Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu
lượt xem 16
download
Bài viết này trình bày tổng quan về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, rà soát các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, phân tích các cơ hội và thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về những ưu tiên trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu
- CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU PGS.TS. Hoàng Văn Cường TS. Vũ Thị Hoài Thu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh gia tăng về qui mô và tốc độ BĐKH trên toàn cầu, trong đó giảm nhẹ BĐKH được coi là cách bảo hiểm tốt nhất cho một tương lai không chắc chắn và thích ứng với BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và tận dụng các cơ hội có lợi từ BĐKH. Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và BĐKH. Trong bối cảnh các cam kết về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ năm 2020 và các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để ứng phó với BĐKH và các tác động của BĐKH phải đạt được vào năm 2030, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH để tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững đất nước. Bài viết này trình bày tổng quan về chính sách ứng phó với BĐKH, rà soát các chính sách ứng phó với BĐKH đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, phân tích các cơ hội và thách thức về ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong bối cảnh mới của BĐKH toàn cầu, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về những ưu tiên trong chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về Khí hậu, giảm nhẹ, thích ứng 1. Giới thiệu Các nghiên cứu gần đây về biến đổi khí hậu (BĐKH) củng cố thêm một thực tế là BĐKH là một trong những vấn đề nghiêm trọng và cấp bách nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Theo IPCC (2014), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,85°C trong giai đoạn 1880-2012; mực nước biển toàn cầu đã dâng 0,19m trong giai đoạn 1901-2010. IPCC (2014) dự đoán rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng từ 1,5-1,7°C vào năm 2100 so với giai đoạn 1850-1900 theo kịch bản phát thải thấp nhất và tăng từ 3,7-4,8°C vào năm 2100 theo kịch bản phát thải cao nhất. BĐKH đã, đang và sẽ gây ra các tác động ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới trên mọi phương diện, đòi 285
- hỏi tăng cường hơn nữa các hành động ứng phó khẩn cấp với BĐKH trên phạm vi toàn cầu. Những nỗ lực giải quyết BĐKH trên phạm vi toàn cầu trong hơn hai thập kỷ qua đã được thể hiện thông qua việc thực hiện các hiệp ước quốc tế về BĐKH mà gần đây nhất là Thỏa thuận Paris về Khí hậu, được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH - COP 21 tại Paris, Pháp năm 2015. Cũng trong năm 2015, 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs – Sustainable Development Goals) và 169 chỉ tiêu đã được thông qua để thế giới cùng nhau nỗ lực đạt được trong 15 năm tới (2016-2030), trong đó mục tiêu số 13 trong 17 SDGs là hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với BĐKH và những tác động của BĐKH. Thỏa thuận Paris về Khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới và được coi là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu cũng như là cách thức duy nhất để cứu Trái Đất. Trong bối cảnh mới của BĐKH toàn cầu, các quốc gia cần thể hiện quyết tâm, nỗ lực và tham vọng hơn nữa thông qua các cam kết chính trị và hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia. Thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, trong đó giảm nhẹ BĐKH được coi là cách bảo hiểm tốt nhất cho một tương lai không chắc chắn và thích ứng với BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và tận dụng các cơ hội có lợi từ BĐKH, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Trong báo cáo có tên “Global Risks” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào năm 2016, kết quả từ cuộc khảo sát 750 chuyên gia về dự đoán 29 rủi ro toàn cầu có thể xảy ra trong những năm tới đã chỉ ra rằng thất bại trong việc thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH (giảm nhẹ và thích ứng) là rủi ro đứng thứ 3 trong 10 rủi ro toàn cầu có khả năng xảy ra nhất và là rủi ro có tác động nghiêm trọng nhất đối với thế giới trong những năm tới (World Economic Forum, 2016). Do đó, việc thực hiện hiệu quả các chính sách BĐKH đóng vai trò rất quan trọng cho một tương lai an toàn và bền vững của thế giới. Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và BĐKH, đặc biệt là rét đậm và rét hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc, mưa lũ và ngập lụt ở miền Trung, hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016. Là một trong những quốc gia trên 286
- thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi những tác động bất lợi của BĐKH, Việt Nam đã có những cam kết chính trị và hành động mạnh mẽ ở cấp quốc tế và quốc gia nhằm ứng phó với những thách thức của BĐKH, được thể hiện thông qua việc xây dựng và thực hiện các luật, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến BĐKH. Trong bối cảnh các cam kết về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ năm 2020 và các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để ứng phó với BĐKH và các tác động của BĐKH phải đạt được vào năm 2030, những thách thức mới trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH để tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững đất nước. 2. Tổng quan về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu Ứng phó với BĐKH là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH (Điều 3, Điểm 26, Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam, được Quốc hội Khóa 13, kỳ họp thứ 7 thông qua vào ngày 23/06/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015). Nhìn chung, để ứng phó với BĐKH, thế giới đang thực hiện cùng một lúc hai chiến lược: giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH. Các thách thức đối với giảm nhẹ và thích ứng đều rất lớn. Tuy nhiên, những thách thức này có thể được giải quyết thông qua những biện pháp chủ động và phù hợp về khí hậu. Giảm nhẹ BĐKH là sự can thiệp của con người nhằm giảm thiểu các nguồn gây ra khí nhà kính hoặc tăng cường các bể hấp thụ khí nhà kính (IPCC, 2014). Nhìn chung, các chính sách giảm nhẹ BĐKH gồm 2 nhóm: (i) các chính sách giảm thiểu các nguồn gây ra khí nhà kính từ các ngành như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất, giao thông, thương mại,… chủ yếu bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các công nghệ mới nhằm làm cho nền kinh tế thế giới không bị gắn nhiều với các bon và các khí nhà kính khác và (ii) các chính sách tăng cường các bể hấp thụ khí nhà kính, chủ yếu từ các hoạt động sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp và từ các hệ sinh thái biển, ven biển và đại dương. 287
- Thích ứng với BĐKH là quá trình điều chỉnh của hệ thống tự nhiên hoặc con người trước BĐKH dự kiến hoặc thực tế và những tác động của BĐKH nhằm làm giảm hoặc tránh những tác động bất lợi và tận dụng các cơ hội có lợi do BĐKH mang lại (IPCC, 2014). Các chính sách thích ứng với BĐKH gồm 2 nhóm: (i) các chính sách giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương/ thiệt hại từ BĐKH (ví dụ như các chính sách về quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, bảo hiểm BĐKH, xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học,…) và (ii) các chính sách khai thác, tận dụng những cơ hội có lợi từ BĐKH (ví dụ như các chính sách phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh BĐKH). 3. Thực trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do vị trí địa lý và địa hình. Trong các loại thiên tai thì bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Trung bình mỗi năm Việt Nam phải gánh chịu từ 6-7 cơn bão; có 74 trận lũ đã xảy ra trong giai đoạn 1990-2010. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất và các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, 2015). Hầu hết dân số Việt Nam sinh sống ở các lưu vực sông, vùng đất thấp và khu vực ven biển nên hơn 70% dân số có nguy cơ gặp phải thiên tai (UNDP, 2012). BĐKH đang ngày càng được biểu hiện rõ nét ở Việt Nam. Trong 50 năm qua (1958-2007), nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 2-3oC; mực nước biển tại trạm Hòn Dáu đã dâng khoảng 20 cm; lượng mưa tính trung bình trên cả nước đã giảm khoảng 2%/năm; và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, đặc biệt là bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn và mùa bão kết thúc muộn hơn, các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại có xu hướng kéo dài (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012). Trong năm 2016, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Theo Báo cáo của Văn phòng chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016 là năm có nhiều thiên tai khá đặc biệt và xuất hiện nhiều kỷ lục về thiên tai, bao gồm: 288
- (i) Có 18 đợt gió mùa Đông Bắc và 05 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc. (ii) Hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử đã làm cho nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm mạnh so với nhiều năm qua, gây ra tình trạng hạn hán gay gắt tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đặc biệt ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. (iii) Từ tháng 11/2015 đến tháng 05/2016, mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy sông từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đầu mùa khô đã xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua, làm cho xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và lấn sâu hơn (trên 100 km ở khu vực sông Vàm Cỏ; 65km ở các cửa sông Tiền) so với cùng kỳ năm 2015. Xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt kỷ lục trong gần 90 năm trở lại đây. Nhiều tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trong giai đoạn này là Kiên Giang, Long n, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh. (iv) Từ tháng 6-12/2016, đã có 15 đợt lũ lớn trên các các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên gây ra lũ đặc biệt lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên. Trong bối cảnh BĐKH, thiên tai ngày càng gia tăng về qui mô và chu kỳ lặp lại đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 500 người chết và mất tích và hàng nghìn người bị thương do thiên tai. UNDP (2012) cho rằng thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 1,3-1,5% GDP mặc dù thiệt hại thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong năm 2016, thiên tai đã gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư. Theo Tổng cục Thống kê (2016), thiên tai đã làm 248 người chết và mất tích; 470 người bị thương; giá trị thiệt hại do thiên tai trong năm 2016 (chưa kể thiệt hại do tình trạng hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long) ước tính khoảng 18,3 nghìn tỷ đồng, trong đó một số địa phương bị thiệt hại nhiều là Quảng Bình (thiệt hại 2,9 nghìn tỷ đồng) và Thái Bình (thiệt hại 2,6 nghìn tỷ đồng). Dưới tác động của hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2016, có 18 tỉnh bị ảnh hưởng, khoảng 2 triệu 289
