Cổ mẫu và biểu tượng trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami từ góc nhìn phân tâm học
lượt xem 3
download
Nghiên cứu này tập trung kiến giải các cổ mẫu và biểu tượng cốt lõi trong tác phẩm từ góc nhìn phân tâm học. Từ đó, người viết khơi mở các vỉa tầng giá trị của tác phẩm, chỉ rõ thành công và đóng góp của Murakami trên văn đàn thế giới.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cổ mẫu và biểu tượng trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami từ góc nhìn phân tâm học
- CỔ MẪU VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT KAFKA BÊN BỜ BIỂN CỦA HARUKI MURAKAMI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC Phạm Tuấn Anh1 Tóm tắt: Haruki Murakami là nhà văn lớn của văn chương đương đại Nhật Bản. Đến nay, nhiều tác phẩm của Murakami đã được giới thiệu ở Việt Nam: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Người tình Sputnik, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Rừng Nauy… Tác phẩm của Murakami phục dựng thế giới vỡ vụn, đa tầng bậc, gợi mở nhiều vấn đề cho nghiên cứu, học thuật. Kakfa bên bờ biển là tiểu thuyết nổi trội trong sáng tác của ông. Nghiên cứu này tập trung kiến giải các cổ mẫu và biểu tượng cốt lõi trong tác phẩm từ góc nhìn phân tâm học. Từ đó, người viết khơi mở các vỉa tầng giá trị của tác phẩm, chỉ rõ thành công và đóng góp của Murakami trên văn đàn thế giới. Từ khóa: cổ mẫu, biểu tượng, vô thức tập thể, Kakfa bên bờ biển, Haruki Murakami. 1. Mở đầu Haruki Murakami (sinh năm 1949) là nhà văn lớn của văn chương đương đại Nhật Bản. Đến nay, nhiều tác phẩm của Haruki Murakami đã được giới thiệu ở Việt Nam: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Người tình Sputnik, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Rừng Nauy… Tác phẩm của Murakami phục dựng thế giới hỗn độn, đầy rẫy sự phi lí và bất tín nhận thức. Kafka bên bờ biển là tác phẩm cỡ lớn, đan bện nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Murakami khéo léo đan cài các cổ mẫu và biểu tượng để gợi mở các thông điệp ý nghĩa, giàu tính nhân văn; từ đó kích thích độc giả khám phá, đối thoại. Nghiên cứu này tập trung kiến giải các cổ mẫu và biểu tượng cốt lõi trong Kafka bên bờ biển từ góc nhìn phân tâm học. Qua đó, người viết khơi mở, khai thác các thông điệp mà nhà văn muốn trao đổi với độc giả, đồng thời chỉ rõ những thành công của Murakami trên văn đàn thế giới. 2. Nội dung 2.1. Về khái niệm cổ mẫu và biểu tượng Lại Nguyên Ân, trong 150 thuật ngữ văn học, nhận định: “Các mẫu gốc là những hình ảnh hoặc ý niệm đầu tiên, nguyên khởi, được di truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia” [1; tr.245]. Carl Gustave Jung cho rằng cổ mẫu ẩn giấu trong vô thức tập thể, là những yếu tố cấu trúc của tâm thần con người. Ông quan niệm cổ mẫu chính là những hình ảnh nguyên thủy, là “vết tích” cổ xưa. Cổ mẫu có tính chất gợi nhắc đến cái đầu tiên, cái gốc, cái nguyên thủy trong văn hóa nhân loại. Cổ mẫu có thể xem là mô hình biểu tượng hay ngữ cảnh tuần hoàn được tìm thấy trong thần thoại, tôn giáo và truyện của tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Trong Thăm dò tiềm thức, ông viết: “Chúng xuất hiện vào bất cứ 1. Thạc sĩ, Trường Đại học Cần Thơ 3
- CỔ MẪU VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT KAFKA BÊN BỜ BIỂN... thời nào, bất cứ ở đâu trên khắp thế giới, cả ở những nơi không thể căn cứ vào sự di truyền từ đời này sang đời khác hay vào sự pha giống nhân những vụ di dân trong lịch sử để cắt nghĩa sự có mặt ấy” [7; tr.98]. Về biểu tượng, Mark O’Conell và Raje Airey cho rằng thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp - symballein (tập hợp, hợp nhất), bắt nguồn từ tập quán cổ xưa của người Hy Lạp cổ đại. Thời kỳ cổ đại, họ có tục lệ dùng miếng sành vỡ để làm chứng cho một giao kèo hay thỏa thuận. Giống như trò chơi xếp hình, mỗi bên sẽ ráp các mảnh vỡ này lại sao cho khớp nối với nhau. Các mảnh vỡ đó là dấu hiệu để nhận biết các mảnh còn lại, có liên quan. Mỗi mảnh là đại diện cho mảnh khác/cái khác, ám chỉ cái đã thất lạc hoặc không thể nhìn thấy [Dẫn theo 3; tr. 28]. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant nhấn mạnh “lịch sử của biểu tượng xác nhận rằng mọi vật đều có thể mang giá trị biểu tượng, dù là vật tự nhiên như đá, kim loại, cây cối, hoa, quả, thú vật, suối sông, đại dương, núi…” [2; tr.23] và khởi nguyên của biểu tượng có thể “là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại” [2; tr.23]. Simund Freud cho rằng biểu tượng biểu đạt một cách gián tiếp và khó nhận diện cái được biểu trưng. Carl Gustav Jung xem biểu tượng như một dấu hiệu biểu đạt ý nghĩa [7; tr.133]. Qua cơ chế cảm giác và tri giác về hiện thực đời sống, bao hàm những thứ rõ ràng có thể nắm bắt và những thứ không rõ ràng, không thể nắm bắt mà chỉ có thể tri kiến, lí giải, biểu tượng hình thành và góp phần phái sinh nghĩa cho văn bản. Trong văn học, cổ mẫu và biểu tượng mở ra nhiều lớp nghĩa trừu tượng, từ đó kích thích độc giả kiến giải, suy ngẫm về văn bản. 2.2. Hệ thống cổ mẫu và biểu tượng trong Kafka bên bờ biển 2.2.1. Cổ mẫu Mẹ, cái bóng và linh hồn Trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, cổ mẫu Mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối mạch truyện của tác phẩm. Về cổ mẫu Mẹ, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng: “Người mẹ là dạng thức đầu tiên của anima mà mỗi cá thể con người sở nghiệm, tức là cái vô thức. Cái vô thức có hai mặt, một mặt xây dựng, một mặt phá hoại” [2; tr.588]. Từ xa xưa, cổ mẫu Mẹ đã tồn tại trong tâm thức nhân loại với vô vàn hình tượng biểu trưng, chẳng hạn như nữ thần bầu trời (Nut) của Ai Cập, nữ thần Đất (Gaia) và nữ thần nông nghiệp, mùa màng (Demeter) của Hy Lạp…Mẹ biểu trưng cho nguồn sống, mạch sống nuôi dưỡng và chở che cho con. Đồng thời, Mẹ cũng biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và phát triển trong tâm thức nhân loại. Tuy nhiên, ngoài yếu tố tích cực, cổ mẫu Mẹ cũng chứa đựng những yếu tố tiêu cực (thống trị, hủy diệt), ví như Nữ thần Kali trong Hindu giáo của Ấn Độ. Bà vừa là nữ thần biểu trưng cho sự hủy diệt, lại vừa biểu trưng cho sự sinh sôi, che chở. Tính chất nhị nguyên trong mẫu gốc Mẹ thể hiện khá tinh tế trong Kafka bên bờ biển của Murakami. Mẹ, đối với Kafka Tamura, vừa là nơi chở che, sưởi ấm mỗi khi cô độc, vừa là nỗi ám ảnh, sợ hãi cần phải trốn tránh. Cậu bé Kafka Tamura cho rằng Miss Saeki chính là mẹ mình. Cậu tin rằng sau khi người yêu mất, trong những năm tháng xa quê, Miss Saeki đã sống với bố và sinh ra mình. Miss Saeki ở hiện tại hiện diện như một trạng thái sống của cái chết, trống rỗng, vô hồn. Kafka 4
- PHẠM TUẤN ANH Tamura yêu say đắm Miss Saeki tuổi mười lăm - người hằng đêm vẫn thường xuất hiện trong căn phòng cậu đang trú ngụ. Hành vi lấy mẹ của Kafka Tamura trong tác phẩm biểu trưng cho những ẩn ức, khao khát kiếm tìm tình cảm của cậu bé bị bỏ rơi, muốn gắn kết với nguồn sống, mạch sống của mình. Miss Saeki biểu trưng cho sức sống, nguồn cội mà Kafka Tamura kiếm tìm. Nguyễn Thị Bích Thúy nhận định: “Người mẹ chính là “người nữ vĩnh cửu” trong tâm thức của người Nhật. Hình ảnh mẹ nằm ở tầng sâu nhất của tiềm thức phương Đông” và “Động lực chính để Murakami miêu tả, lí giải mối quan hệ Saeki - Kafka là “phức cảm Genji” nhưng cũng không thể phủ nhận phương diện “vô thức” trong mỗi con người [8]. Mối quan hệ, sự chung đụng giữa bà Miss Saeki – cậu bé Kafka Tamura có thể lí giải dựa trên phức cảm Genji, kết hợp soi chiếu phức cảm tâm lí gắn liền với phân tâm học. Mẹ là cổ mẫu phổ biến, xuất hiện dày đặc trong văn học thế giới, chẳng hạn như cổ mẫu Mẹ trong Thần thoại Hy Lạp, Tô tem sói (Khương Nhung), Ếch (Mạc Ngôn)…Trong Kafka bên bờ biển, Murakami khéo léo khắc họa tính chất nhị nguyên của cổ mẫu Mẹ, vừa là nơi sinh dưỡng, chở che cho con, vừa tạo nên nỗi lo âu cần phải lẩn tránh. Cái bóng là hình ảnh khá quen thuộc trong tâm thức cộng đồng, phản ánh những kinh nghiệm đầu tiên của con người về thế giới, hiện diện trong đời sống như một cổ mẫu, gắn liền với vô thức tập thể. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant nhận định: “Cái bóng, không tự sinh ra và cũng không tự định hướng, không có cuộc sống và cũng không có quy luật riêng của mình, đó là biểu tượng của mọi hành vi chỉ tìm được nguồn gốc chính đáng của mình trong tính tự nhiên” [2; tr.96]. Theo đó, cái bóng biểu trưng sự hiện hữu, tồn tại của đối tượng, bởi lẽ khi đứng dưới mặt trời, mọi vật hữu hình đều có bóng. Một mặt, cái bóng gợi lên sự tương phản, đối lập với ánh sáng; mặt khác, bóng cũng hàm chỉ đến hình ảnh của những sự vật vô định, không thể nắm bắt. Dân gian cho rằng người nào đã bán linh hồn cho quỷ thì sẽ đánh mất cái bóng của chính mình; bởi lẽ do không còn thuộc về mình nữa, họ không tồn tại với tư cách là một bản thể tròn vẹn. Trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, Murakami nhiều lần đề cập đến cái bóng không tròn vẹn của các nhân vật. Cái bóng không tròn vẹn ấy biểu trưng cho bản ngã bị đánh mất của nhân vật. Trong tác phẩm, Satoru Nataka cho rằng mình đã mất nửa cái bóng trong chiến tranh, không rõ nguyên do: “Nataka mất nửa bóng kia trong chiến tranh. Lão không biết tại sao điều đó lại xảy ra và tại sao lại nhằm vào lão” [10; tr.245]. Nataka hoài nghi về bản thể của mình, thường hay nhắc đến cái bóng với giọng điệu nuối tiếc, mơ hồ, trống rỗng: “Lão chỉ có nửa cái bóng thôi” [10; tr.235]. Mất nửa cái bóng, Nakata mất dần khả năng ghi nhớ, đặc biệt là những kỉ niệm quá vãng thời xa xăm. Cùng cảnh ngộ với Satoru Nataka, nhân vật Miss Saeki cũng mất nửa cái bóng của mình khi người yêu mất. Cô gái Miss Saeki tuổi mười lăm ấy đã tách một phần linh hồn ra khỏi thể xác nhằm giữ lại khoảng thời gian trọn vẹn, đẹp nhất đời mình. Nếu Satoru Nataka mất bóng của mình một cách vô thức, sau tai nạn đột ngột trong chuyến dã ngoại ở rừng, đầy rẫy sự ngẫu nhiên và phi lí thì Miss Saeki lựa chọn mất nửa cái bóng của mình một cách hữu thức để lưu giữ kỉ niệm, kí ức đẹp nhất của cuộc đời. Rõ ràng, câu 5
- CỔ MẪU VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT KAFKA BÊN BỜ BIỂN... chuyện về cái bóng không tròn vẹn của Satoru Nataka và Miss Saeki là những ẩn dụ cho việc đánh mất bản thể, cả vô thức lẫn hữu thức. Cái bóng là cổ mẫu quen thuộc trong sáng tác của Murakami, tiêu biểu như Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót…Ngoài sáng tác của Murakami, cổ mẫu cái bóng còn xuất hiện trong Cái bóng (Hans Christian Anderson), Người mất bóng (Aldalbert von Chamissi)…Murakami sử dụng cổ mẫu cái bóng để gợi suy ngẫm về sự hiện tồn của bản thể, nỗi niềm trăn trở về sự mỏng manh, bất tín của kiếp người trong đời sống hiện đại. Linh hồn cũng là một trong những cổ mẫu quen thuộc trong tâm thức nhân loại. Trong Kafka bên bờ biển, cổ mẫu linh hồn được Murakami sử dụng khá tinh tế nhằm tăng hiệu ứng kì ảo cho tác phẩm. Nhiều đêm “linh hồn sống” Miss Saeki gặp gỡ, chung đụng với cậu bé Kafka Tamura. Nguyễn Thị Bích Thúy nhận định: “Mối quan hệ ấy là sự phóng chiếu của tâm lí amae và lối tư duy Nhật Bản. Murakami đã triển khai “phức cảm Genji” trong Kafka bên bờ biển bằng phương thức biểu hiện mới: cảm quan phương Tây và phân tâm học Freud” [8]. Cổ mẫu linh hồn trong Kafka bên bờ biển của Murakami gợi nhắc đến Truyện Genji của Murasaki Shikibu. Các nhân vật trong tác phẩm này thường xuất hồn khi ngủ để chu du khắp nơi, nổi trội là “linh hồn sống” của công nương Rokujo - một trong những người tình của Genji, vì ghen tuông nên đã xuất hồn giết chết công nương Aoi. Trong Kafka bên bờ biển, cổ mẫu linh hồn biểu trưng cho khát vọng giải phóng ẩn ức bản thể, đồng thời thể hiện khao khát tái sinh tình yêu xưa cũ - những điều ẩn sâu trong tâm thức con người. 2.2.2. Biểu tượng Mèo, cái chết Mèo là biểu tượng được Haruki Murakami sử dụng nhiều trong tiểu thuyết của mình, đặc biệt là Kafka bên bờ biển. Từ nhỏ, cậu bé Nakata đã có nhiều trải nghiệm gắn liền với mèo. Sau tai nạn ở khu rừng, Nakata trở nên đần độn, mất dần sự linh hoạt, trí thông minh so với những cậu bé cùng trang lứa. Không thể học tiếp lên trung học, Nakata sống với bà ngoại, được bà yêu thương. Không theo kịp các bạn, Nataka bị ruồng rẫy, xa lánh, rơi vào tình cảnh lạc lõng, cô đơn. Thậm chí, nhiều lần Nataka bị các bạn giễu cợt, bắt nạt: “[…] Chúng rất thích đánh đập thằng ngụ cư, gây cho cậu những vết thương nặng (có lần rách cả tai)” [10; tr.243]. Bà mất, cuộc sống của cậu bé Nakata ngày càng bi đát, lầm lũi. Dù vậy, Nataka vẫn còn chút niềm an ủi nhờ vào khả năng giao tiếp với những chú mèo. Hành động truy tìm, bảo vệ mèo lạc của Nakata vừa thể hiện tình yêu thương đối với những sinh vật nhỏ bé, cần chăm sóc; đồng thời thể hiện khao khát kiếm tìm tình yêu thương, sự cưu mang cho chính mình, bởi lẽ Nataka cũng là một mảnh đời mỏng manh, bé nhỏ trong đời sống xã hội. Mèo, trong Kafka bên bờ biển, có khả năng rất đặc biệt, vừa trò chuyện, lại vừa cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho Nataka truy tìm tung tích những chú mèo khác đang bị thất lạc hoặc rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Trong tác phẩm, mèo trở thành đối tượng bị săn bắt của Johnnie Walker - kẻ chuyên giết mèo. Johnnie Walker tin rằng: “[…] Giết chúng để gom hồn chúng lại làm thành một loại sáo đặc biệt. Và khi tôi thổi cây sáo ấy, nó sẽ giúp tôi gom thành một cây sáo lớn hơn. Rồi 6
- PHẠM TUẤN ANH tôi gom những hồn lớn để tạo ra một cây sáo lớn hơn nữa” [10; tr.161]. Đọc tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận ra Johnnie Walker chính là một nhân dạng khác của nhà điêu khắc Koichi Tamura trong thế giới siêu hình - cha của cậu bé Kafka Tamura. Y cho rằng mèo là sinh vật có tính linh, do vậy có thể giết để thu thập linh hồn. Satoru Nakata quan niệm mèo là những sinh vật cần phải cưu mang, bảo vệ. Hành trình tìm kiếm và bảo vệ mèo lạc của Nataka biểu trưng cho hành trình khám phá, truy tìm cái bóng của chính mình, ví như hành trình tìm kiếm bản thể của con người trong thế giới hỗn độn, chứa đựng nhiều điều phi lí vốn nằm ngoài hiểu biết của chính mình. Mèo xuất hiện khá dày đặc, trở thành “kí hiệu” liên kết, xâu chuỗi các sáng tác của Murakami, từ Kafka bên bờ biển đến Cuộc săn cừu hoang, 1Q84, Biên niên kí chim vặn dây cót…Từ xa xưa, biểu tượng mèo đã xuất hiện trong văn học của Nhật Bản. Phan Thị Huyền Trang nhận định: “[…] Trong văn học dân gian Nhật Bản, những con mèo quỷ (nekomata) xuất hiện sớm từ thời Kamakura trong tác phẩm Meigetsuki của Fujiwara no Teika. Tác phẩm kể về một nekomata đã tấn công, giết và ăn thịt những người lang thang quá sâu vào hốc núi và giết nhiều người trong một đêm” [9]. Trong Kafka bên bờ biển, tính chất nhị nguyên của Mèo khá mờ nhạt, Murakami tập trung khắc họa mèo là sinh vật bé nhỏ, có khả năng ngôn ngữ đặc biệt, sống gần gũi và hỗ trợ thông tin cho lão Satoru Nakata. Cái chết là biểu tượng xuất hiện xuyên suốt trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển nhằm thể hiện ẩn ức về sự rạn vỡ, li tán, trống rỗng. Trong Từ điển văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng cái chết là “mặt có thể mất đi, có thể hủy hoại của sự sống” [2;tr.160] và “nó chỉ cái sẽ mất đi trong tiến hóa của sự vật: nó gắn bó với hệ tượng trưng đất” [2; tr.160]. Nhiều nhân vật trong Kafka bên bờ biển tìm đến cái chết hoặc gieo rắc sự chết chóc như phương thức làm dịu nhẹ, mờ nhòe những tổn thương, mất mát trong tâm hồn. Chịu nhiều tổn thương từ sự rời đi của Miss Saeki, nhân vật Koichi Tamura đã khoác cho mình nhân diện khác, hình hài Johnnie Walker, dấn sâu vào hành trình tàn sát những chú mèo lạc nhằm “đáp trả” lại những tổn thương của cuộc đời. Johnnie Walker là kiểu nhân vật thích gieo rắc tội ác và cái chết. Đối mặt với lão Nataka, Johnnie Walker nhiều lần kích động Nataka giết mình bằng việc nhắc đến cái chết và những hành động man rợ, phi nhân tính sẽ tái lập với mèo: “[…] Tự lấy mạng mình không phải là một phương án. Cái đó cũng đã được quy định. Trong cái cuộc này, có đủ các thứ lệ luật. Nếu tôi muốn chết, tôi phải nhờ được một người khác giết tôi. Bác chính là người thích hợp. Tôi muốn bác phải sợ tôi, căm ghét tôi ghê gớm, rồi hạ sát tôi.” [10; tr.161]. Johnnie Walker giãi bày và thuyết phục Nakata giết mình: “Điều bù lại duy nhất cho bác ở đây - nếu như quả thật bác cần cái đó - là việc tôi muốn chết. Tôi đã nhờ bác giết tôi, cho nên bác khỏi phải chịu lương tâm cắn rứt. Bác làm đúng tâm nguyện của tôi. Không phải như bác giết một người không muốn chết. Thực tế, bác đang làm một điều thiện” [10; tr.163]. Mượn tay Nataka, Johnnie Walker đi vào cõi chết để giải thoát khỏi cuộc sống bế tắc, lạc lõng. Thế nhưng, tách rời thể xác, linh hồn Johnnie Walker cũng chỉ là phiến vỡ lạc lõng, cô đơn bởi lẽ cái chết không phải là phương thức hữu hiệu để rột rửa, tẩy sạch những mất mát, tổn thương hoặc tội lỗi của nhân vật. Cuối 7
- CỔ MẪU VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT KAFKA BÊN BỜ BIỂN... tác phẩm, linh hồn của Koichi Tamura/Johnnie Walker đối thoại, giãi bày về cái chết với Kafka Tamura với nỗi trống rỗng, cô đơn: “Con có biết cõi minh phủ là gì không? Đó là vùng trung lập giữa sống và chết. Một nơi buồn thảm, u ám. Nói cách khác, đó là nơi ta đang ở: khu rừng này. Ta đã chết ở ngay nhà mình, nhưng ta đã không đi sang thế giới bên kia. Ta là một linh hồn lang thang và một linh hồn lang thang thì không có hình thù. Ta khoác cái hình dạng này chỉ là tạm thời thôi. Vì thế con không thể làm gì được ta. Con hiểu chứ? Ngay cả nếu ta đổ máu tràn khắp chỗ này thì đó cũng không phải là máu thật. Ngay cả nếu ta có đau đớn ghê gớm thì đó cũng chỉ là đau đớn giả.” [10; tr.500]. Ngoài Johnnie Walker, Miss Saeki cũng là nhân vật tìm đến cái chết - kiểu biến thể của cái chết. Tách linh hồn sống ở tuổi mười lăm khi người yêu mất, tháng ngày còn lại của Miss Saeki chỉ là thời khắc trống rỗng, vô hồn: “[…]. Từ đó trở đi, nó chỉ là một chuỗi bất tận những hồi tưởng, một cái hành lang tối mịt, ngoằn ngoèo chẳng dẫn tới đâu cả. Mặc dù thế, thôi vẫn phải sống lay lắt từng ngày trống rỗng, tiễn từng ngày trống rỗng ra đi. Trong những ngày đó, tôi phạm biết bao sai lầm” [10; tr.500]. Miss Saeki đã buông rơi cuộc đời, níu giữ khoảnh khắc đẹp nhất của cô gái tuổi mười lăm - cô gái nồng thắm, hạnh phúc tình yêu lứa đôi và mơ ước về một cuộc sống tròn vẹn, viên mãn. Ngoài Kafka bên bờ biển, biểu tượng cái chết còn xuất hiện trong Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Nauy, Cuộc săn cừu hoang, 1Q84 (Haruki Murakami), Kim Các tự (Yukio Mishima), Tiếng rền của núi, Người đẹp say ngủ (Yasunari Kawabata)…Cái chết là biểu tượng phổ biến trong văn học, gắn liền với nỗi niềm bi cảm về cuộc đời, chứa đựng những khoảnh khắc lắng đọng, đốn ngộ về cõi nhân sinh. Trong sáng tác của Murakami, cái chết biểu hiện cho sự đứt gãy, tiêu vong của bản thể - vốn không tròn vẹn, mà luôn phân mảnh, đầy rẫy sự hoài nghi và bất tín nhận thức trước cuộc đời. Ngoài mèo và cái chết, tiểu thuyết Kafka bên bờ biển còn có biểu tượng rừng, giếng cạn, giấc mơ…Nhìn chung, Haruki Murakami thành công trong việc sử dụng các cổ mẫu và biểu tượng nghệ thuật để gợi mở các thông điệp giàu tính nhân sinh trong đời sống xã hội. 3. Kết luận Đọc tác phẩm của Murakami, độc giả buộc phải khám phá, bóc tách từng kí hiệu, từng lớp nghĩa ẩn kín trong văn bản. Murakami tinh tế gợi mở, đối thoại với độc giả về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Nghiên cứu cổ mẫu và biểu tượng trong Kafka bên bờ biển từ góc nhìn phân tâm học là hướng tiếp cận khả thi giúp khơi mở, khai phá các vỉa tầng giá trị của tác phẩm. Cổ mẫu và biểu tượng nghệ thuật được Murakami lồng ghép, sử dụng khéo léo nhằm tạo ra nhiều khả thể của sự diễn dịch, qua đó truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, đốn ngộ về cõi nhân sinh. Giải mã cổ mẫu và biểu tượng trong tác phẩm, độc giả mở rộng trường nhận thức, khám phá thêm các giá trị về văn hóa - xã hội đang ẩn chìm trong văn bản, từ đó chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật. 8
- PHẠM TUẤN ANH TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Nguyên Ân (Biên soạn) (2017), 150 thuật ngữ văn học, NXB Văn học. [2] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Phạm Vĩnh Cư và các cộng sự dịch), NXB Đà Nẵng. [3] Nguyễn Linh Chi (2018), Mã văn hóa trong tác phẩm của James Joyce, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [4] Sigmund Freud (2020), Vật tổ và cấm kỵ (Đoàn Văn Chúc dịch), NXB Thế giới. [5] Lê Thị Diễm Hằng (2018), “Biểu tượng cái chết trong tiểu thuyết của Haruki Murakami”, Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế, số 2. [6] Đào Thị Thu Hằng (2018), Nhà văn Nhật Bản thế kỉ XX, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. [7] Carl Gustav Jung (2022), Thăm dò tiềm thức (Vũ Đình Lưu dịch), NXB Tri thức. [8] Nguyễn Thị Bích Thúy (2010), “Phức cảm Genji trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5. [9] Trần Thị Huyền Trang (2020), “Biểu tượng Mèo trong tiểu thuyết Haruki Murakami”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 5. TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU [10] Haruki Murakami (2020), Kafka bên bờ biển (Dương Tường dịch), NXB Văn học. ARCHETYPES AND SYMBOLS IN THE NOVEL KAFKA ON THE SHORE BY AUTHOR HARUKI MURAKAMI FROM A PSYCHOANALYTIC PERSPECTIVE PHAM TUAN ANH Can Tho University Abstract: Haruki Murakami is a great writer of contemporary Japanese literature. Up to now, many of Murakami's works have been translated and introduced in Vietnam: South of the Border, West of the Sun, Sputnik Sweetheart, The Wind-Up Bird Chronicle, Kafka on the Shore, Norwegian Wood... Murakami's works restore the broken, multi- layered world, suggesting many problems for research and academia. Kafka on the Shore is the dominant novel in his composition. From a psychoanalytic perspective, the study focuses on establishing and interpreting the multiple meanings of archetypes and symbols in the work. From there, the writer evokes the layers of value of the work, emphasizing Murakami's success and contribution to world literature. Key words: Archetype, symbol, collective unconscious, Kafka on the Shore, Haruki Murakami. 9
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Hệ thống biểu tượng đặc sắc trong thơ tượng trưng Bích Khê
9 p | 45 | 10
-
Mâu thuẫn biện chứng và biểu hiện trong kinh tế thị trường - 1
7 p | 87 | 8
-
Triết lý âm – dương qua một số biểu tượng của đạo Cao Đài
6 p | 101 | 8
-
Sử dụng trò chơi dân gian nhằm hình thành biểu tượng số lượng cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
6 p | 120 | 8
-
"红" trong tiếng Hán và "đỏ", "hồng " trong tiếng Việt
4 p | 143 | 7
-
Biểu tượng “lửa” trong thơ ca Đông Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp
10 p | 150 | 6
-
Mâu thuẫn biện chứng và biểu hiện trong kinh tế thị trường - 5
5 p | 104 | 6
-
Vai trò phụ nữ trong lịch sử (Qua giải mã một vài biểu tượng tín ngưỡng và huyền tích nữ thần)
6 p | 55 | 6
-
Mâu thuẫn biện chứng và biểu hiện trong kinh tế thị trường - 3
7 p | 71 | 6
-
Biểu tượng cổ mẫu “đất” trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 qua một số tiểu thuyết tiêu biểu
3 p | 32 | 5
-
Thơ Hoàng Cầm nhìn từ lăng kính phê bình cổ mẫu
10 p | 42 | 5
-
Cổ mẫu ánh sáng - bóng tối, hiện thực và huyễn mộng trong thơ Việt Nam sau 1986
8 p | 48 | 5
-
Mâu thuẫn biện chứng và biểu hiện trong kinh tế thị trường - 2
7 p | 68 | 5
-
Giá trị tinh thần của hoa mẫu đơn trong đời sống tinh thần của người Trung Quốc
6 p | 10 | 4
-
Biểu tượng cổ mẫu trong văn xuôi Võ Thị Hảo
7 p | 82 | 4
-
Cổ mẫu lưỡng tính trong truyện ngắn Isaac Bashevis Singer
6 p | 50 | 2
-
Biểu tượng nước trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2000
8 p | 35 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn