intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử - Nguyễn Thiện Giáp

Chia sẻ: Thảo Lê91 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:20

206
lượt xem
26
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử tập trung trình bày các vấn đề cơ bản như: Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Mời các bạn tham khảo để nắm bắt nội dung cụ thể.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử - Nguyễn Thiện Giáp

  1. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử • Nguyễn Thiện Giáp 1. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 1.1. Trong thời kì Bắc thuộc, bọn phong kiến Trung Quốc dù cai trị trực tiếp hay gián tiếp, cũng thi hành một chính sách nhất quán là đồng hoá Việt Nam về chính trị và văn hoá. Tiếng Hán và chữ Hán trở thành một công cụ hữu hiệu trong hành chính và nhiều lĩnh vực khác. Sử có nhắc tới vai trò của Sĩ Nhiếp (làm Thái Thú Giao Chỉ vào khoảng 187–226) với tư cách là Nam bang học tổ, tức là người đầu tiên tổ chức việc học ở Việt Nam. Nhưng thực tế vào thời Bắc thuộc quan cai trị chỉ tổ chức dạy chữ Hán cho một số người Việt, đủ để làm công chức trong bộ máy cai trị của người Hán chứ chưa phải là dạy Nho giáo nhằm mục đích thi cử. Trong thời kì này, các chùa mới là các trung tâm văn hoá và nhân dân học chữ Hán ở các chùa chứ không phải các trường do người Trung Quốc dựng nên. Theo sử sách, dưới thời Bắc thuộc, đã có một ít người giỏi chữ Hán, nhưng vẫn chưa có chế độ học tập chữ Hán quan trọng ngoài các chùa. Ai muốn đi thi thì phải sang Trung Quốc, như Trương Trọng, Lí Cầm, Lí Tiến, Khương Công Phụ. Cho đến trước thế kỉ XI, những người tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam vẫn là các nhà sư. 1.2. Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập từ tay người Hán. Do nhu cầu phải đua tài với Trung Quốc để củng cố độc lập bằng văn hoá, Việt Nam có nhu cầu tiếp thu văn hoá Hán. Việc học chữ Hán có quy mô chỉ bắt đầu từ thời độc lập. Về vấn đề này, chúng ta không quên công lao của các vị vua khai quốc thời Lí–Trần. Khi đất nước giành được quyền độc lập, định hướng cơ bản về ngôn ngữ văn tự là: tiếp tục dùng chữ Hán, coi đó là nền văn tự chính thức của nhà nước. Căn cứ vào những tài liệu còn lưu giữ được thì năm 1018 vua Lí Thái Tổ sai Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu lấy Kinh Tam Tạng đem về để vào Kho Đại Hưng; 1075 vua Lí Nhân Tông mở Khoa thi Tam trường để tuyển người ra làm quan, năm sau vua lập Quốc Tử Giám, tổ chức giảng dạy và đến năm 1086 Vua lại mở khoa thi chọn người vào Hàn Lâm Viện. Theo Nguyễn Tài Cẩn, "Tri thức Hán học của người Việt ở giai đoạn Ngô, Đinh, Lê là một sản phẩm còn lưu lại của chế độ Bắc thuộc, còn tri thức Hán học của người Việt từ đời Lí trở về sau lại là sản phẩm của một sự định hướng có ý thức của một triều đình nước Việt độc lập. Sự định hướng này làm cho Việt Nam đi hẳn vào khu vực văn hoá Hán, đứng bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ, sự định hướng này làm cho tiếng Việt đi xa dần các ngôn ngữ bà con vốn cùng gốc Mon Khmer như mình: Mường, Poọng, Chứt, Cơtu, Bana, Môn, v.v."(1) Nhà Trần và các triều đại tiếp theo vẫn tiếp tục sự nghiệp của nhà Lí, cũng tổ chức học hành thi cử bằng chữ Hán, cũng sáng tác bằng chữ Hán. Thực tiễn lịch sử chứng tỏ rằng định hướng ngôn ngữ văn tự của các triều đại Việt Nam đã khiến cho sự tiếp xúc văn hoá–ngôn ngữ Việt–Hán phát triển. Hệ quả là: – Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của mình. – Tiếng Việt đã tiếp thu các yếu tố Hán Việt và các yếu tố Hán Việt Việt hoá làm phong phú kho từ vựng của mình. – Hình thành cách đọc Hán Việt, một cách đọc chữ Hán riêng của người Việt Nam. Trong cuốn Từ vựng tiếng Việt năm 1978, Nguyễn Thiện Giáp xác định cách đọc Hán Việt như sau: "Cách đọc Hán Việt là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam của người Việt Nam. Cách đọc đó phản ánh dạng ngữ âm của chữ Hán thời nhà Đường được dạy và học ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên so với dạng ngữ âm của chữ Hán thời nhà Đường thì cách đọc Hán Việt cũng đã được Việt hoá ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt thời đó"(2). Gần đây, trong bài Mối quan hệ 1
  2. giữa âm Hán Việt và phương ngữ tiếng Hán nhìn từ đặc điểm âm đầu(3), Lê Xảo Bình và Vi Thụ Quan đã chứng minh âm Hán Việt chịu ảnh hưởng của phương ngữ tiếng Hán. Các tác giả cho rằng tại vùng giáp Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, trong thời cổ, từng có một phương ngữ Hán quyền uy, đó là phương ngữ Quảng Tín. Trong hơn 300 năm kể từ năm 106 trước công nguyên cho đến năm 217, Quảng Tín luôn là trụ sở của Bộ Thứ Sử Giao Chỉ (về sau là Bộ Thứ Sử Giao Châu), là trung tâm chính trị, văn hoá của Lĩnh Nam. Ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam nằm trong nước Việt Nam ngày nay luôn thuộc về sự cai quản của Bộ Thứ Sử Giao Chỉ, Việt Nam chịu ảnh hưởng của trung tâm chính trị, văn hoá thời bấy giờ là điều tất nhiên. Trong thời gian Sĩ Nhiếp làm Thái Thú Giao Chỉ, âm Hán mà người Việt học không phải là âm Trung Nguyên, mà là âm của một phương ngữ nào đó lúc bấy giờ. Các tác giả khẳng định phương ngữ Hán này phải là phương ngữ Quảng Tín. Bản thân Sĩ Nhiếp chính là người Quảng Tín Xương Ngô, phương ngữ Quảng Tín lại là phương ngữ quyền uy thời kì đó, dạy học sinh Việt Nam bằng phương ngữ Quảng Tín cũng là điều bình thường. Vì trung tâm chính trị Lĩnh Nam di chuyển sang phía đông (năm 217 Tôn Quyền rời trung tâm chính trị Lĩnh Nam từ Quảng Tín Xương Ngô đến Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu ngày nay) Nam Hải) và theo di chuyển của người Hán, phương ngữ Quảng Tín phân hoá dần, cho nên hình thành đối ứng không đồng đều về đặc trưng ngữ âm giữa âm Hán Việt và mấy phương ngữ Hán hiện đại. 1.3. Trên cơ sở của chữ Hán, dựa vào nguyên tắc cấu tạo chữ Hán, người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ ghi lại tiếng nói của dân tộc. Ban đầu, chữ Nôm mới chỉ là những kí tự dùng để phiên âm các từ ngữ nước ngoài, những địa danh, nhân danh ở Việt Nam mà vốn chữ Hán không thể thể hiện được. Khi hệ thống văn tự Nôm được hình thành và việc sáng tác thơ văn bằng chữ Nôm đã trở thành phong trào thì có sự phân công giữa chữ Hán và chữ Nôm về mặt chức năng: chữ Hán dùng trong hành chính, giáo dục, trong giao tiếp triều chính, còn chữ Nôm thì dùng trong giao tiếp, văn chương bình dân. Theo Phan Huy Chú(4), Lê Thánh Tông làm vua 38 năm, mở 12 kì thi, lấy đỗ 501 tiến sĩ, trong số đó có 9 trạng nguyên. Tuy coi trọng chữ Hán hơn chữ Nôm, nhưng phong trào sáng tác bằng chữ Nôm vẫn phát triển mạnh. Quan lại, nho sĩ đua nhau làm thơ bằng chữ Nôm. Ngay vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều thơ Nôm được truyền tụng trong lịch sử. Cái tâm lí "trọng chữ khinh Nôm" có ở hầu hết các nhà nho: sáng tác về những đề tài trang trọng, nghiêm chỉnh thì dùng chữ Hán, làm thơ để chơi, để mua vui thì dùng Nôm. Tuy nhiên, cùng với bước trưởng thành của chữ Nôm, vị thế của nó cũng dần thay đổi. Nguyễn Trãi hết lòng tôn trọng ngôn ngữ dân tộc, tin yêu ngôn ngữ dân tộc. Tất cả các bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi đều nói đến những cái chân thành nhất, trang nghiêm nhất: nói đến chí hướng, nói đến đạo lí, nói đến lẽ sống ở đời,... Với ý thức tự cường dân tộc, dưới thời nhà Hồ, Hồ Quý Li đã có một quyết sách lớn nhằm nâng cao vị thế của chữ Nôm. Tương truyền, Hồ Quý Li đã dịch Kinh Thi, Kinh Thư ra chữ Nôm để dạy cho các cung nữ. Điều này chứng tỏ Hồ Quý Li đã có chủ trương đưa chữ Nôm vào lãnh vực giáo dục. Rất tiếc, công cuộc cải cách của nhà Hồ bị chặn lại bởi gót giày xâm lược của nhà Minh. Nhà Minh thi hành chính sách đồng hoá rất tàn bạo. Chúng đã đốt phá các văn liệu, sử liệu Việt, trong đó có cả những tài liệu ghi chép bằng chữ Nôm. Vì thế những tài liệu bằng chữ Nôm thời Hồ Quý Li đều đã thất truyền. 1.4. Chữ quốc ngữ được các nhà truyền giáo chế tác từ thế kỉ XVII với mục đích chính là truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam và học tiếng Việt, hiểu được về đất nước và con người Việt Nam. Muốn truyền bá đạo của mình, cần phải có phương tiện giao tiếp. Thực tế, nhân dân Việt Nam rất ít người đọc được chữ Nôm, vì thế không thể dựa vào chữ Nôm để truyền bá tư tưởng Thiên Chúa 2
  3. giáo vào nhân dân. Vấn đề đầu tiên là phải học tiếng Việt. Các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra một hệ thống kí tự ghi tiếng Việt dựa trên hệ chữ cái La tinh. Những năm đầu của thế kỉ XIX hệ thống kí tự này được gọi là chữ Quốc ngữ, mặc dù theo nghĩa đen thì chữ Nôm cũng là chữ quốc ngữ. Từ khi xuất hiện chữ Quốc ngữ, thế tương quan giữa các ngôn ngữ, văn tự trên diễn đàn văn hoá Việt Nam khác với các giai đoạn trước: Có hai ngôn ngữ là tiếng Việt và văn ngôn Hán, với ba loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Trong ba loại chữ viết thì chữ Hán vẫn chiếm vị thế số một, sau đó đến chữ Nôm, cuối cùng là chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, trong thời kì này đã nảy sinh sự tranh chấp giữa chữ Hán và chữ Nôm. Văn học chữ Nôm thời kì này có sự phát triển toàn diện về lượng cũng như về chất. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ đều xuất hiện trong giai đoạn này. Không những thế, chữ Nôm không chỉ được dùng để ghi lại văn chương bình dân mà còn được dùng cả trong những lĩnh vực khác nữa. Căn cứ vào "Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu" do Viện Hán Nôm biên soạn với sự cộng tác của nhóm học giả Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, trong số 5038 quyển, có một số quyển viết bằng chữ Nôm. "Vận niên ca diễn âm" là một quyển sách về ảnh hưởng của thời tiết đối với mùa màng viết bằng chữ Nôm. Số sách về Đạo giáo có 163 quyển, phần lớn là loại "giáng bút", tức là loại sách tập hợp những lời của các đồng cốt nói thay mặt các vị thần, chủ yếu viết bằng chữ Nôm bởi vì Đạo giáo gắn bó trước hết với người dân lao động. Những sách in đầu tiên ở Việt Nam là Kinh Phật, nhưng số kinh in lại, diễn Nôm không có bao nhiêu. Sách giáo khoa về sử Việt Nam, có một cuốn bằng chữ Nôm. Về ngoại giao, cuốn "Chuyến sang Pháp của sứ bộ triều Nguyễn" viết bằng thơ lục bát. Về luật pháp, có Hoàng triều luật lệ toát yếu diễn ca bằng chữ Nôm, Dân luật Bắc Kì, diễn Nôm thời Khải Định. Tầng lớp nho sĩ gần gụi nhân dân lao động đã dùng chữ Nôm để sáng tác văn chương, ghi chép các sự kiện xã hội, lịch sử với cách nhìn khác với cách ghi chép chính thức bằng chữ Hán, có những tác phẩm tiến bộ, chứa đựng những tư tưởng trái với quan điểm và đạo lí chính thống. Vào giai đoạn cuối của nhà Lê, nhà cầm quyền không những coi thường mà còn e ngại chữ Nôm, có những hoạt động tiêu cực đối với chữ Nôm, thậm chí còn đốt rất nhiều văn liệu viết bằng chữ Nôm. Năm 1663 đời Lê Huyền Tông, Trịnh Tạc đã yêu cầu Phạm Công Trứ viết 47 điều giáo hoá bằng chữ Hán, trong đó điều 35 chủ trương cấm đoán và phá hoại các tác phẩm Nôm. Năm 1718 lại có lệnh của Trịnh Cương như sau: "Phủ liệu(5) vâng lời truyền cho quân dân trong nước biết rằng: phàm sách vở có quyển nào quan hệ đến sự giáo hoá trong đời mới được khắc in và lưu hành. Lâu nay, những bọn hiếu sự lượm nhặt bậy bạ các tạp truyện và bỉ ngữ(6) bằng quốc âm, không phân biệt hay dở, khắc gỗ in bán, việc ấy phải nên nghiêm cấm. Từ nay nhà nào có in những sách như thế, cho trình quan đến bắt và tịch thu ván in phá hết"(7). Năm 1760, Trịnh Doanh lại sai Nhữ Đình Toản diễn Nôm 47 điều giáo hoá ra lục bát để tiện phổ biến. Ngược lại, nhằm tăng cường tính tự tôn và tinh thần dân tộc, triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã chủ trương dùng tiếng Việt và chữ Nôm trong hành chính (giấy tờ của Nhà nước), trong giáo dục, thi cử và trong tế lễ thiêng liêng. Đây là Chiếu của Bình Định Vương Nguyễn Huệ gửi cho Nguyễn Thiếp năm 1788: "Chiếu truyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp khâm tri: Ngày trước uỷ cho phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kì này hồi ngự. Sao về tới đó chưa thấy đặng việc nhỉ. Nên hãy giá hồi Phú Xuân Kinh, hưu tức sĩ tốt. 3
  4. Việc chiếu ban hạ, phu tử tảo nghi dữ trấn thủ Thận cộng sự, kinh chi, doanh chi, tướng địa tu đô tại Phú Thạch hành cung sao cho hậu cận sơn, kì chính địa phòng tại dân cư chi gian hay là đâu cát địa khả đô, duy phu tử đạo nhãn giám định, tảo tảo tốc hành. Uỷ cho trấn thủ Thận tảo lập cung điện, kì tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự. Duy phu tử vật dĩ nhàn hốt thị. Khâm tai! Đặc chiếu. Thái Đức thập nhất niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật"(8). Trong giáo dục và thi cử, triều đại Tây Sơn quy định: Mỗi khoa thi, ở vòng ba ("đệ tam trường"), thí sinh phải làm bài bằng chữ Nôm. Tương truyền, Hoàng đế Quang Trung còn lệnh cho Nguyễn Thiếp dịch kinh, truyện ra tiếng Việt làm tài liệu giảng dạy, nhưng các bản dịch ấy đã bị mất cả. Như ta biết, việc tế lễ trước đây, văn tế, sớ... phải viết bằng chữ Hán, khấn bằng tiếng Hán. Nhưng trong lễ tang Hoàng đế Quang Trung, triều đình và họ hàng nhà vua đều dùng văn tế bằng tiếng Việt, chữ Nôm và năm bài văn tế do Phan Huy Ich làm vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay. Nhà Tây Sơn đổ, những cố gắng của Nguyễn Huệ nhằm khẳng định vị thế của tiếng Việt và chữ Nôm lại trở về trạng thái như cũ. Mặc dù chữ Quốc ngữ đã tận dụng được nhiều ưu điểm riêng, vốn có của hệ chữ La Tinh, nhưng việc sử dụng hệ thống này cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các văn liệu tôn giáo, trong giao dịch giữa những người cùng giáo xứ, giáo đoàn. Hai thế kỉ sau khi được chế tác, chữ Quốc ngữ đã trở thành một công cụ hữu hiệu, giúp người Pháp, quân đội Pháp xâm lược và chia tách đất nước Việt Nam thành ba miền. 1.5. Dưới thời cai trị của thực dân Pháp (1861–1945), trên diễn đàn văn hoá Việt Nam, có ba ngôn ngữ là tiếng Pháp, tiếng Việt, văn ngôn Hán và bốn văn tự là Pháp, Quốc ngữ, Nôm và Hán. Sự tranh chấp giữa ba ngôn ngữ diễn ra theo chiều hướng tiếng Pháp vươn lên chiếm vị thế số một, vai trò của văn ngôn Hán ngày càng giảm, vị thế của tiếng Việt càng ngày càng được đề cao. Đây cũng là thời kì thay thế dần chữ Hán và chữ Nôm bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Chính sách của nhà cầm quyền thực dân Pháp đối với Việt Nam là đồng hoá về ngôn ngữ và văn hoá. Mọi quyết sách đưa ra đều nhằm mục đích cuối cùng và tối thượng là làm cho người Việt Nam chấp nhận sử dụng tiếng Pháp, chữ Pháp; chấp nhận văn hoá, chính trị Pháp; lấy tiếng Pháp thay thế tiếng Hán trên toàn cõi Việt Nam, hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của văn hoá Hán đối với Việt Nam. Etienne Aymonier, một công sứ Pháp ở Bình Thuận, năm 1886, đã viết: "Chúng ta phải gieo rắc vào người An Nam rằng cái nhu cầu hiểu biết một ngôn ngữ bác học, một ngôn ngữ cấp cao; việc không thể chối cãi được là sự học hỏi tiếng Pháp phải chính thức thay thế sự học hỏi tiếng Trung Quốc". Năm 1890, ông còn viết: "Thực ra, vấn đề được đặt ra là thay thế trong chương trình dạy chính thức, tiếng Trung Quốc, hiện nay được dạy đến tận các thôn quê, bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của những kẻ đi chinh phục với hậu quả được lường trước là sự sử dụng ngôn ngữ này sẽ toả lan càng ngày càng lớn". Ông nguyện ước: – "Chương trình dạy chính thức ở Nam Kì thuộc Pháp sẽ được đặt cơ sở trong một chừng mực tối đa có thể được, trên sự học hỏi tiếng Pháp. – Trên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, chính quyền sẽ cho nghiên cứu các phương tiện để thúc đẩy tiếng Pháp... – Chớ nên dạy tiếng Pháp riêng cho hàng thân hào, cho giới lãnh đạo, mà phải nhắm vào những đứa trẻ của dân thường, con gái lẫn con trai. Tốt hơn là nhắm vào từng nhóm làng xã, chỗ này chỗ 4
  5. kia, trước tiên là ở những vùng phụ cận những trung tâm Âu Tây, hay trong những làng thiên chúa giáo, ở tất cả những nơi mà thiện chí được bộc lộ. Đó là cách mà tôi gọi là cắm ngôn ngữ vào đất bằng cách cho nó bắt rễ"(9). Thực tế nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam đã dùng tiếng Pháp, chữ Pháp trong văn kiện, giấy tờ của bộ máy cai trị ; tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp trong nhà trường, hạn chế vai trò của tiếng Hán và chữ Hán. Theo Nguyễn Phú Phong, việc dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam được bắt đầu khởi sự năm 1866 nhưng vẫn còn nằm trong tay các giáo sĩ và giáo hội, chính quyền thuộc địa trợ cấp cho các trường học do giáo hội tổ chức. Ngày 21-12-1917, Toàn quyền Albert Saraut kí Nghị định Học chính tổng quy (Règlement général de l' instruction publique) và đăng lên công báo ngày 10/4/1918. Học chính tổng quy đã thay đổi thi Hương thi Hội: Năm 1916 bãi bỏ các Kì thi Hương và năm 1919 thì thi Hội cũng bị bãi bỏ. Học chính tổng quy quy định việc dạy tiếng Pháp và môn Hán tự như sau: – Dạy tiếng Pháp (tập đọc, ám tả, học mẹo, làm văn) ở lớp nhì và lớp nhất, mỗi tuần ít ra là 12 giờ. – Hán tự mỗi tuần lễ chỉ dạy 1 giờ rưỡi vào sáng thứ năm mà thôi. Lại thêm chỉ thị: "Dạy Hán tự phải theo chương trình nhà nước. Buổi dạy Hán tự, giáo viên kiêm đốc học nhà trường phải có mặt ở lớp để giữ kỉ luật, không nên để thầy đồ dạy một mình". Muốn truyền bá tiếng Pháp và văn hoá Pháp, nhằm củng cố nền thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp buộc phải dùng tiếng Việt làm phương tiện chuyển ngữ. Vì thế, song song với việc dạy tiếng Pháp cho người Việt thì việc dạy tiếng Việt cho các viên chức hành chính Pháp cũng được đặt ra. Năm 1861, một trường dạy tiếng Việt được thiết lập ở Sài Gòn để đào tạo những viên thông ngôn người Pháp. Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều là những văn tự ghi tiếng nói của người Việt Nam, nhưng chữ Quốc ngữ rất gần chữ Pháp, lại rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ Nôm nên ngưòi Pháp đã chọn chữ Quốc ngữ làm phương tiện dạy-học tiếng Việt. Chính nhờ thế mà chữ Quốc ngữ vốn chỉ được dùng hạn chế trong phạm vi tôn giáo, trong giao dịch giữa các giáo dân đã dần dần trở thành một phương tiện giáo dục chung. Thực dân Pháp cho phép dạy chữ quốc ngữ và tiếng Việt trong trường học và cho ra báo bằng chữ quốc ngữ. Ngày 17/11/1874, Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân. Các trường làng dạy chữ Hán bị bãi bỏ hoặc sáp nhập vào trường ở quận lị, biến thành một trường duy nhất dạy chữ quốc ngữ. Năm 1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho thành lập một trường Pháp-Việt ở Huế, gọi là Trường Quốc học Huế. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương đặt thêm một kì thi phụ cho khoa thi Hương trường thi Nam Định. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp: viết tập, chính tả, dịch Pháp ra Việt, hội thoại, đọc và dịch miệng (hệ số 5); chính tả tiếng Việt (hệ số 3); bài dịch từ Hán văn ra tiếng Việt (hệ số 4). Ai đã đỗ tú tài, cử nhân kì thi Hương chính mà còn đỗ cả kì phụ sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan. Năm 1904, Pháp cho thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp -Việt ở Bắc Kì. Ngay từ năm 1865, chính quyền Pháp ở Nam Kì đã phát hành tờ Gia Định báo để thực hiện chủ trương dùng chữ Quốc ngữ ghi tiếng Việt thay thế chữ Nôm. Năm 1917, Báo Nam Phong ra đời. Ngay ở trang đầu ghi rõ:" Mục đích báo Nam Phong là thể cái chủ nghĩa khai hoá của nhà nước, biên tập những bài bằng quốc văn, hán văn, pháp văn, để giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An Nam, truyền bá các khoa học của Thái Tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp, bảo tồn cái quốc tuý của nước Việt Nam ta, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp người Nam trong trường kinh tế. Báo Nam Phong lại chủ ý riêng về sự tập luyện văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An Nam". Về hành chính, một công văn năm 1910 của Khâm sứ Bắc Kì định rằng tất cả 5
  6. các văn bản dùng cho việc quảng bố như nghị định, quyết định, lệnh, chỉ thị, phán quyết, phải được viết bằng quốc ngữ. Công văn này cũng nói thêm rằng việc dùng quốc ngữ phải áp dụng cho thư tín thường lệ giữa các quan triều Nguyễn và chính quyền Pháp, và cho các thông tri của các quan lại gửi đến người dân. Năm 1909, ở Hà Nội có thành lập một Hội thân hữu Pháp Việt để phổ biến và quảng bá chữ quốc ngữ. Hội này còn có tên là Bác Văn Hội nhắm đến những mục đích sau đây: – Đưa ra mắt những tác phẩm văn học An Nam viết bằng chữ khối vuông (chữ nho hay chữ nôm) bằng cách dịch ra quốc ngữ hay tiếng Pháp; – Dịch ra quốc ngữ những sản phẩm của tri thức Pháp về những môn khoa học, nghệ thuật, luật, kinh tế chính trị, văn học, với dụng ý là ổn định... ngữ nghĩa các từ trong tiếng nói của xứ An Nam... (Dẫn theo Nguyễn Phú Phong, sđd., trang 79, 92, 97, 103). Mặc dù người Pháp chủ trương sử dụng chữ Quốc ngữ và tiếng Việt làm chuyển ngữ nhưng với thái độ dè dặt. Trước Cách mạng tháng tám, tiếng Việt chỉ được dùng vào công việc giáo dục chủ yếu ở lớp đồng ấu (lớp Một ngày nay), còn từ lớp dự bị đến lớp sơ đẳng (tương đương với lớp Hai và lớp Ba ngày nay), học sinh phải theo chế độ song ngữ Việt–Pháp; từ năm thứ tư đến hết năm thứ sáu tiểu học, tiếng Pháp đã chiếm địa vị áp đảo; từ cấp trung học trở lên, tiếng Pháp chiếm địa vị độc tôn(10). Lí do cơ bản là thực dân Pháp muốn tiếng Pháp chiếm vị trí độc tôn. Lúc đầu thì lấy lí do "vì những thứ chữ như chữ Quốc ngữ, (...) đã thành ra văn tự gì có tiếng trong thế giới đâu, vả ai cũng biết rằng hãy còn khuyết điểm nhiều lắm, chưa có đủ những danh từ về khoa học để diễn những môn học mới của Thái Tây" (Saraut – Dẫn theo Nguyễn Phú Phong, sđd., trang 98). Về sau, khi tiếng Việt và chữ Quốc ngữ đã phát triển thì nhiều người Pháp lại e sợ sức mạnh tiềm ẩn của chữ Quốc ngữ, nó có thể trở thành một công cụ để thống nhất tiếng Việt, thống nhất người Việt chống lại tiếng Pháp, người Pháp. Một bộ phận trí thức Việt Nam đã cực lực chống lại các chính sách ngôn ngữ của nhà cầm quyền Pháp. Họ quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, là công cụ truyền bá đạo thiên chúa, không phải là đạo gốc của dân tộc. Họ muốn duy trì học chữ Hán bởi vì học chữ Hán là được giáo dục về luân lí về lịch sử, còn học chữ Quốc ngữ thì chỉ như một trò chơi, khi người ta biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ người ta không biết gì cả. Với quan niệm như vậy, các trí thức yêu nước, chống Pháp đều sáng tác bằng chữ Nôm. Năm 1867, Nguyễn Trường Tộ chính thức đề nghị triều đình Huế sử dụng chữ Nôm, đề nghị này làm cho nhà cầm quyền chú ý đến chữ Nôm, song sự chú ý đó chỉ là để chống lại việc tiếp tục sử dụng chữ Hán tại triều đình Huế chứ không phải là sự chống lại việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Những trí thức có tinh thần dân tộc, muốn hiện đại hoá đất nước đã sớm nhận ra vai trò của chữ Quốc ngữ. Bởi vì công việc hiện đại hoá cần phải có sự thay đổi mà sự thay đổi trước tiên là sự thay đổi về văn tự. Cần phải dạy trẻ biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ và chỉ có việc học tập bằng tiếng mẹ đẻ mới đem lại hiệu quả thiết thực mà thôi. Cuối thế kỉ XIX, các trí thức Nam Kì như Trương Vĩnh Kí, Huình Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống, Trương Minh Kí, Nguyễn Trọng Quản, v.v... là những người đi đầu trong chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và phát triển tiếng Việt. Đầu thế kỉ XX ở Miền Bắc, hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) cũng đã dấy lên phong trào học chữ quốc ngữ, coi chữ quốc ngữ là phương tiện khai hoá quốc dân. Các cụ khẳng định: Chữ quốc ngữ là hồn trong nước Phải đem ra tính trước dân ta Sách các nước, sách Chi Na Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường. 6
  7. Trong Văn minh tân học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết: "Người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong thời gian một vài tháng, đàn bà, trẻ con đều biết chữ và người ta có thể dùng Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay... Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy". Tiếp đó, năm 1938 Hội truyền bá chữ Quốc ngữ được thành lập và hoạt động của hội này đã có tác dụng to lớn trong việc xoá nạn mù chữ cho nhân dân. Theo số liệu của UNESCO năm 1984, vào năm 1938, Việt Nam có khoảng 95% dân số mù chữ. Tính đến Cách mạng tháng Tám, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ đã giúp cho 70.000 người thoát nạn mù chữ. Dù xu hướng chính trị không giống nhau, nhưng tất cả những hoạt động báo chí và văn học bằng chữ quốc ngữ trước cách mạng đều có tác dụng truyền bá chữ quốc ngữ và phát triển tiếng Việt: Phía thực dân Pháp thì xem chữ Quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để đồng hoá dân tộc Việt Nam, phía những sĩ phu yêu nước Việt Nam thì kẻ trước người sau cũng đều nhận thấy chữ Quốc ngữ là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà. 2. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay 2.1. Bối cảnh ngôn ngữ và xã hội ở Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn thể nhân dân Việt Nam vùng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nước Việt Nam ta đã trở thành một quốc gia độc lập. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Tiếp theo đó, nhân dân ta phải tiến hành cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược ta một lần nữa, rồi cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước vĩ đại, mãi tới năm 1975 đất nước ta mới hoàn toàn được thống nhất, độc lập. Chính sách ngôn ngữ trong thời kì này chủ yếu là chính sách ngôn ngữ của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng như Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, cũng nói đến chính sách ngôn ngữ của những chính quyền thân Pháp, thân Mĩ ở Sài Gòn trước đây. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Ngoài dân tộc Kinh là dân tộc chiếm 85% dân số, còn có 53 dân tộc khác, thuộc các ngữ hệ khác nhau. Thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), có những ngôn ngữ như: Kinh (Việt), Mường, Nguồn, Poọng, Thổ, Cuối, Đan Lai, Li hà, Rục, Mày, Sách, Mã Liềng, Kri (Phọong), Aream, Mảng, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Ơ Đu, Bru-Vân Kiều, Pacô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bana, Co, Ca Dong, Ha Lăng, Giẻ, Triêng, Xơđăng, Rơngao, Takua, Hrê, Mơ Nâm, Ve, Rơ Mân, Tơ Drạ, Brâu, Cơho, Mnông, Mạ, Xtiêng, Chơro, Khmer Nam Bộ. Thuộc ngữ hệ Thái–Ka Đai, có: Tày, Nùng, Cao Lan, Thu Lao, Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đỏ, Thái Thanh, Thái Dọ, Thái Hàng Tổng, Lào, Lự, Tày Nặm, Pa Dí, Giáy, Bố Y, Tu Dí, Pu Nà, Tống, Thuỷ, Laha, La Chí, Pupéo, Cơ Lao, Nùng Vẻn. Thuộc ngữ hệ Mèo–Dao (Hmong–Mien), có: Mông, Na Mẻo, Pà Thẻn, Miền (Dao Đỏ, Dao Đeo Tiền, Dao Cooc Ngáng, Dao Ôgang, Dao Quần Chẹt, Dao Đại Bản, Dao Tiểu Bản...), Mùn (Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao áo Dài, Dao Họ, DaoTuyeenr, Dao Làn Tẻn,...) Thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), có: Chăm Đông (Chăm Ninh – Bình Thuận), Chăm Tây (Chăm An Giang, Tây Ninh), Êđê, Giarai, Raglai, Hroi, Churu. Thuộc ngữ hệ Hán–Tạng, có: Hoa, Lôlô, Hà Nhì, La Hủ, Sila, Cống, Xá Phó, Phù Lá. Trong các ngôn ngữ trên, chỉ một số ngôn ngữ có chữ viết cổ truyền, đó là các chữ: Chữ Nôm Tày; các loại chữ Thái cổ ở Tây Bắc, Quỳ Châu, Man Thanh, Lai Pao; chữ Hán; chữ viết tự dạng 7
  8. Sanscrit của Khmer; chữ Nôm Nùng; chữ Chăm cổ; chữ viết tự dạng Sanscrit của Lào; chữ Nôm Dao; chữ Nôm Cao Lan. Đặc điểm nổi bật của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là sống đan xen nhau khiến cho trạng thái đa ngữ xã hội là trạng thái phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số. Tiếng Việt được coi là ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc. Bên cạnh đó, một số ngôn ngữ như tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Nùng,...cũng được coi là ngôn ngữ vùng, tức là phương tiện giao tiếp giữa các dân tộc cùng chung sống trong vùng nào đó. Nói đến chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945, cần đề cập đến ba mảng sau đây: – Chính sách đối với các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số; – Chính sách đối với tiếng Việt; – Chính sách đối với các ngoại ngữ 2.2. Chính sách đối với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số Đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương tôn trọng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, bảo đảm sự phát triển tự do và bình đẳng của tất cả các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng khi mới thành lập (1930) đã đề ra chính sách "đoàn kết dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau để giành lại độc lập và hạnh phúc chung cho các dân tộc". Chính cương của Đảng năm 1951 ghi rõ: "Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ,... Cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, bảo đảm để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương". Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 9/11/1946, có viết: – "Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình" (điều thứ 15). – "Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước toà án" (điều thứ 66). Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch nước công bố ngày 01/01/1960, viết chi tiết hơn: – "Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hoá dân tộc của mình" (điều 3). – "Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thuộc các dân tộc thiểu số có thể dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước Toà án" (điều 102). Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, viết: – "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình" (điều 5). – "Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước toà án" (điều 60). Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992 bổ sung thêm như sau: – "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình" (điều 5). – "Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án" (điều 133). Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ban hành ngày 06/8/1991, khẳng định: 8
  9. – "Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học". Luật Giáo dục tiểu học ngày 10/12/1998 viết rõ hơn: "Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ". Các chỉ thị,nghị quyết của Đảng và Chính phủ đều nhằm vào thực hiện ba vấn đề: A. Cải tiến và xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số. Quyết định của Phủ Thủ tướng số 153-CP ngày 20/8/1969 ghi rõ: "Dân tộc thiểu số nào chưa có chữ viết riêng nếu có đủ điều kiện cần thiết sau đây thì được xây dựng và sử dụng chữ viết của dân tộc mình: a) Dân số tương đối đông, so với các dân tộc anh em khác. b) Cư trú tương đối tập trung. c) Có nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức trực tiếp bằng tiếng, chữ phổ thông, có yêu cầu xây dựng chữ viết riêng để phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá trong dân tộc mình. d) Có vốn từ ngữ tương đối phong phú. Dân tộc thiểu số nào đã có chữ viết riêng nhưng nếu xét thứ chữ viết không thuận lợi cho sự tiến bộ của mình, thì có thể cải tiến chữ viết cũ, hoặc xây dựng chữ viết mới thích hợp hơn. Dân tộc thiểu số nào không đủ điều kiện xây dựng chữ viết riêng nhưng thấy cần thiết có chữ để ghi tiếng nói của mình, thì có thể dùng chữ phổ thông để phiên âm". Quyết định của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, số 53-CP ngày 22/02/1980 viết: "Nhiều dân tộc thiểu số chưa có chữ viết có yêu cầu xây dựng bộ vần chữ riêng để có thể ghi tiếng nói của dân tộc mình. Một số dân tộc thiểu số có chữ viết lối cổ muốn có chữ viết mới theo chữ cái Latin cho gần gũi với chữ phổ thông. Những yêu cầu này cần được coi trọng, và từng bước giải quyết". "Để việc dạy và học chữ dân tộc và chữ phổ thông được dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện cho cả đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào người Kinh muốn học chữ dân tộc, cần xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết dân tộc theo bộ vần gần gũi với bộ vần chữ viết phổ thông". B. Sử dụng tiếng nói và chữ viết dân tộc sao cho thích hợp, hiệu quả. Quyết định của Phủ Thủ tướng số 153-CP, ngày 20/8/1969 quy định rõ: "Chữ dân tộc cần được sử dụng trong phạm vi và với mức độ sau: a) Trong việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá ở vùng người dân tộc đã có chữ viết riêng. Trong bổ túc văn hoá, nơi nào không biết hoặc ít biết tiếng phổ thông thì cho học xen kẽ chữ dân tộc với tiếng và chữ phổ thông ở các lớp cấp 1. Từ cấp II trở lên thì học hoàn toàn bằng tiếng Việt và chữ phổ thông. Nơi nào quần chúng muốn và có thể học thẳng tiếng và chữ viết phổ thông thì trong xoá nạn mù chữ cũng như trong bổ túc văn hoá nên dạy tiếng và chữ phổ thông, nhưng chú ý giảng bằng tiếng dân tộc để người học hiểu mau và chắc, đồng thời nên cho họ học thêm bộ vần chữ dân tộc để họ đọc được sách báo viết bằng chữ dân tộc. b) Các trường phổ thông trong vùng dân tộc có chữ viết phổ thông cần cho học sinh lớp vỡ lòng và cấp I học xen kẽ chữ dân tộc với tiếng và chữ phổ thông và chú ý cho học sinh làm quen với tiếng và chữ phổ thông càng sớm càng tốt. Ở cấp II và III, chủ yếu là dạy tiếng và chữ phổ thông, đồng thời có dạy môn ngữ văn dân tộc. 9
  10. c) Trên các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thông tin báo chí v.v... nên sử dụng rộng rãi tiếng và chữ dân tộc ở những nơi có đông đảo đồng bào dân tộc. d) Nhân dân các dân tộc thiểu số đã có chữ viết riêng thì có quyền dùng chữ dân tộc trong việc ghi sổ sách, viết thư và làm đơn từ gửi các cơ quan Nhà nước; ở những nơi mà hầu hết đồng bào thuộc một dân tộc, và cán bộ nhân dân đã biết chữ dân tộc thì công văn giấy tờ từ huyện xuống xã nên dùng chữ dân tộc". Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 53-CP, ngày 22/02/1980 đề ra nhiệm vụ cụ thể hơn: "Trong công tác thông tin, tuyên truyền và công tác văn hoá của Nhà nước ở vùng của đồng bào dân tộc thiểu số phải cố gắng kết hợp sử dụng tiếng, chữ dân tộc, giúp cho đồng bào tiếp thu được dễ dàng, nhanh chóng. Trong giao dịch thư tín và trong đơn từ quan hệ với các cơ quan Nhà nước đồng bào dân tộc thiểu số được dùng chữ viết dân tộc, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tốt những đơn từ đó". Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế–xã hội miền núi, số 525-TTg ngày 02/11/1993 viết: "Tiếp tục phát triển phát thanh và truyền hình ở miền núi và vùng dân tộc: hết năm 1995, hoàn chỉnh việc phủ sóng truyền hình cho các huyện. Nâng cao chất lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc.". C. Duy trì bảo vệ ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Trong bài Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam đăng trên tạp chí Ngôn ngữ, số 4 (năm 1999), Nguyễn Văn Lợi cho biết trong số 6.500 ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới, chỉ có chừng 300 đến 400 ngôn ngữ được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo, các ngôn ngữ còn lại hoặc chỉ được truyền lại ở một bộ phận nhỏ, hoặc không được truyền lại, đang nằm bên bờ của sự tiêu vong. Căn cứ vào sức sinh tồn, những điều kiện xã hội-ngôn ngữ học, ông chia các những nguy cấp ở Việt Nam thành 5 nhóm: Nhóm thứ nhất bao gồm các ngôn ngữ hầu như đã bị mất, hiện nay chỉ còn rất ít người sử dụng (trên dưới 10 người). Đó là các ngôn ngữ như: tiếng Cơlao đỏ ở Trùng Sán, Hoàng SuPhì (người Cơlao đỏ đã chuyển sang nói tiếng Quan Hoả); Tiếng Tống ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (người Tống hiện được xếp vào dân tộc Dao); Tiếng Thuỷ ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang (người Thuỷ cũng được coi là thuộc dân tộc Dao); Tiếng Ơđu ở Con Cuông, tỉnh Nghệ An (hầu hết người Ơđu chuyển sang nói tiếng Thái, Khơ mú, hiện chỉ còn vài người nhớ ngôn ngữ này); Tiếng Tu Dí (Bố Y) ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (người Tu Dí chuyển sang nói tiếng Quan Hoả). Nhóm thứ hai gồm các ngôn ngữ nguy cấp thực sự, hiện chỉ còn trên, dưới 100 người sử dụng. Đó là: tiếng Pu Péo, tiếng Cơlao Trắng ở Đồng Văn – Hà Giang; tiếng La Chí ở Hoàng Su Phì – Hà Giang; tiếng Laha ở Thuận Châu – Sơn La; tiếng Ta Mit ở Than Uyên – Lào Cai; tiếng Nùng Vẻn ở Hà Quảng – Cao Bằng ; tiếng Đan Lai, Li Hà, Tày Poong ở Con Cuông – Tân Kì – Nghệ An; tiếng Mã Liềng, Cọi (Krih) ở Hương Khê – Hà Tĩnh; tiếng Rục, Mày, Sách ở Tuyên Hoá – Quảng Bình; tiếng Arem ở Bố Trạch – Quảng Bình. Nhóm thứ ba gồm các ngôn ngữ có số người sử dụng trên dưới một ngàn người, phạm vi sử dụng tương đối hẹp, chủ yếu trong giao tiếp gia đình, có xu thế bị mất ở thế hệ trẻ, chịu áp lực rõ rệt từ các ngôn ngữ có vị thế cao hơn. Đó là các ngôn ngữ như Mảng, Kháng, Xinh Mun thuộc dòng Mon-Khmer và các ngôn ngữ thuộc họ Tạng Miến như: Cống, Sila, Xá Phó, Phù Lá, La Hủ. Nhóm thứ bốn gồm các ngôn ngữ có số lượng người sử dụng từ vài ngàn đến chục ngàn người, chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp gia đình thuộc mọi thế hệ, nhưng một bộ phận có xu thế thay 10
  11. bằng ngôn ngữ khác. Đó là tiếng Nà Mẻo ở Tràng Định tỉnh Lạng Sơn và Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang; tiếng Pà Thẻn ở Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang và ở Bắc Quang tỉnh Hà Giang; tiếng Lôlô ở Bảo Lộc tỉnh Cao Bằng và ở Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Nhóm thứ năm gồm các ngôn ngữ có từ một chục ngàn đến vài ba chục ngàn người sử dụng, vẫn được các thành viên trong cộng đồng sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và truyền lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, các ngôn ngữ này có xu thế dễ bị "hoà" vào các ngôn ngữ có vị thế cao hơn. Đó là các ngôn ngữ như Hà Nhì, Giáy, Khơ mú, Chơro, Churu, Pakô, Tà Ôi. Ngôn ngữ dân tộc là biểu hiện của bản sắc văn hoá dân tộc. Duy trì và bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc là duy trì và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, một công việc có ý nghĩa nhân bản sâu sắc, Nguyễn Văn Lợi viết: "Mất đi sự đa dạng ngôn ngữ cũng có nghĩa mất đi sự đa dạng về trí tuệ. Mỗi một ngôn ngữ là công cụ độc nhất vô nhị để phân tích, tổng hợp, tri nhận thế giới bên ngoài, tạo nên tri thức, sự đánh giá của cộng đồng người nói về thế giới. Chúng ta quý trọng và tìm mọi cách giữ gìn các nguồn gien quý của các loài sao la, bò xám, tê giác một sừng,... Ở Việt Nam, chúng ta cũng quý trọng và ra sức giữ gìn ngôn ngữ các dân tộc, những nguồn gien quý của kho tàng ngôn ngữ, văn hoá, văn minh nhân loại. Bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên là nhiệm vụ cấp bách; bảo vệ môi trường, sinh thái văn hoá cũng vô cùng quan trọng. Đối với loài người, các ngôn ngữ đều có giá trị nhân văn như nhau: Kho tàng các ngôn ngữ thế giới là tài sản quý báu của nhân loại" (Bài đã dẫn, trang 49). Quyết định của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, số 53-CP ngày 22/02/1980 viết: "Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước". Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển Kinh tế – Xã hội miền núi, số 525-TTg ngày 02/11/1993 cũng viết: "Tiếp tục duy trì từng bước phát triển nâng cao các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, khai thác và bảo tồn văn hoá lâu đời của cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống lành mạnh". Nghị quyết Trung ương V, khoá VIII của Đảng về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" khẳng định: "Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam... Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua lịch sử ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam". Như ta biết, muốn duy trì và bảo vệ ngôn ngữ, văn hoá dân tộc thì trước hết phải duy trì và bảo vệ chính những tộc người nói những ngôn ngữ đó. Vì vậy, vấn đề duy trì và bảo vệ ngôn ngữ văn hoá không thể tách rời vấn đề phát triển dân tộc mà muốn duy trì và phát triển dân tộc thì trước hết phải phát triển kinh tế. Trong bài "Tình hình một số ngôn ngữ dân tộc nguy cấp ở Việt Nam và những luận cứ chính sách đối với các ngôn ngữ ấy"(11) sau khi phân tích tình hình một số ngôn ngữ dân tộc được coi là nguy cấp, Trần Trí Dõi cho rằng: – "Việc thúc đẩy nền kinh tế–xã hội của các dân tộc và nhóm tộc người có ngôn ngữ bị suy giảm là một nhu cầu bức bách. Muốn cho tộc người Arem chẳng hạn không suy giảm dân số với tỉ lệ 1% năm, đó là vấn đề sản xuất, đó là vấn đề y tế v.v... mà cả cộng đồng phải giải quyết. Cũng vậy, muốn những người Ơđu có điều kiện duy trì tiếng mẹ đẻ của mình, cộng đồng nhỏ bé của họ hiện nay phải được phát triển, phát triển tới mức họ có nhu cầu dùng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày. 11
  12. – Phải nâng cao chất lượng tiếng mẹ đẻ của họ trong giao tiếp cộng đồng. Cách tốt nhất để làm được điều này là duy trì tiếng mẹ đẻ trong hoạt động văn hoá của cả dân tộc... Chính văn hoá truyền thống hay bản sắc văn hoá của các dân tộc là cái nền tốt nhất để lưu giữ ngôn ngữ của họ. Vì thế, để đảm bảo ngôn ngữ của các dân tộc có nguy cơ bị suy thoái không bị mai một, một công việc tốt nhất là khơi dậy và làm sống lại hoạt động văn hoá truyền thống của chính họ" (Sách đã dẫn, trang 98). Tại hội nghị quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc do UNESCO tổ chức tại Hà Nội, tháng 3/1993, các đại biểu đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam về bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số: – Cung cấp tài chính kịp thời cho chương trình quốc gia: "Kho tàng chung di sản văn hoá phi vật thể của các tộc người ở Việt Nam". – Ở cấp độ nhà nước, bảo vệ, giữ gìn, phát triển và khôi phục kho tàng văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Những lĩnh vực cần được tập trung chú ý là: khôi phục các lễ hội của các dân tộc thiểu số, thu thập với sự trợ giúp của các phương tiện kĩ thuật nghe nhìn tư liệu về âm nhạc, múa, văn hoá dân gian của các dân tộc. – Khôi phục lại việc dạy ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc mà đã bị ngừng trệ do chiến tranh, ở các trường trung học và tiểu học. – Dạy trẻ em dân tộc về lịch sử và văn minh của các tộc người. – Mở rộng các chương trình truyền thanh, truyền hình về văn hoá dân tộc thiểu số; tổ chức phát thanh bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. – Tiếp tục thu thập, bảo tồn và phổ biến các văn bản viết bằng chữ cổ của các dân tộc thiểu số. Rõ ràng, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số khác hẳn chính sách của bọn thực dân và những chính quyền thân Pháp, thân Mĩ trước đây. Như ta biết, thực dân Pháp khi cai trị nước ta, đã tạo chữ viết cho một số dân tộc ở Tây Nguyên như: chữ Ê Đê, chữ Ba Na, chữ Gia Rai,... Nhưng mục đích của thực dân Pháp là chia để trị, là đồng hoá các dân tộc ở Việt Nam phải theo Pháp cho nên chúng tổ chức dạy chữ dân tộc cho người dân tộc mà không cho họ học tiếng Việt, không cho học tiếng Việt nhưng lại bắt họ học tiếng Pháp. Chính quyền Ngô Đình Diệm thì ngược lại, buộc các dân tộc thiểu số học tiếng Việt mà không cho họ học tiếng của họ. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nghe theo lời Mĩ, đã tổ chức chế độ giáo dục song ngữ. Viện Ngôn ngữ học mùa hè (SIL(12)) đã tạo ra nhiều chữ viết theo mẫu tự La tinh cho các dân tộc thiểu số như: Gia Rai, Cơ Ho, Raglai, Mnông, Bru–Vân Kiều, Katu, Giẻ–Triêng, Tà Ôi, Mạ, Co, Chơro, Churu. Tuy nhiên, mục đích chính của Mĩ Thiệu là tuyên truyền chống cộng và truyền bá đạo Tin Lành. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là đúng và căn bản. Nó đã đáp ứng được các vấn đề dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điều bất cập. Nguyễn Như Ý trong bài Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, đã viết: "Các chủ trương của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ dân tộc thường chỉ dừng lại ở những tư tưởng, những luận điểm chung nhất, thiếu hẳn các kế hoạch, các chương trình mục tiêu và hệ thống các biện pháp cụ thể cùng các hình thức tổ chức thực hiện thích hợp với từng khu vực, từng dân tộc, đặc biệt là thiếu hẳn một đội ngũ cán bộ được chuẩn bị về kiến thức và phương pháp, sau cùng là một chế độ kiểm tra, đánh giá ở cấp Nhà nước, để triển khai".(13) Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Trần Trí Dõi rút ra là vấn đề giáo dục ngôn ngữ "phải được đặt trong nhu cầu lợi ích của người thụ hưởng nền giáo dục ấy. Chính nhu cầu lợi 12
  13. ích của người thụ hưởng giáo dục song ngữ nhiều khi là yếu tố quyết định chi phối hoạt động giáo dục song ngữ. Trong thực hiện giáo dục song ngữ, khi ngôn ngữ thứ hai là tiếng mẹ đẻ của người thụ hưởng thì lợi ích văn hoá là lợi ích nổi trội nhất. Nếu không nắm bắt đầy đủ lợi ích này để nhận biết đầy đủ tính đa dạng của mục đích thụ hưởng thì việc xây dựng một chương trình giáo dục ngôn ngữ sẽ ít khả năng thu được thành công".(14) Sau khi nghiên cứu thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía Bắc Việt Nam, Trần Trí Dõi đã đưa ra một số nhận xét đáng chú ý: "... tiếng Thái của người Thái ở Việt Nam là một ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số chứ không phải là một ngôn ngữ có chức năng ngôn ngữ quốc gia. Vì thế, sự phát triển đa dạng của nó theo từng phương ngữ là điều tất yếu và không ai có quyền ngăn cản nó. Do đó, việc thống nhất chữ viết trong sự đa dạng phương ngữ là một điều khó có thể trở thành hiện thực"(15). Ông viết tiếp: "... Khi bày tỏ ý kiến thể hiện mục đích tiếp nhận giáo dục tiếng mẹ đẻ, người Thái cho rằng họ học là để góp phần bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc... Bởi vì chỉ có chữ cổ truyền thống của người Thái mới là thứ văn tự thoả mãn đích thực vai trò đó. Chúng tôi nghĩ rằng, các kiểu chữ cổ truyền hiện có ở các Mường Thái, chỉ cần bổ sung thêm một vài chi tiết, sẽ là văn tự tốt nhất được sử dụng trong giáo dục tiếng mẹ đẻ của dân tộc Thái" (Sách dã dẫn, trang 231). Cuối cùng, ông kiến nghị: – Các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phải có kế hoạch từng bước ổn định, phát triển kinh tế–xã hội vùng dân tộc miền núi. – Thay vì lấy tiêu chí ngoại ngữ có tính hình thức để thăng ngạch cán bộ công chức, Nhà nước có thể coi trình độ sử dụng tiếng dân tộc nơi họ công tác làm chứng chỉ thay thế khi thực hiện công việc tổ chức này. Ngoài ra, cũng nên coi việc người cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số sử dụng được nhiều ngôn ngữ dân tộc khác nhau là một thành tích cần được khuyến khích trong hoạt động của họ. – Xây dựng một kế hoạch khả thi trong hoạt động giáo dục tiếng mẹ đẻ cho đồng bào dân tộc mà trước hết là chuẩn bị một đội ngũ giáo viên sẵn sàng đáp ứng cho công việc ấy. – Xây dựng một đề tài nghiên cứu để xác lập chủ thuyết khoa học cho vấn đề dạy tiếng mẹ đẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số. 2.3. Chính sách đối với tiếng Việt 1. Tuy là quốc gia đa dân tộc, nhưng người Kinh chiếm 85% dân số cả nước, các dân tộc ở Việt Nam lại vốn có truyền thống đoàn kết cùng nhau. Vì thế, sau khi giành được quyền độc lập dân tộc, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khẳng định ngay vị thế của tiếng Việt trong nước Việt Nam mới. Như ta biết, trước Cách mạng tháng Tám, tiếng Pháp giữ vị trí ngôn ngữ chính thức ở Việt Nam, được sử dụng trong hành chính, và giáo dục. Tiếng Việt tuy đã phát triển nhưng cũng chỉ được dùng trong báo chí, văn học nghệ thuật mà thôi. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tiếng Việt vươn lên vị thế của ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức của Việt Nam. Từ đây, tiếng Việt được sử dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của người Việt Nam, từ công văn, giấy tờ hành chính ở trung ương và địa phương đến giáo dục, văn hoá và khoa học, từ công sở, trường học đến toà án, quân đội đều sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt là, ngay từ đầu, các trường đại học đều dùng tiếng Việt để giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam ý thức rõ rằng "những nhu cầu về kinh tế sẽ tự quyết định ra một ngôn ngữ chung cho toàn quốc, ngôn ngữ mà đa số người vì lợi ích liên hệ mậu dịch sẽ thấy là có lợi nếu biết được ngôn ngữ đó"(16). Vì vậy, Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam rất thực tế trong lập pháp ngôn ngữ. Trong Hiến pháp của nước ta chưa hề sử dụng 13
  14. thuật ngữ ngôn ngữ quốc gia. Nhưng vị thế ấy của tiếng Việt được thể hiện ở những việc làm cụ thể sau: – Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc bằng tiếng Việt. – Điều thứ 18 trong Hiến pháp năm 1946 quy định: "Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ". – Sắc lệnh 19 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 08/9/1945, ra lệnh: "Việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ đó sẽ bị phạt tiền". – Sắc lệnh 20 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 08/9/1945 ra lệnh: "Trong toàn cõi Việt Nam, sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Trong hạn 6 tháng, làng nào và đô thị nào cũng phải có ít ra là một lớp học dạy ít nhất là 30 người". Không dùng thuật ngữ ngôn ngữ quốc gia, các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Quyết định của Hội đồng Chính phủ, số 53-CP ngày 22/02/1980 viết: "Tiếng và chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó là phương tiện giao lưu không thể thiếu được giữa các địa phương và các dân tộc trong cả nước, giúp cho các địa phương và các dân tộc có thể phát triển đồng đều các mặt kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật, v.v... tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc. Vì vậy, mọi người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và quyền lợi học tập và sử dụng tiếng và chữ viết phổ thông". Mặc dù sau cách mạng nhà nước chỉ đạo "tất cả các khoa học đều dạy bằng tiếng Việt", từ phổ thông đến đại học, nhưng về lập pháp ngôn ngữ thì Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (ngày 06/8/1991) mới quy định: "Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học". Thuật ngữ "ngôn ngữ chính thức" chỉ được dùng trong Luật giáo dục tiểu học ngày 10/12/1998: "Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường". 2. Xác lập vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt, Đảng và Nhà nước ta đồng thời chỉ ra phương hướng phát triển của tiếng Việt. Đó là dân chủ hoá, quần chúng hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thổi bùng niềm tự hào và tình yêu đối với tiếng Việt. Người viết ; "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng là đầu óc hay ỷ lại hay sao?"(17) Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã có nhiều cuộc vận động nhằm phát triển tiếng Việt. Trước hết, đó là cuộc vận động cải tiến chữ quốc ngữ. Đề cương văn hoá Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương coi cải tiến chữ quốc ngữ là "nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá Mác-xít Đông Dương và những nhà văn hoá Việt Nam". Tháng 9 năm 1960, Hội nghị về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã thành lập Ban nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề có nên cải tiến chữ Quốc ngữ hay không và nếu cải tiến thì cải tiến như thế nào vẫn còn đang được tranh luận. 14
  15. Thứ hai là cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ngay khi đang tiến hành cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, Nhà nước đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ ngày 07–10/02/1966. Ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là: – Giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta – Nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta – Giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,...). Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: "Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và với lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng"(18). Thứ ba là cuộc vận động chuẩn hoá tiếng Việt. Sau khi đất nước thống nhất, cuối năm 1979 đầu những năm 1980, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt và đã thành lập hai Hội đồng: Hội đồng chuẩn hoá chính tả do Giáo sư Phạm Huy Thông làm chủ tịch và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ do Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn làm chủ tịch. Kết quả là Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành ngày 01/7/1983. Trước đó, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục cũng đã thông qua Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục (ngày 30/11/1980). Trên cơ sở đó, ngày 05/3/1984, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra quyết định số 240-QĐ ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Để bảo vệ tiếng Việt, Nhà nước cũng có những văn bản nhằm uốn nắn những cách sử dụng tiếng Việt chưa hợp lí. Nghị định của Chính phủ số 194-CP ngày 31/12/1994 về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam quy định: – Tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo phải là tiếng nói và chữ viết Việt Nam, trừ các trường hợp: a) Những sách báo, ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng nước ngoài. b) Những chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng nước ngoài. c) Những nhãn hiệu hàng hoá viết tắt và viết bằng tiếng nước ngoài. Tên giao dịch quốc tế của các cơ sở sản xuất kinh doanh–dịch vụ đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Những từ ngữ đã được quốc tế hoá hoặc những từ ngữ mà tiếng Việt không thay thế được. d) Nếu dùng cả tiếng nói và chữ viết nước ngoài phải: – Viết chữ Việt Nam trước, phía trên, kích thước lớn hơn chữ nước ngoài. – Đọc tiếng Việt Nam trước, tiếng nước ngoài sau. Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, cho thuê xuất bản phẩm, hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng, quảng cáo, viết, đặt khẩu hiệu ban hành kèm theo Nghị định số 87-CP ngày 12/12/1995 có điều 29 như sau: "Biển hiệu được thể hiện dưới các hình thức bảng, biểu, hộp đèn, lưới đèn hoặc các hình thức khác. Trên biển hiệu phải ghi đầy đủ tên gọi bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền, không được viết tắt và phải có những nội dung chủ yếu theo quy định tại các điều 30, 31. Quy chế này cho từng loại biển hiệu. Đối với các tổ chức 15
