intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xu hướng thế giới và chủ trương, định hướng, của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

33
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Giáo dục nghề nghiệp đã có một quá trình phát triển lâu dài. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, giáo dục nghề nghiệp có những xu hướng phát triển khác nhau, trên cơ sở nối tiếp, kế thừa và đổi mới đáp ứng với những thay đổi của thế giới việc làm. Bài viết này nghiên cứu về xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới trong những năm gần đây và chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xu hướng thế giới và chủ trương, định hướng, của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp

  1. XU HƯỚNG THẾ GIỚI VÀ CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG, CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Vũ Xuân Hùng* Nguyễn Thị Thanh Bình* TÓM TẮT: Giáo dục nghề nghiệp đã có một quá trình phát triển lâu dài. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, giáo dục nghề nghiệp có những xu hướng phát triển khác nhau, trên cơ sở nối tiếp, kế thừa và đổi mới đáp ứng với những thay đổi của thế giới việc làm. Bài viết này nghiên cứu về xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới trong những năm gần đây và chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Từ khóa: xu hướng, giáo dục nghề nghiệp, thế giới. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, không phân biệt quốc gia đó là phát triển hay đang phát triển, là nước giàu hay nước nghèo. Tiềm năng, cơ hội, năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực và nhất là nhân lực lao động qua đào tạo của GDNN, do vậy, xu hướng của các nước trên thế giới chú trọng vào phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, coi trọng hoạt động GDNN. Từ năm 2017, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức GDNN quốc tế (UNIVOC) của Liên Hợp quốc. Ngoài tiếp nhận các xu hướng GDNN trên thế giới, Việt Nam còn phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của các nước thành viên, thể hiện là một quốc gia coi trọng phát triển GDNN, bên cạnh giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục đại học (GDĐH), sẵn sàng chia sẻ những thành công, những bài học kinh nghiệm của Việt Nam cho các các quốc gia khác trên thế giới. Tổng quan dưới đây sẽ trình bày những nghiên cứu về xu hướng phát triển của GDNN trên thế giới và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chính sách phát triển GDNN. 1. Xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới Lực lượng lao động qua GDNN bao giờ cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng số lực lượng lao động qua đào tạo tham gia vào thị trường lao động ở * Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp 152
  2. các quốc gia trên thế giới, do vậy phát triển GDNN luôn là trọng tâm trong đào tạo nhân lực. Theo UNESCO, giáo dục đào tạo phải được phát triển phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, theo thứ tự ưu tiên (1, 2, 3) như mô hình dưới đây: - Đối với các nước chậm phát triển: 1. GDPT - 2. GDNN - 3. GDĐH; - Đối với các nước đang phát triển: 1. GDNN - 2. GDPT - 3. GDĐH; - Đối với các nước phát triển: 1. GDĐH - 2. GDNN - 3. GDPT. Như vậy, dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của quốc gia, thì GDNN cũng luôn đứng vị trí số 1 và số 2 trong 3 vị trí của giáo dục đào tạo. Xác định tầm quan trọng của GDNN, từ năm 2015, Liên Hợp quốc chính thức chọn ngày 15 tháng 7 hàng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới nhằm tôn vinh GDNN, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng cho người lao động, cho thanh niên. Liên Hợp quốc hy vọng ngày lễ này sẽ góp phần cung cấp cho thanh niên cơ hội phát triển năng lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn cầu, làm nổi bật sự phát triển kỹ năng của thanh thiếu niên, đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới [22]. Trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức về phát triển bền vững, đặc biệt còn hàng tỷ người đang còn sống trong cảnh nghèo túng, Liên hợp quốc đã ban hành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững [19] ]. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đặc biệt có một mục tiêu bền vững số 4 (SDG4) về “Đảm bảo đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”, có 02 nội dung liên quan tới GDNN: “4.3: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả phụ nữ và nam giới đều có quyền tiếp cận một cách bình đẳng tới GDNN và sau trung học phổ thông, kể cả ở bậc đại học127 và “4.4: Đến năm 2030, tăng đáng kể số thanh niên và người lớn có kỹ năng liên quan, kể cả kỹ năng nghề nghiệp và kỹ thuật đủ để gia nhập thị trường lao động, có việc làm thỏa đáng và tham gia kinh doanh128. Việc đề cập cụ thể tới GDNN đã chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thực sự nêu cao tầm quan trọng về vai trò của GDNN trong phát triển bền vững. Năm 2016, Tổ chức UNESCO đã đề ra Chiến lược phát triển GDNN giai “4.3 By 2030, ensure equal access for all women and men to affordable and quality technical, vocational and tertiary 127 education, including university” 128 “4.4 By 2030, substantially increase the number of youth and adults who have relevant skills, including technical and vocational skills, for employment, decent jobs and entrepreneurship” 153
  3. đoạn 2016 - 2021 [18], trong đó đã xác định 3 trụ cột ưu tiên phát triển GDNN trong giai đoạn 2016 - 2021 bao gồm: Thứ nhất, tăng cường việc làm cho thanh niên và thúc đẩy tinh thần khởi tạo doanh nghiệp. Theo UNESCO, thất nghiệp gia tăng là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các nền kinh tế và xã hội phải đối mặt trong thế giới ngày nay. Ít nhất 475 triệu việc làm mới cần được tạo ra trong thập kỷ tới để hấp thụ 73 triệu thanh niên hiện đang thất nghiệp và 40 triệu người mới tham gia vào thị trường lao động hàng năm. Vì vậy, GDNN có thể trang bị cho thanh niên các kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập vào thế giới việc làm bao gồm cả các kỹ năng tự tạo việc làm. GDNN cũng có thể hạn chế các rào cản của thế giới việc làm, chẳng hạn qua học tập tại nơi làm việc và đảm bảo rằng các kỹ năng đạt được được công nhận và cấp chứng nhận. GDNN cũng có thể cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng cho những người có kỹ năng thấp, thất nghiệp, thanh niên không được đến trường và các cá nhân không được giáo dục, không có việc làm và không được đào tạo (NEETs). Thứ hai, thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới trong GDNN. Mục tiêu này góp phần tạo lập cơ hội bình đẳng để học tập, phát triển và tăng cường kiến thức, kỹ năng và năng lực, gắn với nhu cầu học tập và đào tạo của mỗi cá nhân trong GDNN. Thứ ba, tạo điều kiện cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và xã hội bền vững. Trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mình, mỗi quốc gia sẽ có những ưu tiên cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa tới mọi mặt của đời sống, các quốc gia đều có những ưu tiên cho việc chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh. Sự chuyển đổi như vậy sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc làm và chuyển đổi mô hình tiêu thụ và sản xuất, gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Ba trụ cột nêu trên là cơ sở để các quốc gia tham chiếu phát triển GDNN của mỗi nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia mình. Ngoài quan điểm về mặt chiến lược phát triển GDNN nêu trên của UNESCO, trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế như UNIVOC (Tổ chức Giáo dục nghề nghiệp của Liên hiệp quốc), CEDEFOP (Trung tâm Phát triển Dạy nghề Châu Âu), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), ILO (Tổ chức lao động quốc tế), WB (Ngân hàng thế giới), ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á), GIZ (Tổ chức hợp tác phát triển Đức), v.v…, nhiều chuyên gia về giáo dục, nhiều quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Austrailia… đã đưa ra định hướng, quan điểm phát triển GDNN theo xu hướng hiện đại [15], [17], [19]. Xu hướng thứ nhất: Phát triển bền vững GDNN trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nguồn nhân lực. 154
  4. Theo Leon Tikly [16], phát triển bền vững GDNN đang là một trong các ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và các nhà tài trợ, có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách phát triển nguồn nhân lực của mỗi nước. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thiết lập Các mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững (SDGS) trong đó có mục tiêu SDG thứ tư là “đảm bảo chất lượng toàn diện và công bằng giáo dục, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả các thành viên của SDG” và mục tiêu SDG thứ tám là “thành tựu bao gồmvà tăng trưởng bền vững, việc làm đầy đủ và công việc tốt”, việc tập trung vào GDNN gắn với việc làm bền vững đã tạo sự chú ý của quốc tế đến đào tạo các kỹ năng cho người lao động, trang bị cho thanh thiếu niên và người lớn các kỹ năng cần thiết cho việc làm, tinh thần kinh doanh và học tập suốt đời. Xu hướng thứ hai: GDNN phát triển dưới nhiều hình thức và ngày càng mở rộng tới cấp trung học. Những ưu tiên về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng dẫn tới những thay đổi trong quan niệm về GDNN. Theo Rupert Maclean and Margarita Pavlova [18], nhu cầu tăng năng suất và việc làm của mỗi cá nhân thông qua việc phát triển năng lực tại nơi làm việc đã tạo ra xu hướng phát triển GDNN ở ngay cấp trung học nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để sớm bước vào thị trường lao động. Xu hướng này cũng đang phát triển ở Việt Nam khi chính phủ khuyến khích học sinh học GDNN ngay khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Ở Mỹ Latinh (Colombia và Mexico), nơi mô hình giáo dục trung học theo truyền thống áp đảo, đã hình thành xu hướng đào tạo các kỹ năng công việc chung và thậm chí là đào tạo các năng lực nghề nghiệp cụ thể ở ngay các trường trung học. Ở Brasil, chính phủ đã giới thiệu chương trình, “Brasil Profesionalizante”, nhằm mục đích phát triển một chương trình mới - mô hình giáo dục trung học bao gồm giáo dục phổ thông, khoa học, văn hóa và đào tạo nghề. Ở Úc, học sinh được học nghề ở độ tuổi ngày càng sớm hơn. Số lượng học sinh trong độ tuổi 15 đến 19 trong các cơ sở GDNN Úc tăng từ 167.100 trong năm 2006 đến 216.700 trong năm 2009. Xu hướng thứ ba: Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá trong GDNN Sự phát triển của GDNN gắn liền với cung cấp kỹ năng cho người lao động để có việc làm, tự tạo việc làm một cách bền vững nhằm đáp ứng với những đổi thay nhanh chóng từ thế giới việc làm đã làm thay đổi mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đánh giá. Mục tiêu đào tạo hướng tới cung cấp đội ngũ nhân lực có chất lượng, có tính cạnh tranh, trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để nhanh chóng hội nhập thế giới nghề nghiệp. Nội dung đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của việc làm, ngành kinh tế. Chương trình đào tạo được phát triển trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn 155
  5. nghề nghiệp, định hướng chuẩn đầu ra, lồng ghép công nghệ, “kỹ năng xanh” vào chương trình, có tính mềm dẻo, linh hoạt (dạy học theo mô-đun). Trong khi đó, phương pháp giảng dạy chú trọng tới học tập dựa trên giải quyết vấn đề (problem- based learning), học tại nơi làm việc (work - based learning), học tập theo tiếp cận năng lực (competency - based learning), lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo và tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho người học. Phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng có những cải tiến phù hợp với sự thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy trong nhà trường GDNN. Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện thông qua các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể gắn với ngành, nghề trong thế giới nghề nghiệp và được coi là một quá trình thu thập chứng cứ, đưa ra những phán xét về một năng lực nào đó của người học đã đạt được hay chưa để cấp chứng chỉ, văn bằng cho người học. Đây là xu hướng đổi mới khác hẳn so với phương pháp đánh giá của dạy học truyền thống. Xu hướng thứ tư: Đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để cải thiện chất lượng đào tạo, việc làm cho đào tạo, gắn đào tạo với sản xuất và dịch vụ. Liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động khác là một nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn là nguồn cung cấp một phần tài sản chính cho các hoạt động đào tạo của mỗi nhà trường.Nhà trường và doanh nghiệp là bạn đồng hành và đồng minh chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực, nếu không có sự hợp tác của doanh nghiệp thì đào tạo sẽ xa rời thực tế, đào tạo không gắn với việc làm và hiệu quả mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội rất thấp. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn thành lập các cơ sở GDNN cũng đang trở thành xu thế phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới vì đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cung cấp nhân lực tại chỗ, ổn định cho doanh nghiệp ở mọi thời điểm sản xuất. Xu hướng thứ năm: Gắn GDNN với học suốt đời và GDNN cho tất cả mọi người Học tập suốt đời càng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với GDNN, bởi vì trước đây người ta thường chú ý đến đào tạo kỹ năng chuyên môn hẹp và không quan tâm nhiều đến các kỹ năng mềm và các kỹ năng bổ trợ khác. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi người học ngoài năng lực chuyên môn liên tục cập nhật còn phải trang bị các kỹ năng mềm như kỹ giao tiếp, đàm phán, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc nhóm, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…, do đó, người học phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng mới cho bản thân để đáp ứng với những yêu cầu của thế giới việc làm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ. Mặt khác, GDNN ngày càng mở rộng sang các cộng đồng người học mới bao gồm cả cộng đồng ảo và các ngành, nghề mới liên quan tới phát triển bền vững và xã hội xanh, do đó, GDNN có nhiều triển vọng cung cấp các cơ hội học tập cho tất cả mọi người. 156
  6. Xu hướng thứ sáu: Phân luồng và liên thông vẫn tiếp tục phát triển mạnh trọng hệ thống GDNN. Phần luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là xu hướng mà nhiều quốc gia khác đang thực hiện. Ở nhiều nước Châu Âu, tỷ lệ học sinh sau trung học tham gia GDNN rất cao do nhu cầu việc làm và hệ thống giáo dục liên thông linh hoạt. Bên cạnh đó, ở một số nước, số học sinh ở tuổi 17 hoặc 18 không vào được đại học hoặc cao đẳng và không được chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp đã làm gia tăng thất nghiệp và gây khó khăn cho xã hội. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu các học sinh này được đào tạo trong các cơ sở GDNN sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho xã hội. Do đó, ở nhiều quốc gia cũng đang đa dạng hóa các loại hình và hình thức cung cấp GDNN tạo điều kiện thu hút học sinh vào học GDNN. Bên cạnh đó, người học rất quan tâm tới việc học lên trình độ cao hơn sau GDNN. Ở nhiều nước đã hình thành chính sách liên thông cho phép người học được học lên những bậc học cao hơn và miễn trừ việc học lại những kiến thức và kỹ năng thu nhận được ở các bậc học dưới (Ví dụ như Isarel cho phép sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp tham gia kỳ thi trung học phổ thông cuối cấp để vào đại học; Thụy Điển sinh viên theo học các chương trình dạy nghề tham gia các khóa học bổ sung để phân loại sinh viên vào học một số trường đại học...). Điều này, cho phép cơ sở GDNN được sử dụng nguồn lực một cách thông minh, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Xu hướng thứ bảy: Kỹ năng là một loại tiền tệ toàn cầu Theo quan niệm này [15], kỹ năng là một nguồn lợi thế kinh tế và ngày càng gia tăng. Nhiều nước, đều có đồng quan điểm cho rằng tương lai thế giới sẽ luôn như vậy. Do vậy, đây sẽ là thách thức đối với nhiều quốc gia khi mà kỹ năng nghề nghiệp của người lao động còn đang ở trình độ thấp. Từ năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã thay đổi tên 1 trong 12 tiêu chí đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu từ Giáo dục đại học và đào tạo nghề (High education and traning) thành tiêu chí Kỹ năng (Skills), tức là nhấn mạnh đến việc coi trọng kỹ năng nghề nghiệp của quốc gia hơn là bậc trình độ đào tạo [21]. Như vậy, các xu hướng GDNN trên thế giới hướng tới một hệ thống GDNN mở, linh hoạt, cung cấp các kỹ năng cần thiết gắn với việc làm cho người học, đảm bảo cơ hội học tập suốt đời và bình đẳng cho mọi người. 157
  7. 2. Định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp GDNN được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng. Từ sau cách mạng tháng 8/1945 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù chưa có điều kiện phát triển, nhưng đào tạo nghề đã kịp thời đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ cho quốc phòng, y tế, nông nghiệp, sư phạm… cho nhà nước theo phương châm trường lớp nhỏ, ngắn hạn, phân tán trong chiến khu, vùng tự do, vừa làm, vừa học, coi trọng thực hành, gắn với thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh toàn dân kháng chiến. Đến năm 1961 (ngày 26/10/1961), Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Nghị định số 172-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của thuộc Bộ Lao động, trong đó có giao Bộ Lao động chỉ đạo công tác đào tạo công nhân kỹ thuật và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật theo kế hoạch Nhà nước (Điều 2 Nghị định 172). Tiếp theo đó, do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc và giải phóng miền Nam, ngày 9/10/1969 Chính phủ ban hành Nghị định số 200/CP về việc thành lập Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động. Đây là mốc lịch sử đánh dấu sự hình thành, phát triển lớn mạnh của lĩnh vực đào tạo nghề. Từ đó đến nay, GDNN luôn được quan tâm của Đảng và Nhà nước [7], [8], [12], [13]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, nghị quyết đầu tiên về đổi mới đường lối phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trong phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm từ 1986 - 1990, Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành giáo dục nói chung GDNN nói riêng là: “Nâng cao chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có văn hoá, có kỹ thuật, có kỷ luật và giàu tính sáng tạo, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội”[9]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã khẳng định muốn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện nghị quyết Đại hội VIII, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra nhiều định hướng chiến lược phát triển giáo dục phát triển dạy nghề trong đó nêu rõ “Phát triển đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp, đẩy mạnh đào tạo công nhân lành nghề, bảo đảm có được nhiều nhân tài cho đất nước vào thế kỷ 21”, đồng thời đề ra mục tiêu “Tăng quy mô học nghề bằng mọi hình thức để đạt 22% - 25% đội ngũ lao động được qua đào tạo vào năm 2000. 158
  8. Kế hoạch đào tạo nghề phải theo sát chương trình kinh tế - xã hội của từng vùng, phục vụ cho sự chuyển đổi lao động, cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và nông nghiệp. Tăng cường đầu tư, củng cố và phát triển các trường dạy nghề, xây dựng trường trọng điểm. Đào tạo đủ công nhân lành nghề cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, có tính đến nhu cầu xuất khẩu lao động” [1]. Kết luận số 14-KL/TW ngày 26/7/2002, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010 đã đề ra nhiệm vụ đối với đào tạo nghề là “điều chỉnh cơ cấu đào tạo, tăng nhanh dạy nghề và trung học chuyên nghiệp. Hiện đại hoá một số trường dạy nghề nhằm chuẩn bị đội ngũ công nhân bậc cao có trình độ tiếp thu và sử dụng công nghệ mới và công nghệ cao” [2]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh “phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực” [10]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học - công nghệ, trong đó nêu rõ mục tiêu của GDNN là “tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế” [3]. Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 06/6/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Chỉ thị đề ra 6 nhiệm vụ gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao và chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế[4]. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phát chiến lược. Đồng thời Đảng ta 159
  9. cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ đối với GDNN là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành; phát triển hợp lý, hiệu quả các loại hình trường ngoài công lập [11]. Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của tổ chức chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017) và về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017). Đây là những nghị quyết có tác động to lớn đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN công lập. Điều này đòi hỏi từ nay đến 2030, hệ thống các cơ sở GDNN công lập phải bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra [5], [6]. Thể chế hóa những chủ trương, định hướng về phát triển GDNN của Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật về GDNN và có liên quan đến GDNN như Luật Giáo dục năm 2005, Luật Dạy nghề (năm 2006), Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014) và thể hiện nhiều nội dung về phát triển GDNN trong nhiều đạo luật liên quan như Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (năm 2014); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Giáo dục sửa đổi (năm 2019).v.v… Ngày 8/11/2016, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/ QH14 ngày 8/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong đó đã xác định nhiệm vụ liên quan đến đổi mới GDNN là: “Nâng cao rõ nét chất lượng giáo dục đại học và GDNN. Tập trung phát triển và có giải pháp mở rộng, phân luồng GDNN đáp ứng nhu cầu việc làm; có chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực ngành kỹ thuật, công nghệ; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng tăng nội dung thực hành, gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đổi mới hệ thống GDNN theo hướng tăng cường tính tự chủ và áp dụng quy luật cạnh tranh; đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo được các nước ASEAN-4 hoặc quốc tế công nhận” [14]. Nghị quyết đã định hướng kịp thời trong bối cảnh đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững cũng như thế giới đang chịu những tác động to lớn của cuộc Cách mạng 4.0. 160
  10. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, đã có rất nhiều chủ trương, định hướng phát triển GDNN của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và cũng đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của GDNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 3. Kết luận Tóm lại, trên thế giới đang tồn tại nhiều xu hướng phát triển GDNN. Các xu hướng đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng xã hội công bằng và bình đẳng cũng như đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động. Quá trình phát triển GDNN ở nước ta đã trải qua một thời kỳ dài và luôn được Đảng, Quốc hội quan tâm, đề ra những định hướng, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Quốc hội nhằm phát triển GDNN gắn với nhu cầu của đất nước, yêu cầu của thị trường lao động trong mỗi thời kỳ. GDNN của Việt Nam hiện nay có thể nói đã và đang bắt nhịp với những xu hướng GDNN trên thế giới và đang dần dần hoàn thiện để khẳng định vị trí vai trò của mình đối với tất cả mọi người như UNESCO đã đề cập: “GDNN cho tất cả mọi người” - “TVET for all”./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (1996). Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000. 2. Ban Chấp hành Trung ương khoá IX. (2002). Kết luận số 14-KL/TW ngày 26/7/2002 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010. 3. Ban Chấp hành Trung ương.(2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2012 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 4. Ban Chấp hành Trung ương. (2014). Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. 5. Ban Chấp hành Trung ương. (2017). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 161
  11. 6. Ban Chấp hành Trung ương. (2017). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 7. CISCO. (2011). Global trends in vocational education and training. 8. Chính phủ. (2017). Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. (1986). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 11. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 12. Hội đồng Chính phủ. (1961). Nghị định số 172-CP, ngày 26 /10/1961 quy định nhiệm vụ, quyền hàn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 13. Hội đồng Chính phủ. (1969). Nghị định số 200-CP ngày 09/10/1969 thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 14. Quốc hội. (2016). Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. 15. Leon Tikly. (2013). Reconceptualizing TVET and development: a human capability and social justice approach in Revisiting global trends in TVET: Reflections on theory and practice, UNESCO 16. OECD. (2019). Increasing the attractiveness of vocational education and training in Sweden in Vocational Education and Training in Sweden. 17. Rupert Maclean and Margarita Pavlova. (2013). Vocationalization of secondary and higher education: pathways to the world of work in Revisiting global trends in TVET: Reflections on theory and practice, UNESCO. 18. UNESCO. (2016). Strategy for technical and Vocational Education and Training (TVET) 19. United Nation. (2015). Transforming our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development 20. WEF. (2018). The Global Competitiveness Report 2018, http://www3.weforum.org/docs/ GCR2017-2018/05FullReport/TheGlobalCompetitivenessReport2017%E2%80%932018.pdf 21. https://www.un.org/en/events/youthskillsday/background.shtml 162
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2