là một ý tồi, bởi vì nó đặt ra câu hỏi trong đầu nhà tuyển dụng, “Người này có biết cách dừng lại đúng lúc không, hay cứ “thả ga”) – quên không cảm ơn chủ nhà khi ra khỏi phòng, hoặc quên không gửi thư cảm ơn ngay sau buổi phỏng vấn. Nói như một giám đốc nhân sự thì: “Một lá thư giao dịch ngắn gọn, kịp thời gửi đến cảm ơn tôi cùng với một bản ghi nhớ cuộc trao đổi chất lượng giữa hai người nói cho tôi biết rằng đây là người bán hàng luôn hướng tới khách hàng một cách tận tụy xác quyết, một người biết tận dụng kỹ thuật và hiểu rõ luật chơi. Đó chính là những đặc tính mà tôi tìm kiếm … Tôi thường nhận được một lá thư như thế trong số 15 người mà tôi phỏng vấn.” – Ngẫu nhiên có những nhà tuyển dụng muốn thử xem bạn có hút thuốc trong văn phòng hoặc lúc ăn trưa không. Trong cuộc chạy đua giữa hai ứng viên ngang tài ngang sức, người không hút thuốc có cơ hội thắng người hút thuốc tới 94%, theo một nghiên cứu của một giáo sư kinh tế ở Đại học Seatle.
  5. 2. Giá trị của bạn: thật là một sự thất vọng hoàn toàn nếu nhà tuyển dụng thấy ứng viên: – có biểu hiện ngạo mạn hoặc hung hăng quá mức; bất cứ dấu hiệu nào của sự chậm trễ, lỡ hẹn, sai giờ, trong đó có cả việc đến buổi phỏng vấn trễ giờ; – bất cứ dấu hiệu nào của sự lười biếng hoặc thiếu động cơ làm việc; – bất cứ dấu hiệu không trung thực hoặc dối trá – trong hồ sơ xin việc cũng như trong buổi phỏng vấn; – vô trách nhiệm hoặc tỏ ra trì độn, chậm hiểu; – dấu hiệu của việc không làm theo những lời chỉ dẫn hoặc không tuân thủ các quy định; – bất cứ dấu hiệu nào của việc thiếu nhiệt tình đối với công ty và những việc phải cố gắng làm; – dấu hiệu của tính không kiên định, hay thay đổi hoặc có những câu trả lời không thích hợp, không nhất quán; – có những cách thức khác mà bạn có thể hiển thị giá trị của mình, như: những điều gây ấn tượng hoặc không gây ấn tượng với bạn trong văn phòng; hoặc cái mà bạn vui lòng hy sinh để có được công việc mình muốn và điều mà bạn không muốn hy sinh dù công việc có tốt đến mấy; hoặc nhiệt tình mà bạn dành cho công việc, hoặc sự cẩn thận mà trong đó bạn nghiên cứu hay không nghiên cứu công ty trước khi tìm đến nó và vân vân. Phải, bạn đọc yêu quý của tôi, bây giờ thì bạn cũng rõ rồi đấy: người ta có thể chết vì một con muỗi trong khi chuẩn bị tất cả để nghênh chiến với một con rồng, nhất là trong quá trình tuyển dụng nghiệt ngã.
