intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Công nghiệp khai khoáng và sự chuyển đổi thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

13
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Công nghiệp khai khoáng và sự chuyển đổi thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX tập trung phân tích tác động của hoạt động khai mỏ đối với sự phát triển của thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thế kỷ XVIII-XIX.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Công nghiệp khai khoáng và sự chuyển đổi thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX

  1. DOI: 10.56794/KHXHVN.1(181).89-98 Công nghiệp khai khoáng và sự chuyển đổi thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX Vũ Đường Luân*, Nguyễn Thị Huệ** Nhận ngày 30 tháng 4 năm 2022. Chấp nhận đăng ngày 26 tháng 1 năm 2023. Tóm tắt: Bài viết này1 tập trung phân tích tác động của hoạt động khai mỏ đối với sự phát triển của thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thế kỷ XVIII-XIX. Mặc dù phần lớn các nghiên cứu đi trước ít khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đối với sự phát triển của kinh tế của Việt Nam thời kỳ cổ trung đại; tuy nhiên, bài viết này sẽ đem đến một nhận thức khác về thương mại biên giới Việt - Trung cũng như những ảnh hưởng của nó. Cách thức mà các hoạt động khai mỏ tạo ra sự chuyển biến kinh tế đối với vùng cao ở miền Bắc Việt Nam cho thấy một hình ảnh đời sống hàng ngày của khu vực biên giới Việt - Trung hết sức năng động cũng như là cội nguồn của sự phát triển kinh tế hàng hóa ở Việt Nam trong tiến trình lịch sử. Từ khóa: Khai khoáng, thương mại biên giới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thế kỷ XVIII - XIX. Phân loại ngành: Sử học Abstract: This article focuses on analysing the impact of mining activities on the development of border trade between Vietnam and China from the 18th to the 19thcenturies. Given the fact that most of the studies in the past have rarely made emphasis on the importance of the Vietnam - China border area in Vietnam’s economic development in the medieval period, the article will provide a different perspective on Vietnam-China border trade and its impacts. The way in which mining activities created economic transformation in the mountainous regions of northern Vietnam shows a picture of daily life in the dynamic Vietnam-China border region as well as a source of energy of the development of commodity economy in Vietnam in the historical process. Keywords: Mining, border trade, Vietnam - China relations, 18th - 19th centuries. Subject classification: History 1. Mở đầu Mặc dù sự phát triển của trao đổi thương mại ở các cửa khẩu biên giới hiện vẫn là một trong những hiện tượng nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện đại nhưng thực tế là trước đó vài thế kỷ, mậu dịch biên giới Việt - Trung thường ít được các nhà sử học đánh giá cao, không chỉ bởi tính chất kinh tế tự nhiên của cộng đồng cư dân ở khu vực này mà còn bởi sự phổ biến của hình thức mậu dịch trên biển trong quan hệ giao lưu quốc tế của các xã hội châu Á thời kỳ tiền hiện đại (Li Tana, Paul Van Dyke, 2007, tr.87-88). Thực tế là tầm quan trọng của mậu dịch biên giới Việt - Trung mới chỉ được đề cập trong mối tương tác giữa sự trỗi dậy các thể chế chính trị ở vùng cao của lục địa Trung Hoa thông qua các ghi chép của các sử gia Trung Quốc từ thời Tống (Chu Khứ Phi, 1999, tr.193-195). Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XIV-XV trở đi, khi mà các hoạt động hàng hải trở thành * Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Email: luanvuduong@gmail.com ** Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. 1 Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong Đề tài mã số 601.01-2020.01. 89
  2. Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2023 kênh giao thông và thương mại chính giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á thì tuyến thương mại trên bộ xuyên qua khu vực biên giới Việt - Trung dường như ít được nhắc tới trong các tài liệu của hai bên. Điều này khiến cho việc nghiên cứu về quan hệ thương mại biên giới Việt - Trung thường chỉ được nhìn nhận như là hoạt động trao đổi chủ yếu phục vụ cộng đồng cư dân bản địa hơn là tham gia vào các quan hệ kinh tế có tính chất quốc tế. Hệ quả là, nghiên cứu về quan hệ kinh tế Việt - Trung trong lịch sử thường bị nhấn mạnh thông qua các giao lưu hàng hải hơn là lục địa. Dù vậy trong khoảng một thập niên trở lại đây, cùng với sự gia tăng của các nghiên cứu về khu vực miền núi, vai trò của thương mại quốc tế ở vùng cao phía bắc Việt Nam đã bắt đầu được nhìn nhận lại. Chủ đề này được thúc đẩy nhanh chóng trong bối cảnh các nghiên cứu kinh tế - xã hội ở Trung Quốc thời kỳ cận đại sơ kỳ đang từng bước chuyển dần từ cộng đồng người Hán làm trung tâm sang các nhóm tộc người thiểu số ở các khu vực biên viễn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về khai mỏ ở các khu vực Tây Nam Trung Hoa gần đây cũng đã từng bước làm hé lộ sự bùng nổ của nền công nghiệp khai khoáng - nhân tố làm thay đổi đáng kể cấu trúc kinh tế - xã hội ở Trung Quốc và một số quốc gia xung quanh. Tất cả các điều kiện trên góp phần giúp các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước nhìn lại một cách khách quan hơn vị trí của các hoạt động trao đổi thương mại biên giới lục địa trong tiến trình lịch sử của quan hệ giữa hai quốc gia. Xét một cách tổng thể, nội dung của bài nghiên cứu này không nằm ngoài xu thế đánh giá lại kinh tế vùng cao, đặc biệt là vai trò của các tương tác ở khu vực biên giới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (Li Tana, 2012, tr.67-86). Tuy nhiên, thay vì nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi ở vùng cao như một yếu tố thường xuyên, các tác giả của bài viết cho rằng, hoạt động khai mỏ trở thành nhân tố then chốt có tác động kích thích đối với nền kinh tế địa phương; đồng thời tạo ra một sự chuyển đổi mạnh mẽ của hoạt động thương mại giữa hai quốc gia. Điều này cũng sẽ góp phần giải thích một cách đầy đủ những thay đổi về bức tranh kinh tế - xã hội vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn cuối thời kỳ phong kiến trong mối quan hệ với hoạt động khai mỏ. 2. Công nghiệp khai khoáng ở vùng biên giới Việt - Trung Các kết quả nghiên cứu gần đây về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX đã cho thấy một sự phát triển đáng kể của nền công nghiệp khai khoáng ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mặc dù chưa có những thông tin hoàn toàn đầy đủ, nhưng hầu hết các học giả quan tâm đến chủ đề này ở trong và ngoài nước đều khẳng định tầm quan trọng của kinh tế khai mỏ trong cấu trúc kinh tế của Đàng Ngoài. Theo Lê Quý Đôn, tại khu vực miền núi phía Bắc thuộc các trấn Hưng Hóa, Tuyên Quang, trong đó chỉ riêng Tuyên Quang đã có chục mỏ kim loại từng được khai thác và trở thành một trong những nguồn lợi quan trọng cho nền kinh tế địa phương (Lê Quý Đôn, 2007, tr.395-396). Theo Phan Huy Chú, “mối lợi về hầm mỏ phần nhiều là ở các xứ Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc đáng giá không biết bao nhiêu của. Việc chi dùng của nhà nước sở dĩ được dồi dào, là do ở thuế các mỏ nộp đầy đủ” (Phan Huy Chú, 2011, t.2, tr.141). Thống kê từ sử liệu của triều Nguyễn cho thấy, cuối thế kỷ XVIII, tại khu vực biên giới Việt - Trung có khoảng từ 50-60 mỏ khoáng sản các loại đã từng được khai thác (Nội các triều Nguyễn, 1993, t.4, tr.205-297). Tất cả những thông tin kể trên góp phần khẳng định, công nghiệp khai khoáng như một hiện tượng đặc biệt trong nền kinh tế Đàng Ngoài, ít nhất từ thế kỷ XVIII. Thông qua tài liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu cũng nhận ra hai trường mỏ có quy mô khá lớn và được đánh giá nằm trong nhóm những xưởng mỏ thuộc vào loại lớn trong toàn bộ khu vực biên giới Tây Nam Trung Quốc thời Thanh là mỏ đồng Tụ Long và mỏ bạc Tống Tinh. Trong một bản tấu gửi hoàng đế Càn Long vào năm 1743, các quan lại của tỉnh Vân Nam đã từng ước đoán mỏ Tụ Long có số lượng không dưới 10 vạn người và mỗi năm khai thác trung bình khoảng 45 vạn cân đồng (Nội các triều Thanh, 1987, Q.11, tr.463). Với sản lượng này, theo đánh giá, mỏ Tụ Long có thể được xem như là một trong những mỏ đồng có sản lượng lớn nhất ở châu Á (Woodside Alexander, 1997, tr.259-260). Một trường mỏ khác cũng có vị trí không kém phần quan trọng là 90
  3. Vũ Đường Luân, Nguyễn Thị Huệ mỏ bạc Tống Tinh. Theo các sử gia triều Nguyễn thì mỏ bạc Tống Tinh được ra đời vào khoảng đầu năm 1717 (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, t.2, tr.411). Tuy vậy, chỉ vài thập niên sau, tại đây số người tụ tập ước chừng đến vạn người và do việc đào quặng nên trên đất bằng, chất đến trăm nghìn đống đất mà trong hầm thì rộng chứa đến hàng trăm người (Phan Huy Chú, 2011, t.2, tr.142-143). Đến thập niên cuối thế kỷ XVIII, dù phải trải qua hàng loạt những xáo động bởi các các cuộc tranh giành lợi ích bên trong cũng như những biến cố chính trị diễn ra giữa các thể chế chính trị Việt Nam đã khiến nhiều người Hán phải bỏ về nội địa, song dường như số lượng những người khai mỏ ở khu vực biên giới Việt - Trung vẫn là một con số đáng kể. Năm 1789, khi đội quân của Tôn Sĩ Nghị đến khu vực biên giới đã gặp những người đến từ mỏ Tống Tinh và họ cho biết hiện tại ở khu vực mỏ Tống Tinh vẫn còn khoảng hơn một vạn người (Bảo tàng Cố cung Đài Loan, 1788, tr.1-6). Vào đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, chính quyền nhà Nguyễn nhanh chóng có các chính sách phục hồi các hoạt động khai mỏ. Nhờ thế mà việc khai thác khoáng sản ở khu vực miền Bắc Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Trong suốt niên hiệu Gia Long (1802-1820), trung bình số lượng các mỏ nhận lĩnh trưng để khai thác và đóng thuế ở miền Bắc Việt Nam đã tăng từ khoảng 40 đến hơn 50 mỏ và đến đầu thời kỳ Minh Mệnh (1821-1840) đã đạt tới gần 60 mỏ được khai thác với nhiều loại khoáng sản khác nhau (Phan Huy Lê, 1999, tr.589). Tất cả những điều này tạo nên một bức tranh phát triển đa dạng của nền công nghiệp khai khoáng ở khu vực biên giới Việt - Trung vào nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, sự bùng nổ của nền công nghiệp khai khoáng đã có những ảnh hưởng nhanh chóng đến toàn bộ cấu trúc kinh tế - xã hội địa phương. Từ một khu vực hẻo lánh với mật độ thưa thớt thì sự xuất hiện của hàng vạn người lao động đã tạo ra những thách thức không nhỏ đến nhu cầu hàng hóa cũng như tạo ra các nguồn lực phát triển cho địa phương. Thực tế cho thấy, cộng đồng cư dân khai mỏ cần cung cấp thường xuyên chỗ ở cũng như một lượng lớn các loại hàng hoá nhu yếu phẩm hàng ngày như: than củi, dầu, gạo, muối, thuốc chữa bệnh, vải vóc cho đến các loại dụng cụ sản xuất và sinh hoạt, trong khi rất nhiều mặt hàng cần thiết này lại không được sản xuất tại chỗ. Hơn thế nữa trong bối cảnh lực lượng lao động chính trong các công trường khai mỏ là những người Hán từ phương Bắc thì các hàng hóa từ Trung Quốc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng cư dân khai mỏ. Điều này đã tạo nên nhu cầu trao đổi vượt qua khỏi các ranh giới của quốc gia và sự kiểm soát của nhà nước. 3. Thay đổi chính sách quản lý biên giới Các tài liệu lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam đều cho thấy, dưới tác động của khai mỏ, hoạt động thương mại ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra với một phạm vi và quy mô rộng lớn hơn trong suốt 2 thế kỷ XVIII-XIX. Tấu báo của các quan lại địa phương nhà Thanh trong giai đoạn này phản ánh sự lo lắng về việc mất kiểm soát của nhà nước trong việc quản lý các hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại biên giới. Về danh nghĩa, việc trao đổi được tiến hành chủ yếu thông qua hệ thống các cửa ải; nhưng trong thời kỳ đầu, do tình hình chính trị ở khu vực biên giới không ổn định, triều Thanh cho đóng các cửa ải cũng như nghiêm cấm các hoạt động buôn bán. Tuy nhiên, điều này dường như không thể ngăn cản các hoạt động buôn lậu hoặc vượt biên bất hợp pháp như nhiều quan lại địa phương đã từng thừa nhận. Đứng trước thực tế đó, năm Càn Long thứ 8 (1743), quan lại tỉnh Quảng Tây đã buộc phải đề nghị với chính quyền trung ương về việc cho phép các hoạt động giao thương được khai thông ở khu vực ba cửa ải Bình Nhi, Thủy Khẩu và Do Thôn (Nội các triều Thanh, 1987, Q.11, tr.463). Việc mở cửa cho thương mại và thiết lập hệ thống thuế quan không những góp phần bổ sung một nguồn tài chính quan trọng cho chính quyền địa phương mà hơn thế nữa, nó là cơ sở pháp lý để nhà nước trực tiếp quản lý các hoạt động trao đổi giữa hai bên biên giới. Trong khi đó, do khoảng cách khá xa về địa lý so với các trung tâm chính trị mà các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới với Vân Nam thậm chí còn 91
  4. Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2023 diễn ra tự do hơn. Ngay sau khi ải Mã Bạch được xây dựng trở thành một trong những cửa ải chính và là kênh giao thông kết nối quan trọng giữa Vân Nam và miền Bắc Việt Nam thì địa điểm này cũng đóng vai trò như là một trung tâm quan trọng của thương mại biên giới hai nước (Thang Đại Tân, 2011, tr.77). Tuy vậy, sau hơn ba mươi năm thực thi chính sách mở cửa , chính quyền Trung Hoa dần nhận ra hàng loạt vấn đề phức tạp do các hoạt động thương mại biên giới mang lại. Theo lời tấu của Lý Thời Nghiêu vào năm 1775, tình trạng lợi dụng việc mở cửa biên giới để thoát ly khỏi sự quản lý của nhà nước diễn ra phổ biến, do đó ông ta đã đề nghị giới hạn việc xuất cảnh ở hai cửa khẩu Bình Nhi và Thủy Khẩu. Riêng cửa ải Do Thôn do đặc điểm địa hình phức tạp nên tiến hành đóng cửa (Viện Sử học - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - chủ biên, 1982, tr.598). Các chính sách cởi mở trong việc duy trì thương mại tự do biên giới vì thế cũng chỉ tồn tại đến cuối thế kỷ XVIII. Các biến động chính trị ở Việt Nam trong giai đoạn này đã có những tác động trực tiếp đối với đời sống kinh tế, đồng thời tạo ra sự phản ứng nhất định của nhà Thanh trong việc quản lý biên giới. Năm 1778, trước cục diện chính trị thay đổi ở An Nam, hoàng đế Càn Long quyết tâm đóng cửa hoàn toàn biên giới nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng của các phong trào nông dân đến khu vực do triều Thanh kiểm soát. Các cửa ải vốn là trung tâm của các hoạt động thương mại giữa hai bên cũng vì thế mà bị phong bế (Nội các triều Thanh, 1987, Q.25, tr.624). Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, ngay sau khi các cuộc chiến kết thúc, vương triều mới thành lập ở Việt Nam là Tây Sơn (1788-1802) ngay lập tức xin thiết lập quan hệ triều cống với Trung Quốc, đồng thời đề nghị triều Thanh cho phép khôi phục lại các hoạt động giao thương ở khu vực biên giới. Đầu năm 1790, Phúc Khang An dâng tấu rằng chính quyền phía An Nam đã thần phục, dân cư khu vực biên giới chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng chiến tranh nên đề nghị hoàng đế Càn Long cho mở cửa để tiến hành buôn bán (Nội các triều Thanh, 1987, Q.25, tr.1219). Đến năm sau, chủ trương mở cửa biên giới chính thức được thực hiện và hai bên đã nhanh chóng tiến hành xây dựng những quy chế mới của việc quản lý. Quy chế mới gồm 16 điểm mà hai bên xây dựng đã đề cập đến hầu hết những vấn đề quan trọng, trong đó tập trung vào hai nội dung cơ bản nhất là quản lý thương mại và dân cư. Theo đó, “thương nhân Trung Quốc khi đến An Nam buôn bán không chỉ căn cứ trên cơ sở xác định quê quán” mà còn phải trình thẻ bài để thực hiện việc quản lý. Tại các cửa khẩu, triều Thanh cũng cho thiết lập các tổ chức quản lý cư dân theo các nhóm cư dân dựa trên các đơn vị hành chính ở vùng biên. Ngoài ra, quy chế mới cũng tiến hành kiểm soát đối với nhiều loại hàng hóa được buôn bán. Các mặt hàng được phép trao đổi, bao gồm: vải vóc, quần áo, giày dép, trà xanh, đường, trầu cau, tre gỗ, dược liệu, chì kẽm, sa nhân; ngoài ra tất cả các loại hàng hóa khác đều bị cấm (Viện Sử học và Ngôn ngữ - Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, 1987, Q. Thượng, tr.404-405). Sau hơn ba năm thực hiện mở cửa biên giới, tấu báo thực tế của quan lại nhà Thanh cho thấy, dòng chảy hàng hóa diễn ra hết sức tấp nập (Tiêu Đức Hạo, Hoàng Tranh, 1984, tr.364). Rõ ràng, các hoạt động thương mại biên giới gần như đã được nối lại chỉ một thời gian ngắn sau chiến loạn. Không những thế hệ thống thương mại theo thể chế mới cũng đã xác lập những nền tảng quan trọng cho hệ thống trao đổi ở khu vực biên giới Trung - Việt trong các giai đoạn sau đó. 4. Mở rộng hoạt động trao đổi và cộng đồng cư dân biên giới Các thay đổi trong chính sách quản lý thương mại rõ ràng đã tạo ra những điều kiện quan trọng cho nền kinh tế hàng hóa phát triển ở khu vực biên giới Việt - Trung và đưa khu vực này trở thành một trong những trung tâm trao đổi có tầm ảnh hưởng lớn ở miền Bắc Việt Nam. Các báo cáo của quan lại địa phương nhà Thanh cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ hơn về diện mạo các hoạt động thương mại ở khu vực này vào thế kỷ XVIII-XIX. Vào đầu thời kỳ Càn Long, theo Lý Thời Nghiêu, “ở khu vực các phủ Thái Bình, Nam Ninh và Trấn An vốn là khu vực giáp ranh với An Nam nơi có ba cửa quan và hàng trăm cửa ải, nhân dân qua lại buôn bán, khai mỏ tấp nập. Nhiều người còn lấy vợ An Nam, đi về và ở lại không thống nhất. 92
  5. Vũ Đường Luân, Nguyễn Thị Huệ Vùng đất ngoại di cũng giống như nội địa, hầu như không có sự phân biệt trong ngoài. Cụ thể hơn nữa, quan lại nhà Thanh ở khu vực cửa ải Do Thôn (nay thuộc khu vực biên giới giữa Quảng Tây và Lạng Sơn) cho biết, cửa ải này gần với khu vực châu Ninh Minh chỉ cách 110 dặm, thông với các châu Lộc Bình, Văn Uyên, Kỳ Lừa là nơi tập trung hàng hóa. Cộng đồng cư dân bản địa và các khu vực xung quanh phần lớn đều lấy việc trao đổi mua bán làm kế mưu sinh. Vì thế khi nhà nước ban hành lệnh cấm ở cửa ải không cho buôn bán thì họ đều tìm cách mang hàng hóa vượt biên giới khiến việc biên phòng không có nhiều hiệu quả (Nội các triều Thanh, 1987, Q.11, tr.826). Trong khi đó, tại khu vực ải Mã Bạch, trung tâm thương mại nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam với Đại Việt, thông tin từ địa phương chí cho biết số thuế thu được qua cửa ải này duy trì thuế quan hàng năm ở mức 2.000 lạng bạc (Thang Đại Tân, 2011, tr.77). Tất cả điều này góp phần khẳng định thương mại biên giới đã trở thành một trong những nguồn lợi quan trọng của kinh tế địa phương. Cùng lúc đó, các nguồn tư liệu từ phía Việt Nam cũng thể hiện phần nào những hoạt động kinh tế sôi động ở khu vực này từ cuối thế kỷ XVII. Văn bia “Tôn sư phụ bi” được khắc vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) do các thương nhân Trung Quốc, tù trưởng bản địa và nhân dân địa phương lập đã đề cập đến công trạng của Thân Công Tài, một quan lại trong chính quyền Lê - Trịnh (người từng giữ chức trấn thủ Lạng Sơn cũng như có vai trò chính trong sự phát triển các hoạt động thương mại ở khu vực này) (Hoàng Giáp - chủ biên, 2012, tr.45). Việc một quan lại địa phương được các thương nhân người Hoa và các tù trưởng địa phương lập đền thờ cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và cộng đồng xã hội ở khu vực này. Ngoài ra, các tư liệu minh văn khác cũng đề cập đến sự hiện diện của cộng đồng thương nhân người Hoa ở Lạng Sơn. Chẳng hạn như minh văn trên một chuông đồng ở miếu Quan Đế được đúc vào năm 1697 có ghi thương nhân đến từ mười ba tỉnh của Trung Quốc đóng góp xây dựng miếu. Đến năm Bảo Thái thứ 5 (1724), một tấm bia khác cũng được dựng lên ở gần khu vực này ghi lại việc người Hoa quyên góp xây dựng một chiếc cầu đá tại địa phương (Hoàng Giáp - chủ biên, 2012, tr.76). Những thông tin kể trên dù khá ít ỏi, song rõ ràng đã phần nào cho thấy sự phát triển bước đầu của các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới. Cộng đồng thương nhân người Hoa không chỉ xây dựng hội quán mà còn xây đền miếu và nhiều công trình kiến trúc khác, điều này giúp họ đặt nền móng vững chắc tại đây. Đối với khu vực biên giới Hưng Hóa - Vân Nam, thương mại cũng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cư dân và là một trong những nguồn thu đáng kể các tù trưởng địa phương. Theo mô tả của Lê Quý Đôn thì rất nhiều các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các phủ Khai Hóa, Quảng Nam của tỉnh Vân Nam được mang đến vùng mỏ Tụ Long thông qua các cửa ải (Lê Quý Đôn, 2007, tr.412). Rõ ràng, các tư liệu dù có tính chất quan phương hay dân gian thì đều cho thấy các hoạt động trao đổi ở biên giới Việt - Trung đã có một vị trí nhất định trong đời sống của cư dân địa phương ít nhất từ nửa đầu của thế kỷ XVIII. Điều này không chỉ tạo ra dòng chảy của hàng hóa và nhân lực từ nội địa đến An Nam mà con tạo điều kiện cho nhiều cư dân Giao Chỉ xâm nhập vào khu vực do triều Thanh quản lý. 5. Sự đa dạng của hàng hóa Một trong những yếu tố thể hiện rõ nét sự chuyển biến quan trọng của thương mại biên giới Việt - Trung thế kỷ XVIII-XIX so với các giai đoạn trước là sự đa dạng về loại hình hàng hóa. Hàng hóa được trao đổi các chợ biên giới không những đã vượt xa về chủng loại cũng như nhu cầu của các cộng đồng cư dân bản địa gắn với kinh tế nông nghiệp trong các giai đoạn trước mà dường như hướng tới phục vụ một cộng đồng cư dân lớn hơn, trong đó một trong những bộ phận quan trọng hơn cả là lực lượng công nhân khai mỏ. Theo các quan lại của triều Thanh, vào cuối thế kỷ XVIII, thương nhân phương Bắc khi đến buôn bán ở khu vực biên giới thường mang theo vải vóc, giày dép, giấy bút, đường trắng, dầu đốt, trầu cau và các loại dược liệu. Trên thực tế, các loại hàng hóa được buôn bán trên thị trường ở khu vực biên giới Việt - Trung vào đầu thế kỷ XIX còn phong phú hơn thế với hàng trăm loại mặt hàng khác nhau. 93
  6. Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2023 Bảng 1: Hàng hóa trao đổi trên thị trường miền bắc Việt Nam đầu thế kỷ XIX Đơn vị: loại Nội Ngoại lục trấn Tổng Loại hàng ngũ Tuyên Hưng Thái Lạng Cao Quảng cộng trấn Quang Hóa Nguyên Sơn Bằng Yên Vải vóc 113 7 12 12 92 39 275 Gỗ 44 246 26 2 8 15 341 Dược liệu 116 12 170 5 56 24 4 387 Kim loại 6 55 1 21 16 99 Văn phòng phẩm 2 51 31 18 102 Thực phẩm 109 23 76 15 34 45 11 313 Lâm sản 8 11 10 6 7 1 43 Tạp hóa 23 10 81 25 4 4 147 Loại khác 26 1 1 2 30 Tổng cộng 361 112 728 69 268 162 37 1737 Nguồn: Nội các triều Nguyễn, 1813. Thống kê từ bảng 1 cho thấy, thương mại biên giới có một vị trí đặc biệt trong đời sống kinh tế miền Bắc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX khi mà số lượng hàng hóa ở khu vực biên giới có số lượng vượt trội so với khu vực xung quanh châu thổ sông Hồng. Hưng Hóa, một địa phương thuộc khu vực biên giới ở phía Tây với Vân Nam, nơi có trung tâm giao dịch chính là các cửa ải Bảo Thắng - Hà Khẩu chỉ cách mỏ Tụ Long từ vài ngày đường, trở thành địa điểm có các loại thương phẩm phong phú nhất với 728 mặt hàng được giới thiệu (chiếm khoảng 40% các loại mặt hàng được bày bán). Trong số các loại hàng hóa, chiếm số lượng nhiều nhất là vải vóc, dược liệu cho đến các loại lương thực - thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sự đa dạng của các mặt hàng được sản xuất từ Trung Hoa. Trong khi phần lớn những cộng đồng cư dân bản địa chủ yếu duy trì nền kinh tế tự cấp tự túc thì việc nhiều loại mặt hàng được bày bán ở khu vực biên giới chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền công nghiệp khai khoáng. Lúa gạo: đối với dân cư ở những trường mỏ, thì hai mặt hàng không thể thiếu là gạo và muối. Các nghiên cứu về đời sống của các công nhân khai thác thiếc ở Palembang vào thế kỷ XVII chỉ ra rằng, một công nhân khai thác thiếc sẽ cần khoảng nửa picul (tức khoảng 30 kg) gạo một tháng. Nếu coi lượng gạo tiêu thụ của công nhân ở Palembang và khu vực biên giới Việt - Trung là như nhau thì để đảm bảo việc duy trì hoạt động của một vạn lao động của mỏ Tụ Long thì ít nhất khu mỏ này sẽ phải cần tới 60.000 picul tương đương với 1.800 tấn gạo mỗi năm. Đó là còn chưa kể nhu cầu lương thực của gia đình họ (Li Tana, Paul Van Dyke, 2007, tr.20). Trong khi ở một số khu vực, nhờ điều kiện địa hình và tự nhiên thuận lợi, nhu cầu lương thực được đáp ứng một phần nhờ sản xuất tại chỗ thì ở nhiều trường mỏ do nằm xa so với các trung tâm dân cư, gạo hoàn toàn được cung cấp từ các địa điểm sản xuất lúa gạo của Việt Nam ở vùng châu thổ sông Hồng. Đó là lý do lúa gạo ở vùng biên giới Việt - Trung thường có giá cao khoảng 10% hơn so với các khu vực khác mặc dù các chính quyền Việt Nam thường xuyên bán gạo từ kho nhà nước để điều chỉnh giá. Bảng 2: So sánh tương quan tỷ lệ giá giạo giữa các địa phương của khu vực biên giới Việt - Trung từ 1825-1826 Đơn vị: % Năm 1825 1826 Địa phương Lạng Sơn 100 104 Thái Nguyên 100 100 94
  7. Vũ Đường Luân, Nguyễn Thị Huệ Quảng Nam 102 95 Yên Quảng 104 102 Tuyên Quang 107 103 Hưng Hoá 111 114 Trấn An 114 113 Cao Bằng 124 129 Thái Bình 125 128 Khai Hoá 143 130 Nam Ninh 159 149 Liêm Châu 174 167 Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (1820-1840), Châu bản triều Minh Mệnh và Viện Nghiên cứu Kinh tế (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), 2009. Bảng 2 thống kê về tương quan tỷ lệ giá gạo được tìm thấy trong các báo cáo của chính quyền hai bên đã chỉ ra giá gạo ở ở khu vực miền Nam Trung Quốc thường cao hơn so với mặt bằng chung của miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, ở miền Bắc Việt Nam, giá gạo tương đối đồng đều giữa các khu vực trong khi giá gạo ở các địa phương ở bên kia biên giới có sự phân hoá khá rõ nét. Điển hình là trường hợp của Liêm Châu (một địa điểm ở vùng biên giới duyên hải với Trung Quốc) có giá gạo cao mức trung bình của khu vực hơn 1,5 lần. Vào nhiều thời điểm, sự chênh lệnh giá gạo thậm chí còn cao hơn. Trong bối cảnh đó, khu vực các chợ biên giới trở thành những địa điểm buôn bán gạo. Theo Ninh Minh châu chí, ở khu vực này có một chợ phiên buôn bán gạo khá phát đạt do ở gần đó, dân châu Thượng Long thường trồng mía làm đường, gạo không đủ ăn nên đều đến châu Ninh Minh để mua. Trước thời Đạo Quang, chợ này rất phát đạt (Lê Thân Sản, 1970, tr.66). Tại Nam Ninh, trong danh sách những hiệu buôn góp tiền xây dựng miếu thờ thần ở địa phương vào thời Đạo Quang thì có tới 50% là những hiệu buôn bán gạo (Đằng Lan Hoa, 2011, tr.213-214). Muối: khác với gạo, vốn là là mặt hàng được buôn bán tự do, muối là lại hàng hóa hết sức quan trọng trong đời sống của cộng đồng cư dân khai mỏ song lại bị kiểm soát bởi chính quyền triều Thanh. Đối với cộng đồng khai mỏ, muối không chỉ là một loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn là một loại nguyên liệu quan trọng trong việc đắp lò, nấu quặng, phục vụ trực tiếp hoạt động khai khoáng. Nhờ kiểm soát một khu vực có đường bờ biển dài nên việc sản xuất muối ở Việt Nam tương đối dễ dàng và việc buôn bán được chính quyền Việt Nam cho phép. Tuy nhiên, việc tự do sản xuất và buôn bán muối đã tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường của loại hàng hóa này ở khu vực biên giới Việt - Trung. Theo Khai Hóa phủ chí thì phần lớn cư dân phủ này đều sử dụng muối từ Giao Chỉ. Chỉ đến khi nguồn cung muối từ vùng duyên hải Bắc Bộ suy giảm do ảnh hưởng từ các cuộc khởi nghĩa nông dân, chính quyền địa phương Khai Hóa mới cho phép mua muối từ các mỏ muối ở phía Tây tỉnh Vân Nam. Cũng theo tài liệu này, trong suốt giai đoạn sau đó, toàn bộ khu vực phủ Khai Hóa đều phải mua muối từ các giếng muối thuộc tỉnh Vân Nam hoặc Quảng Đông với tổng số lượng hàng năm từ 20-40 vạn cân (Thang Đại Tân, 2011, tr.74). Tuy nhiên, trong phần lớn thế kỷ XVIII, nguồn cung cấp muối ở phủ Khai Hóa là không ổn định. Trong bối cảnh đó, muối từ miền Bắc Việt Nam với khoảng cách địa lý gần có thể đã trở thành nguồn cung cấp trực tiếp cho nhiều địa phương ở khu vực biên giới Việt - Trung. Theo Lê Quý Đôn, muối ở miền Bắc Việt Nam sau khi được vận chuyển từ các trường sản xuất muối ở vùng duyên hải được đem bán ở các phố và trấn sở, “cứ 1000 cân chứa làm 10 bồ trị giá 32 quan tiền, lên đến Hà Giang đã thành 50 quan, lên đến Tụ Long thì mỗi cân giá 2 tiền, 100 cân giá 20 quan”, “ở Trung Quốc muối công đắt lại có chất đắng nên người Trung Quốc đem thuốc bắc từ ải Bình Di sang đổi lấy muối rồi đem lẻn về bán riêng” (Lê Quý Đôn, 2007, tr.412-413). 95
  8. Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2023 Bên cạnh đó, việc buôn bán muối cũng còn là tình trạng khá phổ biến ở các phủ Trấn An, Thái Bình của tỉnh Quảng Tây. Năm 1744, quan lại ở tỉnh này cho biết ở vùng duyên hải giáp với Giao Chỉ, việc sản xuất muối rất nhiều, hầu như không có lệnh cấm muối tư, trong khi đó nghe nói người di (tức An Nam) tự làm tự bán muối. Những người buôn muối chỉ cần nộp thuế 12 văn tiền là có thể vận chuyển muối, mang muối về nội địa, mỗi cân kiếm được từ một hai đến năm sáu phân bạc. Đặc biệt, khu vực châu Vạn Ninh của Giao Chỉ giáp với vùng nội địa của phủ Nam Ninh, là nơi bị cách ly bởi núi cao, dân vùng biên viễn nhân đó tham lợi mà buôn muối nhằm trốn tránh binh dịch (Nội các triều Thanh, 1987, Q.11, tr.827). Đến năm 1745, Lưỡng Quảng Tổng đốc là Na Tô Đồ cũng báo rằng, “cửa ải ở các phủ Thái Bình, Nam Ninh, Trấn An của tỉnh Quảng Tây có rất nhiều đường ngách có thể vượt biên buôn lậu. Dân cư vùng biên tham lợi mang không ít ngũ cốc lương thực ở nội địa để trao đổi muối với người di. Tuy rằng đã thiết lập bảo giáp để mà kiểm tra nhưng mà vẫn để lọt những người không đăng ký” (Nội các triều Thanh, 1987, Q.12, tr.56). Đến thế kỷ XIX, với quan niệm coi muối như là một loại nhu yếu phẩm quan trọng của quốc gia, triều đình nhà Nguyễn bắt đầu tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất, trong đó có các hộ làm muối. Tuy nhiên, số lượng muối mà các địa phương ở vùng duyên hải ven biển giao nộp cho nhà nước nhiều đến nỗi các địa phương không đủ kho để chứa, phải đề nghị xin nộp thuế muối bằng tiền. Trong khi đó, từ những năm 1820, việc trao đổi muối lấy đồng giữa Vân Nam và Quảng Đông ở bị đình chỉ, do đó, muối được sản xuất ở Việt Nam nhiều khả năng trở thành nguồn cung cấp quan trọng cho khu vực biên giới Việt - Trung. Năm Thiệu Trị thứ 6, Tuần phủ Tuyên Quang là Lê Dục Đức trong một bản tấu đề cập đến việc người lãnh trưng mỏ đồng Tụ Long là Ma Doãn Bồi đề nghị xin được mua muối ở Nam Định lên tới hơn 34 vạn cân để đem về mỏ để tiêu dùng (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, 1840-1847, Q.35, tr.73). Đề nghị này sau đó đã được chính quyền nhà Nguyễn chấp nhận và như thế không chỉ có thương mại tự do, bằng nhiều hình thức khác nhau, muối từ vùng duyên hải đã được đem đến khu vực biên giới. Kim loại tồn tại như là một trung tâm của các hoạt động khai thác khoáng sản, thương mại ở khu vực biên giới Việt - Trung cũng đồng thời gắn liền với việc giao dịch các sản phẩm kim loại. Theo Thái Bình phủ chí thì phủ này là nơi tập trung nhiều địa điểm buôn bán, ở những nơi này bên cạnh mua bán gạo, muối còn có các loại kim loại như: bạc, đồng, thiếc, chì, đan sa, thủy ngân... tất cả đều có nguồn gốc từ Giao Chỉ chứ không được sản xuất từ đó (Cam Nhữ Lai, 2014, tr.94). Mặc dù chính sánh quản lý đối với bạc, đồng và các mặt hàng kim loại của các vương triều ở Việt Nam có sự thay đổi đáng kể trong các thế kỷ XVIII-XIX, song nhìn chung các Nhà nước ở Việt Nam chưa bao giờ có đủ khả năng để kiểm soát toàn bộ hoạt động khai khoáng. Trong các tấu báo của quan lại triều Nguyễn, rất nhiều mỏ khoáng sản ở khu vực biên giới được đánh giá là khá thịnh vượng với hàng ngàn lao động, nhưng số thuế trên thực tế mà những người lĩnh trưng phải đóng chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít. Điều này hé lộ khả năng một số lượng lớn sản phẩm khai khoáng đã bị ẩn giấu và được buôn bán riêng trên thị trường. Trong khi các loại đồng thành phẩm như đồng khối hay đồng phiến bị cấm buôn bán riêng thì việc trao đổi được thực hiện thông qua việc buôn bán các loại dụng cụ bằng đồng. Theo Lê Quý Đôn, ở Trung Quốc lệnh cấm về đồng rất nghiêm ngặt, không ai được mang đồng phiến ra ngoài, chỉ được trao đổi bằng nồi đồng, chậu đồng và các khí vật khác (Lê Quý Đôn, 2007, tr.388). Các thống kê số lượng các loại hàng hoá kim loại ở miền Bắc Việt Nam trong Tuần ty thuế lệ cho thấy, chỉ riêng tỉnh Hưng Hoá có tới 55 loại đồ dụng cụ gia đình được làm từ nhiều kim loại khác nhau được bày bán, trong đó phổ biến nhất là đồng. Bên cạnh đó, bạc vừa là tiền tệ nhưng cũng đồng thời là một loại loại hàng hóa được mang qua biên giới bất hợp pháp (Nội các triều Nguyễn, 1813, tr.167-172). Theo mô tả của các quan lại hai bên, những người Hán khai mỏ khi đến Việt Nam khi trở về nội địa mỗi người mang theo tới vài trăm lạng bạc (Phương Quốc Du, 1984, Q8, tr.682). Từ những thập niên 1830-1840, với sự suy giảm sản lượng của mỏ đồng Tụ Long, kẽm đã trở thành loại nguyên liệu được sử dụng để thay thế đồng trong việc đúc tiền ở Việt Nam. Với nhiều mỏ kẽm được khai thác ở Quý Châu và vùng đông bắc của Vân Nam, một số lượng lớn kẽm từ thị trường 96
  9. Vũ Đường Luân, Nguyễn Thị Huệ Trung Quốc đã được đem tới miền Bắc Việt Nam thông qua các cửa khẩu ở khu vực biên giới. Một số tư liệu cho thấy Hà Khẩu, một cửa khẩu biên giữa Vân Nam và miền Bắc Việt Nam đã trở thành một cửa ngõ xuất khẩu kẽm quan trọng (Nội các triều Thanh, 1987, Q.33, tr.817). Mặc dù chính quyền nhà Thanh chỉ cho phép mỗi năm xuất khẩu thông qua Hà Khẩu hạn ngạch kẽm là mười vạn cân, song có lẽ số lượng kẽm từ Vân Nam chảy vào thị trường Việt Nam trên thực tế còn lớn hơn thế. Hoàng Mộng Cúc, một học giả thời Đạo Quang cho biết: “trước đây An Nam thường mua thiếc từ Vân Nam, có lúc mua tới hàng trăm vạn cân” (Hoàng Mộng Cúc, 1843, tr.65). Bên cạnh những mặt hàng kể trên, thương mại biên giới Việt - Trung còn là điểm giao dịch của nhiều loại hàng hóa khác. Lê Quý Đôn cho biết: “Tuyên Quang là nơi sản xuất ra nhiều loại gỗ khác nhau trong đó “thứ gỗ thông do người phương Bắc khai thác rồi vận tải đến phố Khê Thiều, xã Phương Độ, châu Vị Xuyên chất thành từng đống, hạng tốt nhất gọi là ngọc am, cứ 5 phiến trị giá 24 quan tiền, hạng thứ nhì gọi là tứ nhĩ trị giá 10 quan, hạng kém gọi là tả nam, trị giá 5 quan” (Lê Quý Đôn, 2007, tr.388). Vào đầu thế kỷ XIX, trong danh sách các loại hàng hoá của khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam, chúng ta có thể thấy một danh sách lên tới hàng trăm loại gỗ và lâm thổ sản từ rừng khác nhau. Trong khi đó, các loại vải thô hay thuốc nhuộm vải cũng giữ một vị trí quan trong trọng thương mại biên giới. Những thống kê của hải quan vào cuối thế kỷ XIX phản ánh, củ nâu - một loại nguyên liệu dùng để làm thuốc nhuộm chiếm một số lượng lớn nhất trong các mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Long Châu (Li Tana, 2012, tr.78). 6. Kết luận Khi đánh giá về sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn sơ kỳ cận đại, các học giả Việt Nam hiện nay thường có xu hướng cường điệu vai trò của thương mại châu Âu, yếu tố đã tạo ra sự thay đổi diện mạo của nền kinh tế Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII. Hoàng Anh Tuấn đã từng chỉ ra nền thương mại lụa đổi lấy bạc với phương Tây đã mang lại mỗi năm từ 3-4 tấn bạc cho Đàng Ngoài trong khi thương mại của người Hoa chỉ được xem như là yếu tố trung gian trong hệ thống trao đổi đó (Hoàng Anh Tuấn, 2006, tr.133-139). Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc vốn có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của các quan hệ tương tác văn hoá, ngoại giao song chưa có một nghiên cứu nào phản ánh một cách đầy đủ quan hệ kinh tế Việt - Trung trên thực địa ngoại trừ việc xem xét dưới góc nhìn của thương mại triều cống. Tuy nhiên, các phân tích về những ảnh hưởng của nền công nghiệp khai khoáng đối với sự chuyển đổi của thương mại vùng biên giới Việt - Trung trong các thế kỷ XVIII-XIX đã không chỉ một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực kinh tế này đối với xã hội vùng cao phía Bắc Việt Nam, mà quan trọng hơn nó đem đến sự hiểu biết phong phú về các hoạt động giao dịch đầy năng động diễn ra trong suốt một thời gian dài ở vùng biên giới lục địa giữa Việt Nam - Trung Quốc trước khi khu vực này chịu tác động trực tiếp bởi quá trình thực dân hóa từ các quốc gia phương Tây. Điều này góp phần mở ra những gợi ý trong việc nghiên cứu so sánh và đánh giá lại vai trò tương quan của giao thông lục địa và hàng hải trong sự hình thành quan hệ giao lưu kinh tế giữa hai quốc gia trong suốt tiến trình lịch sử. Dù vậy, để nhìn nhận một cách chính xác vị thế của công nghiệp khai khoáng cũng như thương mại biên giới Việt - Trung trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX, bên cạnh việc xem xét sự chuyển biến của các hoạt động trao đổi song phương, vùng đất này cũng cần được phân tích trong các mối liên hệ khu vực và quốc tế. Điều này chắc chắn sẽ đem đến một bức tranh toàn diện về cấu trúc kinh tế - xã hội miền Bắc Việt Nam, trong đó khai mỏ trở thành yếu tố mang tính chất then chốt trong sự hội nhập toàn cầu của Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời kỳ trung đại. Tài liệu tham khảo 1. Bảo tàng Cố cung Đài Loan (1788), An Nam xưởng dân cung từ, số hiệu văn bản: 39133. 2. Phan Huy Chú (2011), Lịch triều hiến chương loại chí, t.2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 97
  10. Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2023 4. Hoàng Giáp (chủ biên) (2012), Văn hóa Lạng Sơn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Phan Huy Lê (1999), “Tình hình khai mỏ dưới triều Nguyễn” trong Tìm về cội nguồn, t.1, Nxb Thế giới, Hà Nội. 6. Nội các triều Nguyễn (1813), Tuần ty thuế lệ, Tài liệu lưu trữ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Mã số ký hiệu: A.978. 7. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, t.4, Nxb Thuận Hóa, Huế. 8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (viết tắt Cương mục), t.2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 9. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (1820-1840), Châu bản triều Minh Mệnh. 10. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (1840-1847), Châu bản Thiệu Trị. 11. Hoàng Anh Tuấn (2006), Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, Tonkin 1637-1700, Leiden: Brill. 12. Li Tana (2006), A View from the Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, Journal of Southeast Asia Studies, 37 (1), pp.83-102 13. Li Tana (2012), Between Mountains and the Sea: Trades in Early Nineteenth-Century Northern Vietnam, Journal of Vietnamese Studies 7(2), pp.67-86. 14. Li Tana, Paul Van Dyke (2007), Canton, Cancao, and Cochinchina: New Data and New Light on Eighteenth-Century Canton and the Nanyang, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 1, pp.10-28. 15. Woodside Alexander (1997), The relationship between political theory and economic growth in Vietnam, 1750-1840. In Anthony Reid eds, The Last Stand of Asian Autonomies: Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900, New York: Macmillan, pp.246-274. 16. Hoàng Mộng Cúc (1843), Điền Nam sự thực, Tài liệu lưu trữ tại Đông Dương văn khố, (Nhật Bản) [黄 梦菊 (1843), 滇南事实]. 17. Phương Quốc Du (1984), Vân Nam sử liệu tùng san, Nxb Nhân dân Vân Nam, Côn Minh [方国瑜 (1984), 云南史料丛刊]. 18. Tiêu Đức Hạo, Hoàng Tranh (chủ biên) (1984), Tuyển tập tư liệu về lịch sử biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh [萧德浩, 黄铮 (1984), 中越边界历史资料选编]. 19. Đằng Lan Hoa (2011), Nghiên cứu về sự phát triển không cần bằng giữa các khu vực ở tỉnh Quảng Tây thời Minh - Thanh, Nxb Dân tộc, Bắc Kinh [滕兰花 (2011), 明清时期广西区域开发不平衡研究, 民 族出版社]. 20. Cam Nhữ Lai (2014), Ung Chính Thái Bình phủ chí, In trong Trung Quốc địa phương chí tập thành, Quảng Tây địa phương chí nhĩ, Thượng Hải, Nxb Phượng Hoàng, 2014, Q.15 [甘汝來 (2014), 雍正太 平府志, 中国地方志集成, 广西府县志輯, 凤凰出版社]. 21. Chu Khứ Phi (1999), Lĩnh Ngoại đại đáp, Bắc Kinh Trung Hoa thư cục 书局 [周去非 (1999), 岭外代 答, 北京: 中华]. 22. Lê Thân Sản (1970), Quang Tự Ninh Minh châu chí, Nxb Thành Văn, Đài Bắc [黎申産 (1970), 光绪宁 明州志, 成文出版社]. 23. Thang Đại Tân (2011), Khai Hóa phủ chí điểm chú, Nxb Đại học Vân Nam, Côn Minh [汤大宾 (2011), 開化府志點注]. 24. Nội các triều Thanh (1987), Thanh thực lục, Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục [清朝内阁 (1987), 清实录]. 25. Viện Nghiên cứu Kinh tế (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) (2009), Niên biểu giá lương thực từ triều Đạo Quang đến triều Tuyên Thống thời Thanh, Nxb Đại học Sư phạm Quảng Tây, Quế Lâm [中 国社会科学院经济所 (2009), 清代道光至宣统间粮价表]. 26. Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (chủ biên) (1982), Tuyển tập sử liệu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời cổ đại (viết tắt Sử liệu quan hệ Việt - Trung), Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh [中国社会社科院历史研究所 (1982), 古代中越关系史料选辑]. 27. Viện Sử học và Ngôn ngữ - Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan (1987), Sử liệu thời Minh Thanh, Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, Quyển Thượng [中央研究员历史语言研究所 (1987), 明清史料]. 98
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
16=>1