intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính sách “giáo dục kép” của Hà Lan đối với cộng đồng người Indonesia bản địa (Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

14
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này sẽ đi sâu phân tích những nội dung liên quan về sự hình thành, mở rộng hệ thống giáo dục và những tác động tại Indonesia thông qua sự thiết lập chính sách giáo dục kép của chính quyền Hà Lan.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính sách “giáo dục kép” của Hà Lan đối với cộng đồng người Indonesia bản địa (Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 CHÍNH SÁCH “GIÁO DỤC KÉP” CỦA HÀ LAN ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI INDONESIA BẢN ĐỊA (Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) NGUYỄN HỮU PHÚC Học viên Cao học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Email: thienphuc2509history@gmail.com Tóm tắt: Chính sách “giáo dục kép” mà Hà Lan thực thi tại thuộc địa Indonesia từ cuối thế kỷ XVIII là một hệ thông giáo dục bao gồm chương trình giáo dục dành riêng cho người bản địa và giáo dục theo hướng của người Hà Lan. Chính sách giáo dục của Hà Lan hướng đến việc nhấn mạnh sự khác biệt về lịch sử và văn hóa tộc người, các yếu tố đó sẽ bảo vệ đặc tính riêng biệt của từng nhóm hợp với các chính sách cai trị khác nhau. Đối với cộng đồng người Indonesia thì chính quyền Hà Lan áp dụng một chính sách giáo dục thích ứng với từng nhóm dân tộc và thích ứng với vai trò chính trị cũng như địa vị kinh tế của từng nhóm trong cơ cấu xã hội thuộc địa. Còn đối với các cộng đồng khác như người châu Âu, người Hoa, người lai Âu - Á thì chính quyền Hà Lan cũng xây dựng một chương trình giáo dục có phần “thiên vị” hơn người Indonesia. Cùng với các chính sách trên các lĩnh vực khác, chính sách giáo dục cũng phục vụ cho mục đích cai trị và khai thác thuộc địa Indonesia. Từ khóa: Chính sách giáo dục kép, cộng đồng bản địa, Hà Lan, Indonesia. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trước khi có sự du nhập nền giáo dục phương Tây, giáo dục truyền thống ở Indonesia mang tính chất giáo dục thần quyền, đó là giáo dục chịu sử ảnh hưởng Hindu và Phật giáo từ thế kỷ V. Đến thế kỷ XIII khi Hồi giáo xâm nhập và có ảnh hưởng sâu rộng tại Indonesia, và cũng từ đây nền giáo dục Hồi giáo dần thay thế cho nền giáo dục Hindu – Phật giáo. Tuy nhiên, đến cuối những năm thế kỷ XIX, sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chính sách giáo dục của Hà Lan ở thuộc địa Indonesia đã tạo ra một diện mạo mới về bức tranh giáo dục thuộc địa Indonesia. Đó là vào năm 1893, chính quyền thực dân Hà Lan bắt đầu xây dựng hệ thống “giáo dục kép” tại đây. Đến năm 1901, với sự ban hành Đường lối mới một lần nữa đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền thuộc địa vào sự phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí cho người dân bản xứ thông qua thiết lập, củng cố và mở rộng hệ thống giáo dụ theo kiểu phương Tây. Từ thời gian này, hệ thống giáo dục tại Indonesia được củng cố và mở rộng, chính quyền thuộc địa bắt đầu thiết lập hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học công lập nhất là các ngành y tế, nông nghiệp và luật pháp. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích những nội dung liên quan về sự hình thành, mở rộng hệ thống giáo dục và những tác động tại Indonesia thông qua sự thiết lập chính sách giáo dục kép của chính quyền Hà Lan. 2. CHÍNH SÁCH “GIÁO DỤC KÉP” CỦA HÀ LAN ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI INDONESIA BẢN ĐỊA Chủ trương giáo dục của Hà Lan đối với Indonesia: trong thời gian cai trị của Hà Lan, chính sách giáo dục phải được xây dựng để đảm bảo thích ứng với từng nhóm dân tộc và thích ứng với vai trò chính trị cũng như địa vị kinh tế riêng biệt của từng nhóm khác nhau. Tuy nhiên cần thấy rằng, về cơ bản mục đích của những chính sách giáo dục mà Hà Lan thực hiện tại Indonesia không để khai hóa văn minh cho các dân tộc tại đây, càng không phải để phát triển Indonesia. Mục đích chủ yếu của nền giáo dục mà chính quyền thuộc địa thực hiện tại quần đảo này là nhằm đào tạo đội ngũ tay sai đông đảo phục vụ cho việc khai thác, bóc lột và cai trị thuộc 56
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 địa. Cùng với các chính sách khác trong chương trình cai trị thuộc địa, chính sách giáo dục với mục tiêu như trên nằm trong hệ thống chính sách “chia” và “”trị”, nó đảm bảo cho các nhóm dân tộc ở Indoneisa không thể hòa vào nhau để tạo thành lực lượng gây trở ngại cho lợi ích thực dân của chính quyền Hà Lan. Như vậy, chính quyền Hà Lan không những dùng chính sách giáo dục để chia rẽ cộng đồng Indonesia, Hoa với tầng lớp người lai Âu - Á mà họ còn lợi dụng chính sách này để phân hóa nội bộ người Indonesia bản địa cũng là cộng đồng chiếm đa số dân trong cả nước. Hệ thống “giáo dục kép” hay còn được gọi là “giáo dục nhị nguyên”, tức là Hà Lan duy trì hai hệ thống giáo dục tồn tại song hành với nhau giữa giáo dục bản địa với giáo dục theo định hướng Hà Lan. “Trường bản địa được tiến hành với tiếng địa phương là ngôn ngữ giảng dạy và các trường học theo định hướng Hà Lan được vận hành với tiếng Hà Lan làm ngôn ngữ để giảng dạy”1. Mục tiêu của chính sách “giáo dục kép” này trước hết nhằm vào việc khắc sâu thêm sự phân hóa giai cấp, vốn là một đặc trưng đã tồn tại nhiều thế kỷ trong cấu trúc xã hội phong kiến truyền thống Indonesia, thể hiện ở quyền lực tuyệt đối của các Sultan (vừa là nhà lãnh đạo cộng đồng vừa là đứng đầu trong tôn giáo) và sự đối lập giũa một bên là sự khốn cùng của những người nông dân ở dưới đáy xã hội. Thông qua hệ thống “giáo dục kép”, người Hà Lan còn đồng thời bảo đảm được lợi ích thực dân của mình: một mặt lôi kéo sự ủng hộ của giới quý tộc Indonesia, mặt khác tiếp tục kìm hãm sự phát triển cả về tri thức lẫn khả năng kinh tế của những người thuộc tầng lớp dưới, từ đó ngăn chặn sự “thức tỉnh” về chính trị của lực lượng xã hội này. 2.1. Chương trình giáo dục dành cho tầng lớp nông dân Indonesia Đa số người Indonesia sống ở nông thôn và gắn bó chặt chẽ với nghề trồng lúa và đánh bắt cá. Người Indonesia cũng đồng thời là những người theo Hồi giáo, sống theo những quy tắc và chuẩn mực của tôn giáo này. Các lớp học Kinh Koran đã tồn tại từ rất lâu trước khi người Hà Lan đặt chân đến đây, là nền tảng của giáo dục tôn giáo, cũng là nền tảng của giáo dục thế tục của người Indonesia về sau. Dưới chính sách cai trị của thực dân Hà Lan, rất ít nông dân Indonesia có cơ hội được tiếp xúc với những bậc học cao hơn tiểu học ở các làng xã. Sở dĩ như vậy là vì ngay từ đầu, các nhà cai trị thuộc địa đã ý thức rằng những nông dân Indonesia khi được giáo dục cao quá sẽ có thể dẫn tới một sự thức tỉnh chính trị gây bất lợi cho những lợi ích thực dân của mình. Do đó, chính sách giáo dục dành cho tầng lớp nông dân Indonesia trong suốt thời kỳ thuộc địa hướng tới việc hình thành một sự kiểm soát xã hội nhằm mục đích kìm hãm họ ở vị trí xã hội hiện tại. Đó cũng chính là đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục dành cho tầng lớp nông dân Indonesia thiên về nông thôn và duy trì những đặc tính nông thôn. Tuy nhiên, sau năm 1901, với việc ban hành Đường lối có tính chất nhân văn nên còn được gọi là “Chính sách đạo đức”2 thì chính quyền Hà Lan đã thực sự chú trọng đến bộ phận người nông dân và các tầng lớp khác như thợ thủ công, các thương nhân,… đã lần lượt ban hành các chính sách giáo dục đề đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong việc đến trước, tiếp cận các cấp học cao hơn tiểu học, đây là nét mới trong chính sách giáo dục so với thời gian trước. Trước cuộc cải cách giáo dục năm 1893, vào những năm 1860 – 1880, chính phủ Hà Lan đã nỗ lực giới thiệu đến người dân Indonesia nền giáo dục phương Tây. Nhưng kết quả đã thất bại bởi vì chương trình này quá phức tạp đối với người nông dân nên số lượng học sinh dần không đến trường. Đây chính là cơ sở để chính quyền Hà Lan thực hiện cuộc cải cách giáo dục vào năm 1893, hình thành hai hệ thống giáo dục dành riêng cho từng tầng lớp trong cơ cấu xã 1 Soewandi Ronodidjojo, A Study of occupational education in Indonesia, India University, Inc, 1968, p. 29. 2 “Chính sách đạo đức” (Ethical policy) chỉ là cách nhìn nhận của chính quyền thực dân chứ không phải của người bản xứ. Vì sự thay đổi này nhằm mục đích chuẩn hóa hệ thống giáo dục, từ đó họ mong muốn truyền bá ngôn ngữ, văn hóa Hà Lan ở thuộc địa Indonesia. 57
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 hội thuộc địa Indonesia. Dựa trên nền tảng của những lớp học Kinh Koran hết sức phổ biến tại đây, năm 1893 chính quyền thuộc địa đã xây dựng trường hạng Hai (Tweede Klasse Scholen) “để dạy cơ bản cho con em các tầng lớp khác nhau, chủ yếu là cho dân nghèo nông thôn và thành thị”3. Ở đây, chương trình giáo dục chỉ hạn chế trong 3 năm của giáo dục tiểu học, trong đó giáo dục tôn giáo được tách ra khỏi các môn học kiến thức và được giảng dạy bằng tiếng Malay hoặc tiếng địa phương. Riêng đối với các đảo như Java, Surakarta, Sundan, Bandung, Madurese, Sumenep, Malakka và Quần đảo Riau ngôn ngữ giảng dạy bắt buộc là tiếng Malay. Độ tuổi đi học ở cấp tiểu học được chính phủ thuộc địa quy định là từ 6 đến 17 tuổi. Nội dung giảng dạy đòi hỏi phải tuân thủ theo đúng mục tiêu của chính sách. Điều đó có nghĩa là, kiến thức được cung cấp chỉ cần đủ để nông dân Indonesia biết đọc, biết viết và biết làm số học một cách cơ bản nhất. Ngoài ra, những kiến thức cơ bản về nông nghiệp cũng được chính quyền thuộc địa chú ý đến, chẳng hạn như trang bị cho nông dân những hiểu biết nhất định về địa lý ở quần đảo, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng, đánh bắt... Các hoạt động lao động chân tay khác như kỹ thuật làm vườn, làm các sản phẩm thủ công cũng được nhấn mạnh trong chương trình học nhằm hỗ trợ cho người dân có thêm nhiều ngành nghề. Giống như các trường hạng Nhất (Eerste Klasse Scholen) dành cho tầng lớp quý tộc, quan lại (Priyayi) ở thời kỳ đầu, vấn đề của các trường bản địa vẫn là số lượng người tham gia. Để khuyến khích người học, chính quyền thuộc địa đã thực hiên chính sách miễn giảm học phí theo số lượng người học trong một gia đình và được hỗ trợ cung cấp sách vở, đồ dùng học tập. Bảng dưới đây cho thấy mức học phí của trường tiểu học hạng Hai được quy định như sau: Học phí tại các trường tiểu học công lập hạng Hai: Học phí cho mỗi học sinh mỗi tháng Năm Đứa con thứ nhất Đứa con thứ hai Nhiều hơn hai đứa 1 Fl. 0.50 Fl. 0.75 Fl. 0.10 2 Fl. 0.25 Fl. 0.35 Fl. 0.08 3 Fl. 0.10 Fl. 0.15 Fl. 0.05 Nguồn: Agus Suwignyo (2012), The breach in the dike : regime change and the standardization of public primaryschool teacher training in Indonesia, 1893-1969, Leiden University, p. 55-56. Mặc dù trường hạng Hai được thành lập nhưng rất ít trường được thành lập tại các vùng nông thôn, trong khi đó số lượng dân số ngày một gia tăng. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Hà Lan đã thành lập trường Làng – Desa school (Volk school) vào năm 1907. “Trường Desa là giáo dục phổ biến được thiết kế cho công chúng. Trường Desa cung cấp một chương trình giáo dục ba năm. Tiếng địa phương là ngôn ngữ giảng dạy”4. Cũng giống như trường hạng Hai, trường Làng cũng dạy các môn như đọc, viết và số học. Với việc mở thêm trường Làng, số lượng người biết chữ tăng lên một cách đáng kể, từ 71.339 năm 1910 đến năm 1918 đã lên đến 296.882 cả nam và nữ. Bảng dưới đây cho thấy số lượng trường Làng, số học sinh từ năm 1910 đến năm 1918: Số lượng học sinh Năm Số lượng trường Nam sinh Nữ sinh 1910 1.161 66.125 5.114 1911 1.740 99.757 7.295 1912 2.531 157.048 9.917 1913 2.948 187.046 12.670 3 Trần Khánh, Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012, tr. 247. 4 Soewandi Ronodidjojo, A Study of occupational education in Indonesia, India University, Inc, 1968, p. 35. 58
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 1914 3.521 223.450 15.965 1915 3.696 242.436 18.619 1916 4.006 269.458 24.413 1917 4.185 274.113 25.403 1918 4.473 270.551 26.331 Nguồn: Christiaan Lambert Maria Penders (1968), Colonial education policy and practice in Indonesia: 1900-1942, Ph.D Thesis, Australian National University, p. 100. Sau đó, chính quyền thuộc địa tiếp tục cho thành lập các trường đào tạo giáo viên cho các trường này (tương đương với loại hình trường cao đẳng sư phạm), chính quyền thuộc địa đã thành lập trường Opleiding voor Volksschool Onderwijzers (OVO) và trường Normaalschool. Cả hai trường này thì chương trình đào tạo kéo dài trong 2 năm và đều học chung chương trình như nhau, chỉ khác ở chỗ trường Normaalschool sẽ có dạy tiếng Hà Lan, còn trường OVO thì chỉ giảng dạy bằng tiếng Malay hoặc tiếng địa phương. Như vậy, phần lớn người bản địa thuộc tầng lớp dưới và bình dân chỉ được giợi hạn trong hệ thống giáo dục tiểu học ở một số thành phố và ở các làng xã mà thôi. Hơn nữa, con em của bộ phận này sau khi hoàn thành chương trình học 3 năm ở các trường này thì cũng chỉ được cung cấp một nền giáo dục sơ đẳng với nội dung chính xoay quanh học đọc, nói và số học. Đến năm 1915, chính quyền thuộc địa còn thiết lập thêm trường Chuyển tiếp (Vervolgschool) nhưng về cơ bản các môn học cũng tương tự như trường Làng. Người bản địa Indonesia muốn tiếp cận những bậc giáo dục cao hơn của nền giáo dục Hà Lan và muốn thăng tiến trên con đường “công danh” như tầng lớp quý tộc, thì sau khi hoàn thành 3 năm học ở trường hạng Hai hoặc trường Làng thì phải trải qua khóa đào tạo 5 năm ở trường Liên kết (Schakelschools) thành lập năm 1921. Gọi là trường Liên kết, bởi vì “trường này được thiết kế để nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục tiểu học bản địa với chương trình giáo dục theo định hướng của Hà Lan để có thể mở đường giáo dục bậc cao cho nhiều học sinh bản địa”5. Nhận thấy cơ hội thăng tiến của mình rất hạn chế khi chỉ được học tại trường bản địa đã khiến cho rất nhiều người Indonesia không mấy hy vọng vào các trường hạng Hai hay trường Làng nữa, thậm chí nhiều người trong số họ nảy sinh tâm lý bất mãn khi bị ngăn cản tiếp cận với nền giáo dục Hà Lan. Thực tế là, nhu cầu ngày càng cao của xã hội bao gồm cả những công việc trong các cơ quan hành chính của chính quyền thuộc địa và các công ty, các hãng kinh doanh của người châu Âu chỉ hướng tới những đối tượng được đào tạo bởi nền giáo dục Hà Lan hay ít nhất cũng là người có khẳ năng sử dụng tiếng Hà Lan. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh Indonesia ngày càng quan tâm đến nền giáo dục của Hà Lan. Bằng chứng là số lượng tốt nghiệp tại các trường Schakelschools, tỷ lệ tốt nghiệp luôn tăng qua từng năm. Nếu trong năm học 1925/26 chỉ có 29 học sinh tốt nghiệp thì đến năm học 1930/31 thì con số đã tăng lên 340 và năm học 1939/40 số học sinh đã lên đến 732 học sinh6. Như vậy, chính phủ thuộc địa đã tạo điều kiện cho người dân bản địa có cơ hội được tiếp cận giáo dục bậc cao, đây là điểm tiến bộ hơn chính sách giáo dục của Anh đối với Malay trong việc ngăn cản giáo dục bậc cao đối với tầng lớp nông dân bản địa. Mặt khác, những người thúc đẩy việc thực hiện Chính sách đạo đức đã coi làng xã là đòn bẩy để cải thiện phúc lợi xã hội của dân bản xứ nên dù trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế (1930-1936) chính phủ vẫn chú ý đến sự 5 Soewandi Ronodidjojo, A Study of occupational education in Indonesia, India University, Inc, 1968, p. 41. 6 Xem thêm Christiaan Lambert Maria Penders (1968), Colonial education policy and practice in Indonesia: 1900- 1942, Ph.D Thesis, Australian National University, p. 137. 59
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 phát triển hệ thống trường bản địa. Ngoài ra, chính quyền thuộc địa còn quan tâm đến giáo dục dạy nghề cho người dân bản địa. Sau khi Chính sách đạo đức được ban hành, thì hoạt động hướng nghiệp lại được chính quyền thuộc địa chú trọng hơn. Từ năm 1903, chính quyền thuộc địa đã thành lập trường Trung cấp Nông nghiệp và năm 1907 thành lập trường Thú y. Nếu như người Anh xem vấn đề giáo dục dành cho người bản địa “được diễn giải là phải tránh đưa dân chúng ra khỏi đồng ruộng, tránh làm xáo trộn nếp sống thường ngày nơi làng xã hoặc làm cho dân chúng không thỏa mãn với địa vị được ban tặng. Do đó, một nền giáo dục có chiều hướng “thiên về nông thôn”, duy trì “đặc tính nông thôn”7. Đây là điểm khác biệt trong chính sách giáo dục đối với Anh ở Malaya, chính quyền Hà Lan ở một chừng mực nào đó vẫn quan tâm đến tầng lớp nông thôn, nhất là trong việc phát triển nguồn nhân lực. Trong thời kỳ xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế (1930-1936), chính quyền thuộc địa vẫn duy trì hệ thống trường Làng và trường Liên kết (Schakelschool). Tính đến năm 1935, số trường Làng đã có đến 14.482 trường và trường Liên kết đã đạt con số 2.452 trường8. Rõ ràng, chính sách giáo dục của người Hà Lan càng ở giai đoạn sau thì càng chú trọng đến vùng nông thôn. Bởi vì, dưới tác động của những người có tư tưởng nhân văn như C.Th. Van Deventer muốn “thuộc địa Indonesia trở nên bình đẳng hơn với Hà Lan”9. Những người thực thi Chính sách đạo đức đã coi vùng nông thôn là đòn bẩy để cải thiện phúc lợi cho người dân bản xứ và đặc biệt là do ảnh hưởng của xu hướng tự do chính trị của Hà Lan đã thúc đẩy những nhà cai trị thuộc địa có phần “ưu ái” đối với tầng lớp nông dân và các tầng lớp khác trong xã hội thuộc địa Indonesia. 