- người đã không được tiếp cận nước sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng, 180.000 người có nguy cơ bị nhiễm các bệnh do hạn hán và xâm nhập mặn, 27.500 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ mức trung bình đến cấp tính, 39.000 phụ nữ mang thai và cho con bú bị thiếu vi chất dinh dưỡng và 1,75 triệu người đã bị mất sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn quả, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) do hạn hán. Uớc tính thiệt hại kinh tế là 15,032 nghìn tỷ đồng (tương đương 674 triệu Đô la Mỹ hoặc khoảng 0.35% GDP của Việt Nam) (United Nations in Vietnam, 2016). Như vậy, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước tính khoảng 33,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,8% GDP. 4. Thực tiễn về xây dựng và thực hiện chính sách biến đổi khí hậu ở Việt Nam 4.1. Quan điểm và định hướng về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam Nhận thức được những mối nguy hại do BĐKH cũng như những thách thức và lợi ích của việc ứng phó với BĐKH một cách hệ thống trong công cuộc phát triển đất nước, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng và thực hiện một loạt cải cách về thể chế và chính sách liên quan đến BĐKH. Để giám sát và điều phối việc thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về BĐKH (năm 2012) và Hội đồng Tư vấn Quốc gia về BĐKH (năm 2015). Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các luật, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy con đường phát triển phát thải các bon thấp, giảm khả năng dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai và BĐKH, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đáng chú ý là Luật Phòng, chống thiên tai (năm 2013), luật Bảo vệ môi trường (2014), Nghị quyết 24/NQ- TW ngày 03/06/2013 về Ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược và Kế hoạch quốc gia lần thứ hai về quản lý và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001-2020, Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011 và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008, 2012). 290
- Trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH trên cả 2 phương diện giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH như đã được đề ra trong các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong những năm gần đây; đồng thời đã có những chính sách kịp thời và quyết liệt để giải quyết những thách thức mới về BĐKH ở trong nước cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế về BĐKH. Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 về Việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12/03/2016 về Việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Ngày 14/03/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu mới về ứng phó với BĐKH và góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh là một trong 21 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/08/2016. Đối với cam kết quốc tế về BĐKH, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia vào các quá trình đàm phán khí hậu quốc tế và xây dựng các chính sách về giảm nhẹ và thích ứng theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH vào năm 1994 và Nghị định thư Kyoto vào năm 2002. Việt Nam đã trình Thông báo Quốc gia lần thứ nhất (năm 2003) và lần thứ hai (năm 2010) cho Ban Thư ký của Công ước. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã trình Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR1) cho Ban Thư ký Công ước về tình hình kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam vào năm 2014. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các nhà tài trợ, các bộ/ngành liên quan xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (INDC) và nộp cho Ban Thư ký công ước vào năm 2015. Trong năm 2016, Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 với 5 nhiệm vụ chính là (i) giảm 291
- nhẹ phát thải khí nhà kính, (ii) thích ứng với BĐKH, (iii) chuẩn bị nguồn lực con người, công nghệ và tài chính, (iv) thiết lập hệ thống giám sát công khai và minh bạch, và (v) xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về BĐKH. Chiến lược quốc gia về BĐKH (năm 2011) thể hiện quan điểm Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn; ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các bon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia; tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm. Đi kèm với Chiến lược là Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020 được ban hành năm 2012. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 với quan điểm cho rằng tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 được ban hành năm 2014 để thực hiện Chiến lược. Ngoài ra, Chiến lược và Kế hoạch Quốc gia lần thứ hai về Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001-2020 cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát thải các bon thấp và có khả năng chống chịu với BĐKH. Nhiều chương trình và sáng kiến khác cũng được ban hành để hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015, Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (gọi tắt là Chương trình REDD+) giai đoạn 2011-2020, Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. 292
- 4.2. Chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam Nhận thức được tính chất tiềm tàng, tác động lâu dài và trên diện rộng của BĐKH, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện đồng thời các chính sách giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH bằng cách chú trọng lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH vào chiến lược, kế hoạch và các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cấp quốc gia, ngành và địa phương để phát triển bền vững đất nước. 4.2.1. Chính sách giảm nhẹ Mặc dù là nước phát thải thấp khí nhà kính, chỉ chiếm 0,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thế giới, nhưng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm khí nhà kính, được thể hiện ở một số chính sách sau: Thứ nhất, thực hiện các hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA-Nationally ppropriate Mitigation ctions). Đây là cơ chế giảm phát thải khí nhà kính đối với các nước đang phát triển được hình thành tại Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 13) tại Bali, Indonesia và được nêu trong Kế hoạch hành động Bali. Nhằm thúc đẩy N M tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1775/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ cácbon ra thị trường thế giới. Một số đề xuất N M trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải đã được xây dựng. Thứ hai, thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM-Clean Development Mechanism). Tính đến tháng 6 năm 2015, Việt Nam có 254 dự án CDM được Ban Chấp hành Quốc tế về CDM (EB) công nhận. Trên thế giới, Việt Nam xếp thứ tư về số lượng dự án CDM với tổng lượng khí nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e) trong thời kỳ tín dụng. Trong tổng số 254 dự án CDM, các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái trồng rừng chiếm 0,4% và các dự án khác chiếm 1,8%. Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER-Certified Emission Reduction) được EB cấp đến nay là trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015). Thứ ba, thực hiện cơ chế tín chỉ chung (JCM-Joint Credit Mechanism) – một cơ chế hợp tác song phương nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ 293
- tầng phát thải các bon thấp, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập JCM, trong đó tiềm năng giảm phát thải của 28 dự án JCM trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, quản lý chất thải và lâm nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu khả thi ước tính là khoảng 10 triệu tấn CO2 tương đương/năm. Thứ tư, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng. UN-REDD (United Nations-Reduction of Emission from Deforestation and Degradation) là Chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển. Với những nỗ lực lớn trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, Việt Nam được lựa chọn là một trong những nước đối tác UN-REDD trong giai đoạn 2009-2012 và giai đoạn 2013–2015. Chương trình UN-REDD là trụ cột chính trong kế hoạch giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam vào năm 2020. 4.2.2. Chính sách thích ứng Việt Nam xác định thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm trước những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài. Nhiều hoạt động có liên quan đến thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai đã và đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Chính sách thích ứng theo ngành được tập trung đặc biệt vào các ngành nhạy cảm với biến đổi khí hậu như tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế và sức khỏe trên 3 khía cạnh chính: xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng và triển khai các hoạt động thích ứng cụ thể và hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ việc thích ứng. Chính sách thích ứng theo vùng và địa phương được tập trung vào những vùng địa lý dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu theo các thứ tự ưu tiên là: vùng ven biển, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng núi và cao nguyên. Mặc dù Việt Nam đã rất chủ động và nỗ lực thực hiện các biện pháp thích ứng với BĐKH nhưng những thiếu hụt về năng lực và nguồn lực để thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH là thách thức lớn đối với Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015). 294