  6. Tôi xin bạn một điều, đừng viết thư cho tôi nói rằng phỏng vấn tuyển dụng tầm thường và độc ác như thế nào nhé, bởi vì tôi biết điều đó rõ hơn ai hết. Tôi chỉ muốn nói lại những điều mà các cuộc điều tra nghiên cứu tiết lộ mà thôi. Bạn có thể chú ý đến điều này hoặc đơn giản lờ nó đi. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định bỏ qua những khuyến cáo này thì dù bạn có trải qua hết cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác bạn cũng chẳng bao giờ được tuyển. Hãy cân nhắc tất cả những điều này. Có thể con muỗi chứ không phải con rồng sẽ giết bạn. Nhưng điều đáng mừng là bạn có thể dễ dàng diệt muỗi. Phải, bạn có thể kiểm soát mỗi yếu tố này. Hãy đọc đi đọc lại những việc be bé con con này, toàn là những cái có thể tránh được nếu chú ý. Chỉ cần quyết định tắm rửa trước khi đến chỗ phỏng vấn và cùng với việc đó là đánh cho đôi giày bóng lộn lên, nhịn hút thuốc một khoảng thời gian và vân vân. Bạn hoàn toàn có khả năng hô “biến” những chuyện vặt vãnh này và thay đổi chúng, nếu chúng cản trở việc bạn được “chấm”. Có một số câu hỏi mà bạn có thể đặt ra trước khi buổi phỏng vấn kết thúc. Trước khi đứng dậy ra về có 6 loại câu hỏi cơ bản mà bao giờ bạn cũng phải nêu ra: 1. “Ở đây có những công việc phù hợp với kỹ năng và kinh ngiệm của tôi không?” Đây là câu hỏi đặt ra nếu bạn không tìm kiếm một công việc cụ thể ngay từ đầu. 2. “Ông /bà có thể tạo cơ hội cho tôi làm việc này không?” Tôi biết điều này nghe có vẻ ngu ngốc, nhưng quả là đáng ngạc nhiên ( ít nhất là với tôi) rằng có khá nhiều ứng viên đã có được việc làm chỉ đơn giản vì họ có đủ can đảm để đưa ra một câu hỏi trực tiếp như thế vào cuối buổi phỏng vấn. Điều này cũng có thể diễn đạt theo cách thức mà bạn cảm thấy tự nhiên nhất, chẳng hạn, “Tôi có thể có được công việc này không?” Tôi không rõ lý do của chuyện này, chỉ biết nó là cái gì. Có thể nó khiến nhà tuyển dụng cảm thấy khó mà nói không với một người đã thẳng thắn nói ra điều đó. Dù sao thì, nếu sau
  7. khi đã có tất cả thông tin về công việc và bạn cảm thấy rất thích nó thế thì bạn phải nói ra thôi. Điều tệ nhất mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra chỉ là, “Không,” hoặc “Chúng tôi cần thời gian suy nghĩ về buổi phỏng vấn mà chúng ta vừa thực hiện.” 3. “Ông/bà có muốn tôi quay lại trong một buổi phỏng vấn khác, có lẽ với những người khác có quyền quyết định?” Nếu bạn là một người mà nhà tuyển dụng nhắm cho một công việc nào đó, thông thường sẽ có một buổi phỏng vấn thứ hai và có thể thứ ba, thứ tư nữa. Tất nhiên bạn bao giờ cũng muốn lọt vào vòng trong. 4. “Khi nào thì tôi có thể nghe được tin từ ông/bà?” bạn không muốn để quyền điều khiển các bước quan trọng hoàn toàn nằm trong tay nhà tuyển dụng. Nếu họ trả lời lửng lơ, “Chúng tôi cần thời gian cân nhắc,” hoặc, “Chúng tôi sẽ gọi cho bạn cho lần phỏng vấn thứ hai,” thì bạn chớ tin ngay vào một ý định tốt đẹp chẳng có gì cụ thể ấy nhé. Hãy tìm cách “chốt” lại vấn đề. 5. “Tôi có thể hỏi, chậm nhất là bao giờ tôi có thể nghe được tin từ ông/bà?” Nhà tuyển dụng có thể đưa ra một dự đoán “khơi khơi’ để trả lời cho câu hỏi trước của bạn. Bây giờ thì bạn muốn biết câu trả lời tồi tệ nhất là gì? Thật tình cờ, khi tôi hỏi một nhà tuyển dụng câu hỏi này, ông ấy trả lời, “Không bao giờ!” Tôi tưởng đâu ông ấy nói đùa nhưng hóa ra ông ta nghiêm túc chết người. tôi không nghe nói gì về ông ấy nữa, bất chấp những nỗ lực liên lạc về phía tôi. 6. “Tôi có thể liên hệ sau với ông/bà nếu vì một lý do nào đó ông/bà không trả lời tôi đúng hẹn?” nhiều nhà tuyển dụng rất ngán một câu hỏi huỵch toẹt như vậy. Bạn cũng biết có thể có trường hợp người ta quay ra nạt bạn, “Không tin tôi à?” Nhưng đa số sẽ đánh giá cao việc bạn đưa ra một câu hỏi mà về thực chất là sự bảo đảm an toàn. Họ biết mình có thể bận rộn, chìm ngập trong những việc khác mà quên đi lời hứa với bạn. Trong trường hợp này, nó làm họ vững dạ bởi vì đã có bạn cứu họ.
