intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi, áp dụng IFRS tại Việt Nam và những thách thức với quản trị tài chính doanh nghiệp

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Chuyển đổi, áp dụng IFRS tại Việt Nam và những thách thức với quản trị tài chính doanh nghiệp" phân tích bàn luận những thách thức của quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS trên quan điểm quản trị tài chính doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi, áp dụng IFRS tại Việt Nam và những thách thức với quản trị tài chính doanh nghiệp

  1. CHUYỂN ĐỔI, ÁP DỤNG IFRS TẠI VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH THỨC VỚI QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP ThS. Trần Đình Vân1 ThS. Nguyễn Chu Du2 Nguyễn Thị Như Ngọc3 Tóm tắt Việc chuyển đổi từ áp dụng 26 chuẩn mực kế toán được ban hành trong giai đoạn 2001 - 2005 sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS mang lại cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam nhiều cơ hội và lợi ích, song cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết thấu đáo. Trên cơ sở tổng hợp những kết quả khảo sát và nghiên cứu trước đây, bài viết phân tích bàn luận những thách thức của quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS trên quan điểm quản trị tài chính doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Từ khóa: chuyển đổi, IFRS, thách thức, giải pháp, quản trị tài chính 1. Đặt vấn đề Trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính doanh nghiệp, các thông tin từ kết quả của công tác kế toán giữ vai trò cực kỳ quan trọng, là “data đầu vào” không thể thiếu và tác động cực kỳ lớn đến các quyết định quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp, từ những quyết định quản trị chiến lược đến các quyết định điều hành, điều chỉnh thông thường. Không thể phủ nhận rằng tính chính xác, khách quan, khoa học của các thông tin tài chính - kế toán chịu ảnh hưởng cực kỳ rõ từ hệ thống chuẩn mực và phương pháp hạch toán, trình bày báo cáo tài chính. Đó là một vấn đề rất đáng lưu ý cho các nhà quản trị doanh nghiệp nói chung và quản trị tài chính nói riêng. Ở Việt Nam, sau một thời gian dài áp dụng các Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS gồm 26 chuẩn mực được ban hành qua 5 đợt trong giai đoạn 2001 - 2005. Cho đến nay, dưới dòng chảy của quốc tế hóa, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế toàn diện, sâu sắc, các chuẩn mực kế toán VAS cần có sự phát triển, thay thế cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế, rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp Việt Nam với sân chơi chung toàn cầu. Việc sử dụng một “ngôn ngữ” kế toán chung sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng giá trị và hình ảnh trong đánh giá của cộng đồng quốc tế, thuận lợi hơn khi tiếp cận các nhà tài trợ, nhà đầu tư quốc tế. Cho đến cuối 2020, khoảng 1 Trường Đại học Công Đoàn, số điện thoại: 0978.999.405, email: vantd@dhcd.edu.vn 2 Trường Đại học Công Đoàn, số điện thoại: 0942.217.299, email: dunc@dhcd.edu.vn 3 Công ty cổ phần chứng khoán HDB (HD Bank), số điện thoại: 0986.621.892, email: nhungoc090492@gmail.com 842
  2. trên dưới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chuyển đổi, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS - International Financial Reporting Standards), còn rất ít quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chuẩn mực kế toán riêng. Tháng 3/2020 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam" nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới (VFRS) theo hướng IFRS từ sau năm 2025. Cụ thể, lộ trình chuyển đổi, áp dụng chia thành ba (03) giai đoạn: (i) giai đoạn chuẩn bị 2020 - 2021, (ii) giai đoạn áp dụng tự nguyện 2022-2025 và (iii) giai đoạn áp dụng bắt buộc từ sau 2025. Việc chuyển đổi, áp dụng chuẩn mực IFRS cho doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng thông tin tài chính - kế toán, chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp, IFRS góp phần nâng cao tính trung thực, minh bạch của của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo ra các quyết định kinh tế, quản trị, điều hành. Áp dụng IFRS cũng là một đòi hỏi bắt buộc từ nhiều nhà tài trợ quốc tế, cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài hay các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, IMF, ADB… Mặt khác, áp dụng thống nhất chuẩn mực IFRS cũng mang lại nhiều lợi ích cho khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp các công ty con ở Việt Nam tiết kiệm chi phí và công sức khi không còn phải xây dựng báo cáo tài theo 2 hệ thống chuẩn mực kế toán như trước đây, dễ dàng thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính cho các công ty mẹ ở nước ngoài. Như vậy, lợi ích từ chuyển đổi, áp dụng IFRS là không thể phủ nhận, lộ trình chuyển đổi và áp dụng IFRS tại Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Song, quá trình chuyển đổi và áp dụng một hệ thống chuẩn mực kế toán mới cho tất cả doanh nghiệp trong nước không thể diễn ra trong một sớm một chiều, và tất yếu các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt với góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp. Chúng tôi tổng hợp các kết quả khảo sát, các bình luận của chuyên gia, các phân tích của nhà nghiên cứu và quản lý đã công bố, khái quát và phân tích những thách thức của quá trình chuyển đổi, áp dụng IFRS của doanh nghiệp Việt Nam và những giải pháp trên góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp. 2. Chuyển đổi, áp dụng IFRS với doanh nghiệp Việt Nam Với sự kiện Bộ Tài chính Việt Nam triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến và sau đó phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam", chứng tỏ việc chuyển đổi và áp dụng IFRS ở Việt Nam là một xu thế tất yếu, không thể trì hoãn. Theo Quyết định 345/QĐ-BTC thì lộ trình chuyển đổi, áp dụng gồm 3 giai đoạn: + Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021) gồm những công việc như: Công bố bản dịch tiếng Việt của IFRS; Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn; Xây dựng cơ chế tài chính liên quan; Đào tạo nhân lực, quy trình triển khai cho doanh nghiệp, … 843
  3. + Giai đoạn tự nguyện (2022–2025): Trong giai đoạn này các công ty mẹ có nhu cầu và đủ nguồn lực và các công ty con có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty mẹ nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng sau khi thông báo cho Bộ tài chính. + Giai đoạn bắt buộc (sau 2025): Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất cho từng nhóm DN thuộc các đối tượng cụ thể. Tính đến hết năm 2020, theo kết quả khảo sát công bố 12/2020 của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam về Mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy gần 06 tháng Bộ Tài chính Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam", hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã áp dụng hoặc đang chuẩn bị chuyển đổi theo IFRS. Báo cáo cũng đưa ra dự báo dựa trên ý kiến của các chuyên gia, rằng tỷ lệ tự nguyện chuyển đổi, áp dụng IFRS sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Hình 1. Tình trạng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp Tại Việt Nam theo Báo cáo kết quả khảo sát của Deloitte Việt Nam 2020 844
  4. (Nguồn: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam 2020) Cũng theo kết quả khảo sát của Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp tài chính do thực hiện tương đối nhiều giao dịch bắt buộc với các tổ chức nước ngoài, có yêu cầu khắt khe về việc áp dụng các chính sách quốc tế nên nhóm này có tỷ lệ áp dụng IFRS cao hơn các doanh nghiệp phi tài chính. Doanh nghiệp nhóm phi tài chính chưa có những ràng buộc nhất định, áp dụng IFRS chỉ mang tính tự nguyện, phục vụ yêu cầu hợp nhất với công ty mẹ nước ngoài, nhằm mục đích nhất quán với các công ty cùng tập đoàn hoặc khi có yêu cầu từ nhà đầu tư. Hình 2. So sánh tỷ lệ áp dụng IFRS giữa các doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp phi tài chính (Nguồn: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam 2020) 3. Những thách thức đặt ra với quản trị tài chính doanh nghiệp Kết quả khảo sát của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (2020) cũng thể hiện rằng cho đến nay, trong số những doanh nghiệp đã áp dụng IFRS, phần lớn mới chỉ dừng lại ở hình thức thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày báo cáo tài chính do hình thức này tiết kiệm chi phí và thời gian hơn so với việc áp dụng đầy đủ từ ban đầu. Mặt khác, trở ngại từ chính đội ngũ cán bộ kế toán chưa đủ khả năng, phải sử dụng đến các dịch vụ hỗ trợ việc chuyển đổi và phát hành báo cáo tài chính theo IFRS. Do đó, việc chọn hình thức chuyển đổi, áp dụng IFRS bằng bút toán điều chỉnh cuối kỳ chủ yếu phục vụ mục đích lập báo cáo tài chính theo yêu cầu của công ty mẹ ở nước ngoài cũng như đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư nước ngoài. Một vấn đề nữa đặt ra là các doanh nghiệp mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các nguồn lực về tài chính và nhân sự cũng như hệ thống phần mềm, chính sách,… 845
  5. Chuyển đổi chuẩn mực kế toán đang áp dụng hiện hành sang một chuẩn mực khác đòi hỏi các doanh nghiệp thường tốn nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải mất từ 3 - 6 tháng thậm chí hơn 1 năm mới có thể bắt đầu chuyển đổi sáng áp dụng IFRS không kể thời gian chuẩn bị các điều kiện trước đó. Điều đó chứng tỏ việc chuyển đổi, áp dụng IFRS với các doanh nghiệp không phải dễ dàng, và lộ trình chuyển đổi sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết thấu đáo. Trên góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp, chuyển đổi áp dụng IFRS đặt các doanh nghiệp đối mặt với những thách thức cần giải quyết sau đây: Một là, quan niệm bảo mật thông tin nói chung và thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp nói riêng đã in quá sâu, không dễ thay đổi. Một trong những lợi ích của việc chuyển đổi áp dụng IFRS mà các nhà quản lý vĩ mô, các nhà đầu tư và các định chế tài chính đánh giá cao là việc minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp. Theo đó, chất lượng báo cáo tài chính và thông tin tài chính - kế toán của doanh nghiệp được nâng cao. Tuy nhiên, thông tin về tài chính - kế toán vốn được xem là vấn đề nhạy cảm trong các doanh nghiệp Việt Nam, gắn liền với tâm lý e dè ngại chia sẻ. Những doanh nghiệp yếu kém ngại công khai những thông tin chính xác, thực tế về tình hình hoạt động, do lo ngại những thông tin này gây bất lợi cho giá chứng khoán, các kết quả xếp hạng của công ty hay những lợi thế của công ty đang có khi niêm yết chứng khoán. Việc tác động thậm chí thao túng lợi nhuận của các công ty cũng trở lên khó khăn hơn, các công ty không còn được tận dụng lợi thế hình ảnh từ những con số khả quan trình bày trên báo cáo tài chính với kỹ thuật và phương pháp trình bày trước đây đang áp dụng. Hình 3. Những khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng IFRS (Nguồn: Phan Thị Anh Đào 2021) 846
  6. Khảo sát của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (2020) cũng thể hiện rất rõ những lo ngại của các nhà quản trị doanh nghiệp khi áp dụng IFRS, rằng việc chuyển đổi có thể ảnh hưởng đến kết quả và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn về phía các doanh nghiệp chưa chuyển đổi, trở ngại đến từ nhận thức sự cần thiết chuyển đổi sang IFRS là rõ rệt nhất. Khi tâm lý và thói quen đã in sâu, việc thay đổi thường đối mặt với tâm lý e dè, thiếu mạnh dạn, do đó, quá trình chuyển đổi có thể bị kéo dài. Hơn nữa, tư duy cho rằng nhiệm vụ tài chính - kế toán và chuyển đổi áp dụng IFRS trong doanh nghiệp thuộc về nhiệm vụ của bộ phần tài chính - kế toán có thể thành trở ngại rất lớn khiến quá trình chuyển đổi thiếu hiệu quả. Bởi lẽ, đây là chuyển đổi một hệ thống quản trị, chuyển đổi một cách đáng kể những nguyên tắc mang tính luật định hiện tại của VAS sang những quy trình và nghiệp vụ mang tính chất đánh giá, diễn giải và lựa chọn (thậm chí có phần chủ quan) của IFRS, cho nên