CHƯƠNG CHÍN GIÁO SĨ DÒNG ĐA MINH ESPANHA
lượt xem 12
download
Một trong những giáo sĩ được đề cập trước nhất trong những trang sử đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam là cha Gaspar de Santa Cruz thuộc dòng Đa Minh, người Portugal. Cha đến miền nam Việt Nam vào năm 1550 và giảng đạo tại Hà Tiên. 1 Hai tu sĩ khác dòng Đa Minh, cha Lopez Cardoso và cha Sylvestre d’ Azevedo đến Cao Mên giảng đạo và bị trục xuất 10 năm sau. Dưới đời Lê Thế Tông (1578-1599), hai cha dòng Đa Minh Louis de Fonseca người Portugal và Grégoire De La Motte người Pháp, thuộc...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: CHƯƠNG CHÍN GIÁO SĨ DÒNG ĐA MINH ESPANHA
- CHƯƠNG CHÍN GIÁO SĨ DÒNG ĐA MINH ESPANHA (1676-1773) I. CÁC THỪA SAI PHÁP LIÊN LẠC VỚI DÒNG ĐA MINH ESPANHA Một trong những giáo sĩ được đề cập trước nhất trong những trang sử đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam là cha Gaspar de Santa Cruz thuộc dòng Đa Minh, người Portugal. Cha đến miền nam Việt Nam vào năm 1550 và giảng đạo tại Hà Tiên.1 Hai tu sĩ khác dòng Đa Minh, cha Lopez Cardoso và cha Sylvestre d’ Azevedo đến Cao Mên giảng đạo và bị trục xuất 10 năm sau. Dưới đời Lê Thế Tông (1578-1599), hai cha dòng Đa Minh Louis de Fonseca người Portugal và Grégoire De La Motte người Pháp, thuộc tỉnh dòng Santa Cruz đến Việt Nam năm 1580 và truyền giáo tại vùng Quảng Nam. Hai cha bị vua Chiêm Thành bắt đem về Chà Bàn (gần Qui Nhơn), và tử đạo năm 1588. Năm 1631 vua Cao Mên cấm người dân theo đạo nên Cha Bề Trên Tỉnh Dòng triệu hồi tất cả các cha về Manila. Năm 1659, Giám mục Lambert De la Motte gửi hai linh mục bản xứ vừa được thụ phong sang học tiếng Hoa tại Manila, và thay mặt cha thân mời các tu sĩ dòng Đa Minh tới truyền giáo tại Việt Nam, hiệp lực với các thừa sai Pháp.2 Cha Felice Pardo, bề trên tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi chỉ định 6 tu sĩ lên đường sang Việt Nam. Nhưng chính phủ Espanha lại không chấp nhận với lý do là không muốn đụng chạm tới ảnh hưởng và quyền lợi của Portugal tại Việt Nam. Cũng trong lúc đó, tàu Giám mục Pallu bị một cơn bão đánh dạt vào Philippines. Cha đích thân yêu cầu dòng Đa Minh gởi thừa sai sang truyền giáo tại Việt Nam.3 Trước lời khẩn khoản của hai vị Giám Mục, và theo sắc lệnh của Giáo Tông Urbano IV cho phép các tu sĩ dòng Đa Minh giảng đạo trong khắp vùng Á Đông, cha Pardo lén lút gởi hai cha Juan De Santa Cruz và Juan Arjorna lên một chiếc tàu Trung Hoa, cập bến tại Batavia, rồi lại dùng một chiếc tàu Anh Quốc đến Việt Nam. Cuộc hải trình đầy khó khăn nguy hiểm, nhưng cuối cùng hai cha đến Trung Linh, tỉnh Nam Định. Trong thời gian đó, cơn bách hại Công giáo đang tái diễn gắt gao trên cả miền Bắc. Nhiều giáo dân bị bắt, bị phạt tiền hay chịu đánh đòn. Hai cha Deydier và De Bourges bị án trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng được lưu lại dựa vào uy tín và quyền lực của nước Pháp mà hai cha trước kia đã trình bày cho Trịnh Tạc nghe là một cường quốc mạnh nhất Âu Châu.4 Khi đến nơi, các tu sĩ Đa Minh rất bỡ ngỡ khi phải dưới thẩm quyền của Giám mục Pháp. Các cha liền có ác cảm vì ngoài việc cấm đạo đang hoành hành khắp miền Bắc, còn có sự bất đồng ý kiến của các cha dòng Tên với các thừa sai Pháp. Hai cha Đa Minh lập tức muốn quay về lại Manila nhưng vì cha Deydier và cha De Bourges nài xin nên hai cha miễn cưỡng ở lại, với 1 Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt Nam I (Sài Gòn, 1993), trg 15 f11 trích từ Monumenta historica Societatis Jesu. Chronicon Polanci V, trg 723. 2 Gispert, Historia de las Misiones Dominicanas en Tungkin (Avila, 1928), trg 13. 3 V. Salazar, Historia de la Provincia del Rosario de Filipinas (Manila), trg 70, 73. - Bùi Đức Sinh, op. cit., trg 35-36. - Marillier, Nos pères dans la Foi 1 (Paris, 1995), trg 273 ghi Pallu không yêu cầu dòng Đa Minh gởi thừa sai qua Việt Nam lúc ông đến Manila. 4 Chappoulie, Aux Origines d’une Église I (Paris, 1948), trg 362-363. - Marillier, op. cit., trg 273.
