12 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
NGUYỄN DUY PHƯƠNG*<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
ĐẶC ĐIỂM PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI MINH MẠNG<br />
(1820 - 1840)<br />
Tóm tắt: Dưới thời Minh Mạng, những tác động mạnh mẽ từ bối<br />
cảnh lịch sử và chính sách của triều đình đã làm cho Phật giáo<br />
Việt Nam phát triển với nhiều đặc điểm khác biệt so với các giai<br />
đoạn trước đó. Trên cơ sở phân tích, làm rõ đặc điểm Phật giáo<br />
Việt Nam thời Minh Mạng, bài viết tìm hiểu những tác động qua<br />
lại giữa chính sách của nhà nước với sự phát triển Phật giáo, từ<br />
đó góp phần làm rõ hơn đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong<br />
một giai đoạn và cung cấp các thông tin có thể hữu ích cho cơ<br />
quan quản lý Nhà nước về tôn giáo có cơ sở tham chiếu trong<br />
việc quản lý các hoạt động của Phật giáo.<br />
Từ khóa: Đặc điểm, Minh Mạng, Phật giáo, Việt Nam.<br />
<br />
Triều Minh Mạng là triều đại để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc<br />
với nhiều thành tựu trong công cuộc cải cách hành chính, phát triển<br />
văn hóa giáo dục, thống nhất lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền đất nước.<br />
Đối với tôn giáo, trong khi coi Khổng giáo là hệ tư tưởng chính<br />
thống và tìm cách khuếch trương, khẳng định vị trí độc tôn của nó,<br />
triều Minh Mạng vẫn tỏ ra thân thiện, cởi mở đối với Phật giáo. Dưới<br />
thời Minh Mạng, những tác động mạnh mẽ từ bối cảnh lịch sử và<br />
chính sách của triều đình đã khiến cho Phật giáo Việt Nam phát triển<br />
với nhiều đặc điểm khác biệt so với các giai đoạn trước và sau đó.<br />
Do vậy, đây là một giai đoạn không thể bỏ qua khi nghiên cứu lịch<br />
sử Phật giáo Việt Nam.<br />
1. Phật giáo thời Minh Mạng chịu nhiều tác động của yếu tố<br />
cung đình nhưng vẫn mang đậm tính dân gian<br />
Đối với Phật giáo, vua Minh Mạng đã có lần tỏ rõ quan điểm của<br />
mình: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng Tử chỉ dạy<br />
<br />
*<br />
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.<br />
Ngày nhận bài: 13/3/2017; Ngày biên tập: 17/4/2017; Ngày duyệt đăng: 28/4/2017.<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 13<br />
<br />
luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy<br />
người ta làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ở trong vòng trời<br />
đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật, dạy người<br />
bằng thuyết họa phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan.<br />
Một việc khuyên người làm thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống<br />
lại, cũng không thể đổi bỏ đi được”1. Từ thiện cảm đó đối với Phật<br />
giáo, vua Minh Mạng cũng như các quan lại và hoàng thất trong triều<br />
đã dành nhiều sự quan tâm cho việc xây dựng, trùng hưng nhiều chùa<br />
chiền, chú tạo chuông tượng, ngoại hộ, cúng dường cho các sinh hoạt<br />
Phật giáo ở khắp các địa phương, tổ chức một số lễ Phật giáo quy mô<br />
lớn có sự tham dự của cả vua, hoàng tộc và đông đảo quan lại, ban sắc<br />
tứ cho nhiều chùa, cấp bằng Tăng cang, độ điệp cho các tăng sĩ…. Kết<br />
quả của những việc làm đó là đã hình thành nên những ngôi chùa nhà<br />
nước bên cạnh ngôi chùa làng do đông đảo dân quê tạo lập.<br />
Những ngôi chùa do vua quan xây dựng phần lớn đều có quy mô bề<br />
thế, được xây dựng ở những nơi có cảnh trí đẹp với những vật liệu<br />
kiên cố, kiến trúc và các họa tiết trang trí đều mang đậm màu sắc cung<br />
đình. Hình tượng con rồng - biểu tượng quyền uy của vương triều<br />
cũng thấy hiện diện trên nhiều kiến trúc của các ngôi quốc tự nhưng<br />
phổ biến là ở trên nóc chùa, trên bia và thường theo thể “lưỡng long<br />
triều Nguyệt”. Đặc biệt, Tam quan của một số ngôi quốc tự ở Huế như<br />
Thiên Mụ, Thánh Duyên, Báo Quốc thường mang dáng dấp của lối<br />
kiến trúc cổng kinh thành Huế. Trong chính điện của những ngôi chùa<br />
này cũng thường có nhiều hoành phi, đối liễn sơn son thiếp vàng ghi<br />
chép thơ phú hay bút tích của các bậc vua quan, thi sĩ. Tượng thờ cũng<br />
cao lớn, chủ yếu được đúc bằng đồng mạ vàng làm cho Phật điện trở<br />
nên hết sức sang trọng, quyền quý.<br />
Một số ngôi quốc tự như Thánh Duyên (Huế), Khải Tường (Gia<br />
Định), Tam Thai (Quảng Nam) còn xây dựng cả hành cung để vua<br />
nghỉ lại. Những ngôi chùa này thường được canh giữ rất cẩn mật,<br />
không chỉ có sư tăng, dân địa phương coi sóc chùa theo nghĩa vụ lao<br />