không thể thiếu sự tham gia của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Hai là, vấn đề nhân sự và trình độ chuyên môn, đặc biệt là mức độ am hiểu về IFRS của các nhân sự tài chính - kế toán. Theo Phan Thị Anh Đào (2021), trong số những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi chuyển đổi áp dụng IFRS thì khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là về vấn đề nhân lực kế toán và nhà quản lý doanh nghiệp (Hình 3). Thực tế các chuẩn mực kế toán của IFRS rất phức tạp, khó hiểu, ngay cả đối với các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - kế toán và các nhà quản lý có kinh nghiệm lâu năm. Cho đến nay, những hướng dẫn cụ thể làm định hướng cho quá trình chuyển đổi và áp dụng IFRS từ các cơ quan chức năng tuy đã có song chưa nhiều, còn ở giai đoạn ban đầu nên đối với các doanh nghiệp mới áp dụng thường phải mất nhiều thời gian, công sức để giải trình các chênh lệch bất thường trên các số liệu đã báo cáo. Việc chuyển đổi áp dụng IFRS đòi hỏi cả nhà quản lý doanh nghiệp, cán bộ quản trị tài chính, cán bộ kế toán và các nhà đầu tư cần phải có trình độ thích hợp để có thể đọc và hiểu các thông tin trên báo cáo tài chính, từ đó đưa ra các quyết định quản trị phù hợp. Tính đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 5/2022) Bộ Tài chính đã công bố bản dịch bộ “Thuật ngữ IFRS” tuy phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi và áp dụng IFRS một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dịch thuật các thuật ngữ chưa đủ để đảm bảo triển khai áp dụng thành công trong thực tế công việc vì ngay cả với các quy định và hướng dẫn của 26 chuẩn mực kế toán đang áp dụng từ 2001 đến nay, các doanh nghiệp cũng vẫn thường xuyên nảy sinh nhiều tình huống phải giải quyết với sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn cũng như dịch vụ hỗ trợ, tư vấn bên ngoài. Do đó, 847
  7. với việc áp dụng chuẩn mực mới (IFRS), đòi hỏi về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng của nhân sự tài chính - kế toán và các bên liên quan hoàn toàn có thể lý giải được. Kết quả khảo sát của Deloitte Việt Nam cuối 2020 cũng có đề cập đến 2 vấn đề nổi bật là trở ngại, thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi là độ phức tạp/khác biệt của IFRS so với chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện tại (VAS) - yếu tố khách quan và trình độ đội ngũ kế toán - yếu tố nội tại doanh nghiệp. Do đó, có thể coi vấn đề nhân lực tài chính - kế toán là vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện lộ trình chuyển đổi, áp dụng IFRS, cũng là vấn đề nổi cộm mà các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp cần lưu tâm. Hình 4. Thách thức và khó khăn của DN khi chuyển đổi và áp dụng IFRS theo khảo sát của Deloitte Việt Nam (Nguồn: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam 2020) Ba là, hệ thống công nghệ thông tin và các điều kiện để áp dụng IFRS. Kết quả khảo sát của Deloitte Việt Nam (2020) và khảo sát của Phan Thị Anh Đào (2021) có khá nhiều điểm chung, trong đó đều đề cập đến vấn đề điều kiện để triển khai, áp dụng IFRS. Hệ thống thông tin, phần mềm hỗ trợ phần nhiều đã lỗi thời hoặc không đáp ứng được một cách tốt nhất yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - kế toán trên cơ sở tuân thủ chuẩn mực kế toán mới, do đó, cần có những giải pháp đồng bộ giải quyết vấn đề hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật. Với các doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS, trở ngại về công nghệ thông tin cũng được đề cập tới (Hình 5). 848
  8. Hình 5: Những trở ngại trì hoãn áp dụng IFRS trong doanh nghiệp (Nguồn: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam 2020) Bốn là, chuyển đổi quy trình và hệ thống. Có một thực tế là, các doanh nghiệp sẽ không thể vận hành một công nghệ hay kỹ thuật mới bằng một dàn máy cũ, lạc hậu. Chuyển đổi áp dụng IFRS trong doanh nghiệp cũng tương tự, để áp dụng thành công IFRS, không thể không có sự cải tổ về quy trình, hệ thống, phương pháp đang áp dụng. Theo Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (2020) ngoài chỉnh sửa quy trình tài chính - kế toán có liên quan để đảm bảo tuân thủ các chính sách kế toán đã lựa chọn, bộ phận tài chính và kế toán còn phải tham gia vào quá trình thẩm định tính tuân thủ của các quy trình sản xuất - kinh doanh khác, ví dụ như quy trình bán hàng và trả hàng, quy trình mua sắm vật tư tài sản. Việc thẩm định này là cần thiết để đảm bảo tính tuân thủ tuyệt đối các chính sách kế toán đã lựa chọn. Hệ thống tài khoản cần phải được xây dựng lại để đảm bảo sự tuân thủ theo chuẩn mực VAS và IFRS. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ, hệ thống tài khoản kế toán còn phải đáp ứng được các yêu cầu quản trị của nhiều bộ phận trong doanh nghiệp, ví dụ như bộ phận kinh doanh, bộ phận sản xuất,… Hệ thống tài khoản kế toán cần phải được hoàn thiện cùng thời điểm với việc thống nhất các quy trình để phục vụ cho quá trình lên cấu hình của hệ thống. Năm là, vấn đề chi phí chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS có thể làm phát sinh sự gia tăng chi phí đáng kể. Các doanh nghiệp sẽ phải tốn kém chi phí nâng cấp và thay đổi hệ thống kiểm soát nội bộ để đáp ứng các điều kiện của IFRS, chi phí để đảm bảo xây dựng báo cáo theo hai chuẩn mực kế toán VAS và IFRS. Chưa kể đến những chi phí sẽ phát sinh trong quá trình doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự tài chính - kế toán, nhằm đảm bảo trình độ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi cũng như áp dụng IFRS lâu dài. Trong khi những chi phí phát sinh của giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đầu chuyển đổi thường khá đáng kể và rất dễ ước tính, thi những lợi ích của việc chuyển đổi còn đang phải diễn giải để đảm bảo các nhà quản trị doanh nghiệp và 849
  9. quản trị tài chính nhận thức rõ ràng nhất, do đó, dễ nảy sinh tâm lý e ngại, chần chừ chuyển đổi, là trở ngại làm chậm tiến độ chuyển đổi áp dụng IFRS của doanh nghiệp. Báo cáo khảo sát của Deloitte Việt Nam cuối năm 2020 cũng dẫn kết quả nghiên cứu về quá trình chuyển đổi IFRS ở Châu Âu, trong đó có đề cập rằng chi phí hệ thống liên quan cho các doanh nghiệp áp dụng IFRS tăng 5.44% trong vòng 04 năm đầu tiên so với các doanh nghiệp không áp dụng IFRS vào cùng thời điểm. Sáu là, sự chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật liên quan và còn thiếu vắng những văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu chuyển đổi dễ khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế lúng túng. Mong muốn chính đáng của các doanh nghiệp khi cân nhắc chuyển đổi áp dụng IFRS là có những hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính - kế toán, đảm bảo đầy đủ, dễ hiểu dễ vận dụng, không bị chồng chéo. Đó cũng là những điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc tuân thủ lộ trình chuyển đổi và tuân thủ chuẩn mực kế toán mới của các doanh nghiệp diễn ra thuận lợi và hoàn chỉnh. Nếu các nhà quản trị doanh nghiệp, cán bộ tài chính kế toán không am hiểu các quy định về thuế, chuẩn mực kế toán mới cũng như cơ chế quản lý tài chính đặc thù (nếu có), thì rất dễ rơi vào tình thế lúng túng, khó thoát khỏi sự chồng chéo của quy định pháp luật. Trở ngại này cũng là một vấn đề mà công tác đào tạo nhân sự tài chính - kế toán của doanh nghiệp cần quan tâm. 4. Giải pháp và khuyến nghị Để đảm bảo các doanh nghiệp thuận lợi triển khai chuyển đổi, áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, có thể dựa trên một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho chuyển đổi. Áp dụng IFRS và lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực mới sẽ rất khác về nhiều mặt (về ghi nhận, đo lường giá trị, trình bày và công bố thông tin). Do dó, các nhà quản trị và quản trị tài chính doanh nghiệp cần thực hiện rà soát và thực hiện những thay đổi (nếu cần thiết) đối với các nội dung sau của hệ thống thông tin kế toán để bảo đảm tính phù hợp và ổn định khi chính thức áp dụng IFRS: + Xây dựng mới hệ thống tài khoản và quy trình thực hiện nhiệm vụ tài chính - kế toán phù hợp với IFRS. + Tổ chức lại bộ máy nhân sự tài chính - kế toán trong mối quan hệ phân công, phân cấp trách nhiệm với các bộ phận khác của doanh nghiệp để bảo đảm các vị trí công việc phù hợp với yêu cầu mới. + Kiểm tra, rà soát và nâng cấp phần mềm kế toán và quản trị doanh nghiệp đảm bảo có thể phù hợp, đáp ứng tốt việc chuyển đổi, áp dụng IFRS. Đồng thời, công tác quản 850
  10. trị tài chính cũng cần chú trọng nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc đo lường và xác định giá trị các khoản mục trên báo cáo tài chính phù hợp với Chuẩn mực IFRS. Thứ hai, xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi hợp lý, phù hợp với lộ trình chung của Bộ Tài chính. Thực tế mỗi doanh nghiệp có các điều kiện khác nhau, năng lực và trình độ khác nhau, do đó để đảm bảo quá trình chuyển đổi thuận lợi và thành công, các doanh nghiệp nên thiết kế cho riêng doanh nghiệp mình một lộ trình hay kế hoạch chuyển đổi trên cơ sở phù hợp với lộ trình chung, đồng thời tham khảo những hướng dẫn của các cơ quản quản lý nhà nước có liên quan (Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, …). Quá trình chuyển đổi sang áp dụng IFRS không phải là nhiệm vụ riêng của bộ phận quản trị tài chính - kế toán, do đó trong kế hoạch, lộ trình chuyển đổi của doanh nghiệp xây dựng cần chú ý đến quan hệ phối hợp, hợp tác nội bộ giữa các phòng ban và các bộ phận của doanh nghiệp. Kế hoạch, lộ trình chuyển đổi của doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm vấn đề đánh đổi giữa lợi ích và chi phí, do quá trình chuyển đổi có thể gia tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, không nên chỉ chú trọng đến tiến độ chuyển đổi hay lợi ích dự tính mà bỏ qua những bài toán cân đối chi phí, đặc biệt trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Thứ ba, xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ chuyên môn, trình độ quản lý của nhân sự lãnh đạo và nhân sự tài chính - kế toán. Từ những thách thức đã phân tích, có thể thấy nhân sự tài chính - kế toán và mức độ am hiểu về IFRS cũng như khả năng đánh giá kết quả, thách thức của quá trình chuyển đổi của đội ngũ này, các nhà quản trị doanh nghiệp nên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đồng thời các nhà quản trị tài chính cần chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng liên quan đến áp dụng IFRS cho đội ngũ cán bộ tài chính - kế toán của doanh nghiệp. Khi vấn đề nhân sự và nhận thức đã được giải quyết, có thể coi đó là giải pháp chìa khóa để giải quyết các thách thức khác đặt ra khi áp dụng IFRS lâu dài. Thứ tư, dự trù/ước lượng trước những thay đổi trọng yếu về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thay đổi các chính sách kế toán sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến các khoản mục trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp như những thay đổi về giá trị tài sản và nợ, thay đổi các ước tính kế toán hoặc cách ghi nhận doanh thu… Các doanh nghiệp cần căn cứ thực trạng của doanh nghiệp và tính toán những thay đổi có thể xảy ra với các khoản mục trọng yếu, để chủ động kế hoạch giải trình hoặc đối phó. Trong giai đoạn đầu, có thể thực hiện song song IFRS và chuẩn mực kế toán hiện tại cho đến khi có điều kiện áp dụng toàn toàn IFRS. 851
  11. Thứ năm, nên chủ động tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn độc lập nếu cần thiết. Với trường hợp doanh nghiệp có đủ nguồn lực, có đủ sự am hiểu IFRS để lập kế hoạch và thực hiện chuyển đổi bằng nguồn lực nội tại thì các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ từ bên ngoài là chưa cần thiết, song với số đông các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay khó có thể đạt được điều kiện này. Nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích và chi phí trong chuyển đổi, đảm bảo quá trình chuyển đổi thuận lợi, tuân thủ tốt quy định và chuẩn mực, các doanh nghiệp nên chủ động hợp tác với các nguồn lực bên ngoài theo phương thức dài hạn thay vì ngắn hạn để nhất quán và không bị đứt đoạn trong suốt quãng đường dài sau này. Giải pháp này có thể rất phù hợp với những doanh nghiệp có trình độ quản lý chưa cao. Thứ sáu, quan tâm cập nhật thường xuyên các thay đổi, các hướng dẫn của các bên liên quan về IFRS và những điều chỉnh mới. IFRS sẽ được áp dụng bắt buộc cho các doanh nghiệp sau năm 2025. IFRS không phải là bộ chuẩn mực cố định, có thể thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hay thay thế trong suốt quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp và cả quá trình áp dụng lâu dài, do đó, các doanh nghiệp đặc biệt là các nhà quản trị tài chính cần chú ý cập nhật kịp thời. Một số khuyến nghị: + Bộ Tài chính nên tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, là trụ cột chủ đạo trong tiến trình chuyển đổi, áp dụng IFRS ở Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng lộ trình cụ thể, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật (Thông tư hướng dẫn, văn bản hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ, …) làm cơ sở cho các doanh nghiệp và các đơn vị triển khai. Ngoài ra cần chủ trì định kỳ đánh giá, rà soát nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh cần giải quyết kịp thời trong quá trình các doanh nghiệp chuyển đổi áp dụng IFRS từ nay (2022) đến giai đoạn áp dụng bắt buộc sau 2025. + Các hiệp hội liên quan như Hiệp hội Kế toán, Tư vấn thuế, … nên có các diễn đàn trao đổi, ghi nhận và giải đáp các ý kiến thắc mắc và tư vấn những vướng mắc phát sinh trong quá trình các doanh nghiệp triển khai áp dụng IFRS. + Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về tài chính - kế toán cần phát huy vai trò là kênh nghiên cứu, truyển tài tri thức và chuyển giao công nghệ, một mặt tham gia đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu mặt khác thực hiện tốt vai trò nghiên cứu, bồi dưỡng, tư vấn chuyên môn cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp. 5. Kết luận Chuyển đổi, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS là một nhiệm vụ lâu dài, có tính hệ thống. Một mặt việc chuyển đổi mang lại nhiều lợi ích cho quản lý vĩ mô lẫn hoạt động quản trị ở tầm vi mô, mặt khác đặt ra rất nhiều thách thức cần giải quyết. Trên góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp, việc chuyển đổi áp dụng IFRS cho 852
  12. doanh nghiệp Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về nhân sự, về công nghệ, về quy trình và hệ thống, … đòi hỏi các nhà quản trị cần thực thi có hệ thống nhiều giải pháp khác nhau, đảm bảo cho quá trình chuyển đổi được thuận lợi và hiệu quả nhất. Tuy vậy, cần có thêm các nghiên cứu và khảo sát ở quy mô mẫu khảo sát lớn, nhằm đánh giá toàn diện những thách thức và tìm kiếm các giải pháp thực sự có toàn diện, có tính trọng yếu để đảm bảo lộ trình chuyển đổi cho các doanh nghiệp thành công ngay từ giai đoạn đầu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam". 2. Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (2020), Báo cáo Kết quả khảo sát Mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của doanh nghiệp tại Việt Nam. 3. Khánh Hằng (2021), ‘Áp dụng IFRS và một số vấn đề đặt ra’, Tạp chí Tài chính. 4. Lê Thị Thu Hương (2021), ‘Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở các nước và lộ trình thực hiện tại Việt Nam’, Tạp chí Tài chính, 751, 67-70. 5. Phan Thị Anh Đào (2021), ‘Áp dụng IFRS tại Việt Nam: Những khó khăn đặt ra’, Tạp chí Kế toán - Kiểm toán, 212. 6. PwC (2021), A comparison of International Financial Reporting Standards (IFRS) and Vietnamese GAAP, truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2022, https://www.pwc.com/vn/en/publications/2021/pwc-vietnam-ifrs-vietnamese-gaap.pdf 7. Website https://www.crowe.com/vn, truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2022, https://www.crowe.com/vn/vi-vn/insights/ifrs-publication/faq/3-pathway-of- transition-to-ifrs-in-vietnam-and-important-matters-for-attention. 8. Website https://www.ifrs.org/ 853
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2