- điều kiện là phải tôn trọng những quyền lợi riêng của dòng Đa Minh, và xem sắc lệnh Speculatores của Giáo Tông Clément IX như là không có.5 Ngày 7-7-1676, cha chính Deydier gửi hai cha Đa Minh tới Hưng Yên, và ngày 10-11- 1677 lại di chuyển đến một vùng trong tỉnh Nam Định. Tháng 8 năm 1677, cha Donisio Moralès đến trợ lực với hai cha trong công cuộc truyền giáo ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định. Chẳng bao lâu sau đó, cha Deydier có những thái độ và yêu sách trái lại những gì thỏa thuận trước kia, ba cha muốn rời bỏ Việt Nam. Ba cha yêu cầu Giám mục Louis de Laneau chính tay ký vào tờ ban đặc ân theo ý mình. Giáo Tông Innocente XI vào năm 1679, phân chia ranh giới vùng hoạt động cho dòng Đa Minh ở giáo phận Đông Bắc thuộc tả ngạn sông Hồng. Ngày 20-8-1679, ba cha trở lại Đàng Ngoài. Như vậy, Đàng Ngoài gồm hai giáo phận: Giáo phận Đông Đàng Ngoài dưới quyền giám mục Deydier, và Tây Đàng Ngoài dưới quyền giám mục De Bourges. Năm 1680, hai cha Deydier và De Bourges tuy đã được cử làm Giám Mục nhưng chưa được tấn phong, và vẫn tiếp tục bắt các tu sĩ dòng Đa Minh phải làm việc theo đường lối của mình, đối nghịch với những đặc quyền mà Toà Thánh ban cho Dòng Đa Minh. Rốt cuộc các giáo sĩ Đa Minh rời bỏ Việt Nam, chỉ trừ cha Santa Cruz lưu lại Trung Linh. Lúc tới Phố Hiến các cha bị lộ diện và bị triều đình bắt. Cũng trong lúc đó, Thánh Bộ Truyền Giáo gởi đến Việt Nam một cha dòng Đa Minh thuộc tu viện Thánh Sabina ở Rôma, cha Raimundo Lezoli6 người Ý. Ông giả dạng là một y sĩ trên một chiếc tàu Pháp, và mang theo sắc lệnh của Tòa Thánh, phong chức cho hai cha Deydier và De Bourges làm giám mục. Lúc tới Việt Nam, việc đầu tiên của cha là theo hai tân giám mục tới Ayuthia, nơi hai vị được tấn phong. Mấy tháng sau, trở về lại Phố Hiến, cha Lezoli đặt mình dưới quyền Santa Cruz, và cộng lực coi sóc miền Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Thanh Quang và Vũ Tiên. Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng con cái Thánh Đa Minh, vẫn tiếp tục thực hiện công cuộc truyền giáo tốt đẹp. Năm 1690 trong bức thư gởi cho các vị Bề Trên dòng ở Manila, cha Santa Cruz đề cập đến những con số khiêm nhường dưới sự cai quản của mình: 70 nhà thờ, 18,000 bổn đạo và mỗi ngày hàng trăm người đến xin gia nhập đạo. Vì công việc ngày càng tiến triển mạnh mẽ, cha Santa Cruz xin gởi thêm giáo sĩ đến Việt Nam. Giáo sĩ Antonio Berain và Tomas De Gorrichategui đến năm 1693. Danh tiếng của cha Berain lừng lẫy đến nỗi người Lào cũng xin Cha sang giảng đạọ. Cha lên đường, nhưng trên cuộc hành trình, cha lâm bệnh sốt rét và qua đời tại Kẻ Trấn.7 Năm 1694, từ Philippines, hai cha Pedro De Santa Teresa và Francisco Lopez đến Bắc 8 Việt. Đến cửa sông Menam, chiếc tàu gặp bão và hai cha được Giám mục Laneau cho tạm trú ở Ayuthia. Tháng 8 năm 1696, sau khi Giám mục Laneau từ trần, các cha lên đường vào Bắc Việt, rồi trốn tránh nay đây mai đó trong tỉnh Hưng Yên trong suốt 6 tháng trời. Thấy tình thế không cho phép hoạt động tông đồ, hai cha định rời Việt Nam, thì may thay cha Santa Cruz hay tin, đưa thuyền đến đón và đưa về trốn tại Kẻ Sặt.9 Mãi đến 1697, thấy cơn bách hại có phần giảm bớt, 5 Sắc lệnh Speculatores ra ngày 13-9-1669 quyết định về những mối bang giao giữa tu sĩ thừa sai với các giám mục, truyền cho các tu sĩ phải vâng phục các giám mục trong công việc truyền giáo, không được xây cất nhà thờ ở những nơi đã có linh mục hay tu sĩ đảm trách, không được nhận lời khấn của các thầy giảng, v.v. 6 Gispert, op. cit., trg 114. 7 Ibid, trg 124. 8 Ibid, 131. 9 Tỉnh Hải Dương.
- các cha Santa Cruz, Lezoli, Santa Teresa và Lopez mới trở về trụ sở của mình để hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn phải ẩn núp trốn tránh như thường. II. GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG NGOÀI ĐỨC CHA RAYMUNDO LEZOLI CAO (1698-1706) ĐỨC CHA JUAN DE SANTA CRUZ THẬP (1707-1721) Năm 1693, cha Sextri Tri, cha Antonio Berain và cha Tho-mas Gorrichatégui từ Manila sang Việt Nam. Cha Thập phải tìm nơi bảo đảm cho các cha ẩn mình để học tiếng Việt. Sau bốn tháng, các cha đủ khả năng giảng dạy và ban phát các Bí Tích bằng tiếng Việt. Cha Antonio được cử đi coi sóc họ Kẻ Đê. Không may, cha bị lương dân tố cáo và quan quân đến vây làng, nhưng cha chạy thoát. Nhận được hung tin, cha Thập thông báo cho cha Antonio cùng cha Thomas hãy trốn vào Thanh Hóa. Ở Thanh Hóa, cha Thomas ở Kể Trấn, còn cha Antonio vào những làng mạc sâu tuốt trong rừng núi và rửa tội trên 200 tân tòng. Nhiều người sinh sống bên kia biên giới Lào-Việt nghe tiếng tăm cha Antonio liền vội vã tìm đến xin theo đạo. Cha hăng say truyền giáo, nhưng thủy thổ rừng núi và những lần lội sông trèo núi vô cùng mệt nhọc khiến cha lâm bệnh, và cha được mang về Kẻ Trầy . Năm 1696, dưới triều Lê Hy Tông, Định Vương Trịnh Căn (1682-1709) ra chỉ dụ cấm đạo nghiệt ngã. Cuộc bách hại khiến cha Juan Thập cùng hai cha Lezoli Cao và Gorrichategui phải bỏ tỉnh Nam ra tỉnh Đông, và sau biết bao gian nan nguy khốn mới tới làng Kẻ Sặt. Ngày 8-8-1696, cha Thập được tin hai cha Pedro Bustamante và Francisco Lopez tới Việt Nam. Cha Thập đích thân lo liệu việc chào đón hai vị, đồng thời thu xếp cho cha Gorrichategui về Ma-nila vì lý do sức khoẻ. Hai cha mới đến ở Kẻ Sặt học tiếng Việt, rồi hoạt động tại đó cho đến ngày 18-7-1697, thì cùng với cha Thập và cha Lezoli Cao trở về tỉnh nam. Năm 1698, cha Lezoli Cao được sắc Tòa Thánh đặt làm Đại Diện Tông Toà cai quản địa phận Đông Đàng ngoài, kế vị Đức Cha Deydier đã qua đời từ năm 1694. Nhưng mãi đến ngày 2- 2-1702, cha Lezoli mới được đức cha Edme Bélot Giám Mục phó địa phận Tây cử hành lễ tấn phong tại Kẻ Sặt. Sau lễ tấn phong, đức tân giám mục đi kinh lý cả địa phận, ban phép thêm sức cho nhiều người đến từ những giáo khu thuộc các cha dòng Đa Minh. Cuối năm 1701, hai cha Tomas Sextri và Bartolome Sabuquillo cùng với một cha dòng Phan Sinh và một cha dòng Âu Tinh tới Cửa Cấm. Trước khi đến Việt Nam, hai cha Đa Minh phải mất 2 năm qua các xứ Java (Nam Dương), Jahora (Singapore), Malacca và Quảng Đông. Đến bất cứ đâu các cha cũng rao giảng Phúc Âm và truyền bá kinh Mân Côi. Ở Quảng Đông, hai cha gặp ba thừa sai khác rồi cùng nhau vượt đại dương sang Việt Nam. Cả năm thừa sai được cha Juan Thập đón về trụ sở Trung Linh, dạy tiếng Việt trong 5 tháng rồi cắt cử mỗi cha mỗi nơi năm 1703. Một viên quan bội giáo muốn được thăng thưởng lén lút đi tố cáo các cha. Tổng trấn Sơn Nam liền sai lính vây làng Bùi Chu, nơi cha Bustamante và Giám mục Lezoli đang ở. Cha Lopez và các cha khác bị lùng bắt gắt gao nên phải bỏ làng Lục Thủy, ẩn trốn trong những con thuyền chật hẹp nóng bức. Không bao lâu, cha Sabuquillo lâm bệnh vì không chịu nổi sự gian truân, thiếu thốn. Riêng cha Lopez lẩn núp từ hết làng này sang làng khác, cho đến khi bị bắt đang lúc thi hành nhiệm vụ linh mục ngày 24-8- 1703. Cha Lopez bị đưa ra toà và bị án trục xuất. Các cha khác đều thoát bàn tay lùng bắt của quan quân, nhất là cha Bustamante nhiều lần thoát nguy một cách lạ lùng.10 10 V. Salazar, Historia de la Provinci del Santissimo de Filipinas (Manila), trg 191, 694-699, 707.
- Trong lúc cơn bách đạo diễn tiến khốc liệt, thì nhiều thiên tai dồn dập đổ xuống trên những làng không công giáo. Hạn hán liên tiếp trong 6 tháng, tiếp đến mất mùa nạn đói hoành hành và kết thúc bằng nạn ôn dịch khủng khiếp làm thiệt mạng vô số người không công giáo. Do đó, các quan phải ngưng cuộc bách hại. Từ đấy Giáo Hội được yên một thời, tuy nhiên các cha vẫn chưa được di chuyển dễ dàng và tự do hoạt động vì không có lệnh tha đạo. Giám mục Lezoli, vì lo lắng nhiều, ẩn trốn rất cực khổ, lại lao lực quá sức nên sức khoẻ mỗi ngày một giảm sút cho đến khi lâm bệnh nặng và từ trần ngày 18-1-1706, khi mới 49 tuổi. Đức Cha được an táng trong nhà thờ Lục Thủy. Sau khi Giám mục Lezoli từ trần, Giám mục De Bourges thay thế và cai quản cả hai giáo phận Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài. Năm 1707, Giám mục Charles de Tournon, bấy giờ là Khâm sai Tòa Thánh ở Trung Hoa, đề cử cha chính Juan de Santa Cruz Thập tạm thời trông lo giáo phận cho tới khi có giám mục mới. Số thừa sai Đa Minh bấy giờ chỉ có bốn vị gồm cha bề trên giáo phận Juan Thập, cha chính Bustamante Hy, và hai cha mới sang hồi cuối năm 1701 là cha Sextri Trí và cha Sabuquillo Bá. Hàng giáo sĩ giáo phận còn có hai cha dòng Phan Sinh Tây Ban Nha, mấy cha dòng Âu Tinh Ý, một số giáo sĩ dòng Tên từ Macao và trên 10 linh mục triều bản quốc. Trong hai năm 1711-12. An Đô vương Trịnh Cương (1706- 1729) ra hai chỉ dụ cấm đạo. Chúa truyền lệnh cho các quan phải triệt hạ các thánh đường, đốt phá đồ thờ và bắt các thừa sai ngoại quốc đưa về kinh, và ban thưởng 50 quan tiền cho những ai phát giác nơi trú ẩn của một nhà truyền giáo. Giáo dân buộc phải bỏ đạo, tế thần, và nếu ai không tuân phục sẽ phải đòn và bị thích vào mặt bốn chữ “Học Hoa Lang Đạo.” Chỉ một thời gian ngắn, 174 thánh đường bị phá hủy và 304 giáo dân chịu thích tự để minh chứng lòng trung thành với đức tin.11 Cuộc bách hại đang đi tới chỗ quyết liệt, thì thiên tai lũ lượt đổ xuống trong hai năm 1713-1714 như đói khát, ôn dịch, bão lụt. Nhiều làng chết hết một phần ba. Cướp bóc nổi lên khắp nơi, coi thường sinh mạng và tài sản kẻ khác, và kéo nhau từng đoàn đi phóng hỏa, giết người, cướp của. Làng Kẻ Sặt bị đốt ra tro năm 1713, nhưng ngôi thánh đường lộng lẫy may mắn thoát nạn. Trong sự nổi loạn vô luật, các thừa sai được dịp thi hành sứ mạng bác ái, thuyết phục và rửa tội cho nhiều người. Cha bề trên giáo phận mặc dầu đã già yếu cũng cố gắng thăm viếng khắp giáo dân. Nguyên năm 1714, cha bề trên và ba cha Bustamante, Sextri, Sabuquillo rửa tội được 1.165 người lớn, 1.389 trẻ con, giải tội 22.477 người và xức dầu cho 364 bệnh nhân.12 Năm 1715, hai cha Eleuterio Guelda và Juan Ventura đến Việt Nam vào lúc các thiên tai nói trên vừa chấm dứt, nhưng cuộc bách hại lại tiếp tục và kéo dài đến năm 1719. Năm 1717, cha Guelda cùng với một cậu giúp lễ bị bắt ở Nam Lạng thuộc giáo xứ Trung Lao. Hay tin cha bị bắt, phụ nữ trong làng hô nhau lấy tro ném vào mặt mũi lính cứu cha chạy thoát, nhưng cậu giúp lễ bị bắt cùng với 3 ông và 10 bà. Những người này bị đánh dập đầu gối, thích tự vào mặt và tra tấn buộc phải bỏ đạo. Nhưng tất cả, trừ hai người, đều giữ vững đức tin cho đến khi quan chửi mắng chán rồi tha về. Từ đấy giáo dân sợ phải bắt, sợ bị tịch thu tài sản ruộng đất, không dám chứa giấu các cha trong nhà mình nữa. Các cha ban ngày phải ẩn mình trong những đống rơm rạ, dưới ruộng lúa, trong thùng gạo, dưới mồ mả, trong ống cống; ban đêm thì xuống thuyền hoặc đi thăm viếng giáo dân cách kín đáo. Sau đây là kết quả của các cha trong 5 năm từ 1715 đến 1719, dưới thời cấm đạo của Trịnh Cương: Rửa tội 5.203 người lớn, 7.862 trẻ con, giải tội cho 102.145 hối nhân, 2.500 người chối đạo trở lại, làm phép cưới cho 923 đôi, và ban phép Thêm Sức 3.000 người.13 11 Bùi Đức Sinh, op. cit., Tập 2, trg 188-203. 12 Guglielmoti, Memoria de las Misionas Catolicas en el Tungquin (Madrid, 1846), trg 39-40. 13 Moreno Trung, Sử Ký Địa Phận Trung (Phúc Nhạc, 1916), trg 34, 35.
- Cha bề trên Juan de Santa Cruz điều khiển giáo phận cho đến năm 1718 mới nhận được Sắc Tòa Thánh phong chức Giám mục ngày 3-4-1716, và đồng thời cử cha Sextri làm Giám Mục phó có quyền kế vị. Từ khi Giám mục De Bourges bị trục xuất năm 1713, Đàng Ngoài không còn giám mục, nên khi nhận được sắc Tòa Thánh, một trong hai cha phải sang Manila thụ phong rồi trở về tấn phong cho vị ở nhà. Cha bề trên Juan vì già yếu nên cha Sextri lên đường đi Manila. Nhưng không hiểu vì lý do nào đức Tổng Giám Mục Manila bấy giờ là đức Tổng Giám mục De la Cyesta dòng Đa Minh không chịu tấn phong cho cha Sextri. Cha Sextri phải cải trang làm người Trung Hoa, vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm để tìm tới Giám mục Moliner, đại diện Tông Toà giáo phận Hồ Quảng, bấy giờ đang ở Quảng Tây. Đức cha Moliner tấn phong Giám mục cho đức cha Sextri Tri ngày 7-3-1719. Được tấn phong rồi, Giám mục Sextri trở về Việt Nam, nhưng phải mất gần 4 tháng mới về tới nhà ngày 30-6-1719, cũng là ngày cha Alonso Gomez qua đời tại Trung Lễ. Ngày 13 tháng 8, Giám mục Sextri cử hành lễ tấn phong cho đức cha Juan Thập tại Trung Linh trước sự hiện diện của hai viên chức ngoại giao cao cấp từ Philippines, Don General Echeveste và Don Quijano. Nhân dịp này hai ông dâng cho thánh đường Trung Linh 150 đồng bạc và một tượng Đức Mẹ bằng ngà.14 Cùng chuyến đi của hai viên chức ngoại giao sang Việt Nam, có hai cha dòng là cha Juan Verea và cha Juan Pozuelo. Hai thừa sai này mang theo Tông Chiếu “Ex illa Die“ (1715), nghiêm cấm việc thờ phượng tổ tiên. Với hai nhà truyền giáo mới này, con số thừa sai Đa Minh tăng lên 9, gồm hai đức cha và 7 cha là Bustamante Hy, Sabuquillo Bá (cha chính), Guelda Đông, Ventura Sĩ, Valerio, Verea Ven và Pozuelo. Số giáo dân lên trên 60.000, hai làng toàn tòng là Trung Linh và Kẻ Sặt.15 Giám mục Juan Thập mỗi ngày thêm già yếu, cho đến khi lâm bệnh nặng và từ trần tại Trung Linh ngày 14-8-1721, thọ 75 tuổi. Cha truyền giáo ở Việt Nam 45 năm, làm cha chính 21 năm, Đại diện Tông Toà 14 năm. Cha được an táng trong thánh đường Trung Linh. Ngay trong năm đức cha Juan qua đời, ngày 8-12-1721 Trịnh Cương lại ra chỉ dụ cấm đạo. Các quan không những cho lính lục soát các làng, các hầm hố mà còn kiểm tra các thuyền bè trên sông. Tuy nhiên, Chúa đã che chở các cha thoát nạn truy lùng. Đầu năm 1722, quan quân đến tịch biên ruộng nương nhà cửa một gia đình, thấy có tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ. Bấy giờ thầy già Lễ, là người giúp cha chính Guelda Đông, can đảm đến nạp mình thay cho gia đình người giáo dân, nhận các đồ thờ ấy là của mình. - Quan ngạc nhiên hỏi, “Ông có phải là đạo mục không?“ - Thày già thưa, “Bẩm quan, tôi là đạo mục.” - Quan hỏi lại, “Ông giảng dạy người ta những gì?” - Thày già thưa, “Mười điều răn đạo Đức Chúa Trời.” Rồi người đọc 10 giớiù răn cho quan nghe. - Quan lại hỏi, “Ông có vâng lệnh vua cấm đạo không?” - Người trả lời: “Bẩm quan lớn, không. Tôi thà mất mọi sự, thà chết, chứ không chối đạo tôi đã giữ từ thuở còn thơ ấu.” Quan truyền đóng cùm và giam thày cho đến khi xuất giáo. Thày không xuất giáo mà còn giảng đạo cho các tù nhân khác, cho đến khi thày kiệt sức mà chết rũ tù ngày 28-1-1722, thọ 72 tuổi. Sau lúc Giám mục Juan Santa Cruz qua đời, giáo phận Đông Đàng Ngoài do Giám mục Tomas Sextri người Ý cai quản. Dưới đời cha, một mối bất hòa giữa các cha dòng Âu Tinh và 14 Bùi Đức Sinh, op. cit., Tập 2, trg 195. 15 Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt (Sài Gòn, 1993), Tập I, trg 57.
- các cha Đa Minh một phần nào đã làm tê liệt công cuộc truyền giáo tại địa phương này. Mối bất hòa này sẽ được thảo luận sau. Như đã đề cập trước, Trịnh Cương ra chỉ dụ cấm đạo ngày 8-12-1721, lùng bắt các thừa sai ngọai quốc, các linh mục và thày giảng. Nhiều nhà truyền giáo lại phải bỏ nhiệm sở đi ẩn núp. Cha Sabuquillo Bá ở Kẻ Hệ bị một nguời bội giáo tố quan đến bắt, nhưng cha chạy thoát xuống thuyền, cùng lúc ấy cha Ventura Sĩ đang lúng túng trên bờ sông liền được cha Sabuquillo kéo xuống thuyền cùng chạy trốn. Hai cha trốn tại Kẻ Rèm, mỗi người một nơi khác nhau. Tháng 6 năm 1722, một kẻ bội giáo khác tố cáo cha Verea Ven ở làng Cát Đàm. Quan quân kéo đến bổ vây ban đêm, nhưng cha chạy thoát. Được tin này, cha Sabuquillo bỏ làng Kẻ Rèm xuống thuyền trôi sông cho đến ngày 4-8-1722 mới đổ bộ lên bờ mừng lễ thánh tổ phụ. Hôm sau, ba cha Sabuquillo, Ventura Ven và Pozuelo gặp nhau trên giòng sông, mỗi người mỗi thuyền, một cuộc gặp gỡ hết sức cảm động và đầy ý nghĩa. Ngày hôm sau lễ thánh Laurensô tử đạo, các cha dâng Thánh Lễ trên thuyền của cha Ventura. Ngay sau đó, các cha gặp thêm cha Valerio cũng đang trên thuyền chạy trốn. Hoàn cảnh lúc này thật khốn đốn, như thánh Phaolô đã nói: ”Nếu chúng ta không tin tưởng ở Chúa Kitô, thì hẳn đời này không ai khốn khó bằng chúng ta.”16 Riêng cha Verea Ven trú ẩn trên đất, chịu đói khát rất cực khiến cha lâm bệnh, và phải bỏ xứ truyền giáo trở về Manila năm 1723. Năm 1723, làng Lục thủy, trụ sở bề trên dòng bấy giờ bị một toán lính bổ vây đúng lúc hai linh mục Soffieti và Rasini, đại diện đức Khâm sai Mezzabarba, cũng đang hiện diện để giải quyết vụ Lai Ổn nói trên. Thấy nguy, hai vị đại diện phải tuyên bố đình hoãn đến năm sau, rồi cả hai nhảy vội xuống một thuyền đánh cá do cha Guelda bỏ tiền ra thuê. Cuộc bách hại kéo dài đến năm 1729 lúc Trịnh Cương mất. Trong thời kỳ này, chỉ có cha Pozuelo bị bắt ngày 31-1-1725. Cha chịu đựng nhiều cuộc tra tấn, nhưng sau được giáo dân bỏ tiền ra chuộc. Tuy nhiên, những gian lao vất vả trong khi trốn tránh đặng trung thành với sứ mạng khiến nhiều nhà truyền giáo kiệt sức và chết sớm. Năm 1724, cha Ventura Sĩ lâm bệnh nặng và qua đời tại trụ sở Lục Thủy và ược an táng trong nhà thờ Trung Lễ. Năm 1728, giáo phận mất thêm cha Bustamante Hy, người cha tinh thần của làng Kẻ Sặt. Cha rất thông thạo tiếng Việt và đã để lại cuốn Đoản Ký Về Xứ Bắc Kỳ (Relacion Breve del Reino de Tunquin.) Khi cha Bustamante mất, số các thừa sai Đa Minh chỉ còn 5: Giám mục Tomas Sextri Tri, cha chính Guelda Đông và các cha Sabuquillo Bá, Valerio và Pozuelo. Cũng năm 1728, cha giám tỉnh cấp tốc cử ba cha Sebastián de la Bartera, Juan Travaria và Luis Aguado sang Việt Nam. Nhưng thuyền bị đắm giữa biển khơi và không một ai thoát nạn. Thật là một đại tang cho tỉnh dòng và giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ba năm sau, ba cha khác được cử sang trợ giúp, là các cha Pedro Ponsgrau, nguyên giáo sư thần học tại học viện Barcelona, Matêo Alonso Leciniana và Miguel Pajares. Thuyền nhổ neo từ Batavia ngày 13-2-1731 đến Macao. Đến đây, cha Pajares lâm bệnh phải trở về, còn hai cha tiếp tục chuyến hải trình sang Việt Nam và tới Trung Linh ngày 18-1-1732. Nhờ lúc cuộc bách hại tạm ngưng, tỉnh dòng phái thêm hai thừa sai nữa là cha Luis Espinosa và cha Nicolás Milla. Nhưng khi tới Macao, cha Milla lâm bệnh phải quay trở về, và cha Fran-cisco Gil de Federich, bây giờ đang truyền giáo ở Trung Hoa, thay thế. Hai cha Espinosa và Federich đến được ít lâu, thì cha Sabuquillo Bá qua đời ở Lục Thủy ngày 25-11- 1735. Cha Sabuquillo Bá sang Việt Nam từ năm 1701. Cha giữ chức bề trên dòng lâu năm và là một nhà truyền giáo nhiệt thành, thông minh, biên soạn và sửa nhiều sách. Cha để lại quyển sổ 16 Gispert, op. cit.,, trg 200, 209, 229.
- tay ghi các Bí Tích do cha cử hành từng năm một, cộng lại cho ta thấy cha đã rửa tội cho 8.021 người lớn và 13.500 trẻ con, giải tội 196.000 người. Riêng năm cuối cùng cha đã giải tội 5.304 người, rửa tội 194 người lớn và 360 trẻ con, và xức dầu 101 bệnh nhân.17 Năm 1737 Giám mục Sextri Tri từ trần và Giám mục Hilario di Jesu Hy kế nhiệm. III. CÁC GIÁO SĨ TỬ ĐẠO DÒNG ĐAMINH 1. Francisco Gil de Federich Tế và Matêo Alonso Leciniani Đậu Hai giáo sĩ này quê ở Espanha. Cha Gil de Federich Tế18 tới Việt Nam năm 1735, lập trụ sở ở Lục Thủy. Hai năm sau đó, có một thầy sư, tên Tình, vì ghét đạo Công Giáo nên đem quân vây làng Lục Thủy để bắt cha Federich. Lúc ấy cha vừa dâng thánh lễ xong. Muốn cho con chiên bổn đạo khỏi khổ sở, cha nộp mình cho quân lính. Giáo dân đem nhiều tiền của đến cho thầy Tình xin tha cho cha, nhưng vì lòng tham không đáy nên ông ta không chịu và tiếp tục tống giam cha. Bực mình hành động xảo quyệt của nhà sư, bổn đạo kêu van lên quan trấn thủ. Quan truyền cho bắt cả thầy Tình và dẫn giáo sĩ lên. Nhưng nhà sư trốn thoát được lên Thăng Long và vu cáo quan trấn thủ và cả làng Lục Thủy. Quan trấn thủ thấy việc lên tới triều đình thì không dám tha cha Federich, và phải dẫn cha lên Thăng Long, rồi lại cáo sư Tình là kẻ đồng tâm với bổn đạo, dám chứa chấp giáo sĩ trong nhà mình. Nhà sư từ chối phủ nhận và xin cho phép được chà đạp ảnh tượng trước mặt các quan. Nhân dịp ấy, họ cũng bắt cha phải chà đạp ảnh tượng, nhưng ngược lại giáo sĩ bước tới, quỳ xuống và hôn kính ảnh tượng đó. Cuối cùng cha bị Trịnh Doanh lên án trảm quyết. Cuối năm 1743, cha Matheo Alonso Leciniani19 cũng bị bắt. Cha Leciniani sinh tại Nava del Rey, khấn dòng Đa Minh tại tu viện Sagovia hồi 16 tuổi. Khi ấy tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi phụ trách miền truyền giáo Đông Á cử người đi các tu viện tìm tu sĩ gia nhập đoàn truyền giáo. Cha Leciniani và 23 linh mục đáp lời mời và xuất hành đi Manila tháng 11-1730. Tháng 2 năm sau cha cùng với hai linh mục Pedro Ponsgrau và Miguél Pajáres đi Macao để vào Việt Nam. Cha Pajáres lâm bệnh phải trở về. Hai vị còn lại đến Trung Linh ngày 18-1-1732. Trong một giáo phận rộng lớn với số nhân sự quá ít, cha Liciniana phải di chuyển và phục vụ nhiều nơi. Sau thời gian học tiếng ở trụ sở cha chính tại Trung Linh, cha truyền giáo ở vùng phía Bắc Sơn Nam, hoạt động trong các huyện Kim Đông, Tiên Lữ, Thần Khê tỉnh Hưng Yên, Thanh Quan, Vũ Tiến tỉnh Thái Bình và Nam Chân, Giao Thủy tỉnh Nam Định. Sau này tuy suy yếu, cha săn sóc các xứ Trung Lao, Tiên Chu, Kẻ Hộ và Lai Ổn. Dáng vóc cha mảnh khảnh ốm yếu, nhưng cha khắc phục mọi gian khổ và kiên trì hoạt động không nghỉ ngơi. Tháng 11 năm 1743, cha Alonso Đậu thấy không thể ở Lai Ổn được nữa, phải đi ẩn mình trong nhà ông trùm Độ họ Lục Thủy Hạ. Không may, một người bội giáo tên Đạt biết và đi trình quan. Sáng sớm ngày 29-11-1743, lính kéo đên vây làng Lục Thủy đang khi cha dâng Thánh Lễ, khiến giáo dân sợ hãi chạy tán loạn. Cha Đậu thấy lính xông vào nhà thờ cũng đâm hoảng, cầm Mình Thánh Chúa và bỏ chạy. Lính đuổi theo bắt được cha và đập đánh dã man. Kẻ nhổ tóc, ngườụi bứt râu, lại có tên cầm giáo đâm vào cạnh sườn, máu chảy nhuộm cả bộ áo dòng trắng, khiến cha ngất xỉu tưởng chết ngay. 17 Gispert, op. cit., trg 199-200. 18 Trần Ngọc Thụ, Giáo Hội Việt Nam (Roma, 1991), Tập 2, trg 99-110. Francisco Gil de Federich Tế sinh năm 1702 tại Tortosa tỉnh Catalogna, Espanha, thụ phong linh mục năm 1727, đến Việt Nam năm 1735 đã truyền giáo tại Trực Ninh, Vũ Tiến, Kẻ Mên, Bắc Trạch, Giao Thủy, Lục Thủy và Quất Lâm. 19 Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam (Sài Gòn, 1974), Tập 2, trg 183- 186 (roneo).
- Cha bị điệu về Phố Hiến. Ngày 30-5-1744, ông quan trấn giải cha lên Thăng Long ngồi tù với cha Federich. Hai giáo sĩ sung sướng gặp nhau, cùng nhau ở tù, rồi sẽ cùng nhau được phúc tử đạo. Riêng cha Federich trong năm 1744 đã giải tội cho 1.745 người, rửa tội 32 người lớn, 41 trẻ con, và xức dầu 11 bệnh nhân. Cha Alonso Đậu trong 7 tháng cũng rửa tội cho 55 người, trong số có 22 người lớn, và giải tội cho 620 hối nhân.20 Ngày 22-1-1745, cha Federich bị điệu đi xử. Cha sung sướng lắm, cảm ơn và từ giã những người thân quen. Cha Alonso Đậu buồn rầu vì phải ở lại, nhưng được phép đi tiễn chân đến pháp trường. Khi ngang hoàng cung, đoàn người dừng lại, một viên quan sau khi đọc bản án của cha Federich, đọc tiếp: “Matêo Đậu cũng là đạo trưởng Hoa Lang đã bị án chung thân, nay cải sang án xử trảm.” Hai đấng tử đạo lớn tiếng đáp: “Tạ ơn Chúa.” Khi tới pháp trường ở ngoài châu thành, lính tháo xiềng xích ở chân tay hai cha, vô tình làm chảy máu khá nhiều. Các tín hữu đến tận nơi hôn xiềng xích và xin các cha tượng Thánh Giá ở tay làm kỷ vật. Sau khi bị trói vào cọc, hai đấng tử đạo bị chém cùng một lúc trước sự thương cảm của những người có mặt, dù lương hay giáo. Từ chỗ khán giả bên lương bật vang tiếng phản kháng, “Giết những người hiền lành, chân thật, trên nét mặt lộ rõ hình ảnh đức độ thế kia quả là bất công.” Một cụ bà phật tử lâm râm cầu Trời khẩn Phật cho hai cha khỏi chết. Khi đầu hai đầy tớ Chúa rơi xuống đất, nhiều người khóc nức nở, và ùa vào thấm máu hoặc xé tí mảnh áo làm kỷ niệm. Cha Francisco Gil de Federich Tế và cha Alonso Leciniani Đậu được phong Hiển Thánh ngày 19-6-1989 tại Rôma do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ba năm sau, một hôm Trịnh Doanh đi kiểm duyệt súng ống, và thấy trên mấy khẩu súng khắc chữ chỉ dẫn tiếng Hòa Lan. Chúa sực nhớ đến hai giáo sĩ trên, hỏi hai ông ở đâu, và được thưa là đã bị xử trảm rồi. Chúa nổi giận mắng nhiếc các quan và bắt tìm cho chúa một ông giáo sĩ biết tiếng Hòa Lan. May lúc đó có giáo sĩ Paleceuk dòng Tên biết tiếng Hòa Lan, đến cắt nghĩa cho chúa. Sau đó, chúa truyền lệnh tha các giáo sĩ và người công giáo, và nói rằng, ”Chúng ta không thể để các người Giatô mang gông cùm xiềng xích trong khi chúng ta cần sự giúp đỡ của họ.” Người công giáo được trả về tự do hành đạo, nên có nhiều người, nghèo khó cũng như giàu sang theo đạo Công Giáo. Phong trào theo đạo ấy làm cho các thầy sư ghen tức và xúi người lương chống lại đạo. Vài thầy tu đó bị bắt và bị án trảm quyết, nhưng nhờ giáo sĩ Paleceuk can thiệp nên được chúa Trịnh ân xá. Chúa truyền những ai dám cáo gian người công giáo sẽ bị cắt lưỡi. Chúa Trịnh cần một giáo sĩ thiện xạ và một giáo sĩ giỏi toán. Đáp lời yêu cầu đó, cha Jacques Simonelli dòng Tên, người Ý đến Đàng Ngoài năm 1751.21 Trịnh Doanh mất năm 1767, Trịnh Sâm thay thế. Trịnh Sâm không có lập trường chống đạo rõ rệt, và thường để các quan địa phương tự do quyết định. Thừa dịp, một số quan quân tha hồ hà hiếp giáo dân. Cha Hora dòng Tên bị tống giam ba năm không được xét xử. Hai cha Jacinto Castaneda người Espanha và Vinh Sơn Liêm người Việt, thuộc dòng Đa Minh, cũng bị bắt. 20 Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt (Sài Gòn, 1993), Tập 2, trg 73. 21 Marillier, Nos Pères dans la Foi (Paris, 1995), Tập 3, trg 142. 20b. - Gispert, op. cit., trg 272.
- Hình 25: Thánh Gil Federich Tế, O.P. và thánh Alonso Leciniani Đậu, O.P. tử đạo.
- 2. Vinh Sơn Liêm và Jacinto Castaneda Gia tử đạo Cha Vinh Sơn Liêm sinh năm 1731 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Thân phụ là ông Antôn Doãn, một thân hào ở thôn quê và thân mẫu là bà Maria Doãn, một giáo hữu sốt sắng, chuyên lo dạy dỗ con cái. Năm 12 tuổi, Vinh Sơn Liêm được nhận vào nhà Đức Chúa Trời22 ở Lục Thủy. Là một học sinh thông minh và đạo đức, nên sau ba năm học tập, ông được chọn sang Manila theo học tại trường Trung Học Juan De Letran, rồi lên Đại Học, tại trường Santo Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển. Ông gia nhập dòng Đa Minh ngày 8- 9- 1753 và được chịu chức linh mục năm 1758. Hình 26: Thánh Vinh Sơn Liêm, O.P. và thánh Jacinto Castaneda Gia, O.P. tử đạo. 22 Nhà Đức Chúa Trời là một tu hội được thành lập bởi các cha dòng Tên ở Đàng Ngoài, nhằm mục đích trợ giúp các ngài trong công cuộc truyền giáo. Xem Chương Bảy, số III, mục 2.
- Hồi hương về nước cha làm giáo sư tại chủng viện Trung Linh, Bùi Chu, và phụ giúp bên cạnh cha Bề Trên Phụ Tỉnh Louis Espiona. Sau một thời gian, cha truyền giáo tại miền Lại Ổn, Quất Lâm,23 Trung Lao và Lục Thủy. Tới đâu cha cũng được giáo hữu tận tình trìu mến vì ông đem hết tài trí, tâm hồn và sức lực để giúp ích thiêng liêng cho mọi người. Theo một bức thư cha viết năm 1764 cho cha Bedre Ire, Bề Trên dòng Đa Minh tỉnh Manila, và cho Giám Mục Bernado Votaris ở giáo phận Nueva Segovia, thì người em thứ sáu của Trịnh Doanh trở lại đạo công giáo và trước khi từ trần, được các cha thuộc hội truyền giáo Paris ban phép rửa tội. Trong thư, cha Vinh Sơn Liêm cũng bày tỏ những nỗi khó khăn của giáo hữu Việt Nam đang phải đương đầu để giữ vững đức tin và những gian nan của chính linh mục trong công cuộc truyền giáo. Thật ra lúc ấy giáo hội Đàng Ngoài sắp trải qua một cơn thử thách mới. Ngày 1-10-1773 lúc giảng đạo tại Lương Đông, cha Vinh Sơn Liêm gặp cha Jacinto Castaneda người Espanha đã bị bắt mấy tháng trước. Cha Jacinto Castaneda sinh năm 1743 tại Javita thuộc giáo phận Valence, Espanha. Sau khi thụ phong linh mục cha đi truyền giáo tại Trung Hoa và sau ba năm tức vào năm 1770 cha đến Việt Nam và được cử đi truyền giáo tại vùng Lai Ổn, Kẻ Riền phủ Thái Ninh. Với sự trợ giúp của hai linh mục bản xứ, cha phải chăm sóc đến 60 làng công giáo. Năm 1773 cha bị bắt và bị giải về Thăng Long cùng một ngày với cha Vinh Sơn Liêm. Cả hai cùng tham dự Hội Đồng Tứ Giáo24 tại Thăng Long. Hội Đồng Tứ Giáo là ý kiến của một vị quan lớn ngoại giáo trong triều có mẹ người công giáo. Vì lòng mộ đạo nên bà thường khuyên con tòng giáo, nhưng ông quan nọ cũng phải tuân theo phép lệnh cấm đạo của chúa Trịnh. Ông nảy ra sáng kiến triệu tập các đại diện của bốn tông giáo chính Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão giáo và Công giáo để thảo luận. Ông cho triệu đến tư dinh một nho sĩ, một nhà sư, một thày pháp và hai linh mục đang bị giam ở kinh đô. Ông khai mạc hội nghị với lý do rằng ông thường nghe nói đạo nào cũng tuyên bố mình là tốt đẹp hoàn hảo nhất, nên ông phân vân không biết thật hư thế nào. Do đó ông mời các đạo trưởng đến thảo luận để ông biết tông chỉ của mỗi đạo và định đoạt thái độ. Sau khi trao đổi ý kiến, hai cha đề nghị đề tài như sau: Loài người bởi đâu mà có? Con người sống ở đời này để làm gì? Khi chết thì con người đi đâu? Các đại diện khác chấp nhận ba đề tài đưa ra. Ông quan lớn chỉ định rằng mỗi vấn đề phải bàn cãi tường tận trong cả một ngày để ông nhận rõ thị phi. Thế là hội nghị tiến hành trong ba ngày liền. Trong cuộc thảo luận, hai cha bàn thảo khéo léo tường tận, trưng bày lý lẽ và điển tích trích từ các sách kinh sử bằng chữ Hán để minh giải lập trường của mình. Cuốn sách Hội Đồng tứ giáo không nói rõ tên 2 linh mục đó nhưng theo truyền thống và theo một vài sử gia như Marcos Gispert thì hai vị đó chính là cha Castaneda và cha Vinh Sơn Liêm. Cũng theo tục truyền thì chính cha Vinh Sơn Liêm là tác giả tập tài liệu nói trên. Cha Castaneda truớc khi đến Bắc Việt đã từng giảng đạo 3 năm ở Trung Hoa, như vậy không lạ gì khi thấy người thông thạo một ít điển tích hay châm ngôn của người Trung Hoa. Tuy nhiên số phận của hai nhà truyền giáo lại được định đoạt cách khác. Mẹ Trịnh Sâm rất sùng đạo Phật. Một hôm bà hỏi hai giáo sĩ rằng, ”Kẻ không theo Gia Tô Giáo chết rồi đi đâu?” Một trong hai giáo sĩ trả lời, ”Bẩm bà, phải sa hỏa ngục.” Bà tím mặt lên cơn thịnh nộ và truyền giam hai tu sĩ vào cũi. 23 Ngày nay ở giáo xứ Quất Lâm (thuộc giáo phận Bùi Chu) có một giếng nước mang tên giếng ông thánh Liêm. 24 Bách Chu Niên 4 Chân Phước Tử Đạo 1861-1961 (Sài Gòn, 1961), trg 66. - Tập sách nhỏ Hội Đồng Tứ Giáo (In lần thứ 14, Nhà In Tân Định, Sài Gòn, 1959).
- Ngày 7 tháng 11 năm 1773 cả hai vị linh mục cùng bị điệu đến pháp trường, lúc đi ngang qua hoàng cung hai cha được lệnh dừng lại để nghe nhà vua y án hay ân xá. Một ông quan nói lớn tiếng, “Hai tên Gia và Liêm bị kết án tử hình vì tội làm đạo trưởng cho Hoa Lang đạo, một thứ đạo đã bị nghiêm cấm.” Một ông quan khác xin ân xá cho cha Vinh Sơn Liêm nhưng cha Liêm vì sợ mất phúc tử đạo nên phân bua rằng chính cha là người có tội vì ông cũng là đạo trưởng, và nếu giết thì giết cả hai mà tha thì tha cả hai. Hai cha bị hành quyết. Thi hài của hai Đấng Thánh được rước từ Thăng Long về an táng tại Trung Linh, Bùi Chu. Cả hai vị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988 tại Rôma.25 IV. GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG NGOÀI DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA GIÁM MỤC SANTIAGO HERNANDEZ TUẤN (1757-1777) Vì những tranh chấp quyền bính giữa các cha Dòng Đa Minh và Âu Tinh, cha Hernandez Tuấn O.P. phải đi Roma để trình bày sự việc cho Tòa Thánh. Sau đó Tòa Thánh phong cha làm Giám mục Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng Ngoài. Từ Rôma Giám mục đi Manila tuyển mộ thêm cán bộ truyền giáo. Cuối năm 1758, hai cha Vinh Sơn Liêm và Phaolô Huyên mãn trường ở Manila được hồi hương, và cùng đi với hai cha có thừa sai Domingo Pujol. Cả ba tới Việt Nam ngày 19-1-1759. Sau đó, bề trên tỉnh dòng gửi thêm bốn nhà truyền giáo nữa gồm các cha Vicente Ausina, bấy giờ đang giữ chức quản lý ở Macao, Manuel Obelár, José Benito và Pedro Diez Aguado. Các cha tới xứ Việt Nam ngày 13-3-1763 dưới sự đón tiếp hân hoan nồng nàng của giáo dân. Lúc Giám mục Hernandez về địa phận, giáo phận có tất cả 10 linh mục triều và 22 cha dòng gồm 8 ngoại quốc và 14 Việt. Hai năm sau, số linh mục tăng thêm một cha dòng Feliciano Alonso từ Macao đến, và ba cha người Việt khấn dòng Đa Minh là Gioan Khoan, Nicolas Liên và Phêrô Trí. Khi Giám mục nhận giáo phận, trừ những giáo xứ thuộc quyền các cha dòng Tên, cả giáo phận Đông Đàng Ngoài đã được trao cho các cha dòng Đa Minh Espanha. Trụ sở vĩnh viễn cho Giám Mục đại diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng Ngoài được đặt tại Lục Thủy. Trong những năm đầu thời Giám mục Hernandez, xứ truyền giáo được hưởng một sự an bình hầu như trọn vẹn. Trong một bức thư gởi cha giám tỉnh, cha Luis Espinosa Huy mô tả tình hình giáo phận khi Giám mục Hernandez Tuấn đến với nội dung như sau: “Đời sống đạo thật tốt đẹp, dân chúng được bình an, số giáo dân đang gia tăng và những mê tín dị đoan bớt dần. Giáo dân cũng khá hơn nhờ được giảng dạy về giáo lý, về mầu nhiệm thánh thể và đang được ân sủng của Chúa Kitô. Cám ơn Chúa, những vụ truy lùng các thừa sai không xảy ra nữa, nhưng xứ truyền giáo được ví như đại dương chẳng biết lúc nào sóng cồn dâng lên.” Thời bình mà Giáo Hội được hưởng kéo dài chỉ hai năm. Năm 1765 Trịnh Doanh ban hành chỉ dụ cấm đạo một lần nữa. Đây là cuộc bách hại lần thứ nhì dưới triều Lê Cảnh Hưng. Sơn Nam, một tỉnh nằm trong giáo phận Đông Đàng Ngoài, chịu nặng nề thảm khốc hơn cả, vì phủ liêu phái đến một viên quan trấn thủ độc ác nhất cho một vùng đông giáo dân nhất. Binh sĩ được tung đi khắp nơi, trên bộ, dưới sông, len lỏi vào các làng mạc, kiểm soát các ghe thuyền, 25 Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng (New Orleans, 1987), Tập I, trg 198. - Quyển Lịch Công Giáo 1990 (California), trg 103 ghi là Lê Quang Liêm, nhưng trong Thiên Hùng Sử (San Jose, 1991), trg 399 lại chép Phạm Hiếu Liêm. Vì không có tài liệu vững chắùc, nên xin dùng Vinh Sơn Liêm.
- tìm bắt các đạo trưởng. Hàng giáo sĩ dòng cũng như triều lại một phen lẩn tránh và giáo dân tản mác đau thương. Cha Estéban và cha Pujol đang ở trong nhà bị lính ập vào bắt. Giáo dân nghe tin liền mang gậy gộc vây đánh lính, và giải thoát được cả hai. Quan quân đi truy lùng lâu ngày không bắt được đạo trưởng, nổi giận cướp phá nhiều làng công giáo để khỏi trở về tay không. Cuối năm 1767, cha Đa Minh Đóa bị bắt ở Lai Ổn. Tháng giêng năm sau, cha bị án khổ sai chung thân trên một hoang đảo dành cho các tù nhân tội nặng nhất. Các quan hứa đổi án nhẹ hơn, nếu cha bằng lòng chịu bỏ ra một số tiền chuộc. Cha Đa Minh anh dũng trả lời, “Tôi ao ước được chết tử vì đạo còn hơn là được sống trong cảnh đút lót hối lộ.” Các quan thất vọng, nhưng cũng đổi án khổ sai sang án phát lưu thảo tượng. Án này được phủ liêu châu phê, nhưng ít ngày sau cha được trả tự do vào ngày 27-10-1771.26 Cùng năm cha Đóa bị bắt (1767) cha chính Espinosa Huy qua đời tại Trung Linh, nơi cha giữ chức bề trên dòng từ năm 1749. Cha Phaolô Huyên, cũng qua đời mấy tháng sau. Để bù đắp vào con số mất mát nói trên, năm 1770, tỉnh dòng gửi bốn thừa sai mới là các cha Jacinto Castaneda, Jose Lavilla, Francisco Cortés và Domingo de San Vicente. Từ năm 1770 đến 1790, trong 20 năm liền, giáo phận không được bổ sung thêm một người truyền giáo mới, phần vì dòng Đa Minh Việt Nam không có tu sĩ khấn và phần vì trong thời gian ấy nhiều vị qua đời hoặc bị bắt giam và bị tử đạo. Đức cha Hernandez ngoài việc coi sóc giáo phận, còn lo điều tra và lập án xin phong chân phước cho hai đấng tử đạo tiên khởi cha Francisco Gil de Federich Tế và cha Matêo Alonso Leciniana Đậu.27 Vì hoạt động quá sức, nên sức khoẻ của giám mục mỗi ngày sút kém. Cha phải về nghỉ dưỡng sức gần một năm ở Batavia và Macao. Cha khôi phục lại sức khoẻ, nên khi nghe hung tin hai cha Vinh Sơn Liêm và Castaneda Gia được phúc tử đạo, cha vội vã trở về giáo phận. Giám mục trở về vào những năm bách hại ác liệt nhất của thời Cảnh Hưng. Hai linh mục triều bị bắt, nhưng đến sau một cha trốn thoát trong đêm tối, còn một phải bỏ ra 800 quan tiền để chuộc. Nhiều giáo dân bị bắt không chịu bỏ đạo nên bị các quan hành hình bằng những tấm sắt nung đỏ áp vào mặt. Riêng giáo phận Đông Đàng Ngoài, 206 nhà thờ bị triệt hạ. Ngày 1-1-1777, thày giảng Emmanuel Triệu (Tựu) cùng với 20 giáo dân bị bắt điệu đến quan trấn Hải Dương. Thầy Triệu đã từng giúp cha Vinh Sơn Liêm và là người thông thạo nhiều lẽ đạo, nên khi đứng trước tòa quan, thày tỏ ra rất lý sự và còn giảng đạo công khai, khiến quan cũng phải phục và tuyên bố thầy vô tội. Nhưng lệnh của phủ liêu đã ban, quan trấn theo lệnh tống giam thầy và 20 đồng bạn. Ngày 29 cũng tháng ấy, tất cả 21 chiến sĩ Đức Tin được chết vì đạo.28 Trong 14 năm điều hành giáo phận Đông Đàng Ngoài, Giám mục Hernandez Tuấn luôn tỏ ra là người cha đầy yêu thương con cái mình, là chủ chăn luôn sẵn sàng bỏ mạng sống vì đàn chiên. Đời sống rất vất vả đầy gian nan của đức cha, cộng với sự nhạy cảm với nỗi gian truân thống khổ mà hàng giáo sĩ và giáo dân phải cam chịu trong thời bách hại, đã làm vị chủ chăn suy nhược kiệt sức. Tuy nhiên, đức cha vẫn bình tĩnh như thánh Gióp, cho đến ngày Chúa gọi về là ngày 6-2-1777, thọ 54 tuổi, với 27 năm truyền giáo và 19 năm làm giám mục. 26 C. Gonzalez, Historia de las Provincia del SS Rosario, anos 1738-1825 (APSR Manila), Tập 172, tờ 77v-78 (bản chép tay). - Gispert, op. cit., trg 265. 27 Bùi Đức Sinh, op. cit., Tập I, trg 73. 28 Gispert, op. cit., trg 284-285.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn