CHÉM LỢN NÉM THƯỢNG VỚI VẤN ĐỀ ỨNG XỬ VĂN HÓA<br />
<br />
TS. Đinh Hồng Hải<br />
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam<br />
<br />
Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam đã “dậy sóng” với vấn đề giữ hay không lễ hội chém <br />
lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh)? Trước đó, Tổ chức Bảo vệ Động vật Châu Á đã kêu gọi <br />
và có công văn đề nghị hủy bỏ tục lệ này. Với câu hỏi trên, tôi xin có một số ý kiến từ góc <br />
nhìn “nghiên cứu hành vi và xã hội” (cũng là tên một môn học mà tôi đang giảng dạy tại <br />
ĐHQG Hà Nội) như sau:<br />
<br />
Thứ nhất, đứng ở vai trò của nhà nghiên cứu hay nhà quản lý, chúng ta không nhất thiết phải <br />
trả lời hoặc Có hoặc Không, mà còn có quyền Không trả lời vì ra quyết định giữ hay bỏ một <br />
tục lệ đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân tộc là cực kỳ khó. Thay vì đồng ý hay phản đối, <br />
chúng ta nên làm nhẹ bớt vấn đề và cũng cần có thời gian để tìm một cách ứng xử có văn hóa <br />
nhất với một tục lệ cổ truyền. <br />
<br />
Thứ hai, khi một vấn đề nóng của xã hội đã nổ ra thì cần tìm một hành vi ứng xử có trí tuệ <br />
nhất chứ không phải là đi tìm tỉ lệ ủng hộ hay phản đối cao nhất. Không ai giong buồm lên <br />
cao nhất giữa lúc bão tố cả! Khi người dân có đủ sự thông tuệ thì họ sẽ là người quyết định <br />
giữ hay không lễ hội này. Thực tế cho thấy, tục hiến sinh người xa xưa, tới nay đã hoàn toàn <br />
bị bãi bỏ. Tôi tin rằng, con người luôn hướng đến trí tuệ và hướng thiện.<br />
<br />
Thứ ba, việc hành chính hóa hay luật hóa những tục lệ cổ truyền cần hết sức thận trọng vì <br />
suy cho cùng thì luật pháp hay hiến pháp cũng đều dựa trên các thành tố văn hóa đã có. Theo <br />
cá nhân tôi, thay vì tranh cãi quá nóng về một tục lệ cổ, chúng ta còn nhiều việc nóng bỏng <br />
hơn phải làm (chẳng hạn, trong mấy ngày tết vừa qua có tới hơn 6.200 người nhập viện vì <br />
đánh nhau, hơn 800 người chết vì đánh nhau và tai nạn, nhiều gần gấp đôi số lính Anh thiệt <br />
mạng trong một thập niên chiến tranh tại Afghanistan 453 người, theo BBC). Khi các vấn đề <br />
nóng của xã hội được giải quyết, người dân sống an lành hạnh phúc hơn, dân trí cao hơn thì <br />
tư duy hướng thiện sẽ có “đà” phát triển, các tục lệ cổ sẽ chuyển biến dần theo cách nghĩ <br />
của người dân. Mọi sự áp đặt mang tính xử lý “cứng” dễ dẫn đến đổ vỡ. <br />