dịch, mà còn có cả binh lính của quân đội triều đình. Điển hình:<br />
“Minh Mạng năm thứ 17 (1836), ban dụ rằng: Chùa Tháp núi Thúy<br />
Vân, xây dựng đã xong vậy cho phái 20 người Vũ Lâm, Cấm binh<br />
chia nhau coi giữ, mỗi tháng thay đổi 01 lần”2.<br />
14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
Ở phần lớn chùa Nhà nước, các nghi lễ đều được triều đình chu cấp<br />
mọi lễ phẩm và kinh phí tổ chức nên rất linh đình và trang trọng. Đặc<br />
biệt, những ngôi chùa này cũng là nơi triều đình tổ chức các nghi lễ<br />
lớn mang tính quốc gia, trong đó thường xuyên và quy mô nhất là Lễ<br />
Trai đàn chẩn tế. Cũng là một lễ thuần túy của Phật giáo nhưng lại do<br />
chính triều đình đứng ra tổ chức, với cách thức hết sức trọng thể, tế lễ<br />
dài ngày với sự tham gia của nhà vua, hoàng thất và đông đảo triều<br />
thần đã làm cho nghi lễ này nhuốm màu “quyền quý”. Thậm chí, trong<br />
một số Đại Lễ Trai đàn, để tăng phần long trọng, vua còn cho bắn loạt<br />
đạn thật hoặc pháo giấy như một số lễ lớn trong cung.<br />
Dưới triều Minh Mạng, một bộ phận tăng sĩ tại các ngôi chùa nhà<br />
nước được triều đình cấp lương và cung cấp mọi nhu yếu phẩm hằng<br />
ngày. Đặc biệt, các Tăng cang không khác gì một viên quan triều đình,<br />
được hưởng lương hậu, cùng nhiều ân điển khác. Tuy không được<br />
tham gia triều chính nhưng họ phải chịu sự bổ nhiệm, điều động, phân<br />
công của triều đình, không được quyết định các hoạt động Phật sự<br />
trong chính ngôi quốc tự họ cai quản mà tất cả đều phải theo ý chỉ của<br />
vua, thậm chí khi qua đời họ cũng không được xây tháp mộ và truyền<br />
chùa cho đệ tử. Rõ ràng, màu sắc quan quyền cũng đã hiện diện trong<br />
một bộ phận Tăng sĩ thời kỳ này.<br />
Như vậy, thông qua chính sách của triều đình cùng nhiều hoạt động<br />
ngoại hộ của vua quan, hoàng thất, yếu tố cung đình đã tác động<br />
không nhỏ đến kiến trúc, sinh hoạt, nghi lễ, tăng sĩ của các ngôi quốc<br />
tự, chùa quan khiến cho những ngôi chùa này không còn giữ được sự<br />
bình dị, gần gũi như vốn có của các ngôi chùa Phật mà trở nên quyền<br />
quý, xa cách với đông đảo tín hữu bình dân. Từ đó, hình thành nên<br />
những ngôi chùa, những tăng sĩ, những nghi lễ Phật giáo chỉ phục vụ<br />
cho tầng lớp quý tộc, hoàng thất.<br />
Tuy nhiên, những tác động này chỉ mới dừng lại ở bề mặt, về hình<br />
thức, ở một bộ phận chùa chiền và tăng lữ, chứ không tác động sâu vào<br />
trong tư tưởng, học lý của Phật giáo, số lượng trí thức, quý tộc là Phật<br />
tử thuần thành, chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, thông hiểu kinh điển<br />
Phật không nhiều và cũng không tạo nên được những trước tác có giá<br />
trị về mặt tư tưởng. Bởi lẽ, dù có sùng mộ, ưu ái Phật giáo nhưng họ<br />
vẫn là Nho sĩ, tư tưởng Khổng giáo vẫn được xem là nền tảng của sự<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 15<br />
<br />
nghiệp “tề gia, trị quốc”, vì vậy, hầu hết đều cùng chung một quan<br />
niệm là dĩ Phật tải Nho. Vua Minh Mạng gọi các tiên đế, thái hậu của<br />
mình là Thánh, và Thánh ngang với Phật, nên việc dựng chùa là để<br />
vừa thờ Phật vừa thờ Thánh, chùa là nơi để cầu quốc thái dân an, cầu<br />
cho vương triều bền vững mà lòng vẫn không rời kỷ cương của Khổng<br />
giáo. Câu đối của Minh Mạng trước chùa Thánh Duyên đã cho thấy rõ<br />
điều đó:<br />
Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, có Thánh này mới khai<br />
nguồn Phật pháp cao sâu;<br />
Duyên vốn là nhân, nhân vốn là duyên, có duyên kia ắt mở lối thiện<br />
nhân rộng khắp3.<br />
Không chỉ bậc đế vương mà nhiều sáng tác của giới Nho gia, nhất<br />
là trong các bài văn bia, minh chuông chùa thời Minh Mạng, dễ dàng<br />
tìm thấy tư tưởng “dĩ Phật tải Nho”, lấy Nho để giải thích Phật, dùng<br />
Phật để chuyển tải tư tưởng của Nho. Các tác giả ấy đều lấy kinh điển<br />
của Nho để giải thích Phật, cố chứng minh Nho hay Phật đều cùng<br />
hướng đến việc dạy người làm điều tốt lành, góp phần xây dựng một<br />
quốc gia phong kiến thái hòa ổn định. Bài văn bia ghi việc trùng tu<br />
chùa cổ Linh Sơn được Hữu Thị lang Bộ Lễ Hà Tôn Quyền soạn năm<br />
1828 đã phản ánh rất rõ điều đó:<br />
“… Thánh Thiên từ mở rộng văn giáo, đạo Nho ta sáng như mặt<br />
trời và trăng sao. Những lời dạy trong sáu kinh, Luận ngữ, Mạnh Tử<br />
được nhà nhà, người người truyền tụng. Những cái tinh vi huyền diệu<br />
của Bách gia, phạm vi thật rộng lớn. Duy có một mục đích khuyên<br />
người làm điều thiện thì đối với sự giáo dục cho đời không phương hại<br />
gì nhau. Mượn điều đúng của nó để bổ trợ cho đạo Nho ta, thì việc<br />
chùa hư hỏng xây dựng lại cũng có thể được thôi”4.<br />
Có thể khẳng định, những tác động của yếu tố cung đình trong giai<br />
đoạn này dù có làm thay đổi một bộ phận tăng sĩ, một số ngôi tự viện<br />
nhưng đó chỉ là sự thay đổi về hình thức, ở một bộ phận nên tính chất<br />
cung đình, tính chất quý tộc trong Phật giáo thời Minh Mạng vẫn khá<br />
mờ nhạt, dòng Phật giáo bác học cũng không thể phát triển như thời<br />
Lý - Trần. Dưới thời Lý - Trần, có cả một đội ngũ nhà sư trí thức, phần<br />
nhiều là vua quan rất uyên thâm đạo hạnh. Bằng ánh sáng trí tuệ, họ đã<br />
chứng đắc, đạt đến chân lý vô thường, vô ngã giữa đời trần. Nhà sư<br />
16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
ngoài tư cách là một người tu hành đi tìm sự giải thoát, còn là một nhà<br />
chính trị, nhà ngoại giao, nhà thi sĩ, người giảng đạo và là nhà nghiên<br />
cứu Phật giáo tài hoa, uyên áo với nhiều trước tác mang chở những giá<br />
trị tư tưởng cao diệu. Có cả một thiền phái mới - Phật giáo Trúc Lâm<br />
Yên Tử do chính vua Trần khai sáng và được quý tộc, trí thức nhà Trần<br />
phát triển thành một thiền phái độc tôn trong suốt thế kỷ 13, 14.<br />
Trong khi chịu nhiều tác động từ yếu tố cung đình, Phật giáo thời<br />
Minh Mạng vẫn mang đậm nét tính dân gian. Đây không phải là tính<br />
chất riêng có của Phật giáo thời Minh Mạng mà nó là tính chất chung,<br />
phổ quát của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo ngay khi du nhập vào Việt<br />
Nam đã được dân chúng hân hoan đón nhận vì lẽ nó phù hợp với<br />
phong tục tập quán, với đạo lý sống cổ truyền của người dân Việt, lại<br />
có thể đáp ứng được những yêu cầu giải thoát về mặt tinh thần cho<br />
dân chúng. Trải qua quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam đã không<br />
ngừng thâu hóa, sáng tạo, nhanh chóng thích ứng với môi trường đặc<br />
thù của mỗi địa phương và vì thế, trong sinh hoạt tư tưởng và tôn giáo<br />
của quảng đại quần chúng, quan điểm Phật đã được dân gian hóa, làm<br />
nên đặc điểm xuyên suốt trong cả tiến trình phát triển của Phật giáo<br />
Việt Nam - đó là tính dân gian.<br />
Tính dân gian trong Phật giáo thể hiện trước hết ở niềm tin của dân<br />
chúng, đặc điểm của ngôi chùa, nền nếp sinh hoạt, phương pháp tu<br />
chứng và hành đạo của các sư tăng. Trong thời Minh Mạng, hoạt động<br />
trùng tu chùa chiền, tô tượng, đúc chuông vẫn diễn ra khá sôi động ở<br />
khắp các làng quê với sự tham gia của đông đảo dân chúng. Kinh sách<br />
vẫn tiếp tục được khắc in với số lượng lớn với đủ thể loại, nhưng<br />
chiếm số lượng lớn nhất vẫn là những kinh Phật phổ thông thường<br />
được đọc tụng, như: kinh Dược Sư, Địa Tạng, Phổ Môn…. Người dân<br />
đến chùa không phải để tìm đến những giáo lý thậm thâm, vi diệu của<br />
Phật giáo, mà họ đến chùa lễ Phật, dâng hương vào ngày Sóc, ngày<br />
Vọng, góp tiền của, ruộng vườn, làm công đức cho chùa chủ yếu để<br />
thỉnh cầu chư Phật độ trì cho hạnh phúc của cá nhân và thân nhân của<br />
mình trong cuộc sống hôm nay và cuộc sống ở thế giới bên kia. Sự tin<br />
tưởng vào quyền năng vô hạn của Phật cùng những mong cầu thực<br />
dụng của dân chúng hiện hữu trong khắp các minh chuông hay văn bia<br />
chùa thời kỳ này5.<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 17<br />
<br />
Cũng như các giai đoạn trước, thời Minh Mạng, chùa cũng được<br />
xây dựng ở trung tâm làng, nơi dân chúng dễ lui tới cúng bái, nó gần<br />
gũi, thân quen, không biệt lập xa cách mà hòa vào đời sống làng xã.<br />
Chùa làng không chú trọng đến quy mô bề thế của công trình, kiến<br />
trúc và trang trí không cầu kỳ; thờ tự cũng không quá rườm rà, phức<br />
tạp mà tương hợp với các cơ sở tôn giáo cổ truyền khác của làng quê.<br />
Ngôi chùa làng không chỉ là nơi thực hành tôn giáo mà đó trở thành<br />
một trong những trung tâm văn hóa làng, nơi tổ chức các sinh hoạt<br />
cộng đồng, các lễ hội làng.<br />
Trong ngôi chùa thời Minh Mạng, đối tượng thờ cúng cũng rất đa<br />
dạng, không chỉ thờ Phật mà còn thờ nhiều vị hữu công, những bậc<br />
tiền bối khai canh làng xã, thờ ông bà tổ tiên của những gia đình có<br />
nhiều công đức với chùa, thờ các vị thần, vị thánh của các tôn giáo<br />
khác. Đề cao việc thờ cúng tổ tiên nên nhiều chùa ở Miền Trung và<br />
Nam Bộ còn phổ biến lối thờ tiền Phật hậu tổ tức bàn thờ Tổ sư (sư tổ<br />
trụ trì chùa) được đặt ngay sau bàn thờ Phật. Ví dụ, chùa Quốc Ân<br />
(Huế), chùa Chúc Thánh (Hội An), chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm,<br />