2.2. Chương trình giáo dục dành cho tầng lớp quý tộc, quan lại Indonesia (Priyayi) Ban đầu, chủ trương giáo dục của người Hà Lan muốn thiết lập tại Indonesia là một nền giáo dục “chung” giữa tầng lớp quý tộc và nông dân. Tuy nhiên, chương trình giáo dục này đã không được giới quý tộc Indonesia ủng hộ nên họ đã không cho con em của mình đến học ở những trường này, nên kết quả không được như chính quyền Hà Lan mong đợi. Nguyên nhân của sự thất bại này có thể lý giải từ sự phản đối từ tầng lớp quý tộc. Bởi vì “họ cảm thấy những đặc quyền cổ xưa của họ đã bị vi phạm khi họ bị trộn lẫn với những người thường dân tròng cùng một lớp học”10. Đây chính là cơ sở để chính quyền Hà Lan thay đổi chính sách giáo dục trong năm 1893, trong đó xây dựng trường hạng Nhất, chuyên dành cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại (Prayayi). Ngay từ lúc cai trị được thuộc địa Indonesia thì người Hà Lan đã chú trọng đến bộ phận quan lại, quý tộc người bản địa. Mặt khác, từ những năm 20 – 30 của thế kỷ XX trở đi, chính quyền thuộc địa quan tâm củng cố hệ thống quyền lực ngành dọc, tức là người Hà Lan muốn quản lý thuộc địa Indonesia thông qua trực tiếp làm việc quan chức người bản địa. Do đó, chính quyền Hà Lan đã có nhiều ưu tiên tầng lớp quý tộc trong việc tuyển chọn vào bộ máy dân sự hơn là người thuộc tầng lớp nông dân. Điều kiện để được làm nhân viên trong bộ máy cai trị thuộc địa của người Hà Lan đó là “phải biết tiếng Hà Lan, được đào tạo theo kiểu Hà Lan và tất nhiên phải trung thành với Hà Lan”11. Cũng trong năm 1893, khi xây dựng hệ thống giáo 7 Lý Tường Vân (2011), “Chính sách giáo dục của Anh đối với cộng đồng người Malay bản địa (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, tr. 20. 8 Số liệu thống kê dựa trên bài báo của Agus Suwignyo (2013), The Great Depression and the changing trajectory of public education policy in Indonesia, 1930–42, Journal of Southeast Asian Studies, 44(3), p. 471. 9 Ngô Văn Doanh (2010), “Hồi giáo và cuộc đấu tranh chống thực dân ở Inđônêxia”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, tr. 14. 10 Willy Rothrock (1975), The development of Dutch – Indonesia primary Schooling: A study in Cononial education, The University of Alberta, p. 47. 11, 12,13 Trần Khánh (2012), Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, NXB Khoa học Xã hội, tr. 248. 60
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 dục kép thì người Hà Lan cũng phân loại trường học riêng biệt dành cho tầng lớp quý tộc đó là trường Hạng hai. Trước năm 1914 khi chưa có sự chuyển đổi sang trường Hollands Inlandse Schools (HIS), chương trình đạo tạo về cơ bản vẫn chưa hoàn toàn theo khung đào tạo của phương Tây. Tuy nhiên đến năm 1914, khi chính quyền Hà Lan ra sắc lệnh chuyển đổi trường hạng Hai thành trường HIS thì giờ đây loại trường này được đào tạo theo mô hình phương Tây. Các môn học được giảng dạy đều giống như trường tiểu học châu Âu Europeese Lagere School (ELS), trong đó môn tiếng Hà Lan được dạy nhiều nhất so với tiếng bản địa và tiếng Malay. Bảng dưới đây cho thấy tỉ lệ phần trăm các tiết học ngôn ngữ tại trường HIS vào năm 1915: Tổng phần trăm các lớp Số giờ học các lớp dạy ngôn ngữ mỗi tuần Tổng số học ngôn ngữ Lớp giờ học Tiếng Hà Tiếng địa Tất cả các Tiếng Hà Tiếng Malay mỗi tuần Lan phương ngôn ngữ Lan 1 8,25 4,50 - 18 70,8 45,8 2 12 6 - 27 66,6 44,4 3 10,50 6 - 27 61,1 38,8 4 10,5 5,25 2,25 27 66,6 38,8 5 10,50 4,50 2,25 27 63,8 38,8 6 12 3 1,50 27 61,1 44,4 7 14,25 0,75 0,75 27 58,3 52,7 Nguồn: Agus Suwignyo (2012), The breach in the dike : regime change and the standardization of public primaryschool teacher training in Indonesia, 1893-1969, Leiden University, p. 67. Ngay từ đầu, họ đã nhìn nhận nền giáo dục Hà Lan như là phương tiện để con cháu họ có thể đạt được những vị trí cao hơn trong hệ thống hành chính của chính quyền thuộc địa. Mặt khác, chính quyền thuộc địa cũng ưu tiên đối với tầng lớp này hơn tầng lớp nông dân trong các chính sách liên quan đến học bổng và một số chế độ ưu đãi khác. Tuy nhiên, không hẳn chính quyền Hà Lan đều dành các vị trí quan trọng cho tầng lớp quý tộc Indonesia mà “vẫn có sự phân biệt đối xử dân tộc trong việc giáo dục đào tạo và bổ nhiệm công chức”12. Theo đó, chỉ có rất ít số lượng học sinh bản địa được miễn học phí, còn lại phải đóng một khoản tiền rồi mới được vào học tại các trường của Hà Lan, trong khi đó người Hà Lan và người lai Âu – Á được miễn phí. “Hơn nữa, cùng có bằng cấp giống nhau, cùng học một nghề, thậm chí học khá giỏi, nhưng con đường thăng tiến của người bản địa bao giờ cũng khó hơn. Thêm vào đó, còn có sự phân biệt sắc tộc trong việc trả lương. Cùng một loại hình công việc, nhưng người bản xứ Indonesia phải chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp của họ là người Hà Lan hay người lai Âu Á”13. Như vậy, cùng với các chính sách khác trong chương trình cai trị thuộc địa, chính sách giáo dục giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp nông dân Indonesia và giữa người bản địa Indonesia với người Hà Lan , người lai Âu – Á luôn nằm trong hệ thống chính sách “chia” và “trị” trong suốt quá trình cai trị của mình. Đây chính là nguyên nhân làm cho sự bất bình của tầng lớp quý tộc quan lại ngày càng tăng lên khi chủ trương Indonesia hóa đội ngũ quan chức bộ máy thuộc địa. Mặc dù hầu hết trong số họ lớn lên được ăn học trong các trường công lập, được bổ nhiệm làm quan cai trị và có quan hệ khá tốt với chính quyền thực dân. Chính họ là bộ phận “khởi nguồn thắp sáng và thổi lên phòng trào dân tộc chủ nghĩa là từ các cơ sở trường học do tầng lớp Priyayi lập nên ở hồi đầu thế kỷ XX”14. 14 Trần Khánh (2012), Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, NXB Khoa học Xã hội, tr. 405. 61
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 3. KẾT LUẬN Chính sách giáo dục của Hà Lan đối với riêng cộng đồng người Indonesia bản địa thể hiện rõ nội dung chủ đạo là “hợp” để “trị” và đối với các cộng đồng khác như châu Âu hay lai Âu – Á thì mang đậm “chia” để “trị” với mục tiêu nhằm củng cố địa vị chính trị của người Hà Lan. Trong khi dành cho tầng lớp quý tộc, quan lại (Priyayi), bộ phận người Hoa và người châu Âu một chương trình giáo dục “tinh hoa” theo mô hình châu Âu để đưa họ vào các vị trí thích hợp trong bộ máy chính quyền thuộc địa, thì ngược lại đối với tầng lớp nông dân và các tầng lớp khác ở Indonesia một chương trình giáo dục thiên về nông thôn với giá trị rất hạn chế đối với khả năng thăng tiến xã hội hoặc muốn được cơ hội thăng tiến thì thời gian có phần dài hơn so với chương trình đào tạo dành cho tầng lớp quý tộc. Mặt khác, chính tầng lớp quý tộc thân Hà Lan này sẽ giúp chính quyền Hà Lan trong việc trung hòa sự thách thức của tầng lớp trí thức cấp tiến ở phía đối lập và giúp chính quyền Hà Lan giảm bớt gánh nặng khi thuê công chức là người châu Âu, mà quan trọng hơn là nhằm thực hiện chính sách thực dân mới, dùng người Indonesia trị người Indonesia mà không tổn hại đến các lợi ích của Hà Lan. Dưới chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa, nguồn nhân lực mới của cộng đồng người Indonesia bị chia ra thành hai phái với ranh giới là sự khác nhau về nền tảng xã hội: một bên thuộc tầng lớp quý tộc và bên kia thuộc tầng lớp nông dân. Càng về sau ranh giới này có phần mờ nhạt đi, bởi người Hà Lan muốn xây dựng một nền giáo dục thống nhất, đồng bộ từ thấp đến cao. Trường Liên kết ra đời là một ví dụ điển hình trong việc thu hẹp khoảng cách trong chương trình giáo dục bản địa với chương trình theo định hướng của Hà Lan và việc bỏ trường Hạng hai vào năm 1930 là những chính sách nhằm xây dựng một nền giáo dục theo mô hình phương Tây. Tuy nhiên, vì có sự phân biệt đối xử dân tộc trong việc giáo dục, đào tạo và bổ nhiệm quan chức, nên số lượng người Indonesia đến các trường này là rất thấp so với dân số vào thời điểm đó. Cho dù xuất phát không phải từ thiện ý nhưng chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa Hà Lan cũng đã xây dựng một nền giáo dục hiện đại. Thông qua việc ban hành các chính sách giáo dục tại đất nước này đã có nhiều tác động đối với thuộc địa Indonesia. Nếu so sánh với giáo dục thời kỳ phong kiến của Indonesia trước kia, nền giáo dục này bị chi phối bởi yếu tố như tôn giáo, đẳng cấp, sự khác biệt về ngôn ngữ… Giáo dục của người Hà Lan đã xóa bỏ được rào cản về ngôn ngữ, tôn giáo, điều hòa được một phần nào đó những ranh giới khác nhau về nền tảng xã hội. Những điều này cũng góp phần tạo nên sự đa dạng về tình hình giáo dục Indonesia thời thuộc địa của Hà Lan. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Khánh (2012). Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [2] Trần Thị Vinh (1992). Giáo dục Hồi giáo và sự phát triển ở Đông Nam Á, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, tr. 54 - 64. [3] Christiaan Lambert Maria Penders (1968). Colonial education policy and practice in Indonesia: 1900 – 1942, Australian National University. [4] Agus Suwignyo (2012). The Breach in the Dike: Regime change and the standardization of public primary-school teacher training in Indonesia (1893-1969), Universiteit Leiden. [5] Soewandi Ronodidjojo (1968). A Study of occupational education in Indonesia, India University, Inc. [6] Lý Tường Vân (2011). Chính sách giáo dục của Anh đối với cộng đồng người Malay bản địa (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, tr. 11-23. [7] Agus Suwignyo (2013). The Great Depression and the changing trajectory of public education policy in Indonesia, 1930–42, Journal of Southeast Asian Studies, 44(3). [8] Ngô Văn Doanh (2010). Hồi giáo và cuộc đấu tranh chống thực dân ở Inđônêxia, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, tr. 14 - 22. 62
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 Title: “DUAL EDUCATION” POLICY OF NETHERLANDS FOR THE INDONESIAN COMMUNITY (from the late nineteenth century to the early twentieth century) Abstract: The “dual education” policy, which was implemented by the Netherlands in the Indonesian colony from the late 18th century, was an educational system consisting of an education program exclusively for indigenous peoples and education in the direction of the Dutch. The Dutch education policy aimed to emphasize differences in the history and culture of the race, which would preserve the distinctiveness of each group in response to different policies. For the Indonesian community, the Dutch government adopted a policy of education adapted to each ethnic group and adapted to the political and economic status of each of the groups in the colonial society. As for other communities such as Europeans, Chinese, Eurasians, the Dutch government has developed a more "biased" education program than the Indonesians. Along with the policies on other areas, Education also serves the purpose of rule and colonization of Indonesia. For the purpose of this article, the author focuses exclusively on the Dutch dual education policy for the indigenous Indonesian community. Keywords: Dual education policy, Indigenous community, Netherlands, Indonesia. 63
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1