  8. 7. “Ông/bà có biết bất cứ nơi nào khác có thể quan tâm đến trường hợp của tôi?” Đây là một câu hỏi phụ, và chỉ nên đưa ra khi họ nói “không” với câu trả lời đầu tiên của bạn. Ghi nhớ những câu trả lời của họ cho những câu hỏi của bạn và đứng dậy, chân thành cảm ơn họ đã dành thời gian cho mình, bắt tay một cái thật nồng nhiệt rồi ra về. Bao giờ cũng gửi cho họ một lá thư cảm ơn ngay sau đó. Tất cả những chuyên gia trong tuyển dụng đều sẽ nói với bạn hai điều: thứ nhất, lá thư cảm ơn bao giờ cũng phải được người tìm việc gửi đến ngay sau mỗi buổi phỏng vấn và thứ hai, hầu hết mọi người quên làm cái việc đơn giản này. Trong thực tế hoàn toàn có thể nói rằng người ta đã bỏ sót khâu này trong quá trình đi tìm việc. Nếu bạn muốn nổi bật so với những người còn lại sao không làm một việc cực kỳ đơn giản, gửi một lá thư cám ơn đến tất cả những người mà bạn gặp trong buổi phỏng vấn? Nếu bạn cần bất cứ một sự động viên nào (ngoài cái thực tế là nó có thể giúp bạn tìm được việc thì ở đây có 6 lý do để bạn làm việc đó, phần lớn là cho nhà tuyển dụng đã phỏng vấn bạn. Thứ nhất, bạn thể hiện mình là người có kỹ năng giao tế nhân sự tốt. Những hành động của bạn cùng với một sự tôn trọng đối với phỏng vấn việc làm đã khẳng định điều đó. Gửi đi một lá thư cám ơn chính là việc nói lên điều đó. Nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn là người biết cách đối nhân xử thế, vì bạn nhớ đến chuyện cảm ơn người đã bỏ công sức ra cho mình. Thứ hai, lá thư sẽ giúp họ nhớ đến bạn. Thứ ba, nếu có nhiều hơn một người tham gia phỏng vấn ứng viên, thì một người trong số đó có lá thư của bạn để khoe với những người còn lại. Thứ tư, nếu cuộc phỏng vấn diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, nhà tuyển dụng dường như có hứng thú với một cuộc tiếp xúc thì một lá thư cảm ơn là cái nhắc lại mối quan tâm của đối với những cuộc phỏng vấn vòng trong.
  9. Thứ năm, thư cảm ơn tạo cho bạn cơ hội sửa sai những ấn tượng không đúng mà bạn lỡ gây ra. Bạn có thể thêm vào đấy bất cứ điểm quan trọng nào mà bạn quên chưa nói và muốn cho họ biết. Từ những điểm này bạn có thể nhấn mạnh hai hoặc ba điểm chính mà bạn muốn nhà tuyển dụng lưu ý. Và cuối cùng, nếu cuộc phỏng vấn không được thuận lợi và bạn mất tất cả những hứng thú làm việc ở đây, họ vẫn có thể biết một vài chỗ nào đó có thể làm bạn quan tâm. Trong thư cảm ơn, hãy nói đến điều này, nhắc nhở họ lưu tâm đến chuyện của bạn. Như vậy, từ những nhà phỏng vấn tốt bụng, bạn có thể có thêm những manh mối mới trong tìm việc. Trong những ngày tiếp theo đó, hãy nhất nhất làm theo tất cả những gì mà bạn đã nói, không liên hệ với họ trừ lá thư cảm ơn có tính cách bắt buộc, hãy chờ cho đến thời hạn mà hai người đã đồng ý trong khi trả lời câu hỏi thứ tư ở trên. Nếu liên lạc với họ mà vẫn chẳng có thông tin gì rõ ràng hãy hỏi họ câu hỏi số 3, 4 và 5 một lần nữa và cứ thế. Sẽ hoàn toàn thích hợp nếu bạn lồng vào những lá thư cảm ơn sau mỗi cuộc phỏng vấn hoặc liên hệ qua điện thoại trong cái dòng chảy đó. Chỉ có điều hãy viết thật ngắn gọn. “Tôi sẽ nói cho ông rõ tại sao tôi lại muốn làm công việc này. Tôi thích các thách thức, tôi muốn có chỗ để thể hiện mình. Tôi thích giải quyết các vấn đề. Còn nữa, xe hơi của tôi sắp bị người ta cấn nợ.” Khi tất cả những điều này vô tác dụng và bạn không được mời phỏng vấn vòng trong Không có phép màu trong tìm việc. Không có bất cứ kỹ thuật nào bao giờ cũng cho kết quả tốt với hết thảy mọi người. Kẻ nào nói với bạn hắn sở hữu một phép màu như vậy là hắn đang lừa bạn đấy. Tôi thường nghe được những lời ta thán từ những người như bạn, họ nói mình đã chú tâm đến tất cả những vấn đề được đề cập đến trong chương này và cũng đã thành công trong phỏng vấn, chỉ có mỗi một điều việc thì không nhận được. Và họ muốn biết mình đã làm sai điều gì.
  10. Phải, thật không may, đôi khi câu trả lời sẽ là: “Bạn chẳng làm sai điều gì hết”. Bản thân kẻ viết những dòng này cũng không rõ chuyện này xảy ra thường xuyên như thế nào, nhưng tôi biết nó vẫn xảy ra đấy – bởi vì có hơn một nhà tuyển dụng đã thú nhận với tôi điều đó và vào một thời điểm nào đó trong đời nó cũng đã xảy ra với moi*: cụ thể là, một số nhà tuyển dụng chơi ác, dùng những trò hèn hạ với những người tìm việc, họ mời bạn đến một cuộc phỏng vấn bất chấp sự thật là họ đã có sẵn một người cho vị trí đó và biết tỏng ngay từ đầu rằng họ hoàn toàn không có ý định tuyển bạn – không, trong cả triệu năm cũng thế! Tất nhiên bạn rất vui vẻ, mọi chuyện trong phỏng vấn diễn ra thông đồng bén giọt. Chỉ có mình bạn là không biết rằng, cái ông kẹ đang phỏng vấn bạn (chúng ta cứ coi đó là một ông đi) có một “cái thư tay” nào đó và đã ngầm thỏa thuận là sẽ sắp xếp cho đối tượng kia việc ấy, việc nọ. Tất nhiên, có một vấn đề nhỏ tồn đọng: chính quyền tiểu bang hoặc liên bang sẽ tuýt còi doanh nghiệp hoặc tổ chức này nếu việc thuyển dụng không được thông báo trong công chúng và diễn ra công khai. Thế là ông kẹ kia phải “bày binh bố trận”. Ông ta làm bộ chọn ra chừng mươi ứng viên, trong đó có cả cái người được gửi gắm, giả vờ phỏng vấn tất cả các ứng viên như thể cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Nhưng ngay từ đầu ông ta đã có dã tâm gạt chín người còn lại và chọn “người của mình”, và bởi vì bạn có vinh dự trong danh sách chín người lẽ dĩ nhiên bạn bị gạt ra ngoài theo cơ chế “tự động”, để cái kẻ thứ mười may mắn kia được vào làm một cách hợp thức. Bạn đã làm một việc mà thậm chí bản thân mình cũng không nhận ra, đó là giúp cái ông kẹ kia có cơ sở tuyên bố rằng ông ta chấp hành mọi quy định trong tuyển dụng. Tất nhiên, bạn sẽ hoàn toàn bối rối, cố trả lời câu hỏi tại sao mình không được tuyển. Vấn đề là bạn sẽ không bao giờ có thể xác định rõ mình có gặp phải một nhà tuyển dụng chơi trò gian lận hay không. Vì thế tất cả những điều bạn biết chỉ là: bạn đang tuyệt vọng. Nhưng nếu bạn chẳng bao giờ được mời phỏng vấn vòng trong, thì tất nhiên, không có chuyện cả bàn dân thiên hạ hùa với nhau để chơi xấu bạn đâu. Nếu bạn bị hết chỗ này đến chỗ kia từ chối thì hẳn là cái gì đó không ổn trong cái cách mà bạn thể hiện mình trong những cuộc phỏng vấn tuyển dụng.
  11. Hiếm có nhà tuyển dụng nào sẽ nói với bạn điều đó. Chẳng ai dại gì nói toạc móng heo ra rằng, “Anh vênh váo như một con gà trống trong suốt buổi nói chuyện!” Vì thế bạn bao giờ cũng nằm trong đám sương mù dày đặc của nỗi thắc mắc không hiểu mình đã làm sai điều gì. Nếu trong cuộc tìm kiếm của mình, bạn gặp vô số nhà tuyển dụng thì có một cách để phá tan sự im lặng chết chóc này đó là yêu cầu ý kiến phản hồi từ một nhà tuyển dụng thân thiện nhất mà bạn gặp. Bao giờ bạn cũng có thể gọi điện thoại cho cái người dễ chịu nhất ấy, nhắc họ nhớ ra bạn là ai và rồi hỏi những câu hỏi sau – cố làm sao cho câu hỏi có vẻ chung chung, mơ hồ, không liên quan đến một đơn vị cụ thể nào và trên tất cả là có tính định hướng trong tương lai. Có thể hỏi những câu sau: “Ông/bà biết đấy, tôi đã tham dự vài buổi phỏng vấn tại vài nơi khác nhau và đều bị từ chối. Từ những gì ông/ bà thấy, không hiểu ông/bà có nhận ra trong tôi có điểm gì đã khiến cho tôi không nhận được việc làm ở những chỗ này không? Nếu có, tôi thực sự đánh giá cao những ý kiến của ông/ bà, để tôi có thể làm tốt hơn trong những cuộc phỏng vấn tìm việc trong tương lai.” Nhìn chung, đa số sẽ tránh nói bất cứ điều gì khiến bạn “mất lòng” hoặc có ích cho bạn. Lý do quan trọng nhất, họ ngại “vạ miệng”. Thứ hai, họ không biết là bạn có sử dụng những phát ngôn của họ hay không. Một nhân vật kỳ cựu từng nói với tôi, “Có lúc tôi đã từng nghĩ mình phải đánh nhau với mọi người để tìm ra sự thật mất. Bây giờ thì tôi chỉ nói ra cho những ai cần đến.”) Nhưng đôi khi bạn cũng gặp được một người không ngại các nguy cơ trên mà cho bạn biết sự thật, bởi vì họ nghĩ rằng nếu biết rõ, bạn sẽ sử dụng thông tin ấy một cách khôn ngoan và có lợi cho mình. Nếu thế hãy chân tình cảm ơn họ, bất kể những ý kiến của họ có thể làm bạn tổn thương như thế nào. Những “sự thật mất lòng” như thế, nếu được quan tâm một cách nghiêm túc, sẽ khiến bạn nhìn lại mình mà thay đổi cung cách trong các buổi phỏng vấn, một điều mà bạn đang rất cần để chiến thắng. Trong trường hợp không có được những nhận xét “nặng ký” như thế, bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của một người bạn có kiến thức về những việc như thế này, người bạn ấy đóng vai nhà tuyển dụng trong một cuộc phỏng vấn “giả” với bạn, thông qua việc làm này người bạn ấy sẽ lập tức thấy rõ có điều gì “không ổn”.
  12. Khi tất cả những điều này đều không ăn thua, bạn hãy tìm đến một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và tin cậy giao vấn đề của mình vào đôi tay ân cần hiểu biết của họ. Hãy làm những buổi phỏng vấn thử với họ, và hãy suy nghĩ về những lời tư vấn của họ một cách nghiêm túc (vì bạn phải trả tiền cho những điều khôn ngoan đó mà). Lên kế hoạch cho một sự thăng tiến Tôi để lại chủ đề thương thảo về lương bởi vì chủ đề này cần được dành cả một chương. Tuy vậy ta hãy hy vọng rằng với những lời mách nhỏ cùng với lời khuyên, bạn sẽ làm mọi việc thật tốt trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn được tuyển hãy đưa ra một quyết định ngay tức khắc. Lên kế hoạch theo dõi những thành quả của bạn trong cương vị mới trên cơ sở hàng tuần để cuối mỗi tuần ghi vào trong nhật ký của bạn. Các chuyên gia hướng nghiệp khuyên bạn đừng bao giờ quên làm điều ấy. Sau đó bạn có thể tóm tắt những việc làm được vào cuối năm rồi trình cho sếp khi câu hỏi về một sự cất nhắc được đặt ra.5 MƯỜI LỜI KHUYÊN TRONG PHỎNG VẤN TÌM VIỆC Nhờ đó cơ hội tìm việc sẽ được gia tăng lên nhiều 1. Tìm đến những công ty nhỏ trên dưới 20 nhân viên, vì ở đây có đến 2/3 chỗ làm mới. 2. Tìm kiếm những buổi phỏng vấn thông qua sự hỗ trợ của bạn bè, người thân bởi vì tìm việc cần cậy đến 80 đôi mắt và đôi tai. 3. Chuẩn bị chu đáo trước khi đến với nhà tuyển dụng sử dụng Phỏng Vấn Thông Tin cùng với thư viện. 4. Ở bất cứ công ty nào, hãy tìm ra người có trách nhiệm tuyển dụng cho vị trí bạn mong muốn, sử dụng các mối quan hệ của bạn bè người thân để tiếp xúc với người này.
  13. 5. Chỉ xin họ dành cho mình 20 phút cho một cuộc gặp mặt và nhớ giữ lời. 6. Đến buổi phỏng vấn với chương trình của mình, câu hỏi của mình và nỗi hiếu kỳ không biết công việc này có hợp với bạn hay không. 7. Chỉ nói về mình khi những điểm bạn nói có lợi cho doanh nghiệp hoặc có thể góp phần giải quyết những vấn đề của họ. 8. Trả lời bất cứ câu hỏi nào cũng chỉ từ 20 giây đến 2 phút mà thôi. 9. Đến với nhà tuyển dụng như thể bạn là vốn quý, có khả năng làm việc cho doanh nghiệp tốt hơn bất cứ người tiền nhiệm nào. 10. Bao giờ cũng viết thư cảm ơn vào ngay buổi tối ngày phỏng vấn và gửi đi muộn nhất là vào sáng hôm sau. Trích từ "Cây dù của bạn màu gì? Cẩm nang không thể thiếu dành cho người săn việc"; NXB Trẻ, 2008 Tác giả: Richard Nelson Bolles; Người dịch: Hoàng Trung, Hồng Vân Bản dịch tiếng Việt do Công ty cổ phần Tinh Văn thực hiện thông qua Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền với Writers House LLC & Teen Speed Press, USA. * Moi: Tiếng Pháp nghĩa là tôi. 5 Ở bất cứ một công ty lớn nào bạn cũng sẽ bạn thường xuyên phải ngạc nhiên trước một sự thực: các sếp của bạn sẽ chẳng quan tâm bao nhiêu đến những thành quả đáng giá của bạn, rồi cuối năm họ cũng chẳng nhận ra một điều là đã đến lúc cất nhắc bạn lên một vị trí tốt hơn. Kết quả làm việc của bạn có thể rất đáng chú ý, nhưng sẽ chẳng ai ghi nhớ … ngoài bạn. Thậm chí bạn có thể phải là người chủ động đưa ra đề
  14. tài lên lương hoặc thăng tiến. Cứ ngồi đó mà chờ ông chủ làm điều đó thì có lẽ bạn sẽ phải chờ đến tết Côngô mất thôi.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2