chùa Từ Ân (Thành phố Hồ Chí Minh)… đều có dạng chính điện, phía<br />
trước thờ Phật, phía sau ngăn ra thành gian thờ Tổ hoặc các tăng<br />
chúng quá cố. Ngoài ra, trong nhiều ngôi chùa còn có miếu thờ Sơn<br />
thần (chùa Kim Phong, Quảng Bình), án thờ các vị thần làng (chùa<br />
Vĩnh An, Quảng Nam) và án thờ âm hồn (chùa Từ Tâm, Đà Nẵng),<br />
thờ Hậu và thờ những người gửi giỗ (chùa làng Miền Bắc). Sự hiện<br />
diện của nhiều đối tượng thờ tự thuộc niềm tin dân gian trong ngôi<br />
chùa đã cho thấy sự thẩm thấu vào nhau của Phật giáo với tôn giáo<br />
truyền thống của người Việt.<br />
Ngoài một số ít tăng sĩ ở các ngôi quốc tự chịu ảnh hưởng của lối<br />
sống cung đình, mang màu sắc “quan quyền”, còn phần lớn sư tăng<br />
vẫn sinh hoạt, ăn ở rất giản dị, gần gũi và thân thiện với Phật tử và dân<br />
chúng bình dân. Chẳng hạn, khi nhận xét Thiền sư Tiên Thường -<br />
Viên Trừng (1777-1853), trụ trì chùa Tam Thai từ năm 1826-1853,<br />
Ngũ Hành Sơn Lục đã chép: Sư “tu hành cần mẫn, tham thiền nhập<br />
định, ăn cơm vào giữa trưa, mỗi bữa ăn đều tụng kinh, tay niệm Bồ đề,<br />
miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hai ngón tay cọ xát vào nhau.<br />
Rạng sáng khi thức dậy, tăng đồ còn thấy một vị thần giống như Hộ<br />
18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
pháp thường đứng ở đầu giường bảo vệ cho ngài”6. Trong các danh<br />
tăng thời Minh Mạng, cũng có không ít các thiền sư sẵn sàng từ bỏ<br />
cuộc sống “vương giả” chốn kinh đô cùng nhiều ân điển của nhà vua<br />
để lựa chọn cuộc sống ẩn mình, khổ hạnh ở chốn quê nhà. Tiêu biểu<br />
như Thiền sư Tánh Thông - Giác Ngộ (1774-1842), mặc dù đã được<br />
triều đình phong làm Tăng cang và mời ở lại chùa Giác Hoàng nhưng<br />
ngài vẫn từ chối, xin được về lại chùa cũ (chùa Bát Nhã, Phú Yên) để<br />
thuyết giáo chữa bệnh giúp dân; Thiền sư Tánh Thiên - Nhất Định<br />
(1784-1847) được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang chùa Giác<br />
Hoàng (1839), nhưng sau một thời gian, ngài cũng xin từ chức và vào<br />
núi Dương Xuân dựng thảo am tĩnh tu, phụng dưỡng mẹ già hết mực<br />
hiếu kính.<br />
2. Hoạt động hoằng pháp được mở rộng, có sự giao lưu, hội<br />
nhập giữa Phật giáo các vùng miền trong cả nước<br />
Muốn quản lý và thống nhất mọi hoạt động của Phật giáo nên vua<br />
Minh Mạng trực tiếp quản lý, phân bổ nhân sự của các ngôi tự viện<br />
lớn. Vua thường triệu mời các danh tăng ở vùng Gia Định ra trụ trì các<br />
ngôi chùa ở kinh đô Huế và phong chức Tăng cang với nhiều hậu đãi.<br />
Điển hình như ngài Tổ Ấn Mật Hoằng, Tiên Giác Hải Tịnh, Tế Chánh<br />
Bổn Giác.… Các thiền sư này trong thời gian hoằng hóa ở kinh đô đã<br />
góp nhiều Phật sự cho nơi đây, không chỉ trùng tu chùa chiền, tổ chức<br />
nhiều sinh hoạt Phật giáo có quy mô lớn, góp phần xiển dương Đạo<br />
pháp, quy tụ phát triển tín đồ, mà còn truyền pháp cho nhiều thế hệ đệ<br />
tử ở đây, phát triển các thiền phái ở Nam Bộ đến tận kinh đô Huế, từ<br />
đó góp phần tạo nên một giai đoạn phát triển hưng thịnh của Phật giáo<br />
Huế. Nhưng đồng thời, các thiền sư này vẫn không quên quê cha đất<br />
tổ, họ còn trở về vùng đất Gia Định, tiếp tục các hoạt động Phật sự<br />
còn dang dở và tiếp tục truyền dạy cho đệ tử ở nơi cố hương. Như vậy,<br />
thông qua hoạt động hoằng hóa của các thiền sư này, từ trung tâm Gia<br />
Định - nơi đầu tiên đón nhận các thiền phái truyền nhập vào Việt Nam<br />
ở khu vực phía Nam, các dòng thiền ở Nam Bộ dần lan tỏa mạnh mẽ<br />
về khu vực Miền Trung, từ đó, tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa các<br />
dòng thiền ở Miền Trung và Miền Nam, cũng như giữa sư tăng hai<br />
miền, từ đó góp phần tạo nên nhiều nét tương đồng cho Phật giáo<br />
Miền Trung và Nam Bộ không chỉ ở giai đoạn này mà cả về sau.<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 19<br />
<br />
Sự giao lưu, gặp gỡ của giới tăng sĩ trong thời phong kiến thường<br />
diễn ra tự phát thông qua các lần vân du, giáo hóa đây đó của các thiền<br />
sư. Họ thường đi một mình hoặc nhóm hai ba người. Với điều kiện giao<br />
thông nhiều trắc trở lúc bấy giờ, chắc chắn việc này cũng rất hiếm khi<br />
xảy ra, và cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Còn dưới thời Minh Mạng,<br />
dưới tác động của triều đình, các tăng sĩ có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn<br />
thông qua các lần triều đình tổ chức Lễ Trai đàn chẩn tế và sát hạch<br />
tăng sĩ.<br />
Trong số các đời vua ở Việt Nam, có thể nói vua Minh Mạng là<br />
người tổ chức lễ Trai đàn chẩn tế nhiều và quy mô nhất. Mỗi dịp Trai<br />
đàn, không chỉ tăng sĩ tại nơi tổ chức lễ được tham dự mà triều đình<br />
còn triệu vời đông đảo tăng sĩ ở nhiều địa phương khác đến tham dự.<br />
Chẳng hạn, như Trai đàn năm Minh Mạng thứ hai (1821) được tổ<br />
chức tại chùa Thiên Mụ (Huế), ngoài tăng sĩ tại kinh đô, còn có 66<br />
tăng sĩ đến từ Gia Định, 142 tăng sĩ đến từ Quảng Nam, Quảng Trị,<br />
Quảng Bình, Quảng Ngãi7; Hay như Trai đàn tại chùa Phật Tích (tỉnh<br />
Sơn Tây) năm 1840 có sự tham dự của 20 tăng sĩ ở kinh đô Huế, cùng<br />
với gần 50 tăng sĩ ở các tỉnh lân cận8.<br />
Trong 20 năm trị vì của vua Minh Mạng, triều đình đã tổ chức 3 lần<br />
sát hạch tăng sĩ. Đây là dịp các tăng sĩ ở khắp mọi miền đất nước về<br />
kinh đô dự sát hạch để được cấp độ điệp. Trong danh sách các tăng sĩ<br />
được triều Minh Mạng cấp độ điệp mà chúng tôi thống kê được, có<br />
đầy đủ các đại điện đến từ Bắc, Trung, Nam. Điển hình như lần sát<br />
hạch tăng sĩ năm 1835 tại chùa Thiên Mụ, có 3 thiền sư đến từ các<br />
chùa ở Hà Nội, tỉnh Hà Nam có 1 thiền sư, tỉnh Ninh Bình có 1 thiền<br />
sư, tỉnh Hải Dương có 1 thiền sư, tỉnh Quảng Ninh có 1 thiền sư, tỉnh<br />
Bắc Ninh có 2 thiền sư, tỉnh Bắc Giang có 1 thiền sư, tỉnh Nghệ An có<br />
1 thiền sư, tỉnh Hà Tĩnh có 1 thiền sư, tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 thiền<br />
sư, tỉnh Quảng Nam có 1 thiền sư, tỉnh Quảng Ngãi có 1 thiền sư.<br />
Như vậy, mỗi dịp vua Minh Mạng tổ chức Lễ Trai đàn chẩn tế hay<br />
sát hạch tăng sĩ cũng là lúc tăng sĩ ở các địa phương có dịp giao lưu,<br />
gặp gỡ nhau. Điều đáng nói là nó không chỉ diễn ra ở các địa phương<br />
gần nhau, hay trong từng vùng miền với một vài cá nhân mà ở đây<br />
phạm vi rất rộng lớn và số lượng đông đảo. Có thể thấy có cả các tăng<br />
sĩ Miền Nam ra Miền Trung hay từ Miền Trung ra Bắc. Điều này chắc<br />
20 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
chắn sẽ không thể xảy ra ở các thời kỳ trước bởi đây là kết quả của<br />
công cuộc thống nhất đất nước không chỉ trên phương diện lãnh thổ<br />
mà cả ở mặt chính quyền. Chỉ khi có lãnh thổ thống nhất và chính<br />
quyền thống nhất thì sự giao lưu, gặp gỡ mới được thực hiện rộng rãi<br />
và thông suốt đến như vậy. Từ sự giao lưu, gặp gỡ của tăng sĩ, Phật<br />
giáo các vùng miền cũng xích lại gần nhau. Đây là tiền đề quan trọng<br />
góp phần tạo nên sự thống nhất cho Phật giáo Việt Nam ở các giai<br />
đoạn sau.<br />
3. Phát triển mạnh mẽ trên phương diện vật chất nhưng có sự<br />
chững lại về học lý<br />
Về phương diện ngoại hộ cho hoạt động xây dựng, trùng kiến chùa<br />
chiền, tu tạo pháp tượng, pháp khí, có thể nói triều Minh Mạng không<br />
thua kém gì các triều đại sùng mộ Phật giáo như Đinh-Lê, Lý-Trần<br />
hay chúa Nguyễn. Trong dân gian, lệnh cấm của triều đình cũng chỉ<br />
có tác dụng làm giảm số lượng chùa làng được xây mới chứ hoạt động<br />
trùng tu chùa cũ, tô tượng, đúc chuông mới vẫn diễn ra sôi động ở<br />
khắp các làng quê. Nhờ ân điển của triều đình, nhiều ngôi chùa quan,<br />
chùa vua có đời sống vật chất khá dồi dào. Không chỉ được cấp tiền,<br />
nhu yếu phẩm, lễ phẩm nhiều chùa còn được cấp ruộng. Ngoài ruộng<br />
do vua ban cấp, các chùa còn được cúng ruộng từ đông đảo hoàng<br />
thất, quan lại, những người giàu có hay tập thể của làng. Sau một thời<br />
gian dài bị giảm sút nghiêm trọng dưới thời Lê, Tây Sơn, đến thời<br />
Minh Mạng, ruộng chùa có sự phát triển nhanh chóng, nhất là ở khu<br />
vực Miền Trung và Miền Nam. Sử nhà Nguyễn ghi chép không ít việc<br />
cúng ruộng cho chùa của vua quan và hoàng thất. Hầu khắp bia chùa ở<br />
các làng xã cũng đều ghi tạc tên gia chủ và diện tích ruộng hiến cúng.<br />
Hoa lợi từ ruộng chùa hoàn toàn dùng để chi cấp cho các hoạt động<br />
Phật sự và sinh hoạt của chùa.<br />
Rõ ràng, cùng với nền kinh tế phát triển và sự mến mộ Phật giáo của<br />
đông đảo Phật tử, chùa chiền, pháp tượng, pháp khí đã không ngừng<br />
phát triển về số lượng cũng như quy mô, đời sống kinh tế nhà chùa<br />
được cải thiện tạo nên một diện mạo đầy khởi sắc cho Phật giáo đương<br />
thời. Nhưng đó chỉ mới là sự phát triển trên phương diện vật chất. Còn<br />
một phương diện khác cũng không kém phần quan trọng - đó là học lý,<br />
là phần hồn của Phật giáo lại có sự chững lại về nhiều mặt.<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 21<br />
<br />
Học lý của Phật giáo thể hiện trước hết ở kinh sách. Triều thần nhà<br />
Lý, Trần quan tâm đến Phật giáo không chỉ ở việc xây dựng chùa<br />
chiền, tổ chức nghi lễ mà còn ở việc trân trọng kinh sách, chú tâm<br />
khảo cứu kinh điển Phật giáo. Vua Lý, Trần đã nhiều lần sai sứ sang<br />
Trung Quốc thỉnh các bộ Đại Tạng Kinh về in ấn truyền bá rộng rãi<br />
trong nước. Thời kỳ này, bên cạnh hệ thống kinh sách do các cao tăng<br />
đương thời biên soạn, còn có các tác phẩm Thiền học của chính vua<br />
quan nhà Trần9 với nhiều tư tưởng khai phóng, phá chấp đầy mới lạ,<br />
góp phần đáng kể vào nền Phật học nước nhà. Chính Phật giáo Trúc<br />
Lâm, niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam cũng do chính vua Trần<br />
khai sáng. Điều đó cho thấy, triều Lý, Trần đến với Phật giáo bằng<br />
chính sự hiểu biết cái hay, cái đẹp của giáo lý Phật đà, của tinh thần<br />
Phật học chứ không chỉ ở sự huyền nhiệm của tôn giáo, không chỉ<br />
ngưỡng mộ, thực hành mà họ còn sáng tạo nên những tư tưởng thiền<br />
mang đậm sắc thái dân tộc. Tuy không phát triển rực rỡ như thời Lý,<br />
Trần nhưng về phương diện học lý, Phật giáo thời Lê Sơ và thời Trịnh<br />
- Nguyễn cũng có những bước tiến đáng kể với sự hình thành các chi<br />
phái mới do chính các thiền sư người Việt tạo lập như Liễu Quán,<br />
Chúc Thánh, Liên Tông, cùng với đó là sự xuất hiện của một số nhà<br />
nghiên cứu triết lý Phật học nổi tiếng như Minh Hành, Hương Hải,<br />
Chân Nguyên, Ngô Thì Nhậm,….<br />
Nhưng đến thời Minh Mạng, trong khi rất nhiều chùa được xây dựng<br />
thì lại hoàn toàn không có hoạt động thỉnh kinh hay in ấn kinh sách quy<br />
mô lớn nào được khởi xướng từ triều đình. Thỉnh thoảng, vua Minh<br />
Mạng hỗ trợ cho các chùa khắc in một vài bộ Kinh nhưng phần lớn chỉ là<br />
những kinh tụng trong các trai đàn như Kinh Đại Tạng, Thủy Sám10. Các<br />
tác phẩm Phật học ra đời trong giai đoạn này phần lớn là của các thiền<br />
sư nhưng chủ yếu cũng chỉ là tập hợp, biên khảo về lịch sử Phật giáo,<br />
chú giải, chuyển âm kinh tạng. Hoàn toàn vắng bóng những công trình<br />
khảo cứu có giá trị về giáo lý, tư tưởng Phật học. Quan điểm, tư tưởng<br />
của giới thiền gia lúc này cũng chỉ là sự kế thừa, tiếp nối các bậc tiền<br />
bối, chứ không có sự khai phóng, đổi mới đáng chú ý nào.<br />
Trong các thế kỷ 16, 17, một số thiền phái có nguồn gốc Trung Hoa<br />
đã du nhập vào nước ta như phái Lâm Tế, Tào Động và từ đó cũng<br />
hình thành nên những chi phái khởi nguyên từ chính các thiền sư Việt<br />
22 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
Nam như phái Liễu Quán, Chúc Thánh, Liên Tông. Qua hơn 3 thế kỷ,<br />
những thiền phái này đều đã bám rễ sâu trong đời sống tâm linh của<br />
người dân Việt, tạo dựng được nhiều thế hệ đệ tử tài giỏi, mở rộng ảnh<br />
hưởng ra khắp mọi miền của đất nước. Nhưng đến giữa thế kỷ 19,<br />
những biểu hiện, đặc trưng của từng tông phái lại rất mờ nhạt. Tuy đệ<br />
tử của các thiền phái này vẫn tiếp tục phát triển nhưng rất khó tìm thấy<br />
đại diện tiêu biểu cho từng tông phái bởi họ không để lại tác phẩm,<br />
không có những dấu ấn nổi bật trong hoạt động hoằng pháp, tư tưởng<br />
và phương pháp tu tập có sự đan xen, hòa trộn giữa các tông phái. Một<br />
thiền sư có thể nhận sự truyền pháp của 2-3 tổ sư, thuộc 2-3 tông phái<br />
khác nhau11. Phật giáo thời Minh Mạng cũng không có sự xuất hiện<br />
những tông phái hay chi phái mới như thời Lý, Trần hay thời Trịnh -<br />
Nguyễn, các tông phái đã có trong các thế kỷ trước tiếp tục truyền<br />
thừa nhưng dấu ấn rất mờ nhạt, không tạo được hoạt động hay để lại<br />
tư tưởng đáng chú ý nào.<br />
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết xuất phát từ chính<br />
bản thân Phật giáo. Trong khi được vua quan ủng hộ mạnh mẽ về vật<br />
chất, các sư tăng, nhất là những người có vai trò lãnh đạo, được triều<br />
đình nể trọng đã không nhân cơ hội đó để xây dựng căn bản tự túc cho<br />
tôn giáo mình, xa rời phương châm bất tác bất thực của thanh quy<br />
Bách Trượng, không quan tâm xây dựng những Phật học viện, thiền<br />
viện để nghiên cứu, giảng dạy kinh điển, truyền thụ Phật pháp cho đệ<br />
tử, mà mất quá nhiều thời gian do các hoạt động dựng chùa, tô tượng,<br />
đúc chuông, tế lễ cầu mưa, làm chay, cầu phúc thọ cho nhà vua, xin<br />
bằng sắc tứ, Tăng cang. Lúc này, Phật giáo cũng chưa xây dựng được<br />
một tổ chức thống nhất như kiểu giáo hội thời Trần nên sự tu tập, hành<br />
đạo của tăng sĩ cũng như hoạt động Phật sự của chùa đều mang tính<br />
rời rạc, cục bộ địa phương, không theo một hướng chung nào. Giáo<br />
dục Phật giáo thời kỳ này vẫn theo lối truyền thống một thầy, một trò<br />
chứ chưa có trường lớp tập trung đào tạo tăng sĩ, nghiên cứu kinh điển<br />
một cách quy củ như giai đoạn sau.<br />
Về phía Nhà nước, mà đứng đầu là vua Minh Mạng, tuy mến mộ<br />
Phật giáo, nhưng ông là một đại danh nho, vẫn lấy Khổng giáo làm tư<br />
tưởng chính thống của triều đại nên sự quan tâm của ông đối với Phật<br />
giáo cũng chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ cho công cuộc trị nước.<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 23<br />
<br />
Sự phát triển suốt một thời gian dài của Khổng giáo cùng với nền<br />
giáo dục Nho học cũng đã tác động ít nhiều đến tư tưởng, trước tác<br />
của các bậc xuất gia bởi lẽ trước khi trở thành đệ tử của Đức Như Lai<br />
thì họ cũng là học trò của Khổng, Mạnh. Do vậy, từ sau thế kỷ 15, xu<br />
hướng giáo điều và bám dựa vào chữ nghĩa trong tu học của Phật giáo<br />
ngày càng mạnh, làm cho nó bị xơ cứng và suy nhược, thiếu sinh khí<br />
chứ không còn phóng khoáng, sáng tạo như thời Lý, Trần.<br />
Ngoài ra, trong những năm chiến tranh, những hung đồ trong bước<br />
đường cùng cũng đã tìm đến cửa chùa trốn trách sự truy đuổi của quan<br />
binh, hay dân chúng cũng đến ở chùa để qua cơn khốn khó hay tránh<br />
đi lính. Vì vậy, vua Gia Long, khi ban hành Hoàng Việt Luật Lệ đã có<br />
những điều khoản quy định cụ thể về lối sống, đạo hạnh của tăng sĩ<br />
cũng như có nhiều quy định chặt chẽ để quản lý đội ngũ này. Trong<br />
các lần triều Minh Mạng tổ chức sát hạch tăng sĩ, vẫn có không ít tăng<br />
sĩ không qua được cuộc sát hạch của Bộ Lễ, buộc phải hoàn tục.<br />
Chẳng hạn, như trong lần sát hạch năm 1830, trong 53 người tham dự,<br />
có 12 người được xếp hạng xảo thông, 38 người vào hạng hơi thông<br />
và có 3 người không thông12. Với những bộ phận tăng sĩ không thực<br />
tu, thực học này chẳng những không giúp gì cho đạo pháp mà còn làm<br />
cho học lý bị méo mó, giáo điều, kỷ cương bị xem nhẹ, từ đó góp<br />
phần làm cho Phật giáo mục ruỗng từ bên trong.<br />
Kết luận<br />
Sau nhiều thế kỷ sa sút do tình trạng chiến tranh, chia cắt của đất<br />
nước, có thể đến thời Minh Mạng, Phật giáo đã được chấn hưng với sự<br />
ra đời của hàng loạt ngôi đại tự, chùa chiền cùng nhiều pháp tượng,<br />
pháp khí được mọi tầng lớp xã hội nhiệt tâm trùng tu, tôn tạo, các sinh<br />
hoạt Phật giáo được tổ chức thường xuyên, tăng sĩ được triều đình trọng<br />
vọng ban chức tước cùng nhiều hậu đãi, kinh điển được sưu tầm, khắc<br />
in với số lượng lớn…. Tuy nhiên, trong sự phát triển ấy vẫn tiềm ẩn<br />
những yếu tố bất ổn khi mà sự phát triển của đời sống vật chất lại không<br />
cùng chiều với sự phát triển về tinh thần, về tư tưởng, học lý; diện mạo<br />
khởi sắc lại được tạo dựng không phải chủ yếu từ nội lực của chính<br />
Phật giáo mà phần nhiều do sự trợ lực, ngoại hộ của triều đình. Sự phát<br />
triển thiếu cân bằng cùng những tác động từ thái độ, ứng xử của triều<br />
đại, và bối cảnh lịch sử đã hình thành ở Phật giáo thời Minh Mạng<br />
24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3&4 - 2017<br />
<br />
những đặc điểm riêng biệt bên cạnh những đặc điểm chung, phổ quát<br />
của Phật giáo Việt Nam. Dẫu có những khác biệt nhưng Phật giáo thời<br />
Minh Mạng đã tiếp tục kế thừa và thể hiện được vai trò của mình trong<br />
đời sống chính trị, văn hóa đất nước thế kỷ 19. Ngày nay, trong bối<br />
cảnh toàn cầu hóa, để có thể “hòa nhập nhưng không hòa tan”, những<br />
yếu tố tích cực của Phật giáo - một phần tư tưởng của văn hóa Việt sẽ<br />
góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.<br />
<br />
CHÚ THÍCH:<br />
1 Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Bản dịch của Viện<br />
Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 718.<br />
2 Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in<br />
lần thứ 2, Tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 512.<br />
3 “Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp<br />
chi sùng thâm,<br />
Duyên bản thị nhân, nhân bản thị duyên, hữu thị duyên nãi khuyến thiện nhân<br />
chi quảng bị” (Đại Đức Thích Đồng Dưỡng dịch)<br />
4 Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2007), Văn bia triều Nguyễn (tuyển chọn), tập 1: 46.<br />
5 Chẳng hạn như bài minh văn trên chuông chùa Bồng Lai (1820) có đoạn: Phật<br />
Tam Bảo chứng minh/Nhờ muôn thần bảo hộ!/Để từ đây dân thôn/Sống vững<br />
vàng kiên cố.../Các thần ác đâu đó/Nghe chuông kêu trốn dài/Các thần thiện dù<br />
xa/Nghe chuông gào đến ngay! [Phạm Thúy Hợp (1998), Sưu tập chuông thời<br />
Nguyễn tàng trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, trường<br />
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: 74].<br />
6 Ấn Lan - Tổ Huệ - Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn lục (五行山錄), chùa Ba<br />
Phong (Duy Xuyên, Quảng Nam) tàng bản, tr. 24a.<br />
7 Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, Nxb. Văn hóa<br />
Thông tin, Hà Nội: 35.<br />
8 Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 5, Bản dịch của Viện<br />
Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 735.<br />
9 Sách Thiền Tông Chỉ Nam, Khóa Hư Lục, Kim Cương Tam Muội Kinh chú<br />
giải… của vua Trần Thái Tông, sách Trúc Lâm Hậu Lục, Thiền Lâm Thiết Chủy<br />
Ngữ Lục, Tăng Già Toái Sự… của vua Trần Nhân Tông, sách Thượng Sĩ Ngữ<br />
Lục của Tuệ Trung Thượng Sỹ.<br />
10 Năm 1825, vua Minh Mạng cho khắc ván kinh Đại Tạng, Thủy Sám để đọc tụng<br />
trong trai đàn.<br />
11 Ví dụ: Thiền sư Giác Trí Thanh Lương (chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh). Lúc đầu, Ngài<br />
xuất gia với thiền sư Tịnh Lâm, thuộc pháp phái Lâm Tế, được ban pháp danh Chiếu<br />
Trí. Sau ngài tham học với tổ Đạo Nguyên Khoan Dực, phái Tào Động, được dịch<br />
danh là Giác Trí; Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh, xuất gia tại chùa Từ Ân nhưng là đệ<br />
tử của Hòa thượng Viên Quang (trụ trì chùa Giác Lâm), được truyền thừa theo bài kệ<br />
của ngài Đạo Mân Mộc Trần nên có pháp danh là Tiên Giác, thuộc thế hệ thứ 37<br />
pháp phái Lâm Tế. Sau đó, ngài lại cầu pháp với thiền sư Thiệt Thoạt Tánh Đường,<br />
thuộc dòng Lâm Tế của ngài Tổ Định Tuyết Phong, thuộc thế hệ 36 của thiền phái<br />
này và có thêm một pháp danh nữa là Tế Giác Quảng Châu [Thích Trí Quảng (2002),<br />
Nguyễn Duy Phương. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam... 25<br />
<br />
<br />
<br />
“Tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh) và tổ sư Tế Giác -<br />
Quảng Châu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn -<br />
Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 8]<br />
12 Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in<br />
lần thứ 2, Tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 361.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Đỗ Thị Hảo (chủ biên) (2009), Văn bia Tiên Lãng - Hải Phòng, Nxb. Khoa học<br />
xã hội, Hà Nội.<br />
2. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, Nxb. Văn hóa<br />
Thông tin, Hà Nội.<br />
3. Phạm Thúy Hợp (1998), Sưu tập chuông thời Nguyễn tàng trữ tại Viện Bảo tàng<br />
Lịch sử Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân<br />
văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
4. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in<br />
lần thứ 2, Tập 4, 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế.<br />
5. Nguyễn Duy Phương (2014), “Chính sách đối với Tăng sĩ thời Minh Mạng”,<br />
Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (137).<br />
6. Thích Trí Quảng (2002), “Tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)<br />
và Tổ sư Tế Giác - Quảng Châu”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia<br />
Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, 5, Bản dịch của<br />
Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.<br />
8. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2007), Văn bia triều Nguyễn (tuyển chọn), tập 1.<br />
9. Hòa thượng Phúc Điền, Thiền uyển truyền đăng lục (禪宛傳燈錄),Vhv.9.<br />
10. Ấn Lan - Tổ Huệ - Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn Lục (五行山錄), chùa Ba<br />
Phong (Duy Xuyên, Quảng Nam) tàng bản.<br />
Abstract<br />
CHARACTERISTICS OF VIETNAMESE BUDDHISM<br />
IN MINH MANG PERIOD (1820-1840)<br />
Under the reign of Minh Mang, strong influences from the historical<br />
context and policies of the court led to the development of Buddhism in<br />
Vietnam with many different characteristics than previous periods. Based on<br />
the analysis and clarification of the characteristics of the Vietnamese<br />
Buddhism in the Minh Mang period, the paper explores the interaction<br />
between the state policy and the development of Buddhism, thus clarifying<br />
the characteristics of Vietnamese Buddhism in a period of time and provide<br />
information that may be useful to the state administration of religion having<br />
a reference basis in the management of Buddhist activities.<br />
Keywords: Buddhism, characteristic, Ming Mang, Vietnam.<br />