  16. kinh tế muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam, màu sắc, ánh sáng không được nổi bật hơn chữ Việt Nam". 3. Xác lập vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt, Đảng và Nhà nước ta còn đề ra nhiệm vụ dạy và học tiếng Việt cho người Việt và người các dân tộc khác. Cùng ngày 8 tháng 2 năm 1945, ngoài hai sắc lệnh 19 và 20 đã nói ở trên, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn ra sắc lệnh số 17, thành lập Nha bình dân học vụ, chuyên lo việc học cho nhân dân, trực thuộc bộ giáo dục. Sau khi Luật phổ cập giáo dục tiểu học được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư số 14-GDĐT ngày 05/8/1997 hướng dẫn tiêu chuẩn và thể thức kiểm tra, đánh giá kết quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Theo UNESCO, nền giáo dục Việt Nam đã giúp cho trên 15,5 triệu người thoát nạn mù chữ. UNESCO đánh giá thành tựu này như sau: "Việc thanh toán được nạn mù chữ là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam. Đó là kết quả của các hành động, chính sách, chiến lược không ngừng cách mạng của cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam"(19). Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước Việt Nam còn quan tâm nhiều hơn nữa. Quyết định của Phủ thủ tướng số 153-CP ngày 20/8/1969 viết: "Tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều cần học và dùng tiếng, chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cả nước. Nhà nước cần ra sức giúp đỡ nhân dân các dân tộc thiểu số học biết nhanh tiếng, chữ phổ thông". Ngay khi mới thành lập (1956), ở Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có bộ phận chuyên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, sau đó phát triển thành Khoa tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng mở các Trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trên Đài truyền hình Việt Nam cũng đã có chương trình dạy tiếng Việt cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Như vậy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở trong nước cũng như Kiều bào ở xa Tổ quốc, cho đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng như người nước ngoài. 2.4. Chính sách đối với tiếng nước ngoài Sau Cách mạng tháng Tám, Nhà nước ta vẫn duy trì việc dạy và học tiếng Pháp, tiếng Anh, đồng thời đào tạo đội ngũ giáo viên để ngành giáo dục dạy tiếng Nga, tiếng Hán ở nhà trường. Năm 1968, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra chỉ thị 43-TTg và tiếp đó, năm 1972 lại ra quyết định 251-TTg về việc tăng cường công tác dạy–học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Nhà nước đã chính thức xác nhận ngoại ngữ là "một môn học phổ thông cơ bản trong hệ thống chương trình học của các trường phổ thông từ cấp 2 trở lên". Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của sự phát triển nền giáo dục phổ thông hiện đại. Theo Bùi Hiền, trên thế giới, người ta cho rằng "ngoại ngữ cùng với tiếng mẹ đẻ và toán học hợp thành ba môn trụ cột trong chương trình giáo dục phổ thông, bởi vì cả ba môn học này chẳng những tự nó có chức năng và nhiệm vụ trang bị cho học sinh những cơ sở khoa hoc, những tri thức cần thiết về các đối tượng nhận thức trong thế giới khách quan thuộc lĩnh vực chuyên ngành ấy, mà các môn học này còn là phương tiện, là công cụ rất quan trọng giúp cho học sinh đi sâu hơn, nắm chắc hơn các tri thức cơ sở của các chuyên ngành khác, giúp cho việc phát triển năng lực trí tuệ của học sinh được thuận lợi hơn. Thật vậy, với toán học và tiếng Việt ai cũng thấy trình độ hiểu biết về hai môn này càng sâu và càng rộng bao nhiêu thì khả năng tìm hiểu 16
  17. và khám phá để chiếm lĩnh nền tảng khoa học của các đối tượng tự nhiên và xã hội nói chung càng lớn bấy nhiêu, bởi vì chúng chính là những công cụ hàng đầu của nhận thức đối với thế giới. Còn ngoại ngữ, nghĩa là tiếng nói của những dân tộc khác (mà đó thường lại là những ngôn ngữ phát triển cao của các dân tộc có nền văn hoá lớn có những cống hiến vĩ đại cho nền văn hoá của cả nhân loại như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp,...) được xếp ngang hàng với tiếng mẹ đẻ và toán học,..."(20). Trước năm 1973, Nhà nước đã cho thành lập hai trường đại học để dạy ngoại ngữ và một trung tâm nghiên cứu việc dạy ngoại ngữ. Hiện nay, có các trường đại học ngoại ngữ là: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ quân sự, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh và nhiều khoa ngoại ngữ ở các trường đại học và cao đẳng khác. Nhà nước cũng cho phép nhiều trung tâm đào tạo tiếng của nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài hoạt động. Theo Trần Thị Lan(21), ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng tiếng Anh con số này cũng có tới vài chục có 100% vốn nước ngoài hoạt động (Hội Đồng Anh, ACET, Apollo, Language Link, v.v...). Không những tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hán được dạy với tư cách là ngoại ngữ mà nhiều thứ tiếng khác cũng đang được dạy ở các trường đại học và trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam, như: tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Italy, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Malayu, tiếng Indonesia, tiếng Thái Lan, thậm chí cả tiếng Arập nữa. Việc dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn: – Từ 1956 đến năm 1975: Ở miền Bắc, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc được dạy học phổ biến trong các trường cấp III và ở một số trường cấp II, tiếng Anh và tiếng Pháp cũng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhưng với quy mô nhỏ hơn; ở miền Nam, tiếng Anh và tiếng Pháp được dạy học trong các trường phổ thông, chủ yếu ở các thành phố lớn, tiếng Trung Quốc cũng được dạy nhưng với quy mô nhỏ. – Từ năm 1975 đến nay: Cả 4 thứ tiếng trên được dạy học ở trường Trung học cơ sở (cấp II) và trường Trung học phổ thông (cấp III) theo chương trình thống nhất trên phạm vi cả nước(22). Vị thế của tiếng Anh trên thế giới càng ngày càng được đề cao. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo David Crystal trong cuốn English as Global Language, số người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất là 337 triệu người, những người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai là 235 triệu. Còn theo Eddie Ronowiez và Collin Yallop trong cuốn English: One language, different cultures thì tổng số người nói tiếng Anh bản ngữ và không bản ngữ là khoảng hơn 2 tỉ người(23). Do nhu cầu giao lưu, hội nhập với thế giới, từ những năm 1985–1986 ở Việt Nam đã bùng lên phong trào học tiếng Anh. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị 422-TTg về đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ công chức chính phủ. Chương trình thí điểm được tiến hành trong hai năm tại Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nội Vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó được triển khai rộng rãi tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước dưới sự giám sát trực tiếp của Ban tổ chức chính quyền các tỉnh hoặc vụ đào tạo của các bộ (xem thêm: Trần Thị Lan, 2006). Hiện nay, Việt Nam có chương trình thi công chức: thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức, thi chuyên viên chính, thi chuyên viên cao cấp, trong đó ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là một trong ba môn thi. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải nghiên cứu kĩ nhu cầu sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay và tương lai, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể trong giáo dục ngoại ngữ. Cần căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế–xã hội của cả nước và đặc điểm khác nhau của các vùng miền mà điều chỉnh cơ cấu ngoại ngữ, tránh khuynh hướng chỉ dạy một ngoại ngữ. Với giáo dục phổ thông, 17
  18. nên chọn ngoại ngữ nào và bắt đầu cho học ngoại ngữ từ lớp mấy. Những vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; xây dựng chương trình, giáo trình; phương pháp kiểm tra đánh giá; phương án trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngoại ngữ; quy định về phân cấp quản lí việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ... cần phải nghiên cứu và triển khai thực hiện.Trong hệ thống giáo dục của nhà nước, từ phổ thông đến đại học phải sử dụng tiếng Việt làm phương tiện giảng dạy. Tuy nhiên, có thể dùng một ngoại ngữ nào đó để giảng dạy một số môn học hoặc chuyên đề trong một số loại lớp học, khoá học nào đó, nhưng có cần đưa vấn đề này vào Luật giáo dục hay không thì phải cân nhắc kĩ. ______________ (1) Nguyễn Tài Cẩn. Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục, H., 1998. (2) Nguyễn Thiện Giáp: Từ vựng tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, năm 1978, trang 110. Năm 1985, giáo trình này đã được sửa chữa, bổ sung và với tên mới là Từ vựng học tiếng Việt, được Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1985, Nxb Giáo dục tái bản các năm 1998, 1999, 2000, 2002, 2005. (3) Lê Xảo Bình & Vi Thụ Quan. Mối quan hệ giữa âm Hán Việt và phương ngữ tiếng Hán nhìn từ đặc điểm âm đầu. Tạp chí Ngôn ngữ, số 10/2005, trang 25–34. (4) Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Khoa mục chí. (bản dịch, tập 3). Nxb Sử học, H., 1961. (5) Phủ chúa Trịnh. (6) Tạp truyện là các truyện Nôm lục bát. Bỉ ngữ là tục ngữ ca dao (7) Dẫn theo Đinh Gia Khánh; Bùi Duy Tân & Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam thế kỉ thứ X–nửa đầu thế kỉ XVIII, (tập 2), Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, H., 1992, trang 35. (8) Dẫn theo Sơn tùng Hoàng Thúc Trâm: Quốc văn đời Tây Sơn, Nxb Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950. Tuy bức chiếu này còn lổn nhổn tiếng Việt và tiếng Hán, nhưng là một bằng chứng quý báu về văn bản đầu tiên dùng tiếng Việt trong công văn của nhà nước. Theo ngôn ngữ hiện đại thì, đây là: "Chiếu truyền cho thầy La Sơn Nguyễn Thiếp được biết. Ngày trước giao cho thầy về Nghệ An xem đất làm kinh đô cho kịp dịp này (ta) trở về. Sao về tới đó chưa thấy xong việc nhỉ? Cho nên (ta) hãy về kinh thành Phú Xuân cho quân lính nghỉ ngơi đã. Vậy (khi tiếp được) chiếu (này) ban xuống, thầy nên sớm cộng tác với Trấn Thủ Thận lo liệu việc đó, xem đất xây dựng kinh đô ở hành cung Phú Thạch (thì) sao cho phía sau gần núi, chính giữa (thì) ở lẫn với dân, hay là đâu là đất tốt có thể xây dựng kinh đô (thì) tuỳ con mắt đạo pháp của thầy định đoạt, sớm sớm làm cho chóng xong. Giao cho Trấn thủ Thận sớm dựng cung điện, trong vòng ba tháng phải xong, để (ta) tiện ngự về. Thầy chớ lơ là việc ấy. Kính vậy thay! (Nay xuống) chiếu đặc biệt. Ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (Thái Đức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc từ 1778 đến 1793). (9) Dẫn theo Nguyễn Phú Phong: Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2005, trang 58–59 (10) Nguyễn Kim Thản; Nguyễn Trọng Báu & Nguyễn Văn Tu. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb Khoa học Xã hội, 1982, trang 8. (11) Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 18
  19. (12) SIL: dạng tắt của Summer Institute of Linguistics, University of North Dakota – Vietnam Branch. (13) Viện Ngôn ngữ học. Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993, trang 30. (14) Trần Trí Dõi. Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, trang 56–57. (15) Trần Trí Dõi. Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía Bắc Việt Nam: Những kiến nghị và giải pháp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, trang 225. (16) Mác, Angghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, trang 95. (17) Hồ Chí Minh. Về công tác văn hoá văn nghệ. Nxb Sự thật, H., 1971, trang 60. (18) Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ. Nxb Văn học, H., 1973, trang 159. (19) Dẫn theo Joseph Lo Bianco: Viet Nam: Quoc ngu, Colonialism and Language Policy, in trong Language planning and policy: East Asian perspectives, Nxb Curzon, 2002 (bản dịch: Phạm Văn Lam) (20) Bùi Hiền. Phương pháp hiện đại dạy–học ngoại ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, trang 24. (21) Trần Thị Lan. Tổng quan về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và sơ lược tình hình giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam. In trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006 (22) Lê Anh Tâm. Dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4/2005. (23) Phan Văn Quế. Tiếng Anh có trở thành một ngôn ngữ toàn cầu?. Tài liệu Hội thảo khoa học Dùng tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ (ngôn ngữ giảng dạy) trong quá trình hội nhập. Viện Đại học Mở Hà Nội, 2005. Thư mục nghiên cứu 1. Đinh Lê Thư (chủ biên); Trần Thanh Pôn; Nguyễn Khắc Cảnh & Đinh Lư Giang. Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005. 2. Đoàn Thiện Thuật; Mai Ngọc Chừ. Tiếng Dao. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1991. 3. Đoàn Văn Phúc. Ngữ âm tiếng Ê Đê. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1996. 4. Đoàn Văn Phúc. Từ vựng các phương ngữ Ê Đê. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998. 5. Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo & Hoàng Chí. Ngữ pháp tiếng Tày Nùng. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1971. 6. Hoàng Văn Ma & Solnceva, N.V.. Tiếng La Ha, 1986 (bằng tiếng Nga). 7. Hoàng Văn Ma; Nguyễn Văn Tài & Hoàng Tuệ. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách ngôn ngữ. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1984. 8. Hoàng Văn Ma & Vũ Bá Hùng. Tiếng Pu Péo. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1992. 9. Hoàng Văn Ma & Tạ Văn Thông. Tiếng Bru Vân Kiều. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1998. 10. Joseph Lo Bianco. Viet Nam: Quoc Ngu, Colonialism and Language Policy, in trong Language planning and policy: East Asian perspectives. Nxb Curzon, 2002 (bản dịch của: Phạm Văn Lam). 11. Lê Quang Thiêm. Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/2000. 19
  20. 12. Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam; Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Viện Đại học mở Hà Nội. Tài liệu Hội thảo khoa học Dùng tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ (ngôn ngữ giảng dạy) trong quá trình hội nhập. Hà Nội, 2005. 13. Lý Toàn Thắng & Nguyễn Văn Lợi. Về sự phát triển của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thế kỉ XX. Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2001. 14. Nguyễn Hữu Hoành & Nguyễn Văn Lợi. Tiếng Ka Tu. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1998. 15. Nguyễn Kim Thản; Nguyễn Trọng Báu & Nguyễn Văn Tu. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1982. 16. Nguyễn Phú Phong. Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ, Xã hội. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2005. 17. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên); Đoàn Thiện Thuật & Nguyễn Minh Thuyết. Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1994 (tái bản lần thứ 10 năm 2004). 18. Nguyễn Văn Khang. Kế hoạch hoá ngôn ngữ – Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô. Nxb Khoa học Xã hội, H., 2003. 19. Nguyễn Văn Lợi. Sinh thái ngôn ngữ và sự phát triển xã hội. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1994. 20. Nguyễn Văn Lợi. Vị thế của tiếng Việt ở nước ta hiện nay. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1995. 21. Nguyễn Văn Lợi. Tộc danh của một số dân tộc Nam Trung Quốc và Đông Nam A. Vấn đề tên gọi Giao Chỉ, trong Việt Nam: Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Đại học ngoại ngữ Hà Nội, 1993. 22. Nguyễn Văn Lợi. Bảo tồn sự đa dạng văn hoá ngôn ngữ tộc người, Dân tộc và thời đại. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1999. 23. Nguyễn Văn Lợi. Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, Dân tộc học. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1999. 24. Nguyễn Văn Lợi. Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999. 25. Nguyễn Văn Lợi. Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/2000. 26. Trần Trí Dõi. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999. 27. Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, H., 2001. 28. Trần Trí Dõi. Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. 29. Trần Trí Dõi. Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía bắc Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. 30. Viện Ngôn ngữ học. Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993. 31. Viện Ngôn ngữ học. Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997. 32. Viện Ngôn ngữ học & Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh. Hoàng Tuệ. Tuyển tập ngôn ngữ học. Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2