- 5. Bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu và cơ hội và thách thức trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam 5.1. Bối cảnh mới của biến đổi khí hậu toàn cầu Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và BĐKH, tháng 9 năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua và kêu gọi thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu để thế giới cùng nhau nỗ lực đạt được trong 15 năm tới (2016-2030). Các mục tiêu phát triển bền vững nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tăng trưởng không đi kèm với sự cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và gia tăng BĐKH. Mục tiêu số 13 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững là hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với BĐKH và những tác động của BĐKH, bao gồm nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với các thảm họa liên quan đến khí hậu và các thảm họa tự nhiên ở tất cả các quốc gia; lồng ghép các giải pháp/thước đo về BĐKH vào các chính sách, chiến lược và kế hoạch quốc gia; cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực con người cũng như năng lực thể chế về thích ứng, giảm nhẹ và cảnh báo sớm BĐKH (United Nations, 2015). Tại COP 21/CMP11 diễn ra tại Paris (Pháp), đại diện của 195 quốc gia tham dự đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris về Khí hậu (The Paris greement). Thỏa thuận Paris bao gồm 29 Điều tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH áp dụng cho tất cả các quốc gia và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Về giảm nhẹ BĐKH, 195 quốc gia thành viên của UNFCCC đã nhất trí hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ 21 không quá 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp và các quốc gia nỗ lực theo đuổi mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ 21 không quá 1,5oC. Về thích ứng với BĐKH, các quốc gia cần tăng cường năng lực thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH và thúc đẩy con đường phát triển phát thải thấp khí nhà kính và chống chịu cao với khí hậu theo cách thức không đe dọa đến sản xuất lương thực. Về trách nhiệm của các quốc gia, Thỏa thuận Paris được xây dựng dựa trên nền tảng tất cả các quốc gia cùng cam kết thực hiện với nỗ lực cao nhất trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu; nhưng các quốc gia phát triển phải đóng vai trò dẫn đầu trong việc cắt giảm khí nhà kính nhằm giảm nhẹ BĐKH; đồng thời cung 295
- cấp tài chính để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang mô hình phát triển phát thải các bon thấp cũng như tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH (UNFCCC, 2015). Thỏa thuận Paris về Khí hậu đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng phát thải khí nhà kính và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử thương thảo quốc tế về BĐKH đã đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với BĐKH với mục tiêu tham vọng nhất trong lịch sự; đồng thời mang lại cơ hội thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để hướng đến mô hình phát triển phát thải thấp các bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu. Như vậy, Thỏa thuận Paris về Khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới và được coi là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu cũng như là cách thức duy nhất để cứu Trái Đất. Trong bối cảnh này, các quốc gia cần thể hiện quyết tâm, nỗ lực và tham vọng hơn nữa thông qua các cam kết chính trị và hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia. 5.2. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam Việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Khí hậu và mục tiêu ứng phó với BĐKH trong các mục tiêu phát triển bền vững mang lại một số cơ hội cho Việt Nam, cụ thể là: chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng phát thải các bon thấp và thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực thích ứng trước những tác động bất lợi của BĐKH và tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế để tăng cường nguồn lực và năng lực ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức phải giải quyết trong thời gian tới để đáp ứng đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu và mục tiêu ứng phó với BĐKH trong các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm các thách thức như: thể chế và chính sách liên quan đến BĐKH cấp quốc tế và quốc gia chưa được hoàn thiện đầy đủ; nguồn lực (nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ) trong nước cho công tác ứng phó với BĐKH còn hạn chế. 6. Kết luận và một số khuyến nghị BĐKH được dự đoán sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và ngày càng gia tăng và tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012) dự báo rằng, theo kịch bản phát thải trung bình, 296
- đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ỏ Việt Nam sẽ tăng từ 2-3oC; lượng mưa tăng từ 2-7%; nước biển dâng từ 57-73cm. D R International (2012) chỉ ra rằng, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP và nếu Việt Nam không có các giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. Bên cạnh đó, các cam kết quốc tế về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu sẽ được thực hiện từ sau năm 2020 và các. Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu hành động khẩn cấp để ứng phó với BĐKH và các tác động của BĐKH, phải đạt được vào năm 2030. Trước những thách thức mới trong cuộc chiến chống BĐKH, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các chính sách ứng phó với BĐKH trong thời gian tới để tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp với thực tiễn trong nước; đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững đất nước. Thứ nhất, chính sách giảm nhẹ BĐKH nên tập trung vào hai lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn ở Việt Nam là năng lượng và lâm nghiệp. Sau khi Thỏa thuận Paris về Khí hậu được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH - COP 21 tại Paris, Pháp vào năm 2015, các quốc gia tham dự COP 22 tại Maraket, Ma rốc vào năm 2016 đã nhất trí theo đuổi con đường phát triển phát thải các bon thấp và có khả năng chống chịu cao trước những tác động của BĐKH (Low Carbon and Climate Resilience Development Pathways) để biến những cam kết của Thỏa thuận Paris thành hiện thực. Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,6% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới nhưng tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên 103,8 triệu tấn CO2e vào năm 1994 lên 150,9 triệu tấn CO2e vào năm 2000 và 246,8 triệu tấn CO2e vào năm 2010 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2014). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn trong tương lai, tốc độ gia tăng phát thải của Việt Nam nằm trong số những nước cao nhất trên thế giới và cường độ các bon trên GDP của Việt Nam hiện đang đứng thứ hai trong khu vực, sau Trung Quốc. Khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực từ sau năm 2020, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có trách nhiệm giảm nhẹ BĐKH bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021-2030, trong đó đến năm 2030 sẽ giảm 8% 297
- lượng khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và sẽ giảm 25% nếu có sự hỗ trợ quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015). Do đó, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp các bon. Đối với giảm nhẹ BĐKH, Việt Nam nên đặt ưu tiên vào lĩnh vực năng lượng và lâm nghiệp vì hai lĩnh vực này có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và hấp thụ các bon lớn nhất. Đối với lĩnh vực năng lượng, cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cần thực hiện các chính sách quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các bon và dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân phụ thuộc vào rừng. Thứ hai, chính sách thích ứng với BĐKH nên tập trung vào các vùng, ngành, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH. Thỏa thuận Paris về Khí hậu cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng thích ứng trước những tác động bất lợi của BĐKH của các quốc gia dễ bị tổn thương, đặc biệt là các nước đang phát triển và các quốc gia đảo nhỏ và kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển trong các hoạt động thích ứng với BĐKH. Việt Nam đóng góp rất ít vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn bởi BĐKH. Nếu đánh giá theo Chỉ số dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH(CCVI - Climate Change Vulnerability Index), Việt Nam xếp thứ 23 trong số 193 quốc gia và được xếp vào nhóm 30 quốc gia cực kỳ rủi ro trước tác động của BĐKH (UNDP, 2012). Do vậy, thích ứng với BĐKH trở thành vấn đề bức thiết trước mắt và lâu dài ở Việt Nam. Tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động bất lợi của BĐKH đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam cần xây dựng kế hoạch thích ứng quốc gia với những hành động cụ thể của các bộ, ngành và lộ trình thực hiện nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, đặc biệt chú trọng vào các ngành dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH (như nông, lâm-thủy sản), các vùng dễ bị tổn thương 298
- trước tác động của BĐKH (như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, khu vực ven biển miền Trung) và các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH (người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật). Xây dựng và tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH ở cấp quốc gia, ngành, địa phương, cộng đồng và của từng cá nhân trong xã hội đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là tăng cường các nguồn lực (nhân lực, tài chính và công nghệ) để thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH. Thứ ba, xây dựng khung pháp lý và thể chế thống nhất về ứng phó với BĐKH. Các nội dung liên quan đến ứng phó với BĐKH hiện nay đang được đề cập trong rất nhiều luật, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và được thực hiện bởi các Bộ do Chính phủ chỉ định, theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về ứng phó với BĐKH và Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về tăng trưởng xanh. Nhìn chung, các vấn đề về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đều được lồng ghép vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia/ngành/địa phương nhằm hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự chồng chéo về nội dung liên quan đến ứng phó với BĐKH giữa các luật, chiến lược và kế hoạch hành động đã dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết các vấn đề BĐKH. Trong bối cảnh Thỏa thuận Paris về khí hậu sẽ được áp dụng từ sau năm 2020, Việt Nam cần rà soát các cơ chế, chính sách trong nước về BĐKH trên cơ sở các nội dung của Thỏa thuận Paris về Khí hậu, từ đó sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp với những quy định mới ở cấp toàn cầu, ví dụ như luật hóa những quy định mang tính ràng buộc pháp lý của Thỏa thuận Paris vào hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam thông qua việc xây dựng Luật BĐKH để trở thành khung pháp lý thống nhất về ứng phó với BĐKH. Trên cơ sở khung pháp lý đó, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ/ngành để giải quyết các vấn đề BĐKH cũng như cải thiện sự phối hợp giữa các bộ/ngành trong các hoạt động ứng phó với BĐKH. Thứ tư, đẩy mạnh liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt là thích ứng với BĐKH. Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và BĐKH, phát triển liên kết vùng ngày càng trở 299
- nên cấp thiết. Liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lợi thế kinh tế theo quy mô, phân bổ nguồn lực tối ưu trên phạm vi vùng, phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng và cân đối lợi ích giữa các tỉnh, phát triển các ngành kinh tế đồng bộ và toàn diện theo hướng chất lượng, bền vững, bảo vệ môi trường và đặc biệt là thích ứng với BĐKH. Ngày 06/04/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/2016/QĐ-TTg về thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020. Với đặc điểm là những ảnh hưởng của BĐKH đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm ảnh hưởng đến tài nguyên đất, tài nguyên nước, trồng trọt và an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng nông thôn) xảy ra trên diện rộng và mang tính liên vùng, hợp tác liên vùng trong ứng phó với BĐKH ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là giải pháp hiệu quả nhằm chia sẻ trách nhiệm và tiết kiệm nguồn lực trong ứng phó với BĐKH. Để thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam nói chung và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hoặc Đồng bằng sông Hồng nói riêng, cần xây dựng khung pháp lý, thể chế và các chính sách thúc đẩy liên kết vùng về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH (hệ thống đường giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai), các chính sách phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH và các chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững, Báo cáo tháng 4/2015. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012), Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội. 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014), Báo cáo cập nhật hai năm một lần, lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu, Nhà Xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ, Hà Nội. 4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. 5. DARA International (2012), Climate Vulnerability Monitor: Findings and Observations. 300
- 6. IPCC (2014), Climate Change 2014: Synthesis Report. Summary for Policymakers. An Assessment of the Intergovernmental Panel on Climate Change. 7. Tổng cục Thống kê (2016), Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016. 8. UNDP (2012), Sustainable Poverty Reduction and Natural Disaster Risk Management in the Central Coast Region: Lessons Learned and Policy Implications. UN Issues Paper, Vietnam. 9. United Nations in Vietnam (2016), Viet Nam: Drought and Saltwater Intrusion Situation Report No. 7. 10. UNFCCC (2015), Adoption of the Paris Aggreement, Conference of the Parties, Twenty-first session, Paris, 30 November to 11 December 2015. 11. United Nations (2015), Transforming our world: The 2030 Agenda for Sustainable Development. United Nations General Assembly, New York, 2015. 12. Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (2015), Báo cáo tóm tắt phục vụ các nhà hoạch định chính sách, trong Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, Nhà Xuất bản Tài Nguyên Môi trường và Bản đồ, Hà Nội, 2015. 13. World Economic Forum (2016), The Global Risks Report, 11th Edition, retrieved on 25 Sep 2016, from < http://www3.weforum.org/docs/Media/TheGlobalRisksReport2016.pdf>. 301
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam
18 p | 76 | 9
-
Tác động của biến đổi khí hậu đến tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam và một ố gợi ý chính sách
8 p | 87 | 7
-
Bình đẳng giới và biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Phần 2
54 p | 15 | 5
-
Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó của ngành Lao động - Thương binh và xã hội giai đoạn đến 2030
4 p | 38 | 4
-
Chính sách về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
10 p | 10 | 4
-
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới
9 p | 23 | 4
-
Huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
5 p | 12 | 3
-
Đánh giá bước đầu một số chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam
18 p | 26 | 3
-
Nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu của doanh nghiệp tư nhân
7 p | 60 | 3
-
Sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện chính sách ứng phó biến đổi khí hậu ở thành phố Hồ Chí Minh
10 p | 55 | 3
-
Một số giải pháp tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu
4 p | 127 | 3
-
Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng tự trị Ca-ta-lo-ni-a, Tây Ban Nha
4 p | 50 | 2
-
Các giải pháp chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở một số nước Đông Bắc Á
9 p | 139 | 2
-
Thách thức và cơ hội kinh tế của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp: Gợi ý chính sách cho Việt Nam
5 p | 82 | 2
-
Thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Yên Bái
9 p | 7 | 2
-
Cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
6 p | 77 | 1
-
Biến đổi khí hậu trong xu thế sử dụng tài nguyên. Bất cập và một số gợi suy về thực thi chính sách ứng phó ở nước ta
13 p | 52 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn