Công ước Singapore về hòa giải và khuyến nghị gia nhập cho Việt Nam
lượt xem 4
download
Bài viết "Công ước Singapore về hòa giải và khuyến nghị gia nhập cho Việt Nam" phân tích những nội dung cơ bản của Công ước Singapore và đưa ra một số khuyến nghị về việc gia nhập Công ước này cho Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Công ước Singapore về hòa giải và khuyến nghị gia nhập cho Việt Nam
- DOI: 10.56794/KHXHVN.7(187).68-75 Công ước Singapore về hòa giải và khuyến nghị gia nhập cho Việt Nam Ngô Trọng Quân*, Đỗ Thu Hương** Nhận ngày 28 tháng 12 năm 2022. Chấp nhận đăng ngày 19 tháng 5 năm 2023. Tóm tắt: Hòa giải là phương thức giải quyết thay thế hiệu quả cho các tranh chấp thương mại quốc tế. Tuy nhiên, một trong những lo ngại đối với các bên tranh chấp là khả năng thi hành thỏa thuận hòa giải thành. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) đã thông qua Công ước về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (Công ước Singapore) vào năm 2018. Công ước này đã lấp đầy khoảng trống pháp lý ở cấp độ quốc tế đối với việc công nhận và cho thi hành các thỏa thuận hòa giải thành xuyên biên giới. Bài viết này phân tích những nội dung cơ bản của Công ước Singapore và đưa ra một số khuyến nghị về việc gia nhập Công ước này cho Việt Nam. Từ khóa: Công ước Singapore, thỏa thuận hòa giải, thương mại. Phân loại ngành: Luật học Abstract: Mediation is an effective alternative dispute resolution method for international commercial disputes. However, one of the concerns by disputing parties is the enforceability of settlement agreements. With the aim of promoting mediation in international commercial dispute resolution, the United Nations Commission on International Trade Law has adopted the Convention on International Settlement Agreements Resulting from Mediation (also called the Singapore Convention) in 2018. The Convention has filled the legal gap at the global level regarding enforcement of cross-border settlement agreements in mediation. This article investigates the core provisions of the Singapore Convention and gives some recommendations on Vietnam’s accession. Keywords: Singapore Convention, mediated settlement agreement, commercial. Subject classification: Jurisprudence 1. Đặt vấn đề Hòa giải là phương thức giải quyết thay thế tương đối hiệu quả cho các tranh chấp thương mại quốc tế. Phương thức này đã được nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng do có nhiều ưu điểm như quy trình thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo mật, khả năng duy trì lợi ích và mối quan hệ kinh doanh sau tranh chấp. Tuy nhiên, phương thức này vấp phải rào cản lớn về khả năng thi hành kết quả hòa giải, đặc biệt đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế. Trong quá khứ, rào cản tương tự cũng từng xảy ra với phương thức trọng tài thương mại và đã được giải quyết bởi Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Kinh nghiệm này dẫn đến ý tưởng xây dựng một mô hình tương tự cho hòa giải và từ đó Công ước về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ra đời (gọi tắt là Công ước Singapore). Công ước Singapore được kí vào ngày 7/8/2019 với 46 quốc gia tham gia, có hiệu lực từ ngày 12/9/2020. Tính đến tháng 6/2023, đã có 56 quốc gia đã kí Công ước và 11 trong số đó đã phê chuẩn Công ước (Singapore International Dispute Resolution Academy, 2023). Việc nghiên cứu về Công ước Đại học Luật Hà Nội. *, ** Email: ngotrongquan@hlu.edu.vn 68
- Ngô Trọng Quân, Đỗ Thu Hương này và đánh giá khả năng gia nhập của Việt Nam là điều cần thiết trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế hiện nay vì việc gia nhập có thể nâng cao hiệu quả và thúc đẩy việc sử dụng phương thức hòa giải rộng rãi hơn. 2. Lịch sử hình thành của Công ước Singapore Trong quá khứ, UNCITRAL đã từng xây dựng hai văn kiện nhằm mục đích hài hòa hóa phương thức hòa giải thương mại, bao gồm Bộ quy tắc hòa giải (1980) và Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế (2002). Điều 14 của Luật mẫu năm 2002 đã nhắc đến khả năng thực thi thỏa thuận hòa giải như sau: “Nếu các bên đạt được một thỏa thuận để giải quyết tranh chấp, thỏa thuận đó sẽ mang tính ràng buộc và có thể thực thi […]”. Tuy nhiên, Luật mẫu không có quy định thêm về thủ tục và quy trình thực thi thỏa thuận này, mà để mở cho các quốc gia áp dụng quy trình nội địa riêng của mình. Khi UNCITRAL ban hành hai công cụ trên, hòa giải đã trở thành một phương thức được sử dụng ngày càng phổ biến trong các tranh chấp thương mại quốc tế vì giúp các bên cắt giảm chi phí và thời gian giải quyết. Tuy nhiên, trở ngại chủ yếu đối với việc sử dụng phương thức này nằm ở việc thi hành thỏa thuận hòa giải khó khăn hơn so với phán quyết trọng tài, khi một bên không tự nguyện thực thi cam kết. Nhìn chung, pháp luật nhiều quốc gia coi thỏa thuận hòa giải thành như một hợp đồng giữa hai bên tranh chấp, từ đó tạo ra một loại hợp đồng thứ hai sau hợp đồng gốc mà tranh chấp phát sinh, khiến quá trình giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp và kém hấp dẫn (Itai Apter, 2020: 121). Do đó, UNCITRAL đã thống nhất quan điểm về việc sẽ thúc đẩy một cơ chế thực thi thỏa thuận hòa giải thành quốc tế nhanh chóng và đơn giản (UNCITRAL, 2014). Vào năm 2014, trong khuôn khổ Nhóm công tác số II của UNCITRAL, Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa ra đề xuất về việc xây dựng một công ước đa phương về thực thi thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đạt được thông qua hòa giải, với cách tiếp cận tương tự như Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Công ước này sẽ quy định các thỏa thuận hòa giải thành thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ có tính ràng buộc và có thể thi hành ở các quốc gia thành viên (tương tự như Điều 3 của Công ước New York), có lưu ý đến một số lượng hạn chế các căn cứ từ chối thi hành (tương tự như Điều 5 của Công ước New York). Báo cáo của Nhóm công tác số II của UNCITRAL (Trọng tài và Hòa giải) cho thấy tại phiên họp thứ 47 năm 2014, UNCITRAL đã giao cho Nhóm công tác nghiên cứu về vấn đề thực thi thỏa thuận quốc tế đạt được thông qua hòa giải và báo cáo lên UNCITRAL vào phiên họp thứ 48 năm 2015 về tính khả thi cũng như hình thức dự kiến của công cụ này. Nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế tại thời điểm đó cho thấy, một công ước về thực thi thỏa thuận hòa giải sẽ thúc đẩy các bên lựa chọn phương thức này thường xuyên hơn cho tranh chấp của mình (Deborah Masucci, 2019: 1129-1130). Mặc dù vậy, quá trình đàm phán cho ra đời Công ước Singapore đã diễn ra với nhiều quan điểm trái chiều đến từ các nước thành viên, chủ yếu xoay quanh năm vấn đề chính, bao gồm: (i) hiệu lực pháp lý của thỏa thuận hòa giải; (ii) thỏa thuận hòa giải đạt được trong quá trình tố tụng trọng tài hoặc tòa án; (iii) tuyên bố lựa chọn Công ước Singapore bởi các bên tranh chấp; (iv) ảnh hưởng của quy trình hòa giải và hành xử của hòa giải viên đến quá trình thực thi; (v) hình thức của văn kiện mà UNCITRAL muốn xây dựng (công ước, quy định mẫu, hay văn bản hướng dẫn) (Natalie Y. Morris- Sharma, 2019: 497-498). Quá trình đàm phán này thu hút sự tham gia của 85 quốc gia thành viên, 35 tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ (Nadja Alexander & Shouyu Chong, 2019: 37). Tại phiên họp lần thứ 51 của UNCITRAL vào ngày 25/6/2018, sau hơn ba năm đàm phán trong khuôn khổ Nhóm công tác, dự thảo cuối cùng của Công ước về thực thi thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được qua hòa giải đã được đệ trình lên Đại hội đồng của Liên Hợp Quốc xem xét. Vào ngày 20/12/2018, Công ước được Đại hội đồng thông qua và lễ ký kết diễn ra tại Singapore vào tháng 8/2019. Cùng với đó, UNCITRAL cũng đã thông qua phiên bản sửa đổi của Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế năm 2002. 69
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2023 3. Một số nội dung cơ bản của Công ước Singapore 3.1. Phạm vi áp dụng và không áp dụng Công ước Singapore bao gồm 16 điều quy định về phạm vi áp dụng, nguyên tắc chung và định nghĩa, các điều kiện để thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn hoặc thi hành và các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu từ chối trợ giúp. Ngoài ra, Công ước cũng có quy định về cơ chế gia nhập, bảo lưu và bãi ước. Thứ nhất, về phạm vi áp dụng, theo Điều 1.1, Công ước “áp dụng với thỏa thuận là kết quả của hòa giải và được lập thành văn bản giữa các bên để giải quyết một tranh chấp thương mại (thỏa thuận giải quyết tranh chấp) mà vào thời điểm ký kết, là có tính quốc tế”. Theo đó, bốn điều kiện đặt ra để một thỏa thuận hòa giải thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước bao gồm: a) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải là kết quả của hòa giải Hòa giải là một thủ tục, bất kể cách diễn đạt nào được sử dụng hay căn cứ mà thủ tục này được thực hiện, nhờ đó các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách thân thiện với sự hỗ trợ của bên thứ ba (hòa giải viên) không có thẩm quyền áp đặt giải pháp cho các bên tranh chấp. Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án hay trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán, hòa giải viên là bên thứ ba trung lập không được ra quyết định về tranh chấp hay áp đặt ý chí của mình đối với kết quả hòa giải. Kết quả của hòa giải phụ thuộc vào sự thỏa hiệp giữa các bên tranh chấp, vai trò của hòa giải viên chỉ là hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp mà các bên có thể chấp nhận. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận, thỏa thuận này khác so với thỏa thuận hợp đồng thông thường do đạt được với sự hỗ trợ của một bên thứ ba và nhằm để giải quyết tranh chấp (Bộ Tư pháp, 2014: 14). Các công cụ pháp lý trước đây của UNCITRAL sử dụng thuật ngữ “conciliation” (Nguyễn Thanh Tâm, 2017: 60-62) nhưng Công ước Singapore và Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế năm 2018 đều đã thay đổi nhất quán thành “mediation” do thuật ngữ này có tính phổ biến ở tầm quốc tế hơn, chứ không hàm ý một sự thay đổi về nội dung (Natalie Y. Morris-Sharma, 2019: 490). b) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải bằng văn bản Thỏa thuận giải quyết tranh chấp được coi là “bằng văn bản” nếu nội dung của thỏa thuận này được ghi lại dưới bất kỳ hình thức nào. Yêu cầu thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng văn bản được đáp ứng kể cả trong trường hợp trao đổi thông tin điện tử, nếu thông tin chứa đựng trong đó có thể truy cập được để có thể sử dụng được cho việc tham khảo sau này (Công ước Singapore, Điều 2.2). Quy định này của Công ước đã mở rộng cách hiểu thế nào là “bằng văn bản”, cho phép các trao đổi được thực hiện thông qua phương tiện điện tử cũng được chấp nhận, tức là có thể bao gồm cả hòa giải trực tuyến. c) Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại Công ước Singapore chỉ áp dụng với các tranh chấp thương mại, tuy vậy không định nghĩa hay giới hạn quan hệ “thương mại” mà tiếp cận theo hướng loại trừ tại Điều 1.2. Theo đó, Công ước không áp dụng với thỏa thuận giải quyết tranh chấp: (i) phát sinh từ các giao dịch mà một trong các bên tham gia (người tiêu dùng) có mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình; hoặc (ii) liên quan đến pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động. Giới hạn phạm vi này bắt nguồn từ hai lý do là lĩnh vực hoạt động của UNCITRAL chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại và các vấn đề phi thương mại có khả năng xung đột lớn với chính sách công vốn đa dạng ở các quốc gia (Nadja Alexander & Shouyu Chong, 2019: 40). Về phạm vi các tranh chấp thương mại, có thể tham khảo khái niệm “thương mại” trong Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế bản sửa đổi năm 2018, theo đó khái niệm thương mại sẽ bao gồm các vấn đề phát sinh từ tất cả các mối quan hệ có bản chất thương mại, cho dù có bản chất hợp đồng hay không. Khái niệm này về cơ bản giống với Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL. Điều này cũng giúp thống nhất khái niệm “thương mại” trong khuôn khổ các quy định của UNCITRAL. 70
- Ngô Trọng Quân, Đỗ Thu Hương d) Thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải có tính quốc tế Khác với Công ước New York sử dụng thuật ngữ phán quyết trọng tài “nước ngoài” do tố tụng trọng tài gắn với một địa điểm trọng tài (seat of arbitration), Công ước Singapore thay đổi thuật ngữ thành thỏa thuận hòa giải mang tính “quốc tế”. Lý do bắt nguồn từ tính linh hoạt, chủ động của các bên về thủ tục và địa điểm tiến hành hòa giải khiến cho thủ tục giải quyết tranh chấp này có thể tách rời khỏi một quốc gia cụ thể và trong một số trường hợp không thể xác định được đâu là địa điểm hòa giải (Nadja Alexander & Shouyu Chong, 2019). Tính quốc tế theo Công ước được xác định thông qua địa điểm kinh doanh của các bên trong tranh chấp tại thời điểm kí kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Như vậy nếu tại thời điểm phát sinh quan hệ thương mại, kể cả mối quan hệ giữa các bên không có tính quốc tế nhưng sau đó có sự thay đổi địa điểm kinh doanh vào thời điểm kí thỏa thuận hòa giải thì thỏa thuận này vẫn được coi là có tính quốc tế. Công ước cũng dự liệu tại Điều 2.1 trường hợp một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh thì lấy địa điểm có mối liên hệ gắn bó nhất với tranh chấp và trường hợp địa điểm kinh doanh không có thì sẽ sử dụng nơi thường trú làm cơ sở cho việc xác định tính quốc tế của thỏa thuận hòa giải. Thứ hai, về phạm vi không áp dụng, Công ước đưa ra hai sự loại trừ, liên quan đến tính chất của tranh chấp và liên quan đến tính chất của thỏa thuận hòa giải. Điều 1.2 dẫn chiếu đến trường hợp loại trừ do nội dung của tranh chấp không mang tính chất thương mại. Các tranh chấp phát sinh, trong đó một bên là người tiêu dùng tham gia giao dịch với mục đích cá nhân, gia đình và tranh chấp liên quan đến pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Điều 1.3 loại trừ các thỏa thuận hòa giải đạt được trong quá trình tố tụng tại tòa án và trọng tài. Việc loại trừ một cách rõ ràng các thỏa thuận hòa giải có thể thi hành như: phán quyết của tòa án và trọng tài, nhằm tránh sự trùng lặp với các văn kiện khác điều chỉnh việc công nhận và thi hành phán quyết của tòa án hoặc trọng tài nước ngoài như: Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài và Công ước La Hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. 3.2. Các nguyên tắc thực thi thỏa thuận hòa giải Điều 3 của Công ước quy định hai nguyên tắc cơ bản nhằm đặt ra nghĩa vụ cho các nước thành viên phải trợ giúp đối với thỏa thuận hòa giải. Thứ nhất, các thành viên Công ước phải thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo các điều kiện được quy định trong Công ước này cũng như thủ tục nội địa. Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc đảm bảo hiệu lực thi hành của thỏa thuận hòa giải, vốn là điểm yếu của phương thức này. Các bên trong thỏa thuận hòa giải có thể yêu cầu tòa án của các nước ký kết thi hành những nghĩa vụ có trong thỏa thuận, nếu những điều kiện đặt ra trong Công ước được thỏa mãn và không có căn cứ từ chối nào theo Điều 5. Nhờ nguyên tắc này, kết quả hòa giải sẽ được đảm bảo thực thi bởi nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là hợp đồng hoặc sự dàn xếp giữa các bên tranh chấp (Phạm Hồ Hương, 2021: 6). Đây là một bước tiến đáng chú ý của Công ước trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển trên thế giới chỉ dừng lại ở mức coi thỏa thuận hòa giải là một hợp đồng dân sự (Nguyễn Bá Bình & Nguyễn Thị Anh Thơ, 2015). Thứ hai, thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn như bằng chứng cho việc tranh chấp đã được giải quyết. Nguyên tắc này đảm bảo một vụ việc sẽ không bị xét xử lại bằng một phương thức giải quyết tranh chấp khác. Trong trường hợp hai bên tranh chấp đã đạt được thỏa thuận hòa giải, mà sau đó một bên khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại thì bên kia được phép viện dẫn thỏa thuận trước đó để phản đối việc xét xử. Mặc dù Công ước Singapore không trực tiếp dùng từ “công nhận” (recognition) như trong Công ước New York, Điều 3.2 đã chứa nội hàm của hành vi công nhận. Lý do bắt nguồn từ sự xung đột quan điểm của các quốc gia thành viên trong Nhóm Công tác về việc sử dụng thuật ngữ “công nhận” sẽ ảnh hưởng đến các quy tắc tố tụng dân sự hiện có ở một số quốc gia (Nadja Alexander & Shouyu Chong, 2019: 43). 71
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2023 Về mặt thủ tục, Công ước quy định khi một bên trong tranh chấp muốn yêu cầu nước thành viên trợ giúp thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp của mình thì phải cung cấp các loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền theo Điều 4.1 bao gồm: (i) thỏa thuận giải quyết tranh chấp được các bên kí; (ii) chứng cứ là thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải. Nước thành viên cũng có thể từ chối trợ giúp theo căn cứ tại Điều 5 Công ước và cơ bản quy định này tương đồng với quy định từ chối thi hành của Công ước New York. Các căn cứ từ chối được phân thành hai nhóm: theo đề nghị của bên phải thi hành hoặc tự cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nhóm căn cứ thứ nhất tại Điều 5.1 bao gồm các tình huống liên quan đến: (i) năng lực ký kết thỏa thuận của các bên; (ii) nội dung của thỏa thuận giải quyết tranh chấp; (iii) hành vi của hòa giải viên và quy trình hòa giải. Nhóm căn cứ thứ hai tại Điều 5.2 bao gồm các tình huống thỏa thuận hòa giải vi phạm chính sách công hoặc pháp luật của nước trợ giúp thi hành. 3.3. Các quy định về bảo lưu Công ước Công ước cho phép các nước ký kết được đưa ra hai bảo lưu duy nhất tại Điều 8. Thứ nhất, một quốc gia thành viên có thể tuyên bố không áp dụng Công ước (opt-out) cho các thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó là một bên, hoặc bất kỳ cơ quan Chính phủ hoặc bất kỳ người nào thay mặt cho một cơ quan chính phủ của quốc gia đó là một bên (chẳng hạn như thỏa thuận hòa giải giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước tiếp nhận đầu tư) theo Điều 8.1.a. Bảo lưu này giúp các quốc gia bảo đảm rằng không có thỏa thuận hòa giải nào có thể thi hành chống lại họ, kể cả khi nhà nước tham gia vào quan hệ thương mại và hòa giải các tranh chấp thương mại. Lịch sử đàm phán điều khoản này cho thấy một số lý do, chẳng hạn như ở một số quốc gia, các cơ quan nhà nước không được ký kết thỏa thuận hòa giải thành; các tranh chấp mà nhà nước là một bên có thể liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như: an ninh quốc gia, chính sách công; hay nhà nước có quyền miễn trừ tư pháp để không bị cưỡng chế thi hành. Trong khi đó, một số quốc gia khác có tham gia vào nhiều hoạt động thương mại vẫn mong muốn tận dụng được cơ chế của Công ước Singapore để thi hành những thỏa thuận hòa giải mà họ là một bên. Vì vậy, lời văn cuối cùng của Công ước giải quyết các quan ngại này bằng một bảo lưu, thay vì loại trừ hoàn toàn (Itai Apter & Coral Muchnik, 2019: 1273-1275). Thứ hai, các quốc gia ký kết Công ước có thể giới hạn việc áp dụng Công ước chỉ trong phạm vi các bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã đồng ý rõ ràng (opt-in) theo Điều 8.1.b. Bảo lưu này trao quyền quyết định áp dụng Công ước cho các bên trong tranh chấp thay vì áp dụng mặc nhiên nếu thỏa mãn các điều kiện về phạm vi ở Điều 1. Quy định này xuất phát từ thực tế được ghi nhận trong khảo sát của UNCITRAL là ở hầu hết các quốc gia, các bên tranh chấp không biết về khả năng có thể thực thi thỏa thuận hòa giải thành ở một quốc gia khác với nơi tạo lập, vì vậy nhận thức và sự đồng ý rõ ràng của họ về việc áp dụng Công ước là cần thiết để tòa án xem xét thi hành (Itai Apter & Coral Muchnik, 2019: 1277). 4. Khuyến nghị cho Việt Nam Có thể thấy, việc gia nhập Công ước Singapore với mục tiêu gia tăng khả năng thi hành thỏa thuận hòa giải quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, pháp lý cho Việt Nam như: sự phát triển của thị trường hòa giải thương mại, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như hệ thống pháp luật nội địa (Bạch Quốc An, 2021: 26-28). Việc gia nhập này cũng phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay. Cụ thể, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì nghiên cứu, đánh giá khả năng gia nhập Công ước Singapore và các giải pháp thực thi Công ước theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 về phê duyệt Đề án 72
- Ngô Trọng Quân, Đỗ Thu Hương Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và số lượng tranh chấp thương mại quốc tế gia tăng, việc gia nhập một Công ước quốc tế về thi hành thỏa thuận hòa giải thành là cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ mức độ tương thích của pháp luật nội địa và có lộ trình gia nhập phù hợp. Bài viết này đưa ra hai khuyến nghị: (i) hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa về hòa giải thương mại; (ii) hoàn thiện hệ thống cơ quan thực thi Công ước trong trường hợp gia nhập. 4.1. Khuyến nghị về hoàn thiện pháp luật nội địa Thứ nhất, về phạm vi áp dụng, so với Công ước Singapore, pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải thành ngoài tòa án hiện đang có phạm vi hẹp hơn. Cụ thể, Công ước Singapore đặt ra nghĩa vụ trợ giúp thi hành thỏa thuận hòa giải có yếu tố quốc tế, xét theo địa điểm kinh doanh của các bên tại thời điểm ký kết thỏa thuận hòa giải. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện chỉ có quy định về thi hành thỏa thuận hòa giải trong nước. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cho phép Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải tại Điều 4161. Khi dẫn chiếu đến pháp luật hòa giải là Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 22) thì phạm vi điều chỉnh được làm rõ tại Điều 1 như sau: “Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”. Như vậy, đối với các tranh chấp thương mại quốc tế, có thể chia kết quả hòa giải thành làm hai trường hợp tùy theo việc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện hòa giải theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không. Một là, thỏa thuận hòa giải thành do hòa giải viên Việt Nam, tổ chức hòa giải Việt Nam hoặc tổ chức hòa giải nước ngoài đăng ký tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Nghị định 22 có thể được tòa án công nhận và thi hành theo Chương 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Hai là, thỏa thuận hòa giải thành do hòa giải viên nước ngoài, tổ chức hòa giải nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước ngoài sẽ không thuộc phạm vi của Nghị định 22 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Ví dụ: kết quả hòa giải thành đạt được tại Trung tâm hòa giải quốc tế tại Singapore hay Trung tâm giải quyết tranh chấp hiệu quả tại Anh Quốc khi mang sang Việt Nam để yêu cầu thi hành thì tòa án sẽ không thụ lý theo thủ tục trong Chương 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Nguyễn Mạnh Dũng & Đặng Vũ Minh Hà, 2017). Tương tự như bản án của tòa án nước ngoài, hay phán quyết của trọng tài nước ngoài, do vấn đề chủ quyền quốc gia nên các nước sẽ không mặc nhiên công nhận giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải thành ở nước ngoài. Nghị định 22 được soạn thảo với mục đích ban đầu là tạo ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hòa giải thương mại tại Việt Nam và do đó không hướng đến các thỏa thuận hòa giải có yếu tố nước ngoài, vốn là mục tiêu chính của Công ước Singapore. Do đó, để lấp khoảng trống pháp lý này khi gia nhập Công ước Singapore, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ định nghĩa về tính quốc tế của thỏa thuận hòa giải trong Công ước để có phương án sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị định 22 cho phù hợp. Thứ hai, về điều kiện công nhận và từ chối thi hành, Công ước Singapore hiện có quy định rộng hơn so với pháp luật Việt Nam. Đối với điều kiện về hình thức, Công ước Singapore yêu cầu cung cấp minh chứng về thỏa thuận đạt được thông qua hòa giải cho cơ quan thi hành dưới nhiều cách thức. Thỏa thuận hòa giải có thể chứng minh bằng chữ ký của hòa giải viên trên thỏa thuận, hoặc 1Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”. 73
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2023 bằng văn bản xác nhận của hòa giải viên, trung tâm hòa giải, hay bất kỳ bằng chứng nào khác có thể được chấp nhận. Trong khi đó, Nghị định 22 quy định văn bản về kết quả hòa giải thành bắt buộc phải có chữ ký của hòa giải viên tại Điều 15.3. Đối với điều kiện về nội dung, một số căn cứ từ chối trợ giúp thi hành trong Công ước Singapore chưa có quy định tương ứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Quy định hiện tại ở Điều 417 BLTTDS 2015 gồm ba điều kiện liên quan đến các bên tranh chấp và một điều kiện về nội dung thỏa thuận như sau: “Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”. Như vậy, so với Công ước Singapore, một số căn cứ từ chối chưa có quy định trong pháp luật Việt Nam như: thỏa thuận bị vô hiệu, không thể thi hành, không mang tính ràng buộc, không phải thỏa thuận cuối cùng, hoặc bị sửa đổi sau đó; nghĩa vụ trong thỏa thuận đã được thực hiện, không rõ ràng hoặc không thể hiểu được; hay việc trợ giúp trái với điều khoản của thỏa thuận (Điều 5.1.a-d). Đặc biệt, Công ước Singapore nhấn mạnh rằng, sự vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn áp dụng với hòa giải viên hoặc quy trình hòa giải, hoặc việc hòa giải viên không công khai các thông tin gây nghi ngờ về tính độc lập và trung lập là căn cứ để các nước ký kết có thể từ chối thi hành (Điều 5.1.e-f). Mặc dù Nghị định 22 của Việt Nam có quy định về tiêu chuẩn (Điều 7), nghĩa vụ (Điều 9), và các hành vi bị cấm với hòa giải viên (Điều 10), Nghị định này và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chưa có quy định về hậu quả của việc vi phạm các tiêu chuẩn hoặc nghĩa vụ này. Do đó, để chuẩn bị gia nhập Công ước Singapore, Việt Nam cần lưu ý rà soát, bổ sung các căn cứ từ chối thi hành thỏa thuận hòa giải vào Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trên cơ sở kinh nghiệm tương tự đã làm với Công ước New York. 4.2. Khuyến nghị về thực thi Công ước Singapore Để thực thi tốt Công ước Singapore, ngoài việc chuẩn bị hệ thống pháp luật nội địa đảm bảo tính tương thích, Việt Nam cần chú ý hoàn thiện hệ thống các cơ quan, nguồn nhân lực thực thi Công ước. Đối với cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm tương tự trong quá trình thực thi Công ước New York 1958 để giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp quản lý, theo dõi một cách thống nhất việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành quốc tế2. Theo đó, các quy định về cơ chế thông báo cho cơ quan đầu mối cũng cần được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tương tự như với thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài3. Ngoài ra, kinh nghiệm từ quá trình thực thi Công ước New York cho thấy, nhận thức đầy đủ của đội ngũ thẩm phán, cán bộ tòa án có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tỉ lệ công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (Tòa án nhân dân tối cao, 2016:2). Vì vậy, nếu gia nhập Công ước Singapore, Việt Nam cần nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm hướng đến áp dụng thống nhất Công ước giữa các tòa án trong quá trình giải quyết các đơn yêu cầu thi hành thỏa thuận hòa giải thành. 5. Kết luận Công ước Singapore về hòa giải là thành công lớn của Liên Hợp Quốc trong việc tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất nhằm thực thi các thỏa thuận hòa giải thành xuyên biên giới. Bên cạnh việc quy định những nguyên tắc trợ giúp thực thi thỏa thuận hòa giải thành, Công ước này tạo ra sự linh hoạt cho các quốc gia thành viên được đưa ra bảo lưu nhất định khi gia nhập. Có thể thấy, tham gia Công ước này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của hòa giải thương mại tại Việt Nam vì các thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải viên Việt Nam hoặc trung tâm 2 Công văn số 1001/VPCP-PL ngày 20/5/2015 của Văn phòng Chính phủ. 3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có một số quy định về việc vai trò đầu mối thông tin của Bộ Tư pháp trong công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Điều 451, 454, 460, và 463. 74
- Ngô Trọng Quân, Đỗ Thu Hương hòa giải của Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành tại các quốc gia thành viên khác. Từ đó, Công ước này góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Việc gia nhập Công ước này cũng phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án. Tuy nhiên, để thực thi có hiệu quả Công ước, Chính phủ Việt Nam cần đặc biệt lưu ý vấn đề hoàn thiện pháp luật nội địa đảm bảo sự tương thích, cụ thể là sửa đổi Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cũng như thiết lập một cơ quan đầu mối chuyên trách và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tòa án có liên quan. Tài liệu tham khảo Alexander, Nadja Marie and Chong, Shou Yu. (2019). Singapore Convention Series: Why Is There No ‘Seat’ of Mediation?. Kluwer Mediation Blog. http://mediationblog.kluwerarbitration.com/2019/02/01/singapore- convention-series-why-is-there-no-seat-of-mediation/ Bạch Quốc An. (2021). Đánh giá tác động gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải với Việt Nam. Dân chủ và Pháp luật. Số 10. Bộ Tư pháp. (2021). Báo cáo đánh giá khả năng gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của Việt Nam. Số 14. Deborah Masucci. (2019). From Skepticism to Reality - The Path to Convention for the Enforcement of Mediated Settlements, Cardozo Journal of Conflict Resolution 20. No. 4. Itai Apter, Coral Henig Muchnik. (2019). Reservations in the Singapore Convention - Helping to Make the New York Dream Come True. Cardozo Journal of Conflict Resolution 20. No.4. Itai Apter. (2020). The Singapore Convention on Mediation: The Right Instrument at the Right Time, ASIL Proceedings. 121. Nadja Alexander & Shouyu Chong. (2019). An Introduction to the Singapore Convention on Mediation - Perspectives from Singapore. Research Collection School Of Law. Nederlands-Vlaams tijdschrift voor mediation en conflictmanagement. 4, 37. Natalie Y. Morris-Sharma. (2019). Constructing the Convention on Mediation: The Chairperson's Perspective. Singapore Academy of Law Journal 31. Special Issue. Nguyễn Bá Bình, Nguyễn Thị Anh Thơ. (2015). Pháp luật về hoà giải thương mại và một số khuyến nghị hoàn thiện. Nghiên cứu Lập pháp. Số 3+4. Nguyễn Mạnh Dũng, Đặng Vũ Minh Hà. (2017). Enforcement of Mediated Settlement Agreements in Vietnam: A Step Forward the International Trend?, Kluwer Arbitration Blog. http://arbitrationblog.kluwerarbi tration.com/2017/07/02/deposition-japan-u-s-based-international-arbitration/ Nguyễn Thanh Tâm. (2017). Phương thức hòa giải/trung gian trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Nhà nước và Pháp luật. Số 9. Phạm Hồ Hương. (2021). Nội dung cơ bản của Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Dân chủ và Pháp luật. Số 10. Singapore International Dispute Resolution Academy. (01/06/2023). Singapore Convention on Mediation. https://www.singaporeconvention.org/ Tòa án nhân dân tối cao, USAID. (2016). Kỷ yếu Tập huấn Các quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. 2. http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/2532991?p_cateid=1751905&item_id=201770420 &p_details=1. UNCITRAL. (2014). Planned and Possible Future Work - Part III, Proposal by the Government of the United States of America: Future Work for Working Group II. Note by the Secretariat, UN Doc. A/CN.9/822. 75
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Pháp luật về hoà giải thương mại tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập – Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam
13 p | 46 | 9
-
Quy tắc ứng xử của hòa giải viên và hệ quả của việc vi phạm quy tắc này theo công ước Singapore về hòa giải
6 p | 9 | 5
-
Công ước Singapore về hòa giải nhìn từ góc độ hài hòa hoá pháp luật
10 